Hậu trường ly kỳ của siêu phẩm "The Godfather"

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
The Godfather: Phim hay nhất mọi thời đại

(TT&VH Cuối tuần) - Ngày 15/3/2012 tới đây, thế giới điện ảnh kỷ niệm 40 năm ngày ra đời của kiệt tác The Godfather (Bố già) - cuốn phim “gối đầu giường” của tất cả các fan yêu điện ảnh trên khắp hành tinh - đồng thời mở đầu cho một “Thiên sử thi của tội ác” gồm ba phim, kéo dài trong 18 năm (1972 - 1990)… TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu loạt bài viết của cây bút điện ảnh quốc tế quen thuộc trên TT&VH, đạo diễn Bá Vũ, về hậu trường ly kỳ của bộ ba tác phẩm điện ảnh vĩ đại này.


Ngày 10/3/1969, cuốn tiểu thuyết The Godfather của nhà văn Mỹ (gốc Ý) Mario Puzo lần đầu ra mắt độc giả và ngay lập tức trở thành bestseller của năm đó. Chỉ trong vòng 2 năm, hơn 1 triệu bản bìa cứng và 8 triệu bản bìa mềm đã được bán ra. Những độc giả yêu mến câu chuyện về gia đình mafia Mỹ gốc Sicilia (Ý) này, đều sôi sùng sục đón chờ phiên bản điện ảnh - một sự mong chờ không kém tác phẩm Gone With The Wind (Cuốn theo chiều gió) ngày xưa…

Đạo diễn… cần tiền trả nợ

Francis Ford Coppola không phải là lựa chọn đầu tiên cho vị trí đạo diễn, mà “vua cao bồi mì ống” Sergio Leone (Ý) được mời vào vị trí này trước. Nhưng Leone từ chối vì ông cũng đang theo đuổi một dự án phim gangster khác, Once Upon a Time in America - bộ phim tập trung vào những tên gangster Mỹ gốc Do Thái. Sau đó Peter Bogdanovich được mời ngồi ghế đạo nhưng ông này cũng từ chối để thực hiện phim What’s Up, Doc?.

Thật sự lúc đầu Coppola cũng không muốn đạo diễn The Godfather, bởi ông sợ nó sẽ tô son điểm phấn cho bọn mafia và bạo lực, làm tổn hại tới di sản Sicily và gốc gác Ý của ông. Tuy nhiên, khi nảy ra ý tưởng sẽ làm The Godfather trở thành một phép ẩn dụ cho chủ nghĩa tư bản Mỹ, thì Coppola hăm hở đồng ý ngồi ghế đạo diễn.

Lúc đó, Coppola đã đạo diễn 8 phim, từng đoạt một giải Oscar khi đồng viết kịch bản phim Patton (1970). Nhưng động lực chính để Coppola nhận lời là bởi khi ấy ông đang nợ hãng Warner Bros. 400.000USD - do đã sản xuất vượt kinh phí phim THX 1138 (1971) của George Lucas. Và chính Lucas đã khuyên ông nên nhận lời đạo diễn The Godfather… để có tiền trả nợ!

Còn lý do chọn Coppola, là do lãnh đạo hãng Paramount, Robert Evans chỉ muốn một người Mỹ gốc Ý làm đạo diễn. Evans muốn, theo lời ông nói, “ngửi thấy mùi mì ống”.


Khổ sở chọn… Bố già

Các diễn viên Ernest Borgnine, Edward G.Robinson, Orson Welles, Danny Thomas, Richard Conte, Anthony Quinn, và George C.Scott… đã được hãng Paramount cân nhắc cho vai diễn quan trọng nhất, “Bố già” Vito Corleone. Coppola thổ lộ, “Tôi muốn một người Mỹ gốc Ý, hoặc một diễn viên tài năng đến mức có thể hóa thân thành một người Mỹ gốc Ý”. Vì thế, khi hãng Paramount hỏi Coppola muốn chọn ai, ông trả lời: “Tôi không biết, nhưng ai hiện là 2 diễn viên vĩ đại nhất thế giới? Chỉ có Laurence Olivier và Marlon Brando. Laurence Olivier là người Anh. Ông ấy trông giống hệt Vito Genovese (trùm băng đảng gốc Ý). Gương mặt của Olivier rất tuyệt, rất thích hợp để đóng vai Bố già!”. Nhưng khi liên hệ với Olivier, người đại diện trả lời: “Olivier giờ không làm việc gì được. Ông ấy rất yếu, chẳng bao lâu nữa sẽ chết, nên không quan tâm đến vai này!”. Ngay lập tức Coppola đánh bạo hỏi hãng phim : “Vậy chúng ta mời Brando được chứ?’.

