Hà Nội: Xuất hiện rệp hút máu người

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
(CAND) Khoảng một tháng gần đây, Hà Nội đã xuất hiện rệp giường (Bedbug) hút máu người. Tuy loại côn trùng này chưa có khả năng truyền bệnh nguy hiểm cho con người, nhưng với khả năng sinh trưởng mạnh, khi đốt gây đau, ngứa rát khó chịu, khó phát hiện do kích thước nhỏ chỉ bằng hạt gạo, đặc biệt rất khó tiêu diệt triệt để, nếu không được phát hiện sớm và phòng lây lan, chúng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống con người.

Phát hiện rệp hút máu người trong nội thành

Một khách sạn tại quận Hai Bà Trưng - Hà Nội đã gọi điện đến Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội, do có khách bị một loại côn trùng lạ đốt gây mẩn ngứa, khó chịu đến mức không ngủ được. Cán bộ của Viện tới và phát hiện nhiều vệt máu li ti trên ga trải giường, khi lật đệm lên, soi kẽ giường thì phát hiện nhiều con côn trùng Bedbug, thường gọi là rệp giường vì chúng rất ưa lẩn trốn trong kẽ giường, chăn đệm. Không chỉ có phòng ở của vị khách nói trên, mà toàn bộ tầng của khách sạn đều xuất hiện nhiều cá thế rệp giường.

Qua kiểm tra sổ sách, khách sạn có tiếp nhận một vị khách người Ấn Độ đến nghỉ và đã rời đi 3 ngày trước khi phát hiện rệp hút máu người. Theo nhận định của cán bộ Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội, rất có thể, vị khách này là tác nhân mang theo rệp giường lẫn trong hành lí.

Ngay sau đó, các phòng khách sạn đã được phun các hóa chất diệt côn trùng như Fendona, Icon, Permethrin 50 EC, nhưng không hiệu quả, nhiều con rệp giường vẫn sống. Đặc biệt, hóa chất không diệt được trứng của rệp giường. So với loại bọ xít hút máu người mới gây xôn xao dư luận gần đây, rệp giường có kích thước nhỏ hơn nhiều (chỉ bằng hạt gạo) và chạy nhanh hơn, nên việc phát hiện và diệt chúng cũng khó khăn hơn.

Theo ông Nguyễn Quang Thái, Trưởng phòng Thí nghiệm động vật y học, Khoa Côn trùng - ký sinh trùng - động vật y học (Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội), rệp giường là loài côn trùng thuộc bộ bọ xít (Hemiptera), có mùi hôi, cơ thể dẹt, kích thước khoảng 4-5mm. Chúng hút máu người và động vật để sinh trưởng và phát triển. Bình thường cơ thể chúng có màu vàng nhạt, khi hút no máu chúng chuyển thành màu nâu đỏ. Chúng thường lẩn trốn và đẻ trứng trong các các khe nứt của nền nhà, đèn áp tường, khung ảnh, đặc biệt ưa thích các kẽ giường, chăn đệm, nơi gần người.

Vòng đời của rệp gồm 3 giai đoạn trứng, thiếu trùng và trưởng thành. Trứng của chúng có màu trắng sữa hoặc trắng xanh, dài khoảng 1mm. Thiếu trùng giống với rệp trưởng thành, nhưng kích thước nhỏ hơn, cả hai dạng đều hút máu. Rệp thường hút máu vào ban đêm, nhưng nếu điều kiện thuận lợi hoặc bị đói lâu ngày, chúng sẽ đốt người cả vào ban ngày.

Thời gian đốt hút máu người của rệp trưởng thành khoảng 5-10 phút, sau 2-3 ngày rệp lại hút máu một lần, gây ra nốt mẩn đỏ, đau, ngứa ngáy khó chịu trên da. Một con rệp cái đẻ trung bình 5 trứng một ngày và đẻ khoảng 125 - 500 trứng trong vòng đời kéo dài 6 tuần đến vài tháng. Do đó, khả năng sinh sôi của rệp giường là khá mạnh. Chúng có thể lưu giữ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như dịch hạch, hồi quy, sốt Q, Tularemia, viêm gan B... song đến nay chưa phát hiện chúng gây lây truyền cho con người, động vật bị đốt.


