"Roaming" - những điều cần biết

5,622
9
38

metyruoi

Active Member
(PCW) Việc sử dụng ĐTDĐ tại Việt Nam quá đơn giản, nhưng khi ra nước ngoài, với nhiều người lại không phải là điều dễ dàng bởi nhiều yếu tố khác nhau mà chủ yếu liên quan đến tài chính.

DÀNH CHO NGƯỜI NHIỀU TIỀN

Hiện cả 4 NKTDV ĐTDĐ lớn nhất Việt Nam gồm MobiFone, S-Fone, Viettel và Vinaphone đều cung cấp dịch vụ chuyển vùng quốc tế (roaming) nhưng chỉ dành cho thuê bao trả sau của họ. Roaming cho phép khách hàng của các NKTDV này khi ra nước ngoài có thể sử dụng dịch vụ của mạng di động khác nếu hai mạng đã ký kết thỏa thuận chuyển vùng. Lợi ích mà roaming mang lại cho người dùng là giữ nguyên số điện thoại, luôn có thể giữ liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp và người thân ngay khi ở nước ngoài, sử dụng các dịch vụ phụ của mạng khách. Tóm lại nhờ roaming, bạn có thể sử dụng ĐTDĐ như khi đang ở Việt Nam.

Mỗi NKTDV lại có những qui định khác nhau trong vấn đề sử dụng, đăng ký dịch vụ roaming. Nhưng về cơ bản, chúng đều khá giống nhau, như phải là thuê bao trả sau và phải đăng ký sử dụng dịch vụ. Trong khi đó, một trong những cản trở lớn khiến người dùng roaming hiện chưa phổ biến là số tiền ký quĩ khi đăng ký sử dụng. Và ở mỗi mạng, số tiền ký quĩ được qui định khá khác biệt nhau, nhưng đa phần các đối tượng là doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức, văn phòng đại diện nước ngoài, các loại hình công ty. Trong khi đó, thuê bao đăng ký tên cá nhân sẽ phải ký quĩ và tùy mạng mà số tiền sẽ khác nhau và thường không lớn hơn 5 triệu đồng. Trên thực tế, hiện nhiều người dùng cá nhân muốn đăng ký dịch vụ roaming nhưng khoản ký quĩ tiền từ 1 đến vài triệu đã khiến họ chưa muốn sử dụng. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường thuê bao di động đang bão hòa, việc các NKTDV làm sao để nhiều người Việt Nam sử dụng được roaming khi ở nước ngoài là điều cần nhanh chóng chú ý.

Xét về mức độ "phủ sóng", người dùng của Viettel, MobiFone, Vinaphone có thể gọi roaming ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ mà người Việt Nam hay lui tới, trong khi S-Fone hiện mới ký hợp đồng roaming ở 8 quốc gia (khá khiêm tốn so với các mạng còn lại). Cũng lưu ý, do Nhật và Hàn Quốc sử dụng công nghệ CDMA nên ĐTDĐ GSM mang từ Việt Nam qua không sử dụng được nếu máy không được tích hợp công nghệ 3G.

Mặt khác, cước phí dịch vụ là một trong những trở ngại lớn nhất đối với người muốn sử dụng dịch vụ roaming. Thêm nữa, không chỉ cước phí cao mà cách tính cước khi roaming ở nước ngoài cũng khá phức tạp. Bạn nên tìm hiểu kỹ vấn đề cước phí sử dụng roaming ở nước bạn đến tại NKTDV ở Việt Nam.

MẸO SỬ DỤNG ĐTDĐ KHI RA NƯỚC NGOÀI

• Sẵn sàng: Đầu tiên, hãy chắc chắn rằng điện thoại của bạn vẫn hoạt động tốt khi chuyển vùng, tốt nhất là liên hệ với nhà khai thác mạng khoảng một tuần trước khi bạn đến nơi. Tiếp theo, nếu nơi đến là những quốc gia châu Âu thì ĐTDĐ của bạn cần phải có băng tần GSM 900/1800 MHz; nếu ở Mỹ và Canada là 850/1900MHz; ở Nhật và Hàn Quốc thì ĐTDĐ của bạn phải được tích hợp 3G, tại Hàn Quốc bạn có thể sử dụng ĐTDĐ của S-Fone. Hãy kiểm tra thông tin này trước khi bạn lên đường.

• Mang theo phụ kiện: Có hai thứ quan trọng khi đi xa bạn luôn nhớ phải đem theo đó là đồ sạc pin và bộ sạc du lịch. Ngoài ra, nếu bạn dự định sẽ dành nhiều thời gian để tắm biển hoặc đi bơi thì cũng nên chuẩn bị sẵn túi bảo vệ cho ĐTDĐ. Một chuyến bay xa thường tốn nhiều thời gian và khiến bạn mệt mỏi nên bạn có thể tải một vài game về ĐTDĐ trước khi lên đường để giúp thư giãn phần nào trong suốt chuyến bay! Dĩ nhiên, ĐTDĐ của bạn phải được cài đặt chế độ sử dụng "trên máy bay" (flight mode). Lưu ý, nếu bạn sử dụng tai nghe nhạc Bluetooth thì cần mang theo tai nghe nhạc có dây, vì chế độ "flight mode" không nghe nhạc bằng tai nghe Bluetooth được.

