Giải Ig Nobel - Cười ,rồi suy nghĩ

5,622
9
38

metyruoi

Active Member
Giải Ig Nobel là giải thưởng nhại lại giải Nobel, được trao tặng vào đầu mùa thu hàng năm - gần với thời gian mà giải Nobel chính thức được công bố – cho 10 thành tựu mà "đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ". Giải Ig Nobel đầu tiên được trao vào năm 1991.

Phần thưởng đôi khi là sự chỉ trích gián tiếp, nhưng phần lớn thu hút sự chú ý là những công trình khoa học có tính hài hước hay có những khía cạnh gây ngạc nhiên; ví dụ như sự khám phá ra "định luật 5 giây", đó là một điều khôi hài tin rằng nếu thức ăn rơi xuống sàn nhà sẽ không bị nhiễm khuẩn nếu được nhặt lên trong vòng 5 giây, hay những ghi chép cho rằng hố đen đáp ứng đủ mọi yêu cầu kĩ thuật để xác định rằng đó là vị trí của địa ngục.
(http://vi.wikipedia.org/wiki/Giải_Ig_Nobel)

Năm nay là năm thứ 21 giải Ig Nobel được trao. “Giải Ig Nobel tôn vinh những thành tựu mà trước hết làm mọi người cười, rồi sau đó làm họ suy nghĩ. Giải thưởng này nhằm tôn vinh mối quan tâm bất thường, tôn vinh trí tưởng tượng và thúc đẩy mọi người yêu thích khoa học, y học, công nghệ” - thông cáo báo chí của Tổ chức Nghiên cứu phi thực - tổ chức điều hành giải Ig Nobel - viết.

Giải Ig Nobel sinh học - thường là nguồn gây cười nhiều nhất tại các lễ trao giải thưởng ngược này thuộc về hai nhà khoa học Australia nhờ phát hiện một số loài bọ cánh cứng giao phối với những chai bia vì nhầm tưởng chúng là bạn tình.


Một con bọ cánh cứng giao phối với chai bia màu nâu. Ảnh: sciencecodex.com.



BBC cho biết, Darryl Gwynne, David Rentz – hai nhà nghiên cứu côn trùng tại Australia phát hiện ra rằng một số loài bọ cánh cứng tìm cách giao phối trong những chai bia mà con người vứt đi. Tuy nhiên, chúng chỉ làm “chuyện ấy” với những chai màu nâu còn một chút bia. Hôm qua hai nhà nghiên cứu đã nhận giải Ig Nobel Sinh học nhờ phát hiện ấy.


Giáo sư Darryl Gwynne - người Australia (giữa) vui vẻ nhận giải Ig Nobel sinh học 2011 từ tay nhà khoa học Lou Ignaro - người đã đoạt giải Nobel Y học 1988.



Mù tạt xanh (wasabi) là gia vị không thể thiếu trong những món hải sản ăn sống của người Nhật Bản. Nhưng Makoto Imai, một nhà nghiên cứu của Đại học Y khoa Shiga tại Nhật Bản, cùng các đồng nghiệp đã mở rộng công dụng của mù tạt xanh bằng cách dùng nó để đánh thức những người điếc khi hỏa hoạn hoặc những sự kiện khẩn cấp xảy ra. Cụ thể, khi một ngôi nhà bốc cháy và người điếc đang ngủ, thân nhân của người điếc chỉ việc phun mù tạt xanh.

Nhóm chuyên gia đã được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng độc đáo, đồng thời đoạt giải Ig Nobel Hóa học 2011.


Theo Guardian, trước khi tìm ra mù tạt xanh, nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã thử hàng trăm mùi, bao gồm cả mùi trứng thối, xem mùi nào có thể khiến người điếc tỉnh giấc. Họ phát hiện allyl isothiocyanate, một chất có hoạt tính mạnh trong mù tạt xanh, gây cảm giác khó chịu trong mũi. Nó phát huy tác dụng ngay cả khi con người ngủ.


“Đó là nguyên nhân khiến con người tỉnh giấc ngay lập tức khi hít mùi của mù tạt xanh”, nhóm nghiên cứu tuyên bố.

Các nhà khoa học Nhật Bản nhận giải Ig Nobel Hóa học hôm 29/9. Ảnh: AP.



Vận động viên ném đĩa thường cảm thấy hoa mắt, chóng mặt sau khi ném đĩa. Trong khi đó những vận động viên ném búa không trải qua cảm giác tương tự khi thi đấu. Nghiên cứu giải thích nguyên nhân gây chóng mặt ở vận động viên ném đĩa giúp 5 nhà khoa học Pháp đoạt giải Ig Nobel Vật lý.

Anna Wilkinson, một nhà nghiên cứu của Đại học Lincoln tại Mỹ, cùng một số đồng nghiệp nhận giải Ig Nobel Sinh lý học nhờ chứng minh rằng ngáp không phải là hành vi dễ lây ở loài rùa chân đỏ.


Với những công thức và tính toán phức tạp, 6 nhà toán học trên thế giới – 4 người Mỹ, một người Hàn Quốc và một người Uganda – từng dự đoán ngày tận thế sẽ xảy ra trước năm 2011. Thực tế cho thấy mọi dự đoán của họ đều sai. Nhưng họ vẫn được trao giải Ig Nobel Toán học vì đã có công giúp mọi người hiểu rằng chúng ta phải cẩn thận khi đưa ra các giải thuyết và tính toán trong toán học.


Giải Ig Nobel Tâm lý thuộc về giáo sư Karl Halvor Teigen của Đại học Oslo tại Na Uy vì ông đã giải thích nguyên nhân khiến con người thở dài trong cuộc sống hàng ngày.


Buồn đi tiểu và ra quyết định dường như chẳng liên quan tới nhau. Song Marjam Tuk, một giảng viên của Đại học Twente tại Hà Lan, lại chứng minh được rằng những người có khả năng chịu đựng cảm giác buồn tiểu lâu thường bỏ qua lợi ích trước mắt để hướng tới lợi ích lâu dài. Phát hiện thú vị ấy giúp ông nhận giải Ig Nobel Y học năm 2011.


Các giải Ig Nobel được trao tại nhà hát Sanders của Đại học Harvard tại Mỹ hôm 29/9. Mỗi người nhận giải chỉ được phép phát biểu trong 60 giây. Họ nhận phần thưởng từ tay những người từng đoạt giải Nobel.


Ngày nay, giải Ig Nobel là thứ có thể khiến người ta tự hào. Điều đó giải thích tại sao 7 trong số 10 người đoạt giải năm nay tự bỏ tiền để tới Đại học Harvard.

Tổng hợp
 
Top