15 năm đi chia sẻ tình thương

10,150
29
48

ALnML

Super Moderator
15 năm đi chia sẻ tình thương
29/10/2018 11:14 GMT+7



Các thành viên Chia sẻ tình thương trong chuyến đi thiện nguyện ở Quảng Trị - Ảnh: CSTT

Khi lập nhóm, ít ai ngờ Chia sẻ tình thương tồn tại đến nay là 15 năm, và những thành viên đầu tiên như chị Ngô Phương Loan cũng đã dành 15 năm tuổi trẻ, 15 năm cuộc đời cho một công việc không được lợi ích, không được danh tiếng, nhưng luôn thấy được thúc giục và luôn mong muốn được sẻ chia, ấy là tình thương yêu.

Còn nhiều nơi cần giúp quá, dù không biết con đường phía trước hiểm nguy như thế nào, chỉ thấy yêu tiếng cười nói lao xao của đám trẻ phía xa, và nhớ ánh mắt của đứa trẻ lớp 3 khi bác sĩ Hiếu thông báo con phải về Hà Nội mổ tim, toàn bộ tiền bệnh viện sẽ được nhóm chi trả. Con bé nghe thấy từ bệnh viện, nơi không phải là nhà, mắt nó ậng nước nhưng không khóc.

Chị Thúy Nga (một thành viên của Chia sẻ tình thương)

Từ ảo bước ra đời

Hồi tháng 3, các thành viên Chia sẻ tình thương, trong đó có chị Loan, đã có chuyến đi 3 xã Hẹ Muông, Na Tông và Mường Lói, tỉnh Điện Biên để kỷ niệm sinh nhật của nhóm. Tháng 3 là mùa hoa ban ở Điện Biên, nhưng ít ai ngờ đây là chuyến đi tốn nhiều sức lực.

"Vực núi sâu thăm thẳm, tôi quá sợ đã đề nghị được xuống xe để đi bộ qua, nhưng rồi quyết định qua núi bằng xe máy. Từng đi qua những cung đường cua tay áo cheo leo ở Hà Giang, nhưng đó là cảm giác ngồi trong ôtô, sự sợ hãi được che đậy. Nay ngồi lơ lửng trên cái yên xe mới thấy nhỏ bé trước vực thẳm. Xe cứ lao đi rồi khựng lại, rồi trượt ngang ngay mép vực..." - chị Loan kể về một trong những chuyến đi gần đây.

15 năm trước, chị Loan và những người bạn Chia sẻ tình thương hôm nay gặp nhau trong một diễn đàn lập trên Internet dành cho các mẹ. Ở đấy, họ không biết mặt và tên thật của nhau, chỉ biết nhau qua những "nick name" kiểu mẹ Cún Bông, mẹ Như Khuê..., nhưng tình yêu thương là có thật.

Cứ có ca bệnh nào khó, bệnh nhân không có tiền chữa bệnh, bệnh nhân thập tử nhất sinh là Chia sẻ tình thương lại ra tay. Nhiều người đã được cứu sống. Từ đó, chị Loan được đặt một nick name là Loan Chia sẻ tình thương.

Ngôi nhà Chia sẻ tình thương trên mạng ảo được dời sang một địa chỉ khác, cũng trên mạng, cách đây 13 năm. Khi chuyển "nhà", các thành viên đầu tiên e ngại, mọi người đều xa lạ, ai cũng bận rộn, giờ cùng làm thêm công việc thiện nguyện liệu có gắn bó được lâu dài?

Mấy ai ngờ rằng ngôi nhà Chia sẻ tình thương mới ấy lại đã đi tiếp được 13 năm, đến nay đã có gần 500 trường hợp khó khăn được bảo trợ, theo hướng trẻ em được bảo trợ học hết đại học, người nghèo khó ốm đau được khám và được điều trị bệnh bằng nguồn kinh phí... đi xin. Và cũng đã có trên 180 chuyến đi, kiểu như chuyến đi Hẹ Muông, Mường Lói và Na Tông hồi tháng 3 vừa qua, xa nhất là các chị vào tận Gia Lai!

"Mỗi một chuyến đi chúng tôi luôn sắp xếp để mang được cả quà vật chất, quà tinh thần và luôn mong đến những nơi xa xôi nhất, chưa có ai đến để mang cho các bé học sinh ở đó những khoảnh khắc thú vị.

Ban đầu nhóm có hai bạn biết thổi bóng nghệ thuật, ngồi xe cả ngày trời nhưng đến nơi là các bạn ấy lao vào thổi bóng đến đau hết cả miệng. Có những bé lúc nhận bóng thổ lộ chưa từng nhìn thấy quả bóng ấy, bé vui và sợ bóng hỏng tới mức không dám sờ vào. Có thành viên lại giỏi chụp ảnh, các bạn sẽ chụp, in rồi ép nhựa tại chỗ để tặng những người chúng tôi được gặp.

Các bác sĩ trung tâm tim mạch Bệnh viện ĐH Y Hà Nội thì nhận trách nhiệm khám bệnh, và bệnh nhân sẽ được hỗ trợ chữa trị" - chị Loan kể.


Hay như một thành viên sáng lập của Chia sẻ tình thương là bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội. Công việc của một bác sĩ tim mạch kiêm đại biểu Quốc hội rất bận rộn, nhưng mỗi năm ông luôn dành ba trong số những dịp nghỉ ít ỏi để đi khám bệnh cho bà con nơi xa, cùng các thành viên Chia sẻ tình thương.