Không ai phủ nhận thiên tài diễn xuất của Brando, nhưng từ lâu ông “nổi danh” là “cơn ác mộng của các đoàn phim” bởi Brando nổi tiếng là một con người nhiều tai tiếng, lắm tật xấu, luôn gây khó khăn trong các bộ phim mà mình tham gia. Vì thế cứ nghe Coppola nhắc hoài đến tên Brando, hãng Paramount bực tức: “Anh mà còn nhắc tới cái tên ấy thêm một một lần nữa là sẽ mất việc đấy!”. Còn lời của Chủ tịch Robert Evans thì chính xác như sau: “Với tư cách là chủ tịch hãng phim, tôi tuyên bố Marlon Brando sẽ không bao giờ được xuất hiện trong bộ phim này”. Nghe câu nói ấy như sét đánh ngang tai, nhưng Coppola cũng cố vớt vát: “Ít nhất hãy cho tôi một cơ hội!”. Cuối cùng hãng trả lời: “Nếu Brando chấp nhận tham gia với tiền thù lao vừa phải, nếu ông ấy chịu tới thử vai và ký một cam kết bảo đảm rằng, sẽ không một trò tai quái nào của ông ta làm gián đoạn bộ phim, thì anh có thể xem xét việc mời ông ấy đóng”.

Điều gây sửng sốt cho mọi người là một Marlon Brando “quái vật” bỗng trở thành “cừu ngoan”, khi chấp nhận mọi điều kiện do hãng Paramount đưa ra. Đó là chưa kể những thước phim thử vai của Brando đã làm hài lòng tất cả mọi người. Brando được trả thù lao có 50.000USD, và được hưởng tỷ lệ phần trăm doanh thu. Tuy nhiên, trước khi bộ phim được phát hành, Brando gặp rắc rối về tiền bạc liên quan tới phụ nữ, nên ông đề nghị bán lại tỷ lệ phần trăm của mình cho Paramount. Nhận ra tiềm năng bộ phim sẽ rất ăn khách, Paramount vui vẻ “gia ơn” mua lại với giá 100.000USD. Sau này, khi The Godfather đạt được doanh thu khổng lồ, Brando uất ức vì bị “ép giá”, đã không thèm đi quảng bá bộ phim. Sau này ông trả thù hãng Paramount bằng cách, chờ đến phút chót từ chối xuất hiện trong The Godfather: Part II, chỉ vài giờ trước khi quay!

Lần casting vai diễn quy mô nhất trong lịch sử Hollywood

Chọn được “Bố già” như ý, Coppola chỉ mới qua thử thách đầu tiên. Ly kỳ, gian nan và tốn kém (thời gian lẫn tiền bạc) nhất, là việc tìm được người thủ vai Michael Corleone - người con trai út của “Bố già”. Quan điểm của hãng phim là phải chọn một diễn viên tên tuổi cho vai diễn này. Diễn viên đoạt giải Oscar Rod Steiger tìm mọi cách vận động để được đóng vai Michael, dù ông quá già đối với vai này. Warren Beatty, Jack Nicholson, và Dustin Hoffman được mời vào vai Michael, nhưng đều từ chối. Những lời tiến cử Martin Sheen, Dean Stockwell, Alain Delon và Burt Reynolds bị Coppola khước từ. Robert Evans muốn Robert Redford được giao vai này, nhưng Coppola do dự vì Redford có diện mạo người Mỹ da trắng quá rõ ràng. Evans “nói càn” rằng Redford có thể hợp vai, cứ xem như ông là “người miền Bắc nước Ý”! Ngay thời điểm đó, bộ phim “sến” Love Story (1970) bất ngờ trở thành “quả bom tấn” phòng vé, ngay lập tức Evans quay phắt mục tiêu sang “sự lựa chọn số 1”, Ryan O’Neal - cái tên đang “hot” nhất lúc ấy! Xung đột giữa Coppola và hãng Paramount lên đến đỉnh điểm.

