Truyện ngắn

2,501
0
0

Haidang02

New Member
Cuối ngõ (Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế)



Chuyến tàu bốn giờ chiều tới ga, hôm nay có vài người uể oải mang hành lý, ngơ ngác xuống giữa sân bêtông.

Lão Thậm ngồi trên càng xe, dưới bóng xà cừ, trước cửa quán phở, ngóng mãi mà chẳng có ai hỏi đến chiếc xe chắp vá và con ngựa còm thiến sứt.

Nguyên là tù thường phạm, quê mạn Thậm Thình nên lão có tên là Thậm. Giờ thì lão sống bằng nghề xe ngựa, ở cuối ngõ cụt, trong cái trạm biến thế bỏ hoang.

Con ngựa thỉnh thoảng vẩy đầu xua ruồi, cái chuông gỉ dưới cổ nó kêu lên khành khạch. Lão lầm bầm rủa: "Con nỡm, có im đi không? Không có tiền thì nhác mõm". Lão kiếm khách, bốc xếp hàng, con ngựa kéo đi. Có tiền lão mua rau, mua gạo cho mình thì cũng mua ngô, mua cỏ cho ngựa.

Bỗng tiếng đàn bà chua lói:

- Ơi xe ngựa ơi! Lại đây, lại đây nào!

Chưa nhận ra ai nhưng thấy lỉnh kỉnh bao gói là tim lão đập rộn. Lão dắt ngựa lại gần bậc thềm, giẫm lên cái bóng ngả dài của khách.

Trước mặt lão, bà Kim Xuân, hội phó Hội Bảo thọ phường, đặc trách công tác hội viên, bán tạp hoá ở chợ. Lão giật mình bước ra khỏi cái bóng bà Kim Xuân.

Đang khao khát vào Hội Bảo thọ, phòng khi hai năm mươi. Thật là dịp trời cho lão được phục vụ người có "tiếng nói" ở phường.

Bà Kim Xuân độ ngoài năm mươi, goá chồng lâu. Con gái làm dâu xa, bà đơn lẻ. Bà không gầy cũng không hẳn là béo, xô nhão nhưng trắng ngớ. AÁo phin nõn trắng, quần lụa bóng, bà Kim Xuân vẫn là đối tượng được các ông trong Hội Bảo thọ tắc tỏm.

Lâu mới lên Hà Nội cất hàng, chuyến này bà Kim Xuân mua khá nhiều nên ra cửa chậm.
Thấy ông lão sức vóc còn phương phi lúng túng, bà Kim Xuân áy náy. Bà giúp một tay xếp hàng lên xe, ông ta ngăn lại:

- Dạ, không dám. Bà mặc tôi.

Lau chiếc ghế gỗ bóng ngời, thận trọng lót thêm tấm nilông, lão khom khom:

- Bà lên xe ạ.

- Dạ, không dám.

Không dám ngồi cùng, lão sợ mùi mồ hôi ngựa biết đâu chẳng bám ở người lão, khiến bà Kim Xuân khó chịu. Lão chạy gằn lóc cóc bên ngựa.

- Kìa, sao ông lão không lên xe nhỉ?

- Dạ, vâng....

Lão Thậm hổn hển. Bà Kim Xuân ngạc nhiên không hiểu tại sao ông ta có vẻ khiêm tốn thế nhỉ?

- Ơ hay, cái ông này có lên xe ngồi không?

Lão Thậm cuống quýt y lời, ngồi im thít phía tít càng xe chăm chú nhìn bước chân con ngựa, tay lăm lăm roi da.

Không khí oi nồng như sắp dông. Mồm ngựa sủi bọt trắng. Ôtô ngược chiều thi nhau còi xin vượt tranh thủ qua cầu.

Bà Kim Xuân mở quạt giấy, quạt thốc, chốc chốc lại phẩy về phía lão Thậm mấy nhát.

Lão Thậm run người mỗi lần được hưởng vài nhát quạt ấy của bà. Bà ta ngoái ra ngoài mui xe, che quạt ngang mày:

- Ráng vàng thế kia là sắp có bão đấy nhỉ?

Liếc chủ xe, ông ta nín thít, bà Kim Xuân lại ca cẩm:

- Thời buổi lắm hàng, tôi bị nhầm mất mấy chục nghìn.

Lão Thậm vẫn ngồi im.

"Người đâu mà có người như cục đất. Người ta gọi mà không biết đỡ lời, chuyện cho đỡ nhạt miệng". Bà Kim Xuân ném một cái nhìn thương hại lên cái lưng gù gù. Bà bỗng nhớ ra, từ ngày có Hội bảo thọ bặt không thấy lão Thậm. Có nhẽ ông ta chưa là hội viên. Bà thật là khiếm khuyết đã không chú ý đến ông lão xe ngựa.

- Ông Thậm này. Ông có bận lắm không mà không thấy ông đến sinh hoạt với hội?

- Dạ, vâng...

- Về làm đơn đi. Tôi sẽ đứng ra giới thiệu ông.

Sững sờ, lão Thậm vầy vò chiếc roi da rồi quấn trói vào một bên cườm tay.

- Vâng... vâng...

Chiếc xe ì ạch leo dốc. Nóng riết, con ngựa chả thiết đi, vào cua ngoặt chỗ đầu nhà máy hoá chất, con ngựa thiến sứt nhìn thấy mấy con ngựa cái non đang gặm cỏ nhởn nhơ dưới bãi, thế là tha hồ cho lão miết cương nó vẫn dằn cổ chằn chằn trực kéo cả chiếc xe xuống bãi cỏ.

Lão Thậm cảm thấy bị con ngựa làm nhục, giá như người khác ngồi trên xe thì thế nào cũng xong, đằng này lại là bà Kim Xuân chứng kiến sự bồi bại của con ngựa mà lão là chủ. Thiến rồi mà không biết điều còn sứt tý cà thì nước mẹ gì mà cũng tự dưng động cỡn. Một cục nghẹn ứ trong ngực lão... bỗng lão vung roi nhổm lên vụt von vót. Mỗi lần roi chạm đích là bung lên từng túm lông tía, lão bạnh hàm thầm rủa: "Tiên sư mày! Tiên sư mày".

Con ngựa oằn lưng, chồm chồm. Theo quán tính nó rướn ra giữa đường vừa lúc chiếc xe tải lao tới, con tía hốt hoảng quay ngược thì đuôi chiếc xe nó kéo, bị bánh sau của ô tô quệt phải.

Lão Thậm sõng soài giữa đám hoa cứt lợn đen nhẻm bụi. Con Tía tuột khỏi càng xe, một chân sau bị đau co ro dưới bụng. Nó bàng hoàng nhìn chủ.

Bà Kim Xuân vướng mui không văng ra nhưng bị lắc cùng với hàng hoá. Lóng ngóng mãi lão Thậm mới giải cứu được bà Kim Xuân. Bà nhợt nhạt như sắp ngất lịm. Bên chân phải bà tím bầm, sưng vù.

Xe tải chạy mất, đường vắng, sợ hãi khiến lão Thậm nhức nhối bàng quang. Bà Kim Xuân có mệnh hệ thì có dễ người ta lại lôi lão vào tù.

Bà Kim Xuân chưa đau đến nỗi phải nằm viện. Bà bị choáng ngất và bong gân, di chuyển phải chống nạng. Tuy bà Kim Xuân không hé răng phàn nàn mà lão Thậm tự ý biết phận đến bơm nước, đổi bình ga... cho bà.

Sáng sớm dong xe đi làm qua cửa nhà bà Kim Xuân, lão tạt vào nhận tiền và cái làn đi chợ. Đến trưa, hoặc gần tối, dù đang bận khách, lão cũng đành bỏ. Nhỡ ra bà Kim Xuân có việc gì ...

Những bữa lo việc bà Kim Xuân xong, không tiện đánh xe về trạm biến thế, lão Thậm moi túi quần ổ bánh mì, hay nắm xôi gói lá bàng ngồi nhai suông trên càng xe. Bà Kim Xuân nép mình bên cửa nhìn ra. Một hôm bà bùi ngùi bảo:

- Ông giong ngựa cả ngày, ăn uống thất thường, trong những ngày tôi còn đau chân, ông mang gạo lại đây tôi nấu ăn luôn thể.

Cắn râu mép, lão suýt nghẹn. Bà ta đã nhân đức không bắt bồi hoàn sức khoẻ. Lão đâu dám, đâu xứng ngồi chung mâm với bà. Chẳng qua người ta làm "chính trị" .

- Dạ, thưa bà...

Bà Kim Xuân thấy như có lỗi với lão Thậm vì chân phải đau hơi lâu. Không phiền lão không được. Con gái, cô thì vừa đẻ, cô thì ở nước ngoài. Hơn nữa có lão căn nhà trống hơi đàn ông lâu cũng đỡ quạnh. Để ông ta thực thi phận sự thêm vài bữa thì có làm sao.

Lão mày mò hỏi các phương thuốc nam chữa bong gân, sai khớp. Lão kiếm các thứ cây cỏ như người ta mách đem đến nhà bà Kim Xuân, đứng dưới hè gãi đầu gãi tai:

- Tôi mới tìm được loại thuốc nghe nói cũng hay, vô phép bà cho tôi chữa thử.
Nhìn vỏ cây gạo sao vàng, hạ thổ tẩm với rượu và nước đái để trong cái bát loa mẻ, bà Kim Xuân biết là thứ mình vẫn đang dùng.

- Ôi, quý hóa quá. Ông chữa ngay cho tôi.

Ngắm đôi bàn chân sạm đen của mình, lão Thậm cúi đầu.

- Lỗi bà. Bà cho tôi ở dưới sân.

Bà Kim Xuân ngồi ghế đẩu, chìa bàn chân đau ra trước mặt lão Thậm đang nửa quỳ nửa khom. Đôi bàn tay thô nháp vốc thuốc, nhứ nhứ hồi lâu, mới ngập ngừng đỡ bàn chân trắng trẻo, run run xoa thuốc lên. Lão rùng mình như nắm phải lửa. Suốt một cuộc đời gần sáu mươi năm của mình, đây là lần đầu tiên lão mặt đối mặt với một người đàn bà và được đụng chạm tới da thịt của người ta. YÁ nghĩ lão Thậm hoảng loạn "Trời ơi! Ta đang làm gì? Sao ta lại bày ra cái trò điên này?".

Thoạt đầu bà Kim Xuân tò mò muốn xem lão Thậm chạy chữa ra sao, nhưng lúc sau mặt bà đỏ như say trầu.

Bà quay đi để lão Thậm đỡ lúng túng.

...Đúng 6 giờ lão Thậm giong xe đến cổng nhà bà Kim Xuân, ngựa chưa kịp dừng chân, lão đã nhảy phắt xuống xách hai bao tải hàng bày trước hè quăng lên thùng xe.

Bà Kim Xuân từ tốn đi sau, thong thả trèo lên ngồi ở cái chỗ cao nhất, ngang hàng với xà ích và giữ một vẻ mặt đạo mạo lạnh lùng lướt qua hàng phố.

Đến cổng chợ, bà đi trước vào quầy hàng. Lão Thậm xăng xái quảy đôi bao tải theo sau. Đúng 6 giờ tối lão Thậm lại dừng xe trước cổng chợ và công việc lại diễn ra ngược với trình tự ban sáng.

Bà đã quen với nếp được đi đưa về đón. Còn lão Thậm thì cứ thầm mong ơn huệ của bà hội phó sẽ chiếu cố xét duyệt nhanh nhanh cho mình vào Hội Bảo thọ.

Rồi một hôm trên đường về chợ, bà Kim Xuân soi bộ quần áo vá víu của lão Thậm.

- Hôm này tôi giới thiệu ông mà cứ đóng bộ này là không ổn đâu.

- Dạ, vâng:

- Tối nay ông ở lại luôn nhà tôi để tôi bàn về việc ấy.

