Người đua diều - Khaled Hosseini

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
"Đây là một trong những câu chuyện sẽ ở lại trong tâm tư bạn trong nhiều năm nữa. Những chủ đề văn học và nhân sinh đã tạo nên một cấu trúc tiểu thuyết tuyệt vời: tình yêu, danh dự, tội lỗi, sợ hãi và cứu chuộc. Cuốn sách tràn đầy sức mạnh, tới nỗi trong suốt cả một quãng thời gian dài sau đó những gì tôi đọc dường như đều nhạt nhẽo."
Isabel Allende





"Một cuốn sách đầy sức mạnh... Không cầu kì phi lý, hoàn toàn và giản dị và chặt chẽ... Một câu chuyện sâu sắc về gia đình, tình bạn, sự phản bội và chuộc tội mà không cần phải chỉ dẫn hay diễn dịch vẫn cuốn hút và khai sáng tâm hồn ta. Có những phần trongNgười đua diềuthật nguyên sơ, vò xé trái tim người đọc, song đây là câu chuyện đã được viết ra một cách tha thiết. Tình yêu thật rõ ràng mà Hosseini dành cho quê hương của mình cũng sâu xa như sự chán ghét của ông đối với hiện trạng của nó... Câu chuyện được kể lại bằng một văn phong giản dị, gần gũi vớiNgàn cánh hạccủa Kawabata hơn làBộ bacủa Mahfouz. Những trang hay nhất của Hosseini là khi ông mô tả nhưng khoảnh khắc đau đớn tột cùng một cách chậm rãi, tĩnh lặng."

The Washington Post Book World​






 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

I

Tháng Mười hai năm 2001


Tôi đã trở thành tôi như ngày hôm nay từ tuổi mười hai, vào một ngày lạnh lẽo, ảm đạm mùa đông năm 1975. Tôi nhớ chính xác lúc đó đang khom người sau bức tường đất sụp đổ, nhòm trộm vào lối nhỏ gần khe suối đóng băng. Thời đó lâu lắm rồi, nhưng tôi biết những gì người ta nói về quá khứ, mà tôi đã học được, về việc anh có thể chôn vùi nó đi, là một điều sai lầm. Bởi vì quá khứ còn đang thay đổi. Bây giờ nhìn lại, tôi nhận ra tôi vẫn đang nhòm vào cái lối nhỏ hoang vắng đó suốt hai mươi sáu năm qua.

Mùa hè vừa rồi, một hôm chú Rahim Khan gọi cho tôi từ Pakistan. Chú yêu cầu tôi tới gặp chú. Đứng trong bếp, với máy nghe bên tai, tôi hiểu đó không phải là chú Rahim Khan trên máy. Đó là quá khứ tội lỗi không được chuộc của tôi. Sau khi treo máy, tôi đi dạo bộ dọc theo Hồ Spreckels ở phía bắc công viên Cổng Vàng. Mặt trời buổi chiều sớm lấp lánh nước hồ, trên đó hàng chục nhưng chiếc thuyền con đang giong buồm theo làn gió nhẹ khô. Rồi tôi liếc nhìn lên, thấy một đôi diều màu đỏ với những chiếc đuôi đài màu xanh lơ bay vút lên trời. Đôi diều nhào lộn tầng không, bên trên những hàng cây đầu phía Tây công viên, bay qua những cối xay gió, bồng bềnh bên nhau như một cặp mắt đang nhìn xuống San Francisco, thành phố giờ đây tôi gọi là quê hương. Và bất chợt giọng nói của Hassan thì thào trong đầu tôi: vì cậu, cả ngàn lần rồi. Hassan người đua diều môi hẻ.

Tôi ngồi trên băng ghế công viên cạnh một cây liễu rủ. Tôi nghĩ tới điều gì đó Rahim Khan đã nói trước khi cúp máy, gần như chợt nghĩ thêm: luôn có một con đường để tốt lành trở lại. Tôi ngước nhìn cặp diều sinh đôi. Tôi nghĩ về Hassan. Nghĩ về Baba. Ali. Kabul. Tôi nghĩ về cuộc đời tôi đã từng sống, cho tới khi mùa đông năm 1975 ập đến, làm thay đổi tất cả. Và khiến tôi trở thành tôi như ngày hôm nay.


II

Khi còn là hai đứa trẻ, Hassan và tôi thường trèo lên những cây bạch dương trên con đường xe chạy vào nhà cha tôi, và dùng một mảnh gương chiếu ánh nắng vào nhà những người hàng xóm của chúng tôi làm họ tức giận. Chúng tôi thường ngồi chéo nhau, trên một cặp cành cây cao, chân trần đung đưa, túi quần đầy quả dâu tằm phơi khô và quả óc chó, thay nhau chiếu gương, vừa ăn dâu tằm vừa ném vào nhau, khúc khích, cười vang. Tôi vẫn như còn thấy Hassan trên cái cây đó, nắng lung linh xuyên qua kẽ lá chiếu lên khuôn mặt gần như tròn xoe của cậu, một khuôn mặt giống như búp bê Tàu được gọt từ gỗ cứng: mũi nở và tẹt, mắt vừa hẹp vừa xếch như lá tre, đôi mắt nếu nhìn vào, tuỳ theo ánh sáng, lúc vàng, lúc xanh, lúc cả màu ngọc bích nữa. Tôi vẫn có thể thấy đôi tai nhỏ mọc thấp, và mẩu cằm nhô ra có vẻ như đắp thêm chút thịt, như sau đó mới thêm vào. Và chiếc môi hẻ tách ra ở chính giữa, nơi mà người làm búp bê Tàu có thể đã để trượt đồ nghề, hoặc có lẽ lúc đó chỉ đơn giản thấm mệt thành ra bất cẩn.

Đôi khi ngồi trên những ngọn cây đó, tôi xui Hassan lấy súng cao su bắn quả óc chó vào con chó chăn cừu giống Đức chột mắt của ông hàng xóm. Hassan chẳng bao giờ muốn vậy, nhưng nếu tôi yêu cầu, thực sự yêu cầu, cậu sẽ không từ chối. Hassan chẳng bao giờ từ chối tôi bất cứ điều gì. Và cậu bắn súng cao su chính xác chết người. Cha của Hassan, ông Ali, thường bắt gặp chúng tôi và phát điên lên, điên theo cách người hiền hậu như Ali có thể làm được. Ông thường bật ngón tay, vẫy chúng tôi tụt xuống. Ông giật lấy mảnh gương và bảo chúng tôi bà nội của Hassan đã dạy ông rằng quỷ dữ cũng chiếu những mảnh gương, chiếu để làm rối trí các tín đồ Hồi giáo trong lúc cầu nguyện. Ông luôn quắc mắt nhìn con trai mình nói thêm "và quỷ cũng cười hô hố trong khi làm như vậy."

"Vâng, thưa cha", Hassan thường lẩm bẩm, vừa nhìn xuống dưới chân. Nhưng không bao giờ cậu đổ cho tôi. Không bao giờ nói rằng mảnh gương cũng như việc bắn quả óc chó vào con chó của ông láng giềng luôn luôn là trò nghịch ngợm của tôi.

Những cây bạch dương xếp thành hàng dọc con đường xe chạy lát gạch đỏ dẫn tới đôi cổng sắt uốn. Đôi cổng kế tiếp mở vào phần mở rộng của đường xe vào tư dinh của cha tôi. Ngôi nhà toạ lạc phía bên trái con đường gạch, sân sau ở cuối đường.

Mọi người đều đồng ý là cha tôi, tức Baba của tôi, đã xây một ngôi nhà đẹp nhất quận Wazir Akar Khan, vùng phụ cận mới và giàu có ở phần Bắc Kabul. Vài người còn nghĩ đó là ngôi nhà xinh đẹp nhất trong toàn bộ Kabul. Một lối vào rộng, hai bên là những khóm hồng dẫn tới một toà nhà trải dài với sàn nhà bằng đá cẩm thạch và những cửa sổ rộng. Những viên gạch khảm khắc cầu kỳ, mà Baba tự tay lựa chọn ở Isfahan, được lát cho sàn của bốn phòng tắm. Những tấm thảm thêu sợi vàng, Baba mua ở Calcutta, chăng dọc các bức tường. Một chùm đèn phalê treo dưới vòm trần.

Trên gác là phòng ngủ của tôi, phòng ngủ của Baba, phòng đọc của ông, còn được coi như "phòng hút", nơi không ngừng toả ra mùi thuốc lá và mùi quế. Baba và bạn ông ngả người trên chiếc ghế đệm da màu đen ở đó, sau khi Ali đã phục vụ cơm tối. Họ nhồi tẩu thuốc - riêng Baba luôn gọi đó là "vỗ béo tẩu thuốc" - và tranh luận về ba đề tài ưa thích: chính trị, kinh doanh và bóng đá. Đôi khi tôi hỏi Baba liệu tôi có thề ngồi cùng họ được không, nhưng Baba thường đúng chặn trước cửa và nói "Làm việc của con đi, nhanh lên nào. Giờ là lúc người lớn nói chuyện. Sao con không đọc một cuốn sách nào đó của con?" Ông thường đóng cửa lại, để mặc tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao ông cứ "lúc người lớn nói chuyện" mãi thế. Tôi thường ôm đầu gối ngồi ngay bên cửa. Đôi khi tôi ngồi đó một tiếng đồng hồ, có khi hai tiếng, lắng nghe họ cười, họ chuyện gẫu với nhau.

Phòng khách ở tầng dưới có một bức tường cong với những chiếc tủ đóng theo phong cách truyền thống. Trong phòng treo nhưng bức hình gia đình. Một tấm ảnh giấy lụa cũ của ông nội tôi và quốc vương Nadir Shah chụp năm 1931, hai năm trước khi quốc vương bị ám sát. Hai người đang đứng bên ngắm một con nai chết, chân đi ủng cao tận đầu gối, súng khoác qua vai. Kia là một bức hình đêm cưới cha mẹ tôi, Baba sang trọng trong bộ lễ phục đen và mẹ tôi váy trắng với nụ cười của một nữ quận chúa trẻ. Đây là Baba và người bạn quý nhất, bạn kinh doanh của ông, chú Rahim Khan, đứng trước nhà của chúng tôi, chẳng ai mỉm cười. Tôi là đứa bé trong bức ảnh, Baba đang bế tôi, trông có vẻ mệt mỏi ra nghiêm khắc. Tôi ở trong tay ông, nhưng những ngón tay tôi cong lên ngoắc lấy ngón út của chú Rahim Khan.

Bức tường cong dẫn vào phòng ăn, giữa phòng là một chiếc bàn bằng gỗ gụ có thể phục vụ thoải mái ba mươi thực khách - và hợp với sở thích của cha tôi, những bữa tiệc cực kỳ tốn kém hầu như tuần nào cũng có. Ở đầu kia của phòng ăn là một lò sưởi cao lớn bằng đá cẩm thạch, luôn luôn cháy sáng ngọn lửa màu da cam trong suốt mùa đông.

Một cửa kính trượt rộng lớn mở ra cái hiên bán nguyệt bao quát non một hécta đất phía sau và những hàng cây anh đào. Baba và Ali đã trồng một vườn rau nhỏ dọc theo dãy tường Phía Đông, gồm cà chua, húng bạc hà, ớt và cả một hàng ngô chẳng bao giờ thu hoạch mà Hassan và tôi quen gọi là "Bức tường Ngô ốm".

Đầu phía Nam của khu vườn, dưới bóng cây sơn trà là nhà của những người giúp việc, một túp lều nhỏ tường đất khiêm tốn, nơi Hassan sống cùng với bố mình.

Chính ở đó, trong túp lều nhỏ ấy, Hassan được sinh ra vào mùa đông năm 1964, đúng một năm sau khi mẹ tôi mất lúc sinh tôi.

Mười tám năm sống trong ngôi nhà này, tôi chỉ bước vào lãnh địa của Hassan và Ali một vài lần. Khi mặt trời xuống thấp sau những dãy đồi và chúng tôi đã chơi đùa hết cả ngày, Hassan và tôi ai về đường nấy. Tôi đi qua những khóm hoa hồng về toà lầu của Baba, Hassan về túp lều đất nơi cậu đã được sinh ra, nơi cậu sống đời mình. Tôi vẫn còn nhớ nơi đó vắng vẻ, sạch sẽ và leo lét sáng nhờ hai cây đèn dầu. Có hai tấm đệm ở hai phía đối diện căn lều, ở giữa là một tấm thảm Herati nhỏ đã cũ, xung quanh mòn xơ, một chiếc ghế đẩu ba chân và chiếc bàn gỗ ở góc nhà đề Hassan vẽ tranh. Tường xung quanh trần trụi, ngoại trừ một tấm thảm duy nhất đính các hạt cườm thành mấy từ Allah-u-akbar 1, Baba đã mua nó cho ông Ali trong một chuyến đi Mashad.

Chính trong túp lều đó mà mẹ của Hassan, bà Sanaubar đã sinh ra cậu vào một ngày đông giá năm 1964. Trong khi mẹ tôi băng huyết chết khi sinh tôi, Hassan lại mất mẹ lúc sinh ra chưa được một tuần. Mất mẹ, thì hầu hết người Afghan đều coi là còn tệ hại hơn mẹ chết nhiều: Bà ấy bỏ đi theo một bộ tộc vũ công và du ca.

Hassan chẳng bao giờ nói về mẹ, như thể bà ấy chưa bao giờ tồn tại. Tôi luôn luôn thắc mắc không hiểu liệu cậu có mơ thấy mẹ mình không, bà ấy trông như thế nào và đang ở đâu. Tôi không hiểu liệu cậu có mong gặp mẹ không. Cậu có đau khổ về mẹ như tôi đau khổ vì không bao giờ được gặp mẹ? Một hôm, chúng tôi đang cuốc bộ từ ngôi nhà của cha tôi đến rạp chiếu phim Zainab để xem bộ phim mới của Iran. Chúng tôi đã di tắt qua trại lính gần trường trung học Istiqlal - Baba đã cấm chúng tôi đi lối tắt ấy, nhưng lúc này ông cùng chú Rahim Khan đang ở Pakistan. Chúng tôi nhảy qua hàng rào vây quanh doanh trại, băng qua khe nước nhỏ và đột nhập vào một bãi đất trống bẩn thỉu có những chiếc xe tăng cổ lỗ bỏ hoang phủ đầy bụi. Đám lính tụ tập dưới bóng một chiếc xe tăng vừa hút thuốc lá vừa đánh bài. Một gã trông thấy chúng tôi, huých khuỷu tay vào gã ngồi bên, gọi Hassan.

- Ê thằng nhỏ, - hắn nói. - Tao biết mày đấy.

Trước đó, chúng tôi đã bao giờ gặp hắn đâu. Hắn là một gã đàn ông to bè, thấp béo, đầu cạo trọc, râu đen lởm chởm trên mặt. Cái cách hắn nhăn nhở cười với chúng tôi, liếc nhìn dâm dật khiến tôi hoảng sợ. "Kệ, cứ đi," tôi lúng búng bảo Hassan.

- Mày! Thằng Hazara! 2 Hãy nhìn tao khi tao nói với mày, - tên lính sủa. Hắn đưa điếu thuốc đang hút cho thằng ngồi bên, một tay ngoắc ngón cái vào ngón trỏ thành một vòng tròn. Ngón giữa tay bên kia thọc vào vòng tròn đó. Thọc vào thọc ra. Thọc vào, thọc ra, - tao biết mẹ mày đấy, mày có hiểu không? Tao biết mẹ mày hàng thật. Tao chơi mẹ mày từ phía sau, bên khe nước, chỗ kia kìa.

Bọn lính cười rộ. Một tên trong bọn kêu ré lên. Tôi bảo Hassan cứ đi, kệ cứ đi.

- Cái lều 3 xinh xinh nhỏ xíu của mẹ mày mới mùi mẫn làm sao!

Tên lính vừa nói vừa nhăn nhở cười, bắt tay những tên khác.

Lát sau, trong bóng tối, sau khi bộ phim bắt đầu chiếu, tôi nghe tiếng Hassan ngồi bên tôi đang sụt sịt. Nước mắt chảy ròng ròng trên đôi má. Tôi ngồi xích lại, dang cánh tay ôm lấy người cậu, kéo cậu sát vào tôi. Cậu ngả đầu lên vai tôi. "Hắn nhầm cậu với ai đấy," tôi thì thào. "Hắn nhầm cậu với ai mà!"

Tôi nghe nói chẳng một ai thực sự ngạc nhiên khi Sanaubar bỏ nhà đi. Mọi người đều phải nhướn mày khi Ali, một người đàn ông làu làu kinh Koran, cưới Sanaubar, người đàn bà mười chín, trông trẻ hơn tuổi, một người đàn bà đẹp nhưng tai tiếng, buông thả, sống bất chấp nhưng điều ô nhục. Cũng giống như Ali, bà ta là một tín đồ Hồi giáo Shi'a và thuộc chủng tộc Hazara. Bà cũng là em họ, con cô con cậu của ông và điều đó dẫn đến sự chọn lựa tự nhiên cho hôn phối. Nhưng ngoài sự tương đồng ấy, Ali và Sanaubar hầu như chẳng có điểm giống nhau nào, ít nhất là mọi vẻ bề ngoài tương ứng. Trong khi đôi mắt Sanaubar long lanh xanh biếc, bộ mặt ranh ma, nghe đồn đã dụ dỗ không biết bao nhiêu đàn ông rơi vào tội lỗi, thì Ali lại bị liệt bẩm sinh cơ mặt dưới, nguyên nhân khiến ông không thể mỉm cười, khiến ông mãi mãi có bộ mặt nghiêm khắc. Nếu thấy được bộ mặt như đá tạc của Ali sung sướng hoặc buồn rầu thì đó là một điều kỳ lạ, bởi vì chỉ có đôi mắt xếch màu nâu của ông loé lên thay cho nụ cười và tuôn ra nỗi sầu. Người ta bảo đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Chẳng bao giờ có trường hợp nào đúng hơn thế với Ali, con người chỉ có thể thổ lộ tâm can mình qua đôi mắt.

Tôi nghe đồn rằng những bước đi khêu gợi và cái hông đung đưa của Sanaubar đã khiến bao người đàn ông phải mơ đến cảnh phản bội vợ con. Nhưng bệnh viêm tuỷ xám gây bại liệt đã để lại cho Ali chân phải vặn vẹo, teo cơ, lớp da vàng sạm bên dưới chỉ là một lớp cơ mỏng bọc xương. Tôi nhớ một hôm, năm tôi tám tuổi, Ali đem tôi ra phố chợ 4mua một ít bánh naan 5. Tôi bước phía sau ông, bụm miệng, cố bắt chước bước đi của ông. Tôi quan sát ông ngoáy chiếc chân khẳng khiu theo một vòng cung quét đất. Tôi quan sát toàn thân ông nghiêng một cách khó khăn về bên phải mỗi lần ông đặt chân đó xuống. Mỗi bước đi như vậy mà ông không bị lật nhào dường như đã là một điều thần kỳ nho nhỏ. Khi cố bắt chước ông, tôi suýt bị ngã xuống rãnh nước. Khiến tôi khúc khích cười. Ali quay lại, bắt gặp tôi nhại theo ông. Ông không nói gì. Không lúc ấy. Không bao giờ hết. Ông chỉ tiếp tục bước đi.

Bộ mặt của Ali và bước đi của ông làm đám trẻ nhỏ trong vùng hoảng sợ. Nhưng điều phiền nhiễu thực sự là những đứa lớn hơn. Chúng bám theo ông trên đường phố, và nhại theo ông mỗi khi ông cà nhắc đi qua. Có đứa còn gọi ông là Bababu hay Ngoáo ộp. "Ê, Bababu, hôm nay ăn thịt ai rồi." Chúng đồng thanh sủa lên và cười phá. "Đồ Batabu Mũi Tẹt, mi ăn thịt ai rồi?"

Chúng gọi ông là "đồ mũi tẹt" bởi vì Ali và Hassan mang đặc trưng chủng tộc Hazara gốc Mông Cổ. Đã bao năm rồi, tất cả những gì tôi biết về người Hazara là họ là hậu duệ của người Mông Cổ thời Đế chế Mogul và trông giống như những người Trung Hoa bé nhỏ. Sách giáo khoa trong nhà trường chỉ nhắc đến tổ tiên họ một cách qua loa. Thế rồi một hôm, tôi ở trong phòng đọc của Baba, xem qua những sách linh tinh của ông, tôi tìm thấy một trong những cuốn cổ sử của mẹ tôi. Cuốn sách do một người Iran có tên là Khorami viết. Tôi thổi bụi đi, lén đem nó về giường tôi đêm đó, và sửng sốt thấy cả một chương về lịch sử của người Hazara. Cả một chương riêng về dân tộc của Hassan! Trong chương ấy, tôi đọc thấy dân tộc tôi, tộc Pashtun đã ngược đãi và hà hiếp người Hazara. Chương sách nói người Hazara đã gắng sức vùng lên chống lại người Pashtun vào thế kỷ mười chín, nhưng người Pashtun đã "nghiền nát họ bằng bạo lực không thể tả xiết bằng lời." Cuốn sách nói dân chúng tôi đã giết người Hazara, đuổi họ khỏi đất đai của họ, đốt nhà của họ, bán vợ con họ. Cuốn sách nói, một phần lý do khiến người Pashtun áp bức người Hazara vì người Pashtun là những tín đồ hồi giáo Sunni, trong khi đó người Hazara lại là Hồi giáo Shi'a. Cuốn sách viết nhiều điều mà tôi không hiểu, những điều mà các thầy giáo tôi không nói đến. Những điều mà cả Baba cũng chẳng bao giờ đề cập. Nó cũng nói một số điều tôi đã biết, như mọi người gọi người Hazara là bọn ăn thịt chuột, mũi tẹt, lũ lừa ưa nặng. Tôi đã từng nghe thấy mấy thằng nhãi ở vùng lân cận hét lên những biệt hiệu ấy với Hassan.

Tuần sau đó, sau giờ học, tôi giơ cuốn sách cho thầy giáo tôi và chỉ vào chương nói về người Hazara. Ông xem lướt qua vài trang, cười khẩy và trả lại tôi cuốn sách. "Đó là điều duy nhất dân Shi'a làm đúng," ông nói tiếp, vừa thu dọn sách vở, "làm như những kẻ tuẫn đạo." Ông nhăn mũi khi nói từ Shi'a, như thể nó là một loại bệnh nào đó.

Nhưng mặc dầu kế thừa cùng dòng máu gia đình và chủng tộc với ông, Sanaubar vẫn vào hùa với lũ trẻ trong vùng nhục mạ Ali. Tôi được nghe nói bà ta chẳng cần giấu giếm gì việc bà ta khinh thị vẻ ngoài của ông.

- Thế này mà là chồng ư? - bà ta thường cười nhạo. - Tôi thấy mấy con lừa già làm chồng còn thích hợp hơn.

Rốt cuộc, phần lớn mọi người đều ngờ cuộc hôn nhân này vốn là một sự dàn xếp giữa Ali và cậu mình, cha của Sanaubar. Họ nói Ali đã cưới cô em họ để giúp phục hồi đôi chút danh dự cho tên tuổi bị ô uế của cậu, cho dù Ali, mồ côi từ hồi năm tuổi, đâu có chút của cải vật chất hay khoản thừa kế nào.

Ali không bao giờ trả đũa bất kỳ kẻ nào hành hạ ông, tôi cho rằng một phần vì ông không bao giờ có thể đuổi kịp họ bằng cái chân xoắn vặn kéo lê phía sau. Nhưng chủ yếu bởi Ali đã miễn nhiễm trước những lời lăng nhục của đám người công kích ông. Ông đã tìm thấy niềm vui, thấy thứ thuốc giải độc của mình, lúc Sanaubar sinh hạ Hassan. Việc đó vốn khá đơn giản. Không có nhân viên sản khoa, không có người gây mê, không có những thiết bị kiểm tra thích hợp. Đúng là Sanaubar chỉ nằm ngửa ra trên một tấm đệm trần bẩn thỉu, với Ali và một bà đỡ giúp việc sinh nở. Thật ra, Sanaubar cũng chẳng cần giúp lắm, bởi vì, ngay trong khi ra đời, Hassan đã giống hệt như bản chất của mình rồi. Cậu không thể làm tổn thương bất kỳ ai. Cằn nhằn vài câu, đẩy mấy cái, thế là tòi ra Hassan. Tòi ra và cười.

Theo như lời thổ lộ với đày tớ nhà một người hàng xóm của cái bà đỡ hay buôn chuyên, người đã kể lại với bất kỳ ai muốn nghe, thì Sanaubar liếc mắt nhìn đứa trẻ trong cánh tay Ali, thấy cái môi hở, đã xổ ra một chuỗi cười cay đắng.

- Đó. - Sanaubar nói. - Bây giờ thì ông đã có đứa con ngu xuẩn của chính ông để nó cười hộ cho ông rồi đó! - Bà ta đã không chịu ngay cả bế Hassan, và đúng năm ngày sau thì bỏ đi.

Baba thuê chính bà vú đã từng cho tôi bú để cho Hassan bú. Ali kể cho chúng tôi, bà vú là một người đàn bà Hazara mắt xanh quê ở Bamiyan, thành phố của những bức tượng Phật khổng lồ. "Bà ấy có giọng hát ru mới ngọt ngào làm sao chứ!" Ông thường nói với chúng tôi như thế.

Bà ấy hát thế nào, Hassan và tôi luôn hỏi, dẫu hai đứa đã biết thừa - thật ra vì Ali đã kể lại cho chúng tôi không biết bao lần. Chúng tôi chỉ muốn nghe Ali hát.

Ông hắng giọng và bắt đầu:


Trên một ngọn núi cao tôi đứng,
Ôi Ali, Sư tử của Thượng đế, Vua của Con người,
Hãy mang lại niềm vui cho những trái tim
sầu não của chúng tôi.


Hát xong, ông thường nhắc nhở chúng tôi rằng có một tình anh em giữa những con người được bú cùng một bầu vú mẹ, tình máu mủ mà ngay cả thời gian cũng không thể phá vỡ.

Hassan và tôi bú cùng một bầu vú. Chúng tôi chập chững đi những bước đầu tiên trên cùng một bãi cỏ trong cùng một chiếc sân. Và dưới cùng một mái nhà, chúng tôi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên:

Của tôi là Baba.

Của cậu ấy là Amir. Tên tôi.

Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ khởi nguồn của những gì đã xảy ra trong mùa đông năm 1975 - và tất cả những gì tiếp theo sau đó - đã nằm sẵn trong những tiếng bập bẹ đầu tiên ấy.


--------------------------------
1Allah-u-akbar: Đức Allah vĩ đại. 2Hazara: một tộc người Afghan bị người Pashtun kỳ thị. 3Cunt: một từ rất tục chỉ bộ phận sinh dục nữ, tạm dịch là cái lều. 4Bazaarr: phố hoặc một khu đất có nhiều cửa hiệu nhỏ - khu phố chợ. 5Naan: một loại bánh mì dẹt của Afghanistan, hơi giống bánh dẻo của ta.



 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

III

Tương truyền cha tôi, một bận, bằng hai tay không đã vật nhau với một con gấu đen ở Baluchistan. Nếu chuyện kể về một ai khác, hẳn nó sẽ bị gạt bỏ coi như chuyện Laaf 1, rằng người Afghan có khuynh hướng thổi phồng mọi chuyện - buồn thay, hầu như đó lại là nỗi đau của đất nước. Nếu ai đó khoe khoang con mình là bác sĩ, may ra đứa trẻ từng có lần vượt qua một cuộc trắc khảo sinh học ở trường trung học. Nhưng lại chẳng một ai mảy may nghi ngờ tính chính xác của bất kỳ chuyện nào về Baba. Va nếu họ nghi ngờ, được thôi, Baba đã có ba vết sẹo sóng hàng xuống thành một đường xù xì ở lưng ông. Tôi đã bao lần tưởng tượng ra những cuộc đấu vật của Baba, cả mơ thấy nữa. Và trong những giấc mơ ấy, tôi chẳng bao giờ phân biệt rõ Baba và con gấu.

Chính chú Rahim Khan là người đầu tiên gọi Baba bằng cái tên sau này trở thành biệt danh nổi tiếng của ông, Toophan agha, hoặc "Ngài Bão tố". Đó là cái biệt danh khá thích hợp. Cha tôi là một sức mạnh từ trong bản chất, một mẫu người Pashtun cao to sừng sững với bộ râu rậm, mớ tóc quăn màu nâu cắt ngắn phóng túng không theo trật tự nào, như chính bản thân ông, đôi bàn tay tưởng có thể nhổ bật rễ cả một cây liễu, và cái nhìn trừng trừng giận dữ như muốn "bắt con quỷ quỳ xuống xin tha tội," như chú Rahim vẫn thường nói. Tại những bữa tiệc, khi cái thân hình một mét tám mươi lăm của ông thình thịch bước vào phòng ăn, mọi con mắt dõi theo ông như hoa hướng dương hướng về mặt trời.

Không thể nào mà lờ ông đi được, kể cả khi ông ngủ. Tôi thường phải nút đầy bông vào hai tai, kéo chăn trùm kín đầu mà vẫn nghe thấy tiếng Baba ngáy - to đến nỗi giống như tiếng gầm của động cơ xe tải - xuyên cả qua tường. Từ phòng ngủ của tôi phải qua đại sảnh mới đến phòng ngủ của cha tôi. Mẹ tôi làm thế nào để ngủ được cùng phòng với ông quả là một điều bí ẩn đối với tôi. Có cả một danh sách những chuyện tôi muốn hỏi mẹ, nếu lúc nào đó tôi gặp được mẹ.

Vào khoảng mấy năm cuối của thập kỷ sáu mươi, lúc tôi chừng năm sáu tuổi, Baba quyết định xây một trại mồ côi. Tôi được nghe chuyện qua chú Rahim Khan. Chú kể cho tôi, Baba đã tự mình vẽ những bản thiết kế, mặc dù thật ra ông chẳng có một chút kinh nghiệm nào về kiến trúc cả. Những người hoài nghi giục ông ngừng ngay trò điên rồ và phải thuê một kiến trúc sư. Tất nhiên Baba không chịu, ai nấy đều lắc đầu phát ngán về những cung cách ương bướng của ông. Thế rồi Baba thành công và mọi người lại lắc đầu choáng váng trước những kiểu cách chiến thắng của ông. Baba trả tiền túi của mình cho việc xây dựng trại mồ côi hai tầng này, ngay ngoài dải đất hẹp của Fadeh Maywand ở phía Nam sông Kabul. Chú Rahim bảo tôi riêng Baba tài trợ hoàn toàn cho dự án, trả công cho các kỹ sư, thợ điện, thợ nước và tất cả nhân công, không đếm xỉa đến đám giới chức ở thành phố, loại "ria mép cần phải bôi dầu."

Phải mất ba năm để xây trại mồ côi. Đến lúc đó tôi đã tám tuổi. Tôi nhớ hôm trước ngày khánh thành trại mồ côi, Baba mang tôi đến hồ Ghargha, cách Kabul vài dặm về phía Bắc. Ông bảo tôi tìm Hassan nữa để cùng đi, nhưng tôi nói dối ông rằng Hassan bị tiêu chảy. Tôi muốn Baba hoàn toàn là của mình. Thêm nữa, một bận tại hồ Ghargha, Hassan và tôi ném thia lia đá, Hassan lia đá nảy được tám lần. Tôi nhiều nhất chỉ được năm. Baba ở đó theo dõi, và ông vỗ nhẹ vào lưng Hassan. Rồi còn đưa cánh tay quàng vai cậu ấy nữa.

Chúng tôi ngồi vào bàn ăn picnic bên hồ, chỉ có mỗi Baba và tôi ăn trứng luộc với bánh nhân thịt Kofia - một loại bánh naan cuốn thịt viên và dưa góp. Nước hồ xanh biếc và ánh nắng lấp lánh trên mặt nước sáng như gương. Vào những ngày thứ Sáu bờ hồ nhộn nhịp các gia đình đang mong có một ngày phơi nắng. Nhưng hôm ấy là giữa tuần, chỉ có mỗi Baba và tôi, chúng tôi và hai người khách du lịch tóc dài, râu rậm - "kiểu hippy", tôi nghe thấy họ được gọi thế. Họ ngồi trên bến, chân khuấy nước, cần câu trong tay. Tôi hỏi Baba, tại sao họ lại để tóc dài, nhưng Baba chỉ càu nhàu không trả lời. Ông đang chuẩn bị bài diễn văn cho ngày hôm sau, đang lật mở một mớ rối tung những trang viết tay, lấy bút chì ghi chú chỗ này chỗ khác. Tôi cắn quả trứng và hỏi Baba có đúng như một đứa bạn cùng trường bảo tôi, rằng nếu ăn phải một miếng vỏ trứng thì thế nào cũng đái ra nó. Baba lại càu nhàu.

Tôi lại cắn một miếng bánh cuộn. Một trong hai người khách du lịch tóc vàng cười và phát vào lưng người kia. Xa xa bên kia hồ, một chiếc xe tải ì ạch chạy quanh góc lượn của đồi. Ánh nắng nhấp nháy trong chiếc gương bên cửa xe.

- Con nghĩ con bị Saratan 2, - tôi nói. Đầy bụng. Baba ngẩng đầu lên khỏi nhưng trang giấy đang sột soạt trong gió nhẹ. Bảo tôi có thể tự mình lấy soda uống. Tất cả những gì tôi phải làm là tìm trong thùng xe.

Hôm sau, bên ngoài trại mồ côi, hết cả ghế ngồi cho mọi người. Số đông phải đứng để xem lễ khai trương. Đó là một ngày giông gió, và tôi ngồi phía sau Baba, trên một diễn đài nhỏ ngay phía ngoài cửa chính của công trình mới. Baba mặc một bộ lễ phục màu xanh chai và đội mũ lông cừu. Giữa chừng bài diễn văn, gió thổi lật mũ của ông và mọi người cười rộ. Ông ra hiệu cho tôi cầm mũ cho ông, tôi lấy thế làm sung sướng bởi vì như vậy mọi người sẽ biết ông là cha tôi, Baba của tôi. Ông quay lại micrô và nói, ông mong toà nhà sẽ vững chắc hơn chiếc mũ của ông, và tất cả lại cười. Khi Baba kết thúc bài diễn văn, mọi người đứng cả lên hoan hô. Họ vỗ tay một hồi lâu. Sau đó mọi người bắt tay ông, vài người trong bọn họ xoa đầu tôi và cũng bắt tay tôi nữa. Tôi tự hào về Baba, về chúng tôi.

Nhưng bất kể những thành tựu của Baba, người ta vẫn luôn nghi ngờ ông. Họ bảo việc ông theo đuổi kinh doanh là không thích hợp với dòng máu của mình. Và ông nên nghiên cứu luật như cha của ông. Vì thế Baba đã chứng tỏ cho họ biết tất cả đều sai lầm bằng việc không chỉ theo đuổi chuyện kinh doanh của riêng ông mà còn trở thành một trong những thương nhân giàu có nhất ở Kabul. Baba và chú Rahim Khan gây dựng một hãng kinh doanh thảm xuất khẩu thành công mỹ mãn, hai hiệu tân dược, và một nhà hàng ăn.

Khi mọi người nói kháy Baba sẽ không lấy được vợ ra hồn - vì rốt cuộc ông không thuộc dòng máu hoàng tộc - ông lại cưới mẹ tôi, Sofia Akrami, một phụ nữ học vấn cao được mọi người coi như một trong nhưng phu nhân tôn kính nhất, đẹp nhất và đức hạnh nhất. Và không chỉ dạy văn học cổ điển Karsi tại trường đại học, bà còn là hậu duệ của một gia đình hoàng tộc, sự kiện mà cha tôi thường bỡn cợt ném trả vào những bộ mặt hoài nghi bằng cách gọi "nữ quận chúa của tôi".

Cùng với tôi, hiển nhiên là một ngoại lệ, cha tôi xây đắp thế giới quanh ông theo sở thích của ông. Cố nhiên, Baba nhìn thế giới chỉ có trắng và đen. Ông lại phải tự mình định đoạt cái gì trắng cái gì đen. Bạn không thể yêu một con người sống theo lối đó mà không cảm thấy sợ hãi. Có thể còn hơi ghét nữa.

Khi tôi học lớp năm, có một giáo sư dạy chúng tôi về đạo Hồi. Tên ông là Fatiullah Khan, một người thấp béo có bộ mặt đầy sẹo trứng cá, giọng khàn khàn. Ông giảng cho chúng tôi những lợi ích của thuế cứu tế và bổn phận hành hương đến thánh địa Mecca. Ông dạy chúng tôi những sự vô cùng phức tạp của năm bổn kinh cầu nguyện Namaz 3, và bắt chúng tôi phải thuộc lòng những vần thơ của kinh Koran - dẫu ông không bao giờ dịch những từ ra cho chúng tôi, ông vẫn nhấn mạnh, đôi khi với sự trợ giúp của một cành liễu đã bóc vỏ, rằng phải phát âm được tiếng Ẳ rập cho thật đúng thì Thượng đế mới nghe rõ được chúng tôi. Một hôm ông bảo chúng tôi rằng đạo Hồi coi uống rượu là một tội ghê gớm. Những kẻ nào uống rượu sẽ phải trả lời về tội của họ vào ngày Qiyamat, Ngày Phán xử. Thời đó, uống rượu hết sức phổ biến ở Kabul. Chẳng một ai công khai chỉ trích anh về điều đó, nhưng những người Afghan phải uống thì cứ uống lén uống lút, chẳng nể nang gì cả. Mọi người mua rượu Scotch như mua "thuốc chữa bệnh" trong túi giấy nâu từ những "cửa hàng thuốc" đặc biệt. Họ thường ra về với chiếc túi giấu cho thật kín, đôi khi thu hút những cái nhìn vừa lén lút vừa không bằng lòng của những người đã biết tai tiếng của cửa hàng về chuyện làm ăn như thế.

Chúng tôi đang ở trên gác, trong phòng đọc của Baba, cũng là phòng hút thuốc, khi tôi kể cho ông những gì giáo sĩ Fatiullah Khan đã dạy chúng tôi ở lớp. Baba tự rót cho mình một ly whisky từ quầy rượu xây ở góc phòng. Ông nghe, gật đầu, nhấp một nhắp rượu. Rồi ông ngồi vào chiếc ghế sofa đệm da, đặt ly rượu xuống, bế tôi lên đùi ông. Tôi cảm thấy như đang ngồi trên hai thân cây. Ông hít một hơi dài và thở ra đằng mũi, không khí rít lên qua ria mép ông tựa như không dứt. Trong nỗi sợ điếng người, tôi phân vân không biết có muốn ôm ghì lấy ông hay tụt ngay ra khỏi đùi ông.

- Bố thấy con bị hoang mang về những gì con đang học ở trường, theo lối giáo dục hiện thời, - ông nói bằng một giọng nặng trịch.

- Nhưng nếu những gì ông ta nói đều đúng, hoá ra Baba là kẻ mắc tội?

- Hừm! - Baba nghiến một miếng nước đá giữa hai hàm răng. - Con có biết bố con nghĩ thế nào về tội lỗi không?

- Có ạ.

- Vậy bố nói cho con nghe, - Baba tiếp - nhưng trước hết phải hiểu điều này, và hiện ngay bây giờ, Amir ạ. Con sẽ chẳng học được điều gì ra hồn từ những lão râu dài ngu xuẩn ấy.

- Ý bố nói giáo sĩ Fatiullah Khan?

Baba ra hiệu bằng ly rượu. Nước đá kêu lanh canh.

- Bố muốn nói tất cả bọn họ. Đái vào râu tất cả cái lũ khỉ lên mặt đạo đức ấy.

Tôi bật cười khúc khích. Hình ảnh Baba đái lên râu của bất kỳ con khỉ nào, lên mặt đạo đức hoặc không phải thế, thật quá đã.

- Họ chẳng làm được trò gì ngoài việc lần tràng hạt và đọc một cuốn sách viết theo một lối mà chính họ cũng không hiểu, - ông nhấp một nhắp nữa. - Cầu Thượng đế phù hộ cho chúng ta để đừng bao giờ Afghanistan rơi vào tay họ.

- Nhưng giáo sĩ Fatiullah Khan có vẻ tốt mà, - tôi cố nói xen vào giữa lúc đang bật lên cười rúc rích.

- Thành Cát Tư Hãn cũng có vẻ như vậy, - Baba nói. - Nhưng thôi xếp lại chuyện ấy. Con hỏi bố về tội lỗi và bố muốn nói cho con nghe. Con đang nghe đấy chứ?

- Vâng ạ, - tôi nói, mím môi lại. Nhưng một tiếng khụt khịt vẫn cứ bật ra khỏi mũi tôi khiến tôi lại khúc khích cười.

- Bố muốn nói với con như một người đàn ông nói với một người đàn ông. Con có thể xử sự như thế được một lần không?

- Vâng, thưa Baba jan 4, - tôi ấp úng ngạc nhiên, không phải lần đầu chỉ bằng mấy lời mà Baba lại có thể khiến tôi thấy nhói lên trong lòng. Chúng tôi đã có được những phút giây tốt đẹp ngắn ngủi - chẳng mấy khi Baba nói với tôi mà chỉ có mỗi mình tôi ngồi trên đùi ông như thế - và tôi đúng là một thằng ngốc mới để phí hoài điều đó.

- Tốt lắm, - Baba nói nhưng mắt ông lạ lùng. - Bây giờ, không cần biết ông thầy giáo sĩ ấy dạy gì, chỉ biết có duy nhất một tội, một tội thôi. Đó là tội ăn cắp. Mọi tội khác đều là biến thái của tội ăn cắp. Con có hiểu không?

- Không, thưa Baba jan, - Tôi nói, trong lòng thất vọng những mong mình hiểu. Tôi đâu muốn làm ông thất vọng.

Baba thốt ra một tiếng thở dài sốt ruột. Như thế cũng làm tôi day dứt, bởi ông không phải con người nóng nảy. Tôi vẫn nhớ tất cả những lần tối rồi mà ông vẫn chưa về nhà, tất cả những lần tôi ăn tối một mình. Tôi thường hỏi ông Ali rằng Baba đâu, khi nào thì cha tôi trở về nhà, mặc dầu tôi thừa biết ông ở công trường xây dựng để trông nom chỗ này, giám sát chỗ kia. Như thế không cần kiên nhẫn sao? Tôi đâm ra căm ghét tất cả những đứa trẻ mà ông đang xây trại mồ côi cho. Đôi khi tôi mong chúng chết đi theo cha mẹ chúng.

- Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời, - Baba nói. - Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?

Tôi hiểu. Khi Baba sáu tuổi, giữa đêm khuya một tên trộm đột nhập vào nhà ông tôi. Ông tôi, vị thẩm phán đáng kính, đương đầu với hắn, nhưng tên trộm đâm ông tôi vào họng giết ông chết ngay, cướp mất cha của Baba. Dân thị xã bắt được tên sát nhân ngay trước buổi trưa hôm sau. Hoá ra là mộ lên du thủ du thực từ vùng Kunduz. Người ta treo cổ hắn lên cành một cây sồi, trước lễ cầu nguyện ban chiều hai tiếng. Chính chú Rahim Khan chứ không phải Baba kể cho tôi chuyện đó. Tôi luôn được biết mọi điều về Baba từ những người khác.

- Không có hành động nào xấu xa hơn trộm cắp, Amir ạ, - Baba nói. - Một người chiếm đoạt những gì không phải của mình, dù đó là một cuộc đời hay một ổ bánh naan... Ta nhổ vào loại người ấy. Và Thượng đế phù hộ cho hắn để đừng bao giờ hắn gặp phải ta. Con có hiểu không?

Tôi thấy cái ý của Baba chỉ trích kịch liệt tên trộm cắp vừa hay ho vừa làm tôi sợ phát khiếp:

- Vâng, thưa Baba.

- Nếu như có một vị Thượng đế ở đâu đó, thì ta chỉ mong ông ấy có nhiều việc quan trọng hơn là để ý đến ta uống rượu Scotch và ăn thịt lợn. Nào, bây giờ tụt xuống. Nói chuyện mãi về tội lỗi làm ta lại khát rồi.

Tôi nhìn ông rót đầy ly rượu và ngạc nhiên, không hiểu còn lâu lắm không, cho tới khi chúng tôi lại chuyện trò như vừa rồi. Bởi vì sự thật là, tôi luôn cảm thấy như Baba hơi ghét tôi. Và tại sao lại không nhỉ? Rốt cuộc, chẳng phải tôi đã giết chết người vợ yêu dấu của ông, bà quận chúa xinh đẹp của ông hay sao? Điều tối thiểu mà tôi có thể làm, là phải cư xử sao cho đúng phép để trở nên giống ông hơn một chút. Nhưng tôi đã không trở thành giống ông. Không chút nào.

° ° °
Ở trường, chúng tôi thường chơi trò chơi Sherjangi, hay "Đấu thơ". Thầy giáo dạy môn văn học Farsi điều khiển cuộc chơi khái như sau: Anh đọc lên một câu từ một bài thơ và đối thủ của anh có sáu mươi giây để đáp lại bằng một câu thơ khác khởi đầu bằng chữ cuối của câu kia. Mọi người ở lớp đều muốn tôi trong đội chơi của họ, bởi vì vào lúc mười một tuổi, tôi đã có thể đọc hàng tá các câu thơ từ Khayyám, Hãfez hoặc Masnawi nổi tiếng của Rumi 5. Một bận, tôi chấp cả lớp và tôi thắng. Rất khuya đêm đó, tôi kể lại chuyện ấy với Baba, nhưng ông chỉ gật đầu lẩm bẩm "Tốt".

Vì thế mà tôi thường tìm cách thoát khỏi sự xa cách của cha, nhờ vào đống sách của người mẹ đã khuất của tôi. Tất nhiên, cả Hassan nữa. Tôi đọc mọi thứ của Rumi, Hãfez, Saadi, Victor Hugo, Jules Verne, Mark Twain, Ian Fleming. Khi đọc hết đống sách của mẹ - không kể những cuốn sách lịch sử buồn chán, tôi chẳng bao giờ để ý tới loại ấy, chỉ đọc những tiểu thuyết, những sử thi, - tôi bắt đầu tiêu tiền bố cho vào việc mua sách. Mỗi tuần tôi mua một cuốn ở hiệu sách gần Công viên Điện ảnh, và cất giữ trong một thùng các tông, khi đã hết chỗ để trên kệ.

Đương nhiên, cưới một nhà thơ là một chuyện, làm cha một đứa con trai thích vùi đầu vào sách thơ hơn đi săn... ồ, đó lại là điều mà Baba không nhắm tới, tôi cho là như vậy. Đàn ông đích thực không đọc thơ - và Thượng đế cấm họ không bao giờ được làm thơ! Những người đàn ông đích thực - những chàng trai đích thực nữa - chơi bóng đá như Baba đã từng chơi hồi còn trẻ. Giờ đây, bóng đá vẫn là điều gì đó khiến ông say mê. Năm 1970, Baba cho ngừng việc xây dựng trại mồ côi, và bay đến Tehran một tháng để xem bóng đá thế giới trên vô tuyến truyền hình, vì thời đó Afghanistan chưa có truyền hình. Ông ghi tên tôi vào những đội bóng đá để khuấy lên cùng sự đam mê trong tôi. Nhưng tôi là một gánh nặng sai lầm tệ hại khổ sở cho đội bóng của tôi, luôn làm vướng chân một đường chuyền thích hợp hoặc vô tình đứng chặn một đường bóng thoáng. Tôi lê đôi chân khẳng khiu về phía sân đối phương, hét lên gọi những đường bóng chẳng bao giờ đến được với mình. Và tôi càng cố, hai tay giơ trên đầu vẫy vẫy, cuồng nhiệt hét to "Tôi đón đây! Tôi đón đây!" thì lại càng bị phớt lờ. Nhưng Baba nào có chịu buông tha. Khi sự thể đã trở nên quá rõ ràng, tôi không kế thừa được những tài năng lực sĩ của ông, ông lại tìm cách biến tôi thành một khán giả say mê bóng đá. Chắc chắn tôi có thể xoay xở ư? Tôi vờ vịt quan tâm đến chuyện đó càng lâu càng tốt. Tôi reo lên cùng ông khi đội Kabul ghi bàn vào đội Kandahar và hét lên lăng mạ trọng tài thổi phạt đền đội bóng của chúng tôi. Nhưng Baba đoán được tôi thiếu niềm say mê thực sự và ông đành đầu hàng trước sự thể hiển nhiên là con trai ông chẳng bao giờ trở thành cầu thủ cũng như một fan bóng đá.

Tôi còn nhớ một lần Baba mang tôi tới xem cuộc tỉ thí Buzkashi hàng năm tổ chức vào đầu xuân, ngày Tết năm mới.

Buzkashi là, và mãi là, niềm đam mê của cả nước Afghanistan. Một Chapandaz, kỵ mã cực kỳ điệu nghệ, thường được những người hâm mộ giàu có bảo trợ, phải chộp được xác con dê hoặc con thú đã chết từ giữa một đám hỗn loạn, phi hết nước đại mang theo con mồi chạy quanh đấu trường, rồi ném nó vào đường tròn thắng điểm, trong khi ấy đội của Chapandaz khác săn đuổi, và làm đủ mọi điều tuỳ sức của họ - đá, túm, vụt, thụi để chộp lại con mồi từ anh ta. Hôm đó, người xem gào lên phấn khích khi người kỵ sĩ trên đấu trường gầm nhưng tiếng thét chiến trận, chen đẩy để cướp con mồi trong đám bụi mù mịt. Mặt đất rung lên tiếng vó ngựa rầm rập. Tôi và cha tôi ngồi xem ở phía khán đài trên khi các kỵ sĩ phi hết nước đại rầm rập chạy qua, vừa reo vừa gào thét, ngựa sùi bọt mép. Bỗng Baba chỉ về phía ai đó.

- Amir này, con có trông thấy người ngồi trên đó cùng với những người khác vây quanh ông ta không?Tôi có thấy.

- Đó là ông Henry Kissinger 6 đấy.

- Ồ! - Tôi nói. Tôi đâu có biết ông Kissinger là ai, và đã định hỏi cha. Nhưng ngay lúc ấy, tôi khiếp hãi chứng kiến một trong những Chapandaz ngã khỏi yên và bị giày xéo dưới nhiều móng ngựa. Thân thể người ấy bị ném tung lên, và quăng vào đám đông hỗn loạn như một con búp bê nhồi vải vụn, cuối cùng lăn lông lốc rồi dừng lại, khi đám hỗn loạn đã rời đi. Anh ta giật lên một cái rồi nằm bất động, đôi chân còng lại thành những góc bất bình thường, một vũng máu ướt đẫm trên cát.

Tôi bắt đầu khóc.

Tôi khóc suốt trên đường về nhà. Tôi còn nhớ hai tay Baba siết chặt vô lăng như thế nào. Siết chặt và nới lỏng. Cái chính là, tôi không bao giờ quên những cố gắng phi thường của Baba hòng che giấu cái nhìn kinh tởm trên khuôn mặt ông khi ông im lìm lái xe.

Khuya đêm đó, tôi đang đi ngang qua phòng đọc của cha tôi thì thoáng nghe thấy ông đang nói chuyện với chú Rahim Khan. Tôi áp tai vào cửa đóng kín.

-...may là nó khoẻ mạnh, - chú Rahim Khan đang nói.

- Tôi biết, tôi biết. Nhưng nó cứ luôn vùi đầu vào mấy cuốn sách đó hoặc lang thang quanh nhà như lạc trong mộng mị.

- Thì sao?

- Tôi không thích thế, - Baba nói oang oang, chán nản, gần như tức giận.

Chú Rahim Khan cười.

- Trẻ con đâu phải những quyền sách tập tô màu. Anh không phải bôi đầy chúng bằng những màu anh ưa thích.

- Tôi nói để ông biết, - Baba nói. - Tôi không thích như thế chút nào cả, mà có phải tôi sống với đứa trẻ bất kỳ nào đó đâu cơ chứ.

- Anh biết không, đôi khi anh là một người tự coi mình là trung tâm bậc nhất đấy. - Chú Rahim Khan nói. Chú là người duy nhất mà tôi biết có thể phân đôi bằng việc nói những điều như thế với Baba.

- Thế thì chẳng còn điều gì phải bàn cả.

- Không ư?

- Không.

- Rồi sao?

Tôi nghe thấy tiếng da đệm ghế Baba kin kít, như thể ông đang xê dịch trên đó. Tôi nhắm mắt lại, ép tai chặt hơn nữa vào cánh cửa, nửa muốn nghe, nửa không muốn. - "Đôi khi từ cửa số này tôi nhìn ra ngoài và thấy nó đang chơi trên đường phố cùng lũ con trai hàng xóm. Tôi thấy chúng trêu chọc nó, cướp đồ chơi của nó, ẩy vào chỗ này, đánh vào chỗ kia. Mà, ông biết không, nó không bao giờ đánh trả. Không bao giờ. Nó chỉ... cúi đầu và...

- Vậy nó không ưa bạo lực, - chú Rahim nói.

- Ý tôi không phải như thế, Rahim, ông biết mà, - Baba phản bác. - Có một cái gì đó thiếu hụt trong thằng bé này.

- Phải, một tính cách tiểu nhân.

- Tự vệ không có gì giống với tiểu nhân. Ông có biết điều gì luôn xảy ra khi những đứa trẻ hàng xóm trêu chọc nó không? Hassan giúp sức và cản chúng lại. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh đó. Rồi khi hai đứa về nhà, tôi nói với nó: "Làm thế nào mà Hassan lại có vết xước trên mặt thế kia?" Nó nói: "Cậu ấy ngã". Tôi bảo cho ông hay, Rahim ạ, có một cái gì đó thiếu hụt ở thằng bé đó.

- Anh chỉ cần để nó tự tìm con đường của mình, - chú Rahim Khan nói.

- Và rồi nó sẽ đi tới đâu, - Baba nói. - Một thằng con trai không tự bảo vệ mình sẽ trở thành một người đàn ông không thể bảo vệ bất cứ điều gì.

- Anh vẫn cứ hay quá đơn giản hoá mọi điều.

- Tôi không nghĩ thế.

- Anh tức giận bởi vì anh sợ nó sẽ không bao giờ quản lý được công việc kinh doanh cho anh.

- Nào, xem bây giờ ai đang quá đơn giản hoá mọi chuyện đây, - Baba nói. - Xem nào, tôi biết có một sự quyến luyến giữa anh và nó. Tôi sung sướng về điều đó. Ghen tị nhưng sung sướng. Tôi muốn nói thế. Nó cần một ai đó... hiểu nó, bởi vì Thượng đế biết, tôi không hiểu nổi nó. Nhưng có điều gì đó Amir làm tôi bứt rứt, bứt rứt như thế nào tôi không diễn tả được. Nó giống như... - Tôi có thể hình dung ra ông loay hoay tìm một từ thật đúng. Ông hạ giọng xuống, nhưng dẫu sao tôi cũng vẫn nghe thấy. - Nếu như tôi không tận mắt trông thấy bác sĩ lôi nó ra từ trong bụng vợ tôi, tôi chẳng giờ tin nó là con trai tôi.

Sáng hôm sau, lúc chuẩn bị bữa sáng cho tôi Hassan hỏi có điều gì làm tôi khó chịu vậy. Tôi nổi cáu với cậu ấy, bảo hãy nghĩ đến công việc của mình.

Chú Rahim đã nhầm về chuyện tính cách tiểu nhân.


--------------------------------
1Laaf: trong nguyên bản, tạm dịch chuyện tếu.
2Saratan: tiếng Afghan có nghĩa là khối u, tạm dịch là đầy bụng.
3Kinh cầu nguyện buổi chiều tối.
4Jan: tiếng đệm khi xưng hô tỏ ý yêu quý.
5Tên những tập thơ và tác giả quen thuộc của Afghanistan.
6Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó.

 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

IV

Năm 1933, năm Baba chào đời, cũng là năm quốc vương Zahir Shah bắt đầu năm thứ bốn mươi trị vì Afghanistan, hai anh em, hai gã trai trẻ trong một gia đình giàu có và danh giá ở Kabul ngồi sau tay lái chiếc xe Ford của cha mình. Ngà ngà say thuốc lá tẩm thuốc phiện và chếnh choáng rượu vang Pháp, họ đã cán chết đôi vợ chồng người Hazara trên con đường tới Paghman. Cảnh sát đem hai gã trai có vẻ ăn năn hối lỗi và đứa con trai mồ côi năm tuổi của đôi vợ chồng đã chết đến trước ông tôi, lúc đó là một vị quan toà uy danh và là một con người uy tín mẫu mực. Sau khi nghe hai gã trai tường trình và người cha xin khoan hồng, ông tôi quyết định anh em nhà kia phải lập tức đến Kandahar và ghi tên vào quân đội trong một năm - mặc cho gia đình họ đã xoay xở mọi cách để họ được miễn trừ bản án. Người cha của họ cũng tranh biện, nhưng cũng không quyết liệt lắm, và cuối cùng mọi người đều đồng ý là việc trừng phạt có lẽ hơi cay nghiệt nhưng thoả đáng. Còn với đứa trẻ mồ côi, ông tôi nhận nuôi trong gia đình mình và ra lệnh cho những đày tớ khác kèm cặp nhưng phải đối xử tốt với đứa bé. Đứa bé đó là Ali.

Ali và Baba lớn lên cùng nhau như đôi bạn để chỏm - ít nhất cũng cho đến khi bệnh viêm tuỷ xám làm bại liệt chân của Ali - hệt như tôi và Hassan cùng lớn lên ở thế hệ sau. Baba luôn kể cho chúng tôi nghe về những trò tinh nghịch của ông và Ali, và Ali thường lắc đầu bảo: "Nhưng, Agha sahib 1, kể cho chúng tôi nghe ai là người nghĩ ra trò tinh nghịch và ai là người thực hiện đáng thương chứ?" Baba thường chỉ cười và dang cánh tay ôm lấy Ali.

Nhưng không có một chuyện nào ông kể mà trong đó Baba lại xem Ali như bạn của mình.

Điều lạ lùng là, tôi cũng không bao giờ nghĩ tôi và Hassan là đôi bạn. Dẫu sao, cũng không theo nghĩa thông thường. Bất kể việc chúng tôi dạy nhau đi xe đạp buông hai tay, hoặc thiết kế một cái máy tính tại nhà có đủ chức năng từ một hộp các tông. Bất kể chúng tôi cùng nhau thả diều suốt mùa đông, và đua diều. Bất kể đối với tôi, bộ mặt của người Afghanistan chính là bộ mặt của thằng bé có dáng người thon thả, với cái đầu cạo trọc, đôi tai mọc thấp, thằng bé với bộ mặt búp bê Tàu vĩnh viễn ngời sáng nụ cười môi hẻ.

Bất chấp mọi điều đó. Bởi vì lịch sử không dễ để mà vượt qua. Tôn giáo cũng vậy. Rốt cuộc rồi vẫn cứ là người Pashtun, còn cậu ấy là người Hazara. Tôi là người Sunmi và cậu ấy là người Shi'a, và không gì có thể thay đổi điều đó. Không gì hết.

Nhưng chúng tôi là những đứa trẻ đã từng cùng tập bò với nhau, và cũng không có lịch sử nào, vấn đề chủng tộc nào, xã hội nào, tôn giáo nào thay đổi được điều đó. Tôi đã trải qua mười hai năm đầu của đời tôi chơi đùa cùng Hassan. Đôi khi, cả thời thơ ấu của tôi tựa như một ngày hè dài lười biếng cùng với Hassan, đuổi nhau giữa nhưng rặng cây trong sân nhà cha tôi, chơi trò trốn tìm, công an bắt kẻ trộm, cao bồi và người da đỏ, hành hạ côn trùng - với thành công rực rỡ không chối cãi được là cái lần chúng tôi rút vòi của con ong rồi buộc quanh sinh vật đáng thương một cái dây, để mỗi lần nó bay lên lại bị giật mạnh lại.

Chúng tôi đuổi theo người Kochi, những bộ lạc du mục ngang qua Kabul, trên đường tới các dãy núi phía Bắc. Chúng tôi thường nghe tiếng những ngôi nhà lưu động tiến gần vùng lân cận chúng tôi, tiếng đàn cừu của họ kêu è ẹ, tiếng đàn dê kêu be be, nhạc rung quanh cổ lũ lạc đà. Chúng tôi thường chạy ra khỏi nhà để xem đoàn nhà lưu động cót két lăn qua đường phố của chúng tôi, những người đàn ông đầy bụi bặm, mặt dãi dầu nắng gió và những người đàn bà choàng khăn dài sặc sỡ, đeo những chuỗi hạt cườm và vòng bạc ở cổ tay và khuỷu tay. Chúng tôi ném đá cuội vào những con dê của họ. Chúng tôi phun nước vào những con la của họ. Tôi thường bắt Hassan ngồi trên Bức tường Ngô ốm lấy súng cao su bắn sỏi vào đít lũ lạc đà.

Chúng tôi cùng nhau đi xem bộ phim cao bồi viễn Tây đầu tiên, Rio Bravo, với diễn viên John Wayne thủ vai, ở Công viên Điện ảnh, vượt qua đường phố có hiệu sách ưa thích của tôi. Tôi nhớ mình đã từng nài xin Baba mang chúng tôi tới Iran, để chúng tôi có thể gặp John Wayne. Baba phá lên cười một chuỗi dài tưởng vỡ họng - một âm thanh không phải không giống động cơ xe tải đang rồ máy - rồi khi đã có thể nói lại được, ông giải thích cho chúng tôi khái niệm về lồng tiếng. Hassan và tôi sửng sốt. Sững sờ. John Wayne không thực sự nói tiếng Farsi và ông ta không phải người Iran. Ông ta là người Mỹ, hệt như những người đàn ông và đàn bà tóc dài thân thiện chúng tôi luôn thấy vơ vẩn ở Kabul, mặc những chiếc váy màu sặc sỡ và xơ gấu. Chúng tôi xem Rio Bravo ba lần, nhưng chúng tôi xem bộ phim cao bồi ưa thích của mình, phim Bảy anh chàng cừ khôi tới mười ba bận. Mỗi lần xem, lúc kết thúc chúng tôi đều khóc khi thấy những đứa trẻ Mexico chôn Charles Bronson - hoá ra cũng không phải là người Iran.

Chúng tôi tản bộ trong những phố chợ nhỏ sặc mùi rêu mốc của quận Sha-e-Nau ở Kabul, hoặc trong khu đô thị mới phía Tây quận Wazir Akbar Khan. Chúng tôi trò chuyện về bất cứ phim nào vừa xem và dạo bộ giữa những đám người hối hả của khu phố chợ. Chúng tôi len lỏi giữa những thương gia và những kẻ ăn mày, lang thang qua các ngõ hẹp vướng víu nhiều dãy lều quán nhỏ chặt ních hàng. Baba cho mỗi đứa chúng tôi mỗi tuần mười đồng Afghani 2 và chúng tôi tiêu vào khoản Coca-Cola ấm và kem nước hoa hồng bên trên có rắc quả hồ trăn nghiền nhỏ.

Trong năm học, chúng tôi có lệ quen hàng ngày. Vào lúc tôi lề mề ra khỏi giường và lê đến buồng tắm thì Hassan đã tắm rửa rồi, cả cầu nguyện kinh Namaz buổi sáng với ông Ali và sửa soạn bữa sáng cho tôi: trà đen nóng, với ba thỏi đường, một lát bánh naannướng bên trên quệt món mứt dầm anh đào chua mà tôi ưa thích, tất cả đều được đặt ngay ngắn trên bàn ăn. Trong khi tôi ăn và phàn nàn về bài tập về nhà, Hassan dọn dẹp giường ngủ, đánh giày cho tôi, là áo ngoài mặc hôm đó và xếp sách bút cho tôi. Tôi thường nghe thấy cậu hát một mình ở ngoài tiền sảnh lúc là quần áo, hát nhưng bài ca cổ Hazara bằng giọng mũi. Rồi, Baba và tôi rời khỏi nhà trong chiếc xe Ford Mustang đen - chiếc xe mà đâu đâu mọi người cũng nhìn mộ cách thèm thuồng, bởi vì nó cùng loại xe mà Steve McQueen đã lái trong phim Bullitt, bộ phim được chiếu trong một rạp chiếu phim tới sáu tháng liền. Hassan ở nhà giúp ông Ali những công việc trong ngày: giặt bằng tay quần áo bẩn rồi đem phơi ngoài sân, lau quét sàn nhà, ra phố chợ mua bánh naan sống, nấu món sốt thịt cho bữa chiều, tưới cỏ.

Đi học về, tôi và Hassan lại gặp nhau, vơ lấy một cuốn sách, tung tăng phi lên ngọn đồi hình bát úp toạ lạc đúng phía Bắc dinh cơ của cha tôi ở quận Wazir Akbar Khan. Nơi đó có một nghĩa địa hoang phế, với những dãy bia mộ bằng đá không ghi tên và những bụi cây ngăn hai bên lối đi. Nhiều mùa mưa và tuyết rơi đã làm chiếc cổng sắt han gỉ và khiến những dãy tường đá trắng của nghĩa địa xiêu đổ. Có một cây lựu gần lối vào nghĩa địa. Một ngày mùa hè, tôi đã dùng con dao bếp của ông Ali khắc tên chúng tôi tên thân cây: "Amir và Hassan, hai Sultan 3 của Kabul". Những chữ đó chính thức tỏ rõ: cây lựu là của chúng tôi. Đi học về, Hassan và tôi trèo lên cây và hái những quả lựu đỏ tươi. Ăn lựu và chùi tay xuống cỏ xong, tôi thường đọc sách cho Hassan nghe.

Ngồi xếp bằng tròn, ánh nắng và bóng lá cây lựu vờn múa trên mặt, Hassan lơ đãng nhổ những túm cỏ khỏi mặt đất, trong khi tôi đọc những truyện ngắn mà cậu không tự đọc được. Thực tế Hassan lớn lên cũng mù chữ như ông Ali và phần lớn những người Hazara vốn đã được định phận từ giây phút sinh ra, thậm chí có lẽ từ lúc bắt đầu được thai nghén bất đắc dĩ trong bụng của Sanaubar. Nhưng rốt cuộc người hầu biết chữ để làm gì cơ chứ? Nhưng dẫu mù chữ, hoặc biết đâu chính vì vậy, Hassan bị sự huyền bí của ngôn từ thu hút, bị quyến rũ bởi một thế giới bí mật cấm đoán với mình. Tôi đọc cho cậu ấy những bài thơ, truyện ngắn, đôi khi những câu đố mẹo - dẫu tôi thường dừng ngay khi thấy cậu giải hay hơntôi quá nhiều. Thế là tôi đọc cho cậu những chuyện không cần tranh cãi, như những chuyện rủi ro của giáo sĩ Hồi giáo Nasruddin ngớ ngẩn và con lừa của ông ta. Chúng tôi ngồi hàng giờ dưới gốc cây đó, ngồi cho đến khi mặt trời tà úa ở phía Tây, vậy mà Hassan vẫn cố nài, nói hai đứa còn đủ ánh sáng để đọc thêm một truyện nữa, một chương nữa.

Phần đọc tôi thú vị là khi chúng tôi tình cờ gặp một từ mà cậu ấy không biết. Tôi thường trêu cậu, phơi bày sự dốt nát của cậu ra. Có lần tôi đang đọc cho cậu nghe một truyện về tu sĩ hồi giáo Nasruddin, Hassan ngắt lời tôi:

- Từ ấy nghĩa thế nào?

- Từ nào?

- Đần độn.

- Cậu không biết nghĩa là gì à? - Tôi nhăn nhở hỏi.

- Không, Amir agha.

- Nhưng nó chỉ là một từ thông thường thôi mà!

- Tôi vẫn không hiểu.

Nếu Hassan có cảm thấy tôi chơi xỏ cậu, thì khuôn mặt tươi cười của cậu cũng không biểu lộ ra.

- Ồ cả trường tôi, ai chả biết nó nghĩa là gì, - Tôi nói. - Để xem nào, "Đần độn" có nghĩa là tinh nhanh, thông minh. Tôi đặt một câu cho cậu có sử dụng chữ đó nhé: Nói về từ vựng, Hassan là một kẻ đần độn.

- À, à, - Hassan gật gật đầu.Sau đó, tôi luôn cảm thấy mình có tội. Vì vậy tôi thường tìm cách xí xoá bằng cách cho cậu ấy một chiếc áo sơ mi cũ, hoặc một đồ chơi hỏng. Tôi thường tự nhủ thế là đủ sửa chữa cho trò đùa vô hại rồi.

Cuốn sách mà Hassan ưa thích nhất là cuốn Shahnamah, thiên sử thi thế kỷ thứ mười kể về những anh hùng Ba Tư cổ xưa. Cậu thích tất cả các chương, các Shah 4 đời trước Feridoun, Zal và Rudabeh. Nhưng truyện ưa thích nhất của cậu cũng như của tôi, là "Rostam và Sohrab", câu chuyện về chiến binh vĩ đại Rostam và con ngựa nhanh như gió Rakhsh. Trên chiến trường, Rostam chém tử thương Sohrab, kẻ báo ứng can đảm của mình, chỉ để nhận ra Sohrab chính là đứa con trai từ lâu thất lạc. Giày vò đau đớn, Rostam nghe những lời trăng trối của con trai mình:

Nếu ông quả thật là cha ta, chẳng phải thanh kiếm trong tay ông đã vấy máu tươi của con trai ông rồi ư. Và ông làm thế là do sự ngoan cố của ông. Bởi ta đã cố làm cho ông biết yêu thương, ta van xin đích danh ông, vì ta nghĩ nhìn thấy trong ông những dấu hiệu nhắc nhớ điều gì đó của mẹ ta. Nhưng ta cầu cứu trái tim ông vô ích, và bây giờ cơ hội tái hợp đã qua rồi...

- Đọc lại đi, tôi xin Amir agha đấy, - Hassan thường nói vậy. Đôi khi nước mắt ứa lên trong đôi mắt của Hassan khi tôi đọc cái đoạn ấy, và tôi luôn không hiểu cậu khóc vì ai, cho ông Rostam dằn vặt đớn đau xé toang áo quần và phủ tro trên đầu mình, hay Sohrab đang hấp hối, từ lâu vẫn mong đợi tình thương yêu của cha mình. Riêng tôi, tôi không thể thấy được tấn bi kịch trong số phận của Rostam. Rốt cuộc, phải chăng tất cả những người cha trong tâm can sâu kín của mình đều ấp ủ một ước muốn giết chết con trai họ?

Một hôm, vào tháng Bảy năm 1973, tôi chơi một trò bịp nhỏ khác với Hassan. Đang đọc cho cậu ấy nghe, bất chợt tôi bỏ câu chuyện đi. Tôi vờ như vẫn đọc cuốn sách đó, cũng lật trang đều đặn, nhưng tôi đã bỏ rơi hoàn toàn văn bản, làm chủ câu chuyện, và phịa ra theo ý tôi. Hassan đương nhiên không nhận ra điều đó. Với cậu, những từ trên trang giấy là sự cạnh tranh gay gắt của bao nhiêu mật mã không thể giải nổi, bí hiểm. Từ ngữ là những cổng vào bí mật và tôi nắm giữ chìa khoá. Sau đó, tôi hỏi cậu xem có thích truyện đó không, một tiếng khúc khích dâng lên trong họng tôi, khi Hassan vỗ tay hoan hô. Tôi hỏi:

- Cậu đang làm cái gì đấy?

- Đấy là câu chuyện hay nhất cậu đọc cho tôi lâu nay đấy, - Hassan vẫn vừa vỗ tay vừa nói.

Tôi cười:

- Thật không?

- Thật.

- Thế thì hấp dẫn ư? - tôi lẩm bẩm. Tôi cũng định nói như thế. Điều này là... hoàn toàn không mong đợi. - Cậu tin chắc thế không, Hassan?

Hassan vẫn đang vỗ tay:

- Thật tuyệt vời, Amir agha. Mai cậu lại đọc nữa cho tôi chứ?

- Hấp dẫn, - tôi nhắc lại, hơi khó thở, cảm thấy như một người vừa khám phá ra kho tàng chôn giấu trong sân sau nhà mình. Bước xuống chân đồi, những ý nghĩ cú phụt ra trong đầu tôi như pháo hoa trong ngày hội Chaman 5.Truyện hay nhất cậu đọc cho tôi lâu nay đấy, cậu ấy đã nói thế. Tôi đã đọc cho cậu khá nhiều truyện ngắn. Hassan hình như đang hỏi tôi điều gì đó.

- Gì cơ?

- Hấp dẫn, thế nghĩa là gì?

Tôi cười, ghì chặt lấy cậu ấy và đặt một cái hôn lên má.

- Thế là thế nào? - Hassan giật mình, đỏ mặt nói.

Tôi thân mật ẩy cậu một cái. Rồi mỉm cười.

- Hassan, cậu là một ông hoàng. Cậu là một ông hoàng và tôi yêu cậu.

Ngay tối hôm đó, tôi viết cái truyện ngắn đầu tiên của tôi. Mất ba mươi phút. Đó là một câu chuyện nhỏ u tối về một người đàn ông tìm thấy chiếc cốc thần và biết được rằng nếu khóc vào chiếc cốc ấy nước mắt của ông sẽ biến thành ngọc trai. Nhưng mặc đầu luôn sống trong cảnh nghèo khổ, ông vẫn là người hạnh phúc và hiếm khi rơi một giọt nước mắt. Vì vậy, ông tìm mọi cách làm cho mình buồn, để nước mắt có thể làm cho ông trở nên giàu có. Ngọc trai chất đống cao đến đâu, lòng tham của ông ta tăng lên đến đấy. Truyện kết thúc kết thúc khi người đàn ông ngồi trên một núi ngọc, con dao cầm trong tay, đang khóc một cách vô vọng vào trong chiếc cốc, tay ôm xác người vợ yêu dấu bị giết.

Tối đó, tôi leo lên thang gác và bước vào phòng hút thuốc của Baba, trong tay tôi là hai tờ giấy trên đó tôi viết nguệch ngoạc câu chuyện ấy. Baba và chú Rahim Khan đang hút tẩu thuốc và nhấm nháp rượu brandy khi tôi bước vào.

- Cái gì thế, Amir? - Baba vừa hỏi vừa ngả người trên ghế sofa, đan hai tay gối phía sau đầu. Khói xanh cuộn xoáy quanh mặt ông. Cái nhìn trừng trừng của ông làm cho họng tôi khô lại. Tôi hắng giọng nói tôi vừa viết xong một truyện ngắn.

Baba gật đầu và nhếch mép cười, chẳng ngụ ý gì hơn là giả vờ quan tâm. "Được. tốt lắm, phải không nào ông nào?" ông nói vậy. Rồi chăng thêm gì nữa. Ông chỉ nhìn tôi qua làn khói.

Có lẽ tôi đứng đó chưa đầy một phút, nhưng đến ngày hôm nay, nó là cái phút dài nhất của đời tôi. Những giây đồng hồ nặng nhọc trôi đi, giây này cách giây sau một thời gian vĩnh cửu. Không khí trở nên nặng nề, ẩm thấp, gần như đặc lại. Tôi như đang thở ra những viên gạch. Baba tiếp tục nhìn tôi trừng trừng và không bảo tôi đọc truyện.

Như mọi khi, Rahim Khan luôn luôn là người giải cứu tôi. Chú chìa bàn tay ra và ưu ái tôi bằng một nụ cười không chút vờ vĩnh:

- Amir jan, chú rất muốn đọc truyện đó, cho chú đọc được không?

Baba khó có khi nào lại dùng cái từ Jan tỏ vẻ thân thiết đó khi ông nói với tôi.

Baba nhún vai đứng dậy. Ông có vẻ nhẹ mình như thể chính ông cũng được chú Rahim Khan cứu.

- Phải đấy, đưa cho Kak 6 Rahim. Bố lên gác chuẩn bị đây.

Nói xong, rồi ông rời khỏi căn phòng. Hầu như ngày nào tôi cũng tôn sùng Baba với một cảm xúc mãnh liệt gần tới mức tôn giáo. Nhưng ngay lúc đó, tôi mong có thề cắt tĩnh mạch tôi ra để trút hết dòng máu đáng nguyền rủa của ông khỏi cơ thể tôi.

Một giờ sau, khi trời chiều đã tối mờ mờ, hai người bọn họ rời nhà đi trong chiếc xe hơi của cha tôi. Lúc ra khỏi nhà, chú Rahim Khan ngồi xổm xuống trước mặt tôi và trao trả cái truyện ngắn của tôi cùng một mảnh giấy gập kín. Mặt chú loé sáng một nụ cười và chú nháy mắt bảo tôi: "Cho cháu đấy. Sau hãy đọc." Rồi chú dừng lại và thêm một từ duy nhất, sau này đã cổ vũ tôi theo đuổi việc viết văn, hơn bất kỳ lời chúc mừng nào mà bất kỳ chủ biên nào từng dành cho tôi. Từ đó là Hoan hô.

Khi hai người đi rồi, tôi ngồi xuống giường mình và ước gì chú Rahim Khan là cha tôi. Rồi tôi nghĩ về Baba và bộ ngực lớn vĩ đại của ông, cảm thấy tuyệt vời biết bao khi ông ôm tôi vào ngực, người ông sặc mùi rượu cất thô vào buổi sáng ra sao, và râu ông giụi vào mặt tôi như thế nào. Tôi bỗng cảm thấy vô cùng đau đớn vì cái tội lỗi bất ngờ, đến mức phải lao ngay vào buồng tắm và nôn vào cái chậu.

Khuya đêm đó, nằm co trên giường, tôi đọc đi đọc lại bức thư ngắn của chú Rahim Khan.Nội dung như sau:

Amir jan!