• Ghi lại những số liên lạc quan trọng: Lưu vào ĐTDĐ số tổng đài của nhà cung cấp mạng mà bạn đang sử dụng để gọi đến khi có thắc mắc hoặc gặp khó khăn (tuy nhiên các cuộc gọi này bị tính phí). Cũng nên viết số này ra sổ tay đề phòng khi bị mất ĐTDĐ thì vẫn có thể liên lạc ngay được hay thậm chí yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ ngay lập tức. Một ví dụ đơn giản, vì điện thoại của bạn đang ở dịch vụ roaming, nếu rơi vào tay kẻ xấu, họ có thể gọi đi khắp toàn cầu và bạn phải trả cước khi về đến Việt Nam. Cuối cùng, hãy nhớ lưu các số điện thoại trong danh bạ của bạn theo định dạng quốc tế (tức là thay số 0 bằng số +84 cho các số tại Việt Nam) để có thể gọi ngay từ trong danh bạ khi đang ở nước ngoài.

• Tham gia bảo hiểm: Nếu thấy cần thiết vì dịch vụ bảo hiểm nhất định phải có các chính sách đảm bảo cho bạn khi đi ra nước ngoài; nhớ kiểm tra thông tin trước khi lên đường. Tại Việt Nam hiện cũng đã có dịch vụ bảo hiểm ĐTDĐ.

• Lắp SIM mới: Khi đang ở nước ngoài, việc thay tạm một thẻ SIM mới phù hợp với quốc gia đó sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí hơn. Thẻ SIM của SIM4travel được cung cấp ở nhiều nước là một lựa chọn tốt. Đây là một mạng lưới toàn cầu cung cấp thẻ SIM trả trước với mức giá cạnh tranh. Khi chuyển sang dùng thẻ SIM này bạn sẽ không phải trả tiền khi nhận cuộc gọi, cũng như nhận được mức giá ưu đãi khi thực hiện các cuộc gọi đi. Điểm trừ duy nhất là việc đổi thẻ SIM mới là sẽ đổi luôn cả số điện thoại của bạn, tuy nhiên nếu bạn phải thường xuyên ở nước ngoài thì đây là một trong những cách tiết kiệm chi phí thoại nhất.

• Chỉ sử dụng những nhà cung cấp mạng quen thuộc: Mỗi nhà khai thác mạng đều đã có những thỏa thuận ngầm với nhau, khi bạn chuyển vùng rất có thể điện thoại của bạn sẽ tự động chuyển mạng lưới cung cấp, khi đó nếu truy cập mạng khác bạn sẽ bị tính phí cao hơn. Bạn nên kiểm tra thông tin này với nhà cung cấp mạng quen thuộc để đảm bảo luôn nằm trong vùng phủ sóng của họ. Mẹo nhỏ: vào Seetings Menu đ Network Selection đ chọn "Manual" thay vì "Automatic", sau đó chọn nhà cung cấp mạng quen thuộc của bạn.

• Tắt hộp thư thoại: Có điều này ít ai biết là khi nghe các cuộc gọi bằng hệ thống hộp thư thoại bạn sẽ phải trả tiền đến hai lần. Trước tiên khi mở hộp thư thoại, bạn phải trả tiền bằng với số tiền của người gửi (vì đây là cuộc gọi liên mạng quốc tế), và tiếp theo bạn phải trả tiền thêm lần 2 để nghe các thư thoại đó. Mẹo nhỏ: hãy tắt hệ thống hộp thư thoại cũng như tắt chế độ chuyển hướng cuộc gọi, khi máy báo có cuộc gọi nhỡ thì chỉ việc gọi lại số máy đó, như vậy sẽ chỉ tốn tiền cho một lần gọi đi.

• Cẩn thận với những cuộc gọi đến: Khi đang ở Việt Nam, bạn có thể thoải mái nhận cuộc gọi vì người gọi sẽ trả tiền, nhưng khi ra nước ngoài thì không phải vậy. Trong các cuộc gọi quốc tế cả người gọi và người nhận đều phải trả phí vì để kết nối được một cuộc gọi quốc tế khó khăn và tốn kém hơn, việc bắt buộc cả hai bên đều phải trả phí sẽ giúp chúng ta đàm thoại ngắn gọn và thiết thực, tránh "nấu cháo điện thoại đường dài". Cái khó ở chỗ có nhiều cuộc gọi ở 1 số quốc gia, ở 1 số thời điểm, không hiện số hoặc không hiện chính xác số của người gọi.

• Gửi hình ảnh thay vì văn bản: Câu nói "Một tấm hình có thể nói lên được rất nhiều điều" rất thích hợp khi bạn nhắn tin quốc tế. Phí gửi một tin nhắn đa phương tiện (MMS) rẻ hơn phí gửi một tin nhắn văn bản thông thường; thậm chí trong tin nhắn MMS, bạn có thể chèn thêm cả 1.000 ký tự, thay vì chỉ 160 như SMS. Mẹo nhỏ: mỗi khi nhắn tin quốc tế, bạn hãy chọn tin đa phương tiện (Create a new MMS), kể cả khi không muốn gửi âm thanh và hình ảnh thì MMS cũng cho phép soạn được nội dung tin nhắn dài hơn nhiều so với SMS.
 
Top