Thật ra ngay từ khi đọc kịch bản, trong đầu của Coppola, người duy nhất phù hợp với vai Michael Corleone là Al Pacino - một diễn viên sân khấu chỉ mới có 2 vai diễn quèn trên màn ảnh. Tất nhiên là Evans phản đối kịch liệt, với lý do khán giả sẽ không đến rạp mua vé để xem một diễn viên vừa vô danh, vừa không đẹp trai, lại vừa… lùn! Nói chung dưới mắt hãng phim, Al Pacino không có dáng vẻ của một ngôi sao. Coppola vừa phải casting hàng loạt các diễn viên tên tuổi theo yêu cầu hãng phim, vừa âm thầm đưa Al Pacino đến thử vai Michael - không những một lần mà rất nhiều lần - đến mức hãng phim muốn phát điên lên vì hành động đó.

Cho tới khi hãng phim thấy Al Pacino diễn rất xuất sắc trong The Panic in Needle Park, cộng với sự kiên trì và quyết liệt của Coppola - thậm chí dọa bỏ ghế đạo diễn, cuối cùng Evans đành chịu nhượng bộ chấp nhận nam diễn viên mà ông chế giễu là “chú lùn” đóng vai Michael, với điều kiện diễn viên James Caan (từng thử vai Michael) cũng phải được đóng vai Sonny - Evans muốn ít nhất phải có một cái tên nổi tiếng thủ vai 1 trong 3 người con trai của Bố già. Điều này khiến Coppola “mở cờ trong bụng” vì ông cũng muốn chọn James Caan vào vai đó.

Xui xẻo nhất là Robert De Niro - lúc ấy chưa nổi tiếng - thử cả vai Michael lẫn vai Sonny, suýt được đóng vai Carlo… trước khi được giao vai nhỏ xíu, gã tài xế phản bội Paulie. Nhưng giờ chót, De Niro cũng mất nốt vai này, khi bị buộc thuyên chuyển qua đóng phim The Gang That Couldn’t Shoot Straight, thay cho Al Pacino trả vai để về đóng The Godfather!

Tính ra chỉ trong giai đoạn casting đã mất nửa năm, với gần… một triệu mét phim nhựa quay thử (16mm và 35mm), tốn kém khoảng 400.000USD (trong tổng kinh phí 6,5 triệu USD), trong đó mất 1/3 là chi phí casting vai Michael!

Bộ phim về thế giới ngầm đầu tiên bị… mafia thật khủng bố

Hiệu ứng của quyển tiểu thuyết trong xã hội quá lớn, khiến trùm mafia Joe Colombo và tổ chức The Italian-American Civil Rights League (Liên minh quyền dân sự Ý-Mỹ) của hắn ta, bắt đầu một chiến dịch ngăn chặn không cho bộ phim được thực hiện. “Sếp” Robert Evans kể trong tự truyện của mình, Colombo đã gọi điện tới nhà đe dọa ông và gia đình. Trong quá trình chuẩn bị sản xuất, hãng Paramount nhận được nhiều lá thư từ những người Mỹ gốc Ý - gồm cả các chính trị gia - cáo buộc bộ phim chống nước Ý. Họ dọa sẽ phản đối và phá đám quá trình bấm máy.

Tình hình nghiêm trọng thật sự khi nhà sản xuất của phim, Albert S.Ruddy được cảnh sát khuyến cáo là mafia đang theo dõi xe của ông. Ruddy hoảng sợ đổi xe với cô trợ lý Bettye McCartt để nhằm cắt đuôi chúng. Một đêm nọ, McCartt phát hiện cửa xe hơi của cô (thực chất là xe của Ruddy) có rất nhiều vết đạn, kèm theo một lời nhắn: “Dẹp bộ phim nếu không thì đừng có trách!”. Nhà sản xuất Albert S.Ruddy đành phải điều đình gặp mặt Colombo. Hắn yêu cầu 2 từ “mafia” và “Cosa Notra” (tổ chức mafia ở Mỹ) không được sử dụng trong bộ phim. Ruddy phải cho họ quyền xét duyệt kịch bản và chỉnh sửa. Ruddy cũng đồng ý thuê các thành viên của tổ chức The Italian-American Civil Rights League… làm diễn viên quần chúng và cố vấn cho bộ phim. Thế là những lá thư phỉ báng giận dữ, và những hành động đe dọa khủng bố không còn xảy ra nữa.