Chú thích truyện ngắn của cháu lắm. Mashallah 7, Thượng đế đã phú cho cháu một tài năng đặc biệt. Bổn phận của chú bây giờ là phải mài giũa tài năng đó, bởi vì một con người để phí tài năng Thượng đế ban cho mình, là một con lừa. Cháu đã viết câu chuyện của cháu bằng một thứ ngữ pháp sáng sủa và một phong cách thú vị. Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất về truyện ngắn cháu viết là nó có tính châm biếm. Cháu có thể còn chưa biết từ đó nghĩa là gì. Nhưng rồi một ngày nào đó cháu sẽ biết. Nó là cái gì đó mà một số nhà văn muốn vươn tới nhưng không bao giờ đạt được. Cháu đã thực hiện được điều đó bằng truyện ngắn đâu tiên.

Cửa nhà chú luôn luôn và mãi sẽ rộng mở với cháu, Amir jan ạ. Chú sẽ đọc bất kỳ truyện ngắn nào cháu cần chia sẻ với chú. Hoan hô.
Bạn của cháu,
Rahim
Phấn chấn bởi bức thư của chú Rahim Khan, tôi vồ lấy cái truyện ngắn và chạy vội xuống cầu thang ra tiền sảnh, nơi Hassan và ông Ali đang ngủ trên tấm đệm. Đó là lần duy nhất họ ngủ trong ngôi nhà, khi Baba đi vắng và ông Ali phải trông nom tôi. Tôi lay Hassan thức dậy và hỏi có muốn nghe một truyện không.

Cậu ấy dụi đôi mắt díp lại vì ngái ngủ và duỗi người ra:

- Bây giờ ư? Mấy giờ rồi?

- Cần gì mấy giờ. Truyện ngắn này rất đặc biệt. Mình tự viết ra đấy, - tôi thì thào, mong không làm ông Ali thức giấc.

Mặt Hassan sáng ngời lên.

- Thế thì tôi phải nghe rồi, - cậu nói và tung chăn ra.

Tôi đọc truyện đó cho Hassan ở phòng khách, bên lò sưởi bằng đá cẩm thạch. Lần này thì không có chuyện đọc giả vờ nữa; đó là truyện của tôi. Hassan là một thính giả hoàn hảo về nhiều mặt, hoàn toàn chìm đắm vào câu chuyện, nét mặt thay đổi theo giọng điệu đổi thay trong câu chuyện. Khi tôi đọc đến câu cuối Hassan vỗ tay không thành tiếng, mặt rạng rỡ hẳn lên:

- Mashallah Amir agha! Hoan hô!

- Cậu thích chứ? - Tôi hỏi, và lần thứ hai cảm thấy hương vị ngọt ngào biết mấy - của một lời khen.

- Một ngày nào đó, Inshallah 8, cậu sẽ là một nhà văn lớn, - Hassan nói, - và mọi người trên toàn thế giới sẽ đọc những truyện cậu viết.

- Hassan, cậu bốc rồi, - tôi nói, thấy yêu Hassan vì thế.

Nhưng cậu khăng khăng:

- Không, cậu sẽ vĩ đại và nổi tiếng.

Rồi Hassan dừng lại, như thể đang định nói thêm điều gì đó. Cậu ta đắn đo tìm lời lẽ, rồi hắng giọng, bẽn lẽn hỏi:

- Nhưng cậu sẽ cho phép tôi hỏi một câu về cái truyện đó chứ?

- Tất nhiên.

- Được... - Cậu bắt đầu, rồi tịt mất.

- Nói đi, Hassan, - tôi mỉm cười bảo, dẫu bất chợt cái tên nhà văn dễ nao núng trong tôi không tin lắm có muốn nghe không.

- Được, nếu cho phép tôi hỏi, tại sao người ấy lại phải giết vợ mình? Tại sao ông ta cứ phải bao giờ cũng buồn mới rơi nước mắt? Ông ta không thể chỉ ngửi một củ hành ư?

Tôi sững sờ. Cái chi tiết cụ thể đó, quá rõ ràng hoàn toàn ngớ ngẩn, thế mà tôi lại không nghĩ ra. Tôi mấp máy môi không thành tiếng. Có vẻ như cũng trong đêm đó, tôi đã học được về một trong những mục tiêu viết, ấy là châm biếm. Tôi cũng được biết tới một trong những cái bẫy của nó: Kẽ hở của Tình tiết. Được Hassan dạy cho, thật đáng kinh ngạc. Hassan - kẻ không thể đọc nổi và chẳng bao giờ viết nổi một từ suốt cuộc đời mình. Một giọng nói lạnh lùng và đen tối thì thào trong tôi, Thằng Hazara mù chữ ấy, nó thì biết cái gì nào? Nó sẽ chẳng là gì ngoài việc là thằng bếp. Sao nó lại dám phê bình cậu?

- Được lắm!

Tôi bắt đầu, nhưng chẳng bao giờ nói hết được câu ấy. Bởi vì Afghanistan đã bất ngờ biến đổi mãi mãi.


--------------------------------
1Agha: Tiếng xưng hô tỏ ý tôn kính của người dưới, có thể dịch là ngài, cậu v.v... Sahib: Tiếng gọi những người có vai vế trong xã hội.
2Đơn vị tiền Afghanistan.
3Sultan: Tước hiệu của Hồi giáo chỉ người nắm quyền lực.
4Shah: Danh hiệu quốc vương của Ba Tư, thường là Iran.
5Chaman: Là một thành phố nhỏ thuộc Babochistan, Pakistan, giáp ranh biên giới giữa Pakistan và Afghanistan, là nơi rất nhiều người Afghan chạy sang tị nạn thời nội chiến.
6Kaka: trong nguyên bản để gọi những người họ hàng bậc cha chú.
7Mashalah: Hoan hô.
8Inshallah: Cầu trời phù hộ.

 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

V

Tiếng gì đó gầm lên như sấm. Mặt đất hơi rung chuyển và chúng tôi nghe thấy tiếng tặc - tặc - tặc của súng máy. "Cha ơi!" Hassan gọi to. Chúng tôi bật lên và nhào ra khỏi phòng khách. Chúng tôi thấy ông Ali đang tập tễnh vội vàng đi qua tiền sảnh.

- Cha ơi! Tiếng gì thế? - Hassan the thé kêu lên, vươn hai tay về phía ông Ali. Ông ôm chúng tôi trong hai cánh tay. Một dải sáng trắng loé lên, sáng chói trên bầu trời như bạc. Nó lại chớp loé lên và tiếp theo là chuỗi gằn nhanh của súng máy.

- Họ đang săn vịt trời đấy, - ông Ali nói bằng một giọng khàn khàn. - Họ săn vịt ban đêm, hai đứa biết đấy. Đừng sợ.

Một tiếng rít ở xa xa. Đâu đó, kính vỡ tan tành và ai đó kêu thét. Tôi nghe thấy tiếng người trên đường phố, choàng dậy, chen lấn nhau, có lẽ vẫn mặc nguyên quần áo ngủ, tóc bù xù mắt húp lên. Hassan đang khóc. Ông Ali kéo cậu sát vào người, dịu dàng ôm chặt lấy. Sau này, tôi thường tự nhủ tôi đã chẳng cảm thấy ghen với Hassan. Không chút nào hết.

Chúng tôi cứ thế rúc vào nhau cho đến sáng sớm. Tiếng bắn nhau và tiếng nổ kéo dài gần một giờ thì chấm dứt, nhưng nó làm cho chúng tôi khiếp sợ vô cùng, bởi vì không ai trong chúng tôi từng nghe thấy tiếng súng nổ trên đường phố. Đó là những âm thanh xa lạ với chúng tôi. Thế hệ trẻ con Afghan tai không nghe gì ngoài tiếng bom và tiếng súng còn chưa được sinh ra. Co rúc vào nhau trong phòng ăn và đợi cho trời sáng, không ai trong chúng tôi có bất cứ ý niệm nào rằng con đường sống đã chấm dứt. Con đường sống của chúng tôi. Nếu không phải hoàn toàn ngay lúc này, thì ít nhất cũng là bắt đầu của sự kết thúc. Sự kết thúc, sự kết thúc chính thức sẽ đến vào đầu tháng Tư năm 1978, với cuộc đảo chính của Cộng sản, rồi đến tháng Mười Hai năm 1979, khi xe tăng Nga bò vào chính những đường phố nơi Hassan và tôi đã chơi đùa, mang cái chết đến cho Afghanistan mà tôi vẫn biết, và đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên đẫm máu vẫn còn đang tiếp diễn.

Ngay trước lúc mặt trời mọc, xe hơi của Baba rẽ vào đường xe chạy vào nhà. Cửa xe đóng sầm lại và tiếng chân ông chạy huỳnh huỵch trên các bậc thang. Rồi ông hiện ra ở trước cửa và tôi thấy một nét gì đó trên mặt ông. Một nét gì mà tôi không nhận ra ngay, bởi vì trước đó tôi không hề thấy: nỗi sợ hãi.

- Amir! Hassan!

Ông kêu lên, chạy đến với chúng tôi, hai cánh tay dang rộng.

- Chúng chặn hết mọi con đường và điện thoại không hoạt động. Ta lo quá.

Chúng tôi để ông ôm trong cánh tay, và trong một khoảnh khắc điên rồ, tôi thấy vui mừng về bất kỳ chuyện gì đã xảy ra đêm đó.

Rốt cuộc, chúng không bắn vịt. Hoá ra chúng không bắn mấy vào bất cứ thứ gì, cái đêm 17 tháng Bảy năm 1973 ấy. Sáng hôm sau, Kabul thức dậy, thấy nền quân chủ đã là chuyện của quá khứ. Quốc vương Zahir Shah chạy sang Ý. Vắng mặt ông, người em họ của ông, Daoud Khan, đã kết thúc bốn mươi năm trị vì của nhà vua bằng cuộc đảo chính không đổ máu.

Tôi nhớ, buổi sảng hôm sau đó, Hassan và tôi khom người bên ngoài phòng làm việc của cha tôi, còn Baba và chú Rahim Khan đang uống trà đen, nghe tin tức mới về cuộc đảo chính trên đài phát thanh Kabul.

- Amir agha này. - Hassan thì thào.

- Cái gì?

- Cộng hoà là cái gì?

Tôi nhún vai:

- Tôi không biết.

Trên máy thu thanh của Baba, họ đang nói cái từ "cộng hoà" ấy, nói đi nói lại mãi.

- Amir agha này.

- Cái gì?

- Có phải "cộng hoà" nghĩa là cha tôi và tôi sẽ phải rời khỏi đây không?

- Tôi không nghĩ thế, - tôi thì thào trả lời.

Hassan ngẫm nghĩ về điều đó:

- Amir agha này.

- Cái gì?

- Tôi không muốn họ đuổi tôi và cha tôi đi.

Tôi mỉm cười:

- Vớ vẩn, cậu đúng là đồ con lừa. Chẳng ai đuổi bố con cậu đâu.

- Amir agha này.

- Cái gì?

- Cậu có muốn trèo lên cái cây của chúng ta không?

Nụ cười của tôi nở rộng ra. Đó lại là một chuyện khác về Hassan. Cậu luôn luôn biết khi nào nói điều cần nói - tin tức trên radio đã trở nên nhàm chán. Hassan đi về túp lều của cậu để chuẩn bị, và tôi leo lên gác lấy một cuốn sách. Rồi tôi vào bếp nhét đầy túi những vốc tay hạt thông 1, đoạn chạy ra ngoài tìm Hassan đang đợi tôi. Chúng tôi ào qua cổng trước và đi về phía đồi.

Chúng tôi vượt qua khu dân cư, và đang vất vả cuốc bộ qua vùng đất cằn cỗi dẫn đến ngọn đồi thì bất chợt, một hòn đá đập vào lưng Hassan. Chúng tôi xoay người lại, và tim tôi muốn rụng. Assef và hai thằng bạn nó, Wali và Kamal, đang áp sát chúng tôi.

Assef là con trai một người bạn của cha tôi, ông Mahmood, phi công. Gia đình nó sống cách nhà chúng tôi vài phố về phía Nam, trong một khu nhà sang trọng kín cổng cao tường, trồng xen cọ xung quanh. Nếu bạn là một đứa trẻ trong quận Wazir Akbar Khan của Kabul, bạn hẳn biết Assef và nắm đấm bằng thép không gỉ nổi tiếng của nó, và mong không phải nếm mùi. Được sinh ra từ một người mẹ Đức và ông bố Afghan, thằng Assef tóc hung mắt xanh, cao lớn vượt hẳn những đứa trẻ khác. Nó nổi tiếng tàn bạo trên các đường phố. Được mấy đứa bạn tay chân đi kèm hai bên, nó bước đi trên vùng lân cận như một Khan 2 đi tuần du khắp lãnh thổ của mình, cùng đoàn tuỳ tùng khúm núm. Lời nói của nó là luật, và nếu cần một chút răn dạy lề luật, thì quả đấm thép ấy đủ để là một giáo cụ thích hợp. Tôi đã được nhìn một lần, nó dùng những quả đấm ấy với thằng bé ở quận Karteh-Char. Tôi sẽ không bao giờ quên nổi đôi mắt xanh của thằng Assef loé ra một tia sáng hoàn toàn điên dại ra sao, và nó nhăn nhở thế nào khi nó đấm liên hồi vào thằng bé đáng thương đã bất tỉnh. Một số đứa con trai ở quận Wazir Akbar Khan đặt cho nó cái biệt hiệu Assef Goshkhor, hay Assef "Kẻ Ăn Tai". Tất nhiên, không đứa nào trong bọn chúng dám nói thẳng vào mặt nó trừ phi muốn chịu cùng số phận với thằng bé đáng thương, kẻ đã vô tình gợi cảm hứng cho cái biệt danh đó khi đấu và hạ chiếc diều của Assef và rơi vào tình cảnh mò tai phải của mình từ một rãnh bùn. Nhiều năm sau, tôi lục được một từ tiếng Anh chỉ một loại người như Assef, là từ "Sociopath" 3, tiếng Farsi không tồn tại một từ tương đương đúng nghĩa. Nằm trong số nhưng đứa quanh vùng thường hành hạ ông Ali, Assef còn bỏ xa những đứa nhẫn tâm nhất. Thật ra, nó là đứa đầu têu trò chế nhạo Babalu - Ngoáo ộp: Ê, Babalu, hôm nay mày ăn thịt ai rồi? Hử? Thôi nào, Babalu, cười với chúng tao một cái nào! Và vào những ngày nó cảm thấy đặc biệt có hứng, nó lại thêm đôi chút mắm muối vào trò đùa quấy: Ê, đồ Babalu Mũi Tẹt, hôm nay mày ăn thịt ai rồi? Nói cho chúng tao nghe nào, đồ con lừa mắt xếch!

Lúc này, nó đang bước lại phía chúng tôi, hai tay chống nạnh, đôi giày vải đá bật lên một đám bụi nhỏ.

- Chào buổi sáng, bọn Kunis, - Assef reo lên và vẫy tay. - Đồ đồng tính, - đấy là tiếng chửi ưa thích khác của nó.

Hassan lùi lại phía sau tôi, khi ba thằng hơn tuổi kia tiến sát lại Chúng đứng trước mặt tôi, ba thằng cao lớn mặc quần jeans và áo phông. Lừng lững hơn cả hai chúng tôi gộp lại, Assef khoanh cánh tay to mập trước ngực, đôi môi nhăn nhở một cách man rợ. Đây không phải lần đầu tiên Assef giở chứng trước mặt tôi, khùng với tôi. Cũng may Baba là cha tôi - đó là lý do độc nhất, tôi tin vậy, khiến Assef thường phải kìm chế không bức bách tôi quá.

Nó vênh mặt hỏi Hassan:

- Này, mũi tẹt, Babalu thế nào?

Hassan không nói gì và lùi thêm bước nữa về phía sau tôi.

- Chúng mày đã nghe tin rồi chứ, lũ nhóc? - Assef nói, vẫn nụ cười nhăn nhở. - Nhà vua xéo rồi. Thoát nợ. Tổng thống muôn năm! Bố tao biết Daoud Khan đấy, mày có biết không, Amir?

- Bố tao cũng biết, - tôi nói. Thật ra, tôi không biết có đúng vậy hay không.

- Bố tao cũng biết, - Assef dài giọng nhại lại tôi. Kamal và Wali hưởng ứng theo nhiệt liệt. Ước gì có Baba ở đây.

- Daoud Khan ăn tối ở nhà tao năm ngoái đấy, - Assef tiếp tục. - Mày có thích thế không, Amir?

Tôi không biết liệu có ai nghe được tiếng thét của chúng tôi ở cái khoảnh đất xa xôi này không. Nhà của Baba ít nhất cũng cách xa một kilômét. Tôi ước gì chúng tôi đang ở nhà.

- Mày có biết, lần sau Daoud Khan đến ăn tối ở nhà tao, tao sẽ nói gì với ông ấy không? - Assef nói. - Tao sẽ tán gẫu với ông ấy một chút, kiểu mard với mard 4, đàn ông với đàn ông. Kể cho ông ấy những gì tao đã kể cho mẹ tao. Về Hitler. Bây giờ có một lãnh tụ rồi. Một lãnh tụ vĩ đại. Một người có tầm nhìn. Tao sẽ bảo Daoud Khan hãy nhớ rằng nếu người ta để cho Hitler kết thúc những gì Hitler đã khởi sự, thế giới bây giờ đã là một nơi tốt đẹp hơn.

- Baba bảo Hitler điên, nên mới ra lệnh giết hại bao nhiêu người vô tội, - tôi nghe thấy chính mình nói trước khi kịp lấy tay bịt chặt miệng lại.

Assef cười gằn:

- Nó nói cứ như mẹ tao ấy, và bà ấy là người Đức. Bà ấy phải biết hơn chứ. Nhưng vậy, chúng muốn mày tin thế phải không? Chúng không muốn mày biết sự thật.

Tôi không biết "chúng" đây là ai, và sự thật nào chúng đang che giấu, và cũng không muốn tìm ra. Uớc gì tôi đừng nói gì cả. Tôi lại ước tôi ngước nhìn lên và thấy Baba hiện ra trên đồi.

- Nhưng mày phải đọc những cuốn sách mà người ta không phát ở trường. Tao đã đọc và mắt tao được mở to ra. Giờ đây tao có một tầm nhìn, và tao định chia sẻ tầm nhìn của tao với tổng thống mới của chúng ta. Mày có biết thế là gì không?

Tôi lắc đầu. Nó vẫn nói với tôi. Assef vẫn luôn tự trả lời những câu hỏi của chính nó.

Đôi mắt xanh của nó liếc sang Hassan:

- Afghanistan là đất nước của người Pashtun. Nó luôn luôn như thế, sẽ mãi như thế. Chúng ta là người Afghan thực sự, người Afghan thuần khiết, không có đồ Mũi Tẹt này ở đây. Dân nó làm ô uế quê hương chúng ta, watan 5của chúng ta. Chúng làm bẩn dòng máu của chúng ta. - Nó giật bàn tay làm điệu bộ, quét một đường theo kiểu đại quy mô. - Afghanistan là của người Pashtun, tao tuyên bố vậy. Đó là quan điểm của tao.

Assef lại chuyển cái nhìn trừng trừng của nó sang tôi. Nó trông như kẻ vừa ra khỏi giấc mơ đẹp.

Nó nói:

- Quá muộn đối với Hitler. Nhưng không phải với chúng tao.

Nó lấy một cái gì đó từ túi sau quần jeans:

- Tao sẽ yêu cầu tổng thống làm những gì nhà vua không có quwat 6để làm, giải thoát Afghanistan khỏi bọn Kassef 7Hazara.

- Thôi để chúng tao đi, Assef, - tôi nói mà căm ghét cái giọng tôi run run. - Chúng tao có làm gì mày đâu.

- Ồ, chúng mày đang làm phiền tao đấy, - Assef nói.

Và tôi nhìn, tim như lịm đi, xem nó đang moi cái gì khỏi túi. Tất nhiên rồi. Hai quả đấm thép không gỉ lạnh tanh lấp lánh dưới mặt trời. - Chúng mày đang làm phiền tao lắm lắm. Thật ra, mày còn làm phiền tao hơn cái thằng Hazara này. Làm sao mày lại có thể chuyện trò với nó, chơi đùa với nó, để nó chạm vào mày? - Nó nói, giọng đầy vẻ khinh thị. Wali và Kamal gật gật đầu và ụt ịt tỏ vẻ đồng tình. Assef nheo mắt lại. Lắc lắc đầu. Khi nó nói tiếp, nó có vẻ thăm dò. - Làm sao mày có thể gọi nó là "bạn" mày?

Nhưng nó không phải là bạn tao! - Tôi suýt buột miệng - Nó là đày tớ của tao. Có phải tôi đã thực sự nghĩ thế không? Đương nhiên là không phải. Tôi không nghĩ thế. Tôi đối xử với Hassan như một người bạn, thậm chí còn hơn, như một đứa em mình. Nhưng nếu như vậy, thì tại sao khi bạn bè của Baba đến chơi cùng với con cái họ, tôi không bao giờ lôi Hassan tham gia những trò của chúng tôi? Tại sao tôi chỉ chơi đùa với Hassan khi quanh tôi không có một ai khác?

Assef lồng hai quả đấm thép vào tay. Nhìn tôi lạnh như băng:

- Mày là một phần của vấn đề, Amir. Nếu lũ ngốc như mày và bố mày không rước đám người ấy vào nhà, ngay lúc này, chúng tao đã được giải thoát khỏi chúng. Tất cả bọn ấy đã cút về thối rữa ở Hazarajat, quê hương của chúng rồi. Mày là một sự nhục nhã cho Afghanistan.

Tôi nhìn vào đôi mắt điên khùng của nó và thấy quả nó điên. Nó định đánh tôi thực sự.Assef giơ quả đấm lên, tiến đến trước tôi.

Có một động tác nhanh, ào như cơn gió sau lưng tôi. Lạ mắt nhìn sang bên cạnh, tôi thấy Hassan cúi xuống và đứng lên rất nhanh. Đôi mắt của Assef chuyển sang một thứ gì đó phía sau tôi, và sửng sốt trợn trừng. Tôi thấy cái nhìn sửng sốt ấy cả trên mặt Kamal lẫn Wali lúc chúng nhận ra chuyện gì phía sau tôi.

Tôi quay lại, đối mặt với chiếc súng cao su của Hassan. Hassan đã kéo giãn rộng hết mức dây cao su về phía sau. Trong miếng da là một viên đá bằng cỡ quả óc chó. Hassan chĩa sung cao su thẳng vào mặt Assef. Tay cậu ta rung rung theo sức căng của dây cao su giãn ra và những hạt mồ hôi lấm tấm đầy trên trán.

- Xin Agha để chúng tôi yên, - Hassan nói bằng một giọng bình thường, vẫn nhớ gọi Assef là "agha", và ngay lúc đó tôi lấy làm lạ sao người ta cứ phải sống với một quan niệm thâm căn cố đế về vị trí của mình theo thứ bậc xã hội như thế.

Assef nghiến răng ken két:

- Bỏ xuống, thằng Hazara không mẹ.

- Xin Agha để chúng tôi yên, - Hassan nói.

Assef mỉm cười:

- Có thể mày không chú ý đấy, nhưng chúng tao có ba và chúng mày chỉ có hai.

Hassan nhún vai. Với người ngoài, trông cậu có vẻ không hoảng sợ. Nhưng vẻ mặt của Hassan là ký ức đầu tiên của tôi, tôi nhận ra mọi sắc thái tinh vi của nó, biết từng co giật biến đổi từng gợn lên trên đó. Và tôi thấy cậu cũng hoảng sợ. Cậu hoảng sợ lắm.

- Agha nói đúng. Nhưng có lẽ, Agha cũng không để ý, tôi là người đang giữ súng cao su. Agha chỉ nhúc nhích thôi là mọi người sẽ phải đổi cái biệt hiệu "Kẻ Ăn Tai" của Agha thành "Assef Một mắt" ngay, bởi vì tôi đang có viên đá này nhằm vào mắt trái Agha.

Cậu nói quá thản nhiên, đến nỗi tôi phải căng tai ra nghe nỗi sợ mà tôi biết được giấu kín dưới cái giọng bình tĩnh ấy.

Miệng của Assef giật giật. Wali và Kamal quan sát sự biến đổi này với vẻ gì đó gần như một sự thích thú. Ai đó dám thách thức Thượng đế của chúng. Hạ nhục ông ta. Và, tệ hại hơn cả kẻ đó lại là một Hazara gầy trơ xương. Assef nhìn từ viên đá tới Hassan. Nó soi mói vẻ mặt của Hassan. Những gì nó thấy trên vẻ mặt đó hẳn đã thuyết phục nó về những ý đồ nghiêm túc của Hassan, bởi nó hạ nắm đấm xuống.

- Thằng Hazara, mày nên biết điều này, - Assef nghiêm nghị nói. - Tao là một con người rất kiên nhẫn. Việc này chưa xong hôm nay đâu, tin tao đi. - Nó quay về phía tôi. - Cũng chưa xong với mày đâu, Amir ạ. Một ngày nào đó, tao sẽ làm cho mày phải đối mặt với tao, một chọi một.

Assef lùi lại một bước. Đệ tử của nó lùi theo.

Nó nói:

- Amir, hôm nay thằng Hazara của mày đã mắc một sai lầm lớn.

Rồi bọn chúng quay lưng bỏ đi. Tôi đòi theo chúng bước xuống phía chân đồi và khuất sau một bức tường.

Hassan đang cố nhét lại chiếc súng cao su vào thắt lưng bằng đôi tay run run. Môi cậu ta cong lên như thể buộc phải nở một nụ cười trấn tĩnh. Phải mất đến năm lần mới thắt được dải quần. Không đứa nào trong chúng tôi nói nhiều về bất cứ điều gì lúc đi bộ về nhà trong lo sợ, tin chắc Assef và lũ bạn sẽ phục kích chúng tôi mỗi lần bọn tôi rẽ theo góc phố. Chúng không phục kích, và điều đó nhẽ ra đã làm chúng tôi an tâm một chút. Nhưng không phải như thế. Không một chút nào.

Trong hai năm sau đó, những từ phát triển kinh tếcải cách rộn ràng trên môi nhiều người dân Kabul. Chế độ quân chủ lập hiến đã bị bãi bỏ, thay thế bằng một nền cộng hoà lãnh đạo bởi tổng thống của nước cộng hoà. Trong ít lâu, một tinh thần trẻ trung và quyết tâm lan tràn khắp đất nước. Nhân dân nói về quyền của phụ nữ và công nghệ hiện đại.

Và đối với phần lớn các thành phần xã hội, mặc dù một nhà lãnh đạo mới đã vào ở trong Arg - cung điện hoàng gia tại Kabul - cuộc sống vẫn tiếp tục như trước. Người dân đi làm thứ Bảy tới đến thứ Năm và tụ tập lại để ăn uống, picnic vào những ngày thứ Sáu ở các công viên, trên bờ hồ Ghargha, trong những vườn cây của Paghman. Những xe buýt đủ sắc màu sặc sỡ và những xe tải đầy hành khách lăn bánh qua mọi đường phố chật hẹp của Kabul, được điều khiển bởi tiếng quát tháo không ngừng của đám phụ xe ngồi dạng chân trên bệ chắn đuôi xe và hét to chỉ đường cho bác tài bằng cái giọng Kabul nằng nặng. Vào ngày lễ Eid, lễ ba ngày sau tháng lễ Ramadan, dân Kabul mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất và đi thăm thân quyến. Mọi người ôm chầm lấy nhau, hôn nhau, chúc mừng nhau "Eid Mubarak", Chúc lễ Eid Hạnh phúc. Trẻ con mở những hộp quà và chơi nghịch nhưng quả trứng luộc nhuộm màu.

Vào khoảng đầu mùa đông sau đó, năm 1974, Hassan và tôi một hôm đang chơi ngoài sân trò xây pháo đài tuyết thì Ali gọi cậu ta vào:

- Hassan, Agha sahib muốn nói chuyện với con.

Ông đang đứng trước cửa, mặc đồ trắng, hai tay luồn hai bên nách, miệng thở ra những làn hơi.

Hassan và tôi mỉm cười nhìn nhau. Cả ngày hôm ấy chúng tôi vẫn đang chờ ông gọi. Đó là ngày sinh nhật của Hassan.

- Chuyện gì vậy, cha, cha có biết không? Nói cho chúng con biết được không?

Hassan nói. Mắt sáng lên.

Ông Ali nhún vai:

- Agha sahib không thảo luận việc đó với cha.

- Thôi nào, ông Ali, kể cho chúng cháu nghe đi, - tôi ép. - Có phải một cuốn sách tranh không? Có thể một khẩu súng mới chăng?

Giống như Hassan, ông Ali không thể nói dối. Năm nào ông cũng vờ như không biết Baba đã mua thứ gì cho Hassan hoặc cho tôi, vào ngày sinh của chúng tôi. Và năm nào, đôi mắt ông cũng phản lại ông và chúng tôi cũng thuyết phục để moi được tin ở ông. Lần này, tuy vậy hình như ông nói thực.

Baba không bao giờ quên sinh nhật của Hassan. Ông thường hỏi Hassan muốn thứ gì, nhưng lại thôi ngay, bởi vì Hassan luôn luôn quá rụt rè, không dám đề nghị một món quà. Vì vậy mùa đông nào Baba cũng tự mình đoán được. Năm này, ông mua cho cậu ấy chiếc xe tải đồ chơi của Nhật, năm khác một đầu tàu chạy điện và cả đoàn tàu. Năm trước, Baba làm cho Hassan ngạc nhiên bằng chiếc mũ cao bồi bằng da, giống hệt chiếc mà Clint Eastwood đội trong phim Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại 8, đã đánh bại phim Bảy anh chàng cừ khôi trở thành bộ phim cao bồi ưa thích của chúng tôi. Cả mùa đông ấy, Hassan và tôi thay nhau đội chiếc mũ và hát to theo đoạn nhạc hay nhất của bộ phim, trong khi trèo lên các ụ tuyết và đòm chết nhau.

Chúng tôi tháo găng tay và cởi bỏ những đôi ủng bám đầy tuyết ở trước cửa. Khi chúng tôi bước vào tiền sảnh, thì thấy Baba đang ngồi cạnh chiếc lò sưởi gang đốt củi than cùng một người đàn ông Ấn Độ vừa hói vừa thấp mặc một bộ đồ nâu, đeo cravát đỏ.

- Hassan, - Baba nói, mỉm cười bẽn lẽn. - Đón quà sinh nhật của cháu đi.Hassan và tôi ngây ra nhìn nhau. Chẳng thấy hộp quà nào hết. Không túi. Không đồ chơi. Chỉ có mỗi ông Ali ở sau chúng tôi và Baba cùng với ông bạn Ấn Độ thanh mảnh, trông hơi giống một thầy dạy toán. Người đàn ông mặc bộ đồ nâu mỉm cười chìa tay ra cho Hassan, và nói:

- Tôi là bác sĩ Kumar. Rất vui được gặp cháu.

Ông nói tiếng Farsi bằng một giọng nằng nặng và uốn lưỡi.

- Salaam alaykum 9 - Hassan chào gượng gạo. Cậu khẽ nghiêng đầu lễ phép, nhưng mắt lại thăm dò cha mình đang đứng ở phía sau. Ông Ali bước lại gần, đặt tay lên vai Hassan.

Baba bắt gặp ánh mắt dè chừng và bối rối của Hassan.

- Ta đã mời Bác sĩ Kumar ở New Delhi tới. Bác sĩ Kumar là một nhà phẫu thuật tạo hình.

- Cháu có biết thế nghĩa là gì không? - Ông Ấn Độ - bác sĩ Kumar hỏi.

Hassan lắc đầu. Cậu ta nhìn tôi ra ý hỏi, nhưng tôi nhún vai. Tất cả những gì tôi biết, là bạn đến một nhà phẫu thuật để chữa bệnh, khi bạn bị viêm ruột thừa. Tôi biết điều này vì một trong những bạn học cùng lớp với tôi đã chết vì bệnh ấy năm trước, và thầy giáo đã bảo với chúng tôi họ đợi lâu quá mới đem cậu ấy đến một nhà phẫu thuật. Cả hai chúng tôi đều nhìn ông Ali, nhưng tất nhiên bạn chẳng bao giờ có thể khẳng định được điều gì. Nét mặt ông vẫn thản nhiên như mọi khi, dù một cái gì đó có vẻ điềm tĩnh đã tan ra trong đôi mắt ông.

- À, - Bác sĩ Kumar nói, - nghề của bác là chữa các tật trên cơ thể con người. Đôi khi mặt họ nữa.

- Ồ, Hassan nói. Cậu ấy nhìn từ bác sĩ Kumar sang Baba, rồi sang ông Ali, tay sờ lên môi trên. lại tiếp - ồ.

- Đây là món quà lạ, ta biết, - Baba nói. - Va có thể không phải như cháu nghĩ đâu, nhưng món quà này sẽ mãi mãi còn lại với cháu.

- Ô, - Hassan nói. Cậu liếm môi. Hắng giọng. - Agha sahib, sẽ... sẽ...

- Không làm sao hết, - Bác sĩ Kumar nói chen vào, miệng cười thân mật. - Sẽ không làm đau cháu chút nào đâu. Thật ra, ta sẽ cho cháu uống một liều thuốc, và cháu sẽ chẳng nhớ được điều gì nữa.

- Ô, - Hassan nói. Cậu mỉm cười đáp lại, vẻ nhẹ nhõm. Dẫu sao cũng hơi nhẹ nhõm. - Cháu không sợ đâu, Agha sahib, cháu chỉ...

Hassan có thể bị lừa nhưng tôi thì không. Tôi hiểu khi các bác sĩ nói sẽ không đau đâu, đó là khi bạn biết bạn đang rắc rối to. Tôi khiếp hãi nhớ lại lễ cắt bao quy đầu của tôi năm ngoái. Bác sĩ cũng nói với tôi như thế, cam đoan với tôi sẽ không làm đau tôi tí nào. Nhưng khuya đêm đó khi thuốc tê đã tan đi, cảm giác như ai đó đang ấn một cục than hồng vào hai bên háng tôi. Tại sao Baba phải chờ đến khi tôi mười tuổi mới bắt tôi cắt bao quy đầu, tôi không hiểu nổi, và đó là một trong những điều tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông.

Tôi ước tôi cũng có một loại sẹo nào đó để gây được sự thương cảm ở Baba. Thế là không công bằng. Hassan chẳng làm trò gì cũng chiếm được tình cảm của Baba, cậu ấy chỉ có mỗi việc bị đẻ ra với cái môi hẻ vớ vẩn đó.

Việc phẫu thuật tiến hành tốt đẹp. Chúng tôi hơi choáng khi lúc đầu họ tháo băng, nhưng rồi lại cười ngay đúng như những gì bác sĩ Kumar đã dặn. Thật cũng không dễ dàng, bởi vì môi trên của Hassan giờ là một cục thịt mọng sưng phồng kỳ cục. Tôi mong Hassan kêu lên khiếp hãi khi y tá đưa cho cậu cái gương. Ông Ali giữ tay cậu trong khi Hassan nhìn đăm chiêu khá lâu vào trong gương. Cậu lẩm bẩm một điều gì đó tôi không hiểu. Tôi ghé tai vào miệng cậu. Cậu lại thì thào:

- Tashakor. - Cảm ơn cậu.Rồi môi cậu xoắn lại và ngay lúc đó, tôi hiểu chính xác là cậu đang làm gì. Cậu đang mỉm cười. Đúng như cậu đã từng cười, khi đang tòi ra từ bụng mẹ.

Chỗ sưng phồng xẹp xuống, và vết thương lành dần. Chẳng mấy chốc, nó chỉ còn là một vệt màu hồng không đều nói trên môi. Đến mùa đông năm sau, nó chỉ còn là một vết sẹo mờ. Thế mới mỉa mai. Bởi vì đó là cái mùa đông mà Hassan thôi mỉm cười.


--------------------------------
1Pine-nut: loại hạt thông ăn được.
2Khan: Một tước hiệu quan chức ở Afghanistan và một số nước khác ở châu Á, Trung Đông.
3Sociopath: Chỉ một hạng người bị bệnh tâm thần, xử sự với người khác một cách hiếu chiến và nguy hiểm. Sociopath hợp thành từ tiền tố Socio: xã hội và path: con đường, hướng đi.
4Mard: Nghĩa đàn ông. Mard với mard nghĩa là đàn ông với nhau.
5Watan: Lớp trẻ, thanh niên.
6Quwant: Sức mạnh, quyền lực.
7Kasseef: Bẩn thỉu.
8The good, the bad, the ugly.
9Salaam alaykum: Xin chào, chúc được bình yên.

 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

VI

Mùa đông.

Đây là những gì tôi làm vào ngày tuyết rơi đầu tiên hàng năm. Tôi bước ra khỏi nhà vào buổi sáng sớm, vẫn mặc quần áo ngủ, hai cánh tay co ro để chống lại cái lạnh. Tôi thấy lối xe vào, chiếc xe hơi của cha tôi, những bức tường, những nóc nhà và cả những dãy đồi nữa, thảy đều bị vùi dưới lớp tuyết dày chừng ba mươi phân. Tôi mỉm cười. Bầu trời không một gợn mây, xanh biếc, tuyết trắng đến nỗi mắt tôi nhức nhối. Tôi vốc đầy vốc tay tuyết mới rơi bỏ vào miệng, lắng nghe sự tĩnh lặng bao trùm chỉ bị phá vỡ bởi tiếng quạ kêu. Tôi bước xuống bậc thềm trước cửa, chân trần, và gọi Hassan ra ngoài xem.

Mùa đông là mùa ưa thích của mọi đứa trẻ ở Kabul, ít nhất cũng là những đứa mà cha nó có đủ tiền mua một chiếc lò sưởi bằng gang loại tốt. Lý do thật đơn giản: Người ta đóng cửa trường học vào mùa băng tuyết. Mùa đông đối với tôi là sự kết thúc bất đồng kéo dài, và đặt tên cho thủ đô Bulgaria, và sự khởi đầu của ba tháng chơi bài bên lò sưởi với Hassan, xem phim Nga miễn phí vào các sáng thứ Ba tại Công viên Điện ảnh, là qurma 1 củ cải ngọt ăn với cơm cho bữa trưa, sau cả buổi sáng đắp người tuyết.

Và diều, đương nhiên. Thả điều. Và đua diều.

Đối với một số ít đứa trẻ không may, mùa đông không có nghĩa kết thúc năm học. Có những cái gọi là khoá học mùa đông tự nguyện. Không bao giờ có đứa trẻ nào tôi biết lại tự nguyện đến các lớp học ấy, đương nhiên cha mẹ làm cái việc tự nguyện hộ chúng. May cho tôi, Baba không phải là một trong bọn họ. Tôi nhớ một đứa, thằng Ahmad sống ở dãy bên kia phố tôi. Bố nó là một bác sĩ gì gì đấy, tôi nghĩ vậy. Ahmad bị động kinh và luôn luôn mặc áo vest len, đeo đôi kính dày cộm gọng đen. Nó là một trong nhưng nạn nhân đều đặn của Assef. Sáng nào tôi cũng từ cửa số phòng ngủ của tôi quan sát người đày tớ Hazara của họ xúc tuyết khỏi đường xe vào nhà, dọn lối cho chiếc Opel màu đen. Tôi luôn cố xem thằng Ahmad và bố nó chui vào xe như thế nào, Ahmad trong chiếc áo vest len và áo khoác ngoài mùa đông, cặp đầy sách và bút chì. Tôi đợi cho đến khi họ đi khỏi, rẽ theo một góc phố, rồi lại chui vào giường trong bộ quần áo ngủ bằng flanen mỏng. Tôi kẻo chăn tới tận cằm và ngắm nhìn những ngọn đồi phủ tuyết ở phía Bắc qua cửa sổ. Ngắm những ngọn đồi cho đến khi lại mơ màng chìm vào giấc ngủ.

Tôi yêu mùa đông ở Kabul. Tôi yêu nó vì những bông tuyết mềm mại vỗ nhẹ vào cửa sổ phòng tôi ban đêm, vì tuyết mới rơi lạo xạo dưới đôi ủng cao su đen của tôi, vì hơi ấm của chiếc lò sưởi gang khi gió rít qua sân, qua đường phố. Nhưng chủ yếu bởi vì khi mà cây cối cóng lạnh và băng giá từng lớp phủ những con đường, cái lạnh lẽo giữa Baba và tôi tan ra đôi chút. Và lý do của điều đó là diều. Baba và tôi sống trong cùng một ngôi nhà, nhưng lại trong những bầu sinh quyển khác nhau. Những cánh diều là những làn giấy mỏng ở nơi giao cắt giữa hai bầu sinh quyển đó.

Mùa đông nào, các quận của Kabul cũng tổ chức cuộc thi đấu diều. Và nếu bạn là một đứa con trai sống ở Kabul, thì ngày thi đấu chắc chắn là sự kiện nổi bật của mùa lạnh giá. Tôi không bao giờ ngủ được đêm trước hôm thi đấu. Tôi thường trằn trọc trở mình, làm bóng những con vật trên tường, thậm chí ngồi trên lan can trong đêm tối, chăn quấn quanh người. Tôi cảm thấy như một người lính cố ngủ trong chiến hào vào đêm trước trận đánh lớn. Và cũng chẳng khác mấy. Ở Kabul, thi thả diều quả hơi giống như đi ra trận.

Như bất cứ cuộc chiến nào, anh phải chuẩn bị sẵn sàng cho trận chiến. Hassan và tôi thường bỏ ra một khoảng thời gian làm những chiếc diều riêng cho chúng tôi. Chúng tôi để dành tiền tiêu vặt hàng tuần vào mùa thu, bỏ tiền vào một con ngựa sành nhỏ mà Baba một lần đã đem từ Herat về. Khi những cơn gió mùa đông bắt đầu thổi và tuyết rơi đáng kể rồi chúng tôi cậy vỡ lớp mỏng dưới bụng con ngựa. Chúng tôi ra phố chợ mua tre, keo, dây và giấy. Môi ngày chúng tôi bỏ ra nhiều giờ để gọt ruột tre và uốn khung diều, cắt những miếng giấy mỏng mịn để dễ phết keo bồi diều. Và rồi, cố nhiên chúng tôi phải làm dây diều riêng cho mình, còn gọi là tar. Nếu diều là súng thì dây bọc bột thuỷ tinh sắc cạnh là đạn trong ổ súng. Chúng tôi thường ra ngoài sân tuốt độ một trăm năm mươi mét dây qua hỗn hợp thuỷ tinh nghiền và keo nhựa. Rồi treo lên giữa các thân cây để phơi khô. Hôm sau, chúng tôi quấn thứ dây đó sẵn sàng cho trận đánh đó vào một ống cuộn bằng gỗ. Đúng lúc tuyết tan và mưa xuân đổ xuống, đứa con trai nào ở Kabul cũng phải chịu những vết cứa ngang lộ rõ trên các ngón tay, từ cả một mùa đông đấu diều. Tôi còn nhớ vẫn thường cùng bọn ở lớp tụ tập với nhau vào ngày đầu năm học để so những vết sẹo chiến của chúng tôi. Những vết cứa đau buốt, vài tuần lễ sau không lành, nhưng tôi không buồn để ý. Chúng là những vật lưu niệm của một mùa yêu dấu đã lại một lần nữa trôi qua quá nhanh. Thế rồi lớp trưởng thường thổi còi và cả bọn lại đều bước thành một hàng duy nhất vào lớp, nhớ nhung mùa đông đã qua thay vì chào đón bóng ma của một năm học khác dài dặc.

Nhưng rõ ràng Hassan và tôi đã nhanh chóng trở thành những chiến binh đấu diều hơn là người làm diều. Một khiếm khuyết nào đó, hoặc có điều gì trong thiết kế của chúng tôi, khiến cái diều của chúng tôi chẳng đâu vào đâu. Vì vậy, Baba đem chúng tôi đến cửa hiệu Saifo để mua diều. Saifo là một ông già gần như mù, làm moochi - tức nghề chữa giày. Nhưng ông cũng là một người làm diều nổi tiếng nhất của thành phố, làm việc ngoài túp lều nhỏ trên phố Jadeh Maywand, một phố đông dân phía Nam hai bờ lầy lội của sông Kabul. Tôi vẫn nhớ, bạn phải khom người chui vào cái cửa hàng cỡ bằng xà lim nhà lao rồi phải nhấc một cửa sập để trườn xuống cầu thang gỗ, tới một tầng hầm nhớp nhúa là kho chứa những chiếc diều được người ta thèm muốn của ông. Baba thường mua cho chúng tôi mỗi đứa ba chiếc diều giống hệt nhau và những cuộn dây thuỷ tinh. Nếu tôi đổi ý và đòi mua một chiếc diều lớn hơn, lạ lùng hơn, Baba cũng vẫn mua cho tôi, nhưng ông cũng mua luôn cho Hassan nữa. Đôi khi tôi mong muốn ông đừng làm như vậy. Muốn ông hãy để cho tôi được là đứa con cưng.

Thi đấu diều là truyền thống mùa đông lâu đời ở Afghanistan. Nó được bắt đầu vào sáng sớm ngày thi, và chỉ kết thúc khi nào còn duy nhất một chiếc diều thắng cuộc bay trên bầu trời. Tôi vẫn nhớ một năm cuộc thi đấu tàn ngày vẫn chưa xong. Dân chúng tụ tập bên lề đường, trên nóc nhà, reo lên hoan hô những chiếc diều của họ. Phố xá đầy những chiến binh đấu diều, giật dây, kéo diều của mình, mắt liếc lên bầu trời, cố chiếm lấy vị trí để cắt đứt dây diều của đối phương. Mỗi người đấu diều có một phụ tá - với tôi là Hassan - giữ ống cuộn dây và thả dây.

Có lần, một thằng nhóc Hindi, gia đình nó mới chuyển đến ở quanh vùng, kể cho chúng tôi nghe rằng, ở thị trấn quê nó, đấu diều có những luật lệ và quy tắc chặt chẽ. "Anh phải chơi ở một khu vực được khoanh lại và phải đứng ngược gió," nó kiêu hãnh nói. "Và anh không được dùng nhôm để làm dây thuỷ tinh."

Hassan và tôi nhìn nhau. Cười phá. Thằng nhóc Hindi rồi sẽ nhanh chóng học được những gì người Anh học được hồi đầu thế kỷ này, và những gì người Nga cuối cùng đã học được vào những năm cuối thập kỷ tám mươi rằng người Afghan là một dân tộc độc lập. Người Afghan yêu quý phong tục nhưng ghê tởm các luật lệ. Và với việc đấu diều cũng thế. Luật lệ thật đơn giản: Không luật lệ nào. Thả diều của bạn lên. Cắt hạ đối thủ. Chúc may mắn.

Tất nhiên không phải chỉ có thế. Trò vui thực sự bắt đầu khỉ một chiếc diều bị hạ. Là khi những đấu thủ thả diều ào đến, bọn trẻ ấy đuổi theo chiếc diều bị gió thổi cuốn đi, qua những vùng lân cận, cho đến khi nó quay mòng mòng lộn xuống cánh đồng, rơi vào sân nhà ai đó, mắc trên ngọn cây hoặc một nóc nhà. Cuộc rượt đuổi cực kỳ dữ dội, từng đám trẻ đua diều kéo đàn trên đường phố, xô đẩy lấn lướt nhau, giống những người ở Tây Ban Nha như chạy trốn những con bò tót tôi đã có lần được đọc. Một năm, có đứa trẻ hàng xóm trèo lên cây thông để tìm diều. Cái cành gãy răng rắc dưới sức nặng của nó, và nó rơi từ gần mười mét xuống. Gãy lưng và không bao giờ đi lại được nữa. Nhưng nó ngã mà chiếc diều vẫn ôm trong hai tay. Và khi một người đấu diều đặt hai tay lên chiếc diều, không ai có thể cướp được của họ. Đó không phải một luật lệ. Đó là phong tục.

Đối với những người đấu diều, giải thưởng đáng thèm muốn nhất là chiếc diều cuối cùng bị rơi của cuộc đấu diều mùa đông. Nó là một giải thưởng của danh dự, một cái gì đó để trưng trên tấm áo khoác, cho khách khứa trầm trồ. Khi bầu trời đã quang diều và chỉ còn hai chiếc cuối cùng trụ lại, mỗi người đua diều đều chuẩn bị sẵn sàng cho cơ may giật giải. Cậu ta chọn cho mình một vị trí nghĩ rằng sẽ đem lại cho mình lợi thế hơn. Những cơ bắp căng cứng đã sẵn sàng duỗi ra. Những chiếc cổ nghển lên. Những con mắt nheo lại. Những cuộc chiến nổ ra. Và khi chiếc diều cuối cùng bị hạ, thế là ồn ĩ loạn xạ cả lên.

Trải qua nhiều năm, tôi đã từng chứng kiến bao chàng trai đua diều. Nhưng Hassan vượt xa người đua diều vĩ đại nhất mà tôi từng thấy. Điều hoàn toàn lạ lùng là cung cách cậu luôn luôn nắm được vị trí chiếc diều tiếp đất, cả trước khi nó thật sự đáp xuống, như thể cậu có một sự định hướng sâu kín nào đó.

Tôi nhớ một ngày đông ảm đạm, Hassan và tôi đang thả diều. Tôi đang đuổi theo cậu qua những vùng quanh đó, nhảy qua nhưng rãnh nước, len lỏi qua những đường phố hẹp. Tôi hơn cậu ấy một tuổi, nhưng cậu chạy nhanh hơn, và tôi tụt lại phía sau.

- Hassan, đợi với! - Tôi hét lên, thở gấp và giận dữ.

Cậu quay vòng lại, vẫy tay: "Lối này!", cậu gọi trước khi vụt rẽ theo một góc phố khác, tôi ngước nhìn lên, thấy hướng chúng tôi đang chạy ngược với hướng diều rơi.

- Chúng ta lạc rồi! Chúng ta nhầm đường rồi! - Tôi kêu toáng lên.

- Tin tôi đi.

Tôi nghe thấy tiếng cậu gọi ở phía trước. Tôi đến góc đường và thấy Hassan vụt chạy, đầu cúi xuống, không thèm nhìn lên trời, mồ hôi đầm đìa trên lưng áo sơ mi. Tôi vấp chân lúc bước qua một hòn đá và ngã nhào - tôi không chỉ chậm hơn Hassan mà còn vụng về hơn. Tôi luôn luôn ghen với sức vóc lực lưỡng bẩm sinh của cậu ấy. Khi loạng choạng đứng lên, tôi thoáng nhìn thấy Hassan biến mất quanh góc phố khác. Tôi tập tễnh chạy theo cậu ấy, mà như có kim châm đau nhức liên hồi chọc vào hai đầu gối trầy xước của tôi.

Tôi thấy chúng tôi hoá ra đã ở trên một con đường bẩn thỉu đầy vệt bánh xe, gần trường Trung học Isteqlal. Một bên có cánh đồng rau diếp mọc vào mùa hè, bên kia là một rặng cây anh đào chua. Tôi thấy Hassan đang bắt tréo chân ngồi dưới gốc cây, ăn một nắm dâu tằm khô.

- Chúng ta định làm gì ở đây nào? - Tôi hổn hển, bụng quặn lên muốn nôn.

Cậu ta mỉm cười.

- Ngồi xuống đây với tôi, Amir agha.Tôi ngồi phịch xuống gần cậu ta, trên một lớp tuyết mỏng, thở phì phò:

- Cậu đang làm mất thì giờ của chúng ta. Nó đi theo lối khác rồi, cậu không thấy ư?

Hassan tóp tép một quả dâu tằm trong miệng, nói:

- Sắp đến rồi.

Tôi không thể thở nổi nữa, còn cậu ta vẫn chẳng hề tỏ ra mệt mỏi.

Tôi hỏi:

- Làm sao cậu biết?

- Tôi biết.

- Làm sao cậu có thể biết được?

Cậu ta quay lại phía tôi. Mấy giọt mồ hôi lăn từ lớp da đầu hói của cậu ta xuống:

- Amir agha, đã bao giờ tôi nói dối cậu chưa?

Chợt tôi quyết định đùa cậu ấy một chút:

- Tôi không biết, - cậu có thể làm vậy?

- Tôi thà ăn bẩn còn hơn, - Hassan giận dữ nhìn tôi nói.

- Thật ư? Cậu thà làm thế thật ư?

Cậu ta nhìn tôi một cách đắn đo:

- Làm gì?

- Ăn bẩn, nếu tôi bảo cậu thế. - tôi nói.

Tôi biết tôi đang tàn nhẫn, giống như khi tôi cợt nhạo cậu ấy nếu cậu ấy không biết một từ bóng bẩy nào đó. Nhưng có một cái gì đó có vẻ hấp dẫn - dù hơi độc ác - trong việc trêu chọc Hassan. Đại loại như khi chúng tôi chơi trò hành hạ côn trùng ấy. Chỉ khác lúc này cậu ấy là con kiến, và tôi đang cầm chiếc kính lúp.

Đôi mắt cậu ấy thăm dò mặt tôi một lúc lâu. Chúng tôi ngồi đó, hai thằng con trai dưới một gốc cây anh đào chua, bất chợt nhìn, nhìn thật sự vào nhau. Lại xảy ra điều đó: mặt Hassan biến đổi. Có lẽ không biến đổi, không thật sự, nhưng bất chợt tôi cảm thấy đang nhìn vào hai bộ mặt, bộ mặt này tôi biết, bộ mặt là ký ức ban đầu của tôi, và bộ mặt kia, bộ mặt thứ hai, bộ mặt lẩn tránh ngay dưới vẻ bề ngoài. Trước, tôi đã từng thấy nó - nó luôn làm tôi bị sốc đôi chút. Bộ mặt khác chỉ hiện ra trong một khoảnh khắc, đủ lâu để đem lại cho tôi một cảm giác bất ngờ là có thể trước đây tôi đã từng gặp nó ở đâu đó. Thế rồi, Hassan vụt loé sáng và lại đúng là cậu ta. Vẫn chỉ Hassan.

- Nếu cậu yêu cầu, tôi sẽ làm, - cuối cùng cậu ấy nhìn thẳng vào mặt tôi, nói.

Tôi cụp mắt xuống. Từ ngày hôm ấy, tôi thấy khó mà nhìn thẳng vào những người như Hassan, những kẻ nghĩ gì nói nấy.

- Nhưng tôi vẫn không hiểu, - cậu nói thêm. - Cậu đã bao giờ yêu cầu tôi làm điều như thế đâu, hở Amir agha?

Và thật bất ngờ, cậu đã ném vào tôi một phép thử nhỏ riêng của cậu. Nếu tôi định đùa với cậu, và thử thách lòng trung thành của cậu, vậy thì cậu cũng đùa lại với tôi, thử lương tâm và đạo đức của tôi.

Uớc gì tôi đừng khơi ra chuyện đó. Tôi cố gượng cười:

- Đừng có ngớ ngẩn, Hassan. Cậu biết là tôi không mà.

Hassan mỉm cười trở lại. Chỉ khác là nụ cười của cậu không có vẻ gượng ép. Rồi nói:

- Tôi biết chứ.

Và đó chính là điểm đặc biệt về những người nghĩ gì nói nấy. Họ nghĩ mọi người khác cũng như họ.

- Đây nó đến rồi - Hassan nói, tay chỉ lên trời. Cậu kiễng chân lên, đi mấy bước về bên trái. Tôi nhìn lên, thấy chiếc diều đang rơi thẳng về phía chúng tôi. Tôi nghe thấy tiếng bước chân, tiếng la hét, một đám hỗn loạn trẻ đua diều đang tới gần. Nhưng chúng chỉ phí thời gian. Bởi vì Hassan đã đứng đó, hai cánh tay dang rộng, mỉm cười, đang đợi chiếc diều. Và mong Thượng đế - là nếu Ngài có tồn tại - hãy chọc mù mắt tôi đi, nếu chiếc diều không rơi đúng vào hai cánh tay dang thẳng ra của cậu ấy.

Vào mùa đông năm 1975, tôi thấy Hassan săn đuổi một chiếc diều lần cuối cùng.

Thường thường, mỗi vùng tổ chức một cuộc đua diều riêng. Nhưng năm đó, một cuộc thi đấu lớn sẽ được tổ chức ở quận tôi. Wazir Akbar Khan, và mấy quận khác - Karteh-Char, Karteh-Parwan, Mekro-Rayan và Koteh-Sangi - đã được mời. Bạn khó có thể đi bất cứ đâu mà không nghe thấy nói về cuộc tỉ thí đang sắp đến. Đồn rằng, đó sẽ là cuộc thi đấu lớn nhất trong hai mươi nhăm năm qua.

Một tối mùa đông đó, cuộc thi lớn chỉ còn cách có bốn ngày, Baba và tôi ngồi ở phòng đọc của ông, trong những ghế tựa đệm da căng phồng bên hơi ấm của lò sưởi. Chúng tôi đang vừa nhấp trà vừa trò chuyện. Ông Ali đã dọn bữa tối sớm hơn, khoai tây và súp lơ nấu cary ăn với cơm, và đã rút lui về ngủ với Hassan. Baba đang vỗ béo tẩu thuốc và tôi đang đòi ông kể cho tôi nghe câu chuyện về mùa đông, có một đàn chó sói từ như dãy núi ở Herat xuống và buộc ai nấy phải ở lì trong nhà cả một tuần lễ, thì ông quẹt một que diêm, rồi bất chợt bảo:

- Bố nghĩ có thể con sẽ thắng cuộc đấu năm nay. Con nghĩ thế nào?

Tôi không biết phải nghĩ gì. Hoặc nói gì. Có phải đó là những gì sẽ xảy ra không? Hay ông vừa giúi cho tôi một chiếc chìa khoá? Tôi là một chiến binh đấu diều giỏi. Thực tế, một chiến binh rất giỏi nữa. Một vài lần, tôi thậm chí đã đến sát việc thắng giải cuộc thi đấu mùa đông. Một lần tôi đã từng lọt vào trong số ba người cuối cùng. Nhưng đến sát không đồng nghĩa thắng cuộc, chẳng phải thế sao? Baba đã không đến sát. Ông thắng, bởi vì những người vượt trội chiến thắng và mọi người khác chịu bỏ về nhà. Baba quen với thắng cuộc, thắng trong mọi chuyện ông có ý định thắng. Chẳng phải ông có quyền mong đợi điều tương tự ở con trai ông ư? Và cứ thử tưởng tượng xem. Nếu tôi thắng...

Baba hút tẩu thuốc và trò chuyện. Tôi giả vờ lắng nghe. Nhưng tôi không thể lắng nghe, không thật sự, bởi lời bình nhỏ của Baba đã gieo vào đầu tôi một hạt giống: nhất quyết tôi sẽ thắng trong cuộc thi đấu mùa đông này. Tôi sẽ thắng, không còn chọn lựa nào khác. Tôi sẽ thắng và tôi sẽ đuổi bắt chiếc diều cuối cùng. Rồi tôi sẽ đem nó về nhà và phô nó với Baba. Cho ông xem một lần và về tất cả những gì con trai ông xứng đáng. Rồi có thể cuộc đời vật vờ như một bóng ma của tôi trong ngôi nhà này cuối cùng sẽ qua đi. Tôi mặc sức mơ mộng: Tôi tưởng tượng những cuộc chuyện trò và tiếng cười suốt bữa tối, thay vì sự im lìm chỉ bị phá vỡ bởi tiếng lanh canh của dao dĩa bằng bạc và tiếng càu nhàu thỉnh thoảng buông ra. Tôi mường tượng, chúng tôi dùng ngày thứ Sáu để lái chiếc xe hơi của Baba đến Paghman, giữa đường dừng lại ở hồ Ghargha ăn món cá hồi chiên và khoai tây. Chúng tôi sẽ đến vườn thú xem con sư tử Marjan, và có thể Baba sẽ không ngáp và lén nhìn đồng hồ tay. Có thể, Baba sẽ đọc một trong những truyện ngắn của tôi. Tôi sẽ viết cho ông một trăm truyện, nếu tôi nghĩ rằng ông sẽ đọc một thôi. Có thể ông sẽ gọi tôi là Amir jan, như chú Rahim Khan gọi. Và có thể, chỉ có thể thôi, cuối cùng tôi sẽ được tha thứ vì đã giết chết mẹ tôi.

Baba vẫn đang kể cho tôi nghe cái lần ông đã hạ mười bốn chiếc diều trong cùng một ngày. Tôi mỉm cười, gật đầu, cười đúng chỗ, nhưng tôi hầu như chẳng nghe thấy một từ nào ông nói. Bây giờ tôi đã có một sứ mệnh. Và tôi không định làm thất vọng Baba. Không phải lần này.

Tuyết rơi nặng đêm trước hôm tôi đấu. Hassan và thi ngồi bên dưới cái bàn sưởi kursi và chơi bài panjpar, trong khi những cành cây bị gió thổi soàn soạt vỗ vào cửa sổ. Trước hôm đó, đã bảo ông Ali trang bị một cái kursi cho chúng tôi, về cơ bản nó là một lò sưởi điện dưới một cái bàn thấp trùm một chiếc chăn dày. Xung quanh bàn, ông xếp những tấm đệm và gối nệm, để chừng hai mươi người có thể ngồi và luồn chân vào dưới bàn. Hassan và tôi thường trải qua tất cả những ngày tuyết rơi, rúc vào nhau bên dưới cái bàn sưởi kursi, chơi cờ, bài, phần nhiều là chơi bài panjpar.

Tôi diệt con mười rô của Hassan và đánh ra hai con Ji với một con sáu. Liền cửa bên, trong phòng đọc của Baba, Baba và chú Rahim Khan đang tranh luận với hai người đàn ông khác - một trong hai người tôi nhận ra là bố của Assef. Qua tường ngăn, tôi có thể nghe thấy tiếng sột soạt của Đài Phát thanh Kabul.

Hassan diệt con sáu và ôm hai con Ji. Trên radio, Daoud Khan đang thông báo gì đó về đầu tư nước ngoài.

Tôi nói:

- Ông ta bảo một ngày nào đó, chúng ta sẽ có vô tuyến truyền hình ở Kabul.- Ai nói?- Daoud Khan, ông tổng thống ấy, ngu thế.

Hassan cười khúc khích.

- Tôi được nghe nói, ở Iran đã có.

Tôi thở dài:

- Bọn người Iran ấy...

Đối với số đông người Hazara, Iran đại diện cho một thánh đường giả hiệu. - Tôi đoán như thế, bởi vì giống như người Hazara, hầu hết người Iran đều là tín đồ Hồi giáo Shi'a. Nhưng tôi nhớ ra một điều gì đó thầy giáo từng nói hồi mùa hè năm ấy về người Iran, họ là những kẻ ăn nói ngọt xớt, nhăn nhở cười, một tay vỗ vào lưng bạn, còn tay kia móc túi bạn. Tôi kể lại cho Baba chuyện đó, và ông bảo thầy giáo tôi là một trong những kẻ Afghan ghen ghét, ghen ghét vì Iran là một cường quốc đang nổi lên ở châu Á, còn phần lớn dân các nước thậm chí không tìm nổi Afghanistan trên bản đồ thế giới. Ông nhún vai bảo: "Nói thế cũng đau đấy. Nhưng thà bị đau bởi sự thật còn hơn được vỗ về bằng sự dối trá."

- Rồi tôi sẽ mua một chiếc cho cậu, - tôi bảo.

Mặt Hassan rạng rỡ lên:

- Một máy thu hình ư? Thật không?

- Nhất định thế. Và cũng không phải loại đen trắng đâu. Có thể lúc đó chúng ta đã là những người trưởng thành rồi, nhưng tôi sẽ mua cho chúng ta hai chiếc. Một cho cậu và một cho tôi.

- Tôi sẽ đặt nó trên chiếc bàn tôi vẫn thường vẽ, - Hassan nói.

Câu nói của cậu làm tôi thấy buồn buồn. Buồn vì nỗi Hassan là ai, sống ở đâu. Buồn vì làm sao cậu ấy lại chấp nhận sự thể sẽ sống đến già trong túp lều tranh vách đất như bố cậu đã sống.

Tôi rút con bài cuối cùng và chơi cậu một đôi Q với một con mười. Hassan nhấc những con Q lên:

- Cậu biết không, cậu sẽ làm cho Agha sahib ngày mai rất tự hào.

- Cậu nghĩ thế ư?

- Inshallah, - Hassan nói. - Cầu trời phù hộ.

- Inshallah! Tôi hô theo, dẫu câu "Trời phù hộ" từ miệng tôi thốt ra có vẻ không thành thực. Đó là chuyện với Hassan. Cậu ấy quá trong sáng, khiến tôi cảm thấy như mình là kẻ giả dối đâu đó quanh cậu.

Tôi diệt con K của cậu và chơi con bài cuối cùng, con đầm píc. Cậu phải nhặt lên. Tôi đã thắng, nhưng lúc xáo ván bài mới, tôi có linh cảm là rõ ràng Hassan đã để cho tôi thắng.

- Amir agha này.

- Cái gì?

- Cậu biết không... Tôi thích nơi tôi sống. - Cậu luôn như thế, luôn đọc được trong đầu tôi như thế. - Đây là nhà tôi.

- Dù thế nào, - tôi nói, - cũng phải chuẩn bị thua lần nữa đi thôi.


--------------------------------
1Qurma: Món súp rau hầm truyền thống của Afghanistan.

 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

VII


Sáng hôm sau, trong khi pha trà đen cho bữa điểm tâm, Hassan bảo tôi cậu ấy mới có một giấc mơ:

- Chúng ta ở hồ Ghargha, cậu, tôi, cha tôi, Agha sahib, chú Rahim Khan và hàng nghìn người khác. Trời ấm và có nắng. Mặt hồ trong sáng như gương. Nhưng không ai bơi bởi vì người ta bảo có một con quỷ đã đến chiếc hồ đó. Nó đang bơi ở dưới ấy, chờ đợi.

Hassan rót cho tôi một tách trà thêm đường vào, thổi qua loa một chút rồi đặt trước mặt tôi.

- Vì vậy ai nấy đều sợ lội xuống nước, bất ngờ cậu đá văng đôi giày đi, Amir agha, rồi cởi áo sơ mi ra, cậu nói: "Không có quỷ nào ở đây, tôi sẽ chứng minh cho mọi người." Và trước khi ai đó kịp ngăn, cậu lao xuống nước và bắt đầu bơi ra xa. Tôi lao theo cậu và cả hai chúng ta cùng đang bơi.

- Nhưng cậu có bơi được đâu.

Hassan cười:

- Amir agha, đó là giấc mơ, người ta có thể làm bất cứ điều gì. Tóm lại, mọi người vẫn kêu thét lên: "Lên đi! Lên đi! Nhưng chúng ta cứ bơi trong nước lạnh. Chúng ta bơi tiếp ra giữa hồ và dừng lại. Chúng ta quay về phía bờ và vẫy tay chào mọi người. Trông họ bé như những con kiến nhưng bọn mình vẫn nghe tiếng họ vỗ tay. Bây giờ thì họ thấy rồi. Không có quỷ nào hết, chỉ có nước thôi. Sau đó họ đổi tên hồ và gọi là "Hồ của Amir và Hassan, hai Sultan của Kabul," và chúng ta sẽ bắt mọi người trả tiền để bơi trên đó.

Tôi hỏi:

- Vậy giấc mơ ấy ngụ ý gì?

Hassan phết mứt quả lên bánh naan của tôi, đặt lên một cái đĩa:

- Tôi không biết. Tôi đang mong cậu có thể bảo cho tôi biết.

- Ồ, nó là một giấc mơ vớ vẩn. Chẳng có gì xảy ra trong đó.

- Cha tôi nói những giấc mơ luôn luôn ngụ ý điều gì đó.

Tôi nhấp một ngụm trà.

- Vậy sao cậu không hỏi ông ấy? Ông ấy sáng suốt lắm mà.

Tôi nói cộc lốc, tuy không định thế. Cả đêm tôi đã không ngủ được. Cổ và lưng tôi giống như những chiếc lò xo, và mắt tôi nhức nhối.

Tôi đã nhỏ nhen với Hassan. Suýt nữa tôi đã xin lỗi, rồi lại thôi. Hassan hiểu tôi đang căng thẳng. Hassan luôn hiểu về tôi.

Tôi nghe thấy tiếng nước chảy trong phòng tắm của Baba, ở trên gác.

Các đường phố lấp lánh tuyết mới rơi, và bầu trời một màu xanh biếc. Tuyết phủ lên thành lớp trên mọi nóc nhà, và trĩu trên những cành cây dâu tằm cằn cỗi thẳng hàng trên đường phố chúng tôi. Suốt đêm, tuyết đổ vào mọi khe suối và rãnh nước. Tôi nheo mắt trước màu trắng loá mắt khi Hassan và tôi bước qua chiếc cổng sắt. Ali đóng cổng lại cho chúng tôi. Tôi nghe thấy ông lẩm bẩm cầu nguyện trong hơi thở. Ông luôn đọc một câu kinh, khi con trai ông rời khỏi nhà.

Tôi chưa từng thấy nhiều người đến thế trên đường phố của chúng tôi. Lũ trẻ đang ném những quả cầu tuyết, cãi cọ ầm ĩ, rượt đuổi nhau, cười khúc khích. Những chiến binh đấu diều đang cụm lại với những người giữ cuộn dây của họ, chuẩn bị lần cuối. Từ những đường phố liền kề nhau, tôi nghe thấy tiếng cười và tiếng chuyện gẫu. Trên các nóc nhà, đã chật cứng những khán giả ngả người trên ghế vải lanh, trà nóng bốc hơi từ những phích nước, và nhạc của Ahmad Zahir oang oang từ những máy cát xét. Nhạc của Ahmad Zahir mang tính đại chúng rộng rãi đã cách mạng hoá âm nhạc Afghan và xúc phạm những người theo chủ nghĩa thuần tuý bằng việc thêm ghi-ta điện, trống và kèn vào loại trống vỗ và đàn harmonium truyền thống. Trên sàn diễn, hoặc tại các buổi tiệc tùng, ông tránh lối hát đơn điệu, gần như ảm đạm của các ca sĩ già hơn, và thực tế vừa hát ông vừa cười - thậm chí có lúc cười cả với phụ nữ. Tôi quay sang nhìn lên nóc nhà của chúng tôi, thấy Baba và chú Rahim Khan ngồi trên một chiếc ghế dài, cả hai đều mặc áo len, đang nhấp trà, Baba vẫy tay. Tôi không thể nói ông đang vẫy tôi hay Hassan.

- Ta bắt đầu thôi. - Hassan nói.Cậu đi đôi ủng cao su đen, mặc chiếc áo chapan xanh tươi ra ngoài chiếc áo len dày và chiếc quần dài bằng nhung kẻ đã bạc màu. Ánh nắng loáng lên gương mặt cậu, và trên đó, tôi thấy vết sẹo hồng trên môi đã lành hẳn.

Chợt tôi muốn rút lui. Ngừng tất cả thôi, về nhà. Tôi đang nghĩ gì nhỉ? Tại sao tôi phải thử thách mình như vậy, khi tôi đã biết kết quả rồi? Baba đang ở trên mái nhà, dõi theo tôi. Tôi cảm thấy cái nhìn nhức nhối của ông lên tôi, giống như hơi nóng của mặt trời rực cháy. Điều đó có lẽ là một thất bại lớn, cả đối với tôi.

- Tôi không chắc tôi muốn thả diều hôm nay, - tôi nói.

- Hôm nay là một ngày đẹp trời, - Hassan bảo.

Tôi xê dịch đôi chân. Cố để khỏi phải nhìn lên nóc nhà của chúng tôi:

- Tôi không biết. Có lẽ ta nên về nhà thôi.

Thế là Hassan bước đến cho tôi, bằng một giọng trầm trầm, nói một điều khiến tôi hơi hoảng: "Hãy nhớ. Amir agha. Không có con quỷ nào, mà chỉ có một ngày đẹp trời." Làm sao tôi có thể là một cuốn sách mở ngỏ như thế cho cậu, khi phần lớn thời gian tôi chẳng hề biết tới những gì đang quay cuồng trong đầu cậu? Tôi là kẻ cắp sách đến trường, biết đọc, biết viết. Tôi là người thông minh, còn Hassan không thể đọc nổi cuốn sách vỡ lòng nhưng cậu có thể thấu hiểu tôi rất nhiều. Điều đó có đôi chút bất ngờ, nhưng ở một mức độ, lại là điều an ủi, vì có được một người luôn biết những gì bạn cần.

- Không có quỷ, - tôi nói, và ngạc nhiên cảm thấy khá hơn đôi chút.

Cậu mỉm cười:

- Không có quỷ.

- Cậu chắc không?

Hassan nhắm mắt lại. Gật đầu.

Tôi nhìn lũ trẻ chạy nhảy tung tăng dưới đường phố, ném những quả cầu tuyết.

- Một ngày đẹp trời, có phải không?

- Ta cho bay thôi, - Hassan nói.

Thế rồi tôi chợt nghĩ, có thể Hassan đã bịa ra giấc mơ. Có thể thế chăng? Tôi khẳng định không thể. Hassan không tinh quái đến thế. Tôi cũng không tinh quái đến thế. Nhưng bịa hay không, thì giấc mơ ngớ ngẩn đó cũng cất bớt cho tôi đôi chút lo lắng. Có lẽ tôi nên cởi áo ra, bơi thử một cái trong hồ. Tại sao lại không nhỉ.

- Ta tiến hành thôi, - tôi nói.

Mặt Hassan sáng ngời lên và nói:

- Tốt.

Rồi cậu nâng diều của chúng tôi lên, chiếc diều màu đỏ, viền vàng, và ngay phía dưới, chỗ thanh trung tâm và thanh ngang gặp nhau, có chữ ký không thể nhầm lẫn vào đâu được của ông Saifo. Cậu liếm ngón tay, giơ lên cao để thử gió, rồi chạy theo hướng gió - trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng tôi thả diều vào mùa hạ, cậu đá bụi tung lên để xem gió thổi hướng nào. Ống dây tở ra trong hai tay tôi, cho tới khi Hassan dừng lại, cách xa khoảng mười lăm mét. Cậu nâng diều lên cao quá đầu, như một lực sĩ thế vận hội nâng chiếc huy chương vàng. Tôi giật mạnh dây diều hai lần, dấu hiệu quen thuộc của chúng tôi, và Hassan tung diều lên.

Bị giằng co giữa Baba và các giáo sĩ ở nhà trường, tôi vẫn chưa biết chắc liệu có Thượng đế hay không. Nhưng khi những thánh thi ayat 1tôi đã học trong lớp diniyat của tôi dâng lên môi, tôi vẫn lẩm bẩm đọc. Tôi hít một hơi sâu, thở mạnh và kéo dây diều. Trong vòng một phút, chiếc diều của tôi bay vút lên trời. Nghe như tiếng một con chim giấy vỗ cánh. Hassan vỗ tay, huýt sáo, và chạy lại chỗ tôi. Tôi trao cho cậu ống cuộn, và tiếp tục điều khiển dây diều, còn cậu thì quay nhanh ống cuộn để thả dây diều ra.

Ít nhất cũng có tới hai chục chiếc diều đã lơ lửng trên bầu trời như những con cá mập giấy lang thang tìm mồi. Trong vòng một giờ, con số đã lên gấp đôi, và diều đỏ, diều xanh, diều vàng bay liệng, nhào lộn trên bầu trời. Một luồng gió lạnh lùa qua tóc tôi. Gió thuận cho việc thả diều, chỉ vừa đủ mạnh để nâng lên, làm cho diều cuốn theo dễ dàng hơn. Đứng gần tôi, Hassan giữ ống cuộn, tay đã ứa máu vì dây cứa.

Chẳng mấy chốc, đến lúc cắt dây diều, loạt đầu tiên những diều bị đánh bại, quay tít, mất điều khiển. Chúng rơi từ trên trời xuống như sao sa với những chiếc đuôi lấp lánh, ngoằn ngoèo, làm thành trận mưa chiến lợi phẩm xuống những vùng quanh đó cho những người đua diều. Lúc này tôi có thể nghe rõ tiếng la hét của những người đua diều chạy trên các đường phố. Ai đó lớn tiếng thuật lại một cuộc chiến cách đó hai phố.

Tôi vẫn lén nhìn lên chỗ Baba ngồi với chú Rahim Khan trên mái nhà, không hiểu ông đang nghĩ gì. Ông có đang cổ vũ tôi không? Hay một phần trong ông thích ngắm tôi thất bại? Điều quan trọng khi thả diều đó là: Tâm trí anh trôi dạt với diều.

Lúc này diều đang rớt xuống khắp mọi nơi, và tôi vẫn đang bay. Tôi vẫn đang bay. Cái nhìn của tôi vẫn lướt trên người Baba, ôm lấy chiếc áo len của ông. Ông có ngạc nhiên thấy tôi vẫn bay được lâu như thế không? Đừng ngước mắt mãi lên trời, sẽ không chịu được lâu đâu. Tôi đột ngột quay phắt lại nhìn lên trời. Một chiếc diều đỏ đang tiến sát vào tôi - Tôi bắt được chiếc diều đó vừa đúng lúc. Tôi mắc mớ với nó một chút, cuối cùng chiếm ưu thế hơn, khi nó trở nên sốt ruột và định cắt hạ tôi từ phía dưới.

Tới rồi lui trên đường phố, những người đua diều đang quay lại với bộ dạng chiến thắng, những chiếc diều bị bắt được giơ cao lên. Họ đem khoe chúng với cha mẹ mình, bạn bè mình. Nhưng tất cả đều hiểu chiếc diều vô địch vẫn chưa tới. Giải lớn nhất của tất cả vẫn đang bay. Tôi cắt một chiếc diều vàng rực rỡ có cái đuôi trắng xoắn. Việc đó khiến tôi phải trả giá, bằng một vết cứa nữa ở ngón tay trỏ, và máu rỉ xuống gan bàn tay tôi. Tôi bảo Hassan giữ dây, liếm máu cho khô, rồi chùi ngón tay vào quần bò của tôi.

Trong khoảng một giờ nữa thôi, số diều sống sót giảm xuống có thể từ năm mươi chỉ còn khoảng một chục. Tôi là một trong số đó. Tôi sẽ thuộc một chục cuối cùng. Tôi biết phần này của cuộc thi đấu sẽ khá dài, bởi vì nhưng kẻ trụ được lâu như vậy đều giỏi - họ sẽ không dễ dàng rơi vào những bẫy đơn giản như cái mẹo cổ lỗ sĩ nhào lên lộn xuống, mẹo tủ của Hassan.

