9 Sự kiện chứng khoán nổi bật nhất năm 2011

5,604
7
38

metyruoi

Active Member
2011 là 1 năm không thể quên với đầy sóng gió trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hãy cùng CafeF nhìn lại.

1. Thị trường suy giảm trầm trọng & cổ phiếu lớn “bóp méo” Vn-Index

Thị trường suy giảm liên tục chính là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong năm vừa qua.





HNX-Index đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 58,9 điểm vào ngày 15/12. Vn-Index hiện cũng ở mức thấp nhất trong một năm qua.



Thị trường đi xuống dẫn đến hệ quả là thanh khoản sụt giảm, thị giá nhiều cổ phiếu xuống rất thấp. Không ít cổ phiếu đã mất 80-90% giá trị so với đầu năm. Cá biệt cổ phiếu VKP của Nhựa Tân hóa có lúc đã xuống còn 600 đồng/cp.

Những nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng trong năm vừa qua là nhóm chứng khoán, bất động sản…

Một điểm đáng chú ý nữa là Vn-Index đã có nhiều giai đoạn không phản ánh đúng thực tế bởi sự tăng/giảm bất thường của nhóm cổ phiếu lớn gồm “tứ trụ” gồm VNM-BVH-VIC-MSN cùng với VPL.

2. Thông tư 74: Cho phép margin, mở nhiều tài khoản, giao dịch cổ phiếu trong ngày

Điểm nhấn chính sách của năm 2011 là việc cho phép nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản, giao dịch mua/bán cổ phiếu trong ngày và triển khai giao dịch ký quỹ. Thực tế các nội dung này trước đó đã xuất hiện trên thị trường nhưng đều là các giao dịch “chui”.

Hiện có gần 40 CTCK được cấp phép giao dịch ký quỹ.

Có khoảng 160 cổ phiếu niêm yết không được giao dịch ký quỹ, chủ yếu là có kết quả kinh doanh lỗ; trong đó có nhiều cổ phiếu thanh khoản cao như KLS, BVS, VND, SSI, SAM…

Tuy nhiên một nội dung được mong chờ là T+2 vẫn chưa được đề cập.

3. Thông tư 226 và đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán

Thông tư 226 về việc giám sát an toàn tài chính cho CTCK, công ty quản lý quỹ đã được Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/4/2011. Theo đó, những trường hợp không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính (tính theo tỷ lệ vốn khả dụng) sẽ bị cơ quan quản lý đưa vào tình trạng kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt.

Hiện có khoảng 40 CTCK chưa đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính nhưng UBCK chưa công bố danh sách này. Với các công ty vi phạm chỉ tiêu này, có thể sẽ bị rút giấy phép hoạt động môi giới, thậm chí rút giấy phép hoạt động công ty.

Trong tháng 12, UBCK đã trình Chính phủ đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán gồm các nội dung: Tái cấu trúc CTCK (phân loại CTCK dựa theo thông tư 226); nâng cao tiêu chuẩn niêm yết; đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư....

3. Bùng nổ hoạt động mua bán sáp nhập (M&A)

Hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp diễn ra sôi động trong suốt cả năm dưới nhiều hình thức khác nhau.

Những thương vụ “thay tên/đổi chủ” đáng chú được thực hiện trong năm qua như Tập đoàn Xuân Thành mua lại Chứng khoán Vincom; Masan Consumer mua cổ phần chi phối Vinacafe Biên Hòa; Hùng Vương mua cổ phần chi phối Faquimex Bến Tre…

Nằm trong xu hướng tái cấu của các doanh nghiệp thì việc sáp nhập các công ty cùng tập đoàn cũng được đẩy mạnh: Điển hình là Vinpearl Hội An, Vinpearl Đà Nẵng và Vincharm sáp nhập vào Vinpearl; tiếp đến Vinpearl lại được sáp nhập vào Vincom.

Hoạt động M&A cũng không thể thiếu vắng nhà đầu tư ngoại khi họ đã mua cổ phần chi phối của nhiều doanh nghiệp trong nước: điển hình là Unicharm mua 95% cổ phần Diana, Fortis Healthcare mua 65% cổ phần của Y khoa Hoàn Mỹ.

Ngoài ra còn có rất nhiều thương vụ nhà đầu tư ngoại mua cổ phần với tỷ lệ từ 20-40%.

4. Hoạt động khối ngoại: Dòng tiền chảy mạnh vào kênh phát hành riêng lẻ

Năm 2011, nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trên thị trường niêm yết, nhưng giá trị chỉ bằng 1/10 so với năm 2010.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là dòng vốn ngoại vẫn chạy mạnh vào doanh nghiệp qua phương thức phát hành riêng lẻ.

Rất nhiều thương vụ phát hành riêng lẻ lớn được thực hiện như KKR mua 10% cổ phần Masan Consumer với giá 159 triệu USD, IFC mua 10% cổ phần Vietinbank với giá 182 triệu USD, Talanx mua 25% cổ phần PVI Holdings với giá 93 triệu USD…



Giá trị mua ròng của khối ngoại tại HoSE theo các tháng từ đầu năm 2010


5. Mạnh tay xử lý vi phạm trên TTCK

Thực thi nghị định 85 và Thông tư 37 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, UBCK Nhà nước và 2 Sở GDCK ngày càng khắt khe hơn tình trạng vi phạm trong giao dịch, công bố thông tin. Ngoài hình thức xử phạt hành chính, việc giao dịch nội bộ và thao túng giá chứng khoán còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật, bị truy cứu hình sự (nếu có).

