Tháng 2, còn có một ngày...

5,604
7
38

metyruoi

Active Member
Ngày 5-1 âm lịch, lễ hội gò Đống Đa diễn ra với sự tham dự của hàng chục ngàn người dân thủ đô Hà Nội. Chắc không ai nghi ngờ về sự thấu cảm của người dân với lễ hội này.

Bởi không chỉ là một lễ hội tưởng nhớ công tích của vua Quang Trung đại phá quân Thanh, ghi một chương hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, lễ hội gò Đống Đa còn là câu chuyện nhân văn, là khói hương “nghĩa tử - nghĩa tận” cho những hài cốt quân xâm lược bị vùi lấp qua thăng trầm thế cuộc.

Hơn 100 năm trước, có một vị tuần phủ Hà Nội tên là Hoàng Hữu Xứng, vốn người quê gốc Quảng Trị, vì nghĩ rằng “đến hài cốt quân nhà Thanh xâm lược còn không nỡ để dạt trôi nơi đồng xanh núi đỏ, dân ta còn quy tập hài cốt những kẻ xâm lược ấy chôn thành gò Đống Đa, quanh năm chăm lo hương khói, huống nữa là hài cốt những nông dân áo vải cờ đào của Quang Trung Nguyễn Huệ, nhẽ nào chôn sấp dập ngửa chốn đồng hoang?” nên ông bèn cho quy tập 6.000 hài cốt quân Tây Sơn từ Hà Nội vào các siêu (ấm) đất mang về chôn ở làng Thạch Hãn (Quảng Trị) năm 1872. Nơi đó bây giờ gọi là Nghĩa Trũng Đàn - như ngày nay ta gọi là các nghĩa trang liệt sĩ.

Cũng tròn một tháng trước, ở Đà Nẵng, tại cuộc triển lãm tưởng niệm 39 năm quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược (19-1-1974 - 19-1-2003), ông Đặng Công Ngữ, chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, đã cúi đầu tưởng nhớ những người lính Việt hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Hành động cúi đầu tưởng tiếc ấy của ông Ngữ được coi là chưa có tiền lệ, nhưng nói lên một điều rằng đất nước không bao giờ quên những người Việt vị quốc vong thân.

Chúng ta có ngày 19-1 tưởng niệm những người Việt đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa. Chúng ta có ngày 14-3 hằng năm tưởng niệm những chiến sĩ hải quân đã hi sinh với “vòng tròn bất tử” bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa vào mùa xuân năm 1988...

Và chưa hết, lịch sử nước Việt luôn được viết bằng máu những người dân Việt qua bao thăng trầm dâu bể! Giữa dâu bể thời gian kia là bao nhiêu câu chuyện nhiều gợi nhớ. Không đếm hết chúng tôi đã đi qua bao nhiêu tiền đồn biên phòng trên biên giới Việt - Trung trong mấy chục năm qua, từ cột mốc “ba biên giới” số 0 Lào - Việt - Trung Quốc ở A Pa Chải cho đến cột mốc cuối cùng ở cửa sông Bắc Luân (Móng Cái) với độ dài 1.450km đường biên giới. Giữa bao nhiêu cột mốc kia là những tên tuổi trên tấm bia gợi nhớ. Ở đồn A Mú Sung (Lào Cai), tấm bia khắc tên 30 liệt sĩ, có 24 người hi sinh vào ngày 17-2-1979 và sáu người còn lại hi sinh cũng vào ngày 17-2 mấy năm sau đó.

Trước cổng đồn biên phòng Leng Su Xìn (Mường Nhé, Điện Biên) cũng có một đài tưởng niệm khắc tên những người lính hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên cương năm 1979. Ở cửa ngõ vào TP Hà Giang, bạn sẽ gặp nghĩa trang Vị Xuyên, nơi có mộ phần của 1.680 người lính ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc. Những nhà bia im lặng, những chiến công im lặng, những tuổi tên im lặng, những người lính hi sinh thêm lần nữa cho sự bình yên biên ải...

“Quá khứ, rất cần khép lại để tương lai đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ”. Có một đồng nghiệp của chúng tôi đã cảm khái như thế khi lên với biên giới vào những tháng ngày này mấy năm trước.

Chưa bao giờ chúng tôi thấu hiểu ý nghĩa của câu nói ấy như khi lên đền tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn. Thượng tá Bùi Văn Điểm - chính trị viên đồn Pò Hèn - cho biết hằng ngày, sau khi qua trạm Pò Hèn, những người dân Trung Hoa bên kia biên giới vẫn đến đây, rất nhiều người trong số họ tìm lên đài tưởng niệm và dâng hương trên mộ liệt sĩ Việt Nam. Sau bao nhiêu đau thương, người ta nhận ra chân giá trị của hòa bình.

Và Pò Hèn cũng thế, Pò Hèn mang vác trong mình câu chuyện của một thời bi tráng, không chỉ để hoài nhớ đau thương mà nhắc nhở đến những phút giây ý nghĩa của một đường biên hữu nghị.

Đâu phải là không có ý gì, khi kết thúc áng văn Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã nhắc: Càn khôn bỉ mà lại thái/Nhật nguyệt hối rồi lại minh/Ngàn vết nhục nhã sạch làu/Muôn thuở nền thái bình vững chắc...

Lê Đức Dục

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/534312/thang-2-con-co-mot-ngay.html
 
Top