Sẽ đi tiếp những "cung đường tình yêu"

Nhóm gọi những con đường mình đã qua là những "cung đường tình yêu", dù lúc đi trên đường họ luôn sợ hãi vì ranh giới sống - chết mỏng như tờ giấy, họ bảo nhau thôi sau không đi những chuyến như thế này nữa.

Điều gì làm cả đoàn hơn 20 con người "thành phố" có thể cùng leo lên thùng một chiếc xe ben và cùng xe vượt những con dốc dựng đứng, có lúc họ nắm chặt tay vào khúc cây được buộc vào thành xe làm chỗ bám. Có lúc họ nắm chặt cái bao tải cho đỡ sợ.

Nơi họ đến là những bản làng miền núi xa lạ, chỗ ăn ngủ không tiện nghi, những người họ gặp là những em bé rẻo cao và các thầy cô giáo cắm bản cũng xa lạ. Nếu lối nghĩ thông thường, thật khó tưởng tượng lại có những người dành ngày nghỉ trong năm, dành tiền và sức lực để đi những chuyến đi không đầu không cuối kỳ cục ấy.

"Chúng tôi vẫn sẽ đi tiếp, còn nhiều nơi cần giúp, còn nhiều chỗ cần đến lắm" - chị Ngô Phương Loan khẳng định. Chuyến đi Hẹ Muông, Na Tông và Mường Lói hồi tháng 3, rồi sau đó các chị đi Gia Lai, cảnh sắc đẹp đến ngỡ ngàng, và những đứa trẻ vùng cao ngoan ngoãn hiền hậu cứ khoanh tay chào cô, chào thầy khi thấy người lạ, và những thầy cô giáo cắm bản có người từ Hà Nội lên cắm bản ở rẻo cao.

Thật khó tưởng tượng nếu không có thầy cô giáo, bọn trẻ miền núi sẽ lớn lên như thế nào. Nhưng những ziczac của cuộc sống mới là điều khiến những người đi chia sẻ tình thương trăn trở.

"Gần đây chúng tôi gặp bé Mai Thị Phương Vy, 6 tuổi, ở Quảng Bình. Năm 2016 nhóm đã khám tim ở xã ngay cạnh xã bé, nhưng bé lại chưa được khám hồi đó. Gần đây khi bệnh trở nặng bé mới được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng và có chỉ định điều trị. Cuộc sống đôi khi rất gần mà lại rất xa, nhờ nhân duyên Chia sẻ tình thương lại gặp được bé và được chung tay" - chị Loan cho hay.

Tháng năm qua, tình thương ở lại




Mẹ con bé Đức, bệnh nhi mắc tim bẩm sinh vừa được Chia sẻ tình thương hỗ trợ. Bé 9 tháng nhưng chỉ nặng hơn 4kg - Ảnh: CSTT

...Ngày...

Anh em bé Kiều ở bản Suối Phà, xã Tú Nang, Yên Châu, Sơn La sống chung với ông bà nội vì bố đi tù, mẹ bỏ đi, ông bé đau ốm quanh năm, gia cảnh khó khăn vô cùng.

Từ tháng 1-2018 anh em bé được thành viên Chia sẻ tình thương bảo trợ, được nhận gạo, trứng, mỡ lợn, muối, lạc hạt... hằng tháng.

Đến tháng 4-2018 anh bé ốm yếu, ông bà bé bị điếc nên không ai đưa anh bé Kiều đi khám, thành viên Chia sẻ tình thương đến thăm, gặp bé đi lấy măng bán, anh bé ốm, chảy máu cam thường xuyên, bụng to và muốn đi khám bệnh.

Tháng 9-2018, anh bé bị ngã xe đạp vỡ xương hàm, bệnh viện huyện không chữa được chuyển lên bệnh viện tỉnh, thành viên Chia sẻ tình thương lên thăm, mua thuốc và chỉ khâu ngoài danh mục bảo hiểm y tế, mua đồ ăn, mua chậu, khăn mặt, mua đồ ăn lúc con xuất viện về nhà. Anh em con bất hạnh do hoàn cảnh gia đình, nhưng đã có các bác ôm trọn vào lòng mình, có các bác hỗ trợ.

Lan

...Ngày...

Sáng nay, cô Phương đã đón bé Đức, sinh tháng 1-2018 ở Quảng Trị đến Bệnh viện Bạch Mai. 9 tháng mà bé như cái kẹo, chỉ hơn 4kg, chân tay bé xíu, khóc không ra tiếng, mẹ cho ti cũng không ti, bố bế vòng quanh hành lang bệnh viện để dỗ con, trông tội vô cùng. Cả nhà ba người mang lỉnh kỉnh đồ đạc, bao gồm cả nước mắm để nấu bột cho con, mà đi từ Quảng Trị ra, đổ đến phân nửa. Trước mắt Chia sẻ tình thương hỗ trợ con 10 triệu đồng để mua sữa, làm các thủ tục đợi bác sĩ chỉ định chữa bệnh...

Có hàng trăm hàng ngàn cái tên như vậy trong nhật ký Chia sẻ tình thương. Tôi hỏi nhóm hiện có bao nhiêu người, chị Loan nói chị không nhớ, chị cũng không nhớ hết những cung đường tình yêu mà mình đã đi qua. Nhưng tôi biết chắc chắn những người ấy sẽ nhớ các anh chị, ngày anh chị mang bóng bay và máy ảnh đến, tặng quà, xây những ngôi trường mới, đem người ốm đi chữa bệnh... Thời gian qua đi, nỗi nhớ còn ở lại.
Lan Anh


https://tuoitre.vn/15-nam-di-chia-se-tinh-thuong-20181029102200243.htm
 
Top