Vào khoảng ba giờ chiều, những cụm mây giạt đến và mặt trời đã luồn vào sau các đám mây. Những bóng râm bắt đầu dài ra. Khán giả trên các mái nhà co ro lại trong khăn quàng và áo khoác dày. Chúng tôi đã giảm xuống tới mức chỉ còn nửa tá, tôi vẫn bay. Hai chân tôi tê nhức và cổ tôi cứng đuỗn. Nhưng với mỗi chiếc diều bị đánh bại, hy vọng lại nhen lên trong lòng tôi, như tuyết đang dồn lại trên một bức tường, mỗi lúc dày thêm một lớp.

Mắt tôi vẫn quay lại nhìn chiếc diều xanh đang đánh phá vào giờ cuối cùng này. Tôi hỏi:

- Nó hạ được bao nhiêu chiếc rồi?

- Tôi đếm được mười một, - Hassan nói.

- Cậu có biết có thể là của ai không?

Hassan chậc lưỡi và vênh mặt lên. Đó là một điệu bộ riêng của Hassan, có nghĩa là không biết. Chiếc diều xanh cắt ngọt một chiếc diều lớn màu tía đỏ và quét hai lần vòng thắt lớn. Mười phút sau, nó cắt hạ hai chiếc khác nữa, tạo điều kiện cho một bầy trẻ đua diều đua nhau đuổi bắt những diều bị hạ.

Thêm ba mươi phút nữa, chỉ còn bốn chiếc diều trụ lại. Và tôi vẫn bay. Có vẻ như tôi khó lòng mắc một động tác sai lầm, như thể mỗi đợt gió đều làm lợi cho tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy vững vàng đến thế, may mắn đến thế. Làm cho tôi cảm thấy say sưa hứng khởi. Tôi không dám nhìn lên mái nhà. Không dám rời mắt khỏi bầu trời. Tôi phải tập trung tư tưởng, để chơi thật thông minh. Lại thêm mười lăm phút nữa, và những gì tựa như một giấc mơ tức cười sáng hôm đó đã bất ngờ trở thành thực tế: Chỉ còn mỗi tôi và chàng trai kia. Chiếc diều xanh.

Sự căng thăng trên bầu trời cũng căng ngang với dây trộn thuỷ tinh mà tôi đang kéo giật mạnh với hai bàn tay ứa máu. Mọi người đang giậm chân vỗ tay, huýt sáo hát vang "Boboresh! Boboresh! Hạ nó đi! Hạ nó đi!" Tôi không biết liệu tiếng của Baba có hoà trong tiếng của bọn họ không. Nhạc vang dội. Mùi bánh bao Mantu 2hấp và Pakora 3rán toả từ trên mái nhà và những cánh cửa mở rộng.

Nhưng tất cả những gì tôi nghe thấy - tất cả những gì tôi muốn nghe - là tiếng máu giật thình thịch trong đầu tôi. Tất cả những gì tôi nhìn thấy là chiếc diều xanh. Tất cả những gì tôi ngửi thấy là chiến thắng. Cứu rỗi. Chuộc tội. Nếu Baba nhầm và có một Thượng đế như họ nói ở trường học, thì Ngài sẽ để tôi chiến thắng. Tôi không biết anh chàng kia đang giở trò gì, có thể chỉ là những trò khoác lác. Nhưng đó lại là một cơ may của tôi để trở thành một người được nhìn vào, chứ không phải nhìn thấy, lắng nghe chứ không phải nghe thấy. Nếu có một Thượng đế, Ngài sẽ dẫn dắt để gió thổi về phía tôi, sao cho bằng một cái giật mạnh dây diều, tôi sẽ dứt được nỗi đau của tôi, lòng khao khát của tôi. Tôi đã phải chịu đựng quá nhiều, đã đi quá xa. Và bất ngờ, hệt như thế, hy vọng trở thành thực tế. Tôi sắp thắng. Vấn đề chỉ là khi nào thôi.

Hoá ra nó lại sớm chứ không muộn. Một đợt gió mạnh nâng diều tôi lên, và tôi chiếm lợi thế. Thả dây ra, giật lại. Lượn vòng diều tôi lên đỉnh chiếc diều xanh. Tôi giữ nguyên tư thế. Chiếc diều xanh biết nó đang trong thế quẫn. Nó đang cố một cách vô vọng hòng thoát ra khỏi thế bị kẹt, nhưng tôi không để nó thoát. Tôi giữ vững tư thế. Đám đông cảm thấy chung cuộc đã trong tầm tay. Tiếng hô đồng thanh "Hạ nó đi! Hạ nó đi!" Càng to hơn, giống như dân La Mã động viên các đấu sĩ giết, giết!

- Sắp được rồi! Amir agha! Sắp rồi! - Hassan hổn hển nói.

Rồi thời khắc đó cũng đến. Tôi nhắm mắt lại, và nới lỏng tay nắm dây diều. Nó lại cứa vào các ngón tay tôi trong khi gió giật kéo. Và rồi... Tôi chẳng cần nghe tiếng đám đông hô ầm lên mới biết. Tôi cũng chăng cần nhìn. Hassan đang hét lên và vòng hai cánh tay ôm lấy cổ tôi.

- Hoan hô, hoan hô, Amir agha!

Tôi mở mắt, thấy chiếc diều xanh đang điên cuồng quay lộn như một chiếc lốp xe tuột khỏi chiếc xe đua. Tôi chớp mắt cố nói một điều gì đó. Chẳng nói ra được điều gì. Bất chợt tôi như đang bay liệng, từ bên trên nhìn xuống bản thân tôi. Áo khoác da đen, khăn quàng đỏ, quần bò bạc màu. Một đứa con trai mảnh mai, hơi xanh tái, một thằng nhóc thấp bé hơn tuổi mười hai của nó. Nó có đôi vai hẹp và một chút quầng đen quanh đôi mắt màu nâu tái. Gió nhẹ vờn bay mớ tóc màu nâu nhạt của nó. Nó ngước lên nhìn tôi và chúng tôi mỉm cười với nhau.

Thế rồi tôi hét to lên, và mọi vật đều rực rỡ sắc màu và âm vang, mọi vật đều sống động và tốt đẹp. Hai tay tôi ôm lấy Hassan và chúng tôi cùng nhảy tới nhảy lui, cả hai chúng tôi cùng cười, cả hai cùng khóc với nhau. "Amir agha, cậu thắng rồi, thắng rồi!"

"Chúng ta thắng rồi! Chúng ta thắng rồi!" Là tất cả những gì lẽ ra tôi có thể nói. Nhưng điều đó biết đâu lại không xảy ra. Một lát nữa thôi, có thể tôi sẽ chớp mắt và tỉnh dậy khỏi giấc mơ đẹp, ra khỏi giường, xuống bếp ăn điểm tâm với duy nhất Hassan để trò chuyện. Mặc quần áo. Đợi Baba. Từ bỏ. Trở lại cuộc sống cũ của tôi. Thế rồi, tôi thấy Baba trên mái nhà của chúng tôi. Ông đang đứng ở rìa mái, vung lên vung xuống cả hai nắm đấm của ông. Reo hò và vỗ tay. Và đó là giây phút quan trọng nhất và duy nhất của mười hai năm đời tôi, được thấy Baba trên cái nóc nhà đó, cuối cùng đã tự hào về tôi.

Nhưng lúc này, ông đang làm điều gì đó, xua xua hai tay một cách khẩn thiết. Thế là tôi hiểu.

- Hassan, chúng ta.

- Tôi hiểu, - Hassan nói, gỡ vòng tay ôm của chúng tôi ra. - Inshallah, chúng ta sẽ ăn mừng sau. Ngay bây giờ, tôi sẽ đuổi bắt chiếc diều xanh cho cậu.Hassan buông ống cuộn xuống và vụt chạy, vạt áo chapan xanh của cậu quét tuyết phía sau.

- Hassan! - Tôi gọi. - Trở về với chiếc diều nhé!

Cậu đã ngoặt ở góc phố, đôi ủng cao su đá vung tuyết lên. Dừng, rồi rẽ. Cậu bắc loa mồm nói to:

- Vì cậu cả ngàn lần rồi!

Rồi cậu cười nụ cười của Hassan và biến mất quanh góc phố. Lần thứ hai tôi được thấy cậu nụ cười rộng mở đó, là hai mươi sáu năm sau, trong tấm ảnh đã ngả màu, chụp từ máy Polaroid.

Tôi bắt đầu kéo diều của mình xuống, trong khi mọi người đổ đến chúc mừng. Tôi bắt tay họ nói cảm ơn. Mấy thằng bé ít tuổi hơn nhìn tôi mắt long lanh tỏ ra kinh sợ: Tôi là một anh hùng. Những bàn tay vỗ nhẹ lưng tôi và xoa xoa tóc tôi. Tôi vẫn kéo dây và mỉm cười đáp lại, nhưng đầu óc tôi đang ở chỗ chiếc diều xanh.

Cuối cùng, tôi cũng đã có chiếc diều của tôi trong tay. Tôi quấn mớ dây diều đã thu lại dưới chân quanh ống cuộn, bắt tay thêm vài người nữa, và lon ton chạy về nhà. Đến chiếc cổng sắt, ông Ali đã đợi bên kia đường. Ông thò hai tay qua song sắt, nói:

- Xin chúc mừng! Tôi đưa chiếc diều và cuộn dây của tôi cho ông, bắt tay ông:

- Tashakor, cảm ơn Ali jan.

- Tôi cầu nguyện cho cậu suốt.

- Vậy ông cầu tiếp đi. Chúng tôi đã xong đâu.

Tôi vội quay lại đường phố. Tôi không hỏi ông Ali về Baba. Tôi chưa muốn gặp ông. Trong đầu tôi, tôi đã sắp xếp tất cả: tôi sẽ phải đi vào một cách trịnh trọng, phần thưởng cho người anh hùng hiện ra trong đôi tay đẫm máu của tôi. Những cái đầu sẽ quay lại và những đôi mắt sẽ nhắm nghiền. Rostam và Sohrab sẽ phán xử lẫn nhau. Một khoảnh khắc kịch tính của sự câm lặng. Rồi người chiến binh già sẽ bước tới người chiến binh trẻ, ôm hôn và công nhận sự xứng đáng của con mình. Chứng thực. Cứu rỗi. Chuộc tội. Và rồi sao? Ồ... tất nhiên, hạnh phúc mãi về sau. Gì nữa?

Những đường phố của quận Wazir Akbar Khan được đánh số và vuông góc với nhau như kẻ ô. Đó là một khu dân cư mới đang phát triển, với nhiều khoảnh đất trống và những nhà đang xây dựng dở dang trên mọi đường phố giữa các khu nhà có tường cao khoảng hai mét rưỡi bao quanh. Tôi chạy tới chạy lui mọi phố tìm Hassan. Ở đâu, dân chúng cũng đều đang bận rộn xếp dọn ghế, gói ghém thức ăn và đồ nhà bếp sau một ngày dài tiệc tùng. Một số người vẫn còn ngồi trên nóc nhà, hô to những lời chúc mừng tôi.

Cách phố chúng tôi về phía Nam bốn phố, tôi gặp Omar, con trai một kỹ sư, một ông bạn của Baba. Nó đang chơi bóng cùng với em trai trên bãi cỏ phía trước nhà chúng. Omar là một đứa con trai rất tốt. Chúng tôi đã từng là bạn học cùng lớp bốn, và một bận, nó đã cho tôi một chiếc bút máy, loại bút phải lắp một ống mực vào. Nó nói:

- Mình nghe thấy nói cậu thắng, Amir, chúc mừng cậu.

- Cảm ơn. Cậu có thấy Hassan không?

- Thằng Hazara của cậu à?

Tôi gật đầu.

Omar đánh đầu quả bóng cho em trai mình:

- Mình nghe nói nó là một tay đua diều giỏi.

Em trai đánh đầu bóng lại cho Omar. Omar bắt bóng, tung lên, tung xuống.

- Mặc dầu mình vẫn luôn không hiểu nó điều khiển thế nào. Mình muốn nói với đôi mắt ti hí ấy, nó làm thế nào nhìn thấy được cái gì?

Em trai Omar bật cười, đòi trả lại bóng. Omar lờ nó đi.

- Cậu có nhìn thấy Hassan không?

Omar bật ngón tay cái qua vai chỉ về phía Tây Nam:

- Mình trông thấy nó chạy về phía khu phố chợ lúc nãy.

- Cảm ơn.

Tôi chạy vọt đi.

Lúc tôi chạy tới khu phố chợ, mặt trời đã gần như lặn sau những dãy đồi và hoàng hôn nhuộm hồng, nhuộm tía bầu trời. Cách mấy dãy nhà cao lớn, từ nhà thờ Haji Yaghoub, ông giáo sĩ trầm trầm đọc vang kinh Azan, kêu gọi những tín đồ trải thảm nhỏ của họ ra và cúi đầu hướng về phía Tây trong khi cầu nguyện. Hassan không bao giờ bỏ bất kỳ buổi nào trong năm buổi cầu nguyện ban ngày. Cả khi chúng tôi định chơi trò gì đó, cậu ấy cũng cáo lỗi, kéo nước giếng sâu lên, rửa ráy, rồi biến vào túp lều. Mấy phút sau, cậu đi ra, tươi cười thấy tôi đang ngồi tựa vào tường hoặc vắt vẻo trên một cành cây. Đêm nay, cậu sẽ bỏ lỡ buổi cầu nguyện, dẫu sao cũng tại tôi.

Khu phố chợ chẳng mấy chốc vắng tanh, các thương nhân đang kết thúc nốt công việc mua bán mặc cả trong ngày. Tôi chạy trong bùn giữa những dãy lều quán san sát, có thể mua ở đây một con chim trĩ vừa mới giết thịt đồng thời một cái máy tính ở ngay quầy bên cạnh. Tôi luồn lách qua đám đông đang vãn dần, những kẻ ăn mày què mặc không biết bao nhiêu lớp giẻ rách, những người bán hàng đội thảm trên hai vai, các nhà buôn vải và hàng thịt đóng cửa hàng về nghỉ. Tôi không thấy bóng dáng Hassan đâu.

Tôi dừng lại bên một khóm cây quả héo khô, tả hình dạng Hassan cho một ông lão thương nhân đang tải lên lưng con lừa cái của ông những thùng gỗ chứa hạt thông và nho, đầu đội một chiếc khăn tu-ban màu xanh lơ nhạt.

Ông dừng lại nhìn tôi một lúc lâu trước khi trả lời:

- Có thể tôi đã gặp nó.

- Cậu ấy đi theo đường nào?

Ông ta nhìn đi nhìn lại tôi:

- Một người như cậu mà lại ở đây vào lúc chạng vạng này, để đi tìm một thằng Hazara ư?

Ông ta liếc nhìn mãi chiếc áo khoác da và quần bò của tôi, tỏ vẻ ngưỡng mộ - quần cao bồi, chúng tôi vẫn quen gọi thế. Ở Afghanistan, sở hữu bất kỳ thứ gì của Mỹ, nhất là khi nó lại không phải đồ cũ, là một dấu hiệu của sự giàu có.

- Agha, tôi cần tìm cậu ấy.

- Nó với cậu là thế nào với nhau? - Ông ta nói..

Tôi không rõ ngụ ý câu hỏi, nhưng tôi nhắc mình có sốt ruột cũng sẽ không làm cho ông ta cho biết nhanh hơn. Tôi nói:

- Cậu ấy là con trai người giúp việc của chúng tôi.

Ông già ngước đôi lông mày ngả màu muối tiêu lên:

- Thế kia à? Một tên Hazara may mắn có được cậu chủ quan tâm đến thế. Bố nó nên quỳ xuống, lấy lông mi quét bụi chân cho cậu.

- Ông có định nói cho tôi biết hay không nào?

Ông ta cứ để nguyên cánh tay trên lưng con la, chỉ về hướng Nam:

- Tôi cho là tôi đã gặp thằng bé cậu vừa tả, chạy theo lối đó. Nó cầm một một chiếc diều trong tay, chiếc diều xanh.

- Cậu ấy cầm thật à - Tôi hỏi.

Vì cậu, một nghìn lần rồi. Cậu ấy đã hứa mà. Hassan yêu quý tội nghiệp. Hassan thân thiết tội nghiệp. Cậu đã giữ lời hứa và đuổi bắt chiếc diều cho tôi.

- Tất nhiên bây giờ thì chúng đã tóm được nó - ông thương nhân già càu nhàu nói và chất thêm một bọc nữa lên lưng con la.

- Ai cơ?

- Những thằng bé khác - Ông nói - Những đứa đang săn đuổi nó. Chúng cũng ăn mặc như cậu - Ông liếc mắt nhìn lên trời và thở dài. - Thôi, đi đi, cậu đang làm tôi chậm buổi cầu kinh namaz đấy.

Nhưng tôi đã sẵn sàng lao ngay xuống ngõ hẻm đó.

Tôi lần lượt tìm khắp khu phố chợ trong mấy phút sau nhưng vô ích. Có thể ông già thương nhân đã nhìn nhầm. Trừ phi ông ta nhìn thấy chiếc diều xanh thật. Ý nghĩ tôi sẽ đặt tay lên chiếc diều đó... Tôi chui đầu vào mọi ngõ hẻm, mọi cửa hàng. Không có dấu hiệu nào của Hassan.

Tôi bắt đầu lo bóng đêm đổ xuống trước khi tìm thấy Hassan, bỗng nghe thấy tiếng người ở phía trước. Tôi đã tới một con đường hẻo lánh lầy lội. Con đường này vuông góc với đoạn cuối của đại lộ chính phân đôi khu phố chợ. Tôi rẽ theo những vết chân và đi theo hướng có tiếng người. Ủng tôi nhóp nhép trong bùn mỗi bước tôi đi, và hơi thở tôi phả ra như khói trắng trước mặt. Lối đi hẹp chạy song song một bên khe suối phủ đầy tuyết mà tới mùa xuân một dòng nước có thể đổ về cuồn cuộn. Phía bên kia sừng sững những hàng cây bách nặng nề tuyết phủ giữa những ngôi nhà bằng đất sét mái bằng - đa phần không hơn những túp lều là mấy - cách nhau bằng các ngõ hẹp.

Tôi lại nghe thấy tiếng người, lần này to hơn, từ một trong những ngõ nhỏ ấy. Tôi rón rén đến sát đầu ngõ. Nín thở, liếc nhìn quanh ngõ.

Hassan đang đứng ở cuối ngõ cụt trong tư thế thách thức, hai nắm đấm vặn lên, chân hơi xoạc ra. Đằng sau cậu, trên một đống phế thải và gạch vụn, vôi cát là chiếc diều xanh. Chiếc chìa khoá mở cửa trái tim của Baba.

Chặn lối ra của Hassan là ba đứa con trai, vẫn ba thằng hôm đó ở trên đồi, một ngày sau cú đảo chính của Daoud Khan, khi Hassan đã cứu chúng tôi bằng chiếc súng cao su của cậu. Wali đứng ở một bên, Kamal đứng bên kia và Assef đứng giữa. Tôi cảm thấy cơ thể tôi thót lại, và hơi gai lạnh sống lưng. Assef có vẻ thoải mái, tự tin. Nó đang quay quay hai quả đấm thép của nó. Hai thằng kia rụt rè nhích chân, hết nhìn Assef lại nhìn Hassan, như thể chúng đang dồn con thú vào một góc mà chỉ có Assef mới có thề thuần hoá nổi.

- Súng cao su của mày đâu rồi, thằng Hazara? - Assef vừa nói vừa xoay hai quả đấm thép trong tay. - Mày đã nói cái gì nhỉ? "Chúng nó sẽ phải gọi mày là thằng Assef Một Mắt." Đúng rồi Assef Một Mắt. Tài giỏi. Tài giỏi thực sự đấy. Nhưng mà, nếu mày đang cầm một thứ vũ khí nạp đạn thì tài giỏi cũng dễ thôi.

Tôi nhận ra tôi vẫn còn chưa thở được. Tôi thở ra, chậm rãi và lặng lẽ. Tôi cảm thấy bị tê liệt. Tôi nhìn chúng tiến sát lại đứa con trai mà tôi đã cùng lớn lên, đứa con trai có bộ mặt môi hẻ là ký ức đầu đời của tôi.

- Nhưng hôm nay là một ngày may mắn của mày, thằng Hazara kia, - Assef nói. Lưng nó quay lại phía tôi, nhưng tôi dám cược là nó đang nhăn nhở. - Tao đang trong tâm trạng muốn tha thứ. Chúng mày bảo sao, hai thằng kia?

- Thế là rộng lượng, - Kamal nói ngay. - Nhất là sau cái bộ dạng láo xược nó tỏ với chúng ta bận trước. - Nó cố nói giống giọng Assef, ngoại trừ vẫn rung rung trong giọng nói. Thế là tôi hiểu: nó không sợ Hassan, thực sự không sợ. Nó sợ bởi vì nó không biết Assef nghĩ gì trong đầu.

Assef vẫy vẫy bàn tay tỏ ý khinh miệt:

- Bakhshida 4. Miễn tội. Thế là xong. - Giọng nó hạ xuống một chút. - Tất nhiên, không có gì cho không trên đời này, và việc tha thứ của tao phải kèm theo một giá nhỏ.

- Thế mới phải chứ, - Kamal nói.

- Không gì miễn phí hết, - Wali thêm vào.

- Mày là một thằng Hazara may mắn đấy, - Assef vừa nói vừa nhích một bước về phía Hassan. - Bởi vì hôm nay, mày sẽ chỉ phải trả bằng cái diều xanh kia thôi. Rất biết điều, phải không, mấy đứa?

- Còn hơn biết điều ấy chứ - Kamal nói.

Thậm chí từ nơi đang đứng, tôi cũng thấy được nỗi sợ hãi đang bò vào đôi mắt Hassan, nhưng cậu lắc đầu:

- Amir agha đã thắng trong cuộc thi đấu, và tôi phải đuổi bắt chiếc diều này cho cậu ấy. Tôi đuổi bắt nó đúng luật. Chiếc diều này là của Amir agha.

- Một thằng Hazara trung thành, trung thành như một con chó, - Assef nói.

Kamal cười lên the thé và bồn chồn.

- Nhưng trước khi mày hy sinh bản thân cho nó, hãy nghĩ tới điều này: Liệu nó có làm thế cho mày không? Mày đã bao giờ thắc mắc, tại sao nó chẳng bao giờ cho mày vào chơi cùng khi nó có khách không? Tại sao nó chỉ chơi với mày khi không có ai khác quanh nó? Tao sẽ bảo cho mày biết tại sao, Hazara. Bởi vì đối với nó, mày chẳng là gì ngoài một con chó xấu xí. Một con vật gì đó nó có thể chơi với khi nó buồn chán, một con vật gì đó nó có thể đá đi khi nó tức giận. Đừng tự lừa dối mình nữa và nghĩ mày là thứ gì đó hơn thế.

- Amir agha và tôi là những người bạn, - Hassan nói. Cậu có vẻ đỏ mặt.

- Những người bạn ư? - Assef vừa nói vừa cười - Mày, đồ ngốc đáng thương! Một ngày nào đó, mày sẽ tỉnh ra khỏi cái ý nghĩ ngông cuồng nho nhỏ của mày và sẽ hiểu nó là một thằng bạn tốt đến mức nào. Còn bây giờ, mẹ kiếp! Đủ rồi. Đưa cái diều ấy cho chúng tao.

Hassan cúi xuống nhặt một hòn đá.

Assef nao núng. Nó lùi một bước rồi dừng lại:

- Hazara, cơ hội cuối cùng đấy.

Hassan trả lời bằng việc giơ tay đang cầm hòn đá lên.

- Tùy mày thôi.

Assef cởi khuy áo khoác mùa đông, rồi cởi hẳn ra, từ từ và cẩn thận gấp lại. Nó để áo vào chân tường. Tôi mở miệng, suýt nói ra một điều gì đó. Suýt thôi. Phần còn lại của đời tôi có thể đã khác đi nếu tôi nói. Nhưng tôi không nói. Tôi chỉ xem thôi. Tê liệt.

Assef vẫy tay ra hiệu, và hai thằng kia tách ra tạo thành nửa đường tròn vây Hassan trong ngõ. Assef nói:

- Tao đổi ý rồi. Hazara, tao vẫn để mày giữ chiếc diều. Tao vẫn để cho mày giữ nó, để nó sẽ mãi mãi nhắc nhở mày về những gì tao định làm đây.

Rồi nó tấn công. Hassan dùng hết sức ném hòn đá. Hòn đá đập vào trán Assef. Nó thét lên và lao người vào Hassan, đánh Hassan ngã xuống đất. Wali và Kamal đánh hôi. Tôi cắn nắm đấm của tôi. Mắt nhắm lại.

Mày có biết Hassan và mày được nuôi từ cùng một bầu vú không? Mày có biết điều đó không, Amir agha? Sakina là tên bà. Bà là một phụ nữ Hazana xinh đẹp, mắt xanh, từ Bamiyan đến và bà ru mày bằng những bài ca hôn lễ cổ. Người ta bảo có tình anh em máu mủ giữa những người được nuôi từ cùng một bầu vú. Mày có biết điều đó không?


Một hồi ức:

"Lũ trẻ, mỗi đứa một đồng rupia. Mỗi đứa chỉ một rupia thôi, và ta sẽ vén bức màn sự thật." Ông già ngồi dựa vào bờ tường đất. Đôi mắt mù loà của ông như bạc nấu chảy bám chặt sâu hoắm bên trong, hai chiếc hố sinh đôi. Cúi xuống chiếc gậy chống, ông thầy bói xoa xoa bàn tay xương xẩu lên đôi má hõm của mình. Bàn tay khum lại trước mặt chúng tôi. "Không mất nhiều để hỏi sự thật đâu, chỉ một rupia mỗi cháu thôi, phải không nào?" Hassan bỏ một đồng vào lòng bàn tay như da thuộc. Tôi cũng bỏ một đồng vào. "Nhân danh Thánh Allah đại phúc đức đại nhân từ", ông thầy bói già lẩm bẩm. Ông cầm bàn tay của Hassan trước, lấy một móng tay cứng như sừng cào gan bàn tay cậu, cào quanh rồi lại quanh. Rồi ngón tay uể oải đưa lên mặt Hassan, từ từ vạch theo đường cong đôi má, đường viền của môi, làm thành một âm thanh sồn sột khô khan. Những ngón tay thành chai của ông cọ phải mắt của Hassan. Bàn tay dừng ở đó. Nấn ná. Một bóng mờ lướt qua khuôn mặt ông già. Hassan và tôi liếc nhìn nhau. Ông già nắm lấy tay Hassan và trả lại đồng rupia vào lòng bàn tay cậu, ông quay lại phía tôi. Ông nói: "Còn cậu thế nào, anh bạn trẻ?" Bên kia bức tường một con gà trống gáy. Ông già giơ tay nắm tay tôi và tôi rụt lại.


Một giấc mơ:

Tôi bị lạc trong một trận bão tuyết, gió gào rít ném những bông tuyết lạnh buốt vào tôi. Tôi loạng choạng lê bước dưới những lớp tuyết trắng trượt. Tôi kêu cứu, nhưng gió dập những tiếng kêu của tôi đi. Tôi ngã và nằm thở hổn hển trên tuyết, chìm trong màu trắng, gió hú trong tai tôi. Tôi nhìn tuyết vùi xoá dấu chân tôi. Tôi nghĩ, giờ thì ta đã là một con ma, con ma không có dấu chân. Tôi lại kêu váng lên, niềm hy vọng ờ nhạt theo dấu chân tôi. Nhưng lần này, một tiếng ú ớ đáp lại. Tôi che mắt và tìm cách ngồi dậy. Tôi thoáng nhìn thấy, ngoài lớp màn tuyết đang đu đưa, một cái gì đó chuyển động, một cơn gió sắc màu. Một hình bóng thân quen hiện ra. Một bàn tay vươn ra cho tôi. Tôi nhìn thấy mấy vết cứa sâu, song song với nhau trong gan bàn tay, máu đang nhỏ, vấy đỏ lên tuyết. Tôi nắm lấy bàn tay và bất chợt tuyết biến mất. Chúng tôi đang đứng trên một cánh đồng táo đầy cỏ xanh với những sợi mây mỏng trôi dạt bên trên. Tôi nhìn lên và thấy trời quan đầy những chiếc diều, xanh, vàng, đỏ, da cam. Chúng lung linh trong ánh sáng ban chiều.

° ° °
>Một đống phế thải, gạch vụn vôi vữa đổ bừa trên lối ngõ. Lốp xe đạp cũ, chai lọ bóc nhãn, những tạp chí rách nát, những nhật báo ngả vàng, tất cả rải rác giữa một đống gạch và mảnh sắc xi-măng. Cái lò sưởi gang han gỉ với một lỗ thủng ở thành lò, nghiêng nghiêng dựa vào tường. Nhưng có hai vật giữa đống rác thải đó mà tôi không thể không nhìn: Một thứ là chiếc diều xanh dựng vào tường sát với cái lò sưởi gang, thứ nữa là chiếc quần dài nhung tăm màu nâu của Hassan ném trên đống gạch cũ.

- Tôi không biết, - Wali đang nói. - Bố tôi bảo thế là có tội - Giọng nó tỏ ra không chắc chắn, đồng thời hồi hộp và khiếp sợ. Hassan nằm, cằm cắm xuống đất. Wali và Kamal mỗi đứa kẹp chặt một cánh tay, vặn cong khuỷu tay để hai tay Hassan ép vào sau lưng. Assef đứng bên chúng theo dõi, gót ủng đi tuyết của nó nghiến lên gáy của Hassan.

- Bố mày cũng không biết được đâu, - Assef nói. - Và chẳng có gì là tội lỗi khi dạy cho con lừa láo xược một bài học.- Tôi không biết, - Wali lẩm bẩm.- Tuỳ mày, - Assef nói rồi quay lại Kamal. - Còn mày thế nào?

- Tôi... ờ...

- Chỉ là một thằng Hazara, - Assef nói. Nhưng Kamal vẫn nhìn đi đâu.

- Thôi được, - Assef sốt ruột nói. - Tất cả những gì tao muốn lũ yếu như sên chúng mày làm là ghì chặt nó xuống. Có làm được không?

Wali và Kamal gật đầu. Chúng có vẻ yên tâm hơn.

Assef quỳ xuống phía sau Hassan, đưa hai tay lên háng Hassan lột trần đôi mông của cậu ra. Nó vẫn để một tay lên lưng Hassan, và tay kia tháo khoá dây lưng của nó, mở khoá kéo quần bò của nó. Ném quần lót của nó xuống. Nó quỳ sát phía sau Hassan. Hassan không chống lại. Cũng không rên rỉ. Cậu hơi ngóc đầu lên, và tôi lờ mờ thấy khuôn mặt cậu ấy. Thấy sự cam chịu trên đó. Đó là một cái nhìn tôi từng thấy trước đây. Đó là cái nhìn của con cừu non.

Ngày mai là ngày thứ Mười của Dhul Hijjah, tức tháng cuối theo lịch đạo Hồi, cũng là ngày đầu của lễ ba ngày Eid Al-Adha, hay Eid-e-Qorban như người Afghan vẫn gọi - ngày để tôn vinh nhà tiên tri Ibrahim suýt nữa đã hy sinh con trai mình cho Thượng đế. Baba năm nay đã lại tự tay chọn ra một con cừu nữa, một con đốm trắng với hai tai cúp màu đen.

Tất cả chúng tôi đều đứng ở sân sau, Hassan, Ali, Baba và tôi. Ông giáo sĩ đọc kinh cầu nguyện, vò râu mình. Baba lẩm bẩm. Tiếp tục lẩm bẩm chẳng ai nghe rõ. Ông tỏ vẻ phiền với việc cầu nguyện dài dòng này, cái nghi lễ làm món thịt halal. Baba nhạo báng câu chuyện đằng sau lễ Eid này, giống như ông vẫn nhạo báng mọi thứ mang màu sắc tôn giáo. Nhưng ông tôn trọng truyền thống của lễ Eid-e-Qorban. Tục lệ là chia thịt ra thành ba, một phần cho gia đình, một phần cho bạn hữu, một phần cho người nghèo. Năm nào, Baba cũng đem tất cả cho người nghèo. Người giàu béo đủ rồi, ông bảo thế.

Giáo sĩ kết thúc bài cầu kinh.
Ameen. Ông chọn con dao bếp có lưỡi dài. Tục lệ là không được để con cừu nhìn thấy con dao. Ông Ali cho con vật ăn một miếng đường, một tục lệ khác, để làm cho cái chết ngọt ngào hơn. Con cừu đá chân, nhưng không nhiều. Giáo sĩ nắm lấy phía dưới xương hàm nó và kề lưỡi dao vào cổ. Đúng một giây trước khi ông cắt họng con cừu bằng một động tác sành sỏi, tôi nhìn thấy mắt con cừu. Đó là cái nhìn ám ảnh những giấc mơ của tôi suốt nhiều tuần lễ. Tôi không hiểu tại sao tôi lại quan sát cái nghi lễ hàng năm này ở sân sau. Những cơn ác mộng của tôi cứ kéo dài mãi sau khi vết máu trên cỏ đã phai màu. Nhưng tôi vẫn cứ quan sát. Tôi quan sát vì cái nhìn chấp thuận trong đôi mắt con vật. Tôi tưởng tượng con vật hiểu rằng cái chết sắp đến của mình là vì một mục đích cao cả hơn. Đó là cái nhìn...

° ° °
Tôi ngừng quan sát, quay ra khỏi ngõ. Một cái gì âm ấm đang chảy xuống cổ tay tôi. Tôi chớp chớp mắt, thấy mình vẫn còn đang cắn nắm đấm, mạnh đến bật máu từ những đốt ngón tay. Tôi nhận ra một cái gì khác. Tôi đang khóc. Đúng tới gần cho rẽ, tôi nghe thấy tiếng hự hự đều nhịp và nhanh của Assef.Tôi có một cơ may cuối cùng để ra quyết định. Một cơ hội tối hậu để quyết định tôi sẽ là người thế nào. Tôi có thể bước vào cái ngõ đó hỗ trợ Hassan - đúng như cái cách cậu ấy đã từng giải cứu tôi mọi lần trong quá khứ - và chấp nhận bất cứ chuyện gì xảy ra với mình. Hoặc tôi chạy trốn.

Cuối cùng, tôi chạy trốn.

Tôi chạy trốn bởi vì tôi là một thằng hèn. Tôi sợ Assef và tất cả những gì nó có thể làm đối với tôi. Tôi sợ bị đánh. Đó là những gì tôi đã tự nhủ lúc tôi quay ra khỏi cái ngõ đó. Tôi thực sự cảm nhận được sự hèn hạ, bởi vì lý do có thật và duy nhất khiến tôi chạy trốn là Assef có lý: Không có gì cho không trên đời này. Có thể Hassan là cái giá tôi phải trả, con cừu non tôi phải giết hại để giành được Baba. Phải chăng đó là cái giá tương xứng? Câu trả lời bồng bềnh trôi dạt đến trí não tỉnh táo của tôi trước khi tôi có thể gạt đi: Cậu ấy chỉ là một thằng Hazara, chẳng phải thế ư?

Tôi chạy về theo con đường tôi đã đến, chạy khỏi cái khu phố chợ hầu như hoang vắng ấy. Tôi loạng choạng chạy đến một quầy hàng, dựa người vào cánh cửa có khoá móc đang lắc lư. Tôi đứng đó thở hổn hển, mồ hôi vã ra, mong sao mọi chuyện khác đi.

Khoảng mười lăm phút sau, tôi nghe thấy những tiếng nói và tiếng bước chân. Tôi nép người sau cái quầy và thấy Assef cùng hai thằng kia chạy vụt qua, cười cợt khi chúng vội vã rút khỏi cái ngõ hoang vắng ấy. Tôi miễn cưỡng đợi thêm mười phút nữa. Rồi tôi bước chân quay lại cái lối đi đầy vết bánh xe dọc theo khe suối đầy tuyết. Tôi liếc nhìn trong ánh sáng lờ mờ và phát hiện ra Hassan đang bước chậm rãi về phía tôi. Tôi gặp cậu bên một cây phong trụi lá trên bờ suối.

Cậu cầm chiếc diều xanh trong hai tay, đó là vật đầu tiên tôi nhìn thấy. Và bây giờ tôi không thể dối trá mà bảo rằng, mắt tôi không liếc nhìn mấy vết rách. Áo chapan của cậu đầy nhưng vết bùn hoen bẩn ở phía trước và áo sơ mi bị xé toạc đến tận cổ. Cậu dừng lại. Chân lảo đảo như sắp gục ngã. Rồi tự đứng vững được, trao cho tôi chiếc diều.

- Cậu ở đâu? Tôi đã đi tìm cậu, - Tôi nói. Thốt ra những lời đó như đang nhai đá.

Hassan kéo ống tay áo đưa lên ngang mặt, lau nước mũi và nước mắt. Tôi đợi cho cậu nói một điều gì, nhưng chúng tôi chỉ đứng đó trơ trơ trong im lặng, trong ánh sáng mờ nhạt. Tôi phải biết ơn bóng tối đến sớm đổ lên khuôn mặt Hassan và che mặt tôi đi. Tôi lấy làm mừng vì tôi đã không nhìn trả lại cái nhìn chằm chằm của cậu. Cậu có biết tôi biết không? Và nếu cậu biết, thì liệu tôi sẽ thấy gì nếu phải nhìn vào đôi mắt của cậu? Trách mắng? Tức giận? Hoặc, cầu Thượng đế ngăn lại, những gì tôi sợ nhất: sự tận tuỵ ngây thơ? Hơn tất cả mọi thứ, đó là điều mà tôi không thể nhìn nổi.

Cậu định nói một điều gì đó, nhưng giọng nghẹn lại. Cậu mím miệng, mở miệng, rồi lại mím chặt lại. Lùi một bước. Lau mặt. Đó là tất cả những gì Hassan và tôi từng đả động đến về chuyện đã xảy ra trong cái ngõ ấy. Tôi nghĩ cậu sẽ bật khóc, nhưng cậu không thế, khiến tôi an tâm,và tôi vờ như không nghe thấy tiếng nghẹn tắc trong giọng cậu. Hệt như tôi giả vờ không trông thấy vết bẩn ở đũng quần cậu. Hoặc những giọt nhỏ xíu đó nhỏ xuống từ giữa hai chân cậu làm vấy bẩn mặt tuyết.

"Agha sahib sẽ lo lắng" là tất cả nhưng gì cậu nói. Cậu ngoảnh đi và khập khiễng rời khỏi chỗ tôi.

° ° °
Chuyện đó xảy ra đúng như tôi tưởng tượng.

Tôi mở cửa phòng đọc đầy khói thuốc và bước vào. Baba và chú Rahim Khan đang uống trà, vừa nghe tin tức bị nhiễu trên radio. Những cái đầu quay lại. Rồi một nụ cười nở trên đôi môi cha tôi. Ông dang hai cánh tay ra. Tôi đặt chiếc diều xuống, và bước vào hai cánh tay mập mạp lông lá của ông. Tôi vùi mặt vào hơi ấm ngực ông và khóc. Baba ôm chặt lấy tôi, lắc qua lắc lại, lắc lui lắc tới người tôi. Trong cánh tay ông, tôi quên những gì tôi đã làm. Và thế cũng hay.



--------------------------------
1Ayat: Số nhiều của từ Ayah, nghĩa tiếng Ẳ rập là dấu hiệu hay phép thần diệu, ở đây ý nói đến các thánh thi trích trong kinh Koran. Người Hồi giáo coi kinh Koran như dấu hiệu từ Thượng đế.
2
Mantu: Bánh bao Afghan nhồi thịt cừu hoặc bê.
3
Pakora: Một loại món ăn Ấn Độ hay Pakistan với thành phần gồm gà, hành tây, khoai tây, cà chua, ớt, tẩm bột và rán.
4
Bakhshida: Miền tội.

 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

VIII


Liền một tuần lễ, tôi hầu như không gặp Hassan. Tôi thức dậy đã thấy bánh nướng, trà pha sẵn, một quả trứng luộc trên bàn ăn. Quần áo tôi ngày hôm ấy đã được là và gấp lại, để trên chiếc ghế mây trong tiền sảnh, chỗ Hassan thường là quần áo. Cậu ấy vẫn quen đợi tôi ngồi vào bàn ăn điểm tâm trước khi bắt đầu là, để chúng tôi có thể chuyện trò. Vẫn thường hát nữa, át tiếng réo của bàn là hơi, hát những bài ca Hazara cổ về những cánh đồng hoa tuylíp. Bây giờ chỉ còn đống quần áo đã gấp đón chào tôi. Thế thôi, và bữa điểm tâm tôi hiếm khi ăn hết.

Một buổi sáng ảm đạm, trong khi tôi đang lăn lăn quả trứng luộc trên chiếc đĩa của tôi, ông Ali bước vào, bê theo một ôm củi chẻ rồi. Tôi hỏi ông Hassan đang ở đâu.

- Nó lại về ngủ rồi, - Ali vừa nói vừa quỳ xuống trước lò sưởi ông kéo cánh cửa lò vuông nhỏ mở ra.

Liệu Hassan có thể chơi hôm nay không?

Ông Ali dừng lại với khúc củi trong tay. Một cái nhìn lo lắng hiện lên khuôn mặt ông.

- Gần đây, tất cả những gì nó muốn là ngủ. Nó vẫn làm những việc lặt vặt. - Tôi trông chừng nó mà - nhưng sau rồi nó chỉ muốn chui vào chăn. Tôi có thể hỏi cậu một điều không?

- Nếu ông cần hỏi.

- Sau cuộc thi đấu diều, nó về nhà, chảy máu đôi chút, áo sơmi rách toạc. Tôi hỏi nó, xảy ra chuyện gì, nó nói chẳng có chuyện gì, xô xát đôi chút với mấy đứa về cái diều thôi.

Tôi không nói gì. Chỉ tiếp tục lăn lăn quả trứng trên chiếc đĩa của tôi.

- Amir agha, đã xảy ra chuyện gì với nó ư? Chuyện gì mà nó không nói cho tôi biết?

Tôi nhún vai:

- Tôi làm sao biết được?

- Cậu nên nói cho tôi biết, phải không nào? Inshallah, lạy trời cậu sẽ nói cho tôi biết, nếu đã xảy ra chuyện gì phải không?

- Như tôi đã nói đấy, làm sao tôi biết được chuyện gì xảy ra với cậu ấy? - Tôi sốt ruột bảo. - Có thể cậu ấy ốm. Ông Ali, mọi người vẫnthường ốm đấy thôi. Lúc này tôi đang sắp chết cóng đây, hôm nay ông có định đốt lò lên không?

Đêm đó, tôi hỏi Baba liệu thứ Sáu này, tôi có thể đi Jalalabad không. Ông đang xoay xoay trên chiếc ghế quay đệm da đằng sau bàn viết, đọc một tờ nhật báo. Ông đặt báo xuống, bỏ đôi kính lão mà tôi không ưa chút nào ra. - Baba chưa già, không già chút nào và Baba còn sống nhiều năm nữa, vậy tại sao ông cứ phải đeo đôi kính vớ vẩn ấy?

- Sao lại không! - Ông nói. Gần đây Baba đồng ý với tôi mọi yêu cầu của tôi. Không chỉ có thế, đúng hai đêm trước đây, ông hỏi tôi liệu tôi có muốn xem phim El cid 1 với Charlton Heston ở rạp chiếu phim Aryana không.

- Con có muốn bảo Hassan đi cùng đến Jalalabad không?

Tại sao Baba lại phải làm hỏng chuyến đi như thế?

- Cậu ấy đang mareez 2, - tôi nói. - Cảm thấy không được khoẻ.

- Thật ư? - Baba ngừng xoay đi xoay lại trong chiếc ghế - Có chuyện gì với nó ư?

Tôi nhún vai và ngồi thụt vào chiếc sofa bên lò sưởi:

- Cậu ấy bị cảm lạnh hoặc một bệnh gì đó. Ông Ali bảo, cậu ấy đang ngủ cho đỡ hơn.

- Bố không hay gặp Hassan, mấy ngày gần đây, - Baba nói. - Vậy có đúng chỉ là bị lạnh không?

Tôi không khỏi căm ghét cách ông nhíu lông mày lại tỏ ra lo lắng.

- Chỉ là bị lạnh thôi. Vậy thứ Sáu chúng ta đi chứ, Baba?

- Ừ, ừ, - Baba vừa nói vừa vùng ra khỏi bàn làm việc - Tội cho Hassan quá. Bố nghĩ nếu nó đi cùng con có thể được vui hơn.

- Ồ, cả hai chúng ta có thể vui với nhau, - tôi nói.

Baba mỉm cười. Nháy mắt. Rồi nói:

- Mặc ấm vào.

Lẽ ra đã chỉ có hai chúng tôi thôi - tôi muốn như thế - thì tới tối thứ Tư, Baba đã thu xếp mời thêm hai tá người khác nữa. Ông gọi cho người anh họ Homayoun và nói ông sắp đi Jalalabad thứ Sáu này. Homayoun đã từng học chế tạo máy ở Pháp, có một ngôi nhà ở Jalalabad, nói rằng anh vẫn thích tất cả mọi người qua đấy, và anh sẽ đem theo lũ trẻ, hai bà vợ, rồi khi anh ở đó, thì cô em họ Shafiqa và gia đình cô từ Herat cũng tới thăm, có thể cô sẽ thích đi cùng họ, và vì cô đang ở với anh họ Nader ở Kabul, gia đình ông anh cũng phải được mời, mặc dù Homayoun và Nader còn một chút cừu thù cố hữu, và nếu Nader được mời, chắc chắn người em trai Faruq cũng phải được mời, nếu không sẽ cảm thấy bị xúc phạm và anh ta có thể sẽ không mời họ dự lễ cưới con gái mình vào tháng sau, và...

Chúng tôi ngồi đầy ba chiếc xe. Tôi ngồi cùng xe với Baba, Rahim Khan và Kaka Homayoun - Baba đã dạy tôi từ lúc còn nhỏ, phải gọi bất kỳ họ hàng đàn ông lớn tuổi hơn nào bằng Kaka, hoặc chú bác, bất kỳ họ hàng đàn bà lớn tuổi hơn nào bằng Khala, hoặc cô dì. Hai người vợ Kaka Homayoun cũng ngồi cùng xe với chúng tôi. Người vợ nhiều tuổi hơn có một bộ mặt nhăn nhó với nhưng mụn cóc trên hai bàn tay, người vợ trẻ lúc nào cũng sực nức mùi nước hoa, còn luôn khiêu vũ với đôi mắt nhắm nghiền - hai đứa con gái sinh đôi của Kaka Homayoun cũng vậy. Tôi ngồi ở hàng sau, say xe và chóng mặt, bị kẹp như chiếc bánh sandwich giữa hai đứa con gái sinh đôi bảy tuổi, cứ đè qua đùi tôi để phát vào người nhau. Con đường đi đến Jalalabad là chặng đường vất vả, hai giờ đồng hồ ngoằn ngoèo dọc theo những dốc núi dựng đứng, và bụng tôi nôn nao ở mỗi chỗ ngoặt gấp. Từng người trong xe đều trò chuyện, trò chuyện ầm ĩ và cùng lúc gần như rít lên, như người Afghan thường nói. Tôi hỏi một trong hai chị em sinh đôi - Fazila hoặc Karima, tôi chẳng bao giờ có thể biết tên nào vào với tên nào - xem có thể đổi chỗ ngồi gần cửa xe cho tôi, để tôi có thể thở hít khí trời vì tôi bị say xe. Nó thè lưỡi ra và bảo không. Tôi bảo nó, tốt thôi, nhưng tôi sẽ không thể chịu trách nhiệm về việc nôn vào bộ váy áo mới của nó. Một phút sau, tôi thò đầu ra ngoài cửa xe. Tôi ngắm con đường ven vực thẳm lên lên xuống xuống, ngoằn ngoèo theo sườn núi, và đếm những chiếc xe tải nhiều màu, nhồi chặt cứng những người ngồi xổm, bị vượt qua. Tôi cố nhắm mắt lại, mặc cho gió tạt vào hai má, mở miệng để nuốt không khí trong sạch. Tôi vẫn không cảm thấy khá hơn. Một ngón tay thọc vào sườn tôi. Chắc là Fazila/Larima gì đó. Tôi hỏi:

- Cái gì?

- Bố vừa kể cho mọi người về cuộc thi đấu - Baba nói, từ sau tay lái. Kaka Homayoun và hai bà vợ từ hàng ghế giữa mỉm cười với tôi.

- Hôm đó phải đến một trăm chiếc diều hả? - Baba nói. - Có đúng thế không, Amir?

- Con đoán phải thế, - tôi lúng búng.

- Một trăm chiếc diều, Homayoun jan. Không laaf đâu. Và chiếc duy nhất còn bay vào phút cuối của ngày hôm đó là diều của Amir. Nó có 67 chiếc diều cuối cùng bị hạ ở nhà ấy, một chiếc diều xanh đẹp. Hassan và Amir cùng đuổi bắt đấy.

- Chúc mừng, - Kaka Homayoun nói. Người vợ cả, người có những mụn cóc, vỗ tay, "Wah wah 3! Chà chà! Amir jan, tất cả chúng ta rất tự hào về cháu!". Người vợ trẻ cùng phụ hoạ theo. Rồi tất cả đều vỗ tay, ca ngợi ầm ĩ, bảo tôi đã khiến cho bọn họ tự hào. Chỉ mỗi chú Rahim Khan, ngồi trên ghế khách cạnh Baba là im lặng. Chú chằm chằm nhìn vào tôi rất lạ.

- Baba, đỗ xe lại đi, - tôi nói.

- Gì vậy?- Con say xe, - tôi lúng búng, ngả người vào thành ghế, ép chặt vào hai cô con gái của Kaka Homayoun. Mặt của Fazila/Karima nhăn lại, chúng kêu nheo nhéo.

- Đỗ lại đi Kaka! Mặt anh ấy vàng ra rồi! Cháu không muốn anh ấy phun vào bộ áo mới của cháu!

Baba cho xe đỗ lại, nhưng tôi không nôn. Vài phút sau, tôi ngồi trên một tảng đá bên đường trong khi mọi người ra khỏi xe hít thở. Baba đang hút thuốc với Kaka Homayoun, ông này bảo Fazila/Karima đừng khóc nữa và sẽ mua cho một bộ váy áo mới ở Jalalabad. Tôi nhắm mắt lại. quay mặt về phía mặt trời. Những bóng hình nho nhỏ hình thành sau bờ mi tôi, như trò chơi dùng tay tạo bóng trên tường. Chúng xoắn lại, hoà vào nhau, tạo thành một hình ảnh duy nhất: chiếc quần nhung kẻ màu nâu bị tụt ra vứt trên đống gạch cũ trong cái ngõ.

Ngôi nhà hai tầng trắng của Kaka Homayoun ở Jalalabad có một ban công nhìn bao quát cả khu vườn rộng có tường ngăn, trồng táo và hồng quả. Ở đó có những bờ giậu mà về mùa hè người làm vườn uốn tỉa thành những con vật và một bể bơi với gạch lát màu ngọc bích. Tôi ngồi trên bờ bể bơi cạn nước, ngoại trừ những lớp tuyết đang tan ở dưới đáy, chân đung đưa trong bể. Lũ trẻ nhà Kaka Homayoun đang chơi trò trốn tìm ở cuối sân. Những người phụ nữ đang nấu ăn và tôi ngửi thấy mùi hành phi, nghe thấy tiếng phù phù của bếp ga, tiếng nhạc và tiếng cười. Baba, chú Rahim Khan, Kaka Homayoun và Kaka Nadel đang ngồi trên bao lơn hút thuốc. Kaka Homayoun đang nói cho họ rằng ông mang theo máy chiếu để xem ảnh chụp nước Pháp. Đã mười năm kể từ ngày ông rời khỏi Paris và ông vẫn chiếu những bức ảnh ngớ ngẩn đó.

Nhẽ ra không nên cảm thấy thế này. Baba và tôi cuối cùng đã thân thiết với nhau. Chúng tôi đã đến vườn thú vài ngày trước xem con sư tử Marjan, và tôi đá ném mạnh một viên sỏi vào con gấu khi không có ai để ý. Sau đó chúng tôi đã đến Nhà hàng Kabob của Dadkhoda ở phía bên kia Công viên Điện ảnh, ăn món cừu kabob cùng bánh naan mới nướng từ lò nướng tandoor 4. Baba kể cho tôi nghe chuyện về những chuyến đi Ấn Độ và sang Nga của ông, những người dân ông đã gặp, như một cặp vợ chồng cụt tay cụt chân ở Bombay đã cưới nhau được bốn mươi bảy năm và nuôi lớn mười một đứa con. Được trải qua một ngày như thế với Baba, nghe những chuyện của ông, nhẽ ra phải vui. Cuối cùng tôi đã có những gì tôi muốn suốt những năm đó. Chỉ trừ giờ đây tuy đã có nó, nhưng tôi lại cảm thấy rỗng tuếch như cái bể bơi bị bỏ quên mà tôi đang đung đưa đôi chân vào này.

Các bà vợ và mấy cô con gái phục vụ bữa tối - cơm, thịt viên kofta, qurma gà giò - lúc mặt trời lặn. Chúng tôi ăn tối theo lối truyền thống, ngồi trên những tấm đệm nhỏ quanh phòng ăn, khăn ăn trải trên sàn, ăn bốc theo từng mâm bốn năm người một. Tôi không đói nhưng cũng ngồi xuống ăn lấy lệ cùng Baba, Kaka Faruq, và hai con trai của Kaka Homayoun. Baba đã làm một chút scotch trước khi ăn, vẫn đang huênh hoang về cuộc thi đấu diều, tôi đã bay lâu hơn tất cả như thế nào, tôi đã trở về nhà cùng với chiếc diều cuối cùng bị hạ ra sao. Giọng nói như bom nổ của ông át hết cả phòng. Mọi người đều ngẩng đầu lên khỏi mâm thức ăn hò reo chúc mừng. Kaka Faruq dùng bàn tay sạch vỗ vỗ vào lưng tôi. Tôi cảm thấy như bị đâm dao vào mắt.

Sau đó, lúc quá nửa đêm, sau mấy giờ chơi bài poke giữa Baba và những người họ hàng, đàn ông nằm ngủ trên những chiếc đệm trải song song vẫn trong cái phòng chúng tôi ăn tối, đàn bà lên trên gác. Một giờ sau tôi vẫn không ngủ được. Tôi lăn bên nọ, quay bên kia trong khi những người họ hàng tôi, ư ử thở dài, ngáy trong khi ngủ. Tôi ngồi dậy. Một mảnh trăng lùa qua cửa sổ.

- Mình đã chứng kiến Hassan bị hiếp, - tôi nói

- chẳng với ai. Baba cựa quậy trong giấc ngủ. Kaka Homayoun ư ử. Một phần con người tôi mong ai đó tỉnh giấc, và nghe thấy, để tôi sẽ không phải sống với sự dối trá này thêm nữa. Nhưng không ai tỉnh dậy và trong sự im lặng tiếp theo, tôi hiểu ra bản chất lời nguyền mới của tôi: Tôi sẽ phải xoay xở để thoát khỏi chuyện đó.

Tôi nghĩ tới giấc mơ của Hassan, giấc mơ chúng tôi bơi trong một cái hồ. Không có quỷ nào hết, cậu đã nói, chỉ có nước thôi. Trừ phi cậu đã nhầm về điều đó. Có một con quỷ ở trong hồ. Nó đã túm lấy hai mắt cá chân Hassan, kéo tụt cậu xuống dưới đáy hồ tăm tối. Tôi là con quỷ đó.

Đó là cái đêm tôi trở thành người mất ngủ.

Tôi không nói chuyện với Hassan mãi tới tận giữa tuần sau. Tôi chỉ mới ăn hết nửa bữa trưa, và Hassan đang làm những món ăn cho tôi. Tôi đang bước lên gác để về phòng tôi thì Hassan hỏi tôi có muốn đi bộ lên đồi không. Tôi bảo tôi mệt. Hassan trông cũng mệt - cậu sút cân và những quầng thâm xuất hiện dưới đôi mắt lồi lên của cậu. Nhưng khi cậu hỏi lại, tôi miễn cưỡng đồng ý.

Chúng tôi vất vả leo lên đồi, ủng của chúng tôi lép nhép trong bùn tuyết. Chẳng ai trong chúng tôi nói gì. Chúng tôi ngồi dưới gốc cây lựu quen thuộc, và tôi biết tôi đã làm một việc sai lầm. Lẽ ra tôi không được lên đồi. Những chữ tôi đã khắc lên thân cây bằng con dao bếp của ông Ali: Amir và Hassan: Hai Sultan của Kabul. Lúc này tôi không chịu nổi khi nhìn vào chúng.

Cậu nhờ tôi đọc cuốn Shahnamah cho cậu nghe và tôi bảo cậu tôi đã đổi ý. Bảo tôi chỉ muốn về phòng. Cậu nhìn đi chỗ khác, nhún vai. Chúng tôi bước xuống con đường ban nãy chúng tôi vừa mới leo lên: trong im lặng. Và lần đầu tiên trong đời tôi không thể đợi đến mùa xuân.

Ký ức về phần còn lại của mùa đông năm 1975 ấy hầu như mờ mịt. Tôi nhớ, tôi khá sung sướng khi Baba ở nhà. Chúng tôi ăn cùng, cùng đi xem phim, thăm Kaka Homayoun hay Kaka Faruq. Đôi khi chú Rahim Khan đến thăm và Baba cho phép tôi ngồi trong phòng đọc của ông, uống trà cùng hai người. Ông cũng đã để tôi đọc cho ông nghe một trong số những truyện tôi viết. Thật là sung sướng, và tôi muốn như thế mãi mãi. Và tôi tin Baba cũng tin như thế. Cả hai chúng tôi hẳn đã hiểu nhau hơn. Ít nhất vài tháng sau cuộc đấu diều, Baba và tôi đã hoà quyện vào nhau trong một ảo tưởng ngọt ngào, nhìn nhau theo cách trước đây chúng tôi chưa từng có. Chúng tôi thực tế đã lừa dối nhau đến mức nghĩ rằng, một thứ đồ chơi làm bằng giấy dai, keo dán, và tre, theo cách nào đó có thể lấp kín được hố sâu ngăn cách giữa chúng tôi.

Nhưng khi Baba đi vắng - mà đi vắng rất thường xuyên, tôi lại tự nhốt mình trong phòng riêng. Cứ đôi ba ngày tôi lại đọc hết một quyển sách, viết truyện ngắn, học cách vẽ ngựa. Tôi thường nghe thấy tiếng chân Hassan loẹt quẹt quanh bếp vào buổi sáng, tiếng leng keng của dao dĩa bạc, tiếng phì hơi của ấm đun trà. Tôi thường đợi cho đến khi nghe thấy tiếng đóng cửa lúc đó tôi mới đi xuống ăn sáng. Trên tờ lịch của tôi, tôi khoanh tròn đánh dấu ngày vào năm học, và bắt đầu đếm ngược.Hassan vẫn cố nhen nhóm lại mọi chuyện giữa chúng tôi làm tôi phát ngán. Tôi nhớ lần cuối cùng. Tôi đang ở trong phòng đọc một bản dịch vắn tắt bằng tiếng Farsi truyện Ivanhoe 5, thì cậu gõ cửa.

- Chuyện gì đấy?

- Tôi định đến hiệu bánh mua bánh naan, - cậu nói ở ngoài cửa. - Tôi không biết liệu cậu... liệu cậu có muốn đi cùng không.

- Tôi nghĩ tôi chỉ định đọc sách. - Tôi nói, xoa xoa hai bên thái dương. Ít lâu nay, mỗi khi Hassan đến gần, tôi lại nhức đầu.

- Hôm nay là ngày nắng đẹp, - cậu nói.

- Tôi biết.

- Đi dạo một chút cũng thú đấy.

- Cậu cứ đi.

- Nhưng tôi muốn cậu đi cùng, - cậu nói. Rồi dừng lại. Một cái gì đó đâm sầm vào cánh cửa, có thể là trán cậu ấy. - Tôi không biết tôi đã làm gì, Amir agha. Tôi mong cậu nói cho tôi biết. Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại không chơi với nhau nữa.

- Cậu chẳng làm gì cả. Cứ đi đi.

- Cậu có thể nói cho tôi biết. Tôi sẽ thôi không thế nữa.

Tôi gục đầu xuống lòng mình, hai đầu gối kẹp chặt hai bên thái dương, như một cái bệ kẹp, hai mắt bị ép nhắm lại và nói:

- Tôi sẽ bảo cho cậu biết điều tôi muốn cậu thôi đừng làm.

- Gì cũng được.

- Tôi muốn cậu đừng quấy rầy tôi. Tôi muốn cậu xéo khỏi đây, - tôi cáu tiết nói. Tôi mong cậu trả đũa tôi ngay, đẩy bật cửa, nói thẳng ra với tôi - như thế mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn, tốt hơn. Nhưng cậu lại không làm bất cứ điều gì như thế, và mấy phút sau - tôi mở cửa, cậu không còn đấy nữa. Tôi ngã vật xuống giường, vùi mặt dưới gối và khóc.

Từ đó trở đi Hassan chỉ loanh quanh ở vòng ngoài cuộc đời tôi. Tôi sắp xếp mọi việc trong ngày để đảm bảo chúng tôi giáp mặt nhau càng ít càng tốt. Bởi vì khi cậu quanh quẩn bên tôi, khí trời rò rỉ hết khỏi phòng. Ngực tôi thắt lại và tôi không thể hít thở đủ không khí. Tôi thường đứng đó, thở hổn hển trong cái bong bóng bị hút hết khí trời bé nhỏ của riêng tôi. Nhưng ngay cả khi không còn quanh quẩn, cậu vẫn như thấp thoáng đâu đây. Cậu ở đó trong bộ quần áo giặt bằng tay và được là phẳng, trên chiếc ghế mây, đôi dép lê ấm áp để ngoài bậc cửa, bên củi sưởi rực cháy trong lò khi tôi xuống ăn điểm tâm. Tôi ngoảnh đi đâu cũng thấy những dấu hiệu lòng trung thành của cậu, lòng trung thành trơ trơ, trời đánh thánh vật của cậu.

Đầu mùa xuân đó, vài ngày trước khi bắt đầu năm học mới, Baba và tôi trồng hoa tuylíp ở trong vườn. Tuyết đã tan gần hết, và những dãy đồi phía Bắc đã lốm đốm những đám cỏ xanh. Đó là một buổi sáng mát mẻ, hơi u ám, Baba đang ngồi xổm bên tôi, đào đất và trồng những củ cây tôi đưa cho ông. Ông đang nói cho tôi biết, phần lớn mọi người nghĩ trồng tuylíp vào mùa thu sẽ tốt hơn, và điều đó không đúng như thế nào, dù tôi buột miệng nói ra:

- Baba, đã bao giờ Baba nghĩ đến chuyện thuê người ở mới chưa?

Ông ném củ hoa tuylíp xuống, vùi cái bay vào đống phân. Tháo bao tay làm vườn ra. Tôi đã làm ông giật mình.

- Hả, con vừa nói cái gì?

- Con chỉ thắc mắc, có thế thôi.

- Tại sao ta lại muốn làm việc đó nhỉ? - Baba nói cộc lốc.

- Con đoán bố sẽ không mà. Đó chỉ là một câu hỏi thôi. - Tôi nói giọng nhi nhí dần trở thành gần như tiếng thầm thì. Tôi thấy tiếc đã nói như thế.

- Có phải do chuyện con và Hassan không? Ta biết có chuyện gì đấy đang xảy ra giữa hai đứa, nhưng bất cứ thế nào, hai đứa cũng phải giải quyết với nhau, chứ không phải là ta. Ta đứng ngoài chuyện đó.

- Con xin lỗi Baba.

Ông lại đeo bao tay vào:

- Ta lớn lên cùng với Ali, - ông nói, răng nghiến lại. - Cha ta mang ông ấy về nhà, ông yêu Ali như chính con trai mình. Bốn mươi năm ông Ali từng sống với gia đình ta. Bốn mươi năm chết tiệt à? Và con nghĩ ta định đuổi ông ấy đi ư? - Lúc này ông quay lại tôi, mặt đỏ như hoa tuylíp. - Amir, ta chưa lần nào đụng tay vào người con, nhưng con mà nói như thế nữa... - Ông ngoảnh đi, lắc đầu. - Con làm ta xấu hổ. Và Hassan... Hassan sẽ chẳng đi đâu cả, con có hiểu không?

Tôi cắm mặt xuống và bốc một vốc tay đất lạnh. Để đất lọt qua kẽ ngón tay tôi.

- Ta nói, con có hiểu không? - Baba gầm lên.

Tôi giật thót:

- Có, thưa Baba...

- Hassan sẽ không đi đâu cả, - Baba ngắt lời. Ông lấy bay đào một hố mới, hất phân xuống mạnh hơn cần thiết. Nó sẽ ở ngay tại đây với chúng ta, nơi mà nó có quyền ở. Đừng bao giờ hỏi ta một câu như thế nữa.

- Con sẽ không hỏi, thưa Baba, con xin lỗi.Chúng tôi trồng nốt những củ tuylíp trong yên lặng.

Tôi thấy khuây khoả khi trường khai giảng, tuần sau đó. Bọn học sinh với những cuốn vở mới và bút chì vót nhọn trong tay, lang thang trong sân trường, đá bụi lên, chuyện gẫu từng nhóm, đợi các lớp trưởng thổi còi. Baba lái xe xuống cái ngõ đầy bụi dẫn đến cổng trường. Trường là một toà nhà hai tầng cũ kỹ với cửa kính vỡ và mờ đục, những lối đi rải sỏi, những vết loang lổ của lớp sơn tường đầu tiên màu vàng xỉn, vẫn còn lộ ra giữa nhiều lớp vôi vữa bị long tróc. Phần lớn lũ con trai đi bộ đến trường, và chiếc xe đen Mustang của Baba càng làm cho nhiều con mắt thèm thuồng. Nhẽ ra tôi phải tươi cười hãnh diện khi Baba cho tôi xuống xe - trước đây vẫn thường như thế - nhưng tất cả những gì tôi còn dám làm là thu mình lại hơi bối rối. Chỉ thế và trống rỗng. Baba lái xe đi không thèm tạm biệt tôi.

Tôi tránh không tham gia vào cái trò so sánh sẹo đấu diều và đứng vào hàng. Chuông reo, chúng tôi xếp thành đôi đều bước vào lớp học đã được phân. Tôi ngồi ở hàng ghế sau. Khi thầy giáo dạy tiếng Farsi phát cho chúng tôi sách giáo khoa, tôi nài xin ông cho tôi thật nhiều bài tập về nhà.

Trường học cho tôi cái cớ để ở lì hàng mấy tiếng đồng hồ trong phòng. Và trong một thời gian, nó cất khỏi tâm trí tôi những gì đã xảy ra mùa đông đó, những gì tôi đã để xảy ra. Mấy tuần liền, tôi để hết tâm trí vào trọng lực và lực mô men, nguyên tử và tế bào, cuộc chiến giữa Anh quốc và Afghanistan, thay vì nghĩ tới Hassan và những gì đã xảy ra với cậu. Nhưng, tâm trí tôi luôn luôn quay lại cái ngõ ấy, cái quần nhung kẻ màu nâu của Hassan vứt trên đống gạch, và những giọt máu nhỏ vấy bẩn lên tuyết màu đỏ bầm, gần như đen lại.

Một buổi chiều mù sương, lãng đãng đầu hè năm đó, tôi rủ Hassan trèo lên đồi với tôi. Bảo với cậu tôi muốn đọc cho cậu nghe một truyện tôi mới viết. Cậu đang phơi quần áo ngoài sân và tôi thấy rõ nhiệt tình của cậu khi làm nhanh như ăn cướp cho xong công việc.

Chúng tôi vừa leo lên đồi vừa chuyện trò linh tinh với nhau. Cậu hỏi tôi về nhà trường, tôi học những gì, còn tôi nói về các thầy giáo của tôi, đặc biệt là giáo viên chính dạy toán, phạt học trò nói chuyện bằng cách kẹp một chiếc roi sắt giữa hai ngón tay rồi siết mạnh. Hassan nhăn mặt lại, nói mong tôi không bao giờ phải nếm trải hình phạt đó. Tôi nói cho đến giờ tôi vẫn gặp may, dẫu biết may mắn chẳng liên quan gì đến chuyện này. Tôi cũng đã dự phần nói chuyện trong lớp đấy chứ. Nhưng cha tôi giàu và mọi người đều biết ông, vì vậy tôi được tha xử phạt bằng roi sắt.

Chúng tôi ngồi dựa vào dãy tường thấp của nghĩa trang, dưới bóng ngả của cây lựu. Một hay hai tháng nữa thôi, những đám cỏ dại úa vàng thường sẽ phủ kín sườn đồi, nhưng năm đó, mưa rào mùa xuân kéo dài hơn thường lệ, lấn sang cả mùa hè đến sớm, và cỏ vẫn còn xanh, lốm đốm những chùm hoa hướng dương. Phía dưới chỗ chúng tôi, những ngôi nhà mái bằng tường trắng nhạt nhoà trong ánh nắng mặt trời, đám quần áo giặt sạch phơi trên các dây phơi ở ngoài sân, bị gió nhẹ làm cho uốn lượn như những cánh bướm.

Chúng tôi hái xuống một tá quả lựu từ trên cây. Tôi mở cái truyện ngắn mang theo, lật trang đầu rồi đặt xuống. Tôi đứng dậy, nhặt một trái lựu chín rục rơi xuống đất.

- Cậu sẽ làm gì nếu tôi ném cậu bằng quả này? - Tôi vừa nói, vừa tung lên tung xuống quả lựu.

Nụ cười của Hassan héo rũ xuống. Cậu ấy trông già hơn là tôi nhớ. Không, không già hơn, mà già. Có thể thế chăng? Những đường khắc sâu lên khuôn mặt sạm nắng gió và những nếp nhăn viền quanh mắt, miệng của cậu. Cũng có thể chính tôi đã cầm một con dao và khắc những nếp nhăn ấy.

- Cậu sẽ làm gì? - Tôi nhắc lại.

Mặt cậu tái đi. Cạnh cậu, những trang giấy ghim chặt với nhau của cái truyện ngắn tôi đã hứa đọc cho cậu bay phần phật trong gió. Tôi ném mạnh quả lựu, trúng vào ngực cậu ấy, quả lựu vỡ ra, tung toé ruột đỏ. Tiếng khóc của Hassan đầy vẻ ngạc nhiên và đau đớn.

- Ném trả lại tôi đi! - Tôi cáu tiết. Hassan hết nhìn những vết bẩn trên ngực mình lại nhìn tôi.

- Đứng lên! Đánh tôi đi! - Tôi nói.

Hassan vùng dậy nhưng chỉ đứng đó, trông sững sờ như một người bị sóng triều xoáy cuốn xuống đại dương, mà mới chỉ một lúc trước thôi còn đang thích thú tuyệt vời dạo chơi trên bãi biển.Tôi ném vào cậu một quả lựu khác, lần này trúng vai. Nước lựu bắn lên mặt cậu.

- Ném trả tôi đi! - Tôi khạc ra. - Ném trả đi, đồ trời đánh thánh vật!

Tôi mong cậu sẽ ném trả. Tôi mong cậu sẽ ném trả. Tôi mong cậu sẽ cho tôi sự trừng phạt mà tôi khát khao, như vậy có thể cuối cùng ban đêm tôi sẽ ngủ được. Có thể rồi mọi chuyện giữa chúng tôi sẽ trở lại như cũ. Nhưng Hassan vẫn không làm gì trong khi tôi tiếp tục ném túi bụi nữa, rồi lại nữa vào cậu.

- Cậu là một thằng hèn! - tôi nói. - Chẳng là gì hết ngoài một thằng hèn chết tiệt!

Tôi không biết tôi đã ném cậu bao nhiêu lần. Tất cả những gì tôi biết là cuối cùng khi tôi ngừng lại kiệt sức thở hổn hển, Hassan bê bếttrong màu đỏ, như bị bắn bằng một loạt súng. Tôi quỵ gối xuống mệt mỏi, kiệt sức, thất vọng.Thế rồi Hassan đã nhặt một quả lựu lên, bước về phía tôi, bửa quả lựu ra và nghiền nát vào trán mình. khàn giọng nói: "Vào đây này!", nước đỏ nhỏ xuống mặt cậu như máu. "Cậu đã thoả mãn chưa? Đã cảm thấy dễ chịu hơn chưa?" Nói rồi quay người đi và bước xuống đồi.

Tôi để mặc nước mắt tuôn trào, choáng váng, lảo đảo khuỷu xuống "Hassan, tôi sẽ làm gì với cậu đây? Tôi sẽ làm gì với cậu đây." Nhưng cho đến lúc, nước mắt tôi khô, và tôi lê bước xuống chân đồi, tôi đã biết câu trả lời cho câu hỏi đó.

Tôi mười ba tuổi vào mùa hè năm 1975 đó, Afghanistan đã gần tới mùa hè hoà bình và vô danh cuối cùng. Mọi chuyện giữa Baba và tôi đã lại nguội lạnh đi. Tôi nghĩ mọi việc bắt đầu từ lời nhận xét ngu ngốc tôi đưa ra hôm chúng tôi trồng tuylíp, về việc mướn người ở mới. Tôi hối tiếc đã nói như thế, tôi thật sự hối tiếc, nhưng tôi lại nghĩ dù tôi không nói thì cái quãng thời gian xen kẽ hạnh phúc ngắn ngủi của chúng tôi cũng sẽ phải kết thúc. Có thể không sớm đến thế, nhưng sẽ phải kết thúc. Đến cuối mùa hè, tiếng leng keng của thìa dĩa vào bát đĩa đã thay thế cho riêng chuyện gẫu tại bàn ăn bữa tối và sau bữa ăn, Baba lại thu mình trong phòng đọc. Và đóng kín cửa. Tôi cũng trở về với cái kiểu giơ ngón tay cái ra hiệu Hãfez 6 và Khayyám 7, gặm móng tay đến tận thịt, về với các câu chuyện mà tôi viết ra. Tôi giữ những truyện ngắn thành một đống dưới gậm giường của tôi, giữ chúng chỉ để phòng xa, mặc dầu tôi vẫn ngờ Baba sẽ không bao giờ đòi tôi đọc cho ông nghe nữa.

Phương châm của Baba về việc mở tiệc là thế này: Phải mời toàn thế giới, bằng không thì không phải là tiệc tùng. Tôi nhớ mình đã liếc qua danh sách khách mời một tuần trước tiệc sinh nhật của tôi và không nhận ra ít nhất ba phần tư trong số hơn bốn trăm Kaka và Khala sẽ đến để mang quà cho tôi và chúc mừng tôi đã sống được mười ba tuổi. Rồi tôi nhận ra họ đến không thật sự vì tôi. Đó là ngày sinh của tôi, nhưng tôi biết ai mới là ngôi sao thực sự của buổi diễn.

Mấy ngày liền, ngôi nhà đầy những người Baba thuê giúp việc. Có cả ông hàng thịt Saeahuddin, có mặt cùng với một con bê, hai con cừu dắt theo, từ chối không nhận tiền cho bất cứ con nào trong số ba con. Ông tự tay chọc tiết mấy con vật ở ngoài sân, bên gốc cây dương liễu. "Máu tốt cho cây lắm," tôi vẫn nhớ ông nói thế khi cỏ quanh cây liễu đỏ sậm. Những người đàn ông tôi không biết là ai trèo lên những cây sồi với cuộn dây điện dài hàng trăm mét và những bóng điện nhỏ. Những người khác kê hàng lô bàn ở ngoài sân, trải khăn bàn lên đó. Đêm trước ngày đại tiệc, ông bạn Del Muhammed của Baba, người sở hữu một Nhà hàng Kabob ở Shar-e-Nau, đến nhà tôi với những thứ đồ gia vị. Giống như ông hàng thịt, ông Del Muhammed - hay Dello, như Baba gọi, từ chối tiền trả cho những dịch vụ của ông. Ông nói Baba đã giúp đỡ nhiều cho gia đình ông. Chính chú Rahim Khan nói nhỏ cho tôi biết, lúc ông Dello nấu món xốt thịt, Baba cho ông ấy vay tiền để mở tiệm ăn. Baba đã không chịu nhận món tiền trả lại mãi tới khi ông Dello xuất hiện trong chiếc xe Benz ở lối xe vào nhà tôi và khăng khăng không chịu rời khỏi đó cho đến khi Baba chịu nhận tiền.

Tôi cho rằng, xét về nhiều khía cạnh, hay ít nhất cũng trên phương diện tổ chức tiệc tùng, sự cố gắng cho sinh nhật của tôi là một thành công lớn. Tôi chưa bao giờ thấy ngôi nhà đông người đến thế, khách khứa rượu trên tay, chuyện gẫu với nhau ở các hành lang, hút thuốc trên những cầu thang gác, tựa lưng vào các khung cửa. Họ ngồi ở bất kỳ chỗ nào thấy trống, trên quầy bếp, trong tiền sảnh, cả dưới lan can cầu thang. Trong sân sau, họ đứng lẫn với nhau dưới ánh sáng xanh lơ, đỏ, xanh lá cây nhấp nháy trên các tàng cây, mặt họ được chiếu sáng bởi những ngọn đèn dầu hoả kê ở khắp nơi. Baba cho dựng một sàn trình diễn trên bao lơn bao quát khu vườn và treo những loa điện khắp sân. Ahmad Zahir chơi đàn phong cầm và hát trên sàn diễn, phía trên những đám người đang nhảy múa.