Lão Thậm dãn nở, nhưng nghe có việc hệ trọng thì không dám máy miệng.

Gian khách sáng loáng, lão Thậm không dám đặt đít vào đâu. Mãi mới dám ghé hờ chiếc xalông. Lão vừa tắm, tóc ướt, nức xà phòng thơm. Chồng bà Kim Xuân trước kia là người nhỏ bé mà lão Thậm lại to vóc, bộ quần áo mặc mượn chỉ muốn nứt tung. Không biết bà Kim Xuân sẽ dắt lão tới đâu. Sẽ làm gì lão. Hành hạ lão thế nào cũng xong, miễn là được vào cái Hội Bảo thọ.

Bà Kim Xuân đã kịp mặc bộ vải lanh mềm.

Bữa cơm tối tất bật.

Màu sắc và mùi vị mâm cơm khiến nước miếng tứa đau nhức hàm, đời lão, thường là chỉ được nhìn những bữa ăn ngon. Nếu bà ta đã cho lão ăn thì có nghĩa là không có chuyện lo. Kìa, bà Kim Xuân lại mang ra cả hũ rượu thuốc.

Ôi nhưng mà lão cai rượu đã lâu.

Suốt bữa, bà Kim Xuân chỉ nhấm mấy con bún còn thì luôn tay tiếp thức cho lão Thậm.
Chén thứ nhất... chén thứ hai....

Lơ mơ lão uống chén tiếp chén. Và bà Kim Xuân không có ý định can lão. Lão gắp nhầm quả ớt sừng bò, bỏ tọt vào mồm nhai ngấu nghiến mới biết.

Nửa đêm. Lão Thậm bừng tỉnh nhận ra mình nằm trên nền gạch hoa, đầu gối lên chiếc gối mút chứ không phải cái gối gỗ ở nhà. Khát đến nỗi tưởng như họng sắp bốc khói. Đèn ngủ xanh dịu, đủ nhận ra đồ vật ảo mờ. Lão Thậm châng lâng, và định trí tìm bàn nước thì thấy bà Kim Xuân nằm cách mình có một tầm tay với, áo quần hớ hênh...

Chợt nhớ, lão say được bà Kim Xuân dìu... không hiểu sao lão ngã lại kéo cả bà ngã cùng...

Giấc mơ Hội Bảo thọ thế là thành khói. Đã làm gãy chân người ta, giờ thì việc động giời. Lão nỡ nào nhìn mặt bà Kim Xuân. Ôi…! Tội của lão đã không ít. Việc này mà vỡ ra thì ...

Vụ lão Thậm với bà Kim Xuân rồi cũng rò rỉ. Thấy lão đâu là hàng phố xì xào: "Rõ dơ! Chịu nhịn được gần hết đời mà giờ lại đổ đốn". Thậm chí, có người tẩy chay, xúi bạn hàng không thuê lão chở hàng. Lão Thậm bơ vơ lại thêm bơ vơ. Quanh lão bầu không khí quánh đặc, dấp dính y như ngày mới ở tù ra.

Bà Kim Xuân chờ đợi một ngày, rồi suốt tuần mà không thấy lão Thậm. Bà tìm đến trạm biến thế điện ở cuối ngõ của khu phố đang hình thành, chỉ thấy cái hộp gạch hoang...

Lão Thậm bỏ đi một huyện lỵ núi. Con Tía thiến sứt ngã nước, thêm vết thương ở chân nó tái phát. Bấm bụng lão bán Tía cho người nấu cao. Gửi xe vào trái của một nhà hàng phở, lão về chợ ngựa thành phố tìm mua con khác.

Buổi tối thành phố sau hai năm biệt tích, trước cổng chợ, lão Thậm đang vê thuốc lào thì thấy bà Kim Xuân.

Bà đi trước và sau là lão già hom hem, ria vểnh ngược, bóng nhẫy, quẩy hai bao tải hàng. Chiếc xe ngựa đang chờ họ. Con ngựa thiến lông hoàng thổ còn kém cân lạng con tía thiến sứt của lão bao nhiêu. Thọc ngón tay vào miệng, lão nghiến răng ư hự...

Bà Kim Xuân leo lên ngồi sát bên thằng cha ria vểnh.

Mãn nguyện. Xà ích ra roi. Chiếc xe lắc lư chuyển bánh...
 
21
0
0

MeViAn

New Member
Cây, lá và gió

Nếu bạn muốn có tình yêu của ai đó… đầu tiên hãy yêu người đó trước đã...

Cây

Lý do tôi được gọi là cây là vì tôi thích vẽ cây, một thời gian dài, tôi vẽ 1 cái cây nhỏ ở góc những bức tranh của tôi. Tôi đã từng hẹn hò với 5 cô gái khi tôi còn học dự bị đại học, trong số đó có 1 người tôi rất mến, rất mến nhưng lại ko có can đảm để quen cô ấy. Cô ấy không có khuôn mặt xinh đẹp, không có những ngón tay thon dài,không có một ngọai hình nổi bật, cô ấy là một cô gái hết sức bình thường.
Tôi thích cô ấy, thật sự thích cô ấy, tôi thích sự ngây thơ, thích nét tinh nghịch, thích sự dễ thương , thông minh và yếu ớt của cô ấy. Lý do mà tôi không quen với cô ấy là vì tôi nghĩ người quá bình thường như cô ấy thì không hợp với tôi. Tôi cũng sợ rằng khi quen nhau rồi thì những tình cảm tốt đẹp tôi dành cho cô ấy cũng tan vỡ. Một phần cũng sợ những tin đồn sẽ làm tổn thương cô ấy. Tôi nghĩ rằng nếu cô ấy thật sự dành cho tôi thì cuối cùng cô ấy cũng sẽ là của tôi và tôi không việc gì phải từ bỏ mọi thứ vì cô ấy. Lý do cuối cùng đã khiến cô ấy ở bên cạnh tôi suốt 3 năm. Cô ấy nhìn tôi theo đuổi những cô gái khác và.. tôi đã làm cô ấy khóc suốt 3 năm đó…

Cô ấy muốn làm một diễn viên giỏi nhưng tôi lại là một đạo diễn vô cùng khắt khe. Khi tôi hôn người bạn gái thứ 2 thì cô ấy từ đâu đi tới, cô ấy rất bối rối nhưng cũng chỉ cười và nói “ cứ tự nhiên” trước khi chạy đi.Ngày hôm sau, mắt cô ấy sưng như một hạt dẻ. Tôi cố tình không hiểu lý do tại sao cô ấy khóc và chọc cô ấy suốt ngày hôm đó. Khi mọi người đi về hết, cô ấy ngồi khóc một mình trong lớp. Cô ấy không biết tôi quay trở về lớp để lấy đồ …và tôi đã ngồi nhìn cô ấy khóc hơn 1 tiếng

Người bạn gái thứ tư của tôi không thích cô ấy. Có một lần hai người đã cãi nhau, tôi biết theo tính cách của cô ấy , cô ấy chắc chắn ko phải là người gây chuyện nhưng tôi vẫn đứng về phía bạn gái mình. Tôi mắng cô ấy, cô ấy đã nhìn tôi với một ánh mắt thật sự shock, tôi đã không quan tâm đến cảm giác của cô ấy và bỏ đi với bạn gái của mình

Ngày hôm sau, cô ấy vẫn cười giỡn với tôi như không có chuyện gì xảy ra, tôi biết cô ấy bị tổn thương nhưng tôi nghĩ cô ấy không biết, tôi cũng đau như cô ấy vậy.

Khi tôi chia tay với người bạn gái thứ 5, tôi đã hẹn hò với cô ấy, sau khi đi chơi được vài ngày tôi nói với cô ấy tôi có chuyện muốn nói cho cô ấy, cô ấy nhìn tôi và cũng nói là có chuyện muốn nói cho tôi biết. Tôi nói cho cô ấy nghe về việc tôi chia tay và cô ấy nói cho tôi hay là cô ấy bắt đầu quen người con trai khác. Tôi biết người đó là ai, người đó đã theo đuổi cô ấy một thời gian dài, một ngừời con trai rất dễ thương, năng động và đầy sức sống. Việc người đó thích cô ấy đã được bàn tán trong trường một thời gian dài.

Tôi không thể nói cho cô ấy biết là tim tôi đau như thế nào, tôi chỉ cười và chúc mừng cô ấy. Khi tôi về tới nhà, tim tôi đau đến nỗi tôi không thể đứng vững nổi nữa, giống như có một tảng đá đè nặng lên ngực tôi, Tôi không thở nổi, muốn hét thật to nhưng không thể. Nước mắt rơi xuống, tôi gục ngã và khóc.Đã bao nhiêu lần tôi nhìn thấy cô ấy khóc vì một người đàn ông cũng không chịu hiểu cho cảm giác của cô ấy?

Sau khi tốt nghiệp, tôi cứ đọc mãi cái sms được gửi 10 ngày sau đó, nó nói “ lá rời cây là vì gió cuốn đi hay là vì cây không giữ lá lại”



Suốt thời còn học dự bị đại học, tôi rất thích đi nhặt lá, tại sao ư? Tại vì tôi thấy để một cái lá rời khỏi cái cây mà nó đã dựa dẫm lâu như vậy cần phải rất can đảm.Suốt thời gian học dự bị, tôi luôn ở rất gần một người con trai, không phải là bạn trai đâu… chỉ là bạn bè thôi. Khi anh ấy có người bạn gái đầu tiên. Tôi học được một cảm giác mà trước giờ tôi nghĩ là mình ko thể có – Sự ghanh tị. Nỗi cay đắng đó không thể diễn tả bằng lời, giống như là cực đỉnh của đau khổ vậy. nhưng sau đó 2 tháng thì họ chia tay, tôi chưa kịp vui mừng thì anh ấy lại quen tiếp một người con gái khác
Tôi thích anh ấy và tôi biết rằng anh ấy cũng thích tôi. Nhưng tại sao anh ấy lại không hề biểu hiện? Tại sao anh ấy thích tôi mà lại không chịu bắt đầu trước. Mỗi lần anh ấy có bạn gái mới là một lần tim tôi đau nhói. Thời gian trôi qua, tim tôi đã vì anh ấy mà tổn thương rất nhiều. Tôi bắt đầu tin rằng đây chỉ là tình cảm đơn phương của mình tôi mà thôi.Nhưng nếu anh ấy không thích tôi thì tại sao lại đối xử tốt với tôi như vậy. Nó khác xa với việc anh ấy làm vì tình bạn. Thích một người sao mà khổ như vậy. Tôi có thể biết anh ấy thích gì, biết sở thích của anh ấy, nhưng tình cảm anh ấy dành cho tôi thì tôi không thể hiểu được và tôi cũng không thể nào mở lời được.
Trừ việc đó ra, tôi vẫn muốn được ở bên cạnh anh cấy, quan tâm anh ấy, chăm sóc anh ấy và yêu anh ấy, hi vọng một ngày đẹp trời nào đó anh ấy sẽ thay đổi và yêu tôi, kiểu như đợi điện thọai của anh ấy mỗi đêm, muốn anh ấy gửi tin nhắn cho mình… Tôi biết cho dù anh ấy bận thế nào, anh ấy cũng sẽ dành thời gian cho tôi. Bởi vì như vậy nên tôi đã chờ anh ấy. 3 năm thật khó mà trôi qua và nhiều lúc tôi cũng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Thỉnh thỏang, tôi tự hỏi liệu tôi có nên tiếp tục đợi chờ hay không? Nỗi đau, sự tổn thương và nỗi ám ảnh đã theo tôi suốt 3 năm.
Cho đến năm tôi sắp tốt nghiệp, một chàng trai nhỏ hơn tôi 1 tuổi đã công khai theo đuổi tôi. Mỗi ngày anh ấy đều thể hiện tình cảm với tôi,anh ấy như một cơn gió, cố thổi một chiếc lá ra khỏi cành cây mà nó dựa dẫm, ban đầu tôi thấy hơi khó chịu, nhưng dần dần tôi đã dành cho anh ấy một góc nhỏ trong tim mình. Đến cuối cùng, tôi nhận ra rằng cơn gió đó có thể làm tôi hạnh phúc, có thể thổi tôi tới một vùng đất tốt đẹp hơn…cho nên cuối cùng tôi đã rời cây, nhưng cái cây chỉ cười và không hề khuyên tôi ở lại.

