Thu phí sử dụng đường bộ từ 1/6

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
(TT&VH) - Bắt đầu từ ngày 1/6 tới đây, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ phải nộp phí sử dụng đường bộ hàng năm. Đây là một trong những nguồn thu nhằm hình thành Quỹ bảo trì đường bộ sẽ được triển khai trên toàn quốc.

Đó là nội dung tại Nghị định 18/2012/NĐ-CP quy định về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ được Chính phủ ban hành ngày 13/3.

Các tỉnh thu phí với xe máy

Theo Nghị định, Quỹ bảo trì đường bộ là Quỹ của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Quỹ được thành lập ở cấp Trung ương gọi là Quỹ trung ương và được thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ địa phương.

Nguồn hình thành Quỹ bao gồm: phí sử dụng đường bộ thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: Xe ô tô; máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy. Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cấp bổ sung hàng năm cho Quỹ, trong đó ngân sách trung ương cấp bổ sung cho Quỹ trung ương; ngân sách cấp tỉnh cấp bổ sung cho Quỹ địa phương.

Từ 1/6 phương tiện giao thông cơ giới phải nộp thêm phí sử dụng đường

Phí sử dụng đường bộ thu được đối với ô tô phân chia cho Quỹ trung ương 65%, cho các Quỹ địa phương 35%. Phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ của địa phương đó.

Trên cơ sở số kinh phí phân chia cho các Quỹ địa phương nêu trên, Hội đồng quản lý Quỹ trung ương phân chia kinh phí cho từng Quỹ địa phương căn cứ vào chiều dài đường bộ của địa phương, số xe ô tô quy tiêu chuẩn đăng ký tại địa phương và hệ số khó khăn về nguồn thu của từng địa phương.

Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ sẽ điều chỉnh tỷ lệ phân chia cho Quỹ trung ương, Quỹ địa phương phù hợp với từng thời kỳ căn cứ đề nghị của Bộ GTVT và Bộ Tài chính. Quỹ Trung ương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống quốc lộ. Quỹ địa phương được sử dụng cho công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm bảo trì, quản lý theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Chưa rõ mức thu và cách thu

Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án Quỹ bảo trì đường bộ. Bộ trình Chính phủ phương án thu phí qua đầu phương tiện, theo đó, loại bỏ các trạm thu phí Nhà nước hiện nay, các trạm thu phí BOT vẫn tồn tại (do trạm BOT thu phí phục vụ hoàn vốn của chủ đầu tư).

Mức thu với ô tô chia làm 7 nhóm, cao nhất 1.440.000 đồng/tháng, thấp nhất 180.000 đồng/tháng. Đối với mô tô, xe gắn máy, được chia 4 nhóm, thấp nhất 80.000 đồng/năm, cao nhất 150.000 đồng/năm. Số phí thu được khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.

Theo tính toán của Bộ GTVT, với mức phí thu được của Quỹ bảo trì đường bộ cùng với ngân sách trung ương và địa phương hàng năm cấp cho quỹ vẫn giữ mức ổn định như hiện nay sẽ đáp ứng được 80% nhu cầu kinh phí cho bảo trì đường bộ. Sau 2 năm quỹ đi vào hoạt động thì phần ngân sách cấp có thể giảm dần và sau 12 năm thì phần thu được sẽ đáp ứng nhu cầu kinh phí bảo trì đường bộ.

Tuy nhiên, theo nghị định Chính phủ, mức phí cụ thể đối với các loại xe còn phải chờ Bộ Tài chính. Theo nghị định, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện đối với xe ô tô và khung mức phí sử dụng đường bộ hàng năm đối với xe máy. UBND các tỉnh sẽ ban hành mức phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm đối với xe máy trong khung mức phí do Bộ Tài chính ban hành.

Về cách thức thu phí, theo đề án của Bộ GTVT, đối với ô tô, cơ quan thuế sẽ phát hành hóa đơn thu phí, trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ tại các địa phương sẽ thực hiện công tác thu phí. Theo đó, chủ phương tiện có thể đến các trung tâm đăng kiểm này để mua vé theo tháng, 3 tháng hay nửa năm, hoặc 1 năm… UBND các tỉnh sẽ tổ chức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên địa bàn. Tuy nhiên, cách thức thu phí cụ thể như thế nào, hiện người dân vẫn còn phải chờ quyết định cụ thể của các Bộ và các địa phương.
 
Top