Chính thức thu thuế thu nhập cá nhân

358
0
0

maninthedark

New Member
Từ hôm nay, 1/7/2009, các thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công...sau khi giảm trừ gia cảnh sẽ được tính toán để thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN), ngoại trừ thu nhập từ đầu tư, chuyển nhượng vốn, từ bản quyền, nhượng quyền thương mại sẽ tiếp tục được miễn tới hết năm 2009.

Cân nhắc phương án quyết toán thuế

Luật thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009 nhưng kinh tế trong nước gặp khó khăn cùng với tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nên tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân đã giãn từ tháng 1 đến hết tháng 6, việc triển khai luật này sẽ tiếp tục diễn ra từ 1/7.
Theo luật thuế TNCN, người nộp thuế phải kê khai tờ quyết toán thuế và nộp cho cơ quan thuế. Điều này đồng nghĩa với việc người nộp tự xác định nghĩa vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quyết toán kê khai của mình, cơ quan thuế sẽ kiểm soát kê khai đó.

Một cán bộ thuế Hà Nội cho biết, mặc dù các khoản thu nhập kể trên sẽ chịu thuế TNCN kể từ đầu tháng 7 nhưng tới tháng 8 mới kê khai. Hàng tháng tổ chức, cá nhân chi trả chỉ kê khai tạm nộp thuế TNCN, còn tờ khai quyết toán thuế cả năm mới xác định chính xác nghĩa vụ thuế trong năm.

Riêng các cá nhân chưa có mã số thuế, cũng như hồ sơ giảm trừ gia cảnh chưa có, chưa hoàn thiện thì việc nộp thuế TNCN từ 1/7 vẫn thực hiện bình thường
Hiện có 2 phương án quyết toán thuế đang được các cơ quan chức năng cân nhắc lựa chọn: hoặc quyết toán thuế theo thu nhập bình quân tháng trong năm (tổng thu nhập cả năm chia đều cho 12 tháng không phân biệt tháng có hay không có thu nhập); hoặc quyết toán theo thu nhập 6 tháng cuối năm. Điều này ảnh hưởng khá lớn tới số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, bởi một số cá nhân có thu nhập cao vào cuối năm, trong khi số khác thu nhập cao lại vào đầu năm...

Chi lương, thưởng sớm chưa chắc được miễn thuế
Mặc dù chưa rõ quyết định cuối cùng của cơ quan thuế nhưng rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp cho rằng việc miễn thuế trong 6 tháng đầu năm theo quyết định của Quốc hội được căn cứ vào thời điểm phát sinh, chi trả thu nhập. Vì thế hàng loạt các chiêu được cho là "lách" thuế xuất hiện như chi thưởng cuối năm sớm, chi nghỉ mát, chi lương, tiền công sản phẩm ngay trước 1/7.
Anh H, cán bộ một công ty bảo hiểm tại Hà Nội, vui vẻ cho biết hôm qua công ty của anh đã trả toàn bộ lương tháng 6 và các khoản thưởng nên anh có thêm trên 20 triệu đồng để...đưa vợ.
Trong khi đó, theo chị D, công nhân một doanh nghiệp sản xuất tại Hà Nội, đến cuối giờ chiều qua, công ty của chị cũng đã hoàn tất chi trả toàn bộ tiền lương tháng 6 và tiền công theo sản phẩm, nhanh hơn bình thường khoảng 2 tuần.
Theo một quan chức thuộc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), về nguyên tắc tất cả những khoản thu nhập trong 6 tháng đầu năm 2009 đều được miễn thuế, do đó, việc chi lương, thưởng sớm như trên cùng hoàn toàn bình thường và là quyền của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện việc chi trả lương, thưởng sớm dù họ có muốn. Mặt khác, tính tới thời điểm này, việc miễn thuế căn cứ vào nguồn gốc thu nhập hay thời điểm phát sinh thu nhập cũng chưa rõ ràng.