Tình trạng vi phạm công bố thông tin đã được siết chặt, những doanh nghiệp liên tục chậm trễ việc công bố thông tin thậm chí còn bị bắt buộc hủy niêm yết như với trường hợp của Dược Viễn Đông (DVD) và Descon (DCC).

Việc xử phạt vi phạm CBTT cũng bị quy trách nhiệm tới từng cá nhân cụ thể.

Mức xử phạt với hành vi thao túng giá chứng khoán được nâng lên nhưng chủ yếu là xử phạt các vụ việc diễn ra từ năm 2010 (các vụ việc liên quan đến cổ phiếu VIC, AAA…).

6. Dược Viễn Đông và vụ khởi tố hình sự đầu tiên trên TTCK

Vụ việc một số lãnh đạo của Dược Viễn Đông bị bắt giam đã gây chấn động thị trường cuối năm 2010. Doanh nghiệp này tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm trong năm vừa.

DVD đã chia tay sàn chứng khoán vào ngày 1/9 tại mức giá 3.500 đồng, chỉ bằng một phần lẻ so với thời kỳ đỉnh cao. Ngân hàng ANZ đã yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp này và đến cuối tháng 9 thì DVD đã chấm dứt hoạt động.

Giữa tháng 9, vụ án Lê Văn Dũng (Nguyên Chủ tịch HĐQT-TGĐ DVD) cùng đồng bọn thao túng giá chứng khoán” đã kết thúc giai đoạn điều tra, chuyển hồ sơ đến Tòa án để truy tố trước pháp luật.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Lê Văn Dũng cùng một số người khác đã có hành vi thao túng giá cổ phiếu DHT-Dược Hà Tây; khai khống, tạo doanh thu ảo cho DVD. Ngoài ra, UBCK đã xác định dấu hiệu Lê Văn Dũng cùng một số người khác có hành vi thao túng giá cổ phiếu DVD.

7. IPO một loạt doanh nghiệp lớn

Mặc dù thị trường không thuận lợi nhưng một loạt tổng công ty nhà nước đã thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng như Tổng Công ty Thép (VNSteel), Tổng Công Cty Xăng dầu (Petrolimex), Tổng Công ty Miền Trung (Cosevco) và 2 ngân hàng BIDV và MHB.

Đấu giá Petrolimex và Cosevco đã bán được hết lượng cổ phần đem đấu giá trong khi VNSteel chỉ bán được 60% và MHB bán được 28%.

Nhìn chung những doanh nghiệp được đánh giá là có nhiều tiềm năng vẫn được nhà đầu tư đặt mua hết.

8. Tình cảnh “khốn khó” của các Công ty chứng khoán

Do ảnh hưởng của thị trường, các công ty chứng khoán đã trải qua một năm đầy khó khăn.

Đầu năm, Chứng khoán Kim Long (KLS) đã từng toan tính bỏ lĩnh vực chứng khoán, rồi hàng loạt các sự kiện liên quan đến công ty chứng khoán như SME bị đình chỉ lưu ký vì thiếu hụt thanh khoản; Chủ tịch Chứng khoán Hà Thành “biến mất” cùng khoản âm tiền hơn 100 tỷ đồng, nhà đầu tư kiện chứng khoán FLC, vụ việc PVFI-Chứng khoán Phố Wall…

Mới đây nhất có thêm Chứng khoán Hà Nội (HSSC) xin rút nghiệp vụ môi giới.

Với tình hình như hiện nay thì phần lớn các CTCK sẽ khó tránh được tình cảnh thua lỗ, đặc biệt là nhóm các CTCK nhỏ. Trong 9 tháng đầu năm nay, có 18/27 CTCK niêm yết lỗ với mức lỗ gần 1.400 tỷ đồng.

Nhiều CTCK đã được thay tên, đổi chủ trong năm qua như Chứng khoán Vincom thành Chứng khoán Xuân Thành; Chứng khoán Standard thành Chứng khoán Maritime Bank; Chứng khoán E-Việt thành Chứng khoán Navibank và Chứng khoán Artex thành Chứng khoán FLC.

9. Ban hành thông tư về quỹ mở, tạo cơ chế thành lập nhiều loại hình quỹ đầu tư

Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 183 về quỹ mở và đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, bao gồm các quỹ đóng, quỹ thành viên, quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản và các loại công ty đầu tư chứng khoán.

Theo ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch UBCK, Thông tư về quỹ mở sẽ tạo nền tảng pháp lý để từ đó hình thành nên nhiều sản phẩm đầu tư mới, làm gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư có tổ chức, dòng vốn đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Việc ban hành thông tư này là một phần trong đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán.


Ban biên tập


http://cafef.vn/20111221031232699CA31/9-su-kien-chung-khoan-noi-bat-nhat-nam-2011.chn
 
Top