Tôi phải đón chào từng vị khách một - có thế Baba mới yên tâm. Ngày hôm sau, sẽ không ai ngồi lê đôi mách về việc ông không biết dạy con trai cách cư xử. Tôi hôn hàng trăm chiếc má, ôm ghì toàn bộ khách lạ, cảm ơn họ đã cho quà. Mặt tôi đau đớn vì căng ra với nụ cười mụ mị.

Tôi đang đứng cùng với Baba gần quầy rượu trong sân, thì ai đó nói: "Amir, chúc sinh nhật hạnh phúc". Đó là Assef đi cùng bố mẹ nó. Bố của Assef, ông Mahmood, thuộc loại người thấp, gầy gò, da sạm và mặt choắt. Mẹ nó, bà Tania là một người đàn bà nhỏ nhắn, nóng nảy luôn luôn mỉm cười và chớp mắt. Lúc này Assef đang đứng giữa hai người, cười nhăn nhở, trông cao lớn át cả bố mẹ, hai cánh tay đặt trên vai hai người. Nó dẫn họ về phía chúng tôi như thể nó đem họ đến đây. Như nó là cha mẹ, còn cha mẹ lại là con cái. Một con sóng choáng váng ập tới xuyên qua người tôi. Baba cảm ơn họ đã đến.

- Chính tôi chọn quà cho cậu đấy - Assef nói. Mặt bà Tania cau lại, đôi mắt hết nhìn Assef lại nhìn tôi. Rồi bà miễn cưỡng mỉm cười, và nháy mắt. Tôi không biết Baba có để ý thấy không.

- Vẫn chơi bóng đá chứ, Assef jan? - Baba hỏi. Ông luôn muốn tôi là bạn của Assef.

Assef mỉm cười. Thật khủng khiếp khi thấy nó tạo cho nụ cười ấy vẻ chân thật ngọt ngào đến thế.

- Tất nhiên, thưa Kaka jan.

- Vẫn cánh phải như bác nhớ chứ?

- Năm nay, thực tế cháu đã chuyển sang tiền đạo trung tâm, - Assef nói. - Chơi tuyến ấy có thể ghi bàn nhiều hơn. Tuần sau chúng cháu đá với đội Mekro - Rayan. Chắc sẽ là một trận đá hay. Bọn họ có những cầu thủ giỏi.

Baba gật đầu.

- Cháu biết không, bác cũng chơi tiền đạo trung tâm thời còn trẻ đấy.

- Cháu dám cược bác vẫn có thể chơi nếu bác muốn đấy, - Assef nói. Nó nháy mắt hiền lành nịnh Baba.

Baba cũng nháy mắt:

- Ta thấy bố cháu đã dạy cháu những thói tâng bốc nổi tiếng thế giới của ông ấy đấy, - ông hích bố Assef, gần như hạ nốc ao ông bạn bé nhỏ.

Tiếng cười của ông Mahmood có vẻ hồn nhiên như nụ cười của bà Tania, và tôi chợt băn khoăn tự hỏi liệu có phải, ở mức độ nào đó, con trai họ cũng làm họ khiếp sợ.

Tôi cố tạo ra một nụ cười vờ vĩnh nhưng tất cả những gì tôi làm được chỉ là hơi nhếch mép - bụng tôi quặn lên buồn nôn khi nhìn cha tôi thân mật với Assef.

Assefvội nhìn sang tôi:

- Wali và Kamal cũng ở đây đấy, chúng nó không thể vắng mặt trong sinh nhật của cậu vì bất cứ điều gì.

Nó vừa nói vừa cười hời hợt bề ngoài. Tôi lặng lẽ gật đầu.

- Bọn mình đang định tổ chức một cuộc đấu bóng chuyền nhỏ ngày mai, ở nhà mình, - nó nói. - Cậu có thể tham gia với chúng mình. Mang theo cả Hassan nếu cậu muốn.

- Cũng hay đấy - Baba nói, mặt rạng rỡ hơn lên. - Amir, con nghĩ thế nào?

- Con thật sự không thích bóng chuyền, - tôi lúng búng. Tôi nhìn thấy ánh chớp loé ra từ ánh mắt Baba, và một sự im lặng khó chịu tiếp theo.

- Xin lỗi, Assef jan, - Baba nhún vai nói. Nó làm tôi nhức nhối, cái lời xin lỗi thay cho tôi đó.

- Không, không sao đâu, - Assef nói. - Nhưng Amir jan, cậu sẽ có giấy mời chính thức. Dẫu thế nào, tôi nghe nói cậu thích đọc, nên tôi đã mang đến cho cậu một cuốn sách. Một trong những cuốn tôi ưa thích. - Nó chìa một gói quà sinh nhật cho tôi. Chúc sinh nhật hạnh phúc.

Nó mặc một chiếc áo sơ mi sợi bông, quần dài xanh, đeo cà vạt lụa đỏ và đi đôi giày da đế mềm đen bóng. Người nó sực mùi nước hoa, và mớ tóc hung đỏ chải mượt hất về phía sau. Bề ngoài, nó là hiện thân giấc mơ của mọi bậc cha mẹ, một đứa con trai cao to, cường tráng, ăn mặc tinh tươm, biết ứng xử với những dáng vẻ đầy ấn tượng và tài năng, chưa kể đến sự hóm hỉnh để đùa với một người lớn. Nhưng với tôi, đôi mắt của nó đã phản bội nó. Khi tôi nhìn sâu vào đôi mắt ấy, cái mã ngoài lung lay xiêu vẹo đi, thấp thoáng lộ ra vẻ điên dại ẩn giấu đằng sau.

- Amir, con có định nhận không đấy? - Baba nói.

- Gì ạ?

- Quà của con, - Baba bực bội nói - Assef jan cho con một món quà.

- Ồ, - tôi nói và cầm cái hộp của Assef rồi nhìn gằm xuống. Tôi ước gì có thể được một mình trong phòng riêng của tôi với những cuốn sách của tôi, thoát khỏi những người này.

- Thế nào? - Baba nói.

- Gì ạ?

Baba nói khẽ, như vẫn thường nói mỗi khi tôi làm ông ngượng ngùng trước mọi người:

- Con không định cảm ơn Assef jan hay sao? Như thế là nó rất quan tâm đến con đấy.

Tôi ước gì Baba đừng gọi nó là jan như thế. Ông đã gọi tôi bằng "Amir jan" được bao nhiêu lần?

- Cảm ơn, - tôi nói.

Mẹ của Assef nhìn tôi như thể bà muốn nói một điều gì, nhưng bà không nói được, và tôi nhận ra chẳng ai trong bố mẹ Assef nói một tiếng nào. Trước khi tôi có thể làm cho tôi và Baba không còn lúng túng nữa - nhưng chủ yếu là để thoát khỏi Assef và sự nhăn nhở của nó - tôi bước lảng đi và nói:

- Cảm ơn đã đến.

Tôi đi vòng vèo qua đám đông khách khứa và chuồn ra ngoài cổng sắt. Cách nhà tôi hai ngôi nhà, có một bãi đất trống rất rộng, cằn cỗi và bẩn thỉu. Tôi đã được nghe Baba kể với chú Rahim Khan, là một ông thẩm phán đã mua miếng đất đó và một kiến trúc sư hiện đang thiết kế. Lúc này, bãi đất vẫn còn trống trơn, chỉ có phân, đá và cỏ dại.Tôi bóc giấy bọc gói quà của Assef và đọc tên bìa sách dưới ánh trăng. Đó là cuốn tiểu sử của Hitler. Tôi ném nó vào giữa đám cỏ dại.

Tôi dựa vào dãy tường nhà hàng xóm, ngồi bệt xuống đất. Tôi cứ ngồi trong bóng tối như thế một lúc lâu, đầu gối tì vào ngực ngước nhìn sao vừa đợi cho đêm trôi qua.

- Cháu không cần tiếp khách ư? - Một giọng thân quen nói.

Chú Rahim Khan đang bước lại phía tôi, dọc theo bức tường.

- Họ không cần cháu việc ấy. Baba ở đó, chú nhớ chứ? - Tôi nói.

Miếng nước đá trong cốc rượu của chú Rahim Khan va lanh canh, chú ngồi xuống cạnh tôi, - cháu không biết chú say đấy.

- Hoá ra chú say, - chú nói. Trêu tôi. - Nhưng chỉ vào những dịp quan trọng nhất thôi.

Tôi mỉm cười:

- Cảm ơn chú.

Chú chìa cốc rượu về phía tôi và tợp một ngụm. Chú châm một điếu thuốc lá, loại thuốc lá Pakistan không có đầu lọc mà chú và Baba vẫn hút:

- Đã bao giờ chú kể cho cháu nghe, một lần suýt nữa chú đã cưới vợ chưa?

- Thật ạ? - Tôi nói, hơi mỉm cười trước cái khái niệm mơ hồ, chú Rahim Khan lấy vợ. Tôi luôn luôn nghĩ về chú như một hoá thân thầm lặng của Baba, như một người thầy vĩ đại của tôi, bạn cố tri của tôi, người không bao giờ quên mang tới cho tôi một món quà lưu niệm, một saughat 8, mỗi khi trở về từ một chuyến ra nước ngoài. Nhưng một người chồng ư? Một người cha ư?

Chú gật đầu:

- Đúng đấy. Chú mười tám. Tên cô ấy là Homaira. Cô ấy là người Hazara, con gái một người ở của ông hàng xóm của chúng ta. Cô ấy đẹp như một pari, tóc nâu mượt, đôi mắt to màu nâu biếc. Cô ấy có tiếng cười... đôi khi chú vẫn còn có thể nghe thấy. - Ông lắc lắc cốc rượu, - bọn ta thường bí mật gặp nhau trong vườn táo của cha chú, luôn luôn sau nửa đêm, khi mọi người đã đi ngủ. Bọn ta thường dạo bước dưới các gốc táo và chú thường cầm tay cô ấy... Chú có làm cháu ngượng không, Amir jan?

- Một chút thôi ạ.

- Sẽ không làm chết cháu đâu, - chú nói, rít thêm một hơi thuốc nữa. - Bất kể thế nào bọn ta vẫn nuôi ảo tưởng ấy. Bọn ta sẽ có một đám cưới linh đình và mời họ hàng, bạn bè từ Kabul tới Kandahar. Ta sẽ xây cho chúng ta một ngôi nhà lớn với hàng hiên lát đá trắng và cửa sổ lớn. Chúng ta sẽ trồng cây ăn quả trong vườn và trồng thêm đủ các loài hoa, có một bãi cỏ để con cái của chúng ta chơi trên đó, vào ngày thứ Sáu, sau lễ cầu kinh Namaz ở nhà thờ Hồi giáo, mọi người sẽ đến tụ tập ở nhà chúng ta để ăn trưa, và chúng ta sẽ ăn ở trong vườn, dưới những gốc cây anh đào, uống nước mát ở dưới giếng. Rồi uống trà với kẹo trong khi chúng ta ngắm lũ trẻ của mình chơi với anh chị em họ chúng...

Chú hớp một ngụm dài rượu scotch và ho:

- Giá cháu thấy cái nhìn trên bộ mặt của cha ta, khi ta nói cho ông biết. Mẹ ta ngất xỉu. Các chị ta té nước vào mặt bà. Họ quạt cho bà, và nhìn ta như thể ta đã cắt họng họ. Ông anh trai Falal của ta thì đi tìm khẩu súng săn của ông ấy trước khi cha ta kịp ngăn ông ấy lại. - Chú Rahim Khan cười gằn cay đắng. - Như là chú và Homaira đã chống lại cả thế giới. Và chú muốn nói cho cháu biết điều này: Cuối cùng thì thế giới luôn luôn thắng. Đó mới là con đường của mọi sự.

- Vậy điều gì đã xảy ra?

- Ngay ngày hôm ấy, cha chú đem Homaira và cả gia đình cô ấy lên một chiếc xe tải, và tống họ về Hazarajat. Chú không bao giờ gặp lại cô ấy nữa.

- Cháu rất tiếc. - Tôi nói.

- Dẫu sao, vẫn có thể như thế là tốt nhất. - Chú Rahim Khan nhún vai nói tiếp, - cô ấy sẽ chịu đau khổ. Gia đình chú sẽ chẳng bao giờ chấp nhận cô ấy được bình đẳng. Cháu không thể ra lệnh cho ai đó đánh giày cho mình hôm nay và gọi người đó bằng "em gái" ngày hôm sau được, - chú nhìn tôi. - Cháu hiểu chú, cháu có thể nói cho chú bất kỳ chuyện gì cháu muốn, Amir jan. Bất cứ lúc nào.

- Cháu hiểu, - tôi do dự nói.

Chú nhìn tôi một lúc lâu, như thể đang chờ đợi, đôi mắt đen sâu thẳm của chú ngụ ý giữa chúng tôi có một bí mật chưa được nói ra. Trong một khắc, tôi suýt đã kể cho chú. Suýt kể hết cho chú mọi chuyện. Nhưng rồi chú sẽ nghĩ thế nào về tôi? Chú sẽ ghét tôi. Cũng phải thôi.

- Đây, - chú trao cho tôi vật gì đó. - Suýt nữa chú quên. Chúc mừng sinh nhật.

Đó là một cuốn sổ bọc da nâu. Tôi miết ngón tay lên lớp chỉ kim tuyến may ở mép sách. Tôi ngửi thấy mùi da thuộc. Chú nói:

- Cho những truyện ngắn cháu viết.

Tôi đang định cảm ơn chú thì một thứ gì đó nổ và bắn lên sáng cả bầu trời.

- Pháo hoa.

Chúng tôi vội trở về nhà và thấy khách khứa tất cả đều đang đứng trong sân, nhìn lên trời. Trẻ con huýt sáo và la hét, mỗi khi có tiếng nổ giòn và tiếng phụt lên. Người lớn reo hò, bật ra nhưng tiếng hoan hô, mỗi lần những bó lửa loe to và nổ bùng thành những chùm hoa lửa. Cứ vài giây một, sân sau lại bất chợt bùng sáng lên những luồng sáng màu đỏ, xanh, vàng.

Trong một đợt bùng sáng ngắn ngủi ấy, tôi nhìn thấy một cảnh tượng mà tôi sẽ không bao giờ quên được: Hassan bưng rượu mời Assef và Wali trên một chiếc khay bạc. Ánh sáng vụt tắt, một tiếng rít và tiếng nổ giòn, rồi lại một đợt vụt sáng khác màu da cam: Assef nhăn nhở, ngoáy mạnh vào ngực Hassan quả đấm thép.

Rồi, may sao, bóng tối.



--------------------------------
1El cid: Dựa theo vở kịch cổ điển Le cid của nhà văn Pháp Comeille thế kỷ 17.
2
Mareez trong nguyên bản có nghĩa là ốm.
3
Wah wah: Tiếng reo tỏ ý vui mừng, hoan hô, tạm dịch Chà chà!
4
Một loại lò bằng đất sét dùng nướng thịt hoặc bánh bằng xiên sắt theo lối của người Hindu.
5
Tiểu thuyết nổi tiếng của Walker Scott, nhà văn cổ điển Anh (1771-1832).
6
Hãfez: Tạm biệt.
7Khayyám: Chúc ngủ ngon. 8Saughat: Cũng có nghĩa quà lưu niệm.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

IX


Sáng hôm sau, ngồi ở giữa phòng, tôi xé mở hết hộp quà này đến hộp quà khác. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi chỉ thấy buồn bực, tôi chỉ chán ngán liếc nhìn chúng và quăng chúng vào góc phòng. Cả đống ùn lên ở đó, có cả chiếc máy ảnh Polaroid, một máy thu thanh bán dẫn, một đoàn tàu chạy điện phức tạp và nhiều phong bì dán kín đựng tiền. Tôi biết, tôi sẽ chẳng bao giờ tiêu xài đến tiền hoặc nghe máy thu thanh, chiếc tàu điện sẽ chẳng bao giờ chạy trên đường ray trong phòng tôi. Tôi chẳng muốn bất cứ thứ gì của cái đống đó hết - tất cả đều là đồng tiền máu. Baba sẽ chẳng bao giờ tổ chức cho tôi một bữa tiệc như thế, nếu tôi không thắng trong cuộc đấu diều.

Baba cho tôi hai món quà, một món chắc chắn trở thành sự thèm thuồng của mọi đứa trẻ trong vùng; một kiểu dáng mới của hãng Schwinn Stingray, vua của mọi loại xe đạp. Chỉ một dúm trẻ con ở toàn Kabul sở hữu một chiếc Stingray mới, và lúc này tôi là một trong bọn chúng. Nó có bộ tay cầm vươn cao, tay nắm bằng cao su đen, và bộ yên hình nải chuối nổi tiếng. Càng xe màu vàng và khung xe màu đỏ, như một chiếc kẹo táo. Hoặc máu. Bất kỳ đứa trẻ nào khác cũng muốn nhảy lên xe ngay lập tức và phóng một vòng mấy dãy nhà. Tôi đã có thể làm được điều đó nếu là vài tháng trước.

- Con thích nó chứ? - Baba nói, tựa lưng vào khung cửa phòng tôi.

Tôi ngượng ngùng nhe răng cười với ông và nói câu cảm ơn thật nhanh. Giá mà tôi đã có thể can đảm hơn thế.

- Chúng ta có thể cưỡi xe đi một lúc, - Baba nói. Một lời mời, nhưng chỉ thật lòng phân nửa thôi.

- Có lẽ lát nữa. Con đang hơi mệt, - tôi nói.

- Được thôi. - Baba đáp.- Baba ạ?

- Có chuyện gì?

- Con cảm ơn vì pháo hoa, - tôi nói. Một lời cảm ơn nhưng cũng chỉ thật lòng một nửa.

- Nghỉ một chút đi, - Baba vừa nói vừa bước về phòng mình.

Món quà kia Baba cho tôi, và ông cũng chẳng thèm đợi xem tôi mở hộp quà - là một chiếc đồng hồ đeo tay. Nó có cái mặt xanh, đôi kim vàng hình tia chớp có dạ quang. Tôi cũng chẳng buồn đeo thử. Tôi quẳngnó vào cái đống ở góc phòng. Món quà duy nhất tôi không quăng lên núi quà, đó là cuốn sổ bọc da của chú Rahim Khan. Đó là món quà duy nhất mà tôi không cảm thấy như đồng tiền máu.

Tôi ngồi ở mép giường, giở cuốn sổ trong tay, nghĩ về những gì chú Rahim Khan đã nói về Homaira, việc cha chú đã đuổi cô cuối cùng vẫn là điều tốt nhất như thế nào. Cô ấy hẳn sẽ đau khổ. Giống như những lần chiếc máy chiếu của Kaka Homayoun lưu luyến mãi một chớp hình, cái hình ảnh ấy vẫn còn loé sáng mãi trong tâm trí tôi: Hassan, mặt gằm xuống, đang hầu rượu cho Assef và Wali. Có thể đó mới là tốt nhất. Giảm bớt sự đau khổ của cậu ấy. Và của tôi nữa. Đằng nào thì, điều đó cũng quá rõ ràng: Một trong hai chúng tôi phải ra đi.

Chiều muộn hôm đó, tôi đem chiếc xe đạp Schwinn ra cho bon lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Tôi đạp vòng quanh dãy nhà hai lần rồi trở về. Tôi đạp trên lối xe vào nhà đến sân sau, nơi Hassan và ông Ali đang dọn dẹp những đống rác rưởi từ bữa tiệc hôm trước. Những cốc giấy, những khăn ăn nát vụn, những vỏ chai soda lăn lóc ở sân. Ông Ali đang gấp ghế, đem dựng ở dọc tường. Ông trông thấy tôi liền vẫy vẫy.

- Salaam, ông Ali! - Tôi chào và vẫy lại ông.

Ông giơ một ngón tay lên, bảo tôi đợi, và bước về chỗ ăn nghỉ của ông. Một lát sau, ông hiện ra với thứ gì đó trong tay:

- Đêm qua chẳng hở ra được lúc nào để Hassan và tôi tặng cậu món quà này, - ông vừa nói vừa trao cho tôi một chiếc hộp. - Nó là thứ tầm thường, không đáng gì với cậu. Amir agha ạ. Nhưng chúng tôi vẫn mong cậu thích nó. Chúc mừng sinh nhật.

Một cái gì dâng lên như chẹn họng tôi. Tôi nói:

- Cảm ơn, ông Ali.

Ước gì họ đừng mua cho tôi bất cứ thứ gì. Tôi mở hộp thấy một cuốn sách Shahnamah 1 bìa cứng bọc vải, có những tranh minh hoạ vẽ màu trên giấy láng bóng phía dưới các đoạn trích. Đây là Ferangis đang chăm chú nhìn đứa con mới sinh của mình Kai Khosrau. Kia là Afrasiyab đang cưỡi con ngựa chiến, thanh kiếm tuốt trần, dẫn đầu đoàn quân. Và tất nhiên, có cả Rostam đâm một nhát chí tử vào con trai mình, chiến binh Sohrab.

Tôi nói:

- Đẹp quá.

- Hassan bảo bản in của cậu cũ rách rồi, có chỗ lại thiếu trang, - ông Ali nói. - Tất cả những tranh trong này đều được về tay bằng mực và bút sắt, - ông tự hào bổ sung, dán mắt vào cuốn sách mà ông cũng như con trai ông đều không đọc nổi.

- Thích thật, - tôi nói. Và đúng là thích thật. Và tôi cũng đoán chừng nó không hề rẻ. Tôi muốn nói với ông Ali là không phải quyển sách, mà là tôi không xứng đáng. Tôi lại nhảy lên chiếc xe đạp và bảo ông:

- Cảm ơn Hassan hộ tôi.

Cuối cùng thì tôi cũng quăng cuốn sách lên đống quà ở góc phòng tôi. Nhưng mắt tôi vẫn cứ ngoái lại dán vào đấy, vì vậy tôi vùi nó xuống đáy. Đêm đó trước khi lên giường ngủ, tôi hỏi Baba xem ông có thấy chiếc đồng hồ mới của tôi ở đâu không?

Sáng hôm sau, tôi ở trong phòng đợi cho ông Ali dọn dẹp bàn ăn sáng ngoài bếp. Đợi ông rửa bát đã lau chùi quầy bếp xong. Tôi nhìn qua cửa sổ phòng ngủ của tôi và đợi, cho tới khi ông Ali và Hassan đi ra phố chợ mua hàng, đẩy chiếc xe cút kít trước mặt.

Thế rồi tôi lấy vài cái phong bì tiền từ đống quà và cái đồng hồ của tôi, kiễng chân rón rén đi ra ngoài. Tôi dừng lại trước phòng đọc của Baba, nghe ngóng. Sáng nào ông cũng ở trong phòng, gọi điện thoại. Ông đang nói chuyện với ai đó về việc chuyến tàu biển chở thảm trải phải đến vào tuần sau. Tôi xuống thang gác, đi ngang qua sân, vào nơi ở của ông Ali và Hassan bên cây sơn trà. Tôi nâng tấm đệm của Hassan lên và nhét cái đồng hồ mới của tôi với một nắm tiền giấy Afghan xuống dưới.

Tôi đợi ba mươi phút. Rồi tôi gõ cửa phòng Baba và kể cho ông nghe những gì tôi hy vọng sẽ là lần cuối cùng của cả một chuỗi dài dối trá.

Qua cửa số phòng ngủ của tôi, tôi theo dõi ông Ali và Hassan đẩy chiếc xe cút kít chất đầy những thịt, bánh naan, trái cây và rau tươi trên lối xe vào. Tôi thấy Baba từ trong nhà đi ra, bước tới gặp ông Ali. Miệng mấp máy những tiếng gì tôi không nghe rõ. Baba chỉ về phía ngôi nhà và ông Ali gật đầu. Họ tách ra, Baba trở về nhà, ông Ali đi theo Hassan về phía túp lều đất của họ.

Vài phút sau Baba gõ cửa phòng tôi. Ông nói:

- Đến phòng làm việc của ta. Tất cả chúng ta sẽ ngồi xuống và giải quyết việc này.

Tôi đến phòng đọc của Baba, ngồi lên ghế sofa da. Độ ba mươi phút, hay hơn thế, rồi Hassan và ông Ali đến góp mặt với chúng tôi.

Cả hai đều khóc. Tôi có thể nhận ra từ đôi mắt họ sưng đỏ lên. Họ đứng trước Baba, tay trong tay, và tôi tự hỏi, làm thế nào và khi nào tôi lại trở thành kẻ có thể gây ra nỗi đau khổ này.

Baba hỏi thẳng thừng:

- Có phải cháu đã ăn cắp món tiền này không? Hassan, cháu đã ăn cắp chiếc đồng hồ của Amir à?

Câu đáp lại của Hassan là một từ đơn độc, thốt ra bằng một tiếng nhỏ, cộc lốc:

- Vâng.

Tôi nao núng, như thể bị tát vào mặt. Tim tôi lịm đi, tôi suýt phải nói ra sự thật. Rồi tôi hiểu: Đây là lần hy sinh cuối cùng của Hassan cho tôi. Nếu cậu ấy nói không phải, Baba hẳn sẽ tin cậu ấy, bởi vì chúng tôi đều biết, Hassan chẳng bao giờ nói dối. Và nếu Baba tin cậu ấy, thì tôi mới là kẻ bị kết tội. Tôi sẽ phải giải thích, và sẽ bị vạch trần những gì tôi đáng phải nhận. Baba sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho tôi, mãi mãi. Và điều đó lại dẫn đến một cách hiểu khác: Hassan biết. Biết tôi thấy hết mọi chuyện trong cái ngõ đó, biết tôi đứng đấy và không hề làm gì. Biết tôi đã phản bội cậu và tuy vậy, cậu đang cứu tôi một lần nữa, có thể là lần cuối cùng. Lúc đó, tôi yêu cậu, yêu cậu hơn bất kỳ ai tôi đã từng yêu, và tôi muốn nói thẳng với tất cả bọn họ rằng, tôi là một con rắn trong đám cỏ, một con quỷ trong lòng hồ. Tôi không xong đáng với sự hy sinh ấy, tôi là một kẻ dối trá, một tên lừa đảo, một đứa trộm cắp. Và tôi có lẽ đã nói, nếu không có chuyện một phần trong con người tôi lại thấy mừng. Mừng là tất cả sẽ sớm qua đi. Baba sẽ đuổi họ, sẽ có một chút đau khổ đấy, nhưng cuộc sống lại tiếp tục vận động. Tôi muốn thế, tiếp tục vận động, quên đi và bắt đầu bằng một lý lịch sạch sẽ. Tôi muốn lại có thể thở được.

Ngoại trừ Baba đã làm tôi choáng váng, bằng câu nói:

- Ta tha thứ cho cháu.

Tha thứ ư? Nhưng trộm cắp là một tội không thể tha thứ, là mẫu số chung mọi tội lỗi. Khi con giết một người, là con đánh cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp người cha của những đứa con. Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó đối với sự thật. Khi con lừa đảo, con ăn cắp quyền đối với sự chính trực. Không có hành động nào cực kỳ xấu xa hơn ăn cắp. Chẳng phải Baba đã bế tôi lên lòng ông và nói những lời ấy với tôi ư? Thế thì làm sao ông lại có thể chỉ tha thứ cho Hassan? Và nếu Baba có thể tha thứ chuyện đó, vậy tại sao ông lại không thể tha thứ cho tôi vì đã không là đứa con trai như ông hằng mong muốn? Tại sao?

- Chúng tôi sẽ đi, Agha sahib, - ông Ali nói.

- Cái gì - Baba nói, mặt tái đi.

- Chúng tôi không thể sống ở đây được nữa, - ông Ali nói.

- Nhưng tôi tha thứ cho nó, Ali, ông không nghe rõ à? - Baba nói.

- Sống ở đây bây giờ là không thể đối với chúng tôi rồi, Agha sahib. Chúng tôi sẽ đi. - ông Ali kéo Hassan lại gần ông và quàng cánh tay qua vai con trai mình. Đó là một cử chỉ bảo vệ, và tôi biết ông Ali đang bảo vệ con mình khỏi ai. Ông Ali liếc nhìn xem thái độ của tôi bằng một cái nhìn lạnh lùng và không tha thứ, tôi biết Hassan đã kể lại cho ông. Cậu đã kể lại cho ông biết hết mọi chuyện, về những gì Assef và lũ bạn của nó đã làm đối với cậu, về chiếc diều, về tôi. Thật lạ lùng, là tôi lại lấy làm mừng, rằng ai đó đã biết tôi thực sự là người như thế nào. Tôi đã mệt mỏi vì phải giả vờ.

- Tôi không quan tâm đến tiền và cái đồng hồ, - Baba nói, hai cánh tay ông mở ra, lòng bàn tay ngửa lên - Tôi không hiểu tại sao ông lại làm thế... Ý ông nói "không thể" là thế nào?

- Tôi xin lỗi, Agha sahib, nhưng đồ đạc của chúng tôi đã đóng gói cả rồi. Chúng tôi đã quyết định rồi.

Baba đứng lên, một nỗi đau buồn thoáng lướt qua mặt ông:

- Ali, phải chăng tôi đã không chu cấp đủ cho ông? Phải chăng tôi đã không tốt với ông và Hassan? Ông là người anh em ruột thịt mà tôi chẳng bao giờ có nữa, ông Ali, ông biết thế mà, xin ông đừng làm thế.

- Agha sahib, xin đừng làm việc này khó khăn hơn nó vốn dĩ đã vậy, - ông Ali nói. Miệng ông xoắn lại, và trong một khắc, tôi nghĩ tôi thấy một cái nhăn mặt. Đó là khi tôi hiểu được chiều sâu của nỗi đau tôi đã gây ra, cái bóng đen của nỗi sầu đau tôi đã mang đến cho mọi người, đến nỗi ngay cả bộ mặt bị liệt của ông Ali cũng không thể ngụy trang được nỗi đau buồn. Tôi ép mình phải nhìn Hassan, nhưng cậu cúi gằm, hai vai cậu trễ xuống, ngón tay vê vê sợi dây rút ở gấu áo sơ mi.

Lúc này, Baba đành nài xin:

- Ít nhất cũng phải nói cho tôi biết tại sao chứ. Tôi cần phải biết.

Ông Ali không nói cho Baba biết cũng như ông đã không phản đối khi Hassan thú nhận ăn cắp. Tôi sẽ không bao giờ biết tại sao, nhưng tôi có thể hình dung ra cả hai người trong cái lều nhỏ nhờ nhờ tối ấy, khóc lóc. Hassan nài xin ông đừng để lộ ra tôi. Nhưng tôi đã không thề tưởng tượng nổi sự kiềm chế mà ông Ali phải gắng để giữ lời hứa đó.

- Ông sẽ cho chúng tôi đến bến xe buýt chứ?

- Tôi cấm ông không được làm thế, - Baba rống lên. - Ông có nghe rõ tôi nói không? Tôi cấm ông!

- Thưa, nhưng ông không thể cấm tôi bất cứ điều gì, Agha sahib. - ông Ali nói. - Chúng tôi không làm việc cho ông nữa.

- Ông sẽ đi đâu - Baba hỏi, giọng rưng rưng.

- Hazarajat.

- Đến nhà họ hàng à?

- Vâng. Ông sẽ đưa chúng tôi tới bến xe chứ, Agha sahib?

Rồi tôi thấy Baba làm cái điều mà trước đó tôi chưa từng thấy bao giờ. Ông khóc. Nhìn một người lớn khóc khiến tôi hoang mang đôi chút. Các ông bố không được phép khóc.

- Xin ông, - Baba nói, nhưng ông Ali đã quay ra đến cửa và Hassan đi theo ông. Tôi sẽ không bao giờ quên thái độ của Baba khi nói điều đó, nỗi đau đớn trong lời cầu xin của ông, nỗi sợ hãi.

Ở Kabul, hiếm khi mưa vào mùa hè. Bầu trời xanh cao và xa thẳm, mặt trời như một khối sắt nung thui cháy gáy bạn. Những nhánh sông mà Hassan và tôi thia lia đá suốt mùa xuân đều đã trở nên khô cạn, và nhưng chiếc xe kéo khuấy bụi khi ầm ầm lăn bánh qua. Dân chúng đi đến các nhà thờ Hồi giáo thực hiện mười Raka't 2 buổi trưa, và rồi rút lui tới bất cứ nơi nào có bóng mát để đánh giấc ngủ trưa, đợi cái mát mẻ của buổi chiều sớm. Mùa hè có nghĩa những ngày dài dặc ở trường, nhễ nhại mồ hôi trong những lớp học chẳng hề thông thoáng dồn chặt người để học đọc các ayats trong kinh Koran, vất và với những từ uốn lưỡi ngoại lai Ẳ rập. Có nghĩa bắt ruồi bằng lòng bàn tay, trong khi ông giáo sĩ tiếp tục giọng đều đều đọc kinh và một làn gió nóng mang theo cả mùi phân từ cái nhà vệ sinh phía bên kia sân trường, khuấy bụi lầm lên quanh chiếc vòng bóng rổ xộc xệch, bơ vơ.

Nhưng buổi chiều hôm Baba đem ông Ali và Hassan ra bến xe buýt, trời mưa. Những tràng sấm rền vang phủ khắp bầu trời một màu chì xám. Chỉ mấy phút, những vạt mưa đã quét rầm rập, tiếng rít không ngừng của nước đổ ào ào trong hai tai tôi.

Baba ngỏ ý sẽ tự mình chở họ đến tận Bamiyan, nhưng ông Ali từ chối. Qua cửa sổ đầm đìa mờ mịt nước mưa phòng ngủ của tôi, tôi dõi theo ông Ali kéo cái vali cô độc đựng tất cả nhưng gì thuộc về ông tới chiếc ôtô của Baba đang nổ máy bên ngoài cánh cổng. Hassan lặc lè tấm đệm, bó chặt bằng sợi thừng, trên lưng. Cậu đã để lại tất cả đồ chơi của mình trong túp lều trống rỗng. - Ngày hôm sau, tôi phát hiện ra chúng được xếp đống ở góc nhà, giống hệt như đống quà sinh nhật trong phòng tôi.

Những hạt nước mưa trơn tuột nhỏ ròng ròng xuống cửa sổ phòng tôi. Tôi thấy Baba đóng sầm cửa xe lại. Người ướt sũng ông bước sang bên phía ghế lái xe, ngả người vào trong xe nói một điều gì đó với ông Ali ở hàng ghế sau, có lẽ một cố gắng cuối cùng hòng thay đổi ý định của ông Ali. Họ nói chuyện như thế một lúc, Baba ướt sũng, cúi lom khom, một cánh tay dựa trên mui xe. Nhưng khi ông đứng thẳng lên, tôi chấy trên đôi vai rũ xuống của ông, cuộc đời mà tôi từng biết từ khi tôi được sinh ra đã qua rồi. Baba luồn vào trong xe. Đèn pha bật lên, rạch hai luồng sáng trong mưa. Nếu đó là một trong những bộ phim Hinđi Hassan và tôi vẫn thường xem, thì đoạn cảnh ấy sẽ là tôi chạy ùa ra ngoài, đôi chân trần của tôi đạp tung toé nước mưa, tôi sẽ đuổi theo chiếc xe, la hét thất thanh cho xe đừng lại. Tôi sẽ kéo Hassan ra khỏi hàng ghế sau và nói với cậu ấy, tôi xin lỗi, rất xin lỗi, nước mắt tôi hoà lẫn nước mưa. Nhưng đó không phải là bộ phim Hinđi. Tôi rất hối tiếc nhưng tôi không khóc, và không đuổi theo chiếc xe. Tôi nhìn chiếc xe của Baba lao khỏi lề đường, mang theo một con người, mà tiếng tập nói đầu tiên của người ấy là tên tôi. Tôi bắt được hình bóng cuối cùng mờ nhạt của Hassan ngồi rũ ở ghế sau trước lúc Baba rẽ trái chỗ góc phố, nơi chúng tôi từng chơi bi đá không biết bao nhiêu lần.

Tôi lui vào và tất cả những gì tôi thấy là mưa lọt qua tấm kính cửa sổ trông như bạc nấu chảy.




--------------------------------
1Shahnamah: trong nguyên bản là cuốn sách có tên là Shahnamah Truyện về một quốc vương - ND.
2
Raka't: Một lượt thi lễ Salat (cầu nguyện), gồm các động tác đứng, quỳ, phủ phục hai lần, và ngồi thiền.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

X
Tháng Ba 1981

Một thiếu phụ ngồi đối diện với chúng tôi. Chị mặc một chiếc áo dài màu xanh ô liu, với một chiếc khăn san màu đen quấn chặt quanh mặt để chống lại cái lạnh giá ban đêm. Mỗi lần chiếc xe tải nảy lên hoặc vấp phải ổ gà, chị lại buột miệng cầu kinh, tiếng cầu "Bismillah!" của chị vút cao theo mỗi lần xe lắc mạnh hoặc xóc. Chồng chị, một người đàn ông vạm vỡ quần dài ống thụng, khăn quấn đầu màu xanh da trời, nâng niu bế một em bé trong vòng tay, bàn tay lần tràng hạt. Đôi môi mấp máy cầu nguyện thầm. Kể cả những người khác nữa là mười hai, bao gồm cả Baba và tôi, ngồi ôm vào giữa hai chân, bị ép cứng cùng những người xa lạ, dưới cái mui bằng vải bạt của chiếc xe tải Nga đã cũ.

Ruột gan tôi cứ cồn lên kể từ lúc chúng tôi rời khỏi Kabul sau hai giờ sáng. Baba chẳng bao giờ nói ra, nhưng tôi biết ông coi việc tôi say xe lúc đó chỉ là một mặt khác của sự yếu ớt của tôi - tôi thấy rõ điều đó trên vẻ mặt sượng sùng của ông đôi lần bụng tôi quặn lại quá tệ đến nỗi tôi phải rên lên. - Khi người đàn ông vạm vỡ lần tràng hạt - tức chồng của thiếu phụ cầu nguyện hỏi liệu tôi có sắp say không, tôi nói tôi sắp. Baba ngoảnh đi. Người đàn ông vén góc mui vai bạt lên, gõ vào cửa kính của lái xe yêu cầu dừng lại. Nhưng người lái xe, tên là Karim, một người đàn ông gầy nhom, da ngăm đen, với bộ mặt diều hâu xương xẩu, bộ ria mép mảnh như kẻ bằng bút chì, lắc đầu, quát trả lại:

- Chúng ta ở quá gần Kabul. Bảo nó có cái bụng khoẻ vào chứ.

Baba càu nhàu gì đó nghe không rõ. Tôi muốn nói với ông tôi xin lỗi, nhưng bất chợt tôi bị chảy nước miếng, sâu trong họng tôi có vị mật đắng. Tôi quay đi vén vải bạt lên và nôn thốc qua thành xe đang chạy. Phía sau tôi, Baba đang xin lỗi những hành khách khác. Như thể say xe là một tội lỗi. Như thể anh không được phép say xe khi anh đã mười tám tuổi. Tôi nôn thốc nôn tháo hai lần nữa trước khi Karim đồng ý dừng xe, chủ yếu để tôi không làm bẩn xe của hắn ta, công cụ mưu sinh của hắn. Karim là dân chở lậu người - một nghề rất béo bở, chở dân chúng thoát khỏi Kabul đang bị quân Shorawi 1 chiếm đóng, sang vùng tương đối an toàn hơn ở Pakistan. Hắn sẽ đưa chúng tôi đến Jalalabad cách Kabul 170 km về phía Đông Nam, nơi em hắn, Toor có một chiếc xe tải lớn hơn để chở chúng tôi, cùng một đoàn người tị nạn đang đợi nữa, vượt qua đèo Khyber vào tỉnh Peshawar 2.

Chúng tôi còn cách thác Mahipar vài cây số nữa về phía Tây thì Karim tạt xe vào lề đường. Mahipar - có nghĩa "Cá Bay" - một đỉnh núi cao với độ dốc dựng đứng nhìn xuống xí nghiệp sử dụng lực chảy của nước do người Đức xây dựng ở Afghanistan từ năm 1967. Baba và tôi đã từng lái xe qua cái đỉnh đó không biết bao nhiêu lần trên đường chúng tôi tới Jalalabad, thành phố của những cây bách và những cánh đồng mía mà người Afghan đến nghỉ đông.

Tôi nhảy xuống phía sau xe, lảo đảo bước tới lề đường đầy bụi. Miệng tôi đầy nước dãi, một dấu hiệu của cơn buồn nôn sắp đến lúc bật ra. Tôi loạng choạng đến bở vách đá trông xuống một thung lũng sâu bóng tối bao trùm. Tôi cúi rạp người hai tay ôm đầu gối chờ mật xanh, mật vàng. Đâu đó một cành cây gãy răng rắc, một con cú kêu. Gió dịu và lạnh rì rào qua những cành lá và làm chao đảo các bụi cây rải rác nơi sườn dốc. Và từ phía dưới, tiếng nước đổ ào ào qua lũng sâu.

Đứng trên mép đường, tôi nghĩ về cung cách chúng tôi rời khỏi ngôi nhà mà tôi đã từng sống cả đời, như thể chúng tôi chỉ ra ngoài một chốc: những chiếc đĩa còn dính đầy món kofta chất trong chậu rửa, quần áo là ủi trong cái rổ đan bằng liễu gai ở ngoài tiền sảnh, giường bề bộn, quần áo mặc khi giao dịch kinh doanh của Baba treo trong tủ tường. Nhưng tấm thảm vẫn còn treo trên tường phòng khách và những cuốn sách của mẹ tôi vẫn chất đầy các giá sách phòng đọc của Baba. Những dấu hiệu của tha hương thật mơ hồ: Bức ảnh đám cưới của cha mẹ tôi đã bị tháo mất cùng với tấm ảnh lụa của ông nội tôi và quốc vương Nader Shah đứng bên ngắm con nai chết. Một vài bộ quần áo không còn trong tủ tường. Cuốn sổ tay bìa bọc da chú Rahim Khan đã cho tôi năm năm trước đây cũng đã mất.

Vào lúc sáng, Jalaluddin - người ở thứ bảy của chúng tôi trong năm năm qua - có thể sẽ nghĩ chúng tôi đi tản bộ hoặc lái xe đi dạo. Chúng tôi đã không nói với ông ta. Không thể tin ai ở Kabul nữa - chỉ cần được giúi cho ít tiền hoặc lo bị hại, là người ta sẽ tố cáo nhau, hàng xóm tố hàng xóm, con cái tố cha mẹ, em tố anh, đày tớ tố chủ nhà, bạn bè tố nhau. Tôi nghĩ đến ca sĩ Ahmad Zahir, người đã chơi phong cầm tại buổi sinh nhật lần thứ mười ba của tôi. Ông ấy lái xe đi cùng với mấy người bạn, và sau đó, người ta tìm thấy xác ông bên lề đường với một viên đạn đằng sau gáy. Các rafiq, tức là các đồng chí, có mặt ở khắp nơi, và họ đã xẻ đôi Kabul thành hai nhóm: nghe lén và không nghe lén. Cái khó là chẳng ai biết ai thuộc bên nào. Một nhận xét ngẫu nhiên với bác thợ may, trong khi thử cho vừa một bộ quần áo có thể dẫn bạn vào hầm tối nhà lao Poleh-charkhi. Phàn nàn về lệnh giới nghiêm với ông hàng thịt, và điều sau đó bạn nhận ra là mình đã ở đằng sau những song sắt, mắt hoang mang nhìn vào cái họng của một khẩu Kalashnikov. Ngay cả tại bàn ăn trong nhà riêng của mình, dân chúng cũng phải nói năng một cách đắn đo - các rafiq có cả ở trong lớp học nữa, họ dạy trẻ con do thám cha mẹ mình, chú ý nghe những gì, kể lại với ai.

Tôi đang làm gì trên con đường này, vào giữa đêm khuya? Lẽ ra tôi phải nằm trên giường, dưới tấm chăn, với một cuốn sách góc quăn tai chó ngay bên cạnh. Điều này hẳn là một giấc mơ. Phải là như thế. Sáng hôm sau tôi thức dậy, nhòm ra ngoài cửa số. Không bóng dáng đám lính Nga vẻ mặt dữ tợn tuần tiễu trên hè, không xe tăng bất thình lình xuất hiện trên đường phố của thành phố tôi, tháp súng xoay đi xoay lại như những ngón tay đang kết tội, không còn đồng rúp, không còn lệnh giới nghiêm, không còn những xe quân sự của Quân đội Nga như thoi đưa ở khu phố chợ. Rồi, phía sau tôi, tôi nghe thấy tiếng của Baba và Karim đang hút thuốc, bàn cãi về việc thu xếp ở Jalalabad. Karim đảm bảo với Baba rằng em hắn có một chiếc xe tải lớn "chất lượng cao loại thượng hạng" và hành trình di cư sang Peshawar đã trở nên quá thông thường rồi. "Nó có thể nhắm mắt đưa ông đến đó," Karim nói. Tôi thoáng nghe thấy, hắn bảo Baba là hắn và em trai hắn biết lính Nga và lính Afghan làm việc ở những trạm kiểm soát ra sao, hắn đã cạ với chúng việc thu xếp "hai bên đều có lợi" như thế nào. Việc đó không phải là chuyện mơ. Như thể để kết thúc việc thảo luận, một chiếc MIG bất chợt rú lên bay qua đầu. Karim quăng điếu thuốc và rút khẩu súng ngắn ở thắt lưng ra. Chĩa súng lên trời, hắn làm động tác bắn, rồi chửi và nhổ về phía chiếc MIG.

Tôi tự hỏi không biết Hassan ở đâu. Rồi đến điều không thể tránh khỏi. Tôi nôn lên đám cỏ dại, tiếng nôn khan và rên rỉ của tôi chìm hẳn trong tiếng gầm rú điếc đặc của chiếc MIG.

Hai mươi phút sau, chúng tôi tới chỗ trạm kiểm soát ở Mahipar. Tài xế của chúng tôi để chiếc xe tải nổ máy, và nhảy xuống chào đón những giọng nói đang tiến lại. Chân day day sỏi. Vài lời trao đổi ngắn gọn, kín kẽ. Một nhát quẹt của chiếc bật lửa. "Spasseba" 3.

Lại một nhát quẹt khác của bật lửa. Ai đó cười. Tiếng cười the thé chói tai làm tôi nảy người lên. Tay của Baba ghìm chặt đùi tôi xuống. Người đàn ông đang cười bỗng hát lên líu la líu lường lạc điệu, một bài hát trong hôn lễ của người Afghan, nặng trịch giọng Nga:

Ahesta boro, Mah-e-man ahesta boro
Lên từ từ, vầng trăng yêu dấu của ta, lên từ từ.

Những gót ủng lộp cộp trên đường nhựa. Ai đó mở tung tấm vải bạt phủ phía sau xe tải, và ba bộ mặt thò vào. Một là Karim, hai kẻ kia là hai tên lính, một tên người Afghan, tên kia, một lính Nga nhăn nhở, mặt như mặt chó biển, thuốc lá phì phèo lệch một bên miệng. Phía sau bọn chúng là một vầng trăng trắng hếu như xương khô lơ lửng trên bầu trời. Karim và tên lính Afghan trao đổi ngắn gọn bằng tiếng Pashtu. Tôi hiểu được đôi chút, một cái gì đó về Toor và vận rủi của hắn. Tên lính Nga thò mặt vào phía sau xe tải. Hắn vẫn đang ê a bài hát cưới, ngón tay gõ nhịp vào mép thành hậu của xe. Ngay cả trong ánh trăng lờ mờ, tôi vẫn thấy được cái nhìn đờ đẫn trong đôi mắt của hắn, khi lia từ hành khách này sang hành khách khác. Mặc dầu lạnh, mồ hôi ròng ròng chảy từ lông mày hắn xuống. Đôi mắt hắn dừng lại ở người thiếu phụ chít khăn san đen. Hắn nói tiếng Nga với Karim, mắt không rời người đàn bà. Karim trả lời bằng tiếng Nga cụt lủn, rồi tên lính đáp lại gay gắt và còn cộc lốc hơn. Tên lính Afghan cũng nói một điều gì đấy giọng nhỏ nhẹ và biết điều hơn. Nhưng tên lính Nga quát lên cái gì đó, khiến hai tên kia ngần ngại. Tôi cảm thấy Baba ngồi sát vào tôi. Karim hắng giọng, cúi đầu xuống. Nói tên lính Nga muốn có nửa giờ với người thiếu phụ ở đằng sau xe tải.

Người thiếu phụ kéo chiếc khăn san xuống trùm kín mặt. Oà lên khóc. Đứa trẻ ngồi trên lòng chồng chị ta cũng oà khóc theo. Mặt người chồng trở nên nhợt nhạt như mảnh trăng lởn vởn trên trời. Ông ta bảo Karim yêu cầu "ông lính Sahib" thể hiện một chút tình thương, có thể ông có một người em gái hoặc một bà mẹ, cũng có thể cả một người vợ nữa. Tên Nga nghe Karim nói và sủa lên một loạt những từ gì đó.

- Đó là cái giá để chúng ta được đi qua. - Karim nói. Hắn không dám nhìn vào mắt người chồng.

- Nhưng chúng tôi đã trả một giá rất sòng phẳng rồi, - người chồng nói.

Karim và tên lính nói với nhau.

- Nó nói... nó nói, mọi giá đều phải chịu thuế.

Thế là Baba đứng phắt dậy. Đến lượt tôi phải níu chặt tay tôi vào đùi ông, nhưng Baba gỡ tay tôi và rút chân ra. Khi ông đứng lên, ông che khuất ánh trăng:

- Tôi muốn anh hỏi người đàn ông kia một điều, - Baba nói. Nói với Karim, nhưng nhìn thẳng vào tên sĩ quan Nga. - Hỏi hắn, sự liêm sỉ cua hắn để đâu?

Họ lại nói với nhau.

- Hắn nói đây là chiến tranh. Không có liêm sỉ trong chiến tranh.

- Bảo với hắn là hắn nhầm. Chiến tranh không huỷ bỏ phép tắc. Nó đòi hỏi phép tắc thậm chí còn hơn cả thời bình.

Bố cứ phải luôn luôn là một người anh hùng ư? Tôi nghĩ. Tim đập loạn xạ. Bố không thể chỉ một lần bỏ qua sao? Nhưng tôi biết ông không thể. Điều đó không có trong bản tính của ông. Vấn đề là bản tính của ông sẽ làm cho tất cả chúng tôi bị giết.

Tên lính Nga nói gì đó với Karim, một nụ cười nhếch lên trên đôi môi hắn.

- Agha sahib, - Karim nói, - cái lũ Roussi 4 này chúng không giống chúng ta. Chúng chẳng hiểu gì về tôn trọng và danh dự.

- Nó nói cái gì?

- Nó nói nó cũng thích được nã một viên đạn vào người ông không kém gì... - Karim nói nhỏ dần không nghe rõ nữa, nhưng gật gật đầu về phía người thiếu phụ đã rơi vào con mắt của tên lính canh. Tên lính búng điếu thuốc đang hút dở của hắn đi và rút khẩu súng ngắn ra khỏi bao. Vậy đây là nơi Baba sẽ chết. Tôi nghĩ. Chuyện sắp xảy ra như thế. Tôi đọc thầm một câu kinh trong đầu.

- Bảo với nó tôi sẽ nhận một nghìn viên đạn của nó trước khi tôi để cho sự vô luân xảy ra. - Baba nói.

Tâm trí tôi chợt bừng lên cái ngày mùa đông sáu năm trước đây. Tôi, từ góc phố chăm chú nhìn vào sâu trong ngõ. Kamal và Wali đè Hassan xuống. Những cơ mông của Assef ép chặt và nới lỏng, đôi hông của nó giúi vào kéo ra. Cứ cho tôi đã từng là một anh hùng nào đó đi, tôi vẫn đang bị cái diều dằn vặt. Đôi khi, chính tôi cũng không biết mình có thực sự là con trai Baba không.

Gã người Nga mặt chó biển nâng khẩu súng lên.

- Baba, con xin bố ngồi xuống. - tôi vừa nói vừa giật mạnh ống tay áo ông. - Con nghĩ nó thực sự định bắn bố đấy.

Baba gạt bàn tay tôi ra, giận dữ nói:

- Ta đã không dạy con chút nào ư?

Rồi ông quay về phía tên lính đang nhăn nhở:

- Bảo nó, tốt hơn là hãy bắn tao một phát chết ngay. Bởi nếu tao không ngã xuống, tao sẽ xé nó thành nhiều mảnh, chết tiệt cái thằng bố nó!

Tên lính Nga không chịu thôi nhăn nhở khi nghe phiên dịch lại. Hắn gạt chốt hãm trên khẩu súng, chĩa nòng súng vào ngực Baba. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực, tôi lấy hai tay che mặt.

Khẩu súng gầm lên.

Thế là xong. Tôi mười tám và đơn độc. Tôi chẳng còn ai trên đời này. Baba đã chết và bây giờ tôi phải chôn ông. Tôi chôn ông ở đâu? Sau đó tôi đi đâu?


Nhưng cơn lốc xoáy nhưng ý nghĩ dở dang quay cuồng trong đầu tôi dừng lại khi tôi giương mi mắt, thấy Baba vẫn đứng. Tôi thấy một viên sĩ quan Nga thứ hai cùng với những kẻ khác. Chính là khói cuộn lên từ họng súng của ông ta chĩa lên trời. Tên lính định bắn Baba đã tra súng vào bao. Hắn đang lê chân bước đi. Tôi chưa từng bao giờ cảm thấy muốn dở khóc dở cười hơn như thế.

Viên sĩ quan Nga thứ hai, tóc đốm bạc, bệ vệ nói với chúng tôi bằng tiếng Farsi bập bẹ. Ông ta xin lỗi chúng tôi về cách xử sự của tay đồng chí của mình. Ông ta nói:

- Nước Nga gửi họ đến đây để chiến đấu. Nhưng họ mới chỉ là những chàng trai, và khi tới đây họ tìm thấy khoái lạc của ma tuý. - Ông ta nhìn tên sĩ quan trẻ bằng đôi mắt buồn rầu của một người cha bực tức với đứa con trai mất tư cách của mình. - Thằng này cũng dính dáng đến ma tuý đấy. Tôi cố ngăn nó... - Ông ta vẫy ra hiệu cho chúng tôi đi.

Một lát sau, chúng tôi phóng xe đi khỏi. Tôi nghe thấy một tiếng cười, rồi tiếp đến cái giọng sền sệt lạc điệu của tên lính lúc đầu hát bài hát cổ trong đám cưới.

Chúng tôi đi trên xe trong im lặng khoảng mười lăm phút, trước khi chồng người thiếu phụ bất chợt đứng lên và làm một điều tôi đã từng thấy nhiều người khác làm trước ông ta: Hôn tay của Baba.

Vận rủi của Toor. Chẳng phải tôi đã tình cờ nghe thấy điều đó trong câu chuyện ở Mahipar sao?

Chúng tôi lăn bánh đến Jalalabad vào khoảng một giờ trước lúc mặt trời mọc. Karim nhanh chóng đưa chúng tôi xuống xe và dẫn vào ngôi nhà một tầng ở ngã tư hai con đường bẩn thỉu, suốt dọc toàn những dãy nhà một tầng mái bằng, những cây keo và những cửa hiệu đóng kín. Tôi kéo cổ áo khoác lên để chống lạnh lúc chúng tôi vội vã chạy vào ngôi nhà kéo theo đồ đạc của mình. Không hiểu tại sao, tôi nhớ tới mùi củ cải.

Khi đã đưa chúng tôi vào trong án phòng khách trống không nhờ tối, Karim liền khoá cửa trước lại, kéo cái khăn trải giường rách thay cho rèm che. Rồi hắn thở phào và báo cho mọi người một tin xấu: Toor, em trai hắn không thể đưa chúng tôi sang Peshawar. Hình như máy móc chiếc xe tải của gã bị nổ tuần trước, và Toor vẫn đang đợi nhưng bộ phận thay thế.

- Tuần trước ư? - Ai đó kêu lên. - Nếu biết thế, tại sao anh còn mang chúng tôi tới đây?

Tôi thấy có gì ào một cái qua đuôi mắt tôi. Rồi một cái bóng vụt ngang qua căn phòng, và tiếp đó tôi nhìn thấy Karim bị ghì chặt vào tường, đôi chân nguyên dép của hắn đung đưa cách sàn nhà hơn nửa mét. Hai bàn tay Baba đang tóm quanh cổ hắn..

- Tao sẽ nói cho mày biết tại sao, - Baba giận dữ bảo. - Bởi vì nó đã nhận được tiền phần chặng đường của nó. Đó là tất cả những gì nó quan tâm.

Karim đang ngạt thở ú ớ kêu lên. Nước dãi nhỏ ra bên mép hắn.

- Bỏ hắn xuống, Agha, ông giết hắn mất, - một trong số hành khách nói.

- Chính là điều tôi định làm đấy, - Baba nói. Điều mà không ai trong số những người khác trong căn phòng biết được ấy là Baba không đùa. Karim đang đỏ tía lên và giật giật chân. Baba vẫn bóp chặt cổ hắn cho tới khi người mẹ trẻ, cái người mà tên sĩ quan Nga đã mê thích đó, van xin ông dừng lại.

Karim ngã vật trên nền nhà, lăn lộn để hít thở khi Baba cuối cùng cũng thả hắn ra. Căn phòng trở nên im lìm. Chưa đầy hai giờ trước. Baba đã tự nguyện nhận một viên đạn vì danh dự của một người phụ nữ ông không hề quen biết. Lúc này ông suýt đã bóp chết một người đàn ông, và chắc sẽ sung sướng làm xong việc đó nếu không có lời cầu xin của vẫn người phụ nữ ấy.

Có cái gì đó đập thùm thùm ở nhà bên. Không, không phải nhà bên, mà phía dưới.

- Cái gì thế? - Ai đó hỏi.

- Bọn khác, - Karim hổn hển giữa những hơi thở khó nhọc, - ở dưới hầm.

- Bọn họ đợi bao lâu rồi? - Baba hỏi, vừa sáp lại Karim.

- Hai tuần.

- Tao nghĩ mày vừa nói, chiếc xe tải hỏng tuần trước.Karim vuốt cổ họng, ộp ộp như ếch:

- Có thể tuần trước nữa.

- Bao lâu?

- Cái gì?

- Bao lâu để thay máy? - Baba gầm lên.

Karim rúm người lại nhưng không nói gì. Tôi thấy mừng vì bóng tối. Tôi không muốn thấy cái nhìn sát nhân trên bộ mặt Baba.

Mùi hôi nhớp nhúa, giống như mùi rêu mốc, xộc vào mũi tôi lúc Karim mở cánh cửa dẫn chúng tôi xuống nhưng bậc thang ọp ẹp ở dưới hầm. Chúng tôi đi xuống theo hàng một. Những bậc thang rên lên dưới sức nặng của Baba. Đứng trong căn hầm lạnh, tôi cảm thấy như bị những con mắt chập chờn trong bóng tối theo dõi. Tôi thấy những hình người rúc vào nhau quanh phòng, bóng họ in lên tường bởi ánh sáng lờ mờ của hai ngọn đèn dầu. Một tiếng thì thầm khe khẽ lan truyền suốt căn hầm, át tiếng nhưng giọt nước rỉ ở đâu đó, và một tiếng gì khác nữa, như tiếng gãi.

Baba thở dài phía sau tôi, buông những túi đồ xuống.

Karim bảo chúng tôi sẽ chỉ mất vài ba ngày là sửa xong chiếc xe tải. Rồi thì chúng tôi sẽ trên đường sang Peshawar. Trên đường tới tự do. Trên đường tới an toàn.

Căn hầm là nhà của chúng tôi suốt tuần sau đó và tới đêm thứ ba tôi khám phá từ đâu ra tiếng gãi. Những con chuột cống.

Khi mắt đã quen bóng tối, tôi đếm được ba mươi người tị nạn trong căn hầm. Chúng tôi ngồi vai kề vai dọc theo những bức tường, ăn bánh quy, bánh mì lâu ngày và táo. Đêm đầu tiên đó, tất cả mọi người đều cùng nhau cầu kinh. Một trong số người tị nạn hỏi Baba tại sao ông không tham gia cùng họ:

- Thượng đế sẽ cứu vớt tất cả chúng ta. Tại sao ông không cầu xin Người?

Baba xì mũi. Duỗi chân ra:

- Cái sẽ cứu vớt chúng ta là tám bộ xi-lanh và cái chế hoà khí tốt.

Thế là đám còn lại câm lặng luôn về vấn đề Thượng đế.

Mãi khuya của đêm đầu tiên ấy tôi mới phát hiện ra hai người trong đoàn trốn tránh cùng chúng tôi là Kamal và bố nó. Thấy Kamal ngồi trong căn hầm chỉ cách tôi gần nửa mét, tôi khá ngạc nhiên. Nhưng khi nó và bố nó ngồi xích lại bên chúng tôi, tôi nhìn rõ bộ mặt của Kamal, thực sự nhìn rõ...

Nó đã tàn héo - không còn từ nào đơn giản hơn để gọi. Đôi mắt nó như một cái hốc nhìn tôi và không có vẻ nhận ra nét gì. Vai nó gồ lên, đôi má xệ xuống như thể quá mệt mỏi không bám nổi vào xương gò má nữa. Bố nó, người đã từng sở hữu một rạp chiếu phim ở Kabul, đang kể cho Baba nghe ba tháng trước đây một viên đạn lạc đã bắn trúng vào thái dương giết chết vợ ông như thế nào. Rồi ông ta kể với Baba về thằng Kamal. Tôi chỉ nghe được lỗ chỗ: Nhẽ ra chẳng bao giờ được để nó đi một mình... lúc nào cũng thế, thật đẹp trai, ông biết đấy... bốn đứa chúng nó... chống trả... Thượng đế... chụp được nó... nhỏ máu đầm đìa xuống đó... cái quần của nó... chẳng nói gì nữa... chỉ trừng trừng...


Sẽ không có xe tải, Karim bảo chúng tôi thế sau khi chúng tôi đã trải qua một tuần lễ trong cái căn hầm nhung nhúc chuột. Chiếc xe tải không chữa nổi.

- Có một cách khác, - Karim nói, giọng hắn nổi lên giữa những tiếng kêu rên.

Anh họ hắn là chủ một xe tải chở xăng dầu và đã từng chở lậu người bằng chiếc xe đó đôi ba lần. Hắn đang ở Jalalabad và đủ sức chở tất cả chúng tôi.

Mọi người, trừ một cặp vợ chồng đã cao tuổi, đều quyết định đi.

Đêm đó, chúng tôi, Baba và tôi, Kamal và bố nó, cùng những người khác rời đi. Kamal và người anh họ hắn, một gã đàn ông mặt vuông, đầu hói tên là Aziz, giúp chúng tôi chui vào bồn xăng. Từng người một, chúng tôi trèo lên cái sàn hậu xe, rồi leo lên thang sau và tụt xuống bồn xăng. Tôi còn nhớ Baba leo lên giữa chừng lại nhảy xuống và moi ở túi ra một hộp thuốc lá hít. Ông dốc hết thuốc ở hộp ra, và bốc một vốc tay bụi đất ở giữa con đường không rải nhựa. Ông hôn bụi đất. Đổ vào trong hộp. Đút hộp vào túi ngực, gần tim ông.

Kinh hoàng.

Bạn mở miệng ra. Mở thật rộng cho xương hàm kêu răng rắc. Bạn ra lệnh cho phổi mình hít không khí, LÚC NÀY, bạn cần không khí, cần nó LÚC NÀY. Nhưng đường khí quản của bạn lờ bạn đi. Chúng suy sụp, thít chặt, co quắp và bất chợt bạn như đang thở qua một ống rơm. Miệng bạn ngậm lại và đôi môi bạn mím chặt, tất cả những gì bạn có thề xoay xở được là một tiếng ộp ộp nghẹn tắc. Hai bàn tay bạn vặn vẹo, lúc lắc. Đâu đó một cái đập nứt toác và một luồng mồ hôi lạnh tràn ra, ướt đẫm cơ thể bạn. Bạn muốn la hét lên vì sợ. Bạn sẽ làm thế nếu bạn có thể. Nhưng bạn phải thở đã rồi mới la hét được.

Kinh hoàng.

Căn hầm đã tối. Cái bồn xăng còn tối đen hơn. Tôi nhìn phải, nhìn trái, xuống, lên, vẫy vẫy hai tay trước mắt, không thấy một mảy may cử động. Tôi chớp, rồi lại chớp mắt. Chẳng thấy gì hết. Chẳng còn là không khí nữa, nó sền sệt, thậm chí đặc quánh nữa. Không khí đáng ra không được đặc quánh. Tôi muốn vươn hai bàn tay ra, nghiền nát không khí thành những mảnh nhỏ, nhồi chúng vào khí quản của tôi. Và cái mùi hôi hắc đó của dầu diesel. Mắt tôi nhức nhối hơi dầu, như ai đó lộn mi mắt tôi lên và xát chanh lên đó. Mũi tôi như bắt lửa sau mỗi lần thở. Mày có thể chết trong một chỗ như thế này, tôi nghĩ vậy. Một tiếng la hét đang chực bật ra. Bật ra, bật ra...

Và rồi một điều thần kỳ nhỏ. Baba giật ống tay áo tôi, và một cái gì đó sáng xanh lên trong bóng tối. Ánh sáng! Đồng hồ đeo tay của Baba. Tôi dán chặt đôi mắt vào hai chiếc kim dạ quang xanh đó. Tôi quá sợ tôi sẽ mất chúng. Tôi không dám chớp mắt.

Dần dần, tôi nhận ra được những gì ở quanh tôi. Tôi nghe thấy những tiếng rên và tiếng lầm rầm cầu nguyện. Tôi nghe thấy tiếng một em bé khóc, tiếng ru thầm của mẹ nó. Ai đó nôn khan. Ai đó nguyền rủa bọn Shorawi. Chiếc xe tải lắc lư bên này qua bên khác, nảy xuống, nảy lên. Những cái đầu đập vào vỏ sắt.

- Nghĩ đến điều gì tốt đẹp. - Baba thì thầm vào tai tôi. - Điều gì hạnh phúc.

Điều gì tốt đẹp. Điều gì hạnh phúc. Tôi mặc cho trí não tôi lang thang. Tôi mặc nó đến đâu thì đến.

Chiều thứ Sáu ở Paghman. Một cánh đồng cỏ rộng lốm đốm những cây dâu tằm nở hoa. Hassan và tôi đứng ngập gót chân trong cỏ mọc hoang. Tôi đang giật mạnh dây diều, cuộn dây đang quay trong hai bàn tay chai sạn của Hassan, mắt chúng tôi ngước nhìn lên bầu trời. Không một lời trao đổi giữa chúng tôi, không phải bởi vì chúng tôi không có gì để nói, mà bởi vì chúng tôi không cần phải nói điều gì. Đó, giữa những con người là những ký ức đầu tiên của nhau, những con người đã cùng được nuôi từ một bầu sữa mẹ là như thế. Một luồng gió nhẹ làm lay động đám cỏ và Hassan để cho cuộn dây lăn. Chiếc diều quay đảo, ngụp chìm, rồi đứng vững. Đôi bóng sinh đôi của chúng tôi nhảy múa trên thảm cỏ gợn sóng. Từ đâu đó, bên kia dãy tường gạch thấp phía cuối cánh đồng, chúng tôi nghe thấy tiếng chuyện gẫu, tiếng cười và tiếng róc rách của một vòi phun nước. Và nhạc, có vẻ xưa cũ và quen thuộc. Tôi nghĩ đó là bài Ya Mowlah trên đàn dây Rubab. Có ai đó gọi chúng tôi bên kia tường và nói đã đến giờ uống trà, ăn bánh ngọt.

Tôi không nhớ đó là tháng nào, và cả năm nào nữa. Tôi chỉ biết kỷ niệm đó sống trong tôi, một mẩu dĩ vãng tốt đẹp được đóng nang hoàn hảo, một nét chổi lông phết màu lên khung vải cằn cỗi, xám xịt cuộc đời giờ đây chúng tôi đã rơi vào.

Phần còn lại của chuyến xe đó là những mẩu và những mảnh rải rác của ký ức đến rồi lại đi, phần lớn là âm thanh và mùi vị: Tiếng gầm rú của máy bay MIG trên đầu, những tràng súng máy, một con lừa be be gần đó, tiếng nhạc đeo cổ leng keng, và tiếng cừu ọ oẹ, tiếng sỏi rải đường bị nghiến nát dưới bánh xe tải, một đứa bé hờn trong bóng tối, mùi hôi của dầu diesel, mùi nôn mửa, mùi phân.

Những gì tôi nhớ tiếp theo là ánh sáng loá mắt của buổi sớm mai khi trèo ra khỏi bồn xăng. Tôi nhớ mình đã ngửa mặt lên trời, hiếng mắt, thở như thể thế giới sắp cạn kiệt không khí. Tôi nằm xoài trên bờ con đường đất cạnh một khe đá, ngước nhìn lên bầu trời màu xám buổi ban mai, biết ơn khí trời, biết ơn ánh sáng, biết ơn được sống sót.

- Amir, chúng ta đã ở Pakistan, - Baba nói. Ông đang đứng bên nhìn tôi. - Karim bảo hắn sẽ gọi một chuyến xe buýt chở chúng ta tới Peshawar.

Tôi cuộn người lại, vẫn nằm trên đất lạnh và nhìn thấy những chiếc vali của chúng tôi phía chân bên kia Baba. Nhìn qua khe chữ V lộn ngược giữa hai chân ông, tôi thấy chiếc xe tải nổ máy đứng yên bên bờ đường, những người tị nạn khác đang trèo xuống thang. Xa hơn, con đường đất trải ra qua những cánh đồng như những chiếc khăn màu chì dưới bầu trời xám, rồi biến mất sau dãy đồi bát úp. Dọc theo con đường là một ngôi làng nhỏ trải dài trên sườn dốc tràn ánh nắng.

Mắt tôi quay trở lại nhìn những chiếc vali của chúng tôi. Chúng khiến tôi buồn cho Baba. Sau mọi thứ ông đã từng gây dựng, lập kế hoạch, đấu tranh, day dứt, ước mơ, gói ghém lại đời ông chỉ còn thế này đây: một đứa con trai bất đắc ý và hai chiếc vali.

Ai đó đang kêu thét. Không, không phải kêu thét. Mà đang khóc. Tôi thấy hành khách tụm lại thành một vòng tròn, nghe thấy những tiếng gọi khẩn thiết.

Ai đó nói từ "khí độc". Người khác cũng nói thế. Tiếng kêu thét chuyền thành tiếng rít xé họng.

Baba và tôi vội chạy tới đám người đứng xem và đẩy họ ra để chen vào. Bố của Kamal đang ngồi xếp bằng tròn ở giữa vòng người, lay đi lay lại, hôn lên bộ mặt xám như tro của đứa con trai.

- Nó không thở nữa! Con trai tôi không thở nữa! - Ông đang kêu khóc. Cơ thể không còn sinh khí của Kamal nằm trên lòng ông. Bàn tay phải nó duỗi ra, rũ xuống, đung đưa theo nhịp thổn thức của người cha.

- Con trai tôi! Nó không thở nữa! Lạy thánh Allah, xin người giúp nó thở đi!

Baba quỳ xuống bên cạnh ông và quàng cánh tay lên vai ông. Nhưng bố của Kamal đẩy ông ra và nhào tới Karim đang đứng gần người anh họ hắn. Những gì xảy ra tiếp theo quá nhanh, quá gọn không thể gọi là cuộc ẩu đả. Karim thốt ra một tiếng kêu kinh ngạc và lùi lại. Tôi thấy một cánh tay vung lên và chân đá. Giây sau, ông bố của Kamal đã đang đứng với khẩu súng của Karim trong tay.

- Đừng bắn tôi! - Karim kêu lên.

Nhưng trước khi bất kỳ ai trong chúng tôi kịp nói hoặc làm được điều gì, bố của Kamal đã đưa nòng súng lên miệng mình. Tôi sẽ không bao giờ quên được tiếng vang của phát nổ đó. Hay chớp lửa và máu đỏ phun ra.Tôi lại gập người và nôn khan bên vệ đường.


--------------------------------
1Shorawi: Từ Afghanistan, chỉ quân đội Nga.
2
Peshawar: Tỉnh bên giới của Pakistan, giáp với Afghanistan.
3Spasseba: Phát âm theo tiếng Nga có nghĩa là cảm ơn.
4Roussi: cách gọi người Nga.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XI

Fremont, California. Những năm 80



Baba yêu tư tưởng của nước Mỹ.Chính cuộc sống ở Mỹ đã khiến ông bị ung loét.

Tôi còn nhớ hai bố con tôi đi bộ qua Công viên Hồ Elizabeth ở Fremont, cách căn hộ của chúng tôi vài dãy phố, xem bọn con trai chơi bóng chày, bọn con gái nhỏ cười khúc khích trên những chiếc xích đu trong sân chơi. Baba thường giảng giải cho tôi sáng tỏ quan điểm chính trị của ông suốt những cuộc dạo bộ đó, bằng những bài bình luận vòng vèo dài dòng. Ông thường nói:

- Chỉ có ba hạng đàn ông thực thụ trên thế giới này, Amir ạ. Ông kể tên ra bằng đầu ngón tay: Người Mỹ, vị cứu tinh quá tự tin, người Anh và người Israel.

- Còn lại tất cả, - ông phẩy tay, miệng kèm theo một tiếng phừ rựt, - đều như những bà già kể chuyện.

Tư tưởng khuynh Israel thường dẫn đến sự tức giận của người Afghan ở Fremont, họ lên án ông thân Do Thái và thực tế là bài Hồi. Baba thường gặp họ để uống trà và nhấm nháp bánh ngọt rowt 1tại công viên, và làm họ phát điên với những quan điểm chính trị của ông. Sau đó ông thường bảo tôi:- Cái họ không hiểu là tôn giáo chẳng có can hệ gì đến việc này.Theo quan điểm của Baba, Israel là một hòn đảo của "những người đàn ông đích thực" trong cái biển toàn những người Ẳ rập quá bận rộn với việc béo ú lên từ dầu mỏ của họ, không buồn quan tâm đến chính bản thân họ nữa. "Israel làm điều này. Israel làm điều nọ," - Baba thường nói nhại theo giọng Ẳ rập "Vậy hãy làm gì đó đi. Hành động đi. Các ông là người Ẳ rập, vậy hãy giúp người Palestine đi."Ông ghét cay ghét đắng ngài Jimmy Carter 2, người mà ông gọi là "kẻ răng to đần độn." Năm 1980, khi chúng tôi vẫn còn ở Kabul, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tẩy chạy đại hội Olympic ở Matxcơva. Baba kêu lên tởm lợm:

- Wah wah! Chà chà! Brezhnev đang tàn sát tập thể người Afghan, thế mà tất cả những gì gã ăn lạc ấy có thể nói chỉ là "Tôi sẽ không đến bơi trong cái bể bơi của anh."

Baba tin tưởng Carter đã vô tình làm nhiều cho chủ nghĩa cộng sản hơn cả Leonid Brezhnev. "Ông ta không đủ sức điều hành đất nước này. Nó giống đặc một thằng con trai không biết đi xe đạp sau tay lái của một chiếc Cadillac kiểu mới." Những gì nước Mỹ và thế giới cần là một người đàn ông cứng rắn. Một người đàn ông được chọn lựa, một ai đó hành động thay vì vặn vẹo hai tay lo lắng. Một ai đó theo kiểu của Ronald Reagan.Và khi Reagan lên truyền hình gọi bọn Shorawi là "Đế quốc đồi bại", Baba ra ngoài và mua một bức ảnh tổng thống nhe răng cười giơ ngón cái lên. Ông lồng khung tấm ảnh và treo ở hành lang của chúng tôi, ngay gần bức ảnh đen trắng cũ của bản thân ông, đeo chiếc nơ cổ nhỏ, và đang bắt tay Quốc vương Zahir Shah. Phần lớn hàng xóm của chúng tôi ở Fremont là những tài xế xe buýt, cảnh sát, những nhân viên trạm bán xăng dầu, và những bà mẹ không hôn thú hưởng phúc lợi xã hội, chính xác là toàn tầng lớp dân lao động chẳng mấy chốc sẽ ngạt thở dưới cái gối kiểu Reagan ép vào mặt họ. Baba là một người cộng hoà đơn độc trong chung cư của chúng tôi.

Nhưng khói Vùng Vịnh nhức mắt ông, tiếng ồn xe cộ làm ông đau đầu, và phấn hoa làm ông ho. Qua cây không đủ ngọt, nước không sạch lắm, và đâu rồi bao nhiêu cây cối với những cánh đồng rộng lớn? Hai năm trời, tôi cố khuyên Baba ghi tên vào những lớp ESL 3 để nâng cao thứ tiếng Anh vỡ lòng của ông. Nhưng ông mỉa mai ý tưởng đó. Ông càu nhàu: "Biết đâu ta phát âm được từ "mèo" và thầy giáo lại cho ta một ngôi sao nhỏ lấp lánh 4, thế là ta có thể chạy vội về nhà khoe nó với con."

Một Chủ nhật mùa xuân năm 1983, tôi bước vào hiệu sách nhỏ bán sách cũ bìa mềm, gần rạp chiếu phim Ấn Độ, ngay phía Tây nơi giao nhau giữa Amtrak và Đại lộ Fremont. Tôi bảo Baba chừng năm phút tôi sẽ ra và ông nhún vai. Ông đang làm việc tại trạm bán xăng ở Fremont và hôm nay là ngày nghỉ. Tôi dõi theo ông đi bừa ngang qua Đại lộ Fremont rồi vào cửa hàng tạp hoá nhỏ Fast & Easy (Nhanh và Thoải mái) của một cặp vợ chồng già người Việt Nam, ông bà Nguyễn. Họ là những người thân thiện, tóc đã hoa râm, bà bị bệnh Parkinson, ông đã bị thay xương hông. Bà luôn cười móm mém bảo tôi: "Ông ấy bây giờ nửa người nửa máy giống như Người Đàn ông Sáu Triệu Đô la." 5 "Người Đàn ông Sáu Triệu Đô la, nhớ chưa, Amir?" Rồi ông Nguyễn thường vừa trừng mắt vừa giả vờ chạy tập tễnh như diễn viên Lee Majors 6.

