Chiêu "cắt cổ" của giới buôn kim cương giá rẻ

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Vẻ đẹp lấp lánh, kiêu sa của những viên kim cương luôn cuốn hút phái đẹp. Nhiều người chết mê, chết mệt vì vẻ đẹp của nó nhưng cũng chỉ dám đứng ngắm nghía cho thoả cơn thèm khát.


Kim cương nhân tạo được quảng cáo long lanh huyền ảo như kim cương thật. Ảnh minh họa


Nắm bắt được tâm lý của phái đẹp, nhiều công ty vàng bạc đã quảng cáo dưới "chiêu" nhập kim cương nhân tạo với giá "mềm" để chiều lòng phái đẹp...

Lấp lánh đến... khó cưỡng

Thời gian qua, kim cương nhân tạo đã tạo nên cơn sốt trong thị trường trang sức, đá quý. Với góc cắt đẹp, sắc sảo cùng giấy kiểm định giống như kim cương thật, giá thành lại "mềm", đó là những ưu điểm cuốn hút sự yêu thích và mong muốn sở hữu của nhiều người, nhất là phái nữ.

Thế nhưng, để có được viên kim cương hoàn hảo không phải ai cũng làm được, đó cũng chính là lý do ngay cả các sao, nữ doanh nhân và văn phòng... săn lùng cho kỳ được một viên kim cương nhân tạo thay thế cho kim cương tự nhiên.

Chị Nguyễn Kiều Nga - Giám đốc Công ty TNHH Phúc Lộc cho biết: "Tôi vốn có sở thích sưu tầm những món đồ trang sức cá tính. Hễ có dịp đi công tác nước ngoài, tôi lại chọn mua cho mình một bộ thời trang mới. Tuy nhiên, trong bộ sưu tầm của tôi vẫn thiếu một viên kim cương. Đã nhiều lần tôi lưỡng lự vì e ngại kim cương quá đắt đỏ.

Mới đây, khi nghe người bạn mách nhỏ về một loại đá quý gọi là kim cương nhân tạo, tính năng và sự sắc sảo của nó hoàn toàn gần giống kim cương tự nhiên, tôi cũng thấy thích thú. Sau đó ít lâu, nhân chuyến công tác vào TP.HCM tôi đã mua hạt 105 giác cắt, gọi là siêu kim cương nhân tạo, được bán ở một trung tâm thương mại với giá hơn 7,2 triệu đồng /hạt".

Không chỉ riêng chị Nga, theo tìm hiểu của PV rất nhiều người đã bị mê hoặc bởi sự lấp lánh kỳ ảo của những viên kim cương nhân tạo. Chị Lê Thanh Thuỷ - nhân viên truyền thông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hào hứng kể, khi biết trên thị trường có dòng sản phẩm kim cương nhân tạo, chị đã không ngần ngại chi tiền để mua một bộ trang sức để phục vụ cho công việc của mình.

Nói về kim cương nhân tạo, chị Thuỷ đã dành tặng những lời hoa mĩ "lấp lánh, trong suốt, sang trọng" khó có thể cưỡng lại. Chị Thuỷ bảo rằng: "Đã đến lúc thay đổi cách nghĩ về kim cương và bạn không nên bỏ ra vài chục triệu thậm chí vài trăm triệu đồng chỉ để mua viên kim cương làm trang sức trong khi giá những viên kim cương nhân tạo rất mềm, 3 viên kim cương chỉ với giá 4,3 triệu đồng".

