Oscar đi tìm giá trị sống của cá nhân.

7,828
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
SGTT.VN - Nhiều bộ phim tranh giải Oscar 2011 gặp nhau ở thông điệp đem đến cho khán giả câu chuyện xúc động về cách thức mà con người đã nỗ lực không ngừng để xác lập những giá trị sống mang lại thành công và ý nghĩa cho cuộc đời.


Một cảnh trong The King's Speech.

Sau mùa giải 2010 nổi bật với những đề tài thời sự phản ánh sự quan tâm chung của thế giới như khủng bố (The Hurt Locker), hủy hoại môi trường (Avatar), giải Oscar lần thứ 83 năm 2011 hướng sự chú ý nhiều hơn tới những tác phẩm điện ảnh kể câu chuyện cá nhân, xảy ra trong hoàn cảnh cá biệt nhưng có sức mạnh chạm tới sự đồng cảm, chia sẻ của số đông.

Có thể xem The King’s Speech (Diễn văn của vua) – phim dẫn đầu cuộc đua với 12 đề cử và đang có nhiều cơ hội đoạt giải Oscar phim xuất sắc nhất – là đại diện tiêu biểu nhất cho xu hướng này. Câu chuyện lịch sử về ông vua Anh George VI (cha nữ hoàng Elizabeth II) cố gắng vượt qua chính mình bằng nỗ lực phi thường để chữa tật nói lắp, giúp ông đưa ra lời kêu gọi đoàn kết đất nước chống lại phát xít Đức, có thể khiến bất cứ ai còn đang phàn nàn, đổ lỗi cho hoàn cảnh, sẽ phải tự hỏi liệu mình đã nỗ lực hết mức hay chưa.

Nguyên nhân gây ra trục trặc trong cuộc sống đôi khi lại nằm ở chính những mặc cảm mà chúng ta che giấu, thỏa hiệp với bản thân. Niềm hoan lạc của một người vừa vượt qua chính mình được bộ phim chuyển tải tới người xem một cách trọn vẹn bằng ngôn ngữ điện ảnh, dù chiến thắng đạt được là rất giản dị: đọc một bài diễn văn mà không bị vấp!

Không phải phim không hay, trang web Rotten Tomatoes thống kê có tới 95% bài viết phê bình dành lời khen cho phim, nhưng giải Oscar phim xuất sắc nhất cho The King’s Speech có thể sẽ gây thất vọng cho những người nghĩ Oscar sẽ chỉ chọn ra cho lịch sử điện ảnh những siêu phẩm vĩ đại nhất, có đề tài gai góc nhất; trong khi The King’s Speech rất đỗi nhẹ nhàng trong câu chuyện và thơ mộng trong thủ pháp ngôn ngữ. Nếu lựa chọn trên thành hiện thực, người ta cho rằng các thành viên của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ - nơi bỏ phiếu bình chọn – một lần nữa muốn xác lập cho những ai còn băn khoăn khi làm phim với kinh phí hạn hẹp, rằng: phim của bạn chỉ hay khi kịch bản xuất sắc và diễn xuất tuyệt vời.


Gần 6.000 thành viên của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ hiện đang bỏ phiếu kín gửi về công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers, nơi thống kê dữ liệu và chịu trách nhiệm giữ bí mật kết quả đến giờ phút chót. Đêm công bố và trao giải diễn ra vào ngày 27.2 (rạng sáng ngày 28.2 giờ VN), kết quả được truyền đi trực tiếp trên truyền hình cho hàng triệu người xem trên toàn cầu.

Trừ phim hoạt hình Toy Story 3 (Câu chuyện đồ chơi 3) với những giá trị truyền thống như gia đình, tình bạn và Inception (Khởi nguồn), phim “bom tấn” hành động, khoa học viễn tưởng; nỗ lực đi tìm giá trị sống của cá nhân là chủ đề của hầu hết các phim trong danh sách 10 phim được đề cử Oscar phim xuất sắc nhất. Trong đó có câu chuyện của Mattie Ross, cô bé 14 tuổi bỏ nhà đi truy lùng tên sát nhân đã giết cha mình chỉ vì hai đồng vàng trong bộ phim được 10 đề cử True Grit (tựa Việt: Báo thù). Hay những nỗ lực và mạo hiểm của Nina, cô vũ công ba lê trong phim Black Swan (Thiên nga đen) đi tìm sự cân bằng giữa kỹ thuật và cảm xúc để chinh phục thử thách của vở diễn lớn đầu tiên trong sự nghiệp.

Một phim khác là The Fighter (Võ sĩ) khai thác câu chuyện có thật về võ sĩ huyền thoại Mickey Ward đã vượt qua những bi kịch của gia đình để thành công trong nghề nghiệp. Ngay như đối thủ lớn nhất của The King’s Speech là The Social Network (Mạng xã hội) cũng là câu chuyện đầy hài hước, thi vị về Mark Zuckerberg, tỷ phú trẻ đã sáng lập mạng facebook bằng tất cả những đam mê, hiểu biết và sự thông minh.

KIẾN MINH
 
Top