Tôi đang lật qua một cuốn sách cũ nát, truyện trinh thám có nhân vật Mike Hammer 7, thì nghe thấy tiếng kêu thét và tiếng kính vỡ. Tôi thấy ông bà Nguyễn đằng sau quầy hàng nép vào tường, mặt xám ngắt. Hai tay ông Nguyễn ôm lấy vợ mình. Trên nền nhà, những trái cam, một giá hàng bị lật nhào, một lọ thịt bò vỡ lăn long lóc và những mảnh kính vỡ dưới chân Baba.

Hoá ra Baba không mang theo tiền mặt đề mua cam. Ông đã viết cho ông Nguyễn một tấm séc, và ông Nguyễn yêu cầu cho xem giấy chứng minh. "Lão ta muốn xem giấy phép của ta," Baba rống lên bằng tiếng Farsi. "Gần hai năm nay chúng ta đã mua thứ hoa quả chết tiệt của lão, đút tiền vào túi lão và lão chó đẻ ấy lại muốn xem giấy phép của ta."

- Baba, đây không phải là chuyện cá nhân, - tôi vừa nói, vừa mỉm cười với ông bà Nguyễn. - Họ được phép hỏi giấy chứng minh.

- Ta không muốn ông ở đây - ông Nguyễn vừa nói vừa bước ra đứng chắn trước bà vợ. Ông chỉ vào Baba bằng chiếc gậy chống của ông. Ông quay lại bảo tôi. - Anh là một thanh niên tốt, nhưng cha anh, ông ấy điên. Không thể hoan nghênh ông ta chút nào nữa.

- Lão ta tưởng ta là tên ăn cướp ư? - Baba to tiếng nói. Đám đông tụ tập ở bên ngoài. Họ đang nhìn chằm chằm. - Có cái đất nước nào như thế này không? Chẳng ai tin ai nữa.

- Tôi gọi cảnh sát, - bà Nguyễn ló mặt ra nói. - Ông ra đi không tôi gọi cảnh sát.

- Bà Nguyễn, xin bà đừng gọi cảnh sát. Tôi sẽ đưa ông ấy về nhà. Chỉ xin bà đừng gọi cảnh sát, được không ạ?

- Phải, anh đưa ông ấy về nhà đi. Nên thế, - ông Nguyễn nói. Đôi mắt ông, đằng sau cặp kính lão gọng thép, không rời Baba. Tôi dẫn Baba qua cửa. Ông đá vào giá hàng lúc đi ra. Sau khi tôi đã thuyết phục ông hứa không quay lại nữa, tôi trở lại cửa hàng và xin lỗi ông bà Nguyễn. Nói cho ông bà biết, cha tôi đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Tôi cho ông bà Nguyễn địa chỉ và số điện thoại của chúng tôi, và bảo bà, tôi muốn có ước tính khoản thiệt hại. "Mong gọi cho tôi càng sớm càng tốt. Tôi sẽ đền đủ mọi thứ, bà Nguyễn. Tôi thành thực xin lỗi." Bà Nguyễn cầm mảnh giấy tôi trao và gật đầu. Tôi thấy hai tay bà run run hơn thường lệ, và làm tôi càng giận Baba, việc ông khiến một bà già phải run rẩy như thế.

- Cha tôi vẫn cần phải thích ứng dần với cuộc sống ở Mỹ, - tôi giải thích.

Tôi muốn nói cho họ biết rằng ở Kabul, chúng tôi bẻ một cành cây và sử dụng nó như một thẻ tín dụng. Hassan và tôi thường mang một chiếc que gỗ đến người làm bánh. Họ lấy dao khắc những vạch lên cây gậy của chúng tôi, một vạch là một ổ bánh naan mà họ thường kéo ra cho chúng tôi từ ngọn lửa cháy xèo xèo của lò nướng Tandoor. Vào cuối tháng, cha tôi trả tiền cho chủ tiệm theo số vạch khắc trên cây gậy. Có thế thôi. Không hỏi han gì. Không giấy chứng minh.

Nhưng tôi không nói với họ. Tôi cảm ơn ông Nguyễn đã không gọi cớm. Mang Baba về nhà. Ông dỗi và hút thuốc trên ban công, trong khi tôi nấu cơm với cổ gà hầm. Một năm rưỡi, từ khi chúng tôi bước xuống chiếc máy bay đến Peshawar, mà Baba vẫn đang thích ứng.

Tối đó chúng tôi ăn trong im lặng. Ăn được hai miếng, Baba đẩy đĩa của mình đi.

Tôi liếc nhìn ông qua bàn ăn, móng tay ông sứt mẻ đen sì dầu máy, các đốt ngón trầy xước, mùi của trạm ga - dầu, bụi, mồ hôi và dầu diesel - đầy quần áo. Baba giống như một người đàn ông goá vợ đã tái hôn mà không thể dứt bỏ hẳn người vợ quá cố. Ông thiếu vắng những đồng mía ở Jalalabad và những vườn quả ở Paghman. Ông thiếu vắng đám đông ra ra vào vào ngôi nhà của ông, nhớ nhung chuyến dạo bộ xuống những lối đi nhộn nhịp của khu phố chợ Shor, đáp lại sự chào đón của mọi người quen biết ông, biết cả ông nội của ông, cha của ông, những người cùng chung tổ tiên với ông mà quá khứ của họ đều dây mơ rễ má với quá khứ của ông.

Đối với tôi nước Mỹ là một chốn để tôi chôn vùi ký ức.

Đối với Baba, là một chốn để tiếc thương ký ức của ông.

- Có lẽ chúng ta phải quay về Peshawar. - Tôi vừa nói vừa nhìn đá lềnh bềnh trong cốc nước của tôi. Chúng tôi đã trải qua sáu tháng ở Peshawar để đợi Sở Nhập cư và Nhập quốc tịch cấp visa. Căn hộ một giường cáu bẩn của chúng tôi sực mùi như mùi tất thối và phân mèo, nhưng chúng tôi còn được quây quần với những người chúng tôi quen biết - ít nhất Baba cũng biết. Ông thường mời toàn thể những người hàng xóm cùng hành lang đến ăn tối, phần lớn bọn họ cũng là người Afghan đang đợi visa. Không tránh khỏi việc, ai đó thường mang đến một bộ trống và ai khác nữa, một cây phong cầm. Trà uống lai rai và bất kỳ ai có giọng hát một thời vang bóng thường hát cho đến khi mặt trời mọc, muỗi ngừng vo ve, tay vỗ đã sưng.

- Baba, ở đó sẽ hạnh phúc hơn, giống như ở quê hương hơn, - tôi nói.- Peshawar tốt cho ta. Nhưng không tốt cho con.

- Bố làm việc quá vất vả ở đây.

- Bây giờ không đến nỗi tệ lắm, - ông nói, ý ông là kể từ khi ông trở thành quản đốc ban ngày của trạm xăng dầu. Nhưng tôi đã thấy cách ông chau mày kỳ cọ cổ tay những ngày ẩm ướt. Cách mồ hôi ông nhễ nhại trên trán khi ông vơ lọ thuốc dạ dày sau bữa ăn.

- Vả lại ta không mang chúng ta đến đây vì ta, phải không?

Tôi vươn qua bàn đặt bàn tay tôi lên tay ông. Bàn tay học trò của tôi, sạch và mềm mại trên bàn tay lao động của ông nhem nhuốc và chai sạn. Tôi nghĩ tới mọi chiếc xe tải, những đoàn tàu và những xe đạp ông đã mua cho tôi ở Kabul. Bây giờ là nước Mỹ. Món quà cuối cùng cho Amir.

Đúng một tháng kể từ khi chúng tôi đến Hoa Kỳ, Baba tìm được công việc trên Đại lộ Washington, làm trợ lý cho một trạm bán xăng dầu mà ông chủ là một người Afghan quen biết. Ông bắt tay vào trông nom công việc ngay tuần lễ chúng tôi đến đó. Sáu ngày một tuần, mỗi ngày mười hai tiếng, Baba kiểm tra các kíp bơm ga, ghi chép sổ sách, thay dầu và rửa thanh gạt nước kính xe. Đôi khi tôi mang cơm trưa cho ông và thấy ông đang tìm một gói thuốc lá trên kệ, một khách hàng đang đợi ở bên kia máy đo dầu. Mặt Baba trông căng thẳng mệt mỏi và nhợt nhạt dưới ánh đèn huỳnh quang. Chuông điện ngoài cửa thường kính coong khi tôi bước vào, và Baba thường ngoái lại nhìn rồi mỉm cười, mắt ông nhỏ mồ hôi vì mệt mỏi.

Cùng cái ngày ông được thuê làm, Baba và tôi đến gặp nhân viên phòng phúc lợi xã hội ở San Jose, bà Dobbins. Bà là một phụ nữ da đen quá khổ, với đôi mắt lấp lánh và nụ cười má lúm đồng tiền. Bà kể với tôi một lần bà đã hát ở nhà thờ, và tôi tin bà, bà có giọng nói làm tôi nghĩ đến sữa nóng và mật ong. Baba ném đống tem thực phẩm xuống bàn làm việc của bà.

- Cảm ơn bà, tôi không muốn, - Baba nói. - Tôi luôn luôn làm việc. Ở Afghanistan tôi làm việc, ở Mỹ tôi cũng làm việc. Cảm ơn bà nhiều lắm, bà Dobbins, nhưng tôi không thích thứ miễn phí đó. Bà Dobbins chớp chớp mắt. Nhặt đám tem thực phẩm lên, hết nhìn tôi lại nhìn Baba như thể chúng tôi đang chơi trò đùa bỡn hoặc "cho bà một quả lừa", như Hassan quen nói. Bà nói:

- Mười lăm năm tôi từng làm cái nghề này và chưa ai từng làm thế bao giờ.

Và đó là cái cách Baba đã chấm dứt những khoảnh khắc tủi nhục về tem thực phẩm tại máy thu tiền, và làm dịu bớt một trong những nỗi sợ lớn nhất của ông: Một người Afghan sẽ thấy ông mua thực phẩm bằng tiền từ thiện. Baba ra khỏi phòng phúc lợi xã hội như người được chữa lành một cái ung nhọt.

Mùa hè năm 1983, tôi tốt nghiệp trung học ở tuổi hai mươi, nhiều tuổi hơn người nhiều tuổi nhất tung chiếc mũ tú tài của mình lên sân bóng đá hôm đó. Tôi như lạc mất Baba trong đám đông các gia đình, những máy ánh loé đèn, và những áo choàng xanh. Tôi thấy ông gần hàng người đứng cách chừng hai mươi mét, hai tay thọc túi, máy ảnh lủng lẳng trước ngực. Ông biến mất rồi lại hiện ra sau những người đang đi đi lại lại giữa chúng tôi: những cô gái mặc đồ xanh láng bóng đang kêu ré, ôm chặt lấy nhau đang khóc, những chàng trai và các ông bố mình giơ cao hai ngón tay hình chữ V 8 chúc mừng nhau. Râu cằm của Baba đang lốm đốm bạc, tóc ông mỏng bớt hai bên thái dương, và ở Kabul ông chẳng đã từng cao lớn hơn thế? Ông mặc bộ đồ nâu - bộ cánh duy nhất của ông, vẫn cái bộ ông mặc đi dự đám cưới và đám tang người Afghan - và chiếc nơ đỏ mà tôi đã mua vào lần sinh nhật thứ năm mươi của ông. Rồi ông nhìn thấy tôi và vẫy tay. Mỉm cười. Ông ra hiệu cho tôi đội chiếc mũ tú tài vào rồi chụp một kiểu ảnh cho tôi, với cái tháp đồng hồ nhà trường ở hậu cảnh. Tôi mỉm cười vì ông - ngụ ý đây là ngày vui của ông hơn là ngày vui của tôi. Ông bước lại gần tôi, vòng tay ôm lấy cổ rồi, rồi hôn lên lông mày tôi chỉ một cái hôn duy nhất và nói: "Amir, ta lấy làm moftakhir 9". Tự hào. Đôi mắt ông sáng ngời khi ông nói thế, và tôi thích được là điểm đến của cái nhìn đó.

Ông dẫn tôi đến một nhà hàng thịt cừu Kabob của người Afghan ở Hayward tối đó, và gọi quá nhiều món ăn. Ông nói cho chủ nhà hàng biết con trai ông mùa này sẽ vào đại học. Tôi đã tranh luận với ông về việc đó ngay trước khi tôi tốt nghiệp trung học và bảo ông tôi muốn kiếm một việc làm. Đỡ đần ông, để dành tiền, có thể vào đại học năm sau. Nhưng ông đã hạ tôi bằng một cái nhìn nung nấu tình cha con và những lời tôi định nói đều bốc hơi hết trên miệng lưỡi.

Sau bữa ăn, Baba dẫn tôi vào một quán bar đối diện với nhà hàng, ở bên kia con phố. Một nơi nhờ nhờ sáng và mùi hăng của bia mà tôi luôn luôn không ưa ngấm cả vào tường. Những người đàn ông đội mũ bóng chày, nhóm người chơi bi-a mặc áo may ô, những đám khói thuốc lá ấp ủ loạt bàn xanh, cuộn lên trong ánh sáng huỳnh quang. Chúng tôi khiến nhiều con mắt để ý đến. Baba trong bộ lễ phục nâu và tôi trong chiếc quần phẳng nếp, áo khoác thể thao. Chúng tôi kiếm chỗ ngồi tại quầy gần một ông già, bộ mặt như da thuộc của ông thiểu não trong ánh sáng xanh từ chiếc đèn nhấp nháy trên đầu. Baba châm một điếu thuốc lá và gọi bia cho chúng tôi. "Tối nay tôi quá hạnh phúc." Ông tuyên bố chẳng với ai cả. "Tối nay, tôi uống với con trai tôi. Và một cốc, xin mời, vì ông bạn của tôi," ông vừa nói vừa vỗ vào vai ông già. Ông bạn già ngả mũ và mỉm cười. Ông không còn hàm răng trên.

Baba uống ba hơi hết cốc bia và gọi cốc nữa. Ông uống hết ba cốc trước khi tôi cố gượng uống hết một phần tư cốc. Tiếp đó ông mua cho ông già một ly scotch và đãi nhóm bốn người chơi bi-a một chung bia Budweiser. Mọi người bắt tay ông và vỗ vào lưng ông. Họ uống chúc mừng ông, có người châm thuốc lá cho ông. Baba nới bớt nơ cổ và đưa cho ông già một nắm đồng hai nhăm xu, ông chỉ vào máy nghe nhạc 10 rồi bảo tôi: "Bảo ông ta chơi bài hát nào ông ấy thích." Ông già gật đầu, chào Baba. Ngay lúc đó, nhạc đồng quê nổi lên ồm ồm, và chỉ thế thôi, Baba bắt đầu một bữa tiệc. Một giờ đúng, Baba đứng dậy, nâng cốc bia lên, đố tràn xuống sàn mạt cưa và hét to: "Đù mẹ bọn Nga." Tiếng cười của cả quán rượu, rồi những tiếng vọng nghèn nghẹn tiếp theo. Baba mua một lượt bia nữa cho khắp mọi người.

Khi chúng tôi đi khỏi, mọi người đều có vẻ buồn. Kabul, Peshawar, Hayward. Vẫn ông già Baba ấy, tôi mỉm cười nghĩ.

Tôi lái xe đưa chúng tôi về nhà trong chiếc xe cũ màu vàng đất nhãn hiệu Buick Century. Baba ngủ gật suốt dọc đường, ngáy vang như một cái búa máy. Tôi ngửi thấy mùi thuốc lá và cồn, ngọt và hăng nồng. Nhưng khi tôi đỗ xe, ông ngồi bật dậy và nói bằng giọng khàn khàn:

- Cứ cho xe chạy tiếp đến cuối dãy nhà đi.

- Tại sao, Baba?

- Cứ lái đi, - ông bắt tôi phải đỗ ở đầu phía Nam của đường phố. Ông thò tay vào túi áo khoác và trao cho tôi một chùm chìa khoá.

- Đó, - ông vừa nói vừa chỉ vào chiếc xe trước mặt chúng tôi. Đó là một chiếc Ford đời cũ dài và rộng, sẫm màu mà tôi không thể phân biệt được dưới ánh trăng, - cần phải sơn lại, và bố đã nhờ một cậu ở trạm ga siết lại những chỗ rung lắc mới, nhưng nó vẫn tốt.

Tôi cầm chùm chìa khoá, sững sờ. Tôi hết nhìn ông lại nhìn cái xe.

- Con cần nó để đi đến trường đại học, - ông nói.Tôi nắm lấy tay ông. Bóp chặt. Nước mắt tôi ứa ra và tôi mừng vì bóng tối đã che khuất mặt tôi.

- Con cảm ơn Baba.

Chúng tôi đi ra và ngồi vào trong chiếc xe Ford. Nó là một chiếc Torino lớn. Màu xanh nước biển, Baba bảo vậy. Tôi lái nó vòng quanh dây nhà, thử phanh, radio và đèn xi nhan. Tôi cho đỗ vào bãi để xe của chung cư và tắt máy. Tôi nói:

- Tashakor 11, Baba jan.

Tôi muốn nói thêm nữa, muốn bảo ông tôi cảm động biết bao vì lòng tốt của ông, tôi đánh giá cao biết mấy tất cả những gì ông đã làm vì tôi, những gì ông vẫn đang làm. Nhưng tôi biết tôi sẽ làm ông ngượng. Tôi đành nhắc lại:

- Tashakor.

Ông mỉm cười ngả người tựa đầu vào gối nghỉ, trán ông gần như chạm trần xe. Chúng tôi không nói gì. Chỉ ngồi trong bóng tối, lắng nghe tiếng tinh tinh của động cơ đã mát, tiếng còi ủ ở xa xa. Rồi Baba ngả đầu về phía tôi và nói:

- Bố chỉ mong Hassan ở đây cùng với chúng ta, hôm nay.

Đôi bàn tay thép bóp chặt quanh khí quản của tôi khi nghe thấy tên Hassan. Tôi ngả người ra ngoài cửa xe. Đợi cho tới khi những cái tay sắt nới lỏng không xiết chặt nữa.

Tôi sẽ ghi tên vào các lớp dự bị Đại học vào mùa thu này, tôi bảo với Baba sau ngày tốt nghiệp như thế. Ông đang uống trà đen và nhai hạt bạch đậu khấu, thử thuốc giải độc của riêng ông và ông tin nó chữa được đau đầu.

- Con nghĩ con sẽ mạnh về tiếng Anh, - tôi nói, nén lòng chờ ông trả lời.

- Tiếng Anh?

- Làm nghề sáng tác văn chương.Ông cân nhắc việc đó. Nhấp trà.

- Ý con nói là viết truyện. Con sẽ viết truyện, - tôi nhìn xuống chân.

- Viết truyện, người ta trả tiền cho việc viết truyện à?

- Nếu anh viết hay, và nếu anh được phát hiện, - tôi nói.

- Được phát hiện, có chắc không?

- Ngẫu nhiên thôi, - tôi đáp.

Ông gật đầu:

- Và con sẽ làm gì trong khi con chờ viết được hay và được phát hiện? Con sẽ kiếm tiền thế nào? Nếu con lấy vợ, con sẽ giúp đỡ khanum 12của con thế nào?

Tôi không thể ngước mắt lên gặp mắt ông:

- Con sẽ... tìm một nghề.

- Ồ, - ông nói. - Chà chà! Vậy, nếu theo ta hiểu, con sẽ học vài năm đề kiếm một cái bằng, rồi con sẽ kiếm một nghề, cực nhọc chatti 13như nghề của ta, một nghề mà hôm nay con có thể kiếm dễ như bỡn, còn với một cơ may nhỏ nhoi là cái bằng của con một ngày nào đó sẽ giúp con được... phát hiện.

Ông thở một hơi sâu và uống trà. Lầm bầm gì đó về trường y, trường luật, và "công việc thực tế."Má tôi nóng bừng và tội lỗi như chảy khắp trong người, cái tội chiều theo bản tính của mình với cái giá là bệnh loét dạ dày của ông, những ngón tay đen của ông và cổ tay ông đau nhức. Nhưng tôi sẽ giữ vững lập trường của tôi, tôi quyết thế. Tôi không muốn hy sinh cho Baba thêm chút nào nữa. Lần cuối cùng tôi làm như thế, tôi đã nguyền rủa bản thân.

Baba thở dài, và lần này ông hất cả một vốc bạch đậu khấu vào miệng.

Đôi khi tôi ngồi sau tay lái chiếc Ford, kéo cửa kính xuống, và lái hàng mấy giờ liền tử Vịnh Đông cho tới Vịnh Nam, lên Bán đảo rồi quay trở lại. Tôi lái xe giữa những hàng rào lưới sắt của những đường phố có hàng cây bông gạo trong quận Fremont của chúng tôi, nơi người dân không bao giờ bắt tay những ông vua sống trong dãy nhà mái bằng một tầng tồi tàn cửa sổ trần trụi nơi loại xe cũ như của tôi rớt dầu trên đường xe rải nhựa. Những hàng rào mắt cáo xám chì rào kín mọi sân sau trong quận của chúng tôi. Những đồ chơi, lốp mòn, những vỏ chai bia đã bóc nhãn vứt rải lác trên các bãi cỏ luộm thuộm trước nhà. Tôi lái xe qua ba công viên um tùm bóng mát sực mùi vỏ cây qua những dải thị tứ đủ rộng để tổ chức được đồng thời năm cuộc đua ngựa Buzkashi. Tôi lái chiếc Torino lên các dãy đồi của Los Altos, chạy chầm chậm qua những cơ ngơi có cửa sổ rộng kính liền với đôi sư tử bằng bạc gác cổng sắt hoa, những toà nhà có đài phun nước hình thiên sứ dọc theo lối đi bộ được cắt tỉa cần thận và không có chiếc xe Ford Torino nào trên lối vào. Những toà nhà khiến ngôi nhà của Baba ở quận Wazir Akbar Khan trông giống như túp lều của đày tớ.

Một vài sáng Chủ nhật tôi dậy từ sớm và lái xe về phía Nam theo xa lộ 17, cho chiếc Ford leo lên con đường quanh co qua những triền núi đến Santa Cruz. Tôi thường đỗ xe ở ngôi nhà hải đăng cổ, đợi mặt trời mọc, ngồi trong xe và ngắm sương mù bồng bềnh trên mặt biền. Ở Afghanistan, tôi chỉ nhìn thấy đại dương ở rạp chiếu phim. Ngồi trong bóng tối, cạnh Hassan, tôi luôn luôn thắc mắc liệu có đúng như tôi đọc, không khí ở biển có mùi muối không. Tôi thường bảo Hassan rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ dạo bộ dọc dải bờ biển rải rác rong tảo, thọc đôi chân vào trong cát và ngắm nước biển rút khỏi gót chân. Lần đầu tiên nhìn thấy Thái Bình Dương, tôi suýt kêu to lên. Nó mênh mông và xanh biếc như trên những màn hình phim ảnh tuổi thơ tôi.

Đôi khi trong những buổi chiều sớm, tôi đỗ xe và đi bộ lên một chiếc cầu vượt xa lộ. Mặt tôi áp vào hàng rào, tôi cố đếm những đèn hậu đỏ lừ nhấp nháy nối đuôi nhau, kéo dài mãi, chừng nào mắt tôi còn có thể trông thấy. Những chiếc BMW, những chiếc Saab, những chiếc Porsche. Những chiếc xe chưa bao giờ tôi trông thấy ở Kabul, nơi phần lớn đều lái những chiếc Volga Nga, Opel cũ, hoặc Paikan của Iran.

Đã gần hai năm kể từ khi tôi đến Hoa Kỳ, và tôi vẫn còn kinh ngạc trước tầm cỡ của đất nước này, sự mênh mông của nó. Ra khỏi xa lộ này lại có xa lộ khác, ra khỏi mỗi thành phố lại là thành phố khác, đồi qua núi, núi qua đồi và ra khỏi đồi núi lại nhiều thành phố hơn, nhiều cư dân hơn.

Từ lâu trước ngày quân Roussi rầm rộ tiến vào Afghanistan, từ lâu trước khi làng mạc bị đốt cháy, trường học bị phá huỷ, từ lâu trước ngày mìn được gài lại như hạt giống của chết chóc và trẻ con bị chôn trong những ngôi mộ vùi đá, Kabul đã trở thành một thành phố của những bóng ma đối với tôi. Một thành phố của những bóng ma.

Nước Mỹ khác hẳn. Nước Mỹ là một con sông gầm réo suốt dọc dòng chảy, không bận tâm đến quá khứ. Tôi có thể lội trong con sông ấy, để tội lỗi của tôi chìm tận đáy, để nước mang tôi tới một nơi thật xa. Một nơi không còn bóng ma, không còn ký ức, không còn tội lỗi.

Nếu không vì cái gì khác, tôi ôm hôn nước Mỹ vì điều đó.

Mùa hè năm sau, mùa hè năm 1984 - mùa hè tôi đã hai mốt tuổi - Baba bán chiếc Buick của ông và mua một chiếc xe buýt Volkswagen xộc xệch với giá 550 đô la từ một ông già Afghan quen biết, từng là giáo viên khoa học của một trường trung học ở Kabul. Những người hàng xóm nhức óc mỗi buổi chiều khi chiếc xe đó phì phò lao lên đường phố và nổ bùm bụp trên lối đi qua bãi đỗ xe của chúng tôi. Baba tắt máy để xe lăn lặng lẽ tới điểm đỗ xe đã được chỉ định. Chúng tôi ngồi lún xuống trong ghế của mình, cười cho đến khi nước mắt vãi ra lăn xuống má, và quan trọng hơn, là cho đến lúc chúng tôi tin chắc những người hàng xóm không còn chú ý tới nữa. Chiếc xe buýt là một cái xác buồn của sắt gỉ, của cửa kính vỡ tan được thay bằng bao bì đen phế thải, lớp mòn bóng và đệm ghế thì rách nát xuống tận lò xo. Nhưng ông giáo già đã cam đoan lần nữa với Baba rằng máy móc và bộ phận truyền động còn tốt, và về khoản ấy ông không nói dối.

Vào những ngày thứ Bảy, Baba đánh thức tôi dậy từ lúc bình minh. Trong lúc ông mặc quần áo, tôi xem qua mục thông tin quảng cáo trong những tờ nhật báo địa phương và khoanh lại những quảng cáo giữa bản đồ cũ. Chúng tôi vạch lộ trình trên bản đồ - Fremont, Union City, Newark, và trước hết là Hayward, rồi San Jose, Milpitas, Sunnyvale, và Campbell nếu thời gian cho phép. Baba lái chiếc xe buýt, nhấp trà nóng trong phích, còn tôi chỉ đường. Chúng tôi dừng lại ở những gara bán đồ cũ và mua mọi thứ lặt vặt mà người ta không còn chuộng nữa. Chúng tôi kỳ kèo mặc cả những cái máy khâu cũ, những on búp bê Barbie một mắt, vợt tennis gỗ, đàn ghita mất dây, và những máy giặt Electrolux cũ. Đến giữa trưa chúng tôi đã chất đầy thùng chiếc xe buýt VW toàn đồ cũ. Rồi những sáng sớm Chủ nhật, chúng tôi lái xe đến chợ trời San Jose quá Berryessa, thuê một chỗ bán đống đồ tạp nham ấy, lấy chút ít lời lãi: Một chiếc đĩa hát Chicago chúng tôi mua hai nhăm xu hôm trước, có thể bán được một đô, hoặc bốn đô một bộ năm chiếc, một máy khâu Singer ọp ẹp mua mười đô, sau khi mặc cả có thể lên tới hai mươi lăm đô.

Tới mùa hè năm đó, các gia đình Afghan chiếm toàn bộ một khu của chợ trời San Jose. Nhạc Afghan chơi ở lối đi giữa hai dãy của khu Đồ Cũ. Có một bộ luật không thành văn về việc ứng xử giữa những người Afghan với nhau ở chợ trời: Anh chào đón một anh chàng qua lối đi, anh mời hắn một miếng bánh bolani 14hoặc một chút qabuli, và anh tán chuyện. Anh tỏ lời tassali 15trước cái chết của một bậc sinh thành, chúc mừng trẻ con chào đời, và lắc đầu buồn bã khi câu chuyện tất yếu chuyển sang Afghanistan và bọn Roussi. Nhưng anh phải tránh chủ đề hôm thứ Bảy. Bởi vì hoá ra, cái gã đi ngang qua hai dãy hàng lại là anh chàng đã suýt bất ngờ bị anh nện, ở lối ra xa lộ hôm trước để nhắc nhở việc bán hàng đồ cũ đã hứa hẹn.Điều duy nhất rôm rả hơn trà ở giữa hai dãy hàng là chuyện ngồi lê của người Afghan. Chợ trời là nơi mà bạn nhấp trà xanh với kolchas 16hạnh nhân và biết được con gái của ai đã phá hôn ước và chạy theo bạn trai Mỹ của mình, ai vốn là Parchami, một người cộng sản, ở Kabul, ai đã mua một ngôi nhà bằng tiền phi pháp, trong khi vẫn hưởng trợ cấp xã hội. Trà, chính trị, bê bối, những thành phần của ngày Chủ nhật Afghan ở chợ trời.Đôi khi tôi đứng quầy, trong khi Baba thong thả xuống lối đi hai tay kính cẩn ép vào ngực chào mọi người ông quen biết từ khi còn ở Kabul: Những thương nhân và những thợ may bán áo khoác len hàng mặc thừa và những mũ xe đạp trầy xước, bên những ông cựu đại sứ, nhà giải phẫu thất nghiệp và giáo sư đại học thất nghiệp.

Một buổi chiều sớm, Chủ nhật tháng Bảy năm 1984, trong khi Baba đứng đó, tôi mua hai tách cà phê giảm giá và quay lại, thấy Baba đang nói chuyện với một người đàn ông già hơn trông có vẻ danh giá. Tôi đặt hai tách cà phê trên cái chắn hậu của chiếc xe buýt, gần một cái khẩu hiệu: ỦNG HỘ REAGAN / BUSH khoá 84.

- Amir. - Baba vừa nói vừa vẫy tôi qua, - đây là tướng quân Sahib, ngài Iqbal Taheri. Ông là một vị tướng được huân chương ở Kabul. Ông làm việc ở Bộ Quốc phòng.

Taheri. Tại sao cái tên nghe có vẻ quen thế?

Ông tướng cười như một người đã quen dự những bữa tiệc linh đình, nơi ông từng cười lấy lòng trước những câu đùa nhạt nhẽo nhất của các nhân vật quan trọng. Ông có những món tóc xám như bạc chải hất từ cái trán bóng mượt và sạm nắng ra đằng sau, cùng những túm lông trắng trên đôi mày rậm. Người ông sực mùi nước hoa Cologne trong bộ com lê xẻ tà màu xám sắt, bóng nhẫy vì là quá kỹ, một dây đeo bằng vàng của chiếc đồng hồ bỏ túi lủng lẳng trên áo vest của ông.

- Giới thiệu nhau trịnh trọng khiếp chưa! - Ông nói, giọng ông trầm và có vẻ học thức. - Salaam, bachem 17.

- Salaam, tướng quân Sahib - Tôi vừa nói vừa bắt tay ông. Bàn tay thon thả của ông bắt chặt, dễ làm người ta hiểu lầm, như thể có thép giấu dưới vẻ bề ngoài của làn da ẩm mát.

- Amir định trở thành một nhà văn lớn đấy. - Baba nói. Và tôi phải hiểu điều đó theo hai nghĩa. - Nó đã học xong năm thứ nhất đại học và đạt điểm A ở tất cả các môn.

- Mới là dự bị đại học thôi. - Tôi chữa lại.

- Mashallah! Hoan hô! - Tướng Taheri nói, - có lẽ cháu sẽ viết về lịch sử đất nước chúng ta? Hay kinh tế học?

- Cháu viết truyện, - tôi nói, vừa nghĩ tới một tá truyện cực ngắn tôi đã viết trong cuốn sổ tay bìa bọc da mà chú Rahim Khan đã tặng tôi, vừa tự hỏi tại sao lại đột nhiên ngượng ngập vì chúng trước mặt người đàn ông này.

- À, một người kể chuyện, - ông tướng nói. - Tốt lắm, mọi người đang cần những chuyện kể để giải khuây vào thời buổi khó khăn này. - Ông đặt tay lên vai Baba rồi quay lại tôi. - Lại nói về những câu chuyện, cha cháu và bác đã cùng đi săn vui thích với nhau một ngày hè ở Jalalabad. Một thời kỳ tuyệt diệu. Nếu bác nhớ không nhầm, mắt cha cháu tỏ ra rất tinh trong săn bắn cũng như việc kinh doanh.

Baba lấy gót ủng đá vào chiếc vợt tennis cán gỗ trên tấm vải bạt trải ra:

- Kinh doanh thế đấy.Tướng Taheri nở một nụ cười vừa buồn vừa lịch sự, buông một tiếng thở dài, và tế nhị vô vào vai Baba:

- Zendagi Migzara 18! - Ông nói. Mắt ông quay sang tôi. - Những người Afghan chúng ta đang có khuynh hướng cường điệu ghê gớm, bachem ạ, và bác đã được nghe nói nhiều người gán cho mình cái nhân vĩ đại một cách ngu xuẩn. Nhưng cha cháu có cái ưu điểm thuộc một số ít người thực sự xứng đáng với danh tiếng của mình.

Với tôi câu nói ngắn gọn ấy nghe thật giống bộ đồ của ông, cũ rồi nhưng bóng bẩy phi thường.

- Ông đang tâng bốc tôi đấy, - Baba nói.

- Không đâu, - ông tướng vừa nói vừa ngả đầu về một bên và ép bàn tay vào ngực, tỏ ý khiêm nhường:

- Lũ con trai và con gái phải biết tài sản của cha chúng để lại ông quay lại tôi. - Cháu có đánh giá cao cha cháu không, bachem? Cháu có thực sự đánh giá cao cha cháu không?

- Balay, thưa tướng quân Sahib, cháu có ạ. - Tôi vừa nói vừa mong ông đừng gọi tôi là "con trai ta".

- Vậy, xin chúc mừng, cháu đã trưởng thành được một nửa rồi. - Ông nói, không có dấu hiệu gì là hài hước, châm biếm, lời chúc mừng của ngạo mạn không chủ đích.

- Padar 19 jan, bố quên trà của bố rồi, - giọng của một phụ nữ trẻ.

Cô đứng đằng sau chúng tôi, một người đẹp eo hông thon thả, tóc đen nhánh như nhung, một phích nước và một tách nhựa mỏng trên tay. Tôi chớp mắt, tim tôi đập rộn. Cô có đôi mày đen, rậm gần giao nhau ở giữa, trông như đôi cánh cong của một con chim đang bay, và sống mũi hơi cong duyên dáng của một quận chúa từ nước Ba Tư cổ - có thể là mũi của Tabmineh, vợ vua Rostam và mẹ của Sohrab trong truyện Shahnamah. Đôi mắt cô, màu nâu quả óc chó rợp bóng hàng lông mi hiu hiu như quạt, gặp đôi mắt của tôi. Khựng lại một lúc. Rồi bay mất.

- Con ngoan quá, con yêu quý, - tướng Taheri nói. Ông cầm chiếc tách từ tay cô. Trước khi cô quay đi, tôi nhìn thấy cô có một vết chàm nâu hình lưỡi liềm trên làn da mịn đúng ở mép hàm trái. Cô bước đến một chiếc xe chở hàng màu xám nhờ, và để cái phích vào trong. Tóc cô chảyxuống một bên, khi cô quỳ xuống giữa những hộp đĩa hát cũ và sách bìa thường.

- Con gái ta, Soraya jan. - Tướng Taheri nói. Ông hít một hơi thật sâu như một người đang rất muốn đổi chủ đề chuyện và kiểm tra chiếc đồng hồ vàng bỏ túi.

- Ồ đến giờ đi bán hàng rồi.

Ông và Baba hôn nhau lên má và ông bắt tay tôi bằng cả hai tay:

- Chúc việc viết văn gặp may mắn nhất.

Ông vừa nói vừa nhìn vào mắt tôi. Đôi mắt màu lơ nhạt của ông chẳng để lộ ra một chút gì những ý nghĩ ẩn phía sau.

Suốt từ lúc ấy cho đến hết ngày, tôi luôn phải chống lại khao khát được nhìn về phía chiếc xe chở hàng màu xám.Tôi sực nhớ ra trên đường về nhà, Taheri. Tôi biết trước đây tôi đã được nghe nói tới cái tên ấy.

- Không có chuyện đồn thổi gì đó xung quanh cô con gái ông Taheri chứ? - Tôi cố làm ra vẻ tình cờ hỏi Baba.

- Con biết ta rồi đấy, - Baba vừa nói vừa cho chiếc xe buýt nhích sát vào hàng xe nối đuôi nhau ở lối ra của chợ trời. - Chuyện trò mà chuyển thành chuyện ngồi lê là ta bỏ đi ngay.

- Nhưng có chuyện đó, phải không bố? - Tôi hỏi.

- Tại sao con lại hỏi? - Ông rụt rè nhìn tôi.

Tôi nhún vai và đáp trả ông bằng một nụ cười:

- Tò mò thôi mà Baba.

- Thật ư? Chỉ có thế thôi ư? - Ông hỏi, mắt ông bỡn cợt, không rời khỏi mắt tôi. - Nó để lại ấn tượng với con ư?

Tôi đảo mắt nói:

- Xin Baba đi.Ông mỉm cười, cho chiếc xe chồm ra khỏi chợ trời. Chúng tôi tiến về xa lộ 680 và im lặng trên xe được một lúc.

- Tất cả những gì bố được nghe là từng có một người đàn ông và mọi chuyện... không suôn sẻ, - ông nói một cách nghiêm trọng như thể tiết lộ với tôi rằng cô gái ấy bị ung thư phổi.

- Ô.

- Bố nghe nói con bé là một cô gái đoan trang, chịu khó và rất tốt. Nhưng chẳng có khastegars 20nào, từ đó tới gõ cửa nhà ông tướng, - Baba thở dài. - Có thể là thành kiến, nhưng những gì xảy ra trong một vài ngày, đôi khi có thể chỉ một ngày, cũng dễ làm đổi thay hướng đi của cả đời người, Amir ạ.

Nằm thao thức trên giường đêm đó, tôi nghĩ đến vết chàm hình lưỡi liềm, đến cái mũi trang nhã của Soraya Taheri và cái cách đôi mắt ngời sáng của cô không buông tha mắt tôi trong khoảnh khắc. Tim tôi đập một cách khó khăn khi nghĩ tới cô. Soraya Taheri. Nữ Quận chúa Tao ngộ của tôi.
--------------------------------
1Rowt: Cũng có nghĩa là bánh ngọt. 2Tổng thống Mỹ lúc đó. 3ESL: Là từ viết tắt của English as Second Language, lớp dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cho người nhập cư. 4Ý nói như một bé ngoan ở lớp mẫu giáo. 5Six Million Dollar Man: Tên một bộ phim nhiều tập của truyền hình Mỹ về một nhân vật huyễn tưởng nửa người nửa máy làm việc cho một tổ chức bí mật của nước Mỹ, dựa theo tiểu thuyết Cyborg (người nửa máy) của M.E.Brooks. 6Lee Majors: Diễn viên Mỹ, thủ vai Steve Austin, nguyên là một nhà thiên vãn với chân tay được điều khiển theo kỹ thuật sinh học, trong bộ phim Người đàn ông Sáu triệu đô la. 7Mike Hammer: Nhân vật nhà thám lử trong tác phẩm I, the Fury của nhà văn Mỹ Mickey Spilane, xuất bản năm 1947. Sau này nhiều bộ phim và chương trình phát thanh truyền hình lấy ý tưởng từ nhân vật này. 8V: Viết tắt chữ Victory nghĩa là chiến thắng. 9Moftakhir: Có nghĩa tự hào. 10Jukebox: Máy nghe nhạc thường để trong các quán rượu, bia, bỏ tiền xu vào máy, máy sẽ tự động chơi nhạc. 11Cảm ơn. 12Kharum: Nghĩa là vợ. 13Chatti: Có nghĩa là chiến binh, ở đây hàm ý nghề cực nhọc, vất vả... 14Bolani, qabuli: Những loại bánh truyền thống của Afghanistan. 15Chia buồn. 16Kolchas: Kẹo. 17Salaam bachem: Xin chào con trai. 18Zendagi Migzara cũng có nghĩa cuộc sống vẫn tiếp tục, đời cứ trôi. 19Padar: Tiếng gọi bố thân mật. 20Khastegars: Những người cầu hôn.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XII


Afghanistan, yelda là đêm đầu tiên của tháng Jadi, đêm đầu tiên của mùa đông, và là đêm dài nhất của cả năm. Theo tục lệ truyền thống, Hassan và tôi thường đi ngủ muộn, chân chúng tôi luồn dưới bàn sưởi kursi, trong khi ông Ali ném vỏ táo vào lò sưởi và kể cho chúng tôi những câu chuyện cổ xưa về các Sultan và những tên trộm cắp để qua cái đêm dài nhất các đêm. Chính từ ông Ali mà tôi biết được những chuyện truyền miệng về yelda, rằng những con thiêu thân ma tự lao mình vào những ngọn nến và chó sói leo lên các ngọn núi ôm mặt trời. Ông Ali thề rằng, nếu anh ăn dưa hấu vào đêm yelda, mùa hè năm sau anh sẽ không thấy khát.

Khi nhiều tuổi hơn, tôi đọc trong một cuốn sách thơ, yelda là đêm không sao, những khách tình si đau khổ thức miệt mài cầu kinh, chịu đựng bóng đêm dài vô tận, đợi mặt trời mọc mang theo người yêu của họ. Sau khi tôi gặp Soraya Taheri, mỗi đêm trong tuần đều trở thành một yelda đối với tôi. Và khi sáng Chủ nhật tới, tôi dậy khỏi giường, khuôn mặt Taheri mắt nâu đã ngự trị trong đầu óc tôi. Trong xe buýt của Baba, tôi đếm các dặm đường cho tới khi tôi thấy nàng ngồi, chân trần, sắp xếp đám hộp các tông đựng những cuốn từ điển bách khoa thư ố vàng, hai gót chân nàng trắng nõn trên nhựa đường, những vòng bạc lanh canh quanh hai cổ tay mảnh mai của nàng. Tôi thường nghĩ tới bóng tóc nàng in trên mặt đất, khi mớ tóc tuột khỏi lưng nàng và rủ xuống như một tấm rèm nhung. Soraya. Nữ Quận chúa Tao ngộ của tôi. Mặt trời buổi sáng cho yelda của tôi.

Tôi bịa ra nhiều cớ đề thong thả đi dọc dãy bán hàng - mánh này Baba nhận ra bằng một nụ cười khoái chí - và đi qua chỗ cha con ông Taheri đứng. Tôi thường vẫy tay chào vị tướng, người luôn luôn mặc bộ đồ xám là bóng loáng, và ông cũng vẫy lại. Đôi khi ông còn rời chiếc ghế chủ hàng và chúng tôi sẽ huyên thuyên về chuyện viết lách của tôi, về chiến tranh, những mặc cả mua bán trong ngày. Tôi thường buộc mắt mình không được la lém, lảng vảng nơi Soraya đang ngồi đọc một cuốn sách bìa mềm. Vị tướng và tôi thường chào tạm biệt nhau và tôi cố không tỏ vẻ thẫn thờ khi đi khỏi.

Đôi khi nàng ngồi một mình, ông tướng đã bỏ đi đến một dãy hàng nào đó khác để góp vui, và tôi thường bước qua, vờ như không biết nàng, dù muốn đến chết đi được. Đôi khi nàng ngồi đó với một người đàn bà trung niên hơi béo, nước da nhợt nhạt, tóc nhuộm đỏ. Tôi tự hứa với mình là sẽ nói chuyện với nàng trước khi kỳ hè trôi qua, nhưng năm học đã trở lại, lá cây đỏ dần, vàng úa, rồi rơi rụng và mưa đông ào tới, đánh thức những tụ điểm ăn uống rẻ tiền của Baba, những lá non một lần nữa lại đâm chồi, và tôi vẫn chưa đủ can đảm ngay cả tới việc nhìn thẳng vào mắt nàng.

Ba tháng mùa xuân kết thúc vào cuối tháng Năm năm 1985. Tôi đạt loại A tất cả những môn học đại cương, một kỳ tích tối thiểu để tôi có thể bước vào giảng đường và nghĩ tới cánh mũi cong mềm mại của Soraya.

Thế rồi một Chủ nhật oi bức mùa hè năm đó, Baba và tôi đang ở chợ trời, ngồi trong lều của chúng tôi, lấy báo quạt mặt. Mặc dầu mặt trời chiếu xuống như sắt nung, nhưng chợ hôm đó nhung nhúc người và hàng hoá tiêu thụ mạnh. Mới chỉ 12 giờ rưỡi, nhưng chúng tôi đã bán được một trăm sáu mươi đô. Tôi đứng dậy, vươn vai và hỏi Baba, ông có muốn uống một hộp Coca không. Ông nói ông có muốn.

- Cẩn thận đấy, Amir. - ông nói khi tôi bước đi.

- Về chuyện gì ạ, Baba?

- Ta không phải là một ahmaq 1, nên đừng chơi trò ngớ ngẩn với ta.

- Con không hiểu bố đang nói gì?

- Hãy nhớ điều này, - Baba vừa nói vừa chỉ vào tôi. - Đàn ông phải Pashtun tận gốc. Phải có nang. Có namoos. Nang và namoos. Danh dự và tự hào. Những giáo lý của đàn ông Pashtun. Nhất là khi đụng đến phẩm hạnh trong trắng của một người vợ. Hoặc con gái người ta.

- Con chỉ định đi mua đồ uống cho chúng ta.

- Miễn là đừng làm ta ngượng mặt, đó là tất cả những gì ta yêu cầu.

- Con sẽ không, con thề đấy, Baba.

Baba châm một điếu thuốc lá và lại quạt tiếp.

Lúc đầu, tôi đi về phía lều giảm giá, rồi rẽ trái lại chỗ quầy bán áo phông, chỗ đó chỉ với năm đô bạn có thể có bộ mặt của Jesus, Elvis, Jim Morrison hoặc cả ba in trên áo phông ni lông trắng. Nhạc Mariachi chơi ở trên cao và tôi ngửi thấy mùi dưa góp và thịt nướng.

Tôi phát hiện ra chiếc xe chở hàng màu xám của gia đình Taheri cách chỗ chúng tôi hai dãy, cạnh một ki ốt bán xoài xâu que. Nàng ngồi một mình đọc sách. Hôm nay váy đầm dài tận gót chân màu trắng. Dép lê. Tóc chải ngược, búi lại trên đầu thành hình bông hoa tuy líp. Tôi định chỉ lại bước qua và tôi tưởng đây tôi đã đi qua rồi, thế mà bất ngờ tôi lại đang đứng ở mép chiếc khăn trải bàn trắng của nhà Taheri, chăm chú nhìn Soraya qua các gọng sắt cong và những chiếc cà vạt. Nàng ngước nhìn lên.

- Salaam, - tôi nói. - Tôi xin lỗi đã làm phiền. Tôi không định quấy rầy cô.

- Salaam.

- Tướng quân Sahib hôm nay có đến đây không? - Tôi nói. Hai tai tôi nóng bừng. Tôi không thể ép nổi mình nhìn vào đôi mắt nàng.

- Ông ấy đi lối kia, - nàng nói, chỉ về phía bên phải. Chiếc vòng tuột xuống khuỷu tay nàng, màu bạc tương phản với màu ôliu.

- Cô làm ơn nói giúp với ông, tôi ghé qua đây để tỏ lòng kính trọng ông, có được không? - Tôi hỏi.

- Tôi sẽ nói.

- Cảm ơn cô, - tôi nói. - À, tên tôi là Amir, phòng khi cô cần biết. Vậy cô có thể nói với ông rằng: tôi ghé qua đây... để... tỏ lòng kính trọng.

- Vâng.

Tôi nhúc nhích chân, hắng giọng.

- Tôi đi đây. Xin lỗi đã quấy rầy cô.

- Không, không đâu, - nàng nói.

- Ồ, may quá, - tôi nghiêng đầu và cười nửa miệng với nàng. Tôi đi đây. - Tôi đã chẳng nói thế rồi sao? - Khoda hãfez. Tạm biệt.

- Khoda hãfez.

Tôi đã bước đi. Rồi lại dừng và quay lại. Tôi kịp nói trước khi mất hết can đảm.

- Tôi có thể hỏi cô đang đọc gì không?

Nàng chớp mắt.

Tôi nín thở. Bất chợt, tôi cảm thấy như mọi con mắt ở chợ trời đổ dồn vào chúng tôi. Tôi hình dung ra một bầu không khí im lặng đang lắng xuống. Những đôi môi ngừng nói giữa chừng. Những cái đầu quay đi quay lại. Những đôi mắt nheo lại soi mói.

Chuyện này là thế nào?

Cho đến lúc này, cuộc chuyện trò của chúng tôi cùng lắm có thể được giải thích là một lời hỏi thăm xã giao, một người hỏi thăm về một người khác. Nhưng tôi lại hỏi nàng một câu, và nếu nàng trả lời. chúng tôi sẽ bị coi... ờ, chúng tôi đang tán gẫu. Tôi, một mojarad 2, và nàng, một phụ nữ trẻ chưa chồng. Huống chi một người đã mắc chuyện đồn đại. Chuyện này đang được thêm bớt một cách nguy hiểm ngấp nghé đồ ngồi lê, loại chuyện ngồi lê tuyệt nhất. Những cái lưỡi đầy nọc độc sẽ khua lên. Và nàng sẽ phải hứng chịu nọc độc đó chứ không phải tôi. Tôi thừa hiểu cái chuẩn mực nước đôi của người Afghan thiên vị giống đàn ông. Không có chuyện, anh không thấy hắn tán cô này à? Mà Wooooy 3! Anh có thấy cô nàng cứ bám lấy hắn không? Đúng là loại lochak!

Theo chuẩn mực Afghan, câu hỏi của tôi thế là trơ trẽn. Tôi đã lộ mặt tôi ra, và để lại chút nghi ngờ là tôi thích nàng. Nhưng tôi là một người đàn ông, tôi có liều đi chăng nữa chẳng qua do tôi bị giày vò. Những vết thương đã lành. Nhưng tiếng tăm thì chưa. Liệu nàng có chấp nhận sự táo tợn của tôi không?Nàng lật cuốn sách, cho bìa sách lộ ra trước mắt tôi: Đồi gió hú.

- Anh đã đọc cuốn này chưa? - Nàng hỏi.

Tôi gật đầu. Tôi cảm thấy như tiếng tim đập đằng sau mắt tôi:

- Đó là một chuyện buồn.

- Những chuyện buồn tạo nên những cuốn sách hay, - nàng nói.

- Đúng thế.

- Tôi nghe nói anh cũng viết.

Làm thế nào nàng biết được? Tôi thắc mắc, liệu có phải cha nàng đã kể cho nàng, cũng có thể nàng đã hỏi ông. Tôi lập tức xua ngay cả hai dự đoán đó đi. Các ông bố và con trai có thể chuyện trò thoải mái về đàn bà. Nhưng không cô gái Afghan nào - ít nhất cũng không có cô gái Afghan nền nếp và Mohtaram 4đang tuổi cập kê nào - lại hỏi cha mình về một chàng trai trẻ. Và không ông bố nào, nhất là một người Pashtun, với nang và namoos, danh dự và tự hào, lại đi bàn luận một mojarad với con gái mình, kể cả khi cái gã được hỏi đến là một, một người cầu hôn đã làm xong nghi lễ và nhờ cha mình đến gõ cửa.

Không thể tin nổi, tôi nghe thấy mình nói:

- Cô có thích đọc một truyện ngắn tôi viết không?

- Tôi thích chứ, - nàng nói.

Tôi bỗng cảm thấy vẻ thiếu tự nhiên ở nàng lúc này, tôi thấy điều đó từ cách nàng đảo mắt bên nọ qua bên kia. Có thể nàng đang muốn tìm ông tướng. Tôi không biết ông sẽ nói gì, nếu thấy tôi nói chuyện lâu lâu một cách không nên với con gái ông như thế.

- Có thể hôm nào tôi sẽ mang đến cho cô.

Tôi nói vậy. Tôi còn đang định nói thêm nữa thì người đàn bà tôi đã tình cờ nhìn thấy cùng với Soraya bước tới dãy hàng. Bà ta mang theo một túi nhựa đầy hoa quả. Khi trông thấy chúng tôi, mắt bà vụt nhìn từ Soraya sang tôi, rồi ngược lại. Bà mỉm cười:

- Amir jan, rất mừng được gặp cháu, - bà vừa nói vừa đổ túi quả lên chiếc khăn trải bàn. Lông mày bà long lanh một vệt mồ hôi. Bộ tóc đỏ của bà búi lên như một chiếc mũ cối, lấp lánh trong ánh nắng. Tôi có thể nhìn ra những mảnh nhỏ da đầu bà, nơi tóc đã thưa đi. Bà có đôi mắt nhỏ màu xanh lục, sâu trên bộ mặt tròn như cái bắp cải, răng bọc và những ngón tay nhỏ như những thanh xúc xích. Một tượng thánh Allah bằng vàng trên ngực bà, chuỗi dây đeo nấp dưới lớp da nhẽo và những nếp nhăn ở cổ.

- Tôi là Jamila, mẹ của Soraya jan.

- Salaam, Khala jan, - tôi nói hơi lúng túng, vì tôi quen nhiều người Afghan thế mà bà biết tôi còn tôi lại không biết bà là ai.

- Cha cháu có khoẻ không? - Bà hỏi.

- Cha cháu khoẻ, cảm ơn bà.

- Cháu có biết, ông cháu, Ghazi Sahib, vị thẩm phán ấy mà? Chú của ông và ông của ta là anh em họ, - bà nói. - Vậy cháu thấy đấy, chúng ta có họ với nhau. - Bà mỉm cười để lộ chiếc răng bọc và tôi để ý thấy bên phải miệng bà hơi trễ xuống. Mắt bà lại đảo đi đảo lại giữa Soraya và tôi.

Một lần, tôi đã hỏi Baba tại sao con gái tướng Taheri chưa lấy chồng. Không có người cầu hôn, Baba nói. Không có người cầu hôn thích hợp, ông chữa lại. Nhưng ông không nói gì thêm - Baba quá hiểu những mẩu chuyện trò vô bổ có thể ảnh hưởng tới viễn cảnh lấy chồng đàng hoàng của một người phụ nữ trẻ ra sao. Đàn ông Afghan, nhất là những người thuộc gia đình danh giá, là những sinh vật hay thay đổi. Một tiếng xì xào ở đây, một lời bóng gió ở kia, thế là họ bùng như những con chim bị giật mình. Vì vậy những hôn lễ đến rồi lại đi và không ai hát ahesta boro cho Soraya, không ai vẽ gan bàn tay của nàng bằng cây lá móng, không ai cầm cuốn kinh Koran trên khăn trùm đầu của nàng, và tướng Taheri là người duy nhất từng nhảy với nàng tại mọi đám cưới.

Và giờ đây, người đàn bà này, mẹ của nàng, với nụ cười đau lòng háo hức, quanh co, niềm hy vọng được che đậy qua loa trong đôi mắt. Tôi hơi thu mình lại trước cái vị thế của quyền lực được ban cho mình và tất cả chỉ bởi vì tôi đã thắng trong trò xổ sổ di truyền quyết định giới tính của tôi. Tôi chẳng bao giờ có thể đọc nổi những ý nghĩ trong đôi mắt của tướng Taheri, nhưng tôi lại hiểu điều ấy quá rõ ở bà vợ của ông: nếu tôi sắp phải có một đối thủ trong việc này, bất kể như thế nào, thì cũng sẽ không phải là bà.

- Ngồi xuống nào, Amir jan, - bà nói. - Soraya, mang cho anh một cái ghế. Và rửa một quả đào. Đào ngọt và tươi đấy.

- Không, cảm ơn cô. - tôi nói. - Cháu nên đi. Cha cháu đang đợi cháu.

- Ồ, - Khanum Taheri đáp, rõ ràng xúc động về việc tôi tỏ ra lễ phép và từ chối lời mời. - Vậy thì đây, ít nhất cháu cũng cầm lấy cái này. - Bà bỏ một vốc quả kiwi với vài quả đào vào một cái túi, và khăng khăng đòi tôi cầm về. - Gửi lời chào tới bố cháu hộ cô. Và thỉnh thoảng lại tới đây với mẹ con ta.

- Cháu sẽ tới, cảm ơn cô, Khala jan. - Tôi nói và liếc mắt, thấy Soraya đang nhìn đi chỗ khác.

"Bố nghĩ con đi mua coca." - Baba vừa nói vừa cầm lấy cái túi từ tay tôi. Ông nhìn thẳng vào tôi vừa nghiêm nghị vừa bông đùa. Tôi đang định đùa lại nhưng ông đã cắn quả đào và xua tay. - Đừng ngại, Amir, hãy nhớ những gì bố đã nói.

Đêm đó trên giường, tôi nghĩ đến ánh nắng nhấp nhánh nhảy múa trong đôi mắt của Soraya và những cái hõm thon thả trên vành xương cổ nàng. Tôi ngẫm đi ngẫm lại một cuộc chuyện trò giữa chúng tôi. Nàng đã nói Tôi nghe nói anh viết văn hay Tôi nghe nói anh là một nhà văn? Câu nào nhỉ? Tôi tung chăn vùng dậy nhìn lên trần nhà, chán nản khi nghĩ tới những sáu đêm yelda khó nhọc, dài vô tận cho tới khi lại được gặp nàng.

Tôi cứ tiếp tục như thế mấy tuần liền. Tôi thường đợi cho tới khi ông tướng đi dạo đâu đó, để ghé qua quầy hàng của nhà Taheri. Nếu Khanum Taheri ở đó, bà thường mời tôi một tách trà và một chiếc kẹo kolcha và chúng tôi chuyện gẫu về Kabul ngày xưa, những người chúng tôi quen biết, về bệnh đau khớp của bà. Không nghi ngờ gì nữa, bà đã để ý thấy những lần hiện diện của tôi luôn luôn trùng hợp với những lần chồng bà vắng mặt, nhưng bà không bao giờ để lộ ra. Bà thường nói:

- Ồ, anh lại không gặp được Kaka của anh rồi.Thực ra tôi thích khi Khanum Taheri ở đó, và không phải chỉ vì lối thân mật của bà, Soraya có vẻ thoải mái hơn và hay chuyện trò linh tinh với mẹ hơn. Như thể sự có mặt của bà đã hợp pháp hoá bất kể điều gì xảy ra giữa chúng tôi - dẫu chắc chắn không thể bằng được nếu là ông tướng. Khanum Taheri bảo trợ cho những cuộc gặp gỡ của chúng tôi, nếu không để thoát khỏi chuyện ngồi lê thì cũng để bớt dẫn đến ngồi lê, ngay cả khi cái giới hạn chiều chuộng tôi của bà rõ ràng làm Soraya ngượng ngùng.

Một hôm, chỉ có Soraya và tôi trong lều bán hàng của họ, đang chuyện trò. Nàng kể cho tôi về trường học, nàng học hành quá chăm chỉ thế nào trong những khoá học đại cương của nàng tại Trường dự bị Đại học Ohlone ở Fremont.

- Cô sẽ chuyên về ngành gì?

- Tôi muốn trở thành một giáo viên, - nàng nói.

- Thật ư? Tại sao?

- Tôi đã luôn luôn muốn vậy. Khi chúng tôi sống ở bang Virginia, tôi đã học ESL, đã tốt nghiệp và bây giờ tôi dạy tại thư viện công cộng tuần một tối. Mẹ tôi cũng là giáo viên, bà dạy tiếng Farsi và lịch sử tại trường nữ trung học Zarghoona ở Kabul.

Một người đàn ông bụng phệ đội mũ đi săn trả ba đô la cho một hộp nến năm đô la và Soraya để ông ta lấy. Nàng bỏ tiền vào cái hộp đựng kẹo để dưới chân. Nàng nhìn vào tôi bẽn lẽn:

- Tôi muốn kể cho anh một chuyện, nhưng tôi hơi ngượng về chuyện đó.

- Kể cho tôi đi.

- Loại chuyện ngớ ngẩn ấy mà.

- Làm ơn, kể cho tôi đi.

Nàng cười:

- Được, khi tôi học lớp bốn ở Kabul, cha tôi thuê một người đàn bà tên là Ziba để giúp việc vặt trong nhà. Cô ấy có một người chị ở Iran, tại Mashad, và vì Ziba mù chữ, cô ấy thường nhờ tôi viết thư cho chị mình, ít lâu lại một bức. Và khi người chị trả lời, tôi lại đọc hộ cho Ziba. Một hôm, tôi hỏi cô có thích học đọc, học viết không. Cô cười toét miệng, tít mắt lai, và bảo cô thích lắm. Thế là chúng tôi thường ngồi tại bàn ăn trong bếp sau khi tôi đã soạn xong bài vở ở trường, và tôi dạy cô Alef- beh 5. Tôi vẫn nhớ, đôi khi ghé thăm cô giữa lúc đang làm bài tập ở nhà và thấy Ziba đang đảo thịt trong nồi áp suất, rồi lại ngồi xuống với chiếc bút chì làm bài tập vỡ lòng mà tôi ra cho cô đêm trước. Tóm lại trong vòng một năm, Ziba đã đọc được sách trẻ con. Chúng tôi thường ngồi ngoài sân và cô đọc cho tôi những chuyện kể về Dara và Sara - chậm thôi nhưng rất đúng. Cô bắt đầu gọi tôi là Moalem Soraya, cô giáo Soraya.

Nàng lại cười:

- Tôi biết, nghe có vẻ trẻ con, nhưng lần đầu tiên Ziba tự viết tên mình, tôi biết tôi sẽ chẳng bao giờ ao ước nghề gì khác ngoài nghề giáo viên. Tôi rất tự hào về cô ấy, và tôi cảm thấy đã làm được một việc gì đó xứng đáng, anh hiểu chứ?

- Vâng, - tôi nói dối. Tôi nghĩ tới việc tôi đã dùng chữ nghĩa của tôi để giễu cợt Hassan như thế nào. Tôi đã trêu cậu ấy bằng những từ bóng bẩy mà cậu ấy không hiểu như thế nào.

- Cha tôi muốn tôi vào trường luật. Mẹ tôi lại luôn luôn có những lời bóng gió về trường y, nhưng tôi sẽ là một giáo viên. Nghề này lương chẳng được bao nhiêu, nhưng đó là điều tôi muốn.

- Mẹ tôi cũng là một giáo viên, - tôi nói.

- Tôi biết, - nàng nói. - Mẹ tôi bảo tôi thế.

Thế rồi mặt nàng đỏ ửng lên vì những gì nàng buột miệng nói ra, vì ngụ ý trong câu trả lời của nàng, rằng "những cuộc đàm thoại về Amir" đã xảy ra giữa họ, khi tôi không có mặt ở đó.Tôi phải cố gắng phi thường đề ngăn mình khỏi mỉm cười.

- Tôi mang cho cô cái này. - Tôi moi cuộn giấy ghim bằng đinh kẹp ở túi sau ra. - Như đã hứa. - Tôi trao cho nàng một trong những truyện ngắn tôi viết.

- Ồ, anh vẫn nhớ, - nàng nói, thật sự hớn hở - Cảm ơn anh!

Tôi chẳng còn đủ thì giờ để ghi nhận lần đầu tiên nàng đã gọi tôi bằng "tu" 6chứ không bằng "Shoma" 7trịnh trọng, bởi vì bất chợt nụ cười của nàng héo tắt ngay. Mặt nàng biến sắc và mắt nàng chăm chú nhìn cái gì đó phía sau tôi. Tôi quay lại. Mặt đối mặt với tướng Taheri.

- Amir jan. Người kể chuyện mong chờ của chúng ta. Thật là thú vị, - ông nói và khẽ mỉm cười.

- Salaam, tướng quân Sahib, - tôi nói qua đôi môi đờ đẫn.

Ông đi qua chỗ tôi về phía quầy hàng:

- Một ngày đẹp trời biết mấy, phải không - Ông nói, ngón tay cái móc vào túi ngực áo vest, tay kia chìa về phía Soraya. Nàng đưa cho ông cuộn giấy.

- Họ bảo tuần này trời sẽ mưa. Không tin được phải không? - Ông bỏ cuộn giấy vào thùng rác.

Quay lại phía tôi và lịch sự đặt tay lên vai tôi. Chúng tôi đi mấy bước cùng nhau.

- Cháu biết đấy, bachem ạ. Ta đã thấy hơi thích cháu. Cháu là một chàng trai nền nếp, ta thực sự tin vậy, nhưng, - ông thở dài và xua tay. - ngay cả những chàng trai nền nếp đôi khi cũng cần nhắc nhở. Vậy bổn phận của ta là phải nhắc nhở rằng cháu là một trong những người quý tộc ở cái chợ trời này. - Ông dừng lại. Đôi mắt vô cảm bám lấy mắt tôi.

- Cháu thấy đấy, ai ai ở đây cũng đều là người đưa chuyện. - Ông cười, lộ hết cả hàm răng. - Chuyển giùm lời chào kính trọng của ta tới cha cháu, Amir jan.

Ông buông tay ra. Lại cười tiếp.
° ° °
- Có chuyện gì sao - Baba nói, ông đang nhận tiền bán con ngựa gỗ từ một bà đứng tuổi.

- Không có gì, - tôi trả lời và ngồi xuống một chiếc máy thu hình cũ. Rồi tôi kể hết cho ông mọi chuyện.

- Chà, Amir, - ông thở dài.

Tôi cũng chẳng hơi sức đâu mà nghĩ ngợi nhiều về những gì đã xảy ra.

Bởi vì cuối tuần, Baba bị cảm lạnh.

Bắt đầu bằng một cơn ho khan và sổ mũi. Rồi ông hết số mũi nhưng vẫn còn ho. Ông thường ho vào một chiếc khăn tay, rồi gấp lại bỏ túi. Tôi lẵng nhẵng theo bắt ông đi kiểm tra, nhưng ông xua tay bảo tôi đi đi. Ông ghét bác sĩ và bệnh viện. Tôi biết, lần duy nhất ông đến bác sĩ là cái lần tôi bị bệnh sốt rét ở Ấn Độ.

Thế rồi hai tuần sau, tôi bắt gặp ông trong phòng vệ sinh đang ho vào một miếng gạc, đờm vấy máu.

- Bố làm thế này bao lâu rồi? - Tôi hỏi.

- Bữa tối thế nào? - Ông nói.

- Con sẽ đưa bố đi khám bác sĩ.

Mặc dầu Baba là quản đốc tại trạm bán xăng dầu, chủ trạm đã không mua bảo hiểm sức khoẻ cho ông và Baba vốn tính bạt mạng, đã không đòi. Thế là tôi đem ông đến bệnh viện khu vực ở San Jose. Viên bác sĩ mắt húp híp vàng khè gặp chúng tôi, tự giới thiệu là bác sĩ nội trú năm thứ hai. Baba càu nhàu: "Trông hắn trẻ hơn con, và ốm yếu hơn ta". Bác sĩ nội trú gửi chúng tôi đi kiểm tra X-quang. Khi y tá gọi chúng tôi vào, bác sĩ nội trú đang điền một hồ sơ khám bệnh.

- Mang giấy này đến bàn phía trước, - anh ta vừa nói vừa viết ngoáy vội.

- Đây là giấy gì? - Tôi hỏi.- Giấy chuyển viện - Tiếp tục ngoáy ngoáy.

- Để làm gì?

- Viện phổi!

- Thế là thế nào?

Anh ta liếc nhìn tôi rất nhanh. Nâng kính lên. Lại tiếp tục ngoáy:

- Ông ấy có một vết đen ở phổi phải. Tôi muốn họ kiểm tra xem sao.

- Một vết đen? - Tôi hỏi, căn phòng chợt trở nên quá hẹp.

- Ung thư à? - Baba vô tình hỏi thêm.

- Có thể. Dẫu sao cũng chỉ là nghi ngờ thôi, - viên bác sĩ lúng búng.

- Anh không thể nói rõ thêm cho chúng tôi ư? - Tôi hỏi.

- Thực sự là không. Trước hết cần chụp cắt lớp, rồi qua bác sĩ chuyên khoa phổi. - Anh ta trao cho tôi giấy chuyển viện - Anh nói bố anh hút thuốc lá phải không?

- Vâng.

Anh ta gật đầu. Hết nhìn tôi lại nhìn Baba và ngược lại:

- Hai tuần nữa họ sẽ gọi cho anh.Tôi muốn hỏi anh ta, tôi phải sống thế nào với cái từ "nghi ngờ" đó suốt hai tuần liền. Tôi phải ăn, đi làm, học hành thế nào? Làm sao anh ta có thể đuổi tôi về nhà với cái từ đó.

Tôi cầm tờ giấy chuyển viện và trao lại nó cho họ. Đêm đó, tôi đợi cho tới khi Baba đã ngủ để gấp một mảnh chăn lại. Tôi dùng nó như tấm thảm quỳ đề cầu kinh. Cúi đầu sát đất, tôi đọc những câu kinh nửa nhớ nửa quên trong kinh Koran - nhưng câu kinh mà giáo sĩ đã bắt chúng tôi thề phải thuộc lòng ở Kabul - và cầu xin lòng nhân từ của Thượng đế mà tôi không chắc tồn tại. lúc này tôi thèm được như giáo sĩ, thèm đức tin và sự chắc chắn của ông.

Hai tuần trôi qua, không thấy ai gọi. Và khi tôi gọi lại, người ta bảo tôi họ đã đánh mất tờ giấy chuyển viện rồi. Tôi có chắc là tôi đã trao lại cho họ không? Họ bảo ba tuần nữa họ sẽ gọi. Tôi phản đối kịch liệt và mặc cả từ ba tuần xuống một tuần để chụp cắt lớp, và hai tuần để đi bác sĩ.

Cuộc thăm khám của bác sĩ chuyên khoa phổi, Bác sĩ Schneider, đang diễn ra tốt đẹp thì Baba hỏi ông ấy gốc gác ở đâu, Bác sĩ Schneider nói nước Nga. Thế là Baba bỏ luôn.

- Xin thứ lỗi cho chúng tôi, bác sĩ, - tôi vừa nói vừa kéo Baba sang một bên.

Bác sĩ Schneider mỉm cười đứng lên, ống nghe vẫn trong tay.

- Baba, con đã đọc lý lịch của Bác sĩ Schneider ở phòng chờ. Ông ấy sinh ở Michigan. Michigan! Ông ấy là người Mỹ. Mỹ hơn cả bố và con.

- Ta không quan tâm hắn sinh ở đâu. Hắn là Roussi, - Baba nói, mặt cau có như đó là một từ bẩn thỉu. - Bố mẹ hắn là Roussi, ông bà hắn là Roussi. Ta thề trước vong hồn mẹ con, ta sẽ bẻ gãy cánh tay hắn, nếu hắn dám đụng vào ta.

- Bố mẹ Bác sĩ Schneider chạy khỏi Shorawi, bố không thấy ư? Họ chạy trốn.

Nhưng Baba không muốn nghe gì nữa. Đôi khi tôi nghĩ, thứ duy nhất ông yêu không kém sâu nặng so với người vợ thuở trước của ông chính là Afghanistan, cố hương của ông. Tôi đã suýt gào lên vì thất vọng. Thay vào đó, tôi thở dài và quay lại nói với ông Schneider:

- Xin lỗi bác sĩ. Thế này thì chẳng được việc gì.

Vị bác sĩ chuyên khoa phổi thứ hai, Bác sĩ Amani, là người Iran và Baba chấp nhận. Bác sĩ Amani, một người ăn nói nhỏ nhẹ, có bộ ria xoắn và mái tóc dài đốm bạc bảo chúng tôi ông phải xem xét lại kết quả chụp cắt lớp vi tính và sẽ phải thực hiện một thao tác gọi là nội soi khí quản để lấy một bệnh phẩm ở phổi phục vụ cho bệnh học. Ông sắp xếp việc đó vào tuần sau. Tôi cảm ơn ông, vừa giúp Baba ra khỏi phòng làm việc vừa nghĩ rằng bây giờ tôi phải sống một tuần liền với cái từ "bệnh phổi" này, một từ còn gở hơn cả từ "nghi ngờ". Giá mà có Soraya ở đó cùng với tôi.

Té ra, giống như quỷ Satan, ung thư cũng có ba bảy đường. Cái của Baba gọi là "Khối u Tế bào quá sản." - Đã di căn. Không thể phẫu thuật. Baba yêu cầu bác sĩ Amani cho biết chẩn đoán bệnh. Ông Amani cắn môi, dùng một từ "nặng". Ông nói:

- Tất nhiên còn hoá trị liệu. Nhưng sẽ chỉ giảm nhẹ đi thôi.

- Như thế nghĩa là gì? - Baba hỏi.

Bác sĩ Amani thở dài. - Nghĩa là sẽ không thay đổi được kết cục. Chỉ kéo dài thêm thôi.

- Thế mới là một câu trả lời rõ ràng, bác sĩ Amani, cảm ơn ông, - Baba nói. - Nhưng không có hoá dược nào cho tôi hết.Vẫn cái nhìn quyết đoán trên gương mặt ông, như ngày nào ông buông cả một đống tem thực phẩm lên bàn của bà Dobbins.

- Nhưng Baba...

- Con đừng có thách thức ta ở chỗ công cộng, Amir. Đừng bao giờ. Con nghĩ con là ai?

Cơn mưa mà tướng Taheri nói tới lúc ở chợ trời đã muộn mấy tuần, nhưng khi chúng tôi bước ra khỏi phòng khám của Bác sĩ Amani, những chiếc xe qua lại đã bắn tung toé nước bẩn lên hai bên lề đường. Baba châm một điếu thuốc. Ông hút suốt lúc ra xe và suốt đoạn đường về nhà.

Lúc ông tra chìa khoá vào cửa gian sảnh, tôi nói:

- Baba, con mong bố sẽ cho hoá dược một cơ may.

Baba đút chùm chìa khoá vào túi, kéo tôi đến tránh mưa dưới mái bạt che của chung cư. Ông ngoáy bàn tay đang cầm thuốc lá vào ngực tôi:

- Thôi đi, bố đã quyết định rồi.

- Thế còn con, Baba? Con phải làm gì đây? - Tôi nói mà mắt rưng rưng.

Một cái nhìn chán chường lướt qua bộ mặt đẫm nước mưa của ông. Vẫn là cái nhìn ông ném cho tôi, thuở còn nhỏ, khi tôi ngã, trầy xước hai đầu gối và khóc. Tiếng khóc đã dẫn đến cái nhìn ấy khi xưa, tiếng khóc dẫn đến nó lúc này.

- Amir, con hai mươi hai tuổi rồi! Một người đàn ông trưởng thành! Con...

Ông mở miệng, khép lại, rồi lại mở miệng, nghĩ lại. Trên đầu chúng tôi, mưa rơi bồm bộp trên mái bạt che.

- Điều gì sẽ xảy ra với con, con nói xem nào? Tất cả những năm tháng vừa qua, chính là ta đã cố dạy con, đừng bao giờ phải hỏi câu hỏi đó.

Ông mở cửa, quay lại tôi:

- Còn một điều nữa. Không ai được biết việc này, con có nghe ta nói không? Không ai hết. Ta không muốn bất cứ ai thương hại.

Rồi ông biến mất trong hành lang nhờ tối. Phần còn lại ngày hôm đó, ông hút thuốc liên tiếp trước máy thu hình. Tôi không biết ông thách thức ai hoặc cái gì. Tôi ư? Tiến sĩ Amani? Hay có thể Thượng đế mà ông chẳng bao giờ tin cả.

Một thời gian, ngay cả ung thư cũng không thể ngăn ông đến chợ trời. Các ngày thứ Bảy chúng tôi lại có những chuyến đi vất vả đến các gara bán đồ cũ, Baba lái xe, tôi là hoa tiêu, và lại bày bán hàng vào những ngày Chủ nhật. Đèn đồng. Bao tay bóng chày, áo Jacket trượt tuyết có khoá đồng. Baba chào đón những người quen biết từ xứ sở cũ, và tôi cò kè với khách mua hàng tới một, hai đô la. Như thể mọi thứ đều quan trọng cả. Như thể cái ngày tôi sẽ trở nên côi cút sẽ không gần lại theo mỗi bận đóng quầy.

Đôi khi tướng Taheri và bà vợ ghé thăm. Ông tướng vẫn thói xã giao, chào tôi bằng một nụ cười và đưa cả hai tay ra bắt tay tôi. Nhưng thái độ của Khanum Taheri có đôi chút dè dặt khác trước. Một sự dè dặt chỉ bị phá vỡ bởi những nụ cười kín đáo chán chường, và những cái nhìn lén lút khi ông tướng chú ý nhìn chỗ khác.

Tôi vẫn nhớ giai đoạn đó như là một thời kỳ của nhiều cái "lần đầu": Lần đầu tiên tôi nghe thấy Baba rên trong phòng tắm. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy máu trên gối của ông. Hơn ba năm điều hành trạm bán ga dầu, Baba chưa bao giờ phải đi khám bệnh. Lại một cái lần đầu khác. Đến lễ Halloween năm đó. Giữa trưa thứ Bảy Baba mệt quá nên ông phải ngồi đợi sau tay lái, khi tôi ra ngoài mặc cả mua đồ cũ. Đến Lễ Tạ ơn, ông gục trước buổi trưa. Khi những xe trượt tuyết xuất hiện cạnh nhưng bãi cỏ mặt tiền và tạo lớp tuyết giả lên những cây linh sam Douglas, Baba ở lại nhà, và tôi đơn độc lái chiếc VW lui lui tới tới trên bán đảo.

Đôi khi tại chợ trời, những người Afghan quen biết bàn tán chuyện Baba sút cân. Lúc đầu họ biếu quà thăm hỏi. Nhưng những lời thăm hỏi và quà cáp ngừng lại khi việc sút cân vẫn không ngừng lại. Khi cân nặng tiếp tục rơi rụng. Và rơi rụng. Khi hai má ông hõm xuống, hai thái dương chảy ra. Và hai mắt thụt vào trong hốc mắt.