Kim cương... “thập cẩm” giá

Theo tìm hiểu của PV, tại Hà Nội, TP.HCM, kim cương nhân tạo rất hút khách. Có tới hàng trăm địa chỉ cung cấp và rao bán kim cương nhân tạo. Theo quảng cáo, kim cương nhân tạo là món đồ trang sức vừa mang lại sự quý phái tinh tế cho người sở hữu, vừa giúp tiết kiệm chi phí với mức giá hợp lý, thích hợp với mọi người. Anh Hùng, một người rao bán kim cương nhân tạo trên mạng giới thiệu:

"Gọi là kim cương nhân tạo vì đây là loại đá được sản xuất với ánh quang, tính chất vật lý giống như một viên kim cương tinh khiết. Ngay cả với những chuyên gia kiểm định hay nhà kinh doanh kim cương lâu năm nếu bằng mắt thường cũng khó có thể phân biệt với kim cương thiên nhiên". Với những lời quảng cáo có cánh của anh Hùng thì “những viên kim cương nhân tạo vừa lấp lánh, huyền ảo vừa bền như kim cương tự nhiên nhưng có giá chỉ vài trăm ngàn đồng!”.

Chỉ cần một cú nhấp chuột, cả trăm địa chỉ quảng bá tràn lan, kim cương nhân tạo hiện ra nhưng khó tìm ra địa chỉ đích thực có sản phẩm đúng nghĩa kim cương nhân tạo. Theo tìm hiểu của PV, có ba dòng sản phẩm cao cấp: Kim cương nhân tạo, Moissanite, Diamondlite. Tất cả chúng đều có mã số, thử máy kêu như kim cương tự nhiên.

Giá bán một chiếc nhẫn cỡ 1 chỉ vàng kim cương nhân tạo 5,4 ly khoảng 2,6 triệu đồng; một cặp bông tai vàng kim cương 4,5 ly là 2,3 triệu đồng. Viên kim cương không màu, trong suốt, cỡ 6,3 li (loại DiamondBrite - hàng nhập khẩu Mỹ) được rao bán trên mạng với giá khoảng 2,2 triệu đồng cho hàng nhãn đỏ do công ty ép vỉ, hàng nhãn xanh có giấy kiểm định của RGG (trung tâm Nghiên cứu địa chất đá quý) giá 1,2 triệu đồng.

Tại một số hệ thống cửa hàng của K.N, showroom D.K (TP.HCM), kim cương Diamondbrite Ancarat (Hà Nội) quảng cáo có đủ kích cỡ từ 1,2 ly - 15 ly. Kim cương có giấy kiểm định chất lượng cũng chỉ với giá 420 - 640 nghìn đồng/hạt, cam đoan hàng nhập khẩu châu âu, Hàn Quốc. Các cửa hàng cam kết: "Có sự giám định chặt chẽ của tổng hội đá quý Việt Nam, mỗi viên đá được kiểm tra tỉ mỉ từng giác cắt, độ chiếu sáng, kích thước chính xác đến 0.01m/m. Mắt thường không thể phân biệt được, bảo hành vĩnh viễn".

Theo tìm hiểu của PV, để câu khách, nhiều cửa tiệm đã tung chiêu cam kết không tăng giá, chí phí gia công phục vụ không tăng, ngoài ra còn có những chính sách hậu mãi, khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, ân cần và chu đáo nhằm đem lại quyền lợi cao nhất cho người tiêu dùng.

Chất lượng không nằm ở giấy kiểm định?!


Kim cương nhân tạo hiện nay không có chuẩn, không có giá thống nhất, các tiệm mỗi nơi mỗi giá và mỗi nơi lại có giấy kiểm định riêng. Ảnh minh họa.




Các tiệm vàng "khẳng định uy tín" với khách hàng, họ cam kết có giấy kiểm định chất lượng. Khi khách hàng lăn tăn, họ cung cấp đủ loại giấy kiểm định: Giấy kiểm định của nhà cung cấp sản phẩm từ nước ngoài, chẳng hạn như kim cương nhân tạo Qmond nhập từ Hàn Quốc có giấy kiểm định in tiếng Anh - Hàn ghi rõ trọng lượng, giác cắt, độ cứng, độ dày, chiều sâu...; hoặc giấy kiểm định của các công ty chuyên ngành; hoặc giấy của các công ty phân phối tự kiểm định chất lượng và ép vỉ... Người mua khi nhìn thấy giấy kiểm định đã tuyệt đối tin tưởng mà không cần biết chất lượng của kim cương đến đâu.