Trường hợp Bộ Tài chính "quyết" phương án thuế miễn thuế theo nguồn gốc thu nhập thì việc chi trước, chi sớm của các doanh nghiệp để mong "lách" thuế trở nên vô nghĩa, trong khi các doanh nghiệp khó khăn chưa kịp chi trả sớm mà trả vào cuối năm vẫn được miễn.
Ví dụ về cách tính thuế TNCN theo Thông tư 84/2008/TT-BTC:

Ví dụ 1: Ông A là cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng là 10 triệu đồng. Ông A phải nuôi 02 con dưới 18 tuổi; trong tháng ông phải nộp các khoản bảo hiểm bắt buộc là: 5% bảo hiểm xã hội, 1% bảo hiểm y tế trên tiền lương; trong tháng ông A không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Thuế thu nhập cá nhân ông A tạm nộp trong tháng được xác định như sau:
- Ông A được giảm trừ khỏi thu nhập chịu thuế các khoản sau:
+ Cho bản thân là: 4 triệu đồng;
+ Cho 02 người phụ thuộc (2 con) là: 1,6 triệu đồng x 2 = 3,2 triệu đồng;
+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là: 10 triệu đồng x 6% = 0,6 triệu đồng
Tổng cộng các khoản được giảm trừ là: 4 + 3,2 + 0,6 = 7,8 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế áp vào biểu thuế luỹ tiến từng phần để tính số thuế phải nộp là: 10 triệu đồng – 7,8 triệu đồng = 2,2 triệu đồng.
- Như vậy sau khi giảm trừ các khoản theo quy định, thu nhập tính thuế của ông A được xác định thuộc bậc 1của biểu lũy tiến từng phần là:
2,2 triệu đồng x 5% = 0,11 triệu đồng
Tổng số thuế phải nộp trong tháng là: 0,11 triệu đồng.

Ví dụ 2: Ông B có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng là 90 triệu đồng (đã trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc), ông B phải nuôi 2 con dưới 18 tuổi. Trong tháng ông B không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng của ông B được tính như sau:

- Ông B được được giảm trừ các khoản sau: + Cho bản thân là 4 triệu đồng; + Cho 2 người phụ thuộc: 1,6 triệu đồng x 2 người = 3,2 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế áp vào biểu thuế luỹ tiến từng phần để tính số thuế phải nộp là: 90 triệu đồng - 4 triệu đồng – 3,2 triệu đồng = 82,8 triệu đồng
- Số thuế phải nộp được tính là:

+ Bậc 1: thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%: 5 triệu đồng x 5% = 0,25 triệu đồng
+ Bậc 2: thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%: (10 triệu đồng - 5 triệu đồng) x 10% = 0,5 triệu đồng.
+ Bậc 3: thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%: (18 triệu đồng - 10 triệu đồng) x 15% = 1,2 triệu đồng
+ Bậc 4: thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng, thuế suất 20%:(32 triệu đồng - 18 triệu đồng) x 20% = 2,8 triệu đồng
+ Bậc 5: thu nhập tính thuế trên 32 triệu đồng đến 52 triệu đồng, thuế suất 25%: (52 triệu đồng - 32 triệu đồng) x 25% = 5 triệu đồng
+ Bậc 6: thu nhập tính thuế trên 52 triệu đồng đến 80 triệu đồng, thuế suất 30%: (80 triệu đồng - 52 triệu đồng) x 30% = 8,4 triệu đồng
+ Bậc 7: thu nhập tính thuế trên 80 triệu đồng đến 82,8 triệu đồng, thuế suất 35%:(82,8 triệu đồng - 80 triệu đồng) x 35% = 0,98 triệu đồng.

Như vậy, với mức thu nhập trong tháng là 90 triệu đồng, tổng số thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng của ông B theo biểu thuế luỹ tiến từng phần là: (0,25 + 0,5 + 1,2 + 2,8 + 5 + 8,4 + 0,98) = 19,13 triệu đồng.

Theo Quỳnh Trang
 
Top