Rồi một Chủ nhật lạnh trời ít lâu sau ngày tết đầu năm, Baba đang bán một chiếc chụp đèn cho một người đàn ông Philipin to bè, trong khi tôi đang bới trong chiếc VW để tìm chăn phủ chân cho ông.

- Ê, có ai giúp ông này với! - Người đàn ông Philipin kêu toáng lên. Tôi ngoảnh lại thấy Baba nằm trên đất. Tay và chân đang giật giật.

- Komak! - Tôi kêu lên. - Ai giúp với! - Tôi chạy đến với Baba. Ông đang sùi bọt mép, bọt mép đầm đìa râu ông. Đôi mắt trợn trừng trắng dã.

Mọi người đổ xô đến chỗ chúng tôi. Tôi nghe thấy ai đó nói về cơn tai biến não. "Gọi 911". Tôi nghe tiếng bước chân rầm rập. Trời tối lại khi mọi người xúm xít quanh chúng tôi.

Bọt mép Baba chuyển sang màu đỏ. Ông đang cắn lưỡi. Tôi quỳ xuống bên ông, ôm lấy hai cánh tay ông và nói, con đây, Baba, con đây, bố sẽ ổn thôi, con ở ngay đây. Như thể tôi có thể xoa dịu những cơn co giật của ông. Thuyết phục mọi người để Baba được ớ lại một mình. Tôi cảm thấy ươn ướt ở đầu gối. Thấy Baba đã vãi đái ra. Xì... xì, Baba jan, con ở đây. Con trai bố ở ngay đây mà.

Ông bác sĩ, râu bạc trắng và đầu hói trụi, kéo tôi ra khỏi phòng và bảo:

- Tôi muốn cùng anh xem kỹ lại phim chụp cắt lớp của bố anh.

Nói rồi, ông đặt mấy chiếc phim vào hộp chiếu ở hành lang, và chỉ bằng đầu tẩy bút chì lên ảnh khối u của Baba, như một cảnh sát hình sự chỉ những chân dung kẻ giết người cho gia đình nạn nhân xem. Óc Baba trên những tấm ảnh đó trông giống như mặt cắt ngang của quả óc chó lớn, lổn nhổn những hình giống quả bóng quần vợt.

- Như anh thấy đấy, khối u đã di căn, - ông nói. - Ông ấy phải dùng nhiều thuốc tổng hợp để giảm bớt những chỗ phù nề trong não và những thuốc ngừa tai biến. Và tôi khuyên nên điều trị phóng xạ giảm đau. Anh có hiểu thế là thế nào không?Tôi nói tôi hiểu. Tôi đã trở nên quá quen với những cuộc nói chuyện về ung thư.

- Thôi được rồi, - ông nói và kiểm tra lại máy nhắn tin của mình. - Tôi phải đi đây, nhưng anh có thể gọi cho tôi nếu anh muốn hỏi bất kỳ điều gì.

- Cảm ơn ông.

Suốt đêm ấy tôi ngồi trên một chiếc ghế, gần giường Baba.

Sáng hôm sau, phòng đợi phía dưới đại sảnh chật ních người Afghan. Ông hàng thịt ở Newark. Một kỹ sư làm việc với Baba ở trại mồ côi của ông. Họ lần lượt vào, bày tỏ lòng kính trọng với ông một cách lặng lẽ. Mong ông chóng bình phục. Baba tỉnh dậy, chệnh choạng và mệt mỏi, nhưng đã tỉnh dậy.

Giữa buổi sáng, tướng Taheri và bà vợ tới. Soraya đi theo. Chúng tôi liếc nhìn nhau, rồi nhìn đi chỗ khác ngay.

Tướng Taheri cầm tay Baba.

- Anh thế nào rồi, bạn tôi? Baba chỉ dây truyền tĩnh mạch treo trên cánh tay ông, khẽ mỉm cười. Tướng Taheri mỉm cười đáp lại.

- Anh không được chuốc lấy gánh nặng vào mình. Cả gia đình anh, - Baba nói, giọng khàn khàn.

- Làm gì có gánh nặng nào, - Khanum Taheri nói.

- Không có gánh nặng nào hết. Mà quan trọng hơn, anh cần gì không? - Tướng Taheri nói. - Không gì hết ư? Hãy yêu cầu tôi như anh yêu cầu một người anh em ruột thịt.

Tôi nhớ Baba một lần đã nói về người Pashtun. Có thể chúng ta ương ngạnh, và ta biết chúng ta quá kiêu hãnh, nhưng lúc cần thiết, hãy tin ta, không có ai hơn một người Pashtun ở bên con.

Baba lắc đầu trên gối:

- Anh đến đây làm tôi thấy sung sướng quá.

Ông tướng mỉm cười và xiết chặt bàn tay của Baba:

- Cháu thế nào, Amir jan? Cháu có cần gì không?

Cách ông đang nhìn thẳng vào tôi, lòng tốt trong đôi mắt ông...

- Không, cảm ơn bác. Tướng quân Sahib, cháu...

Cổ họng tôi nghẹn lại. Mắt tôi ràn rụa. Tôi vội lao ra ngoài.

Tôi khóc trong hành lang, bên cái hộp chiếu phim mà đêm trước tôi đã nhìn thấy mặt kẻ giết người.

Cánh cửa phòng Baba khẽ mở và Soraya bước ra. Nàng đứng cạnh tôi. Nàng mặc áo cộc tay màu xám và quần jeans. Tóc nàng xoã xuống. Tôi thật sự muốn được an ủi trong vòng tay nàng.

- Tôi rất tiếc, Amir, - nàng nói. - Cả nhà tôi đều biết có điều gì đó không ổn, nhưng chúng tôi không hề biết đến mức độ này.

Tôi lấy ống tay áo lau mắt:

- Ông không muốn cho ai biết cả.

- Anh có cần gì không?

- Không, - tôi cố mỉm cười. Nàng đặt tay lên tay tôi. Lần đầu tiên chúng tôi chạm vào nhau. Tôi nắm lấy bàn tay nàng. Đưa lên mặt tôi, mắt tôi. Tôi cứ để mặc như thế. - Cô nên quay vào trong thì hơn, nếu không cha cô sẽ để ý đến tôi.

Nàng mỉm cười và gật đầu.

- Tôi sẽ vào.

Nàng quay gót.

- Soraya?

- Dạ?

- Tôi rất sung sướng vì cô đã đến. Điều đó có ý nghĩa... rất nhiều với tôi.

Hai ngày sau họ cho Baba xuất viện. Họ đưa một chuyên gia được gọi là bác sĩ chuyên khoa phóng xạ trị ung thư đến để thuyết phục Baba điều trị phóng xạ. Baba từ chối. Họ lại cố thuyết phục tôi để tôi thuyết phục Baba. Nhưng tôi đã thấy cái nhìn trên gương mặt của Baba. Tôi cảm ơn họ, ký vào giấy xuất viện và mang Baba về nhà trong chiếc xe Ford Torino của tôi.

Đêm đó Baba nằm trên trường kỷ, một chiếc chăn len đắp lên người. Tôi mang cho ông trà nóng và hạt hạnh nhân rang. Hai cánh tay tôi ôm ngang lưng ông và kéo ông ngồi dậy quá dễ. Có cảm giác bả vai ông như một cánh chim dưới ngón tay tôi. Tôi kéo chăn lên trên ngực ông, ở xương ngực lộ ra dưới lớp da mỏng và sạm lại.

- Con có thể làm gì khác nữa cho Baba không?

- Không, bachem. Cảm ơn con.

Tôi ngôi bên cạnh ông:

- Vậy thì con không biết, liệu bố có làm một điều gì đấy cho con không, nếu bố chưa quá kiệt sức?

- Điều gì?

- Con muốn bố đi Khastegari. Con muốn bố hỏi con gái tướng Taheri cho con.

Đôi môi khô héo của Baba rặn ra một nụ cười. Một đốm xanh trên chiếc lá héo:

- Con chắc chứ?

- Chắc hơn bất cứ điều gì con từng tin chắc.

- Con đã nghĩ kỹ chưa?

- Balay 8, Baba...

- Vậy đưa điện thoại đây cho bố. Cả cuốn sổ tay của bố nữa.

Tôi chớp chớp mắt:

- Ngay bây giờ?

- Vậy bao giờ?

Tôi cười:

- Ok.

Tôi đưa điện thoại cho ông và cuốn sổ nhỏ bìa đen Baba ghi vội những số điện thoại của bạn bè. Ông tra số của gia đình Taheri. Bấm số. Đưa ống nghe lên tai. Tim tôi như múa balê trong lồng ngực.

- Jamila jan phải không? - Salaam alaykum, - ông nói. Ông giới thiệu tên. Ngừng. - Đỡ hơn nhiều, cảm ơn chị. Anh chị thật tử tế đã đến thăm. - Ông lắng nghe một chốc. Gật đầu. - Tôi sẽ ghi nhớ, cảm ơn chị. Tướng quân Sahib có nhà không ạ - Ngừng. - Cảm ơn chị.

Ông nháy mắt với tôi. Chẳng hiểu sao tôi muốn cười thật to. Hoặc gào lên. Tôi đưa nắm tay chặn miệng và cắn chặt.

Baba khẽ cười hắt ra đằng mũi.

- Tướng quân Sahib, Salaam alaykum..

- Vâng đỡ hơn nhiều lắm... Anh thật tốt. Tướng quân Sahib, tôi gọi để hỏi anh, có thể cho phép tôi đến thăm anh và KhanumTaheri sáng mai không. Một chuyện tôn nghiêm...Vâng... Mười một giờ là đẹp nhất. Mai nhé. Khoda hãfez. Tạm biệt.

Ông cúp máy. Chúng tôi nhìn nhau. Tôi bật cười khúc khích. Ông cũng khúc khích cười theo.

Baba dấp nước vào tóc và chải hất ra sau. Tôi giúp ông mặc một chiếc áo sơ mi trắng sạch và thắt cà vạt cho ông, thấy cổ áo ông lỏng ra đến năm phân. Tôi nghĩ đến những khoảng trống ông để lại phía sau khi ông ra đi, và tôi bắt mình phải nghĩ về một điều khác. Ông không ra đi. Chưa. Và hôm nay là một ngày để nghĩ những điều tốt lành. Chiếc áo jacket trong bộ lễ phục màu nâu của ông, bộ ông mặc ngày tôi tốt nghiệp, lõng thõng trên người - Baba đã nhẽo ra quá nhiều không còn mặc vừa nữa. Tôi phải xắn hai ống tay lên. Tôi cúi xuống buộc dây giày cho ông.

Gia đình Taheri sống trong một ngôi nhà một tầng mái bằng lại khu dân cư ở Fremont, nơi có rất đông người Afghan. Ngôi nhà có những cửa sổ nhô ra, mái dốc, tiền môn khép kín, trên đó tôi thấy những chậu hoa Thiên trúc quỳnh. Chiếc xe chở hàng màu xám của ông tướng đậu ở lối xe vào.

Tôi đỡ Baba ra khỏi chiếc Ford, rồi lại lui vào phía sau tay lái. Ông dựa người vào cửa xe:

- Cứ về nhà, một giờ nữa bố sẽ gọi cho con.

- Yên tâm. Baba, - tôi nói. - Chúc bố may mắn.

Ông mỉm cười.

Tôi lái xe đi. Trong gương chiếu hậu, Baba đang loạng choạng bước lên lối xe tới cửa nhà ông Taheri, để làm cái nghĩa vụ cuối cùng của người cha.

Tôi đi đi lại lại trong phòng khách căn hộ của chúng tôi đợi Baba gọi. Mười lăm bước chiều dài. Mười bước rưỡi chiều rộng. Nhỡ ông tướng bảo không thì sao? Nhỡ ông ấy ghét tôi thì sao? Tôi vẫn bước vào bếp kiểm tra chiếc đồng hồ hẹn giờ.Chuông điện thoại reo đúng trước buổi trưa.

- Thế nào bố?

- Ông tướng nhận lời.

Tôi thở phào. Ngồi phịch xuống. Hai tay tôi run run.

- Ông ấy nhận rồi ư?

- Ừ, nhưng Soraya jan ở trên gác trong phòng riêng của con bé. Con bé muốn nói chuyện với con trước đã.

- Được thôi ạ.

Baba nói với ai điều gì đó và có tiếng cạch hai lần khi ông dập máy.

- Amir phải không? - Giọng của Soraya.

-Salaam.

- Bố em nói đồng ý.

- Anh biết, - tôi nói. Tôi đổi tay cầm máy. Tôi đang mỉm cười, - Anh rất hạnh phúc. Anh không biết nói gì nữa.

- Em cũng hạnh phúc, Amir. Em... không thể tin nổi điều này lại xảy ra.

Tôi cười:

- Anh biết.

- Nghe đây, - nàng nói. - Em muốn nói với anh một điều. Một điều anh phải biết trước khi...

- Anh không quan tâm điều gì hết.

- Anh cần phải biết. Em không muốn chúng ta khởi đầu bằng những bí mật. Và em muốn anh nghe từ em thì hơn.

- Nếu như thế khiến em cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng sẽ không làm thay đổi điều gì hết.

Một quãng dừng lâu ở đầu kia.

- Khi gia đình em sống ở Virginia, em chạy trốn cùng một người đàn ông Afghan. Lúc đó em mười tám... dễ nổi loạn... ngốc nghếch, và... hắn nghiện ma tuý... chúng em đã sống chung với nhau gần một tháng. Mọi người Afghan ở bang Virginia đều bàn tán về chuyện đó.Cuối cùng Padar cũng tìm thấy chúng em. Ông hiện ra ở cửa và bắt em phải về nhà. Em phát cuồng. Hét lên. Kêu thét. Rằng em ghét ông... Dẫu sao em cũng đã về nhà, và... - Nàng khóc - Tha lỗi cho em.

Tôi nghe thấy nàng buông máy. Hỉ mũi.

- Buồn thay. - Nàng tiếp tục, giọng khàn đi. - Khi em về đến nhà, em thấy mẹ em bị một cơn đột quỵ, bên phải mặt mẹ bị liệt và... Em cảm thấy vô cùng tội lỗi. Mẹ không đáng phải như vậy. Ít lâu sau Padar chuyển gia đình tới California.Một lúc im lặng tiếp theo.

- Rồi bố em và em thế nào? - Tôi hỏi.

- Bố con em vẫn luôn có sự khác biệt, bây giờ vẫn thế, nhưng em biết ơn ông đã đến cứu em hôm đó. Em thực sự tin ông đã cứu em. - Nàng dừng lại. - Vậy, những gì em nói có làm anh băn khoăn không?

- Một chút, - tôi nói. Tôi có bổn phận phải thành thật lại với nàng. Tôi không thể dối nàng mà bảo rằng lòng kiêu hãnh của tôi, Iftikhar 9 của tôi, không bị chạm nọc trước sự thực nàng đã từng cùng một người đàn ông, trong khi đó tôi chưa hề mang một người đàn bà nào lên giường. Tôi có băn khoăn một chút, nhưng tôi đã cân nhắc điều đó nhiều lần mấy tuần liền trước khi yêu cầu Baba đến khastegari. Và vào phút cuối, câu hỏi luôn trở lại với tôi là thế này: Làm sao tôi có thể là loại người đi trừng phạt nghiêm khắc ai đó về quá khứ của họ?

- Nó có làm anh băn khoăn đến mức thay đổi ý định không?

- Không. Soraya. Không một chút nào, - tôi nói. - Không gì em nói làm thay đổi bất cứ điều gì hết. Anh muốn chúng ta cưới nhau.

Nàng oà khóc.

Tôi thèm được như nàng. Bí mật của nàng đã hết. Đã nói ra. Giải quyết rồi. Tôi mở miệng và suýt đã kể cho nàng nghe tôi đã phản hội Hassan, lừa dối, đuổi cậu ấy đi, và huỷ hoại tình thân thiết bốn mươi năm giữa Baba và Ali như thế nào. Nhưng tôi đã không nói. Tôi ngờ rằng về nhiều mặt Soraya là người tốt hơn tôi. Lòng can đảm chính là một trong số đó.


--------------------------------
1Ahmaq: Thằng ngốc. 2Mojarad: Trai tân, thanh niên chưa vợ. 3Wooooy: Tiếng cảm thán, tỏ ý chê trách, miệt thị. 4Mohtaram: Gái chưa chồng. 5Alef beh: Sách vỡ lòng ABC. 6"Tu": Tiếng xưng hô thân mật để gọi người đang nói chuyện với mình, có lẽ bắt nguồn từ "Tu" trong tiếng Pháp. 7Shoma: Tiếng xưng hô xã giao để gọi người đang nói chuyện với mình. 8Balay: như từ OK, được rồi, tốt thôi, yên tâm đi. 9Iftikhar: Cũng có nghĩa lòng kiêu hãnh.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XIII


Tối hôm sau khi chúng tôi đến gia đình ông Taheri - để chính thức ngỏ lời bằng lafz 1 - tôi phải đậu xe ở bên kia phố. Lối vào nhà chật cứng những xe. Tôi mặc một bộ đồ màu xanh nước biển mà tôi đã mua hôm trước, sau khi tôi chở Baba đến khastegari. Tôi kiểm tra lại cà vạt trong gương chiếu hậu.

- Con trông thật đẹp trai, - Baba nói.

- Cảm ơn Baba. Bố có ổn không? Bố có cảm thấy đủ sức làm việc này không?- Đủ sức hở? Đây là ngày hạnh phúc nhất đời bố, Amir - ông vừa nói vừa mỉm cười mệt mỏi.Tôi nghe rõ tiếng bàn tán phía sau cửa, tiếng cười, tiếng nhạc Afghan chơi nhẹ nhàng - nghe như bản ghazal 2 cổ điển của Ustad Sarahang. Tôi bấm chuông. Một khuôn mặt ló ra khỏi rèm cửa sổ tiền sảnh và biến mất. "Họ đến đây rồi!" Tôi nghe tiếng một phụ nữ nói. Tiếng rì rào bàn tán dừng lại. Ai đó tắt nhạc.Khanum Taheri ra mở cửa. Bà nói, mắt sáng ngời:

- Salaam Alaykum!

Bà đã uốn tóc, tôi thấy rõ và mặc bộ đầm đen lịch sự dài đến gót chân. Khi tôi bước vào tiền sảnh, mắt bà ứa lệ, và bà nói:

- Amir jan, con còn chưa vào trong nhà mà ta đã khóc rồi.

Tôi đặt một nụ hôn lên tay bà, như Baba đã dạy tôi đêm trước.Bà dẫn chúng tôi qua một hành lang đèn thắp sáng trưng vào phòng khách. Trên những bức tường ốp gỗ, tôi thấy những tấm ảnh của những người sẽ trở thành gia đình mới của tôi: Khanum Taheri còn trẻ, tóc uốn búp và ông tướng, hậu cảnh là thác Niagara. Khanum Taheri trong bộ váy áo dệt liền. Ông Taheri mặc áo jacket ôm sát có ve cổ hẹp, cravát thanh nhã, tóc dày đen nhánh, Soraya dợm bước lên một con tàu gỗ trò chơi ở hội chợ, đang vẫy tay và mỉm cười, ánh sáng lấp lánh trên hàm răng trắng bóng của nàng. Một tấm ảnh ông tướng bảnh bao trong bộ quân phục, đang bắt tay quốc vương Hussein của Jordan. Một bức chân dung của Zahir Shah.

Phòng khách đông khoảng hai chục khách, ngồi trên những chiếc ghế tựa dọc theo các bức tường. Khi Baba bước vào, mọi người đều đứng lên. Chúng tôi đi vòng quanh phòng, Baba từ từ đi trước, tôi theo sau, bắt tay và chào các vị khách. Ông tướng - vẫn trong bộ đồ xám - và Baba ôm hôn nhau, lịch sự vỗ nhẹ vào lưng nhau. Họ chào nhau Salaam bằng một giọng kính cẩn, khẽ khàng.

Ông tướng ôm vòng tôi hết cả hai cánh tay và cười xởi lởi như muốn nói, - nào, bây giờ thì chính thức - theo tục lệ của người Afghan - để làm điều này rồi, bachem. - Chúng tôi hôn lên má nhau ba lần.

Chúng tôi ngồi trong căn phòng đông kín người. Baba và tôi cạnh nhau, đối diện với ông tướng và bà vợ. Tiếng thở của Baba dồn dập hơn đôi chút, ông không ngừng lau mồ hôi trên trán và da đầu bằng chiếc khăn tay. Ông thấy tôi đang nhìn ông và cười gượng. - Bố không sao, - ông nhăn nhó.

Để giữ đúng phong tục, Soraya không có mặt.

Tiếp theo là nhưng chuyện tán gẫu tầm phào cho tới khi ông tướng hắng giọng. Căn phòng trở lại yên tĩnh và ai nấy đều nhìn xuống tay mình. Nghiêm trang, ông tướng gật đầu ra hiệu về phía Baba.

Baba cũng hắng giọng. Ông bắt đầu nói, ông không thể nói hết một câu mà không dừng lại thở:

- Thưa Tướng quân Sahib, Khanum Jamila jan... thật là một vinh dự lớn lao cho con trai tôi và tôi... được đến nhà các vị hôm nay. Các vị... là những con người đáng kính trọng... thuộc những gia đình kiệt xuất và danh giá và... dòng dõi kiêu hãnh. Tôi đến đây không vì điều gì khác ngoài ihtiram tối thượng... sự kính trọng nhất đối với các bậc tiền bối gia đình các vị, và tưởng nhớ... tổ tiên các vị. - Ông dừng lại. Lấy hơi. Quệt lông mày. - Amir jan là con trai duy nhất của tôi... đứa con duy nhất của tôi, và cháu luôn là đứa con trai hiếu thảo của tôi. Tôi mong cháu sẽ tỏ ra... xứng đáng với lòng tốt của các vị. Tôi ngỏ lời xin các vị đem lại vinh dự cho Amir jan và tôi... và chấp nhận con trai tôi vào trong gia đình các vị.

Ông tướng gật đầu lịch thiệp. Ông nói:

- Chúng tôi vinh dự đón chào con trai của một người như ông vào gia đình chúng tôi. Danh tiếng của ông còn đến trước ông. Tôi là một người nghiêng mình ngưỡng mộ ông ở Kabul và vẫn còn giữ nguyên lòng ngưỡng mộ đó tới ngày hôm nay. Chúng tôi rất vinh hạnh được gia đình ông thông gia với chúng tôi.

- Amir jan, về phần con, ta chào đón con vào gia đình ta như một đứa con trai, như là người chồng của con gái ta, noor 3 của mắt ta. Nỗi đau của con cũng sẽ là nỗi đau của chúng ta, niềm vui của con là niềm vui của chúng ta. Ta hy vọng con sẽ xem Khala Jamila và ta như cha mẹ thứ hai của con, và ta nguyện cầu cho hạnh phúc của con Soraya jan yêu quý của chúng ta. Cả hai con hãy nhận lời chúc phúc của chúng ta.

Mọi người vỗ tay, và với tín hiệu đó, tất cả đều quay đầu về phía hành lang. Giờ phút mà tôi mong đợi.

Cuối cùng Soraya xuất hiện. Trong áo váy Afghan truyền thống màu nho lộng lẫy với hai ống tay dài và đồ nữ trang bằng vàng. Tay của Baba nắm lấy tay tôi, xiết chặt. Khanum Taheri tràn trề nước mắt. Soraya chậm rãi bước lại phía chúng tôi, theo sau là một đoàn phù dâu gồm những họ hàng phụ nữ.

Nàng hôn tay cha tôi. Cuối cùng ngồi xuống cạnh tôi, mắt nhìn xuống.Tiếng vỗ tay ran lên.

Theo truyền thống, gia đình Soraya sẽ phải tổ chức tiệc đính hôn, Shirini khori, còn gọi là Lễ Ăn Kẹo. Rồi giai đoạn đính hôn đấy thường kéo dài vài tháng. Tiếp đến lễ cưới phải do Baba gánh vác.Tất cả chúng tôi đều đồng ý là Soraya và tôi sẽ bỏ qua Shirini khori. Ai cũng biết lý do, vì vậy chẳng ai phải nói hẳn ra rằng: Baba chẳng còn sống được mấy tháng nữa.

Soraya và tôi không bao giờ cùng nhau đi ra ngoài trong khi tiến hành chuẩn bị cho lễ cưới - do chúng tôi còn chưa cưới, thậm chí không có cả Shirini khori - đi cùng nhau như thế bị xem là không hợp lẽ. Vì vậy tôi đành phải đi cùng với Baba qua nhà ông Taheri ăn tối. Ngồi đối diện với Soraya qua bàn ăn. Tưởng tượng ra khi đầu nàng gối lên ngực mình, mùi tóc nàng sẽ như thế nào. Hôn nàng. Làm tình với nàng.

Baba tiêu ba lăm ngàn đô la, gần hết khoản tiền ông dành dụm cho awrossi, lễ cưới. Ông thuê một phòng tiệc lớn ở Fremont - chủ nhà hàng biết ông từ ngày ở Kabul nên đã giảm giá đáng kể cho ông. Baba phải thuê dàn nhạc cho đám cưới của chúng tôi, và chi tiền cho chiếc nhẫn kim cương tôi chọn. Ông mua cho tôi bộ vest đuôi tôm và bộ áo quần truyền thống màu xanh cho lễ nika - lễ nguyện thề. Mọi công cuộc chuẩn bị tới tấp đáng sợ cho đêm cưới - may mắn sao phần lớn đều do Khanum Taheri và bạn bè bà đảm nhiệm - tôi chỉ còn nhớ được một chút không đáng kể.

Tôi còn nhớ lễ nika của chúng tôi. Chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn. Soraya và tôi mặc màu xanh lục - màu của đạo Hồi, nhưng cũng là màu của mùa xuân và sự khởi đầu mới. Tôi đóng bộ, Soraya (người phụ nữ duy nhất tại chiếc bàn đó) mặc áo váy dài tay, che mạng. Baba, TướngTaheri (lần này trong bộ vest đuôi tôm) và mấy người cậu của Soraya cũng có mặt tại chiếc bàn đó. Soraya và tôi nhìn xuống, nghiêm trang, kính cẩn, chỉ dám liếc trộm nhau. Ông giáo sĩ hỏi những người làm chứng và đọc kinh Koran. Chúng tôi nói nhưng lời nguyện thề. Ký vào giấy chứng hôn. Một trong những người cậu của Soraya đến từ Virginia, ông Sharif jan, em trai của Khanum Taheri, đứng lên và hắng giọng. Soraya bảo tôi rằng, ông đã sống ở nước Mỹ hơn hai mươi năm. Ông làm việc ở Sở Nhập cư và Nhập quốc tịch, còn có một bà vợ Mỹ. Ông cũng là một nhà thơ. Một người nhỏ nhắn với bộ mặt giống mặt chim, tóc mềm như tơ. Ông đọc một bài thơ dài tặng Soraya, ghi vội trên một tờ giấy của khách sạn. Khi ông đọc xong mọi người reo lên: "Wah wah, chà chà, Sharif jan."

Tôi còn nhớ lúc ấy, trong bộ lễ phục, tôi bước về phía diễn đài, Soraya trong chiếc pari 4 che mặt màu trắng, tay chúng tôi khoác lấy nhau. Baba tập tễnh bên tôi, ông tướng và bà vợ bên cạnh con gái mình. Một đoàn phù đâu, phù rể gồm chú bác cô dì, anh chị em họ theo sau, lúc tôi đi suốt căn phòng lớn, rẽ qua một biển khách dự đang hoan hô và nheo mắt vì đèn máy ảnh. Một người anh họ của Soraya, con trai ông Sharif jan, giơ cao cuốn kinh Koran trên đầu chúng tôi khi chúng tôi tiến dần lên. Bài ca hôn lễ, ahesta boro trầm trầm dâng lên, vẫn bài ca mà tên lính Nga tại trạm kiểm soát thác Mahipar đã hát, cái đêm mà Baba và tôi rời Kabul:
Biển buổi sáng thành một chiếc chìa khoávà ném xuống giếng,
Lên từ từ, vầng trăng yêu dấu của ta, lên từ từ.
Hãy để cho mặt trời buổi sáng quên dậy ở phương Đông,
Lên từ từ, vầng trăng yêu dấu của ta, lên từ từ.
Tôi nhớ đang ngồi trên chiếc sofa đặt trên diễn đài như một cái ngai vàng, tay Soraya trong tay tôi, trong khi khoảng ba trăm gương mặt nhìn lên chúng tôi. Chúng tôi làm Ayena Masshaf 5, tức họ cho chúng tôi một chiếc gương và ném một chiếc khăn trùm đầu lên đầu chúng tôi, như thế chúng tôi sẽ được riêng hai đứa nhìn nhau trong gương. Nhìn vào khuôn mặt đang mỉm cười của Soraya trong chiếc gương ấy, trong cái khoảnh khắc riêng tư dưới khăn trùm đầu, lần đầu tiên tôi thì thào với nàng rằng tôi yêu nàng. Má nàng đỏ bừng lên, như màu lá móng.

Tôi hình dung lại các đĩa thức ăn đầy màu sắc, chopan kabob, sholeh-goshti 6 và xôi có màu cam dại. Tôi thấy Baba ngồi giữa hai chúng tôi trên chiếc ghế sofa ấy và mỉm cười. Tôi nhớ những con người mồ hôi đầm đìa nhảy điệu attan 7 truyền thống theo một vòng tròn, bật người lên, xoay tít mỗi lúc một nhanh theo nhịp cuồng nhiệt của cặp trống cơm, cho tới khi tất cả trừ một hai người rớt khỏi vòng vì kiệt sức. Tôi nhớ tôi chỉ mong chú Rahim Khan có mặt ở đó.

Và tôi nhớ mình tự hỏi không biết liệu Hassan cũng đã cưới chưa. Nếu cưới rồi thì cậu ấy sẽ nhìn thấy khuôn mặt của ai trong chiếc gương dưới chiếc khăn trùm đầu? Bàn tay nhuộm lá móng của ai cậu đang cầm?

Khoảng hai giờ sáng, tiệc cưới chuyển từ phòng đại tiệc về căn hộ của Baba. Trà một lần nữa lại tràn trề và nhạc được chơi cho tới khi láng giềng phải gọi cảnh sát. Quá khuya đêm đó, mặt trời chỉ chưa đầy một giờ nữa sẽ mọc và cuối cùng khách khứa cũng ra về. Lần đầu tiên Soraya nằm cùng tôi. Suốt đời tôi, tôi chỉ quanh quẩn với đàn ông. Đêm đó, tôi mới khám phá ra sự dịu dàng của một người đàn bà.

Chính Soraya là người đề nghị chuyển đến ở cùng Baba và tôi. Tôi nói:

- Anh tưởng, có lẽ em muốn chúng ta có một chỗ ở riêng.

Nàng đáp:

- Với Kaka jan đang ốm yếu như thế này ư? Mắt nàng như muốn bảo tôi không còn cách nào khác để bắt đầu cuộc sống gia đình. Tôi hôn nàng:

- Cảm ơn em.

Soraya tình nguyện chăm sóc cha tôi. Nàng pha trà và làm bánh nướng vào buổi sáng cho ông, đỡ ông ra khỏi giường và vào giường. Nàng mang thuốc giảm đau cho ông, giặt quần áo cho ông, đọc cho ông nghe phần tin tức quốc tế trên tờ nhật báo vào mỗi buổi chiều. Nàng nấu cho ông những món ăn ông ưa thích, món khoai tây nấu shorwa 8, dẫu hiếm khi ông ăn nổi quá vài thìa đầy, và dắt ông ra khỏi phòng đi bộ một quãng quanh dãy nhà. Rồi khi ông liệt giường, mỗi tiếng đồng hồ nàng lại lật người ông để khỏi bị hoại thư.

Một hôm tôi từ hiệu thuốc mua ít viên moóc phin giảm đau cho Baba về nhà. Vừa kịp đóng cửa lại, tôi bắt gặp Soraya nhìn rất nhanh qua thứ gì đó dưới tấm chăn của Baba. Tôi nói:

- Này, anh thấy rồi nhé! Hai người đang làm gì vậy?

- Làm gì đâu, - nàng mỉm cười nói.

- Nói dối. - Tôi lật chăn Baba lên. - Cái gì đây?

Tôi nói, dẫu vừa nhặt lên cuốn sổ bọc da tôi đã biết. Tôi vạch ngón tay dọc theo mép sách mạ vàng. Tôi vẫn nhớ pháo hoa cái đêm chú Rahim Khan cho tôi cuốn sổ, đêm sinh nhật lần thứ mười ba của tôi, những luồng sáng xẹt xẹt và nổ bùng thành những bó hoa đỏ, xanh, vàng.

- Em không thể tin được anh có thể viết như thế. - nàng nói.

Baba nhích đầu ra khỏi gối:

- Bố bảo nó làm vậy đấy. Bố mong con đừng để ý.

Tôi đưa cuốn sổ lại cho Soraya và rời khỏi phòng. Baba ghét khi tôi khóc.

Một tháng sau đám cưới, ông bà Taheri, ông Sharif, bà Suzy và mấy bà cô, bà dì của Soraya đến căn hộ của chúng tôi ăn tối. Soraya làm món sabzi challow, gạo trắng nấu với rau bina và thịt cừu non. Sau bữa tối, tất cả chúng tôi uống chè xanh và chơi bài theo nhóm bốn người. Soraya và tôi chơi cùng ông Sharif và bà Suzy, vợ ông, trên chiếc bàn cafe, gần cái sofa Baba đang nằm đắp tấm chăn len. Baba nhìn tôi đang đùa với ông Sharif, nhìn tôi và Soraya đang ngoéo tay nhau, nhìn tôi giật mớ tóc uốn cong bỏ lơi của nàng. Tôi có thể thấy nụ cười thẳm sâu trong lòng Baba, cũng mênh mông như bầu trời những đêm khi những cây bạch dương run rẩy và tiếng dế kêu âm vang khắp khu vườn. Đúng trước nửa đêm, Baba bảo chúng tôi đỡ ông lên giường. Soraya và tôi quàng hai cánh tay ông lên vai chúng tôi và ôm lấy lưng ông. Khi chúng tôi đặt ông nằm xuống, ông bắt Soraya tắt đèn ngủ.

Ông bảo chúng tôi ngả người xuống và hôn chúng tôi mỗi người một cái.

- Con sẽ mang moóc phin và cốc nước đến, Kaka jan, - Soraya nói.

- Đêm nay không cần, - ông nói. - Đêm nay không đau đâu.

- Vâng ạ. - nàng đáp lời. Nàng kéo chăn lên cho ông. Chúng tôi khép cửa lại.

Baba không bao giờ thức dậy nữa.

Mọi người đỗ xe đầy bãi xe tại nhà thờ Hồi giáo ở Hayward. Trên một cánh đồng trụi cỏ phía sau toà nhà, những chiếc xe bốn chỗ và những chiếc SUV đỗ chặt cứng các điểm đỗ tạm thời. Một số người phải lái qua ba, bốn dãy nhà ở phía Bắc nhà thờ để tìm chỗ.Khu vực dành cho đàn ông của nhà thờ là một phòng vuông rộng lớn, những tấm thảm nhỏ Afghan và những tấm đệm mỏng trải song song thành hàng. Đàn ông xếp hàng đi vào căn phòng, giày để ngoài cửa, ngồi 140 khoanh chân trên những tấm đệm. Một giáo sĩ hát surrah 9từ kinh Koran trước micro. Tôi ngồi bên cửa theo phong tục quy định cho gia đình người đã khuất. Tướng Taheri ngồi cạnh tôi.Qua cánh cửa mở rộng, tôi có thể nhìn thấy những dòng xe ùn ùn kéo tới, ánh nắng lấp lánh trên kính chắn gió. Họ thả khách đi xe xuống, những người đàn ông mặc đồ đen, phụ nữ mặc áo dài đen, đầu đội những khăn trắng truyền thống hijab 10.

Vì tiếng cầu nguyện từ kinh Koran vang dội khắp căn phòng, tôi lại nghĩ tới câu chuyện cũ Baba vật nhau với một con gấu đen ở Baluchistan. Baba đã vật nhau với gấu suốt cuộc đời mình. Mất người vợ trẻ. Một mình nuôi con trai. Rời bỏ quê hương yêu dấu của mình, watan tuổi xanh của mình. Nghèo khổ. Bị khinh miệt. Cuối cùng, một con gấu nữa tới mà ông không thể thắng nổi. Nhưng ngay cả như thế, ông đã thua trong những hoàn cảnh của chính mình.

Sau mỗi một vòng những người cầu nguyện, những tốp người đến chia buồn xếp hàng lại và chào tôi khi đi ra. Theo đúng nghĩa vụ, tôi bắt tay họ. Nhiều người trong số họ tôi hầu như không biết. Tôi lễ phép mỉm cười, cảm ơn tất cả về những điều họ cầu chúc, lắng nghe bất cứ điều gì họ nói về Baba.

- ... giúp tôi xây nhà ở Taimani...

- ... ban phúc lành cho ông...

- ... không một ai khác chịu giúp và ông đã cho tôi vay...

- ... kiếm cho tôi một công việc... hầu như không biết tôi...

- ... như một người anh của tôi.

Lắng nghe họ nói, tôi nhận ra tôi là ai, là cái gì, đến mức nào, đã được định rõ bởi Baba và những dấu ấn ông để lại trên cuộc đời mọi người. Cả cuộc đời tôi, tôi đã là "con trai Baba". Giờ ông ra đi rồi. Baba không thể chỉ đường cho tôi nữa. Tôi sẽ phải tự tìm lấy nó.

Nghĩ đến việc đó khiến tôi kinh hoàng.

Lúc trước tại khu mộ nhỏ của người Hồi giáo ở nghĩa trang, tôi đã chứng kiến người ta hạ Baba xuống một cái hố. Còn ông giáo sĩ đã tới mức phải tranh cãi với một người đàn ông về việc đâu mới là ayat chính xác của kinh Koran để đọc tại mộ chí. Sự việc có thể đã trở nên nghiêm trọng nếu tướng Taheri không can thiệp. Giáo sĩ chọn một ayat, vừa đọc vừa khó chịu liếc nhìn người kia. Tôi chứng kiến họ hất những xẻng đất đầu tiên xuống mộ. Rồi tôi bỏ đi. Bước về phía bên kia của nghĩa trang. Ngồi dưới bóng cây ngô đồng đã đỏ lá.

Giờ thì lượt cuối cùng những người đến viếng đã bày tỏ trọn lòng kính trọng, và nhà thờ vắng hết người, ngoại trừ ông giáo sĩ đang tháo phích cắm micrô và bọc cuốn kinh Koran vào trong tấm vải xanh. Ông tướng và tôi bước ra ngoài lúc mặt trời đã xế bóng. Chúng tôi bước xuống các bậc thềm, đi qua những đám người đang tụ tập hút thuốc. Tôi nghe lõm bõm những câu chuyện của họ, một trận bóng đá ở Union City tuần tới, một tiệm ăn mới của người Afghan ở Santa Clara. Đời đã lại đang vận động, để lại Baba ở phía sau rồi.

- Con thế nào, bachem? - Tướng Taheri hỏi.

Tôi nghiến răng. Ngăn dòng nước mắt chỉ chực trào ra suốt cả ngày:

- Con đi tìm Soraya đây, - tôi nói.

- Phải đấy.

Tôi bước sang phía dành cho phụ nữ của nhà thờ. Soraya đang đứng trên bậc thềm với mẹ mình và hai bà nào đó mà tôi chỉ mang máng nhớ từ hôm đám cưới. Tôi ra hiệu cho Soraya. Nàng nói gì đó với mẹ và đến chỗ tôi.

- Liệu chúng mình đi dạo bộ có được không? - Tôi nói.

- Được chứ, - nàng cầm lấy tay tôi.Chúng tôi lặng lẽ bước xuống một lối đi rải sỏi quanh co, ngăn cách bằng nhưng hàng rào thấp. Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế dài, quan sát một cặp vợ chồng già đang quỳ cạnh một ngôi mộ cách đó mấy hàng và đặt một bó hoa cúc bên bia mộ.

- Soraya này?

- Gì anh?

- Anh bắt đầu nhớ ông.

Nàng đặt tay lên đùi tôi. Chiếc chila 11 Baba mua lấp lánh trên ngón tay đeo nhẫn của nàng. Phía sau nàng, tôi có thể nhìn thấy nhưng người đến viếng Baba đang lái xe rời khỏi đây về phía Đại lộ Mission. Chẳng mấy chốc nữa thôi, chúng tôi cũng rời khỏi đó, và đây là lần đầu tiên, Baba sẽ hoàn toàn cô độc.

Soraya kéo tôi vào người nàng và cuối cùng nước mắt tôi trào ra.

Bởi vì Soraya và tôi chẳng bao giờ có giai đoạn hứa hôn, tất cả những gì tôi biết được về gia đình Taheri đều là từ sau khi đã cưới. Ví dụ, tôi mới biết rằng, tháng một lần, ông tướng lại phải chịu một cơn thiên đầu thống kéo dài gần một tuần. Khi bị cơn đau đầu hành hạ, ông đi về phòng riêng, cởi quần áo, tắt đèn, khoá cửa, và không chịu ra ngoài cho tới khi cơn đau dịu hẳn. Không ai được phép vào phòng, không ai được phép gõ cửa. Cuối cùng ông thường lại hiện ra, trong bộ đồ xám, sực mùi giấc ngủ và khăn trải giường, mắt ông vồng lên và vằn máu.

Tôi được Soraya cho biết, ông và Khanum Taheri đã ngủ riêng ở hai phòng từ khá lâu rồi. Tôi được biết ông có thể vẫn chấp vặt, ví như khi ông cắn một miếng qurma bà vợ đặt trước mặt ông, rồi thở dài và đẩy món ấy đi. "Tôi sẽ làm cho mình món khác." Khanum Taheri thường nói vậy, nhưng ông phớt lờ bà, hờn dỗi và ăn bánh mì với hành. Việc này làm Soraya tức giận và mẹ nàng khóc. Soraya bảo tôi ông đã dùng thuốc ngủ.

Tôi được biết ông vẫn giữ cho gia đình mình được hưởng phúc lợi xã hội và không bao giờ làm một nghề gì ở Hoa Kỳ, thích đổi những tấm séc chính phủ ra tiền mặt hơn là tự hạ mình làm những công việc không phù hợp với một người tài ba và hiển hách như ông - ông chỉ đến thăm chợ trời như một trò giải trí, một cách để hoà nhập với những bạn bè cũ người Afghan. Ông tướng tin rằng, sớm muộn, Afghanistan cũng sẽ được giải phóng, chế độ quân chủ sẽ được phục hồi, và ông một lần nữa lại được mời ra phục vụ. Vì vậy, ngày nào ông cũng chỉnh tề trong bộ đồ xám của ông, xoay xoay chiếc đồng hồ bỏ túi, đợi chờ.

Tôi được biết Khanum Taheri - mà bây giờ tôi gọi là Khala Jamila - từng một thời nổi tiếng ở Kabul vì giọng hát mê hồn. Dẫu chưa bao giờ hát kiểu chuyên nghiệp, bà đã có đủ tài làm việc đó - bà có thể hát dân ca, những ghazals 12 và cả raga 13 vốn thường là lĩnh vực của đàn ông nữa. Nhưng càng đánh giá cao việc thưởng thức âm nhạc - thực tế ông tướng sở hữu một bộ sưu tập đáng kể những băng ghi âm ghazals cổ điển do các ca sĩ Afghan và Hindi thể hiện - ông càng tin rằng việc đó tốt nhất là dành cho những người thuộc tầng lớp hạ lưu. Cho nên việc bà không bao giờ hát ở nơi công cộng là một trong những điều kiện khi họ cưới nhau. Soraya kể cho tôi nghe, mẹ nàng đã muốn hát trong đám cưới chúng tôi, một bài thôi, nhưng ông tướng lườm bà, và chuyện bà hát đành chôn vùi. Khanum Taheri chơi xổ số tuần một lần và tối nào cũng xem Johnny Carson 14. Bà dành nhiều hôm ở ngoài vườn để chăm sóc những cây hoa hồng, thiên trúc quỳnh, khoai tây leo và hoa lan của bà.

Khi tôi cưới Soraya, hoa và Johnny Carson chiếm vai trò thứ yếu. Tôi là niềm vui mới trong cuộc đời Khala Jamila. Không giống cung cách xã giao và phòng thủ của ông tướng - ông không đính chính khi tôi gọi ông là "Tướng quân Sahib" - Khala Jamila không giấu việc bà ngưỡng mộ tôi vô cùng. Vì một lý do, tôi lắng nghe cả một danh sách rất ấn tượng những căn bệnh của bà, một chủ đề mà ông tướng đã từ lâu vờ điếc không nghe.

Soraya bảo tôi, từ khi mẹ nàng bị đột quỵ đến nay, mỗi lần mạch yếu, trong ngực bà lại là một cơn đau tim, mọi khớp xương đau đều gắn với bệnh thấp khớp, mỗi lần mắt bà co giật là một cơn đột quy mới. Tôi nhớ, lần đầu tiên Khala Jamila nói tới một cục gì đó nghẹn ở cổ bà. Tôi bảo: "Ngày mai con sẽ không đến trường và đưa mẹ đến bác sĩ." Đáp lại ông tướng mỉm cười: "Vậy thì con cũng có thể bỏ quách luôn sách vở của con được rồi đấy, bachem. Danh mục khám chữa bệnh của Khala con nhiều như tác phẩm của Rumi: phải hàng tập."

Nhưng đó không chỉ là bà muốn tìm một thính giả cho những độc thoại về bệnh tật đau ốm của bà. Tôi tin tưởng vững chắc rằng nếu tôi đã nhặt một khẩu súng lên và tham gia vào một vụ hành hung giết người, tôi vẫn sẽ còn có được sự trợ giúp từ tình yêu kiên định của bà. Bởi vì tôi đã cất khỏi trái tim bà căn bệnh trầm trọng nhất. Tôi đã cất khỏi hộ bà nỗi sợ lớn nhất của mọi bà mẹ Afghan, không có người khastegar danh giá nào tới xin kết hôn với con gái mình. Rồi con gái mình sẽ già đi, đơn độc, không chồng, không con. Người đàn bà nào cũng cần có một người chồng. Ngay cả khi hắn ta làm câm bặt tiếng hát trong lòng nàng.

Và, từ Soraya, tôi biết được những gì đã xảy ra ở Virginia.

Chúng tôi đang dự một đám cưới. Cậu của Soraya, ông Sharif, người làm việc tại Sở Nhập cư đó, đang tổ chức lễ cưới cho con trai mình với một cô gái Afghan ở Newark. Đám cưới cũng được tổ chức ngay tại cái phòng sáu tháng trước Soraya và tôi đã làm lễ awroussi. Chúng tôi chợt nghe thấy hai người dàn bà trung niên quay lưng lại chúng tôi trò chuyện.

- Trông cô dâu mới đáng yêu quá. - Một trong hai người nói, - cứ nhìn kỹ xem. Maghbool quá, như mặt trăng ấy.

- Ừ, - người kia nói, - và trong trắng nữa. Tiết hạnh. Không có bạn trai.

- Tôi biết. Tôi nói cho bà rõ chàng trai kia không cưới cô em họ là đúng lắm.

Trên đường về nhà Soraya như phát điên lên. Tôi lái chiếc Ford vào lề và đậu xe dưới đèn đường đại lộ Fremont.

- Không sao đâu. - Tôi vừa nói vừa vuốt lại tóc nàng. - Ai để ý nào?

Nàng hét lên:

- Đểu giả quá.

- Quên chuyện đó đi.

- Con trai họ đến các hộp đêm tìm trò giải trí và làm lũ bạn gái ễnh bụng ra, chúng có những đứa con ngoài hôn thú và chẳng ai nói một điều chết tiệt gì. Ồ, chúng chỉ là những người đàn ông ham vui thôi! Em mắc một sai lầm thế là mọi người nói đến nang và namoos - danh dự và tự hào - và em phải mặt dày về chuyện đó suốt cả phần còn lại đời em.

Tôi lấy lòng ngón lay cái quệt giọt nước mắt rơi xuống hàm nàng, ngay trên vết bớt.

- Em đã không kể cho anh biết, - Soraya vừa nói vừa chớp mắt. - nhưng đêm đó, cha em xuất hiện với một khẩu súng. Ông bảo... anh ta... ông có hai viên đạn trong nòng, một cho anh ta, một cho bản thân ông, nếu em không trở về nhà. Em kêu thét lên, gọi ông bằng đủ mọi thứ tên, bảo ông không thể giữ em cấm cung mãi mãi, rằng em mong ông chết đi. - Những giọt nước mắt nóng hổi ứa ra giữa hai bờ mi nàng. - Đúng là em đã nói như thế với ông, rằng em mong ông chết đi.

Khi ông đem em về nhà, mẹ quàng hai cánh tay ôm lấy em và bà cũng đang khóc. Bà cứ nói mãi những gì đó, nhưng em chẳng thể hiểu nổi chút nào, bởi vì bà líu lưỡi lại quá tệ. Thế là cha mang em về phòng ngủ và để em ngồi trước cái gương trang điểm. Ông đưa cho em một chiếc kéo và bình thản bảo em cắt hết tóc đi. Ông theo dõi trong khi em gọt tóc.

Em không bước ra khỏi nhà mấy tuần liền. Rồi khi em ra, em nghe thấy những tiếng xì xào hoặc hình dung thấy họ ở bất kỳ chỗ nào em tới. Đã bốn năm rồi và cách xa ba nghìn dặm, em vẫn còn nghe thấy họ xì xào.

- Mặc xác họ, - tôi bảo.

Nàng như nửa khóc nửa cười, nói:

- Cái đêm khastegari khi em kể cho anh nghe về điều này trong điện thoại, em tin chắc thế nào anh cũng đổi ý.

- Không có chuyện đó đâu, Soraya.

Nàng mỉm cười và cầm lấy tay tôi:

- Em thật quá may mắn đã tìm thấy anh. Anh khác xa với tất cả bọn con trai Afghan em đã từng gặp.

- Chúng ta đừng bao giờ nói về chuyện này nữa, được không?

- Vâng.

Tôi hôn má nàng và lái xe rời khỏi lề đường. Trong khi lái, tôi thắc mắc tại sao tôi lại khác xa. Có thể vì tôi đã được những người đàn ông nuôi dưỡng. Tôi không lớn lên quanh quẩn bên những người đàn bà và chưa bao giờ thực sự chung sống với cái chuẩn mực lập lờ 15 mà xã hội Afghan lấy đó để đối xử với họ. Cũng có thể tại Baba là một người cha Afghan khác thường đến thế, một người tự do đã sống theo luật lệ riêng của mình, một con người độc lập về tư tưởng, coi thường hoặc chấp nhận những tục lệ xã hội theo chính kiến của riêng ông.

Nhưng tôi nghĩ, phần lớn lý do tôi không quan tâm tới quá khứ của Soraya chính là tôi cũng có quá khứ riêng của tôi. Tôi hiểu rõ thế nào là ân hận.

Sau ngày Baba mất ít lâu. Soraya và tôi chuyển đến căn hộ một phòng ngủ ở Fremont, chỉ cách ngôi nhà của ông tướng và Khala Jamila vài dãy. Cha mẹ Soraya mua cho chúng tôi một ghế sofa đệm da nâu và một bộ đĩa hát Mikasa coi như quà mừng nhà mới. Ông tướng cho tôi thêm một món quà nữa, một máy chữ IBM mới toanh. Trong hộp, ông luồn vào một mẩu giấy viết bằng chữ Farsi:

Amir jan,
Bố mong con khám phá ra nhiều câu chuyện trên những phím chữ này.

Tướng Iqbal Taheri
Tôi bán chiếc xe buýt VW của Baba và từ hôm đó, tôi không trở lại chợ trời nữa. Mỗi thứ Sáu tôi lại lái xe đến mộ Baba, và đôi khi, tôi thấy có bó hoa freesia 16 tươi thắm bên bia đá, hiểu rằng Soraya cũng đã đến đó. Soraya và tôi ổn định dần những thói quen - và những ngạc nhiên nho nhỏ - của đời sống vợ chồng. Chúng tôi dùng chung bàn chải răng và bít tất, đưa cho nhau giấy vệ sinh. Nàng nằm ở bên phải, tôi thích ở bên trái giường. Nàng thích gối lông chim, tôi thích gối cứng. Nàng ăn điểm tâm qua loa bằng bánh nhạt không bơ, thêm chút sữa.

Tôi nhận được chứng chỉ tại tiểu bang San Jose mùa hè năm đó và chọn chuyên ngành tiếng Anh. Tôi nhận công việc bảo vệ, làm ca đêm tại một kho hàng lớn đồ nội thất ở Sunnyvale. Công việc thật buồn chán khủng khiếp, nhưng thuận lợi lại thật đáng kể. Khi mọi người ra về vào lúc 6 giờ chiều và bóng tối bắt đầu bò vào giữa hai dãy sofa còn bọc nhựa chồng cao đến tận trần, tôi lấy sách của tôi ra và nghiên cứu. Chính trong cái văn phòng sực mùi gỗ thông thơm phức của kho hàng ấy, tôi bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình.

Năm sau, Soraya đến tiểu bang San Jose với tôi, và đăng ký vào trường sư phạm, bất chấp thái độ sầu não của cha mình.

- Bố không hiểu tại sao con đang để phí tài năng của con như thế - một buổi tối ông tướng nói trong bữa ăn. - Con có biết không, Amir jan, ở trường trung học con bé toàn được điểm A, - ông quay lại phía nàng. - Một đứa con gái thông minh như con có thể trở thành luật sư, một nhà khoa học chính trị. Và, Inshallah, khi Afghanistan được tự do, con có thể giúp viết bản hiến pháp mới. Lúc đó sẽ cần những người Afghan trẻ có tài năng như con. Họ có thể đề nghị con cả cái ghế bộ trưởng nữa ấy chứ, sẽ làm rạng rỡ tên tuổi gia đình mình.

Tôi có thể thấy Soraya đang kiềm chế, mặt nàng cau lại:

- Con không còn là đứa con gái nữa, Padar. Con là một phụ nữ có chồng. Hơn nữa người ta cũng cần giáo viên.

- Ai cũng có thể dạy được.

- Có còn chút cơm nào không, Madar 17? - Soraya hỏi.

Sau khi ông tướng lấy cớ đi gặp vài người bạn ở Hayward, Khala Jamila cố an ủi Soraya, bà nói:

- Bố con có ý tốt. Ông ấy chỉ muốn con thành đạt thôi mà.

- Để bố có thể khoe khoang cô con gái công tố viên của ông với bạn bè chứ gì. Thêm một cái mề đay nữa cho ông tướng, - Soraya nói.

- Con nói linh tinh rồi đấy!

- Thành đạt! - Soraya kêu lên. - Ít nhất con cũng không giống bố, chỉ ngồi quanh một chỗ trong khi mọi người khác chiến đấu chống lại bọn Shorawi, ngồi đợi khi sự rối loạn đã yên ắng để ông có thể nhảy vào đòi lại một chức sắc be bé trong chính phủ. Dạy học có thể không được trả lương nhiều, nhưng đó là công việc con muốn làm! Đó là công việc con yêu, và việc đó còn tốt hơn nhiều nhận tiền phúc lợi, tiện thể nói thẳng ra như vậy.Khala Jamila mím môi:- Ông ấy mà nghe thấy nói con nói như vậy, ông ấy sẽ không bao giờ thèm nói với con nữa.

- Mẹ đừng lo. Soraya đáp trả ngay, vừa quàng khăn ăn của mình lên cái đĩa, - con sẽ không làm sứt mẻ cái tôi quý báu của bố đâu.

Mùa hè năm 1988, khoảng sáu tháng trước khi quân đội Xô viết rút khỏi Afghanistan, tôi viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, chuyện về hai cha con ở Kabul, phần lớn viết trên cái máy chữ mà ông tướng đã cho tôi. Tôi gửi thư hỏi một tá các hãng môi giới xuất bản, và một ngày tháng Tám tôi sửng sốt khi mở hộp thư và thấy yêu cầu của một hãng môi giới New York bảo tôi gửi bản thảo hoàn chỉnh. Hôm sau tôi gửi đi bằng đường thư tín. Soraya hôn lên tập bản thảo đã được bọc cẩn thận và Khala Jamila nhất định đòi chúng tôi phải cầu kinh Koran cho nó. Bà bảotôi, bà sẽ làm lễ nazr cho tôi, sẽ chọc tiết một con cừu, lấy thịt chia cho người nghèo nếu cuốn sách của tôi được chấp nhận.

- Khala jan, làm ơn đừng nazr, - tôi vừa nói vừa hôn má bà, - chỉ làm zakat, cho người túng quẫn nào đó tiền, được không ạ? Không giết cừu.

Sáu tuần sau, một người tên là Martin Gleenwalt từ New York gọi đến, ngỏ ý muốn đại diện cho tôi. Tôi chỉ biết bảo cho Soraya biết.

- Bởi anh có một đại điện không có nghĩa sách của anh sẽ được xuất bản. Nếu Martin bán được cuốn tiểu thuyết chúng ta sẽ ăn mừng. Một tháng sau, Martin gọi và thông báo cho tôi biết, tôi sắp là một tiểu thuyết gia có sách được xuất bản. Khi tôi nói cho Soraya, nàng reo lên.

Tối đó, chúng tôi tổ chức ăn mừng cùng với bố mẹ nàng. Khala Jamila làm món kofia - thịt viên với gạo trắng và ferni trắng. Ông tướng long lanh nước mắt, nói ông tự hào về tôi. Sau khi tướng Taheri và vợ ông về rồi, Soraya và tôi ăn mừng bằng một chai rượu Merlot đắt tiền tôi mua trên đường về nhà - ông tướng không chấp nhận đàn bà uống rượu, và Soraya không dám uống trước mặt ông.

- Em rất tự hào về anh, - nàng vừa nói vừa chạm cốc với tôi.

- Anh biết, - tôi nói, vừa nghĩ đến Baba, mong ông có thể nhìn thấy tôi lúc này.

Khuya đêm đó, sau khi Soraya đã ngủ - rượu làm nàng ngủ rất say - tôi đứng ngoài bao lơn hít thở không khí mát mẻ của mùa hè. Tôi nghĩ tới chú Rahim Khan và bức thư ủng hộ tôi ông viết sau khi đọc xong truyện ngắn đầu tiên của tôi. Và tôi nghĩ về Hassan. Một ngày nào đó, Inshallah, cậu sẽ là một nhà văn lớn, cậu một lần đã nói thế, và mọi người khắp thế giới sẽ đọc truyện ngắn cậu viết.

Có quá nhiều lòng tốt trong đời tôi. Quá nhiều hạnh phúc. Tôi không hiểu liệu tôi có chút nào xứng đáng không.

Cuốn tiểu thuyết được phát hành vào mùa hè năm sau đó, năm 1989, và nhà xuất bản gửi tặng tôi một phiếu du lịch năm thành phố. Tôi trở thành một nhân vật nổi tiếng nho nhỏ của cộng đồng người Afghan. Và cũng năm ấy, bọn Shorawi hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan. Đó lẽ ra phải là thời điểm huy hoàng cho người Afghan. Thay vào đó lại diễn ra cuộc chiến khốc liệt giữa người Afghan, tức quân Mujahedin, với chính phủ bù nhìn Najibullah do Xô Viết dựng lên và người Afghan lại ùn ùn kéo sang Pakistan. Năm đó cũng là năm chiến tranh lạnh kết thúc, năm bức tường Berlin sụp đổ. Cũng là năm xảy ra sự kiện Thiên An Môn. Nằm trong tất cả những sự kiện đó Afghanistan bị lãng quên. Và tướng 148 Taheri, với những hy vọng vừa trỗi dậy sau khi quân Xô Viết rút đi, lại lên dây cót chiếc đồng hồ bỏ túi của mình.

Đó cũng là năm mà Soraya và tôi bắt đầu cố sinh lấy một đứa con.

Ý tưởng về tình cha con đã tháo tung cơn lốc xoáy cảm xúc trong tôi. Tôi thấy nó đồng thời vừa đáng sợ, đáng nản, vừa như được tiếp thêm sinh lực, khiến tôi hân hoan phấn khởi. Tôi sẽ là một người cha như thế nào đây, tôi thường tự hỏi. Tôi muốn giống hệt Baba mà cũng muốn không có gì giống như ông.

Nhưng một năm trôi qua, chẳng có gì chuyện xảy ra. Cùng với mỗi chu kỳ kinh nguyệt, Soraya lại càng thêm thất vọng, càng thêm sốt ruột, càng thêm tức giận. Thế là nhưng lời bóng gió tế nhị lúc ban đầu của Khala Famila trở lên công khai, kiểu như "Kho dega! 18" Thế đấy! "Bao giờ tôi mới được alahoocho nawasa 19bé nhỏ của tôi đây". Ông tướng, muôn đời Pashtun, không bao giờ buông một câu thắc mắc - nhất lại ý ám chỉ đến chuyện chung sống giữa con gái ông và một người đàn ông, ngay cả khi anh ta đã lấy nàng bốn năm trời. Nhưng mắt ông tươi rói lên khi Khala Jamila trêu chúng tôi về chuyện đứa con.

- Đôi khi cũng cần phải có thời gian, - một đêm tôi bảo nàng.

- Một năm không phải là thời gian sao, Amir! - Nàng nói - có cái gì đó không ổn, em biết mà.

- Vậy chúng ta đi khám bác sĩ.

Bác sĩ Rosen, một người đàn ông với cái bụng tròn xoe, bộ mặt múp míp, hàm răng đều và nhỏ, nói bằng thứ âm sắc Đông Âu trọ trẹ có dây mơ rễ má xa với ngôn ngữ Slave. Ông ta có một niềm đam mê với tàu hoả - phòng khám của ông bừa bãi những cuốn sách về lịch sử đường sắt, các kiểu đầu tàu, những bức hoạ các đoàn tàu chuyển động nặng nề qua những dãy đồi xanh biếc và những cây cầu. Một khẩu hiệu trên bàn làm việc của ông: ĐỜI LÀ MỘT CON TÀU. HÃY LÊN TÀU.

Ông vạch kế hoạch cho chúng tôi. Tôi sẽ được kiểm tra trước. "Đàn ông dễ thôi", ông nói, ngón tay gõ gõ lên chiếc bàn gỗ gụ:

- Ống nước của đàn ông giống như ý nghĩ của anh ta: đơn giản, rất ít chuyện bất ngờ. Phụ nữ các bà, trái lại.., ồ, thượng đế đã suy nghĩ rất nhiều khi tạo ra các bà.

Tôi không hiểu liệu ông ta có buôn chuyện ống nước với tất cả các cặp vợ chồng đến khám không.

- Thật may cho chúng tôi, - Soraya nói.

Bác sĩ Rosen cười. Như thế giảm bớt đôi chút sự không mấy thành thật ở ông. Ông đưa cho tôi một tờ giấy xét nghiệm và một bình nhựa, trao cho Soraya một giấy yêu cầu xét nghiệm máu theo thông lệ. Chúng tôi bắt tay nhau.

- Chào mừng các vị lên tàu.

Ông vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi đi ra.Tôi vượt qua các xét nghiệm một cách mỹ mãn.Vài tháng sau là một loạt những xét nghiệm mù mờ về Soraya: Nhiệt độ cơ bản toàn thân, xét nghiệm máu đối với mỗi hoóc môn gây thụ thai, xét nghiệm nước tiểu, một thứ gì đó gọi là "Xét nghiệm Dịch Cổ Tử cung", siêu âm, lại thêm những xét nghiệm máu, và thêm những xét nghiệm nước tiểu. Soraya phải trải qua một thủ tục gọi là soi tử cung - bác sĩ luồn ống nội soi vào và đò tìm khắp chung quanh. Ông chẳng thấy gì. "Ống nước tốt". Ông vừa tuyên bố vậy vừa tháo đôi găng nhựa mỏng ra. Tôi mong ông đừng gọi như thế - chúng tôi có ở trong phòng tắm đâu. Khi chúng tôi đã trải qua bao nhiêu xét nghiệm, ông trả lời rằng không thể giải thích nổi tại sao chúng tôi lại chưa thể có con. Và rõ ràng, điều đó không phải quá bất bình thường. Nó được gọi là "Chứng bất thụ không giải thích được".

Rồi đến pha điều trị. Chúng tôi thử dùng loại thuốc Clomiphene và hMG, hàng loạt nhưng mũi tiêm mà Soraya tự tiêm lấy. Khi tất cả những cái đó thất bại, bác sĩ Rosen khuyên thụ tinh trong ống nghiệm. Chúng tôi nhận được bức thư lịch sự từ tổ chức HMO 20 của chúng tôi, chúc chúng tôi mọi may mắn, và tiếc rằng không thể đài thọ tiền chi phí.Chúng tôi sử dụng tiền tạm ứng mà tôi nhận được cho cuốn tiểu thuyết đầu tay để trả cho việc đó. IVF 21 tỏ ra dài dòng, tỉ mỉ rồi thất vọng và cuối cùng là không kết quả. Sau nhiều tháng ngồi ở những phòng chờ, đọc các tạp chí Good housekeeping 22 và Reader's Diges 23, sau một loạt vô tận những áo choàng giấy, và những phòng xét nghiệm vô trùng được chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang, cảm giác nhục nhã lặp đi lặp lại về việc tranh luận từng chi tiết chuyện phòng the của chúng tôi với những người hoàn toàn xa lạ, nhưng mũi tiêm và những dụng cụ kiểm tra cùng hàng mớ những mẫu xét nghiệm, chúng tôi trở về với bác sĩ Rosen và những con tàu của ông.

Ông ngồi đối diện chúng tôi, gõ ngón tay xuống bàn và lần đầu tiên dùng cái từ "con nuôi". Soraya khóc suốt trên đường về nhà.Cuối tuần, sau khi chúng tôi đến thăm bác sĩ Rosen lần cuối, Soraya nói hết với cha mẹ mình. Chúng tôi đang ngồi trên những chiếc ghế ngoài trời ở sân sau gia đình Taheri, nướng cá hồi và nhấm nháp sữa chua dog. Đó là một buổi xế chiều tháng Ba năm 1991. Khala Jamila đã tưới những cây hoa hồng và kim ngân mới trồng, hương thơm của chúng trộn lẫn với mùi cá nướng. Đã hai lần bà nhích ghế ngang qua để vuốt tóc Soraya, và bảo:

- Thượng đế hiểu thấu hơn cả, bachem. Có thể Người không có ý thế đâu.

Soraya vẫn chỉ nhìn xuống hai tay mình. Nàng mệt mỏi, tôi biết, mệt mỏi về tất cả chuyện đó. Nàng lẩm bẩm:

- Bác sĩ bảo chúng con có thể nhận con nuôi.

Tướng Taheri nghe thấy thế quay đầu ngoắt lại. Ông đóng cửa lò nướng, hỏi ngay:

- Ông ấy bảo thế à?

- Ông ấy bảo đấy là một sự lựa chọn.

Chúng tôi đã bàn chuyện nhận con nuôi ở nhà. Soraya phân vân làm sao cho tốt nhất.

- Em biết thế là ngớ ngẩn và có thể vô ích, - nàng nói với tôi trên đường đến nhà cha mẹ nàng - Nhưng em không thể chịu nổi. Em luôn luôn mơ ôm con trong vòng tay, và hiểu rằng dòng máu của em đã nuôi nó suốt chín tháng trời, và một ngày em sẽ nhìn vào đôi mắt nó rồi giật mình thấy anh hoặc thấy em, rồi đứa bé sẽ lớn lên và có nụ cười của anh hoặc của em. Không có điều đó... Điều đó có gì sai không?

- Không, - tôi trả lời.

- Em có đang ích kỷ không?

- Không, Soraya.

- Bởi vì nếu anh thực sự muốn làm như thế...

- Không, - tôi nói. - Nếu chúng ta định nhận con nuôi, chúng ta không nên có một chút nghi ngờ nào về việc đó cả hai chúng ta nên thống nhất. Bằng không, sẽ không tốt cho đứa trẻ.

Nàng tựa đầu vào cửa xe và chẳng nói gì thêm nữa suốt chặng đường còn lại.

Lúc này ông tướng ngồi bên nàng:

- Bachem, việc nhận con nuôi này... một việc, bố không tin lắm là dành cho người Afghan chúng ta.

Soraya nhìn tôi mệt mỏi và thở dài.

- Vì một điều, chúng lớn lên và muốn biết cha mẹ thực của chúng là ai, - ông nói. - Cũng chẳng thể trách chúng. Đôi khi, chúng bỏ nhà ra đi, trong khi đó con lao động vất vả nhiều năm trời để nuôi dưỡng cuộc sống của chúng để rồi chúng tìm được người đã đẻ ra chúng. Tình máu mủ là thứ đầy uy lực, bachem, đừng bao giờ quên điều đó.

- Con không muốn nói về chuyện này nữa, - Soraya đáp.

- Bố sẽ nói thêm một điều nữa, - ông tiếp. Tôi có thể nói ông đang tăng tốc, chúng tôi sắp sửa nhận một trong những bài giáo huấn nho nhỏ của ông tướng. - Ngay như Amir đây. Chúng ta đều biết cha nó, bố biết ông nó là ai ở Kabul và cả cụ Amir nữa. Bố có thể ngồi đây và vạch ra hết các thế hệ tổ tiên nhà chồng con nếu con yêu cầu. Cho nên tại sao khi cha Amir - cầu trời cho ông ấy được bình yên, - đến khastegari bố đã không do dự. Và hãy tin bố, bố chồng con cũng sẽ không bằng lòng đến hỏi con nếu ông ấy không biết con là dòng dõi của ai. Máu mủ là một thứ quyền uy, bachem, và khi con nhận con nuôi, con không biết con đang đem dòng máu của ai vào nhà mình. Ờ, nếu con là người Mỹ, đó sẽ không thành vấn đề. Ở đây người ta cưới nhau vì tình yêu, tên tuổi gia đình và tổ tiên thậm chí chẳng bao giờ xét vào chuyện môn đăng hộ đối. Họ cũng nhận con nuôi theo cách đó, chừng nào đứa bé vẫn khoẻ mạnh thì mọi người đều hạnh phúc. Nhưng chúng ta là người Afghan, bachem.

- Cá đã nướng gần xong chưa bố? - Soraya hỏi.

Đôi mắt tướng Taheri vẫn không chịu rời khỏi nàng. Ông vỗ vào đầu gối nàng:

- Con có sức khoẻ và có một người chồng tốt, thế là hạnh phúc rồi.

- Còn con nghĩ thế nào, Amir jan? - Khala Jamila hỏi.

Tôi đặt chiếc cốc của tôi lên gờ tường, nơi một hàng những chậu hoa thiên trúc quỳnh của bà đang nhỏ nước:

- Con nghĩ con đồng ý với tướng quân Sahib.

An tâm rồi. Ông tướng gật đầu và trở lại với cái lò nướng.

Chúng tôi tất cả đều có nhưng lý lẽ của mình để không nhận con nuôi. Soraya có lý lẽ của nàng, ông tướng có lý lẽ của ông và lý lẽ của tôi là thế này: có lẽ một cái gì đó, một ai đó, ở một nơi nào đã quyết định từ chối quyền làm cha của tôi vì những chuyện tôi đã làm. Có thể đây là hình phạt của tôi, mà có lẽ đúng là như vậy. Khala Jamila đã nói: Thượng đế không có ý thế đâu. Mà biết đâu. Người có ý còn tệ hơn thế.

Vài tháng sau, chúng tôi dùng tiền tạm ứng cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi để đặt mua trả ngay bằng tiền mặt một ngôi nhà hai phòng ngủ kiểu Nữ hoàng Victoria, tại Đồi Bernal bang San Francisco. Nhà có mái dốc, sàn gỗ cứng và một sân sau nhỏ tận cùng là một sàn phơi nắng. Ông tướng giúp tôi hoàn tất lại cái sàn phơi và sơn tường. Khala Jamila phàn nàn việc chúng tôi chuyển đi xa đến gần một giờ đi đường, nhất là vì bà nghĩ Soraya cần đến cả tình yêu lẫn sự giúp đỡ mà bà có thể đem lại cho nàng - Không biết đến thực tế rằng chính tình thương yêu che chở có tính áp đặt của bà đã buộc Soraya phải chuyển đi.

Đôi khi, Soraya ngủ cạnh tôi, tôi nằm trên giường và nghe thấy cửa ngăn đu đưa mở ra đóng vào theo gió, nghe tiếng dế kêu râm ran ở ngoài sân. Và tôi có thể cảm thấy sự trống vắng trong bụng Soraya, giống như một vật sống đang hít thở. Sự trống vắng ấy luồn lách vào hôn nhân của chúng tôi, vào tiếng cười của chúng tôi và cả chuyện làm tình của chúng tôi. Và đêm khuya, trong bóng tối của phòng ngủ chúng tôi, tôi thường cảm thấy nó trỗi dậy từ Soraya và chễm chệ giữa chúng tôi. Ngủ giữa chúng tôi. Như một đứa trẻ sơ sinh.


--------------------------------
1Lafz: Như lễ dạm hỏi, hoặc lễ chạm mặt của ta.
2
Ghazal: Bản tình ca.
3
Noor: Có nghĩa con ngươi; cũng là tên của Hoàng hậu Jordani, sứ giả của tự do hoà bình.
4
Pari: Khăn che mặt theo đạo Hồi.
5Ayena Masshaf: Thủ tục hôn lễ quan trọng nhất của người Hồi giáo Afghan.
6Chopan kabob, Shikek goshti: Thịt cừu non nướng và Sholek goshti.
7
Attan: Một vũ điệu tập thể truyền thống của người Afghan.
8
Shorwa: Món súp hầm.
9
Surrah: Kinh cầu hồn.
10
Hijab: Khăn tang.
11
Chila: Nhẫn cưới.
12
Ghazals: Tình ca.
13
Raga: Một dạng âm nhạc dựa theo truyền thống Ấn Độ.
14
Johnny Carson: Diễn viên Mỹ. kiêm nhà văn, nổi tiếng vì phong cách hài hước khi dẫn chương trình Show diễn đêm nay.
15
Nguyên văn Double Standard: Chuẩn mực lập lờ, chuẩn mực nước đôi, có ý nói nang và namoos vận dụng cho nam và nữ khác nhau.
16
Một loại cây hoa có nguồn gốc từ châu Phi, màu trắng, hồng, hoặc tím, có hương thơm.
17
Madar: mẹ.
18
Kho dega: Có nghĩa Anh là biết phải làm gì chứ!
19
Alahoo: Hát ru - Nawasa: Cháu.
20
HMO: Viết tắt của Health Maintenance Organization, tức Tổ chức chăm sóc Sức khoẻ.
21
I.V.F: Viết tắt của Invitro Fertilization, tức Thụ tinh trong Ống nghiệm.
22Good housekeeping: Quản gia giỏi.
23
Reader's Digest: Tập san bạn đọc.



 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XIV


Tháng Sáu năm 2001

Tôi gác máy và chằm chằm nhìn vào đấy một lúc lâu. Không phải đợi cho tới khi Aflatoon làm tôi giật mình bằng một tiếng sủa tôi mới nhận ra căn phòng của chúng tôi yên tĩnh biết bao, Soraya đã tắt máy thu hình.

- Anh trông xanh xao quá, Amir, - nàng nói từ ghế sofa, vẫn chiếc sofa mà cha mẹ nàng đã tặng chúng tôi làm quà nhà mới khi lần đầu tiên chúng tôi có căn hộ riêng. Nàng vẫn đang nằm trên sofa với con Aflatoon rúc đầu vào ngực, hai chân nàng vùi vào những chiếc gối cũ. Nàng vừa xem chương trình PBS 1 đặc biệt về hoàn cảnh khốn quẫn của đàn sói ở bang Minnesota, vừa sửa những tiểu luận của lớp học hè cho một trường học nàng đã dạy suốt sáu năm. Nàng ngồi dậy và con Aflatoon cũng nhảy từ sofa xuống. Cái tên ấy do ông tướng đặt cho con chó cộc đuôi, tai cụp giống Tây Ban Nha của chúng tôi, tiếng Farsi là "Plato" bởi vì, ông nói, nếu anh nhìn tương đối nghiêm túc và lâu lâu một chút vào đôi mắt đen trong suốt của con chó, anh sẽ tin nó đang suy nghĩ tinh thông như người.

Bây giờ dưới cằm Soraya đã có một ngấn mỡ, đúng ra chỉ là một chút xíu thôi. Mười năm trôi qua làm đầy lên đôi chút những đường cong ở đôi hông nàng, và điểm vào mớ tóc đen nhánh như than đá của nàng vài vệt màu tro. Nhưng nàng vẫn còn gương mặt của một quận chúa ở Đại Vũ hội, với đôi lông mày như cánh chim bay và chiếc mũi cong tao nhã như nét chữ cổ của người Ẳ rập.

- Anh trông xanh xao quá, - Soraya vừa nhắc lại, vừa đặt tệp giấy lên bàn.

- Anh phải đi Pakistan.

Thế là nàng đứng phắt dậy. - Pakistan?

- Chú Rahim Khan ốm lắm. - Tôi thấy lòng thắt lại khi nói ra những lời ấy.

- Bạn kinh doanh cũ của Kaka? Nàng chưa bao giờ gặp chú Rahim Khan, nhưng tôi đã kể với nàng về ông. Tôi gật đầu.

- Ồ, em rất tiếc. Amir.

- Ông và anh vốn gắn bó với nhau. - tôi nói. - Khi anh còn là một đứa trẻ, ông là người lớn đầu tiên mà anh coi là bạn.

Tôi hình dung ra ông và Baba đang uống trà ở phòng đọc của Baba, rồi hút thuốc bên cửa sổ, một làn gió nhẹ thoảng mùi hoa tầm xuân thổi từ ngoài vườn vào làm uốn lượn hai cột khói thuốc.

- Em nhớ anh đã kể cho em chuyện đó. - Soraya nói rồi dừng lại. - Anh định đi bao lâu?