Cá thể rệp giường hút máu người tìm thấy ở Hà Nội.

Không hoang mang và cần chú ý phòng, diệt rệp

Ông Nguyễn Quang Thái cho biết thêm, rệp giường không phải là loài côn trùng mới phát hiện. Cách đây vài năm trở về trước, Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội đã từng phát hiện chúng trong một số phòng ở tập thể. Việc diệt trừ tận gốc chúng khá đơn giản vì có thể dùng các hóa chất mạnh như DDT, mang cả giường, chiếu ra cọ rửa, phơi nắng…

Nhưng hiện nay, DDT đã bị cấm sử dụng do gây hại đến môi trường và sức khoẻ con người, giường ngủ có khe kẽ đệm, ga… nên rất khó phát hiện và diệt trừ triệt để rệp giường. Các cán bộ Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội phải áp dụng phương pháp nâng nhiệt lên 50 độ C để diệt rệp giường, đồng thời tiến hành diệt gối theo từng đợt đẻ trứng của chúng trong vòng vài tháng.

Việc rệp giường bất ngờ xuất hiện trở lại có thể do sự giao lưu, đi lại của người dân. Trên thế giới, dịch rệp đang hoành hành tại Phần Lan, đặc biệt là ở Mỹ và các nước châu Âu khác như Anh, Pháp…

Với nguồn khách du lịch, đi lại từ nhiều nước trên thế giới, nguy cơ lây lan rệp giường vào nước ta luôn tiềm ẩn. Do đó, cần chú ý phát hiện sớm và diệt trừ chúng, nhằm tránh gây lây lan rộng. Khi phát hiện trên ga giường, quần áo có các chấm máu nhỏ, nên nghĩ đến sự xuất hiện của rệp giường. Khi phát hiện rệp giường, cần tìm và diệt chúng ngay, đồng thời vệ sinh, phơi nắng chăn màn, giường chiếu, bàn ghế…, xịt hơi nóng vào các kẽ giường tủ nơi rệp có thể trú ngụ…

Có thể đun nước sôi, hoà với thuốc diệt rệp tưới vào các khe, kẽ có rệp, làm mỗi tuần một lần, liên tục trong nhiều tuần đến khi hết rệp và lặp lại 2-3 tuần sau đó. Do việc diệt triệt để rệp hiện còn khó khăn, nên cá nhân, đơn vị phát hiện hoặc nghi có rệp giường nên thu thập mẫu vật gửi về Khoa Côn trùng - ký sinh trùng - động vật y học, Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội để làm tiêu bản giám định hoặc tư vấn qua điện thoại 069 587 224


Eo, kinh quá:-&:-&:-&, hết bọ xít lại đến rệp!
 
1,622
1
0

Jigme_Lahmo

New Member
Ðề: Hà Nội: Xuất hiện rệp hút máu người

Em vừa gọi cho ông Nguyễn Ngọc San - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội về vụ rệp hút máu người này rồi. Ông ấy bảo là bên họ đang nuôi & nghiên cứu về loại rệp này. Nhưng loại rệp này đốt chỉ gây ngứa & khó chịu chứ không truyền bệnh nguy hiểm như báo chí vẫn đưa tin nên mọi người cứ bình tĩnh nhé! Ông ấy hẹn em ngày kia có kết quả cụ thể sẽ thông tin lại. Có gì em lại vào đây báo cáo nhé! :p
 