Lá lìa cành là vì gió thổi hay vì cây không giữ lá ở lại??

Gió

Bởi vì tôi thích một cô gái được gọi là Lá, bởi vì cô ấy quá dựa dẫm vào cây cho nên tôi phải trở thành một cơn gió mạnh, một cơn gió có thể cuốn cô ấy đi. Lần đầu tiên tôi gặp cô ấy là khỏang 1 tháng sau khi tôi chuyển trường tới đây. Tôi nhìn thấy một cô gái nhỏ nhắn hay nhìn đội trưởng và tôi chơi đá bóng. Suốt thời gian đó, cô ấy luôn ngồi đó , một mình hoặc với những người bạn chỉ để nhìn đội trường. Khi anh ấy nói chuyện với những cô gái khác, tôi nhận thấy sự ghen tị trong mắt cô ấy, khi anh ấy nhìn cô ấy, tôi lại thấy nụ cười trong mắt cô ấy. Nhìn cô ấy trở thành một sở thích của tôi, giống như cô ấy thích nhìn anh ấy vậy.

Một ngày, cô ấy không xuất hiện nữa, tôi cảm thấy như có gì đó trống vằng vậy. Tôi không thể giải thích nổi cảm giác của mình lúc đó , cảm thấy như là khó chịu lắm vậy, bữa đó đội trưởng cũng không tới , tôi tới lớp của 2 người, đứng ở ngòai và nhìn thấyanh ấy đang la mắng cô ấy. Mắt cô ấy ngân ngấn nước khi anh ta đi. Ngày hôm sau, tôi thấy cô ấy trở lại bình thường, vẫn ngồi đó và ngắm anh ta. Tôi đi ngang qua cô ấy và cười, tôi viết một lời nhắn và đưa cho cô ấy, cô ấy hơi ngạc nhiên, cô ấy nhìn tôi , cuời rồi nhận mảnh giấy. Ngày hôm sau, cô ấy xuất hiện, đưa tôi mảnh giấy rồi đi

“Trái tim của chiếc lá quá nặng nề, gió không thể thổi đi được đâu”
“Không phải tại vì trái tim chiếc lá quá nặng nề. Nó bởi vì chiếc lá không muốn rời hkỏi cây”
Tôi trả lời lời nhắn của cô ấy như vậy và dần dần cô ấy đã chấp nhận những món quà và điện thọai của tôi. Tôi biết người cô ấy yêu không phài là tôi. Nhưng tôi có linh cảm là một ngày nào đó tôi có thể làm cho cô ấy thích tôi. Trong vòng 4 tháng , tôi công khai tình cảm của tôi với cô ấy không dưới 20 lần . Mỗi lần như vậy, cô ấy đều chuyển đề tài, nhưng tôi không bỏ cuộc. Nếu tôi đã quyết định muốn có cô ấy, tôi sẽ làm mọi cách để cô ấy thích tôi. Tôi không thể nhớ nổi là tôi đã tỏ tình với cô ấy bao nhiêu lần. Mặc dù cô ấy lảng tránh nhưng trong lòng tôi vẫn nuôi hi vọng, hi vọng một ngày cô ấy sẽ chịu làm bạn gái của tôi.
Một hôm tôi gọi điện cho cô ấy nhưng cô ấy không nói gì cả. tôi hỏi cô ấy “ em đang làm gì vậy, sao em ko nói gì hết vậy”, cô ấy nói “ Đầu của em đau lắm” “hả?” “đầu em đau lắm” cô ấy lặp lại to hơn. Tôi cúp máy và vội vàng đón taxi đến nhà cô ấy, khi cô ấy vừa ra mở cổng, tôi ôm ghì cô ấy vào lòng….và từ hôm đó…chúng tôi là một cặp .

NeutralVậy lá rời cây là vì gió thổi đi hay vì cây đã không giữ lá lại?... Neutral
 
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Cây, lá và gió

Hic! Chuyện MeVian kể đọc mấy lần rồi, mà thấy buồn chết đi được!!!
 
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Ðề: Hãy bế em ra khỏi cuộc đời anh

Thèm... hôn

Trời đất ơi!. Lâu quá rồi, không hôn một em gái nào!

Giữa bàn cà phê dăm bảy người lơ đãng, Ngoan bỗng dưng bật nói thật to, như là vừa phát hiện một điều lý thú, hay phát giác chuyện động trời. Tuy nhiên, giọng của hắn thì buồn thiu, như đó là điều tệ hại. Vài người ngó theo ánh mắt của Ngoan, xem thử có em gái nào vừa đi qua, khiến anh chàng bỗng nảy sinh liên tưởng không. Nhưng, không có một em gái nào.

Đám xe ôm cười hô hố. Nhưng mặt Ngoan thì tỉnh rụi. Bảy Dậu - một người đàn ông trung niên lực lưỡng, râu ria xồm xoàm vỗ vai Ngoan một cái thật mạnh, cười ha hả: “Bộ đang chán gấu mẹ vĩ đại hả chú em? Tao có một mối không đến nỗi tệ, nếu thích gật một cái, tao kêu. Hôn hít cái đếch gì. Đánh vật tơi tả luôn”. Đám xe ôm lại cười ha hả. Mặt Ngoan hơi sượng. Anh chàng rít một hơi thuốc, mắt nheo nheo, nói như chỉ cho mỗi mình nghe: “Tui có thèm cái khoản đánh vật đâu. Tui thèm hôn kia mà!”.

Nói rồi, Ngoan đứng lên rời khỏi bàn cà phê, đi lại chỗ dựng xe của mình.

Ngoan năm nay ba sáu tuổi, đã có một vợ hai con trai. Ngoan có mười năm làm công nhân xưởng in. Nhưng gần năm nay, đường tắc, kẹt xe liên tục khiến Ngoan không thể đảm bảo giờ giấc, đành xin nghỉ ở nhà. Tính Ngoan là vậy, hắn không thích để ai xài xể mình. Ở nhà, không biết làm gì tiện hơn là chạy xe ôm. Ai mà không chạy xe ôm được. Xách xe chạy ra đường thì thành thằng xe ôm. Nói vậy thôi, chứ trong cánh xe ôm xóm đường tàu này, Ngoan có người bảo kê nặng ký là chú Bảy Dậu - người cùng xóm.

Còn lúc này đây, Ngoan ngồi trên xe mà cảm thấy bứt rứt không yên. Tự nhiên cái ý nghĩ quỷ quái thèm hôn lại đến. Chắc chừng bảy năm rồi hắn và vợ hắn không hôn nhau. Nói rõ hơn là hai cái miệng không còn gắn vào nhau, để cho lưỡi lùa lách nhau. Khoảng chừng bảy năm, đối với Ngoan việc đánh răng trước khi đi ngủ cũng rất chểnh mảng, tùy hứng. Còn lưỡi thì chẳng bao giờ được cạo sạch bằng cái thanh nhựa vốn vẫn xuất hiện trong ống đồ dùng vệ sinh cá nhân. Chừng bảy năm, Ngoan thấy vợ vẫn đánh răng, cạo lưỡi đều đặn hằng đêm, nhưng đó có lẽ chỉ do thói quen sạch sẽ tỉ mỉ của phái nữ, chứ chẳng phải làm sạch miệng để… hôn nhau.

Khi còn làm ở xí nghiệp in Ngoan có chơi với một ông nhà thơ sồn sồn. Ông nhà thơ này sống độc thân, nên thỉnh thoảng có dẫn Ngoan đi ăn nhậu, chơi bời tí chút. Thật thà mà nói Ngoan cũng có vài cô gái ở ngoài, nhưng cũng chẳng bao giờ hôn nhau. Ý của Ngoan là miệng chẳng bao giờ gắn vào nhau. Vồ vập lắm thì cũng hôn nháo nhào, dúi dụi đâu đó rồi chợt buông, chợt hẫng, rã rời. Miệng lưỡi như bị bỏ quên ở đâu, bị đánh rơi từ tận kiếp nào.

Ngoan chợt buồn và chợt thèm. Thèm hôn.

Có lẽ nụ hôn chỉ thực sự đến khi hai người yêu nhau, muốn khám phá lẫn nhau. Nụ hôn là một hình thức cũ, nhưng nội dung thì luôn luôn mới. Ngoan nghĩ nôm na vậy. Rồi hắn lại miên man tiếp: “Chẳng lẽ mình lại bi kịch như thế sao? Chẳng lẽ đã đánh mất nụ hôn rồi hay sao? Mình già cái chắc rồi?”- Những ý nghĩ dớ dẩn ấy cứ bám riết lấy Ngoan, ngay cả khi hắn đang chạy ngoài đường chở khách.

Khách của Ngoan là một cô gái rất trẻ, có thể nói là xinh. Cô mặc một chiếc quần jean, áo pull khá mốt, như thông thường chúng ta vẫn thấy ở những cô gái trẻ. Cô không xách, đội cái gì cả. Như từ trong nhà bước ra, ngoắc xe ôm chở đi dạo chơi một vòng vậy. Ngoan nhìn cô gái, cảm thấy một chút lạ lẫm, buồn cười: “Em không cầm mũ bảo hiểm theo hả?”. Cô gái trẻ nhìn Ngoan: “Chú chạy xe ôm chú phải có mũ bảo hiểm cho người ta chứ. Chú không có, tui kêu xe khác?”. Chú và con. Giọng nghe rất xấc. Ngoan thấy bất mãn tới mức muốn đuổi cô gái đi. Nhưng nghĩ phận xe ôm, hắn tự cười thầm, cầm cái mũ bảo hiểm đưa cho cô gái. Một cái mũ bảo hiểm màu xanh, như mũ công nhân cầu đường, bạc màu, trầy trụa. Cô gái cầm cái mũ bảo hiểm ngắm nghía: “Cái mũ này chú lượm ở đâu vậy? Sao chú không mua cái mũ mới, dán hình decal ngôi sao Hàn Quốc cho đẹp. Mũ gì, nhìn thấy ghê”.

Nói vậy, nhưng cô gái vẫn đội cái mũ lên đầu, nói địa chỉ cần đến. Ngoan “tắt giọng” luôn từ đó. Trong khi chở cô gái đi, hắn nghĩ: “Một cô gái trẻ đẹp như thế này. Nếu chỉ nhìn thôi, mình đã có thể rất muốn hôn. Nhưng khi nghe cô nói chuyện vô duyên như thế, thì liệu có hôn được nữa hay không?”. Trong khi Ngoan nghĩ, thì cô gái tiếp tục nói: “Con ngựa. Cái thằng bồ của tui. Nó kêu tới chở tui đi ăn sáng, uống cà phê mà giờ này lặn đâu mất tiêu. Tui định gọi cho nó, mà điện thoại hết tiền. Con ngựa. Tui tới phòng trọ nó mà gặp nó đang úm con nào là tui... thiến”. Cô gái nói rất hăng, vành mũ bảo hiểm cứ thụi vào lưng Ngoan liên tục. Ngoan trân mình chịu đựng, hắn cảm thấy thật chán nản, nhưng ý nghĩ thèm hôn vẫn không rời. Tất nhiên là không phải với cô gái này.