- Anh không biết. Ông muốn gặp anh.

- Như thế có...

- Có an toàn thôi. Soraya, anh sẽ ổn mà. - Đó là câu nàng muốn hỏi. Mười lăm năm hôn nhân đã biến chúng tôi thành những người đọc được ý nghĩ của nhau.

- Anh định đi dạo bộ một lúc.

- Em đi với anh nhé?

- Không, anh đi một mình thì hơn.

Tôi lái xe đến công viên cổng vàng và dạo bộ ven Hồ Spreckels ở bờ Bắc công viên. Đó là một buổi chiều Chủ nhật đẹp trời, mặt trời lấp lánh nước hồ, trên đó hàng tá nhưng chiếc thuyền nhỏ đang giong buồm, làn gió khô lạnh của San Francisco đưa những cánh buồm đi. Tôi ngồi trên băng ghế dài ở công viên, ngắm một người đàn ông tung quả bóng đá cho đứa con trai, bảo nó đừng lấy cánh tay cắp bóng mà hãy ném bóng qua vai. Tôi liếc nhìn lên và thấy một đôi diều màu đỏ với những chiếc đuôi dài màu xanh lơ. Chúng bồng bềnh trên cao, bên trên những hàng cây ở cuối phía Tây công viên, bay qua những cối xay gió.

Tôi nghĩ về lời chú Rahim Khan đã nói ngay trước khi tôi gác máy. Nói rất tình cờ, hầu như thể chợt nghĩ thêm ra. Tôi nhắm mắt lại và nhìn thấy chú ở bên kia dải phân cách xa lắp, nhạt nhoà, thấy chú đôi môi hơi hé mở, đầu nghiêng về một bên. Và nữa, trong đôi mắt đen sâu thẳm của chú giấu một bí mật không nói ra giữa hai chúng tôi. Trừ lúc này, tôi biết chú đã biết. Mối nghi ngờ của tôi vẫn còn nguyên suốt những năm tháng ấy, chú biết về Assef, chiếc diều, tiền, cái đồng hồ với đôi kim có dạ quang. Chú lúc nào cũng biết.

Cố lên. Luôn có một con đường để tốt lành trở lại đấy. Rahim Khan đã nói vậy qua điện thoại ngay trước khi gác máy. Nói rất tình cờ, hầu như thể chợt nghĩ thêm ra.

Một con đường để tốt lành trở lại.

Khi tôi về tới nhà, Soraya đang nói chuyện qua điện thoại với mẹ nàng:

- Sẽ không lâu đâu, Madar jan. Một tuần, có thể hai... vâng, mẹ và Padar có thể đến ở với con...

Hai năm trước, ông tướng bị gãy xương hông phải. Ông lại bị thêm một trong những cơn đau nửa đầu, và trong khi đang ra khỏi phòng, mắt mờ đi và ngơ ngác, ông vấp phải cái mép thảm bị gấp lên. Tiếng kêu của ông khiến Khala Jamila phải chạy vội từ bếp lên.

Nghe như một cái cán chổi bị gãy đánh rắc một cái, bà vẫn cứ thích nói như thế, dẫu bác sĩ đã bảo tiếng bà nghe thấy đâu có thể như vậy. Chuyện cái hông bị vỡ của ông tướng - và tất cả những gì phức tạp xảy ra sau đó, chứng viêm phổi, nhiễm độc máu, đợt điều trị kéo dài tại viện điều dưỡng - kết thúc bằng những đoạn độc thoại dài dòng lôi thôi về sức khoẻ của chính bà. Rồi lại bắt đầu những độc thoại mới về sức khoẻ của ông tướng. Gặp bất kỳ ai muốn nghe bà cũng kể bác sĩ đã bảo cho ông bà biết ông bị suy thận.

- Nhưng rồi họ chẳng bao giờ thấy những quả thận Afghan, phải không nào? - Bà thường nói một cách kiêu hãnh.

Những gì tôi nhớ nhất về thời kỳ ông tướng phải nằm lại ở bệnh viện là Khala đã ngồi đợi cho đến khi ông ngủ như thế nào, rồi hát cho ông nghe những bài hát mà tôi vẫn nhớ đã nghe ở Kabul, từ chiếc đài bán dẫn xẹt xẹt cổ lỗ của Baba.

Sức khoẻ của ông tướng suy sụp, cộng với thời gian cũng đã xoa dịu đi nhiều điều giữa ông và Soraya. Họ đi dạo cùng nhau, đi ăn trưa vào những ngày thứ Bảy, và đôi khi ông còn dự một giờ lên lớp nào đó của nàng. Ông thường ngồi ở cuối lớp, chỉnh tề trong bộ đồ cũ màu xám là bóng của ông, chiếc gậy chống để ngang đùi, mỉm cười. Đôi khi ông còn ghi chép nữa.

Đêm đó, tôi và Soraya ngủ chung giường, lưng nàng ép vào ngực tôi, mặt tôi vùi vào tóc nàng. Tôi vẫn nhớ, chúng tôi từng quen nằm trán chạm trán, chia sẻ với nhau nhưng nụ hôn muộn màng, và thầm thì cho đến khi mắt chúng tôi díp lại, thầm thì về đôi gót nhỏ cong lên, những nụ cười ban đầu, những lời nói đầu tiên, những bước đi đầu tiên. Đôi khi chúng tôi vẫn còn thầm thì với nhau, nhưng là về trường học, về cuốn sách mới của tôi, một tiếng cười khúc khích về cách ăn mặc lố lăng của ai đó tại một bữa tiệc. Chuyện làm tình của chúng tôi vẫn tốt, lắm khi còn hơn cả tốt nữa. Nhưng có những đêm tất cả những gì tôi cảm nhận được là chuyện đó để khuây khoả, để buông trôi và quên đi, ít nhất cũng trong chốc lát, sự phù phiếm của chính những gì chúng tôi vừa làm. Nàng không bao giờ nói thế, nhưng tôi biết đôi khi Soraya cũng cảm thấy thế. Vào những đêm ấy, chúng tôi thường nằm lăn ra mỗi người một bên giường, để mặc Đấng Cứu thế riêng của mỗi chúng tôi cuốn chúng tôi đi.Chúa Cứu thế của Soraya là giấc ngủ. Của tôi như thường lệ, vẫn là một cuốn sách.

Tôi nằm trong bóng tối cái đêm chú Rahim Khan gọi, mắt tôi lần theo những vạch song song sáng như bạc mà ánh trăng tràn qua cửa chớp in lên tường. Cho tới lúc nào đấy, có lẽ đúng trước bình minh, tôi mới ngủ thiếp đi. Và mơ thấy Hassan chạy trong tuyết, vạt áo chapan màu xanh lục quét lê phía sau, tuyết xào xạo dưới đôi ủng cao su đen của cậu ấy. Cậu đang hét lên về phía sau: Vì cậu, cả ngàn lần rồi!

Một tuần sau, tôi ngồi ở chiếc ghế cạnh cửa sổ, trên chuyến bay của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan, dõi theo hai nhân viên mặc đồng phục hàng không đang tháo chèn bánh máy bay. Chiếc máy bay cất cánh khỏi ga hàng không và chẳng mấy chốc, chúng tôi đã cất cánh, xuyên qua những đám mây. Tôi ngả đầu tựa vào cửa sổ. Mong chờ giấc ngủ, nhưng vô vọng.


--------------------------------
1PBS: Viết tắt Public Casting Service: Dịch vụ truyền thông đại chúng.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XV


Ba giờ sau khi chuyến bay của tôi hạ cánh xuống Peshawar, tôi đang ngồi trên tấm đệm rách nát ở hàng ghế sau của một chiếc taxi toả đầy khói. Tài xế của tôi, một anh chàng nhỏ bé, nhễ nhại mồ hôi, hút thuốc liên tục, giới thiệu tên mình là Cholam, dửng dưng lái xe một cách bạt mạng, tránh những va quệt chỉ trong gang tấc, cũng chẳng thèm ngừng miệng thao thao bất tuyệt hàng tràng dài:

-... Thật khủng khiếp những gì đang xảy ra ở đất nước của ông,yar 1. Người dân Afghan và người dân Pakistan như anh em, tôi cam đoan với ông như thế. Người Hồi giáo phải giúp đỡ người Hồi giáo để...

Tôi gật gật đầu một cách lịch sự để khỏi phải nghe anh ta nữa. Tôi vẫn nhớ rất rõ Peshawar từ hồi ức mấy tháng Baba và tôi trải qua ở đó năm 1981. Lúc này, chúng tôi đang đi về phía Tây, trên đường Jamrud, qua Cantonment và những ngôi nhà tường cao, hoang toàng. Cảnh hối hả của thành phố mờ mờ vụt qua nhắc tôi nhớ đến một phiên bản còn nhộn nhịp hơn, đông đúc hơn của Kabul mà tôi biết, đặc biệt là Kocheh-Morgha, còn gọi là khu phố chợ gia cầm, nơi Hassan và tôi thường mua khoai tây dầm tương ớt và nước anh đào. Các đường phố đông nghẹt người đi xe đạp, người đi bộ quanh quẩn, và những xe xích lô máy nổ ran nhả khói xanh, tất cả len lách nhau qua một mớ hỗn độn các ngõ hẹp và ngách hẻm. Những người bán hàng râu ria cuộn mình trong tấm chăn mỏng bán chụp đèn bằng da súc vật, thảm trải, khăn thêu, và đồ đồng từ những dãy lều quán nhỏ san sát nhau. Thành phố cuồn cuộn những âm thanh, tiếng quát tháo của những người bán hàng trộn lẫn với tiếng nhạc Hindi ồm ồm, tiếng phành phạch của xích lô máy, tiếng chuông leng keng xe ngựa kéo, tất cả oang oang trong tai tôi. Những mùi hương găn gắt, vừa thú vị vừa khó chịu, luồn qua cửa xe vào chỗ tôi, mùi gia vị của pakora và cà ri hầm nihari 2 mà Baba yêu thích vô cùng, trộn lẫn với mùi hôi dầu diesel, mùi thối của đồ ôi thiu, rác thải và các loại phân.

Đi quá những toà nhà bằng gạch đỏ của trường Đại học tổng hợp Peshawar một đoạn chúng tôi vào một khu mà người lái xe lắm lời của tôi nhắc đến như là "Thị trấn của người Afghan." Tôi thấy những hiệu bánh kẹo, những người bán thảm, những quán Kabob, những đứa trẻ hai tay cáu bẩn bán thuốc lá, những tiệm ăn nhỏ - bản đồ Afghanistan vẽ đầy trên cửa sổ - tất cả đều có quan hệ mật thiết với các tổ chức trợ giúp bất hợp pháp.

- Nhiều người anh em của ông ở khu vực này, yar. Họ mở các sạp hàng kinh doanh, nhưng đa số rất nghèo khổ.

Anh ta tặc lưỡi và thở dài.

- Dẫu thế nào, giờ đây chúng ta cũng đang sát cánh bên nhau.

Tôi nghĩ tới lần cuối cùng tôi gặp chú Rahim Khan, năm 1981. Ông đến chào từ biệt, cái đêm Baba và tôi trốn khỏi Kabul. Tôi nhớ, Baba và chú ôm nhau, khóc khẽ. Khi Baba và tôi tới Mỹ, Baba và chú Rahim Khan vẫn giữ mối liên hệ. Họ thường nói chuyện với nhau mỗi năm bốn, năm lần, đôi khi Baba còn chuyển máy cho tôi. Lần cuối cùng tôi nói chuyện với chú Rahim Khan, chỉ ít lâu sau khi Baba mất. Tin tức đó về tới Kabul và chú đã gọi cho tôi. Chúng tôi chỉ nói với nhau được vài phút thì đường dây mất liên lạc.

Tài xế lái tới một toà nhà hẹp tại một góc phố nhộn nhịp nơi có hai con phố cong queo giao nhau. Tôi trả tiền xe, xách theo mỗi chiếc valy, và bước lên chỗ cánh cửa chạm khắc cầu kỳ. Toà nhà có những hàng ban công bằng gỗ với nhiều cửa chớp để ngỏ và từ nhiều hàng ban công ấy, quần áo giặt được phơi khô dưới ánh mặt trời. Tôi bước lên chiếc cầu thang kẽo kẹt tới tầng hai, men theo một hành lang nhờ sáng tới cánh cửa cuối cùng về bên phải. Kiểm tra lại địa chỉ trên mảnh giấy giữ chặt trong lòng bàn tay. Gõ cửa.

Rồi, một tạo vật toàn da bọc xương như không phải chú Rahim Khan ra mở cửa.

Một thầy giáo dạy sáng tác ở bang San Jose từng nói về các sáo ngữ: "Hãy tránh chúng như tránh bệnh dịch". Rồi ông cười về câu nói đùa của riêng ông. Cả lớp cười theo, nhưng tôi luôn nghĩ những sáo ngữ bị đánh giá sai lầm. Bởi vì, chúng thường chính xác. Nhưng sự biểu đạt thích đáng của ngạn ngữ được sáo ngữ hoá thường bị coi nhẹ bởi bản chất ngạn ngữ vốn là sáo ngữ. Lấy ví dụ câu ngạn ngữ "voi ở trong phòng" 3. Không gì có thể miêu tả đúng hơn nhưng khoảnh khắc ban đầu cuộc tái ngộ của tôi với chú Rahim Khan.

Chúng tôi ngồi trên một bộ đệm rơm nhỏ dọc tường, đối diện với cửa số trông xuống đường phố náo nhiệt phía dưới. Ánh nắng xiên vào rọi một vệt sáng hình tam giác lên chiếc đệm cầu kinh Afghan trên sàn nhà. Hai chiếc ghế gấp tựa vào tường và một ấm samôva nhỏ bằng đồng đặt ở góc đối điện. Tôi rót trà cho chúng tôi từ chiếc ấm đó. Tôi hỏi:

- Chú làm thế nào tìm được cháu?

- Tìm người ở Mỹ không khó. Chú mua một tấm bản đồ nước Mỹ và gọi điện thoại hỏi thông tin về những thành phố ở miền Bắc California. Thật vô cùng kỳ lạ, thấy cháu đã trưởng thành như hôm nay.Tôi mỉm cười và bỏ ba miếng đường vào tách trà của mình. Chú thích trà đen và chát, tôi vẫn nhớ thế.

- Baba không có dịp nào để báo cho chú, nhưng cháu đã cưới vợ mười lăm năm nay rồi.Sự thật là lúc đó khối u trong não đã khiến Baba trở nên quên lãng, lơ đễnh.

- Cháu đã lấy vợ à? Lấy ai?- Tên cô ấy là Soraya Taheri. Tôi bỗng nhớ tới nàng đang ở nhà lo lắng cho tôi. Tôi mừng là nàng đã không phải ở một mình.

- Taheri... con gái của ai nhỉ?Tôi nói cho ông biết. Mắt ông sáng lên:

- Ồ chú nhớ ra rồi. Có phải Tướng Taheri lấy chị gái ông Sharif không? Tên bà ấy là gì nhỉ...

- Jamila jan.

- Balay! - Ông mỉm cười nói. - Chú biết ông Sharif jan ở Kabul từ lâu, trước khi ông ấy rời sang Mỹ.

- Ông ấy vẫn đang làm việc cho Sở Nhập cư nhiều năm rồi, cũng giải quyết được nhiều vụ nhập cư.

- Haiiii! - Ông thở dài. - Cháu và Soraya có con rồi chứ?

- Không.

- Ồ, - ông tợp một ngụm trà, không hỏi thêm gì nữa.Chú Rahim Khan vẫn luôn là một người có trực giác nhạy bén nhất tôi mà tôi từng gặp.

Tôi nói với ông rất nhiều về Baba, về nghề nghiệp của cha tôi, chợ trời, và cuối đời ông thế nào, ông đã chết hạnh phúc ra sao. Tôi kể cho ông nghe việc học hành của tôi, việc viết sách của tôi - bốn cuốn tiểu thuyết được xuất bản dưới cái tên tôi. Nghe nói vậy, ông mỉm cười và bảo ông chưa bao giờ có chút nghi ngờ nào về chuyện đó. Tôi kể cho ông nghe, tôi đã viết những truyện ngắn trong cuốn sổ bọc bìa da ông cho tôi, nhưng ông không còn nhớ cuốn sổ.

Câu chuyện không tránh khỏi quay sang bọn Taliban.Tôi hỏi:

- Chúng có xấu xa như chúng cháu được nghe không?

- Không, còn tệ hại hơn. Tệ hại hơn nhiều, - ông nói. - Chúng không để cháu được làm người nữa. - Ông chỉ vào vết sẹo bên mắt phải cắt một đường cong qua cánh lông mày làm của mình. - Năm 1998 chú đang xem bóng đá tại sân vận động Ghazi. Kabul đá với Mazirr-i-Sharif, hình như thế, cầu thủ lúc đó không được phép mặc quần cộc. Hở hang khiếm nhã, chú đoán vậy. - Ông cười mệt mỏi. - Dẫu thế nào Kabul cũng ghi một bàn thắng và người đàn ông ngồi cạnh chú, reo ầm lên. Bất ngờ một thằng ranh đứng gác hai bên cánh gà, bề ngoài nhiều lắm chỉ mười tám tuổi, bước đến chỗ chú, nện một cái vào trán chú bằng báng khẩu Kalashnikov của nó, và nói: "Réo nữa đi, con lừa già, tao sẽ cắt lưỡi mày!"

Chú Rahim Khan xoa xoa vết sẹo bằng ngón tay xương xẩu, nói tiếp:

- Chú đã già đáng tuổi ông nội nó và chú phải ngồi im, máu chảy ròng ròng xuống mặt, xin lỗi đồ chó đẻ đó.

Tôi rót cho ông thêm tách trà nữa, chú Rahim Khan chuyện trò thêm đôi chút. Nhiều chuyện tôi đã biết rồi, có những chuyện chưa. Ông kề cho tôi biết, theo như sự sắp xếp giữa Baba và ông, ông đã đến sống trong ngôi nhà của Baba từ năm 1981, điều này tôi đã biết. Baba đã "bán" ngôi nhà cho chú Rahim Khan trước khi ông và tôi trốn khỏi Kabul ít lâu. Những ngày đó, chúng tôi tưởng những rối loạn của Afghanistan chỉ tạm thời gián đoạn cuộc sống của chúng tôi - những ngày tiệc tùng trong ngôi nhà ở quận Wazir-Akbar-Khan, những bữa ăn ngoài trời ở Paghman, chắc chắn sẽ có ngày trở lại. Vì vậy, ông đã trao ngôi nhà cho Rahim Khan trông nom, cho tới cái ngày đó.

Chú Rahim Khan kể cho tôi, khi Liên minh miền Bắc chiếm Kabul khoảng giữa 1992 và 1996, các bè đảng khác nhau đã đòi xâu xé Kabul như thế nào.

- Nếu cháu đi từ khu Shar-e-Nau đến Kertch-Parwan để mua một tấm thảm, cháu dễ bị bắn bởi một tay bắn tỉa hoặc bị bắn tung lên bởi một quả tên lửa như chơi - nếu cháu phải đi qua các trạm kiểm tra, cũng thế. Cháu bắt buộc phải có một visa để đi từ vùng này sang vùng khác. Vì vậy mọi người đành ở đâu cứ ở nguyên tại đấy, cầu nguyện quả tên lửa sắp tới đừng bắn vào nhà họ.

Ông kể cho tôi nghe, dân chúng phải đục tường nhà mình để vòng tránh những đường phố nguy hiểm ra sao, và chui từ lỗ này sang lỗ khác để đi suốt dãy nhà như thế nào. Ở những địa phận khác, dân chúng phải đi lại dưới đường ngầm.Tôi hỏi:

- Tại sao chú không rời đi?- Kabul là nhà của chú. Nó mãi mãi là như thế. - Ông cười khẩy, - cháu có còn nhớ đường phố từ nhà cháu đến Qishla, cái trại lính gần Trường Istiqlal không?

- Nhớ ạ, đó là lối đi tắt đến trường. - Tôi vẫn nhớ cái ngày Hassan và tôi đi tắt qua đấy và bọn lính trêu Hassan về mẹ cậu ấy. Sau đó Hassan đã khóc trong rạp chiếu phim, và tôi đã quàng tay ôm lấy cậu.

- Khi bọn Taliban tràn vào và đánh đuổi Liên minh khỏi Kabul, chú thực sự đã nhảy múa trên đường phố đó, - chú Rahim Khan nói. - Và hãy tin chú, không phải chỉ mình chú đâu.

Mọi người đều tổ chức lễ mừng tại Chaman ở Deh Mazang, đón chào Taliban trên các đường phố, trèo lên xe tăng của chúng và đòi chụp ảnh cùng với chúng. Người dân quá mệt mỏi vì chiến tranh triền miên, mệt mỏi vì tên lửa, súng máy, tiếng bom mìn nổ, mệt mỏi vì chứng kiến Gulbuddin 4 và những băng nhóm của hắn nổ súng vào bất cứ vật gì chuyển động. Bọn Liên minh còn gây thiệt hại cho Kabul hơn là bọn Shorawi. Chúng phá huỷ trại mồ côi của cha cháu, cháu có biết chuyện đó không?

- Tại sao? - Tôi hỏi - Tại sao chúng phải phá huỷ một trại mồ côi? - Tôi vẫn nhớ tôi ngồi đằng sau Baba, cái ngày khánh thành trại mồ côi. Gió đã thổi bay chiếc mũ lông cừu của ông và mọi người cười, rồi đứng cả lên vỗ tay khi ông đọc xong bài diễn văn. Và bây giờ nơi đó chỉ còn là đống gạch vụn. Tất cả số tiền ông đã tiêu vào đấy, bao nhiêu đêm ông đã đổ mồ hôi cho những bản thiết kế, tất cả những cuộc thăm viếng tìm địa điểm xây dựng để đảm bảo mỗi viên gạch, mỗi thanh xà và mỗi khối nhà phải được xây thật chính xác...

- Thiệt hại chung thôi, - Rahim Khan nói, - cháu sẽ không muốn biết đâu, Amir jan, khi đi tìm bới trong đống gạch vụn ấy. Ở đó là những phần cơ thể của lũ trẻ...

- Vậy khi bọn Taliban đến...

- Chúng là những người anh hùng, - Rahim Khan nói.

- Rốt cuộc cũng được hoà bình.

- Phải, hy vọng là một điều lạ lùng. Rốt cuộc cũng hoà bình. Nhưng với giá nào? - Một cơn ho dữ dội đủ làm Rahim Khan rúm ró lại, khiến tấm thân hốc hác của ông chao tới chao lui. Khi ông khạc nhổ vào chiếc khăn tay, chiếc khăn lập tức nhuốm màu đỏ. Tôi nghĩ đó là dịp tốt nhất để nói thẳng với con voi đang vã mồ hôi cùng chúng tôi trong căn phòng nhỏ.

- Chú làm sao vậy? - Tôi hỏi. - Cháu muốn hỏi thực sự chú bị sao?

- Thực ra là sắp chết, - ông vừa nói vừa thở hồng hộc. Nhiều máu hơn thấm trên chiếc khăn tay. Ông lau miệng, chấm mồ hôi vã trên lông mày từ bên thái dương hốc hác này tới bên kia bằng ống tay áo, và liếc nhìn tôi một cái rất nhanh. Khi ông gật đầu, tôi biết ông đã đọc được câu hỏi sắp tới trên khuôn mặt tôi. - Không lâu nữa đâu, - ông lại thở.

- Bao lâu nữa?

Ông nhún vai. Lại ho thêm. Ông nói:

- Chú không nghĩ chú sẽ thấy mùa hè kết thúc.

- Để cháu đem chú về nhà với cháu. Cháu sẽ tìm cho chú một bác sĩ giỏi. Họ vẫn thường chữa khỏi bệnh với những phương pháp điều trị mới mà. Có những loại thuốc mới, cả những điều trị thử nghiệm nữa, chúng cháu có thể ghi tên chú vào một... - Tôi đang dông dài, tôi biết thế. Nhưng thế còn hơn khóc, mà dẫu thế nào tôi cũng sắp khóc đến nơi.

Ông cười ồ, để lộ chỗ khuyết của những răng cửa dưới. Đó là chuỗi cười mệt mỏi nhất mà tôi từng thấy:

- Chú thấy nước Mỹ đã rót vào người cháu cái thứ chủ nghĩa lạc quan, đã làm cho nó trở nên quá vĩ đại. Thế là rất tốt. Chúng ta là một dân tộc buồn đau, những người Afghan chúng ta ấy, có phải chúng ta như thế không? Chúng ta thường đắm mình quá nhiều trong ghamkhori 5 và thương thân trách phận. Chúng ta chào thua mất mát, chịu đựng, chấp nhận đó như một thực tế ở đời, thậm chí coi đó là cần thiết. Zendagi migzara, đời vẫn tiếp tục trôi, chúng ta thường nói thế. Nhưng chú không đầu hàng số phận đâu, chú là một con người thực tế. Chú đã từng đến khám nhiều bác sĩ giỏi ở đây, và họ đều cho chú vẫn cùng một câu trả lời. Chú phó thác cho họ, và tin tưởng họ. Trên đời này còn có một thứ là ý trời.Tôi nói:

- Vậy chỉ còn vấn đề chú làm gì và không làm gì.

Rahim Khan cười:

- Lúc này cháu nói sao nghe giống bố cháu thế. Chú nhớ ông ấy vô cùng. Nhưng đó là ý trời muốn thế, Amir jan ạ, thực như thế. - Ông dừng lại. - Ngoài ra. còn có một lý do khác chú yêu cầu cháu đến đây. Chú muốn được gặp cháu trước khi chú ra đi, đúng vậy, nhưng cũng có điều khác nữa.

- Bất cứ điều gì.

- Cháu biết tất cả những năm ấy chú sống trong ngôi nhà của bố cháu sau khi bố con cháu rời đi chứ?

- Vâng.

- Chú không sống đơn độc đâu. Hassan sống ở đó với chú.

- Hassan ư? - Tôi nói. Lần cuối cùng tôi nhắc tới tên cậu ấy là khi nào? Những ngạnh gai tội lỗi ấy một lần nữa lại móc vào lòng tôi, như thể nhắc đến tên cậu là một câu phù chú để cho những cái gai ấy lại một lần nữa hành hạ tôi. Tự nhiên bầu không khí trong căn hộ bé của Rahim Khan bỗng trở nên quá ngột ngạt, quá nóng, quá dậy mùi của đường phố.

- Chú đã nghĩ về việc viết cho cháu và nói cho cháu biết trước, nhưng chú không chắc là cháu có muốn biết. Chú có nhầm không?

Sự thật là không. Dối trá thì là có. Tôi chọn một cái gì đó ở giữa:

- Cháu không biết.

Ông lại ho ra một bụm máu nữa vào chiếc khăn tay. Khi ông cúi đầu xuống để khạc, tôi nhìn thấy những chỗ viêm đóng vẩy màu mật ong trên da đầu ông.

- Chú bảo cháu sang đây bởi vì chú định yêu cầu cháu một việc. Chú định yêu cầu cháu làm một việc cho chú. Nhưng trước hết, chú muốn nói cho cháu biết về Hassan đã, cháu hiểu chứ?

Tôi lúng búng:

- Vâng.

- Chú muốn nói cho cháu biết về nó. Chú muốn nói cho cháu biết mọi điều. Cháu sẽ nghe chứ?

Tôi gật đầu.

Rahim Khan uống thêm vài ngụm trà nữa. Ông tựa đầu vào tường và kể.

--------------------------------
1Yar: Tiếng xưng hô lịch sự với người khác ở Pakistan. 2Nihari: Món ăn xuất xứ từ cộng đồng đạo hồi ở Delhi được nêm rất nhiều gia vị, là cari bê hoặc cừu hầm. 3Elephant in the room: Ngạn ngữ Anh, ý nói sự thật hiển nhiên, như con voi to trong căn phòng bé tí, ấy thế mà vẫn bị tảng lờ như không. 4Gulbuddin: Nhân vật bị báo chí phương Tây coi là tàn ác và xảo quyệt, từng hai lần giữ chức thủ tướng Afghanistan những năm 90, đồng thời là một người Pashtun dòng Ghilzai ủng hộ quan điểm thà nội chiến còn hơn bị nước ngoài chiếm đóng - cũng bị xem là thân Taliban. 5Ghamkhori: Nỗi sầu đau.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XVI

Có nhiều lý do khiến chú đến Hazarajat năm 1986 để tìm Hassan. Lý do chủ yếu, thánh Allah xá tội cho chú, là chú cô đơn quá. Lúc đó phần lớn bạn bè và người thân hoặc bị giết hoặc đã trốn khỏi đất nước sang Pakistan hay Iran. Chú hầu như không quen biết ai nữa ở Kabul, cái thành phố mà chú đã từng sống trọn đời. Mọi người đều trốn hết. Chú thường đi bộ đến tiểu khu Karteth - Parwan - nơi những người bán dưa vẫn sống ở đó những ngày xa xưa, cháu còn nhớ tụ điểm ấy chứ - Và chú thường không nhận ra ai ở đấy nữa. Chẳng ai đón chào, chẳng có ai để cùng ngồi uống trà, chẳng có ai để kể chuyện với nhau, chỉ có mỗi bọn lính Roussi tuần tiễu trên đường phố. Rốt cuộc, chú đành thôi không ra phố nữa. Ngày ngày chú ở lì trong nhà của bố cháu, lên phòng đọc, đọc những cuốn sách cũ của mẹ cháu, nghe tin tức, xem bọn chúng tuyên truyền trên ti vi. Rồi chú thường cầu kinh namaz, nấu món gì đó ăn, đọc sách thêm, lại cầu nguyện, và lên giường ngủ. Buổi sáng, chú thường dậy sớm, cầu nguyện, nguyện đi nguyện lại mãi.

Và bệnh đau khớp của chú khiến việc chăm nom ngôi nhà trở nên khó khăn hơn. Hai đầu gối và lưng chú luôn đau nhức - chú thường dậy vào buổi sáng và phải mất ít nhất một giờ để vặn vẹo cho đỡ cứng các khớp xương, nhất là về mùa đông. Chú không muốn để cho ngôi nhà của bố cháu bị hư hỏng, chúng ta đã từng có biết bao giờ phút đẹp đẽ trong ngôi nhà đó có quá nhiều kỷ niệm, Amir jan ạ. Như thế thật không phải - bố cháu đã tự tay thiết kế ngôi nhà đấy, mà ngôi nhà mang quá nhiều ý nghĩa đối với ông ấy, và hơn nữa, chú đã hứa với Baba của cháu, chú sẽ chăm nom nó khi ông ấy và cháu bỏ sang Pakistan. Lúc này chỉ mỗi chú với ngôi nhà và... chú đã làm hết sức mình. Chú đã cố tưới tắm cho cây cối vài ngày một lần, cắt cổ và chăm sóc hoa, sửa chữa những gì cần sửa, nhưng rồi chú cũng đâu phải là một người đàn ông trẻ nữa.

Mà kể cả như thế, đáng lẽ chú đã có thể cố gắng. Ít nhất cũng thêm một thời gian nữa. Nhưng tin bố cháu qua đời ập đến... lần đầu tiên chú cảm thấy một sự cô đơn khủng khiếp trong ngôi nhà ấy. Một sự trống vắng không thể nào chịu nổi.

Thế là một hôm, chú đổ dầu vào chiếc Buick và lái tới Hazarajat. Chú nhớ sau khi ông Ali tự xin ra khỏi ngôi nhà, bố cháu nói cho chú biết ông ấy và Hassan chuyển đến một ngôi làng nhỏ, ngay ngoại ô Bamiyan. Theo như chú nhớ, ông Ali có người họ hàng ở đó. Chú không biết liệu Hassan có còn ở đó ấy không, liệu có ai biết gì về nó hoặc nơi nó ở hay không. Chung quy lại, cũng đã mười năm từ khi ông Ali và Hassan rời khỏi ngôi nhà của bố cháu. Vào khoảng 1986 thì Hassan có lẽ đã trưởng thành, hăm hai, hăm ba tuổi gì đó. Nếu nó vẫn còn sống là vì bọn Shorawi, mong cho chúng chết thối rữa dưới địa ngục vì những gì chúng đã làm với những watan của chúng ta, chúng giết quá nhiều những chàng trai, chuyện đó chú không cần kể với cháu nữa.

Nhưng ơn trời, chú đã tìm thấy nó ớ đó. Cũng không phải mất công tìm kiếm mấy, tất cả những gì chú phải làm là hỏi thăm vài câu ở Bamiyan, và người ta chỉ cho chú ngôi làng của nó. Chú cũng chẳng nhớ tên ngôi làng nữa hoặc chẳng biết nó có tên không. Nhưng chú vẫn nhớ đó là một ngày hè thiêu đốt và chú đang cho xe chạy trên một con đường đất đầy vết bánh xe, chẳng có thứ gì ở hai bên ngoài những bụi cây gày guộc và cỏ khô như rơm. Chú đi qua một con lừa chết thối bên lề đường, rồi theo một lối rẽ, và ngay giữa vùng đất trơ trọi ấy, chú thấy một cụm những ngôi nhà vách đất, xa hơn nữa chẳng có gì ngoài trời rộng bao la và núi đá lởm chởm như răng nhọn.

Người dân ở Bamiyan đã bảo chú là tìm nó dễ thôi - Nó sống trong ngôi nhà duy nhất có vườn xây tường trong cả cái làng đó. Tường đất, thấp và thủng lỗ chỗ, bao kín ngôi nhà nhỏ - thực sự chẳng hơn mấy một túp lều ra vẻ ta đây. Những đứa trẻ chân trần nô đùa trên đường làng, lấy gậy đánh một quá bóng quần vợt nhồi vải, và chúng chăm chú nhìn khi chú lái xe đến và tắt máy. Chú gõ vào cánh cổng gỗ rồi bước qua. vào một cái sân hầu như trống trải ngoại trừ một bụi dâu tây khô cháy và cây chanh trơ trụi. Có một cái lò nướng tandoor ở góc sân, dưới bóng cây keo, và chú thấy một người đàn ông ngồi xổm bên cạnh lò. Anh ta đang phết bột nhão lên một cái bàn xẻng 1 bằng gỗ rộng và vỗ vỗ vào thành lò tandoor. Anh ta buông rơi bột khi nhìn thấy chú. Chú phải ngăn nó không được hôn tay chú.

- Để chú nhìn cháu xem nào, - chú nói. Nó đứng lui ra.

Nó cao lớn quá rồi. Chú đứng kiễng chân lên mà chỉ tới cằm nó. Mặt trời Bamiyan đã tôi luyện nước da của nó, hoá thẫm hơn là chú nhớ, và nó đã bị mất vài cái răng cửa. Có mấy sợi râu lơ thơ dưới cắm. Ngoài những cái đó ra, vẫn đôi mắt hẹp màu xanh lục, vẫn cái sẹo đó ở môi trên, vẫn bộ mặt tròn trĩnh đó, nụ cười đáng yêu đó. Cháu cũng sẽ nhận ra nó, Amir jan. Chú tin chắc như vậy.

Hai chú cháu vào nhà, có một phụ nữ Hazara trẻ làn da tươi sáng đang khâu một chiếc khăn ở góc nhà. Cô ta rõ ràng đang đợi ngày lâm bồn.

- Chú Rahim Khan, đây là vợ cháu, - Hassan nói, vẻ tự hào. - Cô ấy là Farzana jan.

Cô ta là một phụ nữ bẽn lẽn, rất ư thanh nhã với giọng nói hầu như không cao hơn tiếng thì thầm, và thường không ngước đôi mắt màu nâu lục hạt để gặp cái nhìn chăm chú của ta. Nhưng cái cách cô ta nhìn Hassan thì có thể nói như Hassan đang ngồi trên ngai vàng của cung điện Arg vậy.

- Khi nào đứa bé ra đời? - Chú hỏi sau khi tất cả đã yên vị quanh căn phòng tường gạch đất nung. Chẳng có thứ gì ở trong phòng, ngoài một tấm thảm quỳ để cầu kinh sờn cũ, vài chiếc đĩa, một đôi đệm nằm, và một cái đèn.

-Inshallah, mùa đông này ạ, - Hassan nói. - Cháu đang cầu xin cho thằng bé được mang tên cha cháu.

- Nhân thể nói tới Ali, ông ấy đâu?

Hassan cụp mắt xuống. Kể cho chú biết ông Ali và người anh em họ - người chủ ngôi nhà này bị giết chết bởi một quả mìn hai năm trước, ngay bên ngoài khu Bamiyan. Một quả mìn. Lại có thêm một cách chết nữa cho người Afghan, phải không Amir jan? Và vì lý do điên rồ nào đó chú tuyệt đối tin rằng chính cái chân phải của ông Ali, cái chân bị vặn đi vì teo cơ cuối cùng đã phản bội ông ấy, và đạp lên quả mìn chôn. Chú đau buồn vô cùng khi nghe nói ông Ali đã chết. Bố cháu và chú lớn lên cùng nhau, như cháu đã biết, và ông Ali cũng đã từng ở bên bố cháu, theo như chú nhớ, lâu không biết chừng nào. Chú nhớ khi tất cả chúng ta còn nhỏ, cái năm ông Ali bị viêm tuỷ xám và gần sắp chết. Bố cháu thường suốt ngày chạy quanh nhà kêu khóc.

Farzana làm cho chúng ta món shorwa bằng đỗ, củ cải và khoai tây. Bọn ta rửa tay và nhúng bánh naan vừa mới ở lò tandoor ra vào món shorwa - đó là bữa ăn ngon nhất mà chú từng ăn trong nhiều tháng trời. Thế rồi chú yêu cầu Hassan chuyển đến Kabul với chú. Chú nói cho nó biết về ngôi nhà, một mình chú không thể trông nom nổi ra sao. Chú bảo nó chú sẽ trả công nó tử tế, rằng nó và khanum của nó sẽ được đầy đủ. Hai vợ chồng nó nhìn nhau và không nói gì. Lát sau, sau khi hai chú cháu rửa tay và Fanana mời cả hai ăn nho, Hassan mới nói ngôi làng bây giờ là nhà của nó, nó và Farzana đã gây dựng cuộc đời hai vợ chồng nó ở đó.

- Và Bamiyan rất thân thiết với nhau. Chúng cháu quen biết mọi người ở đây. Thứ lỗi cho cháu. Rahim Khan. Cháu cầu xin chú hiểu cho cháu.

- Dĩ nhiên. - chú nói. - Cháu không có gì phải xin lỗi cả. Chú hiểu.

Giữa lúc uống trà sau bữa shorwa, Hassan hỏi về cháu. Chú bảo nó cháu đang ở Mỹ, nhưng chú cũng chẳng biết gì nhiều hơn. Hassan hỏi rất nhiều về cháu. Cháu đã cưới vợ chưa? Có con chưa? Có cao lớn không? Có còn thả diều và đi đến rạp chiếu phim không? Có hạnh phúc không?Nó nói, nó kết bạn với một thầy giáo già dạy tiếng Farsi ở Bamiyan, ông ấy đã dạy nó đọc và viết. Nếu nó viết cho cháu một bức thư, liệu chú có chuyển hộ cho nó đến cháu không? Và chú có nghĩ cháu sẽ viết thư trả lời không? Chú bảo nó những gì chú biết về cháu là từ mấy cuộc điện đàm với cha cháu, nhưng chủ yếu là chú không biết trả lời nó như thế nào. Rồi nó hỏi chú về cha cháu. Khi chú kể cho nó, Hassan hai tay bưng mặt khóc nức nở. Nó khóc như một đứa trẻ suốt đêm hôm đó.

Hai vợ chồng nó khăng khăng đòi chú nghỉ đêm ở đó. Farzana sắp xếp một giường ngủ nhỏ cho chú và để một cốc nước đầy, phòng chú khát. Suốt đêm, chú nghe cô ấy thì thào với Hassan và thấy nó thổn thức.Sáng ra Hassan bảo chú nó và Farzana đã quyết định chuyển đến Kabul ở với chú.

- Lẽ ra chú không nên đến đây, - chú nói, - cháu nói đúng, Hassan jan, cháu có một cuộc sống ở đây. Chú thật là mạo muội mới tới đây, yêu cầu cháu từ bỏ mọi thứ. Chính chú mới cần được tha thứ.

- Chú Rahim Khan, chúng cháu có gì nhiều mà từ bỏ, - Hassan nói. - Mắt nó vẫn còn đỏ và sưng lên. - Chúng cháu sẽ đi với chú. Chúng cháu sẽ giúp chú chăm nom ngôi nhà.

- Cháu có tuyệt đối chắc không?

Nó gật và gục đầu xuống:

- Agha sahib như là người cha thứ hai của cháu. Cầu trời cho ông được bình yên.

Vợ chồng nó xếp đống những đồ đạc của mình vào giữa mấy miếng vải cũ và buộc các góc lại với nhau. Bọn chú chất cái bó ấy lên chiếc xe Buick. Hassan đứng ở ngưỡng cửa cầm cuốn kinh Koran lúc mọi người lần lượt hôn và đi qua bên dưới. Rồi tất cả rời về Kabul. Chú vẫn nhớ khi chú lái xe đi khỏi đấy, Hassan còn quay lại nhìn lần cuối ngôi nhà họ.

Khi về tới Kabul. chú phát hiện Hassan không có ý định chuyển vào ở trong ngôi nhà. Chú nói:

- Nhưng tất cả các phòng đều trống rỗng, Hassan jan. - Sẽ không có ai đến sống ở đấy nữa.Nhưng nó lại không muốn. Nó bảo đây là vấn đề ihtiram, là sự tôn trọng. Nó và Farzana chuyển đồ đạc vào cái lều ở sân sau, nơi nó đã sinh ra. Chú nài nỉ để hai vợ chồng nó chuyển đến một trong những phòng khách ở trên gác, nhưng Hassan không chịu nghe.

- Amir agha sẽ nghĩ sao? - Nó bảo chú thế. - Cậu ấy sẽ nghĩ sao khi cậu ấy trở về Kabul sau cuộc chiến và thấy cháu đã chiếm một chỗ của cậu ấy trong cái nhà này?

Rồi để tướng nhớ, tiếc thương bố cháu. Hassan đã mặc đồ đen bốn mươi ngày sau.

Chú không muốn hai vợ chồng nó phải thế, nhưng cả hai đã làm tất cả những việc bếp núc, quét dọn. Hassan chăm sóc hoa ở ngoài vườn, tưới gốc, nhặt lá vàng và trong những khóm hồng. Nó sơn lại tường. Trong nhà, nó quét những phòng bao nhiêu năm không ai ngủ, dọn rửa phòng tắm không ai tắm. Cứ như nó sửa soạn nhà cho ai đó trở về. Cháu còn như bức tường phía sau hàng cây ngô bố cháu đã trồng chứ. Amir jan? Cháu và Hassan đã gọi nó thế nào nhỉ, "Bức tường Ngô ốm" phải không? Một quả tên lửa đã phá huỷ hoàn toàn một phần của bức tường đó vào giữa cái đêm đầu thu đó. Hassan đã tự tay xây lại bức tường, từng viên gạch một, cho đến khi nó đứng vững trở lại. Chú không biết chú sẽ làm gì nếu nó không đến ở đấy.

Rồi cuối mùa thu năm ấy, Farzana sinh một bé gái bị chết lưu. Hassan hôn lên bộ mặt đứa bé không còn sinh khí, và chúng ta chôn nó ở sân sau, gần những bụi tầm xuân. Chúng ta phủ lên nấm mồ nhỏ lá của những cây bạch dương. Chú đọc kinh cầu cho đứa bé. Farzana ở lì suốt ngày trong túp lều than khóc - tiếng hờ của người mẹ là một âm thanh nghe đứt ruột đứt gan, Amir jan ạ. Chú cầu Đức Allah để cháu đừng bao giờ nghe thấy.

Bên ngoài những bức tường của ngôi nhà, là một cuộc chiến tranh điên dại. Nhưng cả ba chúng ta, trong ngôi nhà của bố cháu, chúng ta tạo một nơi ẩn trú riêng để tránh khỏi cuộc chiến. Mắt chú bắt đầu bị mờ đi vào cuối những năm thập kỷ 80, nên chú phải nhờ Hassan đọc hộ chú những cuốn sách của mẹ cháu. Chúng ta thường ngồi ở tiền sảnh, bên lò sưởi, và Hassan thường đọc cho chú nhưng tác phẩm của Masnawi hoặc Khayyám trong khi Farzana nấu nướng ở trong bếp. Và sáng nào Hassan cũng đặt một bó hoa trên nấm đất nhỏ cạnh nhưng bụi tầm xuân.

Vào đầu năm 1990, Farzana lại mang thai. Cũng vào năm đó giữa mùa hè, một người đàn bà choàng burqa 2 màu xanh da trời một buổi sáng đến gõ cổng trước. Khi chú bước vội ra cổng, bà ta đã đang lảo đảo trên đôi chân như thể quá yếu không đứng vững nổi. Chú hỏi xem bà ta muốn gì, nhưng bà không có ý trả lời.

- Bà là ai - Chú hỏi. Nhưng bà ta đã ngã quỵ xuống ngay ở đó, trên lối xe vào. Chú hét gọi Hassan và nó giúp chú khiêng bà ta vào trong nhà, tới phòng khách. Chúng ta đặt bà ta nằm trên chiếc sofa và cởi burqa của bà ta ra. Dưới chiếc khăn, chúng ta thấy một bà già đã móm hết răng với mái tóc hoa râm và những vết viêm loét trên hai cánh tay. Bà ta có vẻ như đã nhiều ngày không ăn. Nhưng điều tệ hại nhất là khuôn mặt của bà ấy. Ai đã rạch dao lên đó và... Amir jan, những vết rạch xiên ngang cắt dọc. Một trong những vết rạch cắt từ xương má lên tận chân tóc và không chừa mắt trái của bà ta. Trông cực kỳ ghê sợ. Chú lấy một miếng vải ướt vỗ nhẹ vào lông mày bà ta và bà ta mở mắt, thều thào:

- Hassan đâu?

- Con ở ngay đây thôi, - Hassan nói. Nó cầm lấy bàn tay bà ta và bóp chặt.Con mắt lành của bà ấy quấn lấy nó:

- Ta đã đi bộ rất lâu và rất xa để xem liệu con có bằng xương bằng thịt như con vẫn hiện ra trong những giấc mơ của ta không. Và con đã đúng như thế. Thậm chí còn hơn. - Bà ta kéo tay nó lên bộ mặt chằng chịt sẹo của mình. - Xin con cười với ta một cái.Hassan mỉm cười và bà già khóc:

- Con cũng cười khi vừa lọt lòng mẹ, đã ai bảo cho con biết bao giờ chưa? Và mẹ đã không cả bế con. Thánh Allah tha tội cho mẹ, mẹ đã không cả bế con.

Chẳng ai trong chúng ta từng gặp Sanaubar kể từ khi bà ta bỏ theo đám du ca và vũ công năm 1964, ngay sau khi sinh Hassan. Cháu cũng không bao giờ trông thấy bà ấy, Amir, nhưng vào tuổi thanh xuân của mình, bà ấy là một trang tuyệt sắc. Bà ấy có nụ cười má lúm đồng tiền và một dáng đi khiến đàn ông phát điên. Không ai trên đường phố gặp bà ấy, dù là đàn ông hay đàn bà, lại có thể chỉ nhìn bà ấy một lần. Vậy mà lúc bấy giờ...

Hassan buông tay bà ấy và đột ngột lao ra khỏi phòng. Chú đuổi theo nó, nhưng nó chạy quá nhanh. Chú thấy nó chạy lên ngọn đồi nơi hai cháu vẫn thường chơi đùa, hai chân nó đá bung những lớp bụi lên. Chú để mặc nó đi. Chú ngồi cùng bà Sanaubar suốt ngày từ lúc trời sáng xanh cho đến lúc tím sẫm. Khi đêm xuống và trăng lướt qua mây, Hassan vẫn không về. Sanaubar khóc, nói bà ta trở về đây là sai lầm, một sai lầm, có thể còn tệ hại hơn cả bỏ đi. Nhưng chú giữ bà ấy ở lại. Chú biết, Hassan sẽ quay về.

Sáng hôm sau nó trở về, trông mệt mỏi và rã rời, như thể suốt đêm không ngủ. Nó lấy cả hai tay cầm lấy tay Sanaubar, bảo bà muốn khóc bao nhiêu thì khóc nhưng không cần phải thế, bây giờ bà đã về nhà, cùng với gia đình bà. Nó sờ lên nhưng vết sẹo trên mặt bà và lùa bàn tay vào tóc bà.

Hassan và Farzana chăm nom, săn sóc cho bà trở lại mạnh khoẻ. Chúng bón cơm, giặt quần áo cho bà. Chú cho bà ấy ở một trong những phòng khách ở trên gác. Đôi khi chú thường nhìn qua cửa sổ ra sân và chứng kiến Hassan cùng mẹ nó quỳ xuống hái cà chua hoặc cắt xén bụi hồng, vừa trò chuyện. Họ đã lấy lại được những năm đã mất, chú cho là như vậy. Theo như chú biết, nó chẳng bao giờ hỏi mẹ đã từng ở đâu, tại sao lại bỏ nơi ấy, và bà ấy cũng chẳng bao giờ nói. Chú cho rằng có những chuyện không cần phải kể.

Chính Sanaubar đỡ đẻ cho đứa con trai của Hassan mùa đông năm 1990 đó. Tuyết chưa bắt đầu rơi, nhưng gió mùa đông đã thổi qua sân, nghiêng ngả những thảm hoa và làm xào xạc lá cây. Chú nhớ Sanaubar ra khỏi túp lều bế theo đứa cháu trai, được bọc trong một chiếc chăn len. Bà đứng rạng rỡ dưới bầu trời u ám, nước mắt trào xuống hai bên má, gió lạnh như kim châm thổi vào tóc, và ủ ấp đứa bé trong đôi cánh tay như thể chẳng bao giờ muốn rời nó ra. Không phải lần này. Bà trao đứa bé cho Hassan, Hassan trao nó cho chú và chú hát bài kinh Aylat-ul-Kursi 3 sát tai thằng bé.

Họ đặt tên cho nó là Sohrab, theo tên nhân vật anh hùng mà Hassan yêu thích trong cuốn Shahnamah, như cháu đã biết, Amir jan. Nó là một thằng bé xinh đẹp, ngọt ngào như đường, và tính nết cũng ôn hoà như bố nó. Lẽ ra cháu nên gặp Sanaubar và thằng bé, Amir jan. Nó trở thành trung tâm cuộc sống của bà ấy. Bà ấy may quần áo cho nó, làm đồ chơi cho nó từ những miếng gỗ, vải vụn và cỏ khô. Khi nó bị cảm sốt, bà ở lại với nó suốt đêm và ăn chay ba ngày liền. Bà đốt isfand 4 cho nó trên một cái xoong nhỏ có cán, để xua đuổi nazar, cái mắt ma đi. Đến lúc Sohrab đã lên hai, nó gọi bà bằng Sasa. Hai bà cháu không thể rời nhau.

Bà sống được đến lúc thấy nó đã lên bốn, thế rồi, một buổi sáng bà không tỉnh dậy nữa. Trông bà có vẻ thư thái, bình yên, như thể bà không còn nghĩ đến cái chết. Chúng ta chôn bà ở nghĩa địa trên đồi, cái nghĩa địa có cây lựu ở bên, và chú cũng đã cầu nguyện cho bà ấy. Sự mất mát đè nặng lên Hassan - có rồi lại mất luôn luôn đau hơn cả việc không có ngay từ đầu. Nhưng mất mát còn đè nặng hơn lên thằng bé Sohrab.Nó liếp tục đi quanh quẩn khắp nhà tìm Sasa, nhưng cháu đã biết trẻ con là thế nào, chúng quên đi rất nhanh.Lúc đó - có lẽ vào năm 1995 - bọn Shorawi đã bị đánh bại và cuốn xéo từ lâu, Kabul thuộc về Massoud, Rabbani và quân Mujahedin. Cuộc xung đột nội bộ giữa các bè phái rất khốc liệt và không ai biết liệu chúng ta có còn sống cho đến hết ngày không. Tai chúng ta trở nên quen với tiếng rít của những quả đạn pháo, với tiếng nổ đùng của súng máy, mắt quen nhìn người ta đào bới xác người ở những đống gạch vụn. Kabul những ngày đó, Amir jan, gần như một chốn địa ngục trần gian. Tuy vậy, thánh Allah nhân từ đôi với chúng ta, quận Wazir Akbar-Khan không bị tấn công nhiều lắm, nên chúng ta không phải chịu cảnh tệ hại như vài quận láng giềng khác.

Vào những ngày đó khi đã bớt đạn tên lửa bắn ra và giao tranh cũng thưa dần, Hassan thường mang Sohrab đến vườn thú xem sư tử Marjan, hoặc tới rạp chiếu phim. Hassan dạy nó bắn súng cao su thế nào, và, sau đó, lúc tám tuổi, Sohrab đã trở nên thiện xạ về ngón này: Nó có thể đứng trên thềm nhà, cách nửa cái sân, bắn trúng quả thông dựng trên một cái thùng. Hassan dạy con đọc và viết - con nó lớn lên sẽ không mù chữ như nó. Chú càng ngày càng gắn bó với thằng bé - Chú đã thấy nó chập chững những bước đầu tiên, nghe nó bập bẹ nói những tiếng đầu tiên. Chú mua sách trẻ con cho Sohrab ở hiệu sách gần Công viên Chiếu phim - bây giờ chúng cũng đã bị phá huỷ rồi và Sohrab đọc liến thoắng khiến chú khó có thể theo kịp. Nó nhắc chú nhớ tới cháu, nhớ khi còn nhỏ cháu thích đọc sách đến thế nào, Amir jan. Đôi khi, ban đêm chú đọc cho nó, chơi đoán câu đố với nó, dạy nó mẹo đánh bài. Chú nhớ nó ghê gớm.

Vào những ngày đông, Hassan mang con trai đi thả diều. Gần như chẳng còn mấy những cuộc đấu diều như ngày xưa - không ai cảm thấy yên tâm khi ra khỏi nhà quá lâu - nhưng loáng thoáng vẫn còn vài cuộc đấu diều thưa thớt. Hassan thường công kênh con trai lên vai và hai bố con nó chạy qua các đường phố, đuổi theo những chiếc diều, trèo lên những cái cây có diều rơi xuống. Amir jan, cháu còn nhớ Hassan là người đua diều giỏi đến thế nào chứ? Nó vẫn còn giỏi như xưa. Vào cuối mùa đông, Hassan và Sohrab treo những chiếc diều chúng đuổi bắt được trong cả mùa đông trên những dây tường cửa hành lang chính. Hai bố con thường nâng niu chúng như những bức hoạ.

Chú đã kể cho cháu nghe năm 1996, tất cả chúng ta đã tổ chức lễ hoan nghênh. khi bọn Taliban tràn vào và chấm dứt cuộc xung đột diễn ra hàng ngày. Chú nhớ tối đó trở về nhà, thấy Hassan đang ở trong bếp nghe Radio. Đôi mắt nó rưng rưng. Chú hỏi nó có chuyện gì không ổn nhưng nó chỉ lắc đầu:

- Rahim Khan sahib, cầu thượng đế giúp người Hazara! Chú nói:

- Chiến tranh qua rồi mà Hassan. Sẽ được hoà bình, Inshallah, hạnh phúc, bình yên. Không còn tên lửa, không còn giết chóc, không còn tang tóc nữa.Nhưng nó tắt ngay đài đi và hỏi chú liệu nó có thể làm cho chú món gì để ăn trước khi nó đi ngủ không.Mấy tuần sau, bọn Taliban ra lệch cấm đấu diều. Và hai năm sau, năm 1998, chúng tàn sát tập thể người Hazara ở Mazar-i-sharif.


--------------------------------
1Spatula: Bàn xẻng, trong nấu bếp và hội hoạ, dùng để trộn, pha nguyên liệu.
2Burqa: Khăn trùm đầu.
3Ayat-ul-kursi: Kinh sưởi ấm cho trẻ sơ sinh.
4Isfand: Một dạng đốt vía như ở Việt Nam.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XVII


Rahim Khan chậm rãi gỡ đôi chân bắt chéo ra và tựa mình vào bức tường trơ trụi, theo một cách thận trọng, nhẹ nhàng của một người mà mỗi cử động đều gây đau đớn. Ngoài nhà, một con lừa đang kêu be be và ai đó đang quát tháo bằng tiếng Urdu. Mặt trời đang bắt đầu ngả bóng, xiên nắng đỏ qua những kẽ nứt của toà nhà ọp ẹp.

Sự độc ác của những gì tôi đã làm mùa đông năm ấy và mùa hè năm sau lại giáng vào tôi. Những cái tên reo vang trong đầu tôi: Hassan, Sohrab, Ali, Farzana và Sanaubar. Nghe Rahim Khan nói đến cái tên của ông Ali, tựa như tìm thấy một cái máy hát cũ kỹ, bụi bặm đã nhiều năm không mở, giai điệu ngay lập tức bắt đầu: Hôm nay mày ăn thịt ai rồi, Balabu? Mày ăn thịt ai rồi, Balabu mắt xếch? Tôi cố hình dung vẻ mặt lạnh tanh bất động của ông Ali, để thực sự nhìn thấy đôi mắt bình thản của ông, nhưng thời gian dễ là một kẻ tham lam - đôi khi nó ăn cắp hết mọi chi tiết cho bản thân nó.

- Bây giờ Hassan vẫn còn trong ngôi nhà đó chứ? - Tôi hỏi.

Rahim Khan nâng tách trà lên đôi môi khô nẻ và uống một ngụm. Rồi ông moi một chiếc phong bì từ túi ngực áo vest của ông và trao nó cho tôi:

- Của cháu đấy.

Tôi xé niêm phong chiếc phong bì. Bên trong tôi thấy một tấm ảnh chụp từ máy Polaroid và một bức thư gấp lại. Tôi chăm chú nhìn vào tấm ảnh chừng một phút.Một người đàn ông cao lớn quấn chiếc khăn tu-ban trắng, mặc một chiếc áo chapan màu xanh lục hẹp và dài đứng cùng một đứa trẻ trước cổng sắt hoa. Ánh nắng mặt trời chiếu xiên từ phía trái làm tối một nửa khuôn mặt bầu bĩnh. Người đó đang nheo mắt và mỉm cười nhìn vào máy anh để lộ ra hai chiếc răng cửa bị khuyết. Ngay cả trong tấm ảnh Polaroid mờ mờ đó, người đàn ông trong chiếc áo chapan vẫn toát ra một vẻ quả quyết thoải mái. Nó thể hiện trong dáng đứng của anh ta, hai chân hơi doãi ra, hai cánh tay đàng hoàng khoanh trước ngực, đầu hơi nghiêng một chút về phía mặt trời. Nhất là trong nụ cười của anh ta. Nhìn vào tấm ảnh, người ta có thể kết luận đó là một người đàn ông tin tưởng cuộc đời đã tốt đẹp với anh ta biết mấy. Rahim Khan nói đúng: Có lẽ tôi sẽ nhận ra cậu ấy, nếu tôi đâm sầm vào cậu trên đường phố. Đứa con trai đứng chân trần, một cánh tay ôm đùi người đàn ông, cái đầu cạo trọc của nó ngả vào hông cha. Nó cũng nhăn răng cười và nheo mắt.

Tôi mở bức thư. Thư viết bằng tiếng Farsi. Không có dấu chấm phẩy nào bị bỏ, không gạch ngang nào bị quên, không có chữ nào bị lẫn vào nhau - thứ chữ viết tay giống chữ trẻ con nắn nót. Tôi bắt đầu đọc:

Nhân danh Đức Allah, Đấng quảng đại,Đấng nhân từ nhất,Amir agha, với lòng kính trọng sâu sắc nhất của tôi,Farzana jan, Sohrab, và tôi cầu mong bức thư mới nhất này biết cậu được mạnh khoẻ và trong ánh sáng những ân huệ của Đức Allah. Làm ơn chuyển những lời cảm ơn nồng ấm nhất cho chú Rahim Khan sahib vì đã chuyển bức thư này tới cậu. Tôi rất hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ được cầm một trong những bức thư của cậu trong tay và đọc về đời sống của cậu ở Mỹ. Có lẽ một bức ảnh của cậu cũng sẽ đem lại niềm vui cho con mắt của chúng tôi. Tôi kể rất nhiều về cậu cho Farzana jan và Sohrab, về chuyện chúng ta lớn lên cùng nhau, chơi các trò chơi và đuổi nhau trên đường phố. Hai mẹ con vẫn cười trước những chuyện về mọi điều phiền toái cậu và tôi thường gây ra!Amir agha,Than ôi, đất nước Afghanistan của tuổi trẻ chúng ta đã chết lâu rồi. Lòng nhân từ đã rời khỏi mảnh đất này và người ta không thể trốn thoát khỏi những chuyện bắn giết. Luôn luôn bắn giết. Ở Kabul, sợ hãi ở khắp nơi, trên đường phố, trong sân vận động, ngoài chợ, đó là một phần của cuộc sống của chúng tôi ở đây, Amir agha. Những kẻ man rợ cai trị lớp watan của chúng ta không quan tâm đến đạo lý làm người. Một hôm, tôi đi kèm Fazana jan ra khu chợ mua một ít khoai tây và bánh naan. Cô ấy hỏi người bán hàng khoai tây giá bao nhiêu, nhưng người ấy không nghe thấy cô ấy hỏi, tôi nghĩ ông ta điếc. Thế là cô ấy phải hỏi to hơn và bất ngờ một thằng Taliban trẻ chạy ngay tới nện cô ấy vào hai bên đùi bằng chiếc dùi cui gỗ. Nó đánh cô ấy mạnh đến nỗi cô ấy ngã xuống. Nó hét vào mặt cô ấy, chửi và bảo, Bộ Đạo đức và Tội lỗi không cho phép phụ nữ nói to. Cô ấy bị một vết thâm tím lớn trong nhiều ngày, nhưng tôi có thể làm gì được ngoài việc đứng nhìn vợ mình bị đánh? Nếu tôi đánh trả, con chó ấy chắc chắn sẽ nã ngay một phát đạn vào người tôi, một cách sung sướng! Rồi chuyện gì sẽ xảy ra với thằng bé Sohrab của tôi? Đường phố đã đầy những trẻ mồ côi đói khát và ngày nào tôi cũng cảm ơn Đức Allah rằng tôi vẫn còn sống sót, không phải bởi tôi sợ chết, mà bởi tại vợ tôi có một người chồng và con trai tôi không phải là một đứa trẻ mồ côi.Tôi mong cậu có thể gặp Sohrab. Nó là thằng bé rất ngoan. Chú Rahim Khan sahib và tôi đã dạy nó đọc và viết, để nó khỏi lớn lên ngu đần như cha nó. Và, nó cũng có thể bắn bằng chiếc súng cao su đó! Thỉnh thoảng tôi đem Sohrab đi quanh quẩn và mua kẹo cho nó. Vẫn còn một người diễn trò khỉ ở Shar-e-Nau, và nếu chúng tôi tình cờ gặp hắn, tôi trả tiền để hắn múa trò khỉ cho Sohrab xem. Giá cậu được thấy nó cười như thế nào nhỉ! Cả hai bố con tôi thường trèo lên nghĩa địa trên đồi. Cậu có nhớ chúng ta vẫn quen ngồi dưới gốc lựu ở đó và đọc truyện Shahnamah? Hạn hán đã làm khô trụi đồi và cây lựu nhiều năm không kết trái, nhưng Sohrab và tôi vẫn ngồi dưới bóng cây và tôi đọc cho nó nghe truyện Shahnamah. Không cần kể chắc cậu cũng biết, phần nó thích nhất là phần có nhắc đến tên nó, Rostam và Sohrab. Chẳng bao lâu nó sẽ tự mình đọc được cuốn sách. Tôi là một người cha rất tự hào và rất hạnh phúc.Amir agha,Chú Rahim Khan ốm lắm rồi. Chú ho suốt ngày và tôi thấy máu trên ống tay áo chú khi chú lau miệng. Chú giảm cân rất nhiều và tôi mong chú sẽ ăn một chút Shorwa với cơm mà Farzana jan nấu cho chú. Nhưng chú ăn có một hai miếng và tôi nghĩ chỉ để làm vừa lòng Farzana jan. Tôi rất lo cho con người yêu quý ấy đến nỗi ngày nào tôi cũng cầu nguyện cho chú. Chú đang rời sang Pakistan ít ngày để tham khảo ý kiến mấy ông bác sĩ ở đó và Inshallah, mong ông sẽ trở về với những tin tốt đẹp. Nhưng trong thâm tâm tôi, tôi vẫn sợ cho chú. Farzana jan và tôi đã bảo Sohrab là chú Rahim Khan sahib sắp khỏi. Chúng tôi còn có thể làm gì? Nó mới mười tuổi và nó tôn thờ Rahim Khan sahib. Hai ông cháu càng ngày càng gắn bó với nhau. Chú Rahim Khan thường mang nó ra phố chợ mua bóng bay và bánh bích quy cho nó, nhưng bây giờ thì chú quá yếu, không làm thế được nữa.Sau đó tôi đã mơ rất nhiều, Amir agha. Một số là ác mộng như những xác người bị treo cổ thối rữa trên những sàn bóng đá, với máu loang trên cỏ. Tỉnh khỏi những cơn ác mộng đó, người tôi vã mồ hôi và thở dồn dập. Tuy vậy phần nhiều tôi mơ thấy những điều tốt đẹp, và ngợi ca Thánh Allah vì những điều đó. Tôi mơ thấy chú Rahim Khan khỏi bệnh. Tôi mơ thấy con trai tôi sẽ lớn lên trở thành một người tốt, một người tự do, và một người quan trọng. Tôi mơ thấy những bông hoa lawla sẽ lại nở trên các đường phố Kabul, và nhạc rubab lại sẽ vang lên trong những phòng trà, những cánh diều sẽ lại bay trên bầu trời. Và tôi mơ một ngày nào đó cậu sẽ trở về Kabul thăm lại mảnh đất thời thơ ấu của chúng ta.

Nếu cậu trở về, cậu sẽ thấy một người bạn cũ trung thành đang mong đợi cậu.
Cầu mong Thánh Allah luôn luôn bên cậu.
Hassan.
Tôi đọc bức thư hai lần. Tôi gấp thư lại và nhìn vào tấm ảnh thêm một lúc nữa. rồi cho vào túi. Tôi hỏi:

- Cậu ấy thế nào?

- Bức thư đó viết cách đây sáu tháng rồi, vài ngày trước khi chú rời sang Peshawar. - Rahim Khan nói. - Chú chụp bức ảnh bằng máy Polaroid hôm trước khi chú đi. Một tháng sau khi chú đến Peshawar, chú nhận được cú điện thoại từ một người hàng xóm ở Kabul. Ông ta kể cho chú nghe chuyện này: Ít lâu sau khi chú đi, một tin đồn lan khắp rằng một gia đình Hazara đang sống một mình trong toà nhà lớn ở quận Wazir Akbar-Khan, hoặc bọn Taliban khẳng định như thế. Hai thằng quan chức Taliban đến điều tra và thẩm vấn Hassan. Chúng buộc tội Hassan dối trá khi khai với chúng là sống với chú cho dù nhiều người hàng xóm, kể cả người gọi điện cho chú, ủng hộ lời khai của Hassan. Bọn Taliban nói Hassan là một tên dối trá và là một thằng trộm cắp như mọi tên Hazara và lệnh cho gia đình nó phải ra khỏi ngôi nhà lúc chiều xuống. Hassan phản đối. Nhưng người hàng xóm của chú nói bọn Taliban đang nhòm ngó toà nhà lớn như - ông ta nói thế nào nhỉ! - À, như đàn sói nhòm vào bầy cừu. Chúng bảo với Hassan, chúng sẽ chuyển vào ở coi như để giữ nó an toàn cho đến khi chú trở về. Hassan lại phản đối. Thế là chúng lôi nó ra ngoài đường phố.

- Không. - Tôi thở.

-... và ra lệnh cho nó quỳ xuống...

- Không, lạy chúa, không.

-... và bắn vào sau gáy nó.

- Không.

- Farzana đến thét lên xông vào đánh chúng...

- Không.

-... bắn nốt cô ấy. Tự vệ. Sau đó chúng tuyên bố thế...Nhưng tất cả những gì tôi có thể làm được chỉ là thì thào "Không, không, không," mãi không ngừng.

Tôi vẫn nghĩ về cái ngày năm 1974, trong phòng bệnh, ngay sau ca phẫu thuật môi cho Hassan. Baba, chú Rahim Khan, ông Ali và tôi đã xúm lạiquanh giường của Hassan xem cậu quan sát đôi môi mới của mình trong cái gương cầm tay. Nay mọi người trong căn phòng ấy đều đã chết và sắp chết. Ngoại trừ tôi.

Rồi tôi lại thấy một cái gì khác: tên đàn ông mặc chiếc áo rằn ri đang dí họng khẩu Kalashnikov của nó vào gáy Hassan. Tiếng nổ vang vọng suốt đường phố ngôi nhà cha tôi. Hassan đổ phịch xuống mặt đường. Cuộc đời trung thành đơn phương của cậu ấy lìa bỏ cậu, như những chiếc diều bị gió thổi dạt đi mà cậu từng săn đuổi.

- Bọn Taliban chuyển vào ngôi nhà. - Rahim Khan nói, - mượn cớ chúng đã trục xuất một kẻ xâm phạm tài sản. Những kẻ giết Hassan và Fartana bị sa thải, coi như một trường hợp tự vệ. Không ai dám nói một lời về chuyện này. Phần lớn vì sợ bọn Taliban, chú nghĩ thế. Nhưng cũng không ai lại dại dột đi liều mạng vì một cặp đày tớ người Hazara làm gì.

- Rồi chúng làm gì với Sohrab? - Tôi hỏi. Tôi cảm thấy mệt mỏi, bị vắt kiệt. Một cơn ho làm Rahim Khan co quắp người lại và tiếp tục như thế một lúc lâu. Cuối cùng khi nhìn lên, mặt ông đỏ ửng và mắt ông vằn đỏ.

- Chú nghe nói, nó ở trong một trại mồ côi ở Karteh - Seh, Amir jan ạ.Thế rồi ông lại ho. Khi dừng ho trông ông già hơn mấy phút trước đó, như thể mỗi cơn ho lại làm ông già thêm.

- Amir jan, chú gọi cháu về đây, bởi vì chú muốn được gặp cháu trước khi chết, nhưng không phải chỉ có thế.Tôi không nói gì. Tôi nghĩ tôi đã biết những gì Rahim Khan sắp nói.

- Chú muốn cháu đi Kabul. Chú muốn cháu đem Sohrab sang đây, - ông nói.

Tôi cố tìm những lời lẽ thích hợp. Tôi hầu như chưa có thời gian cho cái thực tế rằng Hassan đã chết.

- Xin hãy nghe chú nói. Chú biết một cặp vợ chồng người Mỹ ở Peshawar, ông Thomas và bà Betty Caldwell. Họ là những người Cơ đốc giáo và họ quản lý một tổ chức từ thiện nhỏ hoạt động bằng những khoản hiến tặng riêng tư. Chủ yếu họ xây nhà và nuôi trẻ con Afghan bị mất cha mẹ. Chú đã đến thăm nơi đó. Một nơi sạch sẽ và an toàn, trẻ con được chăm sóc tốt, ông và bà Caldwell là những người nhân hậu. Ông bà ấy đã bảo chú rằng Sohrab sẽ được hoan nghênh tại nhà ông bà ấy và...

- Rahim Khan, chú không nghiêm túc rồi.

- Nếu chú nghĩ thế, chú đã không yêu cầu cháu đến đây.Tôi mân mê chiếc nhẫn cưới của tôi:

- Chú đã luôn luôn đánh giá quá cao về cháu đấy, chú Rahim Khan...- Và cháu đã lại luôn luôn quá khắc nghiệt đối với bản thân, - ông ngập ngừng. - Nhưng có một chuyện khác. Một chuyện khác cháu không biết.

- Làm ơn, chú Rahim Khan.

- Sanaubar không phải là người vợ đầu tiên của ông Ali.

Bấy giờ tôi mới ngước nhìn lên.

- Trước đó, ông ấy đã cưới một phụ nữ Hazara thuộc vùng Jahori. Chuyện đó có lâu trước khi cháu ra đời. Họ lấy nhau được ba năm.

- Chuyện này thì có dính dáng gì?

- Sau ba năm không có con cái cô ta bỏ ông ấy và lấy một người đàn ông ở Khost. Cô ta đẻ cho ông này ba đứa con gái. Đó là những gì chú đang cố nói cho cháu biết.

Tôi bắt đầu hiểu ông đang định đi đến đâu. Nhưng tôi không muốn nghe phần còn lại của câu chuyện. Tôi có một đời sống tốt đẹp ở California, một ngôi nhà kiểu Victoria xinh đẹp với cái mái nhọn, một cuộc hôn nhân tốt đẹp, một nghề viết văn đầy hứa hẹn, bố mẹ vợ yêu quý tôi. Tôi cóc cần bất kỳ cái gì của câu chuyện vớ vẩn ấy.

- Ông Ali vô sinh, - Rahim Khan nói.

- Không, ông ấy không thể. Ông ấy và bà Sanaubar đã đẻ ra Hassan, phải không nào? Họ đã có Hassan.

- Không, họ không có, - Rahim Khan nói.

- Có, họ có.

- Không, Amir, họ không có.

- Vậy ai?

- Chú nghĩ cháu biết ai.

Tôi cảm thấy như người đang tuột xuống một vách đá dựng đứng, cố níu chặt lấy những bụi rậm, với nhưng cây gai rối rắm và cuối cùng trắng tay. Căn phòng như đang hạ xuống dâng lên, lắc lư bên này qua bên khác.

- Hassan có biết không? - Tôi nói qua đôi môi tưởng như không phải môi tôi nữa. Rahim Khan nhắm mắt lại. Lắc đầu.

- Các người, đồ ác độc, - tôi lẩm bẩm. Đứng lên. - Các người, đồ ác độc chết tiệt. - Tôi hét lên. - Tất cả lũ các người, một chuỗi lừa lọc ác độc chết tiệt!

- Xin cháu ngồi xuống. - Rahim Khan nói.

- Tại sao chú lại phải giấu tôi? Giấu nó? - Tôi rống lên.

- Amir jan, xin cháu nghĩ lại. Đó là một tình thế nhục nhã. Người ta sẽ bàn tán. Tất cả những gì một con người đã có trước đó, tất cả những giá trị của anh ta, là danh dự, tên tuổi và nếu người ta bàn tán... Chúng ta không thể nói cho bất kỳ ai biết, chắc rằng cháu có thề hiểu được điều ấy. Ông túm lấy tôi. Nhưng tôi gỡ tay ông ra. Đi thẳng ra cửa.

- Amir jan, xin cháu đừng bỏ đi.

Tôi mở cửa và quay lại phía ông:

- Tại sao? Chú còn có thế nói gì với cháu nào? Cháu đã ba mươi tám tuổi rồi, và cháu chỉ thấy hoá ra toàn bộ cuộc đời cháu, mẹ kiếp, chỉ là một sự đại dối trá! Chú có thể nói gì để làm cho mọi việc tốt đẹp hơn nào? Không gì hết. Không một điều chết tiệt nào hết! Nói thế rồi tôi sầm sầm bước ra khỏi căn hộ.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XVIII


Mặt trời gần như đã lặn hẳn và để lại trên bầu trời những dải màu tía, đỏ sắp tắt. Tôi bước xuống một đường phố hẹp, nhộn nhịp và rời xa khỏi toà nhà của Rahim Khan. Đường phố là một cái ngõ ồn ào trong một mớ rắc rối những lối đi nhỏ tắc nghẽn người đi bộ, xe đạp và xe xích lô. Những biển lớn treo ở các góc đường quảng cáo Coca-cola và thuốc lá. Những tấm áp phích phim rẻ tiền phô phang những nữ diễn viên đầy nhục cảm khiêu vũ với đám đàn ông da nâu đẹp trai trên những cánh đồng hoa cúc vạn thọ.

Tôi bước vào một quán samôva nhỏ đầy khói thuốc và gọi một tách trà. Tôi tựa lưng lên chân sau chiếc ghế đang gấp lại và lau mặt. Cảm giác bị tuột xuống một cái vực đã phai mờ. Nhưng thay vào đó, tôi cảm thấy như một người vừa tỉnh giấc trong ngôi nhà riêng của mình và thấy mọi đồ đạc trong nhà đã được sắp xếp lại, đến nỗi mọi xó xỉnh, mọi rạn nứt thân thuộc trông đều xa lạ. Bị lạc hướng, anh ta phải đánh giá lại mọi vật xung quanh, và định hướng lại bản thân.

Làm thế nào mà tôi lại có thể mù đặc đến thế? Những dấu hiệu đã từng hiện trước mắt tôi trong suốt bao lâu. Bây giờ chúng vụt trở lại với tôi: Baba thuê bác sĩ Kuman chữa lại cái môi hẻ cho Hassan. Baba không bao giờ quên sinh nhật của Hassan. Tôi nhớ lại cái ngày chúng tôi đang trồng hoa tuy líp, khi tôi hỏi Baba đã bao giờ ông xem xét đến việc thuê những người ở mới chưa. Hassan sẽ không đi bất cứ đâu. Ông đã gầm lên. Nó sẽ ở ngay tại đây với chúng ta, nơi mà thuộc về nó. Đây là nhà của nó và chúng ta là gia đình của nó. Ông đã khóc, khóc khi ông Ali tuyên bố rằng sẽ cùng Hassan rời bỏ chúng tôi.