Nhưng ông chủ bự của Paramount, nhà công nghiệp Charlie Bluhdorn, đọc được tin tức về sự thỏa thuận này trên tờ New York Times đã rất phẫn nộ, tới mức ra lệnh sa thải nhà sản xuất Albert S.Ruddy và quyết định ngưng việc sản xuất The Godfather. Chủ tịch Robert Evans phải thuyết phục Bluhdorn rằng, sự thỏa thuận này là một màn PR ngoạn mục, nó thật sự có lợi cho bộ phim nên mọi thứ vẫn cứ tiếp tục như cũ.

Sau này khi The Godfather công chiếu, những tên gangster ngoài đời đã nhiệt tình hưởng ứng bộ phim. Salvatore “Sammy Trâu” Gravano, cựu trợ lý ông trùm trong gia đình tội phạm Gambino, tâm sự: “Tôi coi xong mà bị choáng… ý tôi là bần thần khi ra khỏi rạp. Có lẽ đó là hư cấu, nhưng đối với tôi thì những gì vừa xem chính là cuộc sống của chúng tôi. Nó thật tuyệt vời. Tôi nhớ là mình đã chia sẻ với vô số gã, những gã giang hồ thật sự, chúng cũng có cảm giác bần thần như thế!”.

Đón xem tiếp kỳ sau: The Godfather phần 2


(TT&VH) - Bộ phim về mafia The Godfather đã được hơn 10.000 khán giả, 150 đạo diễn Hollywood và 50 nhà phê bình điện ảnh bình chọn là Phim hay nhất mọi thời đại – đứng đầu danh sách Top 500 Phim của tạp chí Empire. Tác phẩm điện ảnh năm 1972 của đạo diễn Francis Ford Coppola này do Marlon Brando và Al Pacino thủ vai chính.



Marlon Brando (phải) và Al Pacino trong phim The Godfather

Chiếm vị trí thứ 2 và thứ 3 trong danh sách nói trên là phim Raiders of the Lost Ark The Empire Strikes Back. Tiếp đó đến The Shawshank Redemption Jaws. Đứng trong Top 10 còn có Goodfellas, Apocalypse Now, Singin' in the Rain, Pulp FictionFight Club.

Tập phim mới nhất trong serie phim Batman, The Dark Knight, là phim duy nhất của thế kỷ 21 lọt vào trong Top 20 và 3 tập của serie phim The Lord of the Rings có tên trong Top 60. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi một số bộ phim kinh điển như Easy Rider, The Sound of Music và tác phẩm điện ảnh từng giành giải Oscar Shakespeare in Love lại không có tên trong danh sách Top 500.

Chỉ có 2 bộ phim Anh lọt vào Top 100 là A Clockwork Orange (thứ 37) và Casino Royale (thứ 56). Còn Goldfinger là tập phim duy nhất trong serie phim James Bond lọt vào danh sách này. Harry Potter and the Prisoner of Azkaban cũng là tập phim duy nhất trong serie phim về cậu bé phù thủy Harry Potter có tên trong danh sách, đứng thứ 471.


Bá Vũ

http://thethaovanhoa.vn/176N20120310152814343T133/hau-truong-ly-ky-cua-sieu-pham-the-godfather.htm
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Hậu trường ly kỳ của siêu phẩm "The Godfather"

Godfather: “Đàn ông còn mong gì hơn thế?”

Bốn mươi năm sau ngày ra đời, “Godfather” vẫn được xem như một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại



Godfather Vẫn đứng thứ hai trong danh sách 100 phim xuất sắc nhất của Viện phim Mỹ; vẫn đứng thứ hai trong Top 250 phim cao điểm nhất của IDMB. Và tiếp tục được không ít đàn ông gọi tên, khi được hỏi về bộ phim mình yêu thích nhất.

Rốt cục thì vì sao, “Godfather” lại quyến rũ cánh đàn ông đến thế?