Buổi cơm tối khá đạm bạc, lèo tèo vài con cá nục chiên, rau muống luộc và nướng rau muống. Ngoan kêu vợ chiên thêm mấy cái trứng cho hai thằng nhóc. Vợ Ngoan lườm hắn: “Hoang phí. Mà ăn trứng thì bổ béo cái gì? Giá cả đang leo thang chóng mặt. Cả nhà phải tuyệt đối thực hiện chính sách tiết kiệm”. Nghe vợ nói vậy, Ngoan lại “tắt giọng”. Được cái hai thằng nhóc cũng dễ nuôi. Chúng ăn uống xì xoạp, loáng cái đã đứng lên vuốt bụng căng tròn như cái trống. Thôi vậy cũng được rồi, chưa đói là may. Ngoan tự an ủi. Còn lại hai vợ chồng. Vợ Ngoan bỗng nhỏ nhẹ: “Hôm nào có tiền, anh mua cho em một cân thịt heo ngon để em làm heo quay cho cả nhà ăn. Lâu quá không ăn heo quay, em thèm!”.

Vợ Ngoan nấu ăn tương đối khéo, riêng món heo quay có thể nói là số một. Ngoan cũng thích ăn heo quay với bánh hỏi. Nhưng nghĩ đến đó Ngoan chợt thấy mắc cười: “Trời đất, trong khi mình đang thèm hôn thì bả lại thèm heo quay, thiệt là tréo ngoe!”.

Đêm đó, đi nằm rồi, Ngoan nghĩ sao, chợt nhổm dậy đi đánh răng. Đứng trước chiếc gương trong nhà tắm, Ngoan nhe hàm răng ra, thấy ố vàng khói thuốc, lưỡi nhuộm nâu màu cà phê. Ngoan thấy ngán ngẩm với hàm răng của chính mình. “Có lẽ, nên bỏ thuốc lá thôi” - Ngoan vừa nghĩ vừa đẩy bàn chải thật mạnh, đến mức va vào lợi, bật máu.

Những buổi tối sau đó, Ngoan tiếp tục triển khai đánh răng, cạo lưỡi đều đặn. Nhưng hắn vẫn chưa tìm ra “lý do” gì để hôn vợ. Một đêm, trong khi đang ôm nhau, vợ hắn âu yếm hỏi: “Anh thấy kem mùi bạc hà với mùi dâu mùi nào dễ chịu hơn?”. Ngoan cười: “Anh thấy mùi bạc hà sảng khoái hơn. Mùi dâu tụi con nít chắc khoái”. Vợ Ngoan nói: “Nhưng em lại thích mùi dâu. Anh nghe thử có dễ chịu không”. Nói xong, vợ Ngoan ghé miệng mình vào mũi hắn phả một làn hơi nhẹ. Hắn thấy thơm thơm, làm bộ hít hít, nhưng rồi lại nói: “Mùi này của con nít mà”. Vợ Ngoan nghe vậy liền rụt mình lại, không nói gì, lẳng lặng quay lưng, úp mặt vào tường.

Xe chạy qua một con đường đất vắng, rợp mát bóng cây, rồi quẹo qua sân banh. Một cái sân đất nhỏ vẫn thường làm nơi tụ tập cho bọn nhóc trong xóm đá banh vào buổi chiều. Bọc quanh sân banh là những hàng cây tràm bông vàng tươi tốt. Chạy tắt qua sân banh là đến nhà dì Chín. Ngoan đang chở dì Chín đi chợ về nhà. Dì Chín là mối ruột mà Ngoan mới kiếm được gần tháng nay.

Đường vào nhà dì Chín còn có đường đi khác, nhưng Ngoan vẫn thích tắt qua lối này. Mỗi khi chạy ngang qua sân banh, hắn nghĩ: “Mai mốt dắt tụi nhỏ ra đây đá banh chơi!”. Nghĩ vậy nhưng rồi có rảnh rang bao giờ đâu. Chuyện áo cơm cứ tối mặt tối mày.

Chợt Ngoan thấy dưới gốc một cây tràm, có một đôi trai gái đang quấn vào nhau, mắt nhắm tịt lại, hai môi không rời. Trời đất, mới hơn chín giờ sáng mà đã hẹn hò ra đây, tình tự quá cỡ. Ngoan muốn ngó lảng đi vì xấu hổ, nhưng rồi hắn cứ mở to mắt nhìn. Lồng ngực Ngoan như rung lên. Tay lái hắn loạng choạng, rồi bất thần ngã uỵch một cái. Đôi trai gái nghe tiếng động chợt rời ra. Ngoan hoảng hồn đỡ dì Chín dậy. Cũng may không sao. Nhưng giỏ đồ ăn thì văng tung tóe.

Khi Ngoan đưa dì Chín về đến nhà, hắn lung búng nói xin lỗi, không nhận tiền. Nhưng dì Chín kiên quyết ấn tiền vào tay hắn rồi nói: “Ngày mai khỏi rước dì nữa nghen. Mày chạy ẩu quá. Để dì kêu người khác”.

Ngoan quay xe về bến, buồn thiu. Vậy là hắn đã để mất mối làm ăn vì một chuyện bá láp là nhìn người ta hôn. Ngoan cảm thấy không thể tha thứ cho mình. Thế nhưng, khi “tua” lại cảnh đôi trai gái trẻ đang đắm chìm vào nhau, Ngoan lại thấy bứt rứt không yên. Cơn thèm hôn lại đến.

Ngoan bất ngờ nhận điện thoại của nhà thơ sồn sồn, nhân viên kỳ cựu của nhà in. Nhà thơ sồn sồn bảo: “Gần tết rồi, nhà in đang cần thợ làm ca đêm. Chú mày thu xếp được không?”. Ngoan nói ngay: “Dạ, được”. Nhà thơ sồn sồn hỏi: “Vậy tối mai đi làm luôn nghen”. Ngoan vồn vã: “Làm luôn tối nay cũng được”. Nhà thơ sồn sồn cười: “Tối mai đi. Chiều tối nay hai thằng mình kiếm chỗ cụng ly cái cho vui, hả?”. Ngoan cười: “Dạ, nhất trí”.

Gặp nhà thơ sồn sồn, sau khi làm vài chai, Ngoan dốc bầu tâm sự. Hắn kể chuyện bỗng dưng thèm hôn. Chuyện hắn thèm hôn mà con vợ thèm heo quay. Chuyện hắn nhìn thiên hạ hôn nhau mà té ngã xe, mất mối làm ăn. Chuyện thời buổi gì mà kiếm tiền khó khăn… thí mộ nội.

Nhà thơ sồn sồn nghe hắn nói xong, bèn cười độ lượng: “Chú còn thèm hôn là tốt, không có gì phải xấu hổ cả. Chứng tỏ tuổi thanh xuân của chú vẫn tràn trề. Nhưng hỏi thiệt, xưa giờ chú hôn được mấy em rồi?!”. Ngoan gãi đầu: “Dạ, nếu gọi là hôn cho ra hôn thì chỉ có mỗi con vợ em!”. Nhà thơ sồn sồn bật cười: “Dở ẹc. Hồi trẻ cỡ tuổi mày, là tao hôn muốn… mòn cái lưỡi”. Ngoan xua tay: “Xạo. Vậy sao đến giờ anh còn ở một mình?”. Nhà thơ sồn sồn nheo mắt: “Lắm mối tối nằm không. Chú không nghe hả. Nhưng nằm không mà hồi tưởng lại những nụ hôn thì cũng đã lắm nghen”. Ngoan bối rối: “Bây giờ mà hôn con vợ, nói thiệt tui thấy nó kỳ kỳ làm sao đó. Nhưng, đâu có con nhỏ nào tự nhiên đưa cái mỏ nó cho mình hôn đỡ thèm?”. Nhà thơ sồn sồn bật cười: “Chuyện đó thì tao cũng bó tay thôi. Tao chỉ có thể giúp chú em được một chuyện”. Ngoan hỏi: “Chuyện gì?”. Nhà thơ sồn sồn lấy trong túi ra mấy tờ giấy năm chục dúi vào tay Ngoan, giọng chân tình: “Cầm lấy đi, lát về ghé tiệm heo quay A Sáng mua một ký về cho vợ con. Tiệm A Sáng không tệ đâu!”.

Ngoan về tới nhà thì đã khuya. Hai thằng nhóc đã ngủ say. Vợ Ngoan vẫn còn thức ngồi kết bông vải. Đây là công việc cô vừa kiếm được để làm thêm vào dịp tết. Ngoan lẳng lặng đi thẳng vào bếp, mở bịch thịt heo quay xếp đầy một dĩa to, phần còn lại cất vào tủ lạnh. Vợ Ngoan vẫn cắm cúi làm, coi như không thấy Ngoan trên đời. Cho đến khi Ngoan đặt dĩa thịt heo quay trước mặt thì cô nàng mới ngẩng lên: “Heo quay hả? Tiền đâu mà anh mua? Sao không mua thịt về cho em làm?”. Ngoan tủm tỉm: “Heo quay tiệm A Sáng cũng không đến nỗi tệ đâu. Anh làm thử một miếng rồi. Em ăn đi!”. Vợ Ngoan cầm lên một miếng, bỏ vào miệng ăn ngon lành. Nhưng rồi cô lại hỏi: “Bữa nay anh vô mánh hả?”. Ngoan lắc đầu: “Mánh mung gì đâu. Anh làm mất mối dì Chín luôn rồi”. Mặt vợ Ngoan hơi xị xuống: “Sao vậy, mối ruột mà? Anh làm ăn kiểu gì vậy”. Ngoan tủm tỉm cười: “Em đừng lo, ngày mai anh đi làm xưởng in lại rồi. Làm ca đêm, ban ngày anh sẽ ở nhà kết bông với em!”.

“Tối nay em đánh răng kem bạc hà, anh nghe có dễ chịu không?” - vợ Ngoan thỏ thẻ. Ngoan nghiêng người đưa mũi vào sát miệng vợ. Mùi hương bạc hà thơm thơm. Ngoan ướm thử miệng vào môi vợ. Cô để im, nhưng tay ghì lấy người Ngoan thật chặt. Ngoan quyết định sẽ hôn thật đậm đà. Hắn áp sát khuôn mặt của mình vào mặt vợ. Nhưng đúng lúc đó thì cô nàng đẩy hắn một cái thật mạnh: “Trời ơi, anh chưa đánh răng hả? Miệng anh mới nhậu về hôi quá. Đi đánh răng đi ông tướng”.

Ngoan vội nhảy khỏi giường, vào nhà tắm đánh răng thật kỹ. Hắn đẩy bàn chải thật mạnh, va cả vào lợi, bật máu. Xong, hắn thử thở vào lòng bàn tay. Vẫn còn nghe mùi hôi. Hắn lại quẹt kem, đánh răng một lần nữa. Lần này thì hắn không quên dùng thanh nhựa nạo sạch lưỡi.

Ngoan hân hoan bước ra. Hắn mường tượng một bữa hôn đã thèm. Nhưng khi chui vào giường thì hắn thấy vợ đã ngủ say tự lúc nào. Trên môi cô nàng là một nụ cười tươi tắn lạ lùng. Không biết là vì đang mơ thấy nụ hôn của Ngoan hay vì mấy miếng thịt heo quay hồi nãy?!

Sài Gòn - Làng Mai
2008

Trần Nhà Thụy
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Truyện ngắn

Hôm trước là ngày lễ của Mẹ ở Pháp, mình tự nhiên muốn đọc lại truyện này. Đây là truyện ngắn mà mình yêu thích nhất. Ngày xưa mình cũng được mẹ tặng một bộ sách, mẹ cũng chẳng biết tiếng Anh, chỉ nghe ai kể là quan trọng lắm là mẹ lặn lội đi mua. Thời đó mua được bộ sách ấy không dễ. Sách in đen xì, nhưng bao nhiêu năm nay đi đâu mình cũng mang theo.

Quà của Mẹ
Nguyên Hương

Chị suy đi tính lại mãi. Sinh nhật... " Sinh nhật là chuyện của những đứa con nhà giầu". Chị lẩm bẩm thành tiếng: "Nó không thể trách mình được, lo cho bầy con ăn học hàng ngày là một chuyện vất vả lắm rồi. Còn sinh nhật, picnic... Trời ạ!"

Chị thấy tội cho con gái. Mười lăm tuổi, lứa tuổi bạn bè mơ mộng này nọ, thì nó, ngoài giờ học phải khom người bên cái cối xay đậu nành giúp chị, rồi khi chị gánh đậu hũ đi bán thì cơm nước giặt giũ... Tội nghiệp, buổi tối nó xin chị đi học thêm tiếng Anh mà tám ngàn đồng mua quyển sách chị vẫn chưa cho con tiền muạ Tối nào nó cũng mượn sách của bạn về ngồi chép lại bài.

"Nếu mình có tiền... " Chị thở dài, nỗi ước mơ thường hiện trong tâm trí. Thôi thì lại an ủi con: "Nhà mình nghèo quá, tìm cách khéo khéo từ chối bạn bè nghe con". Đã bao nhiêu lần nhận được thiệp mời sinh nhật của bạn bè, con chị phải lắc đầu kiếm cớ không đến...

Nhưng tấm thiệp màu hồng chiều nay thật khó xử - " Đây là lần cuối cùng tao còn gặp gỡ bạn bè. Vài ngày nữa tao theo ba má xuất ngoại. Nhớ đến với tao nghe Thuỳ".
Nhìn con gái cứ đọc đi đọc lại tấm thiệp rồi cắn môi nhìn đâu đó trên trần nhà, chị lo lắng"..\ .Con gái lớn... Biết đâu... "

- Đọc cho mẹ nghe cái thiệp viết gì vậy Tèo ?

Thằng Tèo, đang học lớp hai, phồng môi phồng má đánh vần những dòng chữ bay bướm nghiêng nghiêng. Chị nghe xong thở dài !

Nếu một ngày dài ra thêm một buổi thì chị sẽ gánh thêm hàng đi bán . Nếu mình trúng số... Nếu... Nếu... Nhưng chẳng có cái "nếu" nào xảy ra cả. Chị buồn rầu nhìn con lặng lẽ làm công việc thường ngày và vẫn ngoan ngoãn "da" mỗi khi chị gọi.

- Con có dịnh dự tiệc chia tay với bạn không ? - Chị bật hỏi.

- Gần thi rồi, con ở nhà học bài mẹ ạ!

Con chị trả lời thản nhiên nhưng chị thấy nỗi luyến tiếc đầy trong mắt nó.

Chị thấy thương con đến quặn lòng:

- Sang năm mẹ sẽ tổ chức sinh nhật cho con - Chị buột miệng. Vì muốn bù đắp cho con nên chị muốn nói điều gì đó thật đặc biệt mà chị không kịp suy nghĩ.

Thuỳ kinh ngạc mở to mắt nhìn mẹ.

* * *

Cuộc sống dường như có mục đích mới. Chị tằn tiện dè sẻn từng đồng. Chị nhất định cho con có một ngày vui. Mục đích này khiến chị phấn chấn hơn. Chừng như chị đã vượt qua được những lo toan cơm áo hàng ngày để vươn tới một mối quan tâm tốt lành hơn.
Buổi tối, khi các con ngủ say, chị ngồi nhẩm tính đã giành dụm được bao nhiêu. Rồi chị làm một việc rất ư lãng mạn là nhớ ngày sinh của các con. Ngày sinh thằng út là ngày buồn nhất vì anh chết trước đó máy tháng. Thằng Tèo sinh ra vào một ngày mùa hè, cây phượng ngoài sân bệnh viện sản đỏ rực hoa. Còn Thuỳ là một ngày giáp Tết, anh chị đã mua sắm cho đứa con đầu lòng bao nhiêu là quần áo thêu xinh xắn... Chị mỉm cười vui vui tưởng tượng đến một ngày sang năm, con của chị mặc một cái áo đầm màu hồng kết thật nhiều ren và những cái nơ xinh xinh cài trên tóc.

Trận sốt xuất huyết của cu út làm tiêu tan số tiền dành dụm của chị . Thùy dường như đã quên lời hứa đột ngột của mẹ, cô bé vẫn làm công việc như thường ngày và dạo này lại còn nghêu ngao hát. Chị lặng im vì biết vậy là thôi rồi. Biết là thôi mà lòng vẫn bứt rứt. Càng gần đến ngày sinh của Thuỳ, chị càng thấy nao nao.

Buổi chiều vào đúng ngày sinh của Thuỳ, chị đặt gánh đậu hũ dưới bóng mát của mái hiên một cửa hàng bán sách. Cô bán hàng gọi một chén đậu hũ.

Trong lúc ngồi chờ cô bán hàng ăn, chị nhìn dãy kệ cao chất bao nhiêu là sách bìa trắng, bìa đỏ, bìa vàng... Đập vào mắt chị là quyển sách quen thuộc mà đêm đêm Thuỳ mượn bạn bè về ngồi chép lại. Chị không biết chữ nhưng quyển sách quen đến nỗi chị nhận ra ngay - Bìa màu xanh dương, dày khoảng một đốt rưỡi ngón tay và hàng thẳng, chỗ dài, chỗ ngắn chị nhớ rất rõ.

- Quyển sách đó bao nhiêu vậy cổ- Chị rụt rè hỏi.

- Quyển nào hở chị ?

- Dạ đó, quyển có chữ đầu cong cong...

- À! Stremline tập một. Tám ngàn

Chị thò tay nắm cuộn giấy bạc được cột dây thun cẩn thận trong túi. Nó cần quyển sách này từ năm ngoái, thằng út mới đau dậy, tiền thuốc, tiền thầy... Đủ thứ tiền trên đời.

- Cô bán cho tôi quyển đó đi... Rồi cô viết dùm...

-...

- Cô viết dùm tôi... "Mẹ tặng con vào ngày mẹ sinh ra con"- Chị bối rối đến đỏ mặt...

- Viết như thế này hay hơn - Cô bán hàng vui vẻ cầm bút - " Con yêu quí của mẹ, mẹ tặng con nhân ngày sinh nhật. Mẹ yêu con lắm".

- Da... cám ơn cô !

- Có cần gói giấy màu thắt nơ không chị ?

Chị ngần ngừ. Cô bán hàng nhìn vẻ phân vân của chị rồi cô nhìn ra gánh đậu hũ bên ngoài, giọng cô dịu dàng:

- Con của chị bao nhiêu tuổi?

- Da... mười sáu

- Tôi tặng chị giấy gói và cái nơ màu tím này.

Cô bán hàng gài cái nơ thật khéo lên gói giấy màu vàng hoa cúc và mỉm cười trao cho chi.

* * *

Sợ lũ nhỏ ganh tỵ, chị đợi cho tất cả đi ngủ rồi mới đưa gói quà cho Thuỳ.

- Sao mẹ biết con thích màu tím?- Cô bé thì thầm

- Ừ... màu tím- Chị nhìn cái nơ và thì thầm lập lại. Chị quên mất chính cô bán hàng đã chọn cái nơ màu tím tặng cho chị. Hình như chính chị đã chọn cho con gái. Đúng như vậy !

- A... Mẹ! Thuỳ kêu lên khi mở gói giấy ra.

- Con cần quyển sách này phải không ?

Thuỳ mân mê quyển sách và ngước nhìn chị. Hai mẹ con ôm nhau dưới ánh đèn khuya.

* * *

Cô bán hàng nhìn cô bé mười sáu tuổi ngập ngừng bước đến:

- Hôm qua mẹ em đẫ mua quyển sách này ở đây phải không chị?

- Hôm qua... Mẹ em là ai? À... Có phải bà bán đậu hũ không ?

- Dạ phải.

- Có chuyện gì vậy?

- Em đã học xong quyển một rồi mà mẹ em không biết nên... Chị đổi dùm em tập hai được không ?

- Nhưng... Mẹ em đã viết vào sách rồi, làm sao tôi bán cho người khác được?

- Viết? - Cô bé mở to mắt - Mẹ em viết?

- Tôi viết dùm. Em không mở sách ra sao?

Cô bé ấp úng:

- Em đã thuộc lòng quyển sách này, vả lại mở ra em sợ dơ khó đổi. Xin lỗi chi... Em không biết mẹ em đã...

Cô bán hàng nhìn theo cô bé đang dợm chân quay ra. Cô suy nghĩ rất nhanh:

- Này cô bé, đưa đây tôi đổi cho.

Cô bé nhìn cô bán hàng rồi cúi lật trang đầu của quyển sách trên taỵ" Con yêu quí của me... "

- Thôi, chi... Em không đổi đâu - Cô bé nhẹ lắc đầu. ánh mắt cô bé đọng lại nơi bàn tay của cô bán hàng đặt trên quầy - Lời yêu thương của mẹ được viết bởi bàn tay này. Trái tim cô bé thổn thức đập.

Cảm thấy bàn tay mình nong nóng, cô bán hàng rụt tay lại. Khả năng giao tiếp linh hoạt thường ngày biến mất, cô lặng im nhìn cô bé ôm quyển sách màu xanh bước đi giữa trời trưa nắng.
 
354
0
0

Mr_Ech

New Member
Ðề: Truyện ngắn

Ngày xưa, em biết đến Nguyên Hương bởi một số truyện ngắn đăng trên báo HHT. Sau đó mới tìm và đọc... Ấn tượng với "Mẹ con Đậu Đũa".

Truyện ngắn "Quà của mẹ" em cũng đã đọc một lần. Nhẹ nhàng mà sâu sắc. Một lát cắt của cuộc sống đầy tình yêu thương giữa Mẹ với Con, và giữa Con Người với Con Người.
 
5,604
7
38

metyruoi

Active Member
Ðề: Truyện ngắn

Em spam tí nhé:

@zoe: đọc truyện ngắn "Quà của Mẹ" em lại nhớ cuốn sách "Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống" trong series Hạt giống tâm hồn của nhiều tác giả mà bố em đề tặng vào ngày 14.11.2006. Ngày đó không phải là ngày sinh nhật em - cũng không phải là quà tặng sinh nhật sớm. Cuốn sách ấy mang nhiều ẩn ý nhất trong vô vàn những cuốn sách mà bố tặng em. Hixx
 
349
0
0

bichthuyhn

New Member
Ðề: Truyện ngắn

Cám ơn chị Zoe nhiều lắm đã cho em được đọc truyện ngắn này, em đã đọc và đã rất mê truyện "Mẹ con Đậu đũa" nhưng em chưa được đọc truyện ngắn này. Không biết nói gì hơn ngoài sự cảm động và tình Mẫu tử đọng lại ! Cuộc đợ còn nhiều điều phải nghĩ quá.

Chị Zoe ở Pháp ah ? Em cũng dân tiếng Pháp nè chị, sắp tới em đi công tác bên đó giá được gặp chị ở Paris thì tuyệt quá !
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Truyện ngắn

Nguyên Hương đúng là viết nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nguyên Hương còn có truyện Quà muộn cũng rất hay.

PS: bichthuyhn: bông-giua, chị không ở Paris, chị ở giữa núi Alps gần Ý ấy, chỗ Ruồi Trâu hoạt động cách mạng ấy :). Hiện giờ cuối năm học, nhiều họp hành lắm, nên khó đi chơi được. Em chỉ đến Paris ?
@metyruoi: em đã giải được cái ẩn ý đó chưa?
 
349
0
0

bichthuyhn

New Member
Ðề: Truyện ngắn

Nguyên Hương đúng là viết nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nguyên Hương còn có truyện Quà muộn cũng rất hay.

PS: bichthuyhn: bông-giua, chị không ở Paris, chị ở giữa núi Alps gần Ý ấy, chỗ Ruồi Trâu hoạt động cách mạng ấy :). Hiện giờ cuối năm học, nhiều họp hành lắm, nên khó đi chơi được. Em chỉ đến Paris ?
@metyruoi: em đã giải được cái ẩn ý đó chưa?
Chị ah, em làm việc ở Versailles, Paris và Nantes. Chán quá em không được gặp chị nhỉ. Ở bên Ý em mê nhất là đồ thêu và magazine dạy thêu đấy.

Bon weekend chị nhé.
 
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Ðề: Truyện ngắn

Nguyên Hương đúng là viết nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nguyên Hương còn có truyện Quà muộn cũng rất hay.
Quà muộn
Nguyên Hương
[FONT=Verdana, Arial, Sans Serif]
[/FONT] [FONT=Verdana, Arial, Sans Serif]
Căn nhà được quy giá trị ra vàng, ai ở lại thì đưa cho người kia một nửa. Xe, ti vi, tủ lạnh... tất cả đều chia đôi. Sự phân chia êm thấm và ai cũng sẵn sàng nhường cho người kia hơn một chút.

Chỉ còn lại Thu và tôi. Áo quần của hai chị em thường để chung một ngăn, bây giờ bề bộn đầy giường. Hai đứa tôi vừa xếp riêng quần áo của mỗi đứa ra, vừa lắng nghe ba mẹ nói với nhau về con cái. Nói qua nói lại cho đến chiều thì ba tôi không còn nhỏ nhẹ nữa, ông thẳng thừng:

- Về tài sản thì bà muốn lấy thêm gì tùy ý. Nhưng về con cái thì tôi nuôi con Linh. Khỏi cần bàn cãi nữa.

- Đành rằng tòa xử tôi một đứa, ông một đứa. Nhưng tôi muốn tụi nó có chị có em với nhau - Giọng mẹ năn nỉ.

- Vậy, tôi muốn cả hai đứa, bà chịu không? tôi cũng muốn tụi nó có chị có em - Giọng ba thách thức.

Im lặng một phút rồi mẹ nói, giọng cay đắng:

- Có thật là ông muốn tụi nó có chị có em không?

- Đủ rồi! Con Linh là con của tôi - Ba lớn tiếng.

- Đồ khốn nạn! - Cả người mẹ run lên - Con Thu cũng là con của ông. Tôi nói đi nói lại điều này suốt bao năm nay, không phải vì tôi muốn chứng tỏ sự chung thủy của tôi đối với ông... - Mẹ cười khẩy - Ông không đáng có một người vợ chung thủy...

- Đừng nói nhiều vô ích - Giọng ba lạnh ngắt.

- Tôi nói để cho hai đứa con hiểu rằng tụi nó là chị em ruột thịt.

- Đằng nào thì con Linh cũng ở với tôi.

Mẹ đi đến giường chất đầy áo quần của hai đứa tôi. Bàn tay mẹ ấn trên vai tôi đau điếng:

- Linh... Em Thu... yếu đuối hơn con nên em cần mẹ hơn. Con hiểu mẹ không?

Tôi không hiểu được. Cảm giác kiêu hãnh thường ngày biến mất. Thường ngày tôi luôn được khen thông minh hơn, dễ thương hơn và học giỏi hơn Thu. Thường ngày tôi luôn kiêu hãnh, vì ai đến nhà cũng vuốt tóc nựng tôi và chẳng mấy ai hỏi han đến Thu. Và thường ngày, tôi cũng hay lấn át Thu nữa... Nhưng lúc này tôi chỉ thấy tội nó. Tôi không kịp suy nghĩ về những buổi chia tay đang diễn ra. Tôi nhìn đống quần áo đã phân đôi trên giường và chợt nhận ra bao nhiều quần áo đẹp đều là của tôi! áo quần để chung, nhưng có khi nào Thu mặc đâu. Toàn là tôi mặc và quen dần ai cũng coi đó là của tôi.

Mẹ nhét áo quần của Thu vào valy và cúi hôn tôi:

- Mẹ yêu cả hai đứa! Con hay nói rằng mẹ không thương con, nhưng không phải vậy đâu. Rồi con sẽ hiểu.

***

Để hiểu được lời mẹ nói, tôi phải trải một thời gian dài. Suốt những năm tháng dài đó, tôi luôn nhớ đến hình ảnh đứa em gái xấu xí khờ khạo của tôi:

- Chị Linh, con búp bê này chia làm sao? - Nó giơ tay định vặt cổ con búp bê.

- Cho Thu luôn đó! - Tôi vội giựt con búp bê lại, nhép vào valy của mẹ, lần đầu tiên trong đời tôi nhường em mình. Và kể từ hôm đó, những con búp bê trong tủ kính trưng bày ở tiệm không còn hấp dẫn tôi nữa. Một điều gì đó đã vĩnh viễn qua đi.

Hai năm đầu, tết nào mẹ cũng gửi thư và quà cho tôi. Con dấu ngoài phong bì cho biết mẹ ở Nha Trang, nhưng không cho biết rõ địa chỉ. Đến năm sau, năm sau nữa... tôi không còn nhận được tin mẹ. Ba cười khẩy: - Chắc mẹ mày lấy chồng rồi! Tôi không nghĩ đến chuyện mẹ lấy chồng. Tôi chỉ nghĩ rằng mẹ không buồn nhớ đến tôi nữa. Ngày xa, mẹ cũng ít khi nựng nịu chiều chuộng tôi, mẹ thương em Thu hơn.

Ba lấy vợ. Dì mới hai mới ba tuổi, lớn hơn tôi tám tuổi. Nhìn dì và tôi người ngoài dễ lầm là hai chị em. Dì không hoạnh họe tôi như những bà dì ghẻ người ta hay nói. Mà thật ra dì không chú ý đến tôi thì đúng hơn. Sáng tám giờ dì thức dậy, chải đầu, thay quần áo rồi ăn sáng đến mời giờ, đi chợ, vậy là tới trưa. Ngủ trưa dậy là đã ba giờ, dì tới tiệm gội đầu hoặc làm móng tay móng chân... rồi cơm chiều. Rồi tối coi tivi hoặc đi xem phim, nghe nhạc...

Khi có bầu, da mặt bị nám một chút, dì khóc, không chịu vào bếp nấu ăn vì sợ nám nhiều hơn. Ba mua bếp điện về, dì than cái thai làm dì mệt. Vậy là ba thuê một bà già ngày ngày tới lo cơm giặt giũ.

- Chứ còn con Linh làm gì? - Đó là câu nói đầu tiên của dì ám chỉ đến tôi sau một năm sống chung.

- Để cho nó học hành! - Giọng ba như ra lệnh, dì im lặng ngay. Dường như dì hiểu được rằng ba rất cưng tôi và đặt hy vọng nơi tôi rất nhiều. Dì muốn gì thì muốn, trừ việc... gây sự với tôi.

Chỉ tội nghiệp cho bà già giúp việc - Ba tôi vốn khó tính, dì không khó tính nhưng lại nhỏng nhảnh, còn tôi thì ngủng ngẳng với tất cả... Bà nấu món gì, hễ tôi khen ngon thì dì chê dở; bà làm gì, hễ được dì khen thì tôi lại chê. Ba tôi khi thì nghe theo dì, khi thì nghe theo tôi... và một ngày kia ông quát lên:

- Từ nay về sau ai chê thì tự làm lấỵ.

***

Dì sinh ra một đứa em gái giống em Thu như đúc. Bà già giúp việc lắc đầu: - Đàn bà có thai mà chưng diện thì sinh con xấu xí vô duyên là đúng rồi. Chỉ tội nghiệp con bé...

Ba tôi cau mặt mỗi khi nhìn thấy đứa nhỏ. Dì trút bỏ áo quần đẹp, thôi son phấn, cả ngày dì ôm con vào lòng nựng nịu mong cho nó biết cười. Nhưng mặc kệ tình thương lẫn nước mắt của dì, nó vẫn cứ nhìn quanh bằng đôi mắt lờ đờ và chẳng hề vui chút nào khi nghe tiếng lúc lắc của món đồ chơi. - Sao anh chẳng bao giờ nựng con hết vậy? - Tôi nghe tiếng dì khóc hỏi ba tôi và tiếng giày ba tôi đi xa dần.

Đứa bé đã kéo tôi đến gần dì. Đi học về, tôi thường vào phòng dì bồng bé lên. Tôi ca hát, vui đùa trêu chọc bé, cũng như dì, tôi thiết tha mong nghe tiếng nó cười. Dì vui hơn khi thấy tôi gần gũi bé Bi của dì, nhưng không bao giờ dì hiểu được rằng tôi đang nhìn thấy mẹ nơi dì và bé Bi là em Thu ngày xưa. Giờ thì tôi hiểu được câu cuối cùng mẹ nói" em Thu yếu đuối hơn con nền em cần mẹ hơn".

***

Sau bao ngày tháng, giờ đây tôi bỗng nhớ mẹ và em Thu đến cồn cào. Tôi nhớ hồi đó tôi hay giành đồ chơi với Thu và nó chẳng biết làm gì hơn là khóc ư ử. Cuối năm học nào tôi cũng ôm về gói phần thưởng lớn nhất lớp và ba tôi hãnh diện chở tôi khắp nhà ngời quen. Mỗi lần ba nựng nịu hoặc mua quà cho tôi thì mẹ lại đưa em Thu đi loanh quanh trong xóm và mua cho em một món quà tương tự để rồi tôi giành luôn món quà đó bằng câu phụng phịu:

- Mẹ ứ thương con. Mẹ chỉ thương em Thu thôi.

- Linh! Con là chị. Con phải nhường em. - Mẹ dàn hòa.

Và đôi khi mẹ nói như năn nỉ tôi:

- Khi nào đi chơi, con dắt em theo cho em biết này biết nọ với nghe con. Tôi lắc đầu nguây nguẩy:

- Nó chậm chạp lù đù, dắt theo mệt lắm.

Tôi chưa bao giờ quan tâm đến em Thu - Ba đã khiến tôi nhận ra điều này! Tôi ẵm bồng bé Bi, ru nó ngủ, may áo búp bê, mua đồ chơi cho nó. Tôi muốn làm thật nhiều cho bé để chuộc lại sự vô tâm đối với em Thu. Nhưng bé Bi là bé Bi, em Thu là em Thu và tôi bật khóc mỗi khi nhớ mẹ. Tôi lục mấy phong thư cũ, tìm địa chỉ của mẹ nhưng vô ích, con dấu ngoài phong bì với hai chữ Nha Trang lạnh lùng chẳng nói được gì hơn. Nha Trang trở thành một địa danh ám ảnh.

***

Giấy báo tôi thi đậu khoa Đại Học Y Thành phố Hồ Chí Minh gởi về nhà, ba mở tiệc mừng ngay ngày hôm sau. Tiếng cụng ly của khách khứa chúc mừng tương lai tôi vọng vào phòng khiến dì run vai lặng khóc. Tôi bồng bé Bi lên, bé nhìn tôi bằng đôi mắt lờ đờ rồi mệt mỏi ngả cổ trên vai tôi.

- Mai mốt Linh đi học... ở đây một mình... dì biết làm sao? - Dì nói nho nhỏ, thống khổ, tuyệt vọng, cô đơn. Dì già sọm như đã bốn mươi.

Tôi cắn nghiến môi lại. Mẹ cũng đã từng thấy khổ tuyệt vọng và cô đơn như vậy. Mà hồi đó, tôi còn quá nhỏ để biết chia sẻ.

Tôi rời bữa tiệc mừng đi lang thang trên phố. Hàng cây hai bên đường rũ lá lặng im. Niềm kiêu hãnh trước sự quan tâm đặc biệt của ba dành cho tôi không còn nữa, điều gì đó đã nứt rạn, xót xa.

- Con gái của ba, con muốn ba thưởng gì cho con? - ba hồ hởi khi tôi quay về sau bữa tiệc.

- Con thích đi Nha Trang - Tôi đáp và mong ba hỏi "tại sao con muốn đi Nha Trang" để tôi nói với ba về nỗi day dứt trong tôi, nhưng ba không thèm thắc mắc.

***

Mặc đám bạn vui đùa trên bãi cát. Tôi đi lòng vòng khắp phố biển như một con điên. Tôi dáo dác nhòm ngó, nghểnh cổ xoay đầu nhìn quanh tựa như mẹ và em Thu vừa mới chia tay với tôi xong.

Tôi đặc biệt chú ý đến những đứa bé trạc tuổi Thu ngày ra đi, những đứa bé rách rưới nhẫn nhục chìa cái mũ trước ngực và ngước mắt chờ đợi. “nếu bỗng nhiên một đứa bé ngửa mũ trước mặt tôi với nụ cười nhăn nhở đó là Thu thì sao?”. Câu hỏi kinh khủng lóe lên khiến tôi sựng người khiếp sợ. Mẹ sẽ không bao giờ để em Thu như vậy! Nhưng có thể là mẹ làm sao đó... mẹ chết chẳng hạn và chẳng còn ai trên đời này biết đến em tôi. Một con người sinh ra không lý trí thì có thể làm được gì ngoài việc ngửa mũ xin ăn? tôi thẫn thờ đi trên phố, lòng vừa mong gặp, vừa mong đừng gặp.

Ngày cuối cùng ở Nha Trang, tôi đi quanh các cửa hàng tìm mua quà cho bé Bi. “Có món quà nào thật hay khiến cho bé cười được không?”. Tôi lùng sục món quà trong trí tưởng tượng của mình một cách xét nét tỉ mỉ khiến đám bạn cùng đi kêu trời:

- Sao mày khó tính như bà già vậy Linh?

Cuối cùng tôi tìm mua được con thuyền bằng vỏ ốc gắn vào nhau. Những cái vỏ ốc nhiều màu lấp lánh dưới nắng mặt trời.

- Cám ơn Linh đã mua quà cho bé Bi - Dì buồn bã nói. - Từ lâu rồi, dì cũng chẳng nhớ đến việc mua quà cho bé nữa.

Dì đưa chiếc thuyền cho bé và ngay lập tức chiếc thuyền tuột khỏi đôi bàn tay lỏng lẻo của bé, rơi xuống nền xi măng khô khốc, vỏ ốc văng tung tóe.

***

Thật là bất ngờ, tôi gặp mẹ ngay ngày đầu tiên đến trường Đại học. Trong phút giây, tôi và mẹ đứng lặng nhìn nhau. Mẹ già đi nhiều, tóc lốm đốm bạc. - Sao mẹ... đứng ở đây? Tôi ấp úng hỏi một câu ngu ngơ.

- Mẹ đợi con! - Giọng mẹ khàn khàn.

- Sao mẹ... không viết thư cho con?

- Biết ba con lấy vợ nên mẹ thôi không gởi. Mẹ ngại ba nghĩ rằng mẹ quấy rầy hạnh phúc của ba con.

- Mẹ ngại... ngại.. Mẹ không nhớ đến con thì có! - Tôi dằn dỗi, như ngày xưa mỗi lần mẹ mua quà cho em Thụ

- Linh! - Mẹ dịu dàng gọi tên tôi - mẹ luôn hỏi thăm về con. Con có thấy là mẹ đang đứng đây không? từ khi biết con đậu trường này, ngày nào mẹ cũng đến đây đợi...

Hai mẹ con mà phải đợi chừng đó năm tháng để gặp nhau ở một nơi xa lạ. Tôi gục đầu trên vai mẹ, bật khóc.

- Con về Nha Trang tìm mẹ... mẹ ơi!

- Hồi đó mẹ đưa em về Nha Trang với hy vọng khí hậu biển sẽ tốt hơn cho em con. Rồi nghe nói ở thành phố có nhiều bác sĩ giỏi nên mẹ đã em về đây. - Em Thu... sao rồi mẹ? - Tôi hồi hộp hỏi.

- Em con mất rồi! - Nước mắt mẹ rơi trên tóc tôi - Em con không ý thức được nguy hiểm nên đút tay vào ổ điện.

Đột nhiên tôi thấy nhẹ nhỏm, nỗi nhẹ nhõm tàn nhẫn, kỳ quặc và đau đớn. Mẹ nghẹn ngào:

- Chết có lúc là giải thoát phải không con?

Nỗi đau trong mắt mẹ khiến cổ tôi cứng lại.

***

Tôi có thêm một đứa em trai, vì mẹ đã có chồng. Chồng của mẹ là một bác sĩ khoa tâm thần. Thật khó chịu khi biết mẹ có chồng. Việc mẹ có chồng khác hẳn việc ba có vợ! Không thể giải thích được vì sao lại như vậy.

Tôi cố tạo một vẻ mặt vô tư khi gặp cậu bé. Nó có khuôn mặt tròn và sống mũi thanh tú của mẹ. Rồi khi đối diện với ông bác sĩ, tôi nhận ra đôi mắt nó là bản sao của đôi mắt ông.

Câu chào ngập ngừng trên môi, rồi tôi bật ra "Chào bác".

Ông đáp lại câu chào của tôi bằng một nụ cười.

Ông đưa mẹ và tôi ra mộ em Thu. Ngôi mộ xây theo một kiểu là lạ, ngồ ngộ. Những viên đá hoa đủ màu đắp quanh mộ như những món đồ chơi bày ra bừa bãi. - Với dáng mộ này, bác mong em của cháu có được tuổi thơ ở thế giới bên kia - Ông nói bằng một giọng ấm áp, ân cần.

Tôi hình dung một cuộc sống có ông, mẹ, em Thu và đứa em tôi mới gặp. Thật khó mà hình dung được cuộc sống đó ra sao. Tuy nhiên, tôi hiểu ông rất yêu mẹ tôi. Vì yêu mẹ nên ông đã tặng cho em tôi tuổi thơ, dẫu muộn màng. Cũng như tôi thân thiện với dì vì nhớ mẹ, và nựng nịu vỗ về bé Bi vì tình yêu muộn màng dành cho em Thu.

Tôi chợt hiểu ra một điều cơ bản của cuộc sống. Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn.

Daklak, 9.94
[/FONT]
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
1,557
0
0

Camellia

New Member
Ðề: Truyện ngắn

Gõ ba lần: Anh yêu em

----- Truyện ngắn của một tác giả TQ, tớ quên tên rồi, :( -----

Tôi nghe xong câu chuyện mà cảm động, sống mũi cay cay. Trong tình yêu nếu có thể vượt ra ngoài ranh giới của sự sống và cái chết thì thật là vĩ đại.


Câu chuyện này là do Lan Ni kể lại cho tôi nghe. Cô ấy hỏi tôi:

-Anh quen Hồ Phi không ?
-Đúng mùa đông năm ngoái, tôi đã cúng ăn cơm với cô ấy. Trong ấn tượng của tôi, đấy là một cô gái tài hoa, dịu dàng và thanh tú.
-Thích cô ấy àh ? cô
-Đúng vậy thì nên biết về câu chuyện của ấy
Hồ là một nhà văn nữ , mới tốt nghiệp ĐH không lâu, sở trường viết tiểu phẩm và thơ mới. Những điều cô ấy viết luôn sinh động và tràn đầy tình cảm. Chỉ cần qua giọng văn, cũng có thể thấy được cô ấy là người con gái đa tài và tinh tế.

Hồ chưa kết hôn lấn nào, cha mẹ ở miền Nam. Trong một buổi họp mặt văn nghệ sĩ Đài Bắc cô đã quen Châu.

Châu không phải là một nhà văn, chỉ là một phóng viên 1 tờ báo. Nhưng anh cũng biết sáng tác. Biết thưởng thức, thậm chí còn biết vẽ nữa. Tài năng và tướng mạo cua Châu nhanh chóng hớp hồn nữ nhà văn trẻ.

Thế nhưng Châu là người đàn ông đã có vợ

Nhân loại biết có bao nhiêu câu chuyện “ Tương kiến thái vãn” ( Gặp nhau quá muộn, tên 1 bài hát nổi tiếng của Tiểu Trung ). Nhưng quen nhau lâu thì chẳng bao giờ là quá muộn ‘

Hồ và Châu do quen nhau mà yêu nhau. Giữa quen và yêu là chặng đường vừa dài vừa gập ghềnh. Tôi tin rằng họ đã trải qua 1 con đường đầy gian nan vất vả, chắc chắn là đầy mâu thuẫn và day dứt khổ sở, áp lực và cảm giác phạm tội .

Xã hội Đài Loan, nói mới cũng ko hoàn toàn là mới, nói cũ cũng không phải là cũ. 1 mặt thì lắng nghe những nhân vật thuộc trào lưu hiện đại, mặt khác lại bảo thủ đến cực đoan. Hồ và Châu bị kẹt ở giữa 2 bờ

Châu là con nhà có học, Vợ cũng là con nhà danh giá. Hai người đã có 1 con trai và 1 con gái. Bất luận là về mặt đạo nghĩa hay trách nhiệm đều không cho phép anh ngoại tình, chứ đừng nói tới truyện bỏ người này lấy người kia.

Thế nên Hồ và Châu đành phải dấu giếm tình cảm của mình. Họ thường gặp nhau trong những buổi dạ tiệc hoặc gặp mặt họp hành. Bốn mắt nhìn nhau, ngàn vạn lời muốn nói nhưng không thể tỏ bày.

Một lần khi có cơ hội chỉ hai người với nhau Châu âu yếm nói với người yêu :
-Đó chỉ là ba chữ thôi, ba chữ ấy từ khi có trong lịch sử, có nhân loại, người ta đã nói đó là :Anh Yêu Em . Nếu anh gọi điện thoại cho em, chuông đổ ba lần rồi tắt máy cũng có nghĩa là anh muốn nói :Anh Yêu Em . Thậm chú anh nhìn em chớp mắt ba lần cũng có nghĩa là : Anh Yêu Em. Giơ ba ngón tay, ho 3 tiêng, rít thuốc lá ba hơi…..đều có nghĩa là anh đang nói :Anh Yêu Em

Thật là một quy ước lãng mạn!!!!

Sau đó một khoảng thời gian rất dài, họ sống trong "ba lần". Gõ ba tiếng Anh yêu Em, kêu ba tiếng : Anh yêu em. Chớp mắt ba lần : Anh Yêu Em. Chuông điền thoại đổ ba lần : Anh Yêu Em. Huýt sáo ba lần : Anh Yêu Em. Thở dài ba lần…….Anh…..anh….anh yêu…….em

Tình yêu như thế có cái buồn, cái đẹp, lại có cả ý thơ xen lẫn sự tàn nhẫn và điên cuồng, đau khổ của nó.

Bất luận thế nào tình yêu của Châu và Hồ cũng cứ trôi qua như vậy.

Vì tình yêu này mà Hồ từ chối tất cả những chàng trai đến với mình. Cô sống trong đơn độc.

Dần dần những người bạn thân của người cũng biết chuyện. Còn bản thân của hai người, sau những nỗi nhớ sâu đến tận xương, ngày càng thấy tình yêu của người kia dành cho mình là vô cùng.

Thế là Châu bắt đầu thú nhận với vợ, và đem câu chuyện của mình ra nói với bố mẹ, bắt đầu công khai tranh đấu cho tình yêu. Con đường này xem ra còn tàn khốc, đau khổ hơn……Châu vì Hồ mà tranh đấu, Hồ vì Châu mà chịu người ta chửi mắng là đồ “giật chồng người". Cuối cùng vợ Châu cũng chấp nhận ly hôn.

Một ngày tháng bảy năm ngoái, Hồ và Châu hẹn nhau đến ăn trưa trong một nhà hàng ở Đài Bắc. Hôm đó, trong lòng cô rất vui, bởi sau nhiều năm lén lút yêu nhau giờ mới được công khai.

Ai ngờ bữa cơm hôm ấy Hồ đợi mãi mà không thấy Châu xuất hiện, mà là mãi mãi không xuất hiện. Sáng sớm hôm đó, Châu đã ra đi vĩnh viễn vì tai nạn Ô tô. Đang sống sờ sờ ra đấy tự nhiên chết đi. Nhưng người sống thì cứ phải sống. Hồ cũng không biết tại sao mình vẫn sống được. Những tháng ngày ấy cô như không còn cảm giác, không biết suy nghĩ, không có ý thức, sống như một sự tồn tại, đau khổ đến tột cùng. Tưởng chừng nỗi đau không bao giờ có thể lành được nữa, không còn hi vọng gì nữa. Cái chết đã hủy hoại tất cả, tình yêu ước mơ và hi vọng.

Đêm thứ bảy sau ngày Châu mất, rất nhiều bạn bè của Châu đến truy điệu anh. Hồ cũng đến, cô tiều tụy và vô hồn. Vẫn đồ vật cũ ấy, nhưng ai sẽ gõ ba lần, hô ba câu, chớp mắt ba lần, huýt sáo ba tiếng, thở dài ba lần …cho cô nghe

Đêm ấy thành phố Đài Bắc đèn điện sáng huy hoàng đến lạ. Nhưng đếm ấy lễ truy điệu Châu, trong căn phòng rộng lớn và lạnh lẽo, đèn bỗng nhiên phụt tắt tất, tất cả tối om. Trong sự ngạc nhiên của mọi người, đèn lại sáng lên rồi lại tắt, lại sáng lại tắt….đúng 3 lần liền liên tục.

Hồ suýt nữa thì khuỵu xuống. Đèn sang ba lần “ Anh Yêu Em!!!”

Anh đã đến đây !! Anh đã nhìn thấy cô!! Anh đã nói rồi! Sáng ba lần “ Anh yêu Em ! Anh đã nói lên tiếng nói của lòng mình. Anh đã mang đến sự quan tâm lòng nhiệt tình và lời an ủi cho cô.

Cái chết không phải là điểm cuối cùng.

Hồ như sống lại, lại có thể tiếp tục đối diện với cuộc sống, lại bắt đầu ngồi bên những trang viết. Cái chết không có nghĩa là mất tất cả !!!

……..Nếu quả thật tình yêu có linh hồn, thì những người yêu nhau không bao giờ bị cái chết chia cắt. Vậy tình yêu sẽ không có điểm cùng, điều này không phải là rất đẹp hay sao. Cầm bút lên, tôi không thể cầm lòng viết lại vài dòng:

“ Không thể cùng chết nhưng có thể cùng sống! Không thể gặp nhau nhưng có thể yêu nhau! Không thể là đời này kiếp này nhưng sẽ là mãi mãi! "

Cho Hồ cho Châu cho tình yêu của 2 người
 
148
0
0

BlueSky

New Member
Ðề: Truyện ngắn

SỢI DÂY CỦA TÌNH YÊU

Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện chăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.

Một ngày, bỗng Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.

Phật dừng lại, hỏi nhện: "Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?"

Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: "Thế gian cái gì quý giá nhất?"
Nhện suy ngẫm, rồi đáp: "Thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất đi!". Phật gật đầu, đi khỏi.

Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.

Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: "Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?"

Nhện nói: "Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là "không có được" và "đã mất đi" ạ!"
Phật bảo: "Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi."

Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.

Lúc đó Phật tới, ngài hỏi: "Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?"

Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: "Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được và cái đã mất đi."

Phật nói: "Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!"
Và thế, nhện đầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.
Rất nhiều người đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.

Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.
Châu Nhi nói với Cam Lộc: "Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?"

Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: "Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?". Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.
Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.
Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.

Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng: "Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi." Nói đoạn rút gươm tự sát.

Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: "Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.

Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?"

Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: "Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!"
Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm...

Câu chuyện đến đây là hết, bạn có hiểu câu cuối cùng mà nàng Châu Nhi nói không?
"Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!"

Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người.
Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có "duyên" là đủ.
Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.
Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.

Vậy khi bạn đi kiếm người ở đầu kia dây, hãy cân nhắc. Hoặc bạn có quá nhiều sợi dây tình cảm, hoặc bạn cứ liên tục tìm cái mới, hoặc khi dây đã đứt, bạn không còn can đảm hay lòng tin, tình yêu để đi tìm một tình yêu mới nữa.

Bất kể thế nào, khi sợi dây đó đứt, bạn chỉ mất đi một người không yêu bạn, nhưng người đó đã mất đi một người yêu họ.

Mất một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn rầu?
Bởi bạn còn cơ hội, một lần nữa, gặp người biết rằng bạn quý giá.
Có muốn nghe tôi kể câu chuyện ấy lần nữa không, ngày xưa, trước miếu Quan Âm...

The string of love
"During your lifetime, you’ve met million types of people. Just to love one person, there’s no need so much effort, only “fate” is enough. Yet, to keep that love remained with time, you need to strive.
Love is like a string; two people are at the two ends of that string. When one person pulls it just hard or looses it, that love string will become strained or loosen.
And when you think about finding the person at the other end of your love string, you should keep in mind that whether you have too many love strings, or you keep finding new strings, or in case your love string is broken, do you have enough courage, faith and love to go on with your love path??!!
No matter what, when the love string is broken, you only lost one person who doesn’t love you, but that person loses the one whom loves them! "
So, why you care so much when you lost one love?!!
Just be cool and pull another string.

(
Truyện dịch của Trang Hạ)​
 
148
0
0

BlueSky

New Member
Ðề: Truyện ngắn

GÁI HƯ​

1. Ừ thì em là gái hư! Em chẳng việc gì phải huyễn hoặc mình bởi những ảo tưởng rằng thì em là một cô gái ngoan. Dưng cơ mà cuộc đời trớ trêu ở chỗ em bảo em hư thì chẳng ai chịu tin. Bạn bè lại cứ tin em là gái ngoan. Thầy cô cũng tin em là gái ngoan. Bố mẹ càng tin em là gái ngoan. Và em cũng chẳng có gì băn khoăn hay áy náy với điều đó. Bởi em đã khẳng định rồi mà: em là gái hư! Ai tin thì tin, chả tin thì thôi, chẳng lẽ em cứ phải đi phân bua với từng người rằng ấy ấy em là gái hư, cấm có ngoan, đừng hiểu lầm em chứ? Em không rảnh rỗi đến mức ấy, và cũng chẳng được ngoan đến mức ấy. Thôi thì hy vọng dần dần mọi người sẽ nhận rõ bản chất vấn đề.

Hư lắm, nên em cũng chẳng có gì dằn vặt khi anh cũng nghĩ em là gái ngoan lúc anh xồng xộc xông vào đời em và quyết tâm lấy bằng được em làm vợ.

Mình đã gặp nhau thế nào nhỉ? À, em nhớ rồi, hôm ấy cả hai đứa có mặt trong một buổi đi ăn uống của các bạn chung của chúng mình. Anh dường như có vẻ khinh khỉnh nhìn em (dù sau này anh có bảo không phải thế đâu, anh chú ý em ngay từ hôm ấy rồi, em cũng ứ tin). Ừ, thì bởi vì anh luôn nghĩ anh đẹp trai, anh tài giỏi. Còn em, cái gì em cũng hư, có mỗi cái khiêm tốn là thỉnh thoảng em... ngoan. Thế nên, em cứ lẳng lặng ngồi gẩy gẩy đôi đũa trên những món ăn la liệt trên bàn. Anh ngồi đối diện em, bàng quan như chẳng thấy. Và vì em hư, nên em bắt đầu... liếc xung quanh. Trong cái khung cảnh xung quanh ấy thì dĩ nhiên là phải có anh điểm xuyết. Nhưng trước khi đưa mắt qua nhân vật phụ điểm xuyết ấy, em còn mải mê chú ý đến một loạt các nhân vật nam chính khác. Ồ, kia là cậu bạn thời đại học thích em, bây giờ cậu đang làm ở một bộ to hẳn hoi. Viên chức nhà nước có khác, trong đạo mạo kinh! Kính trắng, áo sơ mi đóng thùng, quần tây phẳng lì. Cậu dẫn theo cô người yêu mặt mũi non choẹt. Chắc một bé chíp vừa ngơ ngáo vào đời thì bị cậu chàng cuỗm luôn đây. Cơ mà tự dưng em thấy hơi tiêng tiếc. Giá mà cái thời trẻ trung phơi phới, non tơ mơn mởn ấy, em gật đầu quách luôn cậu bạn, thì bây giờ cái vị trí e ấp bên vai cậu hẳn phải là của em. Chẳng phải nghĩ suy, chẳng phải lăn tăn suốt những tháng ngày trước khi em gặp anh (ơ nhưng hình như gặp anh rồi em càng suy nghĩ, càng băn khoăn thì phải). Bé chíp bắt gặp ánh mắt em đang nhìn đắm đuối bạn trai mình thì giật giật cánh tay cậu. Cậu bạn quay sang thấy em lúng túng mất một chút

- - Ấy đấy à? Lâu quá không gặp!

- - Ừ , lâu qúa bọn mình không gặp. Ấy có cô bạn gái xinh quá. Mau chóng cho bọn tớ ăn kẹo nhé.

Em nghe đâu đấy trong tiếng ồn của quán ăn hơi thở phào nhẹ nhõm của bé chíp (chắc nghĩ em không còn gì đáng ngại nữa). Bé chíp lại thẹn thùng e ấp nép sát vào vai cậu bạn. Em chán ngán quay đi. Hư như em đố có mà e ấp được thế. Một cái giật mình thảng qua, hình như cũng đã có thời em như thế...

Mắt em lần này thì dừng lại một cậu bạn khác đang gọi em:

- A - Yên Hà à, thế chừng nào cho bọn tớ ăn kẹo của cậu? Ngày đấy, chắc tớ buồn chết mất.

- K- Không đâu, tớ chờ ấy! Ấy chưa lấy vợ, tớ chưa lấy chồng. Nếu không, bọn mình cứ chờ nhau nhé!

Mắt em đong đưa nhìn cậu bạn. Cậu chàng phá lên cười thích thú. Ô hay, em đã chán ngấy những kiểu à ơi như thế. Nhưng em vẫn hay buột miệng thế đấy. Hư mà, đã bảo rồi!

Em đưa mắt nhìn về chén thức ăn của mình để tiếp tục công việc gẩy gẩy.

Thì...

Bỗng nhiên...

Ánh mắt em chạm ánh mắt anh...

(To be cont...)
 
354
0
0

Mr_Ech

New Member
Ðề: Truyện ngắn

Trẻ con luôn luôn đúng

Lời giới thiệu: Ba truyện ngắn của Y Ban sẽ khiến chúng ta phải bật cười. Nhưng sau tiếng cười là một nỗi buồn thấm lặng. Có cảm giác tác giả đã viết “dễ như không”, nhưng không có gì được xem là dễ dãi... ngoài hoa gạo rụng đã in trên một tạp chí của bộ giáo dục - đào tạo còn lại đều là những sáng tác mới của Y Ban.


Thằng con trai của Thìn học lớp 4 về nói với mẹ: “Mẹ ơi, con già nhất nhà mình”. Thìn đang nấu cơm ậm ừ: “Đúng rồi, con già nhất nhà mình”. Thằng bé khoái quá chạy đi chơi. Đến tối ngồi ăn cơm thằng bé lại bảo với bố: “Bố ơi, con già nhất nhà mình đấy”. Ông bố đang đầy mồm cơm không quát được to: “Bố láo nào”. Rồi nuốt đến ục cho cục cơm trôi vào miệng. Thằng con trai nói lại: “Thật mà bố”.

Ông bố thấy sự hồn nhiên của thằng con mới thấy mình cáu thật vô lý. Ôn tồn hỏi con: “Tại sao con lại bảo con già nhất nhà mình?”. “Thật mà bố, hôm nay con học bài thơ thế này bố ạ: Trời sinh ra trước nhất. Chỉ toàn là trẻ con... Vậy thì con chẳng già nhất nhà ta là gì”. Ông bố đần mặt ra nghĩ ngợi, còn Thìn phá lên cười. Rồi ôm con vào lòng: “Đúng lắm, con nói đúng quá”.