1,007
0
0

Mường Tè

New Member
Ðề: Hà Nội: Xuất hiện rệp hút máu người

Oai zời, lo cái gì con rệp đó, bao đời nay, hàng tỷ con đốt, cắn chết người mà có thấy ai sợ đâu. Nào rắn cạp nong, cạp nia, nào muỗi, nào rết độc, nào ong vò vẽ, ong đất. Ông cha, bà con nông thôn mình hàng ngày đối diện với các loại sinh vật đó, có đến nỗi hoảng sợ, loạn cả lên đâu. Loạn lên chỉ làm tốn tiền nhà nước, tốn tiền người dân, lại đổ cả trăm triệu, cả tỷ đồng cho nghiên cứu, cho nọ kia. Như vụ H1N1, tốn cả trăm, cả ngàn tỷ, được tặng và mua cả đống vắc xin về, định tiêm phòng, giờ lại kêu hoãn... Bao nhiêu cái mối đe dọa, hậu quả nhỡn tiền hàng ngày thì lại thấy bàng quan, chả mấy ai quan tâm tỷ dụ như: Sốt xuất huyết ở đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ: Từ đầu mùa tử vong mấy chục trường hợp. Nguyên nhân có đủ thứ từ dùng lu chứa nước làm tăng bọ gậy, bọ gậy khu trú cả ở gáo dừa bỏ đi như VTV1 Thời sự hôm tối chủ nhật vừa rồi, nằm k mắc màn, vệ sinh môi trường kém... Tình trạng này diễn ra năm này qua năm khác, chu kỳ bùng phát dịch càng ngắn lạị, thế mà hàng năm, cứ mấy chục mạng ng ra đi...:(:(:(
 
1,622
1
0

Jigme_Lahmo

New Member
Ðề: Hà Nội: Xuất hiện rệp hút máu người

Như đã hứa là khi nào có Viện vệ sinh phòng dịch quân đội nghiên cứu xong vụ ấy con rệp thì em sẽ phỏng vấn lại cụ thể. Em post nội dung cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc San - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội mà em mới thực hiện để các bố, mẹ tham khảo nhé!

1. Thưa ông, xin ông cho biết thêm thông tin về loài rệp hút máu người xuất hiện trong thời gian qua tại Hà Nội?
Ông Nguyễn Ngọc San: Rệp hút máu người đang lưu hành hiện nay là loài si-mếc hê-mi-pte-ra. Loài này chủ yếu sống tại các nước nhiệt đới. Nó khác loài rệp phổ thông sống ở khắp nơi trên thế giới, cả ở khu vực các nước nhiệt đới và ôn đới. Về phân bố, loài này hiện đã xuất hiện ở 4 quận nội thành Hà Nội, đó là quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa và quận Tây Hồ. Nơi phát hiện là các khe giường, đệm, khe sàn, tủ gỗ hoặc thảm… tại các khách sạn. Khe chiếu trúc, khe giường, khe tranh ảnh tại các nhà dân. Sự lan tràn loài rệp này có thể do sự di chuyển của con người hoặc các đồ dùng không được kiểm soát. Khác với trước đây, thường sống ở những nơi có điều kiện thời tiết kém, hiện nay loài rệp này không phân biệt điều kiện vệ sinh và phụ thuộc vào nơi trú ẩn, hoặc do gần đây chúng ta đã dùng nhiều loại hoá chất diệt côn trùng nên khả năng loài này kháng với các loại hoá chất diệt côn trùng là rất lớn. Hoặc có thể loài rệp này đã có sự biến đổi gen, tạo ra loài mới có khả năng phát triển và phát tán rộng rãi.

2. Vậy loài rệp này có khả năng truyền bệnh nguy hiểm không, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc San: Cán bộ khoa học của Viện vệ sinh phòng dịch quân đội đã thực nghiệm tại labo như nuôi dưỡng chủng, xét nghiệm phát hiện màm bệnh trong rệp và tham khảo nhiều tài liệu khoa học của nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có bằng chứng về vai trò truyền bệnh của loài rệp này.

3. Để người dân chủ động phòng và xử lý ban đầu khi bị rệp đốt, ông có khuyến cáo như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc San: Người dân cần có biện pháp hợp lý để diệt rệp, tránh sự lây lan ra cộng đồng. Người dân có thể dùng hoá chất, cơ học, lý học và sinh học khi phát hiện có loài rệp này tại nơi ở. Hoặc có thể đến các cơ quan chuyên môn để được tư vấn, áp dụng các biện pháp diệt rệp phù hợp nhất. Thứ 2, loài rệp này chưa phát hiện khả năng truyền bệnh nguy hiểm cho nên chúng ta không nên lo lắng, hoảng sợ. Tuy nhiên, khả năng truyền bệnh là có thể, do vậy không nên để rệp hút máu người. Thứ 3, vì sức khoẻ cộng đồng, mọi người cần có trách nhiệm phát hiện và diệt loài rệp này. Thứ 4, các cơ quan chuyên ngành cần phối hợp với nhau để nghiên cứu vai trò y học và biện pháp phòng chống loài rệp này hiệu quả nhất.
 
Top