Điều đầu tiên và trước hết: Thể loại! Gangster, và phim gangster, là một món đặc sản Hoa Kỳ. Phim gangster nói chung, với súng ống, máu lửa, và tình huynh đệ, luôn là một thứ adrenaline, một liều thuốc rất dễ gây nghiện đối với đàn ông. Mà Godfather thì lại là Bố già của thể loại gangster, nên chuyện đàn ông mê Godfather không có gì là khó hiểu. Mê đến như Cổ Long, viết cả một cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp “Lưu tinh, hồ điệp, kiếm” - lấy nguyên mẫu nhân vật chính từ Don Corleone.

Điều thứ hai, “Godfather” là một (đúng ra là hai) câu chuyện chỉ dành riêng cho đàn ông. Câu chuyện thứ nhất là về một chàng trai, bằng trí tuệ, bằng dũng khí, bằng sự tàn nhẫn, vươn lên ngôi vị ông trùm của thế giới mafia. Cái giấc mơ vùng vẫy giang hồ ấy hẳn đã từng đeo đuổi không ít gã trai suốt một thời niên thiếu. Câu chuyện thứ hai, thật hơn, đời hơn, và gần gũi hơn, là về tình phụ tử. Về một đứa con ghé vai gánh vác cơ nghiệp cả đời của người cha khi gia đình gặp cảnh hiểm nghèo. Nhiều người đàn ông chưa chắc đã nhận ra điều đó, nhưng tự đáy lòng mình họ lại đồng cảm với nó một cách rất bản năng.

Điều thứ ba, và có lẽ cũng là cốt lõi: “Godfather” có một tuyến nhân vật nam hết sức đặc biệt, nếu không muốn nói là hùng hậu. Từng người đều là điển hình cho một mẫu đàn ông. Trong số họ, có người gần như hoàn mỹ như Michael, và có những người khiếm khuyết như Santino hoặc Johnny (Fontane), nhưng không ai có thể phủ nhận rằng họ rất rất điển hình.

Hai nhân vật chính, Vito và Michael Corleone, chia sẻ một phẩm chất chung: họ là những nhà lãnh đạo bẩm sinh. Óc khôn ngoan, lòng quyết đoán, và sự nhẫn tâm cho họ đứng trên người khác; và khi trời sập xuống, đã có họ nghiêng vai chống đỡ. Nhưng cả hai, xét cho cùng, đều là những người hùng bất đắc dĩ. Vito, nếu không bị Don Fanucci dồn đến đường cùng, hẳn đã an phận là một anh bán rau quả. Michael, nếu không phải chứng kiến cảnh bố mình thập tử nhất sinh, hẳn sẽ không bao giờ dính dáng đến sự vụ của nhà Corleone. Chỉ khi bước vào hiểm cảnh, những tố chất siêu việt ấy mới trỗi dậy trong họ.

Nhưng giữa Vito và Michael không phải không có khác biệt. Vito là dân Ý gộc, đại diện cho truyền thống; còn Michael, sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, đại diện cho sự giao thoa của hai nền văn hóa. Mặc dù vậy, nhưng Michael lại thoải mái như cá gặp nước khi trở về nguồn cội. Khí chất của anh không chỉ bộc lộ khi hạ sát kẻ thù hay khi điều hành gia tộc, mà còn được thể hiện (trong những tháng ngày lưu lại đất Sicily) theo một cách khiến cánh đàn ông không khỏi thở dài ngưỡng mộ. Cái cách Michael chinh phục Apollonia và gia đình cô, nó vừa tôn nghiêm, vừa hùng hồn, vừa câm lặng. Cái cách Michael đối diện với ông bố vợ tương lai, với các bà cô bà bác bà dì lẽo đẽo theo chân đôi tình nhân trẻ, nó vừa tự tin, vừa điềm tĩnh, vừa ngạo mạn.

