Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

7,828
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Chúc mừng nhà Đà Nẵng @};- ! Nhưng cũng ko bất ngờ nhỉ, ĐN xứng đáng!

* Thứ tự bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010:
1. Đà Nẵng; 2. Lào Cai; 3. Đồng Tháp; 4. Trà Vinh; 5. Bình Dương.
 
Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 đã chính thức được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố ngày hôm qua (16-3) với khá nhiều tình tiết bất ngờ. 7.300 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có một điểm mới so với các năm là có sự tham gia của 1.155 doanh nghiệp FDI) cơ bản đều xếp hạng hai thành phố đầu tàu đang đi xuống về năng lực cạnh tranh.

Đà Nẵng giữ ngôi đầu 3 năm liên tiếp nhờ minh bạch
và trách nhiệm của bộ máy hành chính.



 (trong ảnh: cầu Thuận Phước - Đà Nẵng)
                                                           
Những bất ngờ

Bất ngờ nhất phải kể đến sự tụt hạng của Bình Dương. Sau 5 năm liên tiếp ở top 3, trong đó 3 năm liên tiếp dẫn đầu (2005 – 2007), bảng xếp hạng PCI năm thứ 6 chỉ ghi nhận “ngôi sao” tụt hạng xuống vị trí thứ 5, lần đầu tiên Bình Dương chính thức tách khỏi nhóm có chất lượng điều hành “Rất tốt”. Đà Nẵng xứng đáng “ăn mừng” khi lần thứ 3 liên tiếp chiếm ngôi đầu bảng.

Nhìn vào kết quả của Đà Nẵng trong xếp hạng PCI năm 2009, có thể thấy, việc duy trì vị trí số 1 trên bảng xếp hạng chủ yếu nhờ vào các nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc giảm chi phí gia nhập thị trường (9,52 điểm so với 9,36 điểm năm 2008), nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành chính các cấp (7,27 điểm), giảm chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước (8,60 điểm so với 5,93 điểm năm 2008)... Nếu so với các địa phương khác, Đà Nẵng mới được điểm cao nhất ở nỗ lực giảm chi phí gia nhập thị trường. Các chỉ số khác dù ở mức tốt, song vẫn chưa tạo nên khoảng cách an toàn với các tỉnh trong nhóm “Rất tốt”.

Một bất ngờ nữa phải kể đến đó là Cao Bằng, ở cuối bảng năm 2009 nhảy một bước khá xa lên 11 bậc, từ nhóm “Thấp” đã bật lên nhóm “Khá” của năm 2010, nhường vai trò “khóa đuôi” cho Đắc Nông. Có tới 6 tỉnh, thành phố năm nay nhảy vọt tới hơn 20 bậc, đứng đầu là Quảng Trị từ 46 lên 16. Ngược chiều là Hưng Yên thoái lui 37 vị trí về gần bét bảng, đứng thứ 3 từ dưới lên.
Đặc biệt, tin không vui lại tiếp tục đến với “hai đầu tầu kinh tế” của cả nước, khi cả Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều giật lùi trong bảng xếp hạng năm nay, thất vọng hơn là TP.Hồ Chí Minh lần đầu tiên rớt khỏi hạng “Tốt” xuống “Khá” với mức giảm 7 bậc. Hà Nội tụt lại 10 vị trí, nằm ở giữa bảng xếp hạng.

Nhìn bảng xếp hạng có thể thấy chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương có phần siết chặt hơn năm ngoái. Đơn cử như 6 vị trí “Rất tốt” của năm ngoái, năm nay chỉ còn duy trì 3. Ngay cả số tỉnh, thành phố ở nhóm “Tốt” cũng giảm hơn 1. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Hữu Huỳnh - Phó Tổng thư ký kiêm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, VCCI, có một tín hiệu đáng mừng là  không còn tỉnh nào nằm ở mục “Thấp”, thay vào đó, danh sách “Tương đối thấp” được ghi thêm 5 tỉnh. Song ông Huỳnh cũng lo ngại khi đưa ra nhận định, nếu so sánh cảm nhận của doanh nghiệp qua hai năm cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế năm 2010 không có sự cải thiện đáng kể.

Năm 2010, giới doanh nghiệp ghi nhận những cải thiện nổi bật trong lĩnh vực đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng đào tạo lao động tăng đều từ 35,2% năm 2008 lên 45,45% năm 2009 và 46,99% năm 2010. Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm không tăng, ở mức gần 40% nhưng chất lượng của dịch vụ giới thiệu việc làm đã được cải thiện khi có đến 62,5% doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ này cho biết có kế hoạch tiếp tục sử dụng, so với 27,78% của năm 2009. Đây là những thay đổi rất tích cực khi một thời gian dài nhiều doanh nghiệp phàn nàn về chất lượng lao động thấp đã cản trở việc cải tiến và nâng cấp công nghệ.
 
Tình trạng “bôi trơn” vẫn diễn ra

Bên cạnh những mặt có chiều hướng tốt, vẫn tồn tại một số lĩnh vực có chuyển biến chưa thật rõ nét tại điều tra PCI năm nay, bao gồm tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chi phí không chính thức, đặc biệt tính minh bạch và chi phí thời gian có xu hướng giảm điểm. Kết quả điều tra năm 2010 cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu của chỉ số tính minh bạch đều sụt giảm so với năm 2009. Có đến 78,64% doanh nghiệp cho biết cần có quan hệ để tiếp cận thông tin của tỉnh, tăng hơn 17% so với năm 2009. Theo VCCI, chỉ số minh bạch sụt giảm trong năm 2009 và tiếp tục giảm trong năm 2010 là một chỉ báo đáng lo ngại về môi trường kinh doanh cấp tỉnh.

Một điểm được cho là khá phổ biến, theo nhóm nghiên cứu PCI nhận định, đã và đang làm méo mó sự cạnh tranh sòng phẳng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Đó là tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức dù có giảm so với trước những năm 2000, song vẫn theo biểu đồ đi lên những năm gần đây. Có đến 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh, 40% doanh nghiệp trả hoa hồng khi mong muốn có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước. Với khối FDI, 18% số doanh nghiệp cho biết có tiến hành “bôi trơn” để xúc tiến các thủ tục đăng ký và cấp phép kinh doanh. Việc chi trả hoa hồng trong đấu thầu lại có phần “nở rộ” hơn. Trong khi đó, chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn là một trong những rào cản lớn nhất đối với đầu tư và tăng trưởng.

Xem xét lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi: Liệu tình trạng chi phí không chính thức có phải là kết quả của tham nhũng có hệ thống hay đó là sự trao đổi tự nguyện của các doanh nghiệp cơ hội?

Một vấn đề nữa được đặc biệt quan tâm đó là cải cách thủ tục hành chính theo đề án 30 sẽ góp phần giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn. Đây cũng là một trong những thách thức mà các thành viên trong nhóm nghiên cứu cho rằng, nếu thực hiện đề án thành công, doanh nghiệp sẽ không tốn kém về mặt chi phí gia nhập thị trường, trong đó có yếu tố thời gian.

 Phương Thảo
 
Ông Hank Tomlinson - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam:
“Chỉ số PCI cung cấp thông tin quan trọng về chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, tính minh bạch, tham nhũng và các yếu tố  khác đối với đầu tư nước ngoài khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Chính quyền địa phương nên coi kết quả PCI là cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh của địa phương mình”.
 
Top