Tỉnh táo khi quẹt thẻ tín dụng: Càng thanh toán chậm càng bị thiệt

5,622
9
38

metyruoi

Active Member
Khi quảng cáo thẻ tín dụng, các ngân hàng chỉ toàn nói về những lợi ích của thẻ. Nhưng bạn cần khôn ngoan và cẩn thận, nếu không một ngày nào đó sẽ ngập trong nợ nần.

Không cần mang theo tiền mặt khi đi mua sắm, chỉ cần một chiếc thẻ tín dụng, mọi hóa đơn của bạn sẽ được thanh toán nhanh chóng.

Không chỉ có nguy cơ trở thành con nợ, việc mất thẻ hay bị ăn cắp mã số khi mua hàng qua mạng là những rủi ro có thể gặp phải khi dùng thẻ tín dụng.

Tại Hà Nội hay TP.HCM, nhiều người không còn xa lạ với thẻ tín dụng nữa. Hẳn ai cũng nhận thấy hình ảnh những khách hàng mua sắm trong các trung tâm thương mại lớn và thanh toán bằng cách quẹt thẻ trông thật sành điệu.

Ý tưởng về chiếc thẻ thanh toán thay cho tiền mặt do Frank X McNamara, Ralph Sneider và Alfred Bloomingdale nghĩ ra. Vào năm 1949, họ đã đề nghị sử dụng loại thẻ hình chữ nhật có dòng chữ Diners Club để thanh toán mà không dùng tiền mặt tại nhà hàng Major’s Cabin Grill ở New York. Đến năm 1958, Công ty American Express phát hành thẻ tín dụng đầu tiên; sau đó, vào cuối năm thì đến lượt Bank of America phát hành thẻ BankAmericard, nền tảng để hình thành thẻ tín dụng VISA sau này. Và năm 1966, một số ngân hàng tại California đã liên kết với nhau tung ra thẻ Master Charge, tiền thân của thẻ MasterCard ngày nay.

Hai loại thẻ phổ biến nhất ngày nay là thẻ tín dụng (credit card) và thẻ ghi nợ (debit card). Thẻ tín dụng là hình thức thay thế cho việc thanh toán trực tiếp, tức người dùng không cần phải trả tiền mặt khi mua hàng. Ngân hàng sẽ ứng tiền trả cho người bán, chủ thẻ thanh toán lại sau cho ngân hàng và chủ thẻ có thể trả một lần hoặc trả dần tiền nợ ngân hàng. Khác với thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ chỉ cho phép người sử dụng dùng số tiền đang có trong thẻ.

Hiện nay, các ngân hàng đều phát hành thẻ tín dụng của các hãng VISA, MasterCard và American Express. Ngân hàng phát hành còn có quyền quy định các điều khoản, điều kiện sử dụng thẻ. Các loại thẻ này đều đã được sử dụng trở lại tại Việt Nam từ khoảng 10 năm nay.

Không chỉ có ưu điểm

Theo thống kê tổng hợp của trang mạng CreditCards.com, năm 2010, tại Mỹ có 609,8 triệu thẻ tín dụng lưu hành; trung bình mỗi người Mỹ sử dụng 3,5 thẻ. Tính đến tháng 5.2011, tiêu dùng bằng thẻ tín dụng tại Mỹ đã lên đến 2.430 tỉ USD và nợ thẻ tín dụng 800 tỉ USD.

Tại Việt Nam, có không tới 3 triệu người dùng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, cùng với mức sống lên cao và sự phát triển của internet cùng dịch vụ thanh toán trực tuyến, có thể thẻ tín dụng sẽ trở nên phổ biến.

Khi quảng cáo thẻ tín dụng, các ngân hàng chỉ toàn nói về những lợi ích của thẻ. Họ ra sức thúc đẩy khách hàng làm thẻ tín dụng bằng cách cử nhân viên đến tận nơi nhận hồ sơ, dành các ưu đãi cho khách hàng: giảm giá, tặng phí bảo hiểm khi đi nước ngoài, tích lũy điểm doanh số…

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam, chẳng hạn, “giúp” người làm thẻ Visa đi du lịch với mức giảm giá từ 10-20% tại khách sạn, resort của một số điểm du lịch ở miền Trung, miền Nam. Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng thì “hỗ trợ” người có MasterCard đến 60% khi mua hàng, nghỉ dưỡng tại 17 điểm du lịch, mua sắm của Singapore.

Các ngân hàng không hề đề cập đến mối hiểm nguy khách hàng có thể gặp phải nếu dùng thẻ không cẩn thận. Điều nguy hiểm nhất với thẻ tín dụng là người dùng không chi trả tiền mặt nên không có cảm giác tiêu tiền. Do vậy họ cứ thoải mái quẹt thẻ, ít nghĩ đến khoản nợ đang tăng dần.

Thẻ tín dụng nguy hiểm đến mức ở Mỹ, bất cứ cuốn sách hướng dẫn nào về tài chính cá nhân (tiết kiệm, đầu tư, chi tiêu) cũng đều dành riêng 1 chương nói về “credit card trap” (bẫy thẻ tín dụng), cảnh giác người đọc về sự nguy hiểm của việc không biết cách dùng thẻ, dùng thẻ dễ dãi.