Người viết tin rằng, khi xem tới đoạn này, nhiều anh con giai chỉ ao ước rằng mình có một nửa cái khí phách của Michael mỗi lần ló mặt đến nhà nhạc phụ tương lai. Rõ ràng, Michael là hiện thân của sự mẫu mực trong mọi vai trò mà anh gánh vác: là người lính, anh được phong anh hùng; là đứa con, anh kế thừa xuất sắc cha mình; là người chồng, anh có sự tôn sùng tuyệt đối từ Apollonia; là ông trùm, anh được đàn em kính nể và kẻ thù sợ hãi. Chưa hết, anh (trong ngoại hình của Al Pacino) lại đẹp trai lồng lộng, và ăn mặc cũng cực kỳ khí phái nam nhi (hay tất cả đàn ông ngày đó đều ăn mặc như thế, khác hẳn phong cách metrosexual nhan nhản thời nay?) Đời một thằng đàn ông, thử hỏi còn mong gì hơn thế?



Al Pacino đã tẩy chay Oscar năm 1972 vì cho rằng Viện Hàn lâm đã coi thường mình khi đề cử ông vào hạng mục diễn viên phụ, trong khi thời lượng diễn xuất của ông ở Godfather còn nhiều hơn Marlon Brando, người được đề cử và sau đó đoạt giải Nam chính xuất sắc nhất.




Nếu Vito và Michael là một cặp đôi của sự tương đồng thì Santino Corleone và Tom Hagen lại là một cặp đôi của sự đối lập - từ địa vị đến ngoại hình và tính cách. Sonny là con đẻ, Tom là con nuôi; Tom người Mỹ tóc vàng, Sonny dân Ý tóc đen; Tom là văn quan, Sonny là võ tướng; Tom lạnh lùng trầm tĩnh bao nhiêu thì Sonny máu nóng, bốc đồng bấy nhiêu. Cái tỉnh táo đầy lý trí của Tom và cái hoang dại rất bản năng của Sonny đều là hai mặt của người đàn ông, và chúng ta có thể không thấy mình rõ lắm ở con-người-siêu-nhiên Michael, nhưng sẽ thấy mình ít nhiều ở một hoặc cả hai nhân vật này.

Một nhân vật khác cũng không kém phần đặc biệt của “Godfather”, chính là Johnny Fontane. Trở lại với câu hỏi “đàn ông còn mong gì hơn thế”: có lẽ không ít người, nếu không mong được như Michael, sẽ mong được như Johnny Fontane. Johnny, mà giọng ca êm như nước và mềm như lụa khi ca bài “I have but one heart” đã thuốc chết bao trái tim thiếu nữ trong đám cưới của Connie lúc đầu phim.

Johnny, mà nguyên mẫu, theo giang hồ đồn đại, chính là Frank Sinatra lẫy lừng một thuở, thần tượng của vô vàn cô bé tuổi ô mai. “Godfather” phim không dành cho Johnny nhiều đất diễn, nhưng “Godfather” truyện lại khắc họa rất kỹ chân dung gã kép đào hoa, mà đoạn anh Johnny cua bé Sharon, dưới ngòi bút Mario Puzo và qua bản dịch Ngọc Thứ Lang, xứng đáng gọi là tuyệt tác về nghệ thuật à ơi, và cả về đạo hạnh của một gã lãng tử phong tình.

Puzo đã vẽ nên những cá tính lớn, và điều còn lại mà Coppola phải làm là chọn mặt gửi vàng cho từng vai diễn.

Cả Corleone bố và Corleone con đều đáng gọi là những con phượng giữa bầy gà, và Coppola không có giải pháp nào khác ngoài việc đi tìm chim phượng để vào vai chim phượng. Con phượng già tên là Marlon Brando, cây đại thụ, kẻ mở đường, biểu tượng về sức hút nam tính của điện ảnh. Chọn người đàn ông đàn ông nhất Hollywood vào vai Don Corleone, Coppola không sai lầm và không thể sai lầm. Cái giỏi của ông là đôi mắt xanh đã nhìn ra hình hài chú phượng non đang trổ mã trong Al Pacino (Michael chỉ là vai chính thứ hai trong bộ phim thứ ba của chàng diễn viên vô danh). Và nếu tính cả phần hai, với De Niro trong vai Vito thời trẻ, thì có thể nói Coppola đã được trời phú cho một bộ ba thần thánh để biến câu chuyện truyền kỳ của nhà Corleone thành bất tử.

http://tintuc.me/van-hoa/nghe-thuat/Godfather---Dan-ong-con-mong-gi-hon-the--/417171.html
 
Top