ông Lê Minh Thanh - chủ tiệm vàng Ngọc Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) quả quyết: "Kim cương nhân tạo không thể có độ bền vĩnh cửu như kim cương thiên nhiên, cũng không thể đảm bảo về độ cứng. Vì lý do này mà nơi bán đều bảo hành vĩnh viễn độ sáng bóng nhưng lại không chịu trách nhiệm khi sản phẩm bị mẻ, trầy xước".

Cũng theo ông Thanh, sự khác biệt của kim cương nhân tạo so với các loại hạt trắng gọi là xoàn úc, xoàn Mỹ, áo... gắn trên các món trang sức chỉ là tờ giấy kiểm định. Thế nhưng khác hẳn với kim cương thiên nhiên, kim cương nhân tạo hiện nay không có chuẩn, không có giá thống nhất, các tiệm mỗi nơi mỗi giá và mỗi nơi lại có giấy kiểm định riêng.

Theo kinh nghiệm của ông Thanh: “Một viên kim cương nhân tạo (KCNT) đúng nghĩa cũng phải được đánh giá theo một hệ thống chất lượng 4C: "carat" (khối lượng), "clarity" (độ trong suốt), "color" (màu sắc) và "cutting style" (kiểu cắt) và certification (chứng nhận, kiểm định). Phần lớn kim cương trên thị trường Việt Nam ngay cả ở các doanh nghiệp kinh doanh lớn cũng không rõ nguồn gốc, phần là kim cương nhập lậu từ các nước như Thái Lan, Hồng Kông... Các tên gọi khác nhau như hạt úc, hạt Mỹ, hạt Canada, hạt nhập độc quyền châu âu đều do người bán tự đặt. Còn kim cương nhân tạo được làm từ đá tổng hợp Zirconia giá 1.400 - 50.000 đồng được "lên đời" thành kim cương nhân tạo, lập tức có giá 350.000 đồng /viên; thậm chí bán gần chục triệu đồng/viên".

Một chuyên gia của Công ty PNJ khuyến cáo: "Chỉ có người lâu năm trong nghề mới phân biệt được kim cương. Nếu chuẩn viên kim cương thiên nhiên phải có từ 78 giác mài trở lên, một số viên đẹp lên đến 105 giác mài, thì viên kim cương nhân tạo chỉ cần mài sao cho giác đáy chụm vào nhau, tạo thành tia như mũi tên và xem trên mặt tạo thành hình như trái tim là đạt. Nhưng kim cương nhân tạo hiện nay thực chất được làm từ đá tổng hợp. Đá nhân tạo Zirconia cũng trong suốt giống kim cương. Độ hoàn hảo về các mặt cắt cũng như kỹ thuật mài có thể đạt độ sáng tương đương với một viên kim cương. Vì thế họ thường lập lờ giữa đá tổng hợp với kim cương nhân tạo và chất lượng không chỉ nằm ở giấy kiểm định!”.

GS.TS Phan Trường Thị - Viện trưởng Viện Đá quý - Vàng và Trang sức Việt - một đơn vị giám định đá quý lớn của Việt Nam cho biết, kim cương nhân tạo được rao bán hiện nay thực chất là đá cao cấp cubic zirconia tổng hợp. Loại đá này có màu trắng trong suốt, được gia công qua khâu mài để có thêm đặc tính chiếu sáng như kim cương, nhưng chưa thể coi là kim cương nhân tạo. Thực chất, kim cương nhân tạo có giá rất đắt và có độ cứng cao tương đương kim cương thiên nhiên chứ không có giá một vài trăm như rao bán".






Theo Ngân Giang

Người đưa tin
 
Top