Theo David Bach, tác giả cuốn sách bán chạy The Automatic Millionaire, đối với thẻ tín dụng, càng thanh toán chậm càng bị thiệt, có khi tiền lãi phải trả còn nhiều hơn tiền nợ. Ông cho biết nếu tiêu 8.400 USD qua thẻ lãi suất 18%/năm sẽ phải mất… 30 năm 5 tháng mới trả hết nợ, nếu mỗi tháng chỉ trả số tiền tối thiểu theo quy định, một cách đều đặn, tiền lãi phải trả sẽ lên đến 12.215 USD.

Năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ, nhiều người Mỹ đã phải xin phá sản vì không thể trả nổi nợ thẻ tín dụng. Người dân Hàn Quốc cũng đau đầu với nợ thẻ tín dụng. Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ Đông Á năm 1997, Hàn Quốc thúc đẩy tiêu dùng trong nước và khuyến khích người dân dùng thẻ tín dụng. Nhờ đó, sức tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc tăng gấp đôi trong giai đoạn 1999-2000. Tuy nhiên, do quá chuộng thẻ tín dụng và chi tiêu không biết kiềm chế, người Hàn Quốc đã ngập trong nợ nần. Nợ của hộ gia đình Hàn Quốc năm 2010 tương đương 155% thu nhập sau thuế, trong khi của Mỹ trước khủng hoảng là 138%.

Hiện nay ở Việt Nam, tiêu dùng bằng thẻ tín dụng chưa nhiều và do thói quen tiết kiệm nên có lẽ chưa có ai phá sản vì nợ thẻ tín dụng.

Tỉnh táo khi quẹt thẻ

Năm 2010, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông qua quy định mới về thẻ tín dụng. Theo đó, công ty phát hành thẻ tín dụng không được phạt quá 25 USD cho mỗi hóa đơn trả chậm và phạt cao hơn số tiền mà người sử dụng thẻ vi phạm. Người dùng thẻ cũng sẽ không phải chịu phạt nếu không sử dụng thẻ để mua hàng.

Trước đó 1 năm, Tổng thống Obama cũng ký ban hành luật mới về thẻ tín dụng. Luật này nhằm bảo vệ người sử dụng thẻ, không cho các hãng thẻ tín dụng và ngân hàng phát hành thẻ tăng lãi suất đột ngột, dùng các loại phí ẩn cũng như phạt người sử dụng thẻ một cách không hợp lý.

Việt Nam vẫn chưa có luật dành cho thẻ tín dụng nhưng đã đến lúc cần xem xét vấn đề này. Trong khi chờ đợi luật ra đời, người muốn có thẻ hoặc đang sử dụng thẻ cần tỉnh táo. Điều đầu tiên cần làm là đọc kỹ mọi điều khoản của hợp đồng làm thẻ, trong đó có các quy định, điều kiện về lãi suất và thời hạn thanh toán.

Mức phí và lãi suất phải trả khi thanh toán tiền sai hạn không hề nhỏ. Phí rút tiền mặt với thẻ tín dụng cũng không thấp: tại Việt Nam là 4% trên số tiền rút và tối thiểu là 50.000 đồng/lần. Nếu thanh toán nợ chậm so với ngày quy định, ngoài lãi tính trên số tiền trả chậm, khách hàng còn phải chịu phạt 3-4% của số tiền chậm trả.

Câu “lãi mẹ đẻ lãi con” áp dụng cho thẻ tín dụng là vô cùng chính xác

Cũng cần cảnh giác với lãi suất 0% vì ẩn đằng sau có thể là những điều kiện rất khắc nghiệt. Chẳng hạn tại Mỹ, chỉ cần chậm trả nợ trong vòng 1 ngày thôi và cho dù đây là lần đầu tiên sai hẹn, lãi suất sẽ ngay lập tức nhảy từ mức 0% lên 24%. Nếu là lần thứ hai chậm nộp tiền vào tài khoản, người dùng thẻ sẽ chịu lãi suất 29%.

Do tâm lý không cảm thấy mất tiền khi quẹt thẻ nên nhiều người đã không kiểm soát được hành vi mua sắm của mình. Tốt nhất chỉ nên tiêu quá số tiền trong thẻ khi thật cần thiết và không nên đăng ký quá nhiều thẻ để đỡ tốn tiền phí duy trì thẻ hằng năm.

Đừng vì các ưu đãi và sự “nhiệt tình” của ngân hàng mà nhầm tưởng đó là các tổ chức từ thiện. FED cho biết, từ nhiều năm nay, kinh doanh thẻ tín dụng là bộ phận đem lại nhiều lãi cho các ngân hàng Mỹ. Dịch vụ thẻ đã mang lại cho JP Morgan, chẳng hạn, 1,3 tỉ USD trong tổng lợi nhuận 5,6 tỉ USD của Ngân hàng trong quý I năm nay.

Không chỉ có nguy cơ trở thành con nợ, việc mất thẻ hay bị ăn cắp mã số khi mua hàng qua mạng là những rủi ro có thể gặp phải khi dùng thẻ tín dụng. Do vậy, cho dù quẹt thẻ trông sành điệu và những ưu đãi ngân hàng hứa hẹn là hấp dẫn, người muốn có thẻ, đang dùng thẻ luôn phải tỉnh táo. Và nên nhớ thêm rằng “chẳng có bữa ăn nào là miễn phí cả”.

Theo Ngọc Trung - NCĐT
 
Top