Người hầu bàn đặt một tách trà lên cái bàn trước mặt tôi. Nơi chân bàn bắt chéo thành hình chữ X có một vòng chuông đồng, mỗi chiếc lớn bằng quả óc chó. Một trong những quả chuông bị tuột ra. Tôi cúi xuống và buộc chặt nó lại. Tôi mong tôi có thể xiết chặt lại cuộc đời của riêng tôi dễ dàng như thế. Tôi uống một ngụm trà đen đặc nhất từng uống trong nhiều năm, và cố nghĩ tới Soraya, tới ông tướng và Khala Jamila, tới cuốn tiểu thuyết cần hoàn thành. Tôi cố quan sát xe cộ lồng lộn trên đường phố, mọi người ra ra vào vào những cửa hàng bánh kẹo nhỏ, cố lắng nghe nhạc Qawali đang vang lên từ chiếc đài bán dẫn ở bàn bên cạnh. Bất cứ thứ gì. Nhưng tôi vẫn cứ thấy Baba, trong cái đêm tôi tốt nghiệp, đang ngồi trong chiếc xe Ford ông vừa tặng tôi, sực mùi bia và nói: Hôm nay, bố chỉ muốn Hassan ở đây với chúng ta.

Làm sao ông có thể lừa dối tôi suốt bao năm như thế? Cả Hassan nữa ông đã đặt tôi ngồi lên đùi ông khi tôi còn nhỏ, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: Chỉ có một tội lỗi duy nhất. Và đó là ăn cắp... Khi con nói dối, con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật.Ông đã chẳng nói nhưng câu đó với tôi sao? Và giờ đây mười lăm năm sau khi tôi đã chôn ông, tôi được biết rằng Baba từng là một tên ăn cắp. Và một tên ăn cắp thuộc loại xấu xa nhất, bởi những thứ mà ông đánh cắp đã từng là thiêng liêng đối với tôi: quyền của tôi được biết tôi có một đứa em trai, quyền của Hassan được biết nguồn gốc của mình, và danh dự của ông Ali. Nang của ông,Namoos của ông.

Những câu hỏi vẫn không ngừng đến với tôi. Baba đã dám nhìn thẳng vào mắt ông Ali ra sao? Ông Ali đã sống trong ngôi nhà đó thế nào, ngày này qua ngày khác, biết rõ đã từng bị chủ mình đơn phương làm nhục một cách tồi tệ nhất mà một người Afghan có thể bị làm nhục? Và tôi định hoà giải ra sao cái hình ảnh mới của Baba với hình ảnh ông đã từng in đậm trong óc tôi bấy lâu, cái hình ảnh ông trong bộ đồ veston nâu, tập tễnh bước lên lối xe vào nhà Taheri để hỏi Soraya làm vợ cho tôi?

Đây lại là một sáo ngữ nữa mà ông thầy dạy viết văn của tôi thường giễu cợt: cha nào, con nấy 1. Nhưng nó đúng phải không nào? Hoá ra, Baba và tôi còn giống nhau hơn nhiều những gì tôi vẫn biết. Cả hai chúng tôi đã phản bội lại những con người có lẽ đã hiến cả đời họ cho chúng tôi. Và từ đó mới nhận ra điều này: Rahim Khan đã gọi tôi về đây để chuộc tội không chỉ cho những tội lỗi của tôi mà còn của Baba nữa.

Rahim nói, tôi luôn luôn quá khắc nghiệt với bản thân. Nhưng tôi không hiểu. Đúng, tôi không làm cho ông Ali giẫm lên quả mìn chôn, tôi không mong bọn Taliban đến nhà để bắn Hassan. Nhưng tôi đã đuổi ông Ali và Hassan ra khỏi nhà. Phải chăng là quá gượng gạo để hình dung mọi sự có thể đã trở nên khác hơn nếu tôi không đuổi họ? Có thể Baba sẽ mang họ theo tới Mỹ. Có thể bây giờ Hassan đã có một ngôi nhà riêng của mình, một nghề, một gia đình, một cuộc sống tại đất nước nơi người dân ở đó thậm chí chẳng buồn bận tâm một người Hazara là thế nào. Có thể không. Nhưng biết đâu.

Cháu không thể đi Kabul, tôi đã nói với Rahim Khan, cháu có một người vợ ở Mỹ, một ngôi nhà, một nghề và một gia đình. Nhưng làm sao tôi có thể khăn gói trở về nhà khi những hành động của tôi có thể tước mất một cơ may cho Hassan để có vẫn những thứ như thế?

Ước gì Rahim Khan đừng gọi tôi. Tôi mong ông hãy để tôi sống trong quên lãng. Nhưng ông đã gọi cho tôi. Và những gì Rahim Khan tiết lộ cho tôi đã làm thay đổi mọi điều. Làm cho tôi thấy cả cuộc đời tôi, rất lâu trước mùa đông năm 1975, lui lại cái ngày người phụ nữ Hazara hát ru còn đang cho tôi bú, đã từng là một vòng quay của những dối trá, phản bội và bí mật ra sao.

Luôn có một con đường để tốt lành trở lại, chú đã nói vậy.

Một con đường để kết thúc vòng quay này.Với một đứa con trai bé nhỏ. Một đứa trẻ mồ côi. Con trai của Hassan. Đâu đó ở Kabul.

Trên chiếc xe kéo quay lại căn hộ của Rahim Khan, tôi nhớ Baba nói rằng vấn đề của tôi là, ai đó đã luôn hoàn thành cuộc chiến đấu của tôi thay cho tôi. Giờ đây tôi đã ba mươi tám tuổi. Tóc tôi đã rụng và có những vệt hoa râm, và mới đây thôi, những vết chân quạ đã hằn quanh đôi mắt tôi. Giờ đây tôi đã già hơn, nhưng có thể chưa đến nỗi quá già để bắt tay vào cuộc chiến đấu của chính tôi. Baba đã dối trá nhiều điều, nhưng hoá ra ông lại đã không dối trá về điều đó.

Tôi nhìn lại vào khuôn mặt tròn trĩnh trong tấm ảnh Polaroid lần nữa, mặt trời hắt nắng lên trên đó. Khuôn mặt của em trai tôi. Hassan đã từng yêu tôi, yêu tôi theo cách không ai có một tình yêu như thế bao giờ hoặc mãi mãi sẽ còn yêu như thế. Bây giờ nó đã đi mất rồi, nhưng một phần con người nó vẫn còn đang sống. Phần đó ở Kabul.

Đợi chờ.

Tôi thấy Rahim Khan đang cầu kinh namaz ở góc phòng. Ông chỉ là một cái bóng đen đang cúi đầu về phía Đông, trước một bầu trời đỏ như máu. Tôi đợi cho ông cầu kinh xong.Rồi tôi bảo ông, tôi sẽ đi Kabul. Bảo ông, sáng hôm sau sẽ gọi cho ông bà Caldwell. Ông nói:

- Chú sẽ cầu nguyện cho cháu, Amir jan.


--------------------------------
1Like Father, like son: Cha nào, con nấy.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XIX


Lại say xe. Đến lúc xe chúng tôi chạy qua cái biển đạn bắn lỗ chỗ, ĐÈO KHYBER HOAN NGHÊNH QUÝ KHÁCH, miệng tôi bắt đầu muốn nôn. Một cái gì đó trong dạ dày tôi cuộn lên và xoắn lại. Farid, gã tài xế của tôi, liếc nhìn tôi lạnh lùng. Không một chút đồng cảm nào trong mắt hắn.Tôi hỏi:

- Có thể hạ kính xe xuống không?

Hắn châm một điêu thuốc và kẹp chặt giữa hai ngón còn lại của tay trái, bàn tay vẫn để trên tay lái. Đôi mắt đen vẫn nhìn đường, hắn cúi xuống phía trước nhặt chiếc tuốc nơ vít nằm giữa hai chân, và trao nó cho tôi. Tôi cắm vào cái lỗ nhỏ ở cửa xe, nơi đáng lẽ có tay quay và vặn cho cửa kính xe cho tôi hạ xuống.

Farid lại nhìn tôi khinh miệt, cái nhìn này có vẻ như một kẻ thù địch được nén lại, và tiếp tục hút thuốc. Hắn không nói quá mươi lời từ lúc chúng tôi khởi hành ở Jamrud Ford.

- Cảm ơn, - tôi lẩm bẩm. Tôi ngả đầu ra ngoài cửa số để cho khí lạnh giữa ban trưa ào qua mặt tôi. Xe chạy xuyên qua những vùng đất của các bộ tộc Đèo Khyber, ngoằn ngoèo giữa những vách đá phiến và đá vôi, đúng như tôi nhớ Baba và tôi đã cho chạy xe qua miền đất tuyệt vọng này trước năm 1974. Những dãy núi khô cằn, sừng sững dọc theo những vực sâu, vút lên nhưng đỉnh lởm chởm tai mèo. Những pháo đài cổ, tường bằng đất nung đang vỡ vụn trên đỉnh những vách đá cheo leo. Tôi cố dán mắt vào dãy Hindu Kush phủ tuyết ở phía Bắc, nhưng mỗi lần bụng tôi ổn ổn được một chút, chiếc xe tải lại lượn vòng một khúc ngoặt khác, làm dội lên một đợt sóng buồn nôn mới.

- Thử một miếng chanh xem.

- Cái gì?

- Chanh. Say xe dùng tốt đấy, - Farid nói. - Tôi luôn mang theo một quả khi lái xe đường này.

- Không, cảm ơn. - Tôi nói. Nghĩ đến thêm chất chua cho dạ dày là đã muốn nôn thêm rồi.

Farid cười khẩy.

- Không màu nhiệm như thuốc Mỹ đâu, tôi biết chỉ là một phương thuốc cổ mẹ tôi dạy tôi thôi.

Tôi chỉ tiếc nhỡ để lỡ mất dịp may thân thiện với hắn:

- Đã vậy thì có lẽ cho tôi một miếng.Hắn vớ lấy cái túi giấy ở sau ghế và bóc một nửa quả chanh ra. Tôi cắn một miếng, đợi vài phút:

- Anh nói đúng, tôi thấy dễ chịu hơn.Tôi nói dối. Là một người Afghan, tôi biết tốt nhất là chịu khổ còn hơn thô lỗ. Tôi cố nặn ra một nụ cười yếu ớt.

- Mẹo watani 1 cổ đấy mà, không cần phải thuốc tiên đâu - Hắn nói giọng gần như cáu kỉnh. Hắn búng tàn thuốc đi và tự ban cho mình một cái nhìn thoả mãn trong chiếc gương chiếu hậu. Hắn là một người Tajik 2, một gã đàn ông gầy cao lêu đêu, da ngăm đen, mặt sạm nắng gió, vai hẹp, cái cổ dài lộ yết hầu, nhưng chỉ ló ra sau bộ râu khi hắn quay đầu lại. Hắn mặc nhiều hơn tôi, dù tôi cho đó thực ra chỉ là lối ăn mặc khác: một chiếc mền len dệt thô chùm lên pirhan-tumban 3 màu xám và một áo vest. Trên đầu, hắn đội chiếc pakol 4 nâu hơi nghiêng về một bên, giống như người anh hùng Tajik Ahmad Shad Massoud - được dân Tajik coi như "Con mãnh sư của Panjsher."

Chính Rahim Khan đã giới thiệu tôi với Farid. Ở Peshawar. Ông bảo tôi Farid hai chín tuổi, dẫu hắn có bộ mặt thận trọng, chằng chịt nếp nhăn của một người già hơn cái tuổi chưa đến ba mươi. Hắn sinh ra ở Mazar-i-Sharif, và sống ở đó cho tới khi lên mười thì cha hắn chuyển cả gia đình tới Jalalabad. Mười bốn tuổi, hắn theo cha tham gia phong trào Hồi giáo Thánh chiến Jihad chống lại bọn Shorawi. Cha con hắn đã chiến đấu ở thung lũng Panjsher hai năm liền cho đến khi trực thăng nã súng máy và xé ông bố ra làm nhiều mảnh. Farid có hai vợ và năm đứa con. "Hắn vốn có bảy đứa", Rahim Khan nói bằng con mắt buồn buồn, nhưng hắn đã để mất đứa con gái bé nhất mấy năm trước trong một vụ mìn nổ ngay phía ngoài Jalalabad, cũng vụ nổ đã cắt mất gót chân và ba ngón tay trái hắn. Sau đó, hắn đưa hai vợ hắn và lũ trẻ tới Peshawar.

- Trạm kiểm soát. - Farid gầm lên. Tôi khom người xuống một chút trong ghế ngồi của tôi, hai tay khoanh trước ngực, quên cả buồn nôn. Nhưng không cần phải lo. Hai quân nhân Pakistan lại gần chiếc xe Land Cruiser cũ nát của chúng tôi, liếc vội vào trong xe, và vẫy chúng tôi đi.Tên Farid đứng đầu danh sách chuẩn bị của chú Rahim Khan và tôi, một danh sách gồm cả việc đổi tiền đô sang tiền Kaldar và tiền Afghan, quần áo của tôi và chiếc pakol - mỉa mai thay, tôi chưa từng mặc thứ nào hồi tôi còn sống ở Afghanistan, tấm ảnh Polaroid của Hassan và Sohrab, và cuối cùng, khoản quan trọng nhất, một bộ râu đen giả dài đến ngực, Shari'a tử tế - hoặc ít nhất cũng là Shari'a theo cách hiểu của bọn Taliban. Rahim Khan quen một người bạn ở Peshawar, chuyên gia trong việc gắn những thứ đó, đôi khi cho cả những nhà báo phương Tây đến làm phóng sự về chiến tranh.

Rahim Khan muốn tôi lưu lại với ông thêm mấy ngày nữa để sắp xếp mọi việc trôi chảy hơn. Nhưng tôi biết tôi phải rời đi cùng sớm càng tốt. Tôi sợ tôi sẽ đổi ý. Tôi sợ tôi sẽ cân nhắc, suy tính, dằn vặt, duy lý, và thuyết phục bản thân đừng đi. Tôi sợ tiếng gọi của cuộc sống ở Mỹ sẽ kéo tôi trở lại, tôi sẽ lội ngược dòng con sông lớn vĩ đại đó và phó mặc bản thân quên đi, phó mặc mọi chuyện tôi biết được vài ngày vừa qua chìm xuống đáy. Tôi sợ tôi sẽ để cho nước cuốn tôi khỏi những gì tôi phải làm. Khỏi Hassan. Khỏi quá khứ đã lên tiếng gọi. Khỏi cơ may cuối cùng này để chuộc tội. Vì vậy tôi lên đường trước khi có một khả năng nào của những điều đó xảy ra. Còn đối với Soraya, báo cho nàng biết tôi sẽ trở về Afghanistan không phải lựa chọn của tôi. Nếu tôi làm thế, nàng sẽ đặt vé máy bay ngay chuyến kế tới Pakistan.

Chúng tôi đã vượt qua biên giới và những dấu hiệu của nghèo khổ hiện ra ở khắp mọi nơi. Bên kia đường, tôi thấy hàng loạt những ngôi làng nhỏ mọc ra đó đây, giống như những mảnh vụn đồ chơi giữa đám đất đá, những ngôi nhà và những túp lều bằng đất đổ nát chẳng có gì ngoài bốn cây cột gỗ và mảnh vải rách coi như cái mái. Tôi thấy lũ trẻ ăn mặc rách rưới săn đuổi quả bóng đá bên ngoài những túp lều ấy. Vài dặm đường sau, tôi bất chợt thấy một nhóm đàn ông ngồi xệp, trông như một đàn quạ, trên cái xác chiếc xe tăng Xô viết cháy rụi, gió thổi bay mép những tấm mền quấn quanh người họ. Phía sau họ một người đàn bà trong chiếc burqa 5 nâu vác một vò sành lớn trên vai, đi xuống con đường hằn sâu và bánh xe, về phía dãy nhà đất.

- Lạ thật, - tôi nói.

- Gì cơ?

- Tôi cảm thấy như một khách du lịch trên chính đất nước mình, - tôi vừa nói vừa quan sát một người chăn dê đang chăn sáu con dê còm nhom dọc lề đường.Farid cười khẩy. Hắn quẳng điếu thuốc đi:

- Ông vẫn còn nghĩ nơi này là đất nước mình ư?- Tôi nghĩ một phần con người tôi sẽ luôn luôn nghĩ vậy, - tôi nói, để chống chế hơn là chủ định.

- Sau hai mươi năm sống ở Mỹ chứ gì, - hắn vừa nói vừa đánh tay lái, tránh một cái hố to bằng trái bóng bãi biển.

Tôi gật đầu:

- Tôi lớn lên ở Afghanistan.Farid lại cười khẩy.

- Tại sao anh lại thế?

- Chẳng sao cả, - hắn lẩm bẩm.

- Không, tôi muốn biết. Tại sao anh lại làm thế?

Trong chiếc gương chiếu hậu, tôi thấy một cái gì đó loé lên trong mắt hắn.

- Ông muốn biết không? - Hắn cười mỉa. - Để tôi tưởng tượng xem nào, Agha sahib. Có thể ông đã sống trong một toà nhà lớn hai hoặc ba tầng với một cái sân sau tuyệt đẹp nơi người coi vườn của ông trồng đầy hoa và cây ăn quả. Tất cả đều có cổng, tất nhiên. Bố ông lái một chiếc xe hơi Mỹ. Ông cũng có nhiều đày tớ, có thể là người Hazara. Cha mẹ ông thuê thợ trang trí ngôi nhà theo lối mehmanis 6 cầu kỳ của họ, để bạn bè họ ghé thăm, chè chén rồi khoác lác về những chuyến đi châu Âu hoặc Mỹ của họ. Và tôi dám đem đôi mắt của đứa con trai đầu lòng của tôi ra cược, đây là lần đầu liên ông đội pakol.

Hắn nhăn nhở cười với tôi, để lộ đầy một mồm răng sún.

- Tôi nói đúng chứ?

- Tại sao anh lại nói những điều này? - Tôi hỏi.

- Bởi vì ông muốn biết.

Hắn nhổ. Hắn chỉ một ông già, quần áo rách rưới lê bước xuống lối đi bẩn thỉu, một bao to đầy cây chổi xể 7 buộc trên lưng:

- Đó mới là Afghanistan thực sự, Agha sahib. Là Afghanistan mà tôi biết. Còn ông? Ông mãi mãi là một khách du lịch ở đây, ông đâu có biết điều đó.

Rahim Khan đã cảnh báo tôi đừng mong một sự đón tiếp nồng nhiệt ở Afghanistan từ những con người đã ở lại phía sau và chiến đấu. Tôi nói:

- Tôi rất tiếc về chuyện cha anh, con gái anh đã mất, và rất tiếc về bàn tay anh.

- Chẳng là gì đối với tôi, - hắn lắc đầu nói. - Chung quy là tại sao ông lại trở về? Bán đất của Baba ông à? Đút tiền vào túi và chuồn thẳng về với mẹ ông ở Mỹ à?

- Mẹ tôi chết ngay lúc sinh ra tôi, - tôi nói.Hắn thở dài, châm một điếu thuốc khác. Không nói gì nữa.

- Đỗ lại.

- Cái gì?

- Đỗ lại, chết tiệt! - Tôi nói. - Tôi sắp bị nôn.

Tôi nhào vội ra khỏi xe, lúc nó vừa táp vào lề sỏi dọc đường. Đến xế chiều, địa hình đã chuyển từ một vùng toàn những đỉnh núi dãi nắng và vách đá trơ trụi sang một quang cánh thôn dã hơn, xanh tươi hơn. Con đèo chính từ Landi Kotal dốc xuống qua địa phận Shinwari với Landi Khana. Đến Torkham là chúng tôi đã vào địa phận Afghanistan rồi. Những cây thông mọc bên lề đường, ít hơn là tôi nhớ và nhiều cây trơ trụi, nhưng lại được nhìn thấy cây cũng tốt sau một đoạn đường xe chạy gian nan qua đèo Khyber. Chúng tôi đang đến sát Jalalahad, ở đấy Farid có một người anh trai ban đêm sẽ đón chúng tôi vào nhà.

Mặt trời chưa lặn hẳn khi xe chúng tôi vào Jalalabad, thủ phủ của tiểu bang Nangarhar, thành phố từng nổi tiếng về trái cây và khí hậu ấm áp. Farid lái xe qua những toà chung cư và những ngôi nhà bằng đá của khu trung tâm thành phố. Không có nhiều cây cọ như tôi nhớ nữa, và nhiều nhà đã biến thành những bức tường không mái với những đống đất sét vụn nát.

Farid ngoặt lên một con đường hẹp không lát và đỗ chiếc Land Cruiser dọc theo con mương khô cạn. Tôi chui ra khỏi xe, vươn vai, và hít một hơi dài. Ngày xưa, gió thổi tràn qua những cánh đồng được tưới tiêu xung quanh Jalalabad, nơi nông dân trồng mía làm không khí thành phố đượm một mùi thơm ngọt ngào. Tôi nhắm mắt lại và tìm kiếm mùi ngọt ngào ấy. Nhưng tôi không thấy.

- Ta đi thôi. - Farid nôn nóng nói. Chúng tôi bước lên một con đường đất, qua mấy cây bạch dương trụi lá dọc theo một dãy những bức tường đất đổ nát, Farid dẫn tôi đến ngôi nhà một tầng cũ nát và gõ vào cánh cửa ván gỗ.Một phụ nữ trẻ với đôi mắt màu xanh đại dương và một chiếc khăn trùm đầu màu trắng quấn quanh khuôn mặt ló ra. Chị ta trông thấy tôi trước, ngần ngại, chợt thấy Farid, mắt chị sáng lên:

- Salaam alaykum, Kaka Farid!

- Salaam, Maryam jan. - Farid đáp lại, và tặng chị ta thứ mà suốt ngày hôm ấy hắn đã từ chối tôi: nụ cười nồng ấm. Hắn hôn lên đỉnh đầu chị. Người phụ nữ trẻ bước sang một bên, nhìn tôi đôi chút thông cảm hơn, khi tôi theo Farid vào ngôi nhà bé nhỏ.

Trần nhà gạch phơi thấp, những tường đất chung quanh trơ trọi, và chỉ có chút ánh sáng từ cặp đèn lồng ở góc nhà. Chúng tôi cởi giày ra và bước lên chiếc chiếu cói trải trên nền nhà. Dọc một bức tường, ba đứa con trai ngồi khoanh chân trên đệm trải một cái mền mép rách bươm. Một người đàn ông cao lớn để râu, vai rộng, đứng lên chào đón chúng tôi. Farid và anh ta ôm ghì lấy nhau và hôn nhau lên má. Farid giới thiệu anh ta tên là Wahid, và là anh trai của mình.

- Ông ấy từ Mỹ về, - Farid vừa nói với anh trai vừa ngoắc ngón tay cái về phía tôi. Rồi hắn để mặc hai chúng tôi với nhau và đến thăm lũ trẻ.Wahid ngồi dựa vào tường cùng tôi, đối diện với lũ trẻ. Chúng vồ lấy Farid và trèo lên vai hắn. Mặc cho tôi phản đối, Wahid sai một đứa trải chiếc mền nữa để tôi được thoải mái hơn trên nền nhà, và yêu cầu Maryam mang cho tôi một tách trà. Anh ta hỏi thăm tôi chuyến xe từ Peshawar và việc qua đèo Khyber.

Anh ta nói:

- Tôi hy vọng ông không tình cờ đụng phải một đám dozd 8 nào. Đèo Khyber nổi tiếng về địa hình cũng như những toán cướp thường nhũng nhiễu khách du hành. - Trước khi tôi kịp trả lời, anh ta nháy mắt và nói to:

- Tất nhiên, chẳng dozd nào lại phí thì giờ đi cướp chiếc xe xấu xí như của em tôi.

Farid vật đứa bé nhất trong ba đứa con trai ra nền nhà và cù vào xương sườn nó bằng bàn tay lành. Thằng bé cười rinh rích và đá hắn.

- Ít nhất em cũng có được một cái xe, - Farid hổn hển nói. - Dạo này con lừa của anh ra sao rồi?

- Lừa của tôi cưỡi còn tốt hơn xe của chú.

-Khar Khara mishnassah 9. - Farid đáp trả. Tất cả đều cười và tôi cũng cười theo. Tôi nghe thấy những tiếng đàn bà từ gian phòng kề bên. Tôi có thể nhìn rõ nửa gian phòng đó từ chỗ tôi ngồi. Maryan và một phụ nữ lớn tuổi hơn, đội hijab 10 nâu, chừng như là mẹ chị ta, đang thì thầm với nhau và rót trà từ ấm sang một cái bình.

- Vậy ông làm gì ở Mỹ, Amir agha? - Wahid hỏi.

- Tôi là một nhà văn, - tôi nói. Tôi tưởng như nghe thấy Farid cười thầm khi tôi nói thế.

- Nhà văn ư? - Wahid nói, rõ ràng xúc động. - Ông viết về Afghanistan à?

- Phải, tôi đã viết. Nhưng không phải mới đây. - Tôi nói. Cuốn tiểu thuyết gần nhất của tôi: Một thời tro bụi 11 viết về một giáo sư đại học gia nhập một bộ lạc người Di-gan sau khi thấy vợ mình lên giường với một trong những sinh viên của ông. Đó không phải là một cuốn sách tồi. Một vài nhà phê bình đã gọi đó là cuốn sách "hay", và một người thậm chí đã dùng từ "lôi cuốn". Nhưng chợt tôi thấy ngượng ngùng về chuyện đó. Tôi mong Wahid sẽ đừng hỏi tôi viết về cái gì nữa.

- Có lẽ ông nên lại viết về Afghanistan, - Wahid nói. - Nói cho mọi người khác trên thế giới biết bọn Taliban đang làm gì đất nước chúng ta.

- Ồ, tôi không... tôi không hoàn toàn thuộc loại nhà văn đó.

- Ồ! - Wahid vừa nói vừa gật đầu và hơi đỏ mặt lên. - Tất nhiên, ông biết rõ nhất nên viết gì. Đâu đến lượt tôi gợi ý...Ngay lúc đó, Maryam và người đàn bà kia bước vào phòng với hai cái tách và ấm trà trên khay nhỏ. Tôi lễ phép đứng lên, ép tay vào ngực, và cúi đầu chào:

- Salaam alaykum.

Người đàn bà lúc này đã quấn hijab, che phía dưới mặt, cũng cúi đầu chào lại:

- Salaam, - bà đáp bằng một giọng hầu như không nghe thấy. Mắt chúng tôi chẳng hề tiếp xúc với nhau. Bà rót trà, còn tôi vẫn đứng.Người đàn bà đặt tách trà đang bốc khói trước mặt tôi và ra khỏi phòng, đôi chân trần của bà không gây một tiếng động nhỏ khi bà biến mất. Tôi ngồi xuống và nhấp trà đen đặc. Wahid cuối cùng cũng phá vỡ sự im lặng không mấy dễ chịu theo sau.

- Vậy cái gì khiến ông quay lại Afghanistan?.

- Cái gì khiến

tất cả

bọn họ quay lại Afghanistan chứ, anh thân mến? - Farid nói với Wahid, nhưng mắt lại dán vào tôi bằng một cái nhìn khinh thị.

-Bas! Thôi đi! - Wahid ngắt lời.

- Vẫn chuyện ấy thôi. - Farid nói. - Bán mảnh đất này, bán hỏi nhà kia, gom tiền và chạy trốn như một con chuột nhắt. Trở về Mỹ, tiêu tiền ấy vào việc cho cả gia đình đi nghỉ ở Mêhicô.

- Farid! - Wahid gầm lên. Lũ trẻ con, và ngay cả Farid nữa, sợ hãi lùi cả lại. - Quên mất phép tắc rồi ư? Đây là nhà tôi! Amir agha là khách của tôi đêm nay và tôi sẽ không cho phép chú làm mất danh dự tôi như thế!

Farid mở miệng, định nói điều gì đó, nhưng rồi nghĩ lại và không nói gì nữa. Hắn ngồi phịch xuống dựa vào tường, lẩm bẩm điều gì đó, và gác cẳng chân què lên chân lành. Đôi mắt buộc tội của hắn không chịu rời tôi.

- Thứ lỗi cho chúng tôi, Amir agha, - Wahid nói. - Từ lúc còn nhỏ, miệng em tôi vẫn luôn đi trước cái đầu của nó hai bước.

- Thực ra đấy là lỗi của tôi, - tôi nói, cố mỉm cười dưới cái nhìn quyết liệt của Farid. - Tôi không thấy bị xúc phạm đâu. Lẽ ra tôi nên giải thích cho anh ấy công việc của tôi ở Afghanistan. Tôi không về đây để bán tài sản. Tôi định đi Kabul để tìm một đứa bé trai.

- Đứa bé trai? - Wahid hỏi lại.

- Vâng.

Tôi moi ở túi áo sơ mi ra tấm ảnh Polaroid. Nhìn lại tấm hình của Hassan, một lần nữa xé toang lớp vảy mới liền trên nỗi đau cái chết của cậu ấy. Tôi phải nhìn đi chỗ khác. Tôi đưa tấm ảnh cho Wahid. Anh ta ngắm nghía tấm ảnh. Hết nhìn tôi lại nhìn tấm ảnh, rồi ngược lại.

- Đứa bé này à?

Tôi gật đầu.

- Một thằng bé Hazara?

- Vâng.

- Nó là thế nào với ông?

- Bố nó có ý nghĩa rất nhiều với tôi. Người đàn ông trong tấm ảnh đó. Cậu ấy chết rồi.

Wahid chớp chớp mắt:

- Một người bạn của ông à?

Bản năng của tôi muốn nói "vâng", như thể, sâu thẳm trong tôi, tôi vẫn muốn bảo vệ bí mật của Baba. Nhưng nói dối thế là đủ lắm rồi:

- Cậu ấy là em trai cùng bố với tôi. - Tôi nghẹn giọng. Nói thêm, - em trai khác mẹ, bất hợp pháp của tôi. - Tôi xoay tách trà. Mân mê tai tách.

- Tôi không có ý tọc mạch.

- Anh tọc mạch gì đâu. - Tôi nói.

- Ông sẽ làm gì với thằng bé?

- Mang nó về Peshawar. Ở đó có những con người sẽ trông nom săn sóc nó.Wahid trao trả tôi tấm ảnh và đặt bàn tay thân thiện lên vai tôi.

- Amir agha, ông là một người đàn ông đáng kính. Một người Afghan đích thực.

Tôi thấy ngượng trong lòng.

- Tôi tự hào được có một người như ông ở nhà chúng tôi đêm nay, - Wahid nói.

Tôi cảm ơn anh ta và liếc nhìn sang phía Farid. Lúc này hắn cúi nhìn xuống, mân mê những mép rách của tấm chiếu cói.

Một lát sau, Maryam và bà mẹ đem hai bát rau nấu shorwa nghi ngút khói và hai ổ bánh mì ra. Wahid nói:

- Tôi rất tiếc là chúng tôi không thể mời ông món thịt. Giờ chỉ có bọn Taliban có thể ăn thịt thôi.

- Món này trông tuyệt lắm, - tôi nói. Mà cũng tuyệt thật. Tôi mời anh ta và lũ trẻ ăn một chút nhưng Wahid bảo gia đình đã ăn trước khi chúng tôi đến rồi. Farid và tôi xắn ống tay áo lên, dầm bánh vào bát shorwa, và ăn bằng tay.

Trong khi ăn, tôi để ý thấy cả ba đứa trẻ nhà Wahid đều gầy còm, mặt cáu bẩn, tóc nâu cắt ngắn dưới những chiếc mũ chỏm đầu, đang nhìn trộm vào chiếc đồng hồ điện tử đeo tay của tôi. Đứa nhỏ nhất thì thào điều gì đó vào tai anh nó. Thằng anh gật đầu, không rời mắt khỏi chiếc đồng hồ của tôi. Đứa lớn nhất - tôi đoán chừng mười hai tuổi, rập rà rập rình, mắt dán vào cổ tay tôi. Ăn tối xong, sau khi rửa tay bằng nước Maryam dội từ chiếc vò sành, tôi xin Wahid cho phép tôi tặng con trai anh một hadia, một món quà. Anh bảo không, nhưng khi tôi cố nài, anh ta miễn cưỡng đồng ý. Tôi tháo chiếc đồng hồ đeo tay và tặng nó cho đứa bé nhất trong ba đứa trẻ. Nó ngượng ngập lẩm bẩm:

- Taskakor!

- Đồng hồ này sẽ cho cháu biết giờ của bất kỳ thành phố nào trên toàn thế giới, - tôi bảo nó thế.

Lũ trẻ lễ phép gật đầu, chuyền cái đồng hồ cho nhau xem. Nhưng chúng hết hứng thú ngay và, chẳng mấy chốc, chiếc đồng hồ đã bị bó quên trên manh chiếu cói.

Lát sau, Farid bảo tôi, khi nằm sát bên nhau trên chiếc chiếu cói vợ Wahid trải cho chúng tôi:

- Đáng lẽ ông có thể nói cho tôi biết.

-Nói cho anh biết cái gì?

- Nói tại sao ông trở về Afghanistan.

Giọng hắn đã mất hẳn vẻ thô lỗ mà tôi vẫn được nghe từ lúc tôi gặp hắn.

- Anh có hỏi đâu, - tôi nói.

- Lẽ ra ông phải nói cho tôi biết.

- Anh không hỏi mà.

Hắn xoay người lại nhìn tôi. Vòng cánh tay ra gối đầu:

- Có thể tôi sẽ giúp ông tìm thằng bé.

- Cảm ơn anh, Farid. - Tôi nói.

- Tôi thừa nhận là tôi đã nhầm.

Tôi thở dài:

- Không sao. Anh đã đúng hơn là anh tưởng đấy.

Hai tay cậu bị trói ngoặt ra sau bằng một chiếc thừng bện xù xì, cứa đến lút thịt cổ tay cậu. Cậu bị bịt mắt bằng một miếng vải đen. Cậu đang quỳ trên đường phố trên bờ một con mương đầy nước tù, đầu cậu rũ xuống giữa hai vai. Hai đầu gối run rẩy trên đất cứng và máu thấm qua quần khiến cậu như đang lắc lư trong lúc cầu nguyện. Đó là lúc xế chiều, và cái bóng dài của cậu chao đảo tới lui trên lớp sỏi rải đường. Cậu đang lẩm bẩm một điều gì đấy. Tôi bước sát hơn. Cậu lẩm bẩm:

Cả nghìn lần rồi. Vì cậu cả nghìn lần rồi. Cậu ấy lắc lư lui tới. Cậu ngẩng mặt lên. Tôi thấy một vết sẹo mờ trên môi trên của cậu.

Chúng tôi không chỉ có một mình.

Thoạt đầu, tôi thấy cái nòng súng. Rồi gã đàn ông đứng sau cậu. Hắn cao lớn, mặc một chiếc áo vest rằn ri và đội chiếc khăn tu-ban đen Hồi giáo. Hắn nhìn xuống người bị bịt mắt trước hắn bằng đôi mắt chẳng biểu hiện điều gì ngoài sự trống rỗng mênh mông như hang tối. Hắn lùi lại đằng sau một bước và giơ nòng súng lên. Gí vào sau gáy người đang quỳ. Trong một khoảnh khắc, nắng nhạt chiều tà hắt lên màu kim loại lấp lánh.

Khẩu súng gầm lên một tiếng chói tai.

Tôi dõi theo nòng súng theo vòng cung ngược lên. Tôi thấy bộ mặt sau bụm khói đang xoáy tròn từ họng súng. Tôi là người đàn ông trong chiếc áo vest rằn ri.

Tôi tỉnh giấc với một tiếng thét bị nghẹn lại trong họng.

Tôi bước ra ngoài. Đứng trong ánh trăng bàng bạc của vầng trăng khuyết một nửa và nhìn lên bầu trời lấm tấm những vì sao. Dế kêu râm ran trong bóng đêm bịt bùng và một luồng gió ào qua các khóm cây. Đất lạnh giá dưới đôi chân trần của tôi và bất chợt, lần đầu tiên, từ lúc chúng tôi vượt qua biên giới tôi cảm thấy như tôi đã trở về. Sau bao năm ấy, tôi lại trở về quê hương, đang đứng trên đất đai của tổ tiên tôi. Đó là mảnh đất nơi cụ tôi đã cưới bà vợ thứ ba một năm trước khi bị cái chết trong trận dịch tả xảy ra ở Kabul năm 1915 cướp đi. Cuối cùng thì cụ bà cũng sinh cho cụ một người con trai mà hai bà vợ trước không có được. Đó là mảnh đất mà ông nội tôi đã tham gia vào một chuyến đi săn cùng với quốc vương Nadir Shah và bắn được con nai. Mẹ tôi đã chết trên mảnh đất ấy. Và trên mảnh đất ấy tôi đã giành giật để có được tình yêu của cha tôi.

Tôi ngồi dựa lưng vào bức tường đất sét của ngôi nhà. Mối tình máu mủ tôi bất chợt cảm thấy đối với mảnh đất cũ này làm tôi ngạc nhiên. Tôi ra đi đã khá lâu, đủ để quên và bị lãng quên. Tôi đã có một mái ấm trên một mảnh đất có lẽ cũng như một dải thiên hà khác đối với những người đang ngủ bên kia bức tường tôi đang dựa đây. Tôi nghĩ tôi đã quên mảnh đất này. Nhưng tôi đã không quên. Và, dưới ánh trăng sáng trắng như xương của vầng trăng khuyết nửa, tôi cảm thấy Afghanistan đang ngân nga dưới chân tôi.

Có thể Afghanistan đã không hề quên tôi.Tôi nhìn về phía Tây và ngạc nhiên thấy, đâu đó bên kia những dãy núi, Kabul vẫn tồn tại. Nó thực sự vẫn tồn tại, không chỉ là một ký ức xưa cũ, hoặc như đầu đề của một truyện của hãng A.P 12 trên trang 15 của tờ Biên niên ký San Francisco.

Đâu đó bên kia những dãy núi ấy, về phía Tây, yên ngủ thành phố, nơi đứa em môi hẻ của tôi và tôi từng đua diều.Đâu đó bên ấy, người đàn ông bị bịt mắt trong giấc mơ của tôi đã chết một cái chết không cần thiết. Một lần, bên kia những dãy núi đó, tôi đã từng lựa chọn. Và giờ đây, một phần tư thế kỷ sau, sự lựa chọn đó lại đặt tôi trở lại đúng trên mảnh đất này.

Tôi đang định trở vào thì nghe thấy những tiếng nói từ trong nhà. Tôi nhận ra một trong những giọng nói ấy là của Wahid.

-... Chẳng còn gì cho lũ trẻ.

- Chúng ta đói nhưng chúng ta không phải là những kẻ dã man! Ông ấy là khách! Tôi nên làm gì nào? - Anh ta nói bằng một giọng căng thẳng.

-... ngày mai tìm cái gì đó. - Người đàn bà nói, gần như rơi nước mắt. - Em biết cho con ăn cái gì...

Tôi kiễng chân rón rén lảng ra xa. Lúc này tôi mới hiểu tại sao lũ trẻ không tỏ ra quan tâm tới chiếc đồng hồ của tôi chút nào. Chúng chẳng hề chăm chú nhìn vào chiếc đồng hồ. Chúng chỉ chăm chú nhìn vào thức ăn của tôi.

Chúng tôi chào tạm biệt nhau vào sáng sớm hôm sau. Trước khi trèo lên chiếc Land Cruiser, tôi cảm ơn Wahid về lòng hiếu khách của anh. Anh chỉ vào ngôi nhà nhỏ bé phía sau mình và nói:

- Đây là nhà của ông.

Ba đứa trẻ đứng ở bậc cửa quan sát chúng tôi. Đứa bé nhất đang đeo chiếc đồng hồ, nó lủng lẳng quanh cổ tay bé tẹo của thằng bé.

Tôi liếc nhìn vào chiếc gương chiếu hậu khi xe chạy. Wahid đứng quây quần cùng mấy đứa con trai trong đám bụi xe cuốn tung lên. Tôi chợt nghĩ, ở một thế giới khác, những đứa trẻ đó sẽ không quá đói đến nỗi không đủ sức đuổi theo chiếc xe.

Sáng sớm hôm đó, khi tin chắc không có ai nhìn, tôi đã làm một việc hai mươi sáu năm trước đây tôi từng làm: nhét một nắm tiền nhàu nát dưới cái đệm.

--------------------------------
1Watani trick: Trò lừa trẻ con.
2Tajik: Một nhóm người thiểu số sống ở Afghanistan, Uzbekistan, Iran, Pakistan, Tajkistan và Trung Quốc.
3Pirhan-tumban: Một loại áo choàng.
4Pakol: Một loại mũ.
5Burqa: Loại áo thông thường của phụ nữ Afghan.
6Mehmanis: Giải trí, vui chơi.
7 Tiếng Anh Scrub grass: Loại cây thân nhỏ mọc ở đồi núi - tạm dịch: chổi xể.
8Dozd: Cướp.
9Khar khara mishnassah: Có cưỡi lừa mới biết lừa thế nào.
10Một loại khăn của phụ nữ Afghan.
11Tiếng Anh A season for Ashes: Tạm dịch là Một thời tro bụi.
12A.P: Viết tắt American Press - Hãng thông tấn Mỹ.
 
5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Người đua diều - Khaled Hosseini

CHƯƠNG XX


Farid đã nhắc nhở tôi. Hắn đã nhắc nhở. Nhưng, hoá ra hắn chỉ phí hơi.

Chúng tôi đang chạy xuống một con đường đầy hố bom đạn uốn lượn từ Jalalabad đến Kabul. Lần trước, tôi đã đi qua con đường này trong một chiếc xe tải che mui bạt theo hướng ngược lại Baba đã suýt bị một thằng sĩ quan Roussi say thuốc phiện hát làm nhảm bắn - Baba đã làm tôi phát điên đêm đó, làm tôi quá hoang mang, và quá đỗi tự hào. Hành trình gian nan giữa Kabul và Jalalabad, cuốc xe xóc nhói tận xương, lảo đảo chạy xuống con đèo chênh vênh ngoằn ngoèo giữa những vách đá, nay đã trở thành một di niệm, một di niệm về hai cuộc chiến tranh. Hai mươi năm trước, tôi đã tận mắt thấy được phần nào cuộc chiến tranh đầu tiên. Những vật lưu niệm tàn khốc của nó rải rác dọc đường: những xác xe tăng Xô viết cổ lỗ bị bắn cháy, những xe tải quân sự bị lật nhào han gỉ, một chiếc xe jeep Nga bẹp rúm ró lộn nhào xuống khe núi. Cuộc chiến thứ hai, tôi được xem trên màn hình tivi. Và giờ đây, tôi đang xem nó qua con mắt của Farid.

Đánh tay lái một cách nhàn nhã tránh những ổ gà ở giữa con đường hư nát, Farid tỏ ra thạo tay nghề. Hắn trở nên thích chuyện gẫu nhiều hơn, từ lúc chúng tôi nghỉ đêm ở nhà Wahid. Hắn bắt tôi phải ngồi lên chiếc ghế của phụ xe để nhìn tôi khi hắn nói. Hắn cũng đã cười một vài lần. Vừa điều khiển tay lái bằng bàn tay cụt ngón, hắn vừa chỉ cho tôi những ngôi làng với những lều đất dọc đường, nơi hắn từng quen biết cư dân ở đấy những năm trước. Hắn nói, phần lớn bọn họ hoặc đã chết hoặc sống trong những trại di cư ở Pakistan.

- Và đôi khi, chết còn may mắn hơn, - hắn thêm.Hắn chỉ về phía những gì còn lại vụn nát và cháy xém của một ngôi làng nhỏ. Lúc này nó chỉ là một đống nhỏ những bức tường đen sì không mái. Tôi thấy một con chó đang nằm ngủ ven tường. Farid nói:

- Trước đây tôi có một người bạn ở đó. Anh ta là thợ chữa xe đạp rất giỏi. Anh chơi trống vỗ cũng rất hay. Bọn Taliban đã giết anh ấy, cả gia đình anh ấy và đốt cháy cả làng.

Chúng tôi cho xe chạy qua ngôi làng cháy, và con chó vẫn không cử động.

Ngày trước, xe chạy từ Jalalabad đến Kabul mất hai tiếng, có lúc còn ít hơn. Farid và tôi phải mất bốn tiếng mới tới được Kabul. Và khi chúng tôi tới... Farid đã nhắc nhở tôi ngay sau lúc vượt qua đập Mahipar:

- Kabul không còn như ông nhớ đâu.

- Tôi cũng nghe nói thế. Farid nhìn tôi, mắt như muốn nói: nghe không giống như thấy đâu. Và hắn đã đúng. Bởi vì khi Kabul cuối cùng đã trải ra trước mắt chúng tôi, tôi tin chắc, tuyệt đối chắc rằng hắn đã rẽ nhầm đường đâu đó. Farid chắc hẳn đã thấy nét mặt hoang mang của tôi. Đưa đón nhiều người lui tới Kabul, hắn có lẽ đã trở nên quen thuộc với nét mặt ấy của những người từ lâu không được thấy Kabul.Hắn vỗ nhẹ lên vai tôi và cấm cẳn nói:

- Chào mừng đã trở về.
° ° °
Rác rưởi và ăn mày. Nhìn chỗ nào, tôi cũng thấy thế. Tôi vẫn nhớ rõ những người ăn mày ngày xưa - Baba luôn luôn mang theo một nắm tú hụ tiền giấy Afghan chỉ để cho họ. Tôi chưa bao giờ thấy ông từ chối một người bán hàng rong. Giờ đây, họ vẫn ngồi xổm tại mọi góc phố, quấn mình trong những bao tải nâu rách rưới tay cáu bẩn chìa ra xin một đồng xu. Và ăn mày bây giờ phần lớn là trẻ em, gầy gò, mặt khắc khổ, nhiều đứa chỉ chừng dăm sáu tuổi. Chúng ngồi trong lòng nhưng người mẹ mặc burqa dọc theo những rãnh nước ở các góc phố nhộn nhịp và hát "Bakhshesh, Bakhshesh!" 1. Và một điều gì khác nữa, một điều mà lúc đầu tôi đã không để ý tới: Hiếm thấy đứa nào trong hơn chúng ngồi cùng một người đàn ông lớn tuổi - chiến tranh đã biến những ông bố thành món hàng khan hiếm ở Afghanistan.

Chúng tôi đang cho xe chạy theo phía Tây tới quận Karteh - Seh, trên một con đường theo như tôi nhớ là một đại lộ chính vào những thập niên bảy mươi: Jadeh Maywand. Ngay ở phía Bắc chúng tôi là con sông Kabul khô cạn phơi lòng. Trên những dãy đồi về phía Nam vẫn trơ ra bức tường thành cổ đổ nát. Ngay ở phía Đông bức tường thành là Pháo đài Bala Hissar - một khu thành cổ mà Tổng tư lệnh Dostum đã chiếm năm 1992, trên rặng núi Shirdalwaza. Vẫn từ những ngọn núi đó lực lượng Mujahedin đã bắn tên lửa như mưa vào Kabul từ 1992 đến 1996, giáng xuống bao nhiêu thiệt hại mà lúc này tôi mới đang thấy tận mắt. Rặng núi Shirdarwaza trải dài suốt con đường phía Tây. Chính từ những ngọn núi đó mà tôi nhớ, trận nã đạn Topeh chasht - "pháo trưa". Ngày nào pháo cũng nổ để báo đúng trưa và cũng là tín hiệu kết thúc thời gian ăn chay ban ngày trong tháng Ramadan. Anh thường nghe tiếng gầm của các loại pháo khắp thành phố trong nhưng ngày đó.

- Tôi vẫn thường đến Jadeh Maywand khi còn là một đứa trẻ, - tôi lẩm bẩm. - Ở đấy vốn có những cửa hiệu và khách sạn. Những đèn huỳnh quang và các tiệm ăn. Tôi vẫn thường mua diều của một ông già tên là Saifo. Ông ấy mở một cửa hàng bán diều nhỏ cạnh Sở chỉ huy cảnh sát cũ.

- Sở chỉ huy cảnh sát vẫn còn ở đó, - Farid nói. - Cảnh sát không hề thiếu ở thành phố này. Nhưng ông sẽ không thấy diều hoặc hàng bán diều nào ở Jadeh Maywand hay bất kỳ nơi nào khác ở Kabul. Những ngày ấy đã qua rồi.

Jadeh Maywand đã biến thành một lâu đài cát khổng lồ. Những toà nhà chưa đổ hầu như không còn đứng vững, với mái sập xuống và tường khoan bằng đạn tên lửa. Nhiều dãy nhà hoàn toàn bị xoá sạch thành gạch đá và vôi cát ngổn ngang. Tôi thấy dấu tích của vết đạn khoan đã bị chôn vùi một nửa ở một góc một đống gạch vụn. Còn đọc được: UỐNG Coca. Tôi thấy lũ trẻ chơi đùa trong cảnh hoang tàn của một toà nhà, không còn cửa sổ giữa đám lởm chởm những chân cột gạch và đá. Những người đi xe đạp và những xe lừa kéo lượn bên bọn trẻ, những con chó lạc, và những đống gạch vỡ. Một lớp khói bụi lượn lờ khắp trên thành phố, bay qua sông thành một đám khói đơn độc bốc lên cao.

- Cây cối đâu hết cả? - Tôi hỏi.

- Người ta chặt xuống làm củi sưởi cho mùa đông. - Farid nói. - Bọn Shorawi cũng chặt mất rất nhiều.

- Tại sao vậy?

- Những tay bắn tỉa nấp trong đó.

Một nỗi buồn tràn vào lòng tôi. Trở về Kabul giống như vấp phải một người bạn cũ đã quên và thấy đời đã phũ phàng với bạn, bạn đã trở thành vô gia cư và cơ cực.

- Cha tôi xây một trại mồ côi ở Shar-e-Kohna, thành phố cũ, về phía Nam nơi này. - Tôi nói.

- Tôi nhớ cái trại ấy, - Farid nói - Nó bị phá huỷ mấy năm rồi.

- Anh có thể cho xe đỗ lại không? - Tôi nói. - Tôi muốn đảo qua đây một lúc.Farid cho xe đỗ dọc theo lề đường, trên hẻm phố, gần một toà nhà hoang đổ nát không có cửa.

- Ngôi nhà đó vốn là một cửa hiệu tân dược. - Farid lẩm bẩm khi chúng tôi ra khỏi xe.

Chúng tôi đi bộ quay lại Jadeh Maywand và rẽ phải, đi thẳng về hướng Tây.

- Mùi gì ấy nhỉ? - Tôi nói. - Mùi gì đó làm tôi chảy nước mắt.

- Mùi diesel, - Farid đáp. - Các máy phát điện của thành phố luôn luôn hụt tải và mọi người dùng dầu diesel.

- Diesel ư. Anh có nhớ ngày xưa phố này sực mùi gì không?

Farid mỉm cười:

- Kabob.

- Cừu non kabob, - tôi nói.

- Cừu non, - Farid nói, như đang nếm từ đó trong miệng mình. - Nhưng kẻ duy nhất ở Kabul được ăn cừu non bây giờ là bọn Taliban. - Hắn kéo ống tay áo tôi. - Nói cái gì khác đi.

Một chiếc xe lại gần chúng tôi. Farid nói nhỏ:

- Bọn râu xồm tuần tra.

Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bọn Taliban. Tôi đã từng thấy chúng trên tivi, trên Internet, trên bìa các tạp chí và trên những tờ nhật báo. Nhưng lúc này tôi đã ở đây, cách chúng không đến mười lăm mét, tự nhủ rằng cái vị bất ngờ trong miệng mình không phải là nỗi sợ thuần tuý, nỗi sợ trần trụi. Tự nhủ thịt da tôi đã không bất ngờ co rúm sát vào xương và tim tôi không đập liên hồi. Chúng đã đến đây rồi. Trong toàn bộ vinh quanh của chúng.

Chiếc xe tải nhỏ hiệu Toyota chậm rãi đi qua chúng tôi. Mấy tên trẻ tuổi mặt đằng đằng sát khí, súng Kalashnikov lủng lẳng trên vai, ngồi chồm hỗm trong buồng lái. Tất cả đều đeo râu và chít khăn tu-ban màu đen. Một tên trong bọn chúng da ngăm đen, chớm tuổi hai mươi, lông mày rậm cau có đang quay quay chiếc roi trong tay và vút mạnh vào thành xe một cách nhịp nhàng. Đôi mắt đưa đi đưa lại chiếu vào tôi. Găm lấy cái nhìn chằm chằm của tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình quá trần trụi trong cả cuộc đời tôi đến thế. Rồi tên Taliban nhổ nước bọt dính thuốc lá, và nhìn đi chỗ khác. Lúc đó tôi mới thấy lại thở được. Chiếc xe tải nhỏ lăn bánh xuống đại lộ Jadeh Maywand, để lại đằng sau một lớp mây bụi.

- Ông làm sao thế? - Farid giận dữ rít lên.

- Cái gì?

- Đừng bao giờ nhìn chằm chằm vào bọn chúng! Ông có hiểu tôi nói không? Đừng bao giờ!

- Tôi có định thế đâu, - tôi nói.

- Bạn ông nói đúng đấy, agha. Chẳng khác gì ông lấy gậy chọc một con chó điên. - Ai đó nói.

Tiếng nói mới này là của một ông già ăn mày chân không đang ngồi trên bậc thềm một toà nhà đổ nát vì đạn pháo. Ông mặc một chiếc chapan đã cũ sờn, rách tươm và đội một chiếc khăn tu-ban cáu bẩn. Mi mắt trái của ông cụp xuống một cái hốc mắt rỗng. Với bàn tay viêm khớp, ông chỉ về hướng chiếc xe tải đỏ đã đi:

- Chúng lái xe nhìn quanh quẩn. Nhìn và hy vọng ai đó khiêu khích chúng. Sớm muộn gì ai đó cũng buộc lòng phải làm theo ý chúng. Rồi lũ chó mở tiệc và cuối cùng sự buồn chán hàng ngày vỡ bung ra, mọi người đều nói "Allah - u - Akbar!" Trong những ngày, khi chẳng ai phạm tội, lại luôn có bạo lực theo ngẫu hứng, phải không nào?

- Khi bọn Taliban đến gần cứ nhìn xuống chân ấy, - Farid nói

- Bạn ông khuyên như vậy là đúng đấy, - ông già ăn mày phụ hoạ theo. Ông ho rũ rượi và nhổ vào chiếc khăn tay bẩn. - Thứ lỗi cho tôi, nhưng ông có thể san sẻ cho tôi vài đồng Afghani không? - Ông thở.

-Bas. Ta đi thôi. - Farid vừa nói vừa kéo cánh tay tôi.

Tôi trao cho ông già một trăm nghìn đồng Afghani, ngang với khoảng ba đô la gì đó. Khi ông ngả đầu về phía trước cầm tiền, mùi hôi - chua như sữa chua và mùi đôi chân mấy tuần không rửa xộc vào mũi tôi - làm những thứ chứa trong bụng tôi cuộn lên. Ông vội giắt tiền vào thắt lưng, con mắt độc nhất đảo qua đảo lại:

- Xin vô cùng cảm tạ lòng nhân đức của Agha sahib.

- Ông có biết trại mồ côi ở Karteh-Seh ở đâu không?

- Không khó tìm đâu, ở ngay phía Tây Đại lộ Darulaman ấy, - Ông nói. - Lũ trẻ được chuyển từ đây đến Karteh-Seh sau khi cái trại mồ côi cũ bị trúng tên lửa. Khác gì cứu ai đó khỏi chuồng sư tử và ném vào chuồng hổ.

- Cảm ơn, Agha, - tôi nói. Tôi đã toan quay đi.

- Đây là lần đầu tiên, phải không?

- Tôi xin lỗi không rõ ý ông?

- Lần đầu tiên ông gặp một thằng Talib.

Tôi không nói gì. Ông già ăn mày gật đầu mỉm cười. Để lộ ra một nhúm răng còn lại, tất cả đều quặp vào và vàng khè. Ông nói:

- Tôi nhớ lần đầu tiên tôi thấy chúng tràn vào Kabul. Thật là một ngày vui sướng biết bao! Chấm dứt sự giết chóc! Wah wah! Chà chà! Nhưng giống như nhà thơ nói: "Tình yêu có vẻ không ranh giới thế nào, lại gây phiền não thế ấy."

Một nụ cười nở trên mặt tôi:

- Tôi biết câu thơ ấy. Đó là của Hãfez.

- Vâng, đúng vậy, - ông già đáp lại. - Tôi biết mà. Tôi vốn dạy Hãfez ở trường Đại học.

- Trước ông dạy ở trường Đại học?

Ông già ho:

- Từ năm 1958 đến năm 1996. Tôi dạy Hãfez, Khayyám, Rumi, Beydel, Jami, Saadi. Tôi cũng đã là khách thỉnh giảng ở Teheran, đó là năm 1971. Tôi giảng về Beydel thần bí. Tôi vẫn nhớ tất cả đều đứng lên và vỗ tay thế nào. Ha! - Ông lắc đầu. - Nhưng ông đã nhìn thấy lũ thanh niên trên chiếc xe tải đó. Ông nghĩ chúng có thấy chút giá trị nào ở chủ nghĩa Sufi 2?

- Mẹ tôi cũng đã dạy ở trường Đại học, - tôi nói.

- Tên bà là gì?

- Sofla Akrami.

Con mắt ông như sáng lên qua tròng mắt mờ đặc vì bệnh đục thuỷ tinh thể:

- Cỏ dại sa mạc sống dai, nhưng hoa xuân nở rồi héo rũ. Càng tao nhã, càng cao quý, càng là bi kịch.

- Ông biết mẹ tôi? - Tôi vừa hỏi vừa quỳ trước ông già.

- Vâng, đúng vậy, - ông già ăn mày nói. - Chúng tôi thường ngồi và trò chuyện sau giờ giảng. Lần cuối cùng là một ngày mưa gió ngay trước kỳ thi tốt nghiệp, khi chúng tôi chia nhau một khoanh bánh hạnh nhân tuyệt vời. Bánh hạnh nhân với trà nóng và mật ong. Lúc đó, bà rõ ràng đã chớm mang thai, và vì thế trông lại càng đẹp hơn. Tôi không bao giờ quên những gì bà đã nói với tôi hôm ấy.

- Sao? Làm ơn nói cho tôi biết đi.

Baba đã luôn miêu tả mẹ tôi cho tôi nghe bằng nhưng nét chung chung như "là một phụ nữ vĩ đại." Nhưng những gì tôi khao khát lại là những chi tiết kia: tóc mẹ lấp lánh trong ánh nắng ra sao, mẹ thích ăn loại kem có mùi vị nào, nhưng bài hát mẹ thích ngâm nga, mẹ có cắn móng tay không? Baba mang những kỷ niệm về mẹ xuống mộ cùng với ông. Có thể nhắc đến tên mẹ sẽ là nhắc đến tội lỗi của ông, về những gì ông đã làm ngay sau khi bà chết. Hoặc cũng có thể mất mát của ông quá lớn, nỗi đau của ông quá sâu, ông không thể chịu nổi khi nói về mẹ. Có thể là cả hai.

- Bà nói: "Tôi rất sợ". Tôi hỏi: "Tại sao?", và bà nói: "Tại tôi hạnh phúc quá sâu đậm, Tiến sĩ Rasul ạ. Hạnh phúc như thế là đáng sợ." Tôi hỏi bà tại sao, và bà bảo: "Người ta chỉ để ông được hạnh phúc đến thế khi nào người ta chuẩn bị lấy đi một cái gì đó của ông." Và tôi bảo "Thôi đi, bà đừng nói nữa. Mấy thứ ngốc nghếch này đủ rồi."

Farid nắm cánh tay tôi, nhẹ nhàng nói.

- Amir agha, chúng ta nên đi thôi.

Tôi gỡ tay ra:

- Còn gì nữa? Mẹ tôi nói gì nữa?

Nét mặt ông già dịu lại.

- Tôi mong tôi nhớ được cho ông. Nhưng tôi không nhớ. Mẹ ông ra đi đã quá lâu, và ký ức của tôi đã tan tành như những toà nhà này. Tôi rất tiếc.

- Thì một điều nhỏ thôi, điều gì cũng được.

Ông già mỉm cười:

- Tôi sẽ cố nhớ và đó là một lời hứa. Hãy quay lại tìm tôi.

- Cảm ơn ông, - tôi nói. - Cảm ơn ông nhiều lắm.Và tôi biết ơn thật sự. Lúc này, tôi đã biết mẹ tôi thích ăn bánh hạnh nhân với mật ong và trà nóng, biết bà đã từng có lần dùng từ "sâu đậm", biết bà đã từng lo ngại về hạnh phúc của bà. Tôi đã vừa được biết về mẹ tôi từ một ông già lang thang trên đường phố nhiều hơn những gì tôi từng biết từ Baba.

Bước trở lại chiếc xe tải không ai trong chúng tôi bình luận gì về những điều phần lớn những người không phải Afghan sẽ coi như một sự trùng hợp không thể có, rằng một ông lão lang thang lại bất ngờ biết về mẹ tôi. Bởi vì cả hai chúng tôi đều biết rằng, ở Afghanistan, và đặc biệt là ở Kabul, điều phi lý như thế là chuyện bình thường. Baba vẫn thường nói: "Đem bỏ hai người Afghan chưa bao giờ gặp nhau vào một phòng mươi phút, thể nào họ cũng dò ra, họ có quan hệ với nhau như thế nào."

Chúng tôi bỏ ông già ngồi lại trên bậc thềm của toà nhà đó. Tôi đã định nhận lời đề nghị của ông, quay lại xem liệu ông đã bới lên thêm những chuyện nào nữa về mẹ tôi. Nhưng tôi chẳng bao giờ gặp lại ông nữa.

Chúng tôi tìm thấy trại mồ côi mới ở phần phía Bắc Karteh-Seh, dọc theo bờ con sông Kabul khô cạn. Đó là một khu nhà mái bằng, kiểu trại lính, với những bức tường đổ nát và cửa sổ bằng ván gỗ. Trên đường tới đây, Farid đã bảo tôi rằng Karteh-Seh là một trong những khu vực bịchiến tranh tàn phá nhiều nhất ở Kabul, và ngay khi chúng tôi bước ra khỏi xe, chứng tích tràn ngập khắp nơi. Những đường phố lỗ chỗ bom đạn, hai bên là tàn tích của những toà nhà bị đạn pháo tàn phá và những ngôi nhà bỏ hoang. Chúng tôi đi qua một khung xe ô tô han gỉ bị lật ngửa, một chiếc tivi không còn màn hình bị vùi phân nửa trong đống gạch vụn, một bức tường với những chữ xịt sơn đen ZENDA BAD TALIBAN! Taliban Muôn năm!

Một người đàn ông hói trán, thấp bé, râu xồm hoa râm mở cổng. Ông ta mặc chiếc khoác rách tã bằng vải tuýt, đội mũ chỏm, đeo cặp kính mắt sứt mẻ. Sau mắt kính là đôi mắt nhỏ như hai hạt đậu đen, lướt từ tôi sang Farid:

- Salaam alykum.

- Salaam alykum, - tôi chào lại và đưa cho ông xem tấm ảnh. Polaroid. - Chúng tôi đang đi tìm thằng bé này.Ông ta liếc vội tấm ảnh:

- Tôi rất tiếc. Tôi chưa bao giờ trông thấy nó.

- Ông hầu như không nhìn kỹ tấm ảnh, ông bạn, - Farid nói. - Tại sao ông không nhìn kỹ hơn?

-Loftan 3, - tôi thêm.

Người đàn ông đứng sau cửa cầm lấy tấm ảnh. Ngắm nghía một lúc, trả lại cho tôi:

- Không, rất tiếc. Tôi biết từng đứa bé trong cái viện này, nhưng thằng bé này trông không quen. Giờ thì, xin phép ông, tôi phải làm việc. - ông ta khép cửa, cài chốt lại.

Tôi gõ gõ vào cửa:

- Agha, agha, làm ơn mở cửa. Chúng tôi không có ý làm hại gì đến đứa bé đâu.

- Tôi đã bảo ông rồi. Nó không có ở đây, - tiếng nói từ trong cổng vọng ra. - Bây giờ thì xin đi cho.

Farid bước lên bậc cổng, tựa trán vào đấy.

- Ông bạn, chúng tôi không phải là bọn Taliban đâu, - hắn nói bằng một giọng nhẹ nhàng, thận trọng. - Ông đi cùng tôi muốn đem thằng bé đến một nơi an toàn hơn thôi mà.

- Tôi từ Peshawar đến, - tôi nói. - Một người bạn tốt của tôi quen biết hai vợ chồng tử tế người Mỹ đang trông nom một nhà từ thiện cho trẻ con ở đó.

Tôi cảm thấy người đàn ông vẫn ở đằng sau cánh cửa. Cảm thấy ông ta vẫn đứng đó, đang nghe ngóng, do dự, chọn lựa giữa nghi ngờ và hy vọng.

Tôi nói tiếp:

- Ông nghe đây, tôi biết bố của Sohrab. Tên là Hassan. Mẹ nó tên là Farzana. Nó gọi bà nó là Sasa. Nó biết đọc biết viết. Và bắn súng cao su rất giỏi. Agha, có một lối thoát, một hy vọng cho thằng bé. Làm ơn mở cửa ra.

Bên kia cửa chỉ có sự câm lặng.

- Tôi là anh trai cùng cha khác mẹ với bố nó, - tôi nói.

Một khoảnh khắc trôi qua. Rồi tiếng chìa khoá lách cách trong ổ khoá. Người đàn ông mặt choắt lại hiện ra ở khe cửa. Ông ta hết nhìn tôi đến Farid, rồi ngược lại:

- Các ông đã nhầm một điều.

- Điều gì?- Nó bắn súng cao su cực giỏi.

Tôi mỉm cười.

- Nó không bao giờ rời thứ đó. Đi bất kỳ đâu nó cũng giắt thứ đó vào cạp quần.

Người đàn ông cho chúng tôi vào tự giới thiệu là Zaman, giám đốc trại mồ côi. Ông nói:

- Tôi sẽ đưa các ông đến văn phòng của tôi.

Chúng tôi đi theo ông ta qua những hành lang nhờ tối, ảm đạm, ở đó bọn trẻ chân trần, mặc những chiếc áo lót thủng lỗ chỗ, rách như xơ mướp, đang chơi quanh quẩn. Chúng tôi đi qua những căn phòng với sàn nhà chẳng có gì ngoài chiếu cói và cửa sổ thì đóng kín bằng những tấm nhựa dẻo. Những khung giường sắt phần lớn không có đệm, choán hết chỗ trong phòng.

- Có bao nhiêu trẻ mồ côi ở đây? - Farid hỏi.

- Nhiều hơn số phòng chúng tôi có. Khoảng hai trăm năm mươi cháu. - Zaman ngoái lại nói, nhưng không phải tất cả bọn chúng đều yateem 4. Nhiều đứa trẻ chỉ mất cha trong chiến tranh, mẹ chúng không nuôi được chúng vì bọn Taliban không cho phép họ đi làm. Vì vậy họ đem con đến đây.

Ông phẩy tay và rầu rĩ nói thêm:

- Nơi đây tốt hơn hè phố, nhưng cũng chẳng hơn là mấy. Khu nhà này đâu có được xây để ở - nó vốn là cái kho chứa hàng của một xưởng làm thảm. Vì vậy ở đây không có nước nóng và họ đã để cho giếng cạn khô, - ông hạ giọng. - Tôi cũng đã yêu cầu bọn Taliban cho tiền đào một cái giếng mới, bao nhiêu lần tôi cũng chẳng nhớ nổi nữa, rồi chúng chỉ quay quay chuỗi tràng hạt của chúng và bảo tôi không có tiền, - ông cười khẩy. - Không có tiền.

Ông chỉ một dãy giường kê dọc tường:

- Chúng tôi không có đủ giường và cũng không đủ đệm cho số giường ấy. Tệ hơn, chúng tôi còn không đủ cả chăn, - ông chỉ cho tôi một bé gái đang nhảy dây với hai đứa con trai. - Ông thấy con bé chứ? Mùa đông năm ngoái, lũ trẻ phải đắp chung chăn với nhau. Anh nó chết trần truồng, - ông bước tiếp. - Lần mới đây, tôi kiểm tra trong kho, gạo cung cấp chỉ còn chưa đủ một tháng, và khi gạo hết, lũ trẻ sẽ phải ăn bánh mì và uống trà vào bữa điểm tâm sáng và bữa tối.

Tôi để ý thấy ông không nói đến bữa trưa.Ông dừng bước và quay lại bảo tôi:

- Ở đây chỉ là một chốn nương thân rất nhỏ bé, hầu như không thực phẩm, không quần áo, không nước sạch. Những gì mà tôi được cung cấp thừa đủ ở đây là lũ trẻ bị mất tuổi thơ. Nhưng bi kịch lại ở chỗ, những đứa trẻ này là những đứa may mắn. Chúng tôi đã ôm đồm quá khả năng và ngày nào tôi cũng phải từ chối các bà mẹ mang con tới. - Ông bước một bước lại gần tôi. - Ông bảo có hy vọng cho Sohrab? Tôi cầu mong ông không lừa dối, Agha. Nhưng... ông có thể bị muộn quá mất rồi.

- Ông bảo sao?

Zaman đảo mắt:

- Đi theo tôi.

Những gì được chấp nhận như phòng giám đốc chỉ là bốn bức tường trần trụi nứt nẻ, một cái chiếu trên sàn nhà, một cái bàn, hai chiếc ghế gấp. Trong lúc Zaman và tôi ngồi xuống, một con chuột cống màu xám thò đầu ra khỏi một cái hang trong tường và vụt chạy ngang qua căn phòng. Tôi co rúm lại khi nó khịt khịt vào giày tôi, rồi giày ông Zaman, và chạy vụt qua cửa.

Tôi hỏi:

- Ông nói có thể đã quá muộn là ý thế nào?

- Ông uống một chút chai nhé. Tôi có thể pha mời ông một tách.

- Không, cảm ơn ông. Tôi muốn chúng ta nói chuyện hơn.

Zaman ngả lưng vào chiếc ghế, khoanh tay trước ngực:

- Những gì tôi phải nói với ông không vui vẻ gì đâu. Chưa kể có thể rất nguy hiểm.

- Cho ai?

- Ông. Tôi. Và tất nhiên, cả Sohrab, nếu không phải đã quá muộn.

- Tôi cần phải biết, - tôi nói.

Ông ta gật đầu:

- Ông đã nói thế thì được. Nhưng trước hết, tôi muốn hỏi ông một câu: ông có muốn tìm cháu ông lắm không?

Tôi nghĩ tới những trận đánh nhau trên đường phố mà chúng tôi thường tham gia khi còn là những đứa trẻ, lần nào Hassan cũng chống lại chúng vì tôi, một chọi hai, đôi khi một chọi ba. Tôi thường nhăn mặt và đứng xem, cũng muốn xông vào lắm, nhưng luôn luôn dừng lại ngay, luôn luôn bị cái gì đó giữ lại.

Tôi nhìn ra hành lang, thấy một đám trẻ đang nhảy múa theo vòng tròn. Một bé gái nhỏ, chân trái bị cụt đến dưới gối, ngồi trên một cái đệm như ổ chuột đang xem, mỉm cười và vỗ tay theo những đứa trẻ khác. Tôi thấy Farid cũng đang nhìn bọn trẻ, bàn tay cụt ngón của hắn thõng xuống bên sườn. Tôi lại nhớ tới những đứa con trai của Wahid, và... tôi nhận ra một điều: Tôi sẽ chưa rời khỏi Afghanistan chừng nào chưa tìm được Sohrab. Tôi nói:

- Xin bảo cho tôi biết nó ở đâu đi.

Zaman cứ chằm chằm nhìn tôi mãi. Rồi ông gật đầu, nhặt cái bút chì lên, quay quay giữa các ngón tay:

- Đừng để tên tôi dính dáng đến chuyện này.

- Tôi xin hứa.

Ông gõ gõ cái bút chì lên bàn:

- Mặc dầu ông đã hứa, tôi vẫn nghĩ tôi sẽ sống mà hối tiếc về điều này, nhưng có lẽ đành vậy thôi. Dẫu thế nào tôi cũng đáng nguyền rủa rồi. Nhưng nếu có thể làm được một điều gì đấy cho Sohrab... tôi sẽ nói cho ông biết, bởi vì tôi tin ông. Ông có cái nhìn của một người đang tuyệt vọng. Ông lặng đi một lúc lâu rồi lẩm bẩm:

- Có một tên quan chức Talib. Một vài tháng hắn lại đến thăm một lần. Hắn mang theo tiền mặt, không nhiều, nhưng còn hơn là không có gì.Ông đảo mắt nhìn tôi rồi lại nhìn đi chỗ khác:

- Hắn thường đem một bé gái đi. Nhưng không thường xuyên.

- Và ông cho phép việc đó? - Farid hỏi phía sau tôi. Hắn bước đến cạnh bàn, áp sát vào Zaman.

- Tôi có sự lựa chọn nào nữa? - Ông Zaman đáp trả. Ông lùi khỏi chiếc bàn.

- Ông là giám đốc ở đây, - Farid nói. - Công việc của ông là chăm nom bảo vệ lũ trẻ.

- Tôi chẳng thể làm gì để ngăn chuyện đó lại được.

- Ông đang bán trẻ con! - Farid gầm lên.

- Farid, ngồi xuống! Bỏ đi! - Tôi nói.

Nhưng tôi đã quá chậm. Bởi vì Farid bất ngờ nhảy qua bàn. Chiếc ghế của Zaman văng ra, khi Farid nhào lên ông và ghìm ông xuống nền nhà. Ông giám đốc thụi tới tấp Farid từ dưới lên và kêu lên những âm thanh tắc nghẹn. Hai chân ông đá vào chiếc ngăn kéo bàn đã bị tuột ra, và những tờ giấy vung vãi khắp nền nhà.Tôi chạy đến gần bàn và thấy được tại sao tiếng kêu của ông Zaman bị nghẹn lại. Farid đang bóp cổ ông. Tôi túm lấy đôi vai Farid bằng cả hai tay và kéo mạnh. Hắn giật ra khỏi tay tôi.

- Đủ rồi, - tôi gầm lên.

Nhưng mặt Farid đã đỏ phừng phừng, hai môi hắn mím chặt lại và khinh bỉ hét lên:

- Tôi sẽ giết hắn! Ông không thể ngăn tôi! Tôi sẽ giết hắn.

- Bỏ ông ấy ra!

- Tôi sẽ giết hắn!

Có cái gì đó trong giọng nói của Farid bảo tôi rằng, nếu tôi không kịp thời làm một điều gì đó, tôi sẽ chứng kiến kẻ sát nhân đầu tiên trong đời tôi.

- Lũ trẻ đang xem đấy, Farid. Chúng đang xem, - tôi nói.

Cơ vai của hắn căng cứng lại dưới hai tay đang túm chặt của tôi và trong giây lát, tôi nghĩ hắn vẫn đang vặn cổ ông Zaman. Rồi hắn quay lại, thấy lũ trẻ chúng đang đứng câm lặng ngay trước cửa, tay cầm tay nhau, mấy đứa đang khóc. Tôi thấy những cơ bắp của Farid chùng ra. Hắn buông tay ra, đứng dậy. Hắn nhìn xuống ông Zaman và nhổ một bãi nước bọt lên mặt ông. Rồi hắn bước ra khép cửa lại.

Zaman cố đứng lên, lấy ống tay áo chùi đôi môi chảy máu, lau nước bọt trên má. Vừa ho vừa thở khò khè, ông đội chiếc mũ chỏm lên đầu, đeo kính vào thì thấy cả hai mắt đã vỡ, liền bỏ ra. Ông lấy hai tay bưng mặt. Không ai trong chúng tôi nói gì một lúc lâu.

Cuối cùng, hai tay vẫn che mặt, Zaman nghẹn ngào nói:

- Nó mang Sohrab đi một tháng nay rồi.

- Ông bảo ông là giám đốc thế à - Farid nói.

Zaman buông thõng hai tay:

- Hơn sáu tháng nay tôi không được trả lương. Tôi khánh kiệt vì phải bỏ hết tiền dành dụm đời tôi ra chi tiêu cho trại mồ côi này. Mọi thứ tôi kiếm được và được thừa kế tôi đều bán, để duy trì cái nơi Thượng đế bỏ rơi này. Ông nghĩ tôi không có gia đình ở Pakistan và Iran sao? Tôi có thế bỏ chạy như bất kỳ ai khác. Nhưng tôi không bỏ chạy. Tôi ở lại. Tôi ở lại vì lũ trẻ, - ông chỉ ra phía cửa. - Nếu tôi từ chối nó một cháu, nó sẽ đem đi mười. Vì thế tôi đành để nó lấy một đi và để Thánh Allah phán xử nó. Tôi phải nuốt đi lòng kiêu hãnh, nhận đồng tiền khốn nạn... nhơ nhuốc bẩn thỉu của nó. Đề rồi cầm ra khu phố chợ mua thực phẩm cho lũ trẻ.

Farid cắm mặt nhìn xuống. Tôi hỏi:

- Rồi xảy ra chuyện gì với những đứa trẻ nó mang đi?

Zaman chùi nước mắt bằng ngón trỏ và ngón cái:

- Đôi khi chúng trở về.

- Nó là ai? Làm thế nào để chúng tôi tìm được nó? - Tôi hỏi.

- Ngày mai đến Sân vận động Ghazi. Ông sẽ gặp nó vào giữa giờ. Nó là cái thằng đeo kính râm ấy.

Ông nhặt cái kính vỡ của ông lên, chuyền từ tay này qua tay khác:

- Tôi muốn các ông đi ra ngay. Lũ trẻ đang hoảng sợ.

Ông đưa chúng tôi ra.

Khi chiếc xe đi khỏi, tôi nhìn thấy Zaman qua chiếc gương chiếu hậu cạnh xe, vẫn đứng ở lối cổng. Một đám trẻ đứng vây lấy ông, níu chặt gấu áo sơ mi của ông. Tôi thấy ông đeo đôi kính vỡ vào.


--------------------------------
1Bakhshesh, Bakhshesh: Từ Ba Tư, nghĩa là bố thí, bố thí.
2Sufism: Một khuynh hướng Hồi giáo cổ trở thành đồng nhất với Thượng đế thông qua cầu nguyện và suy tưởng, và bằng cách sống thật đơn giản một cuộc sống khắc kỷ.
3Loftan: Làm ơn.
4Yateem: Mồ côi cả cha lẫn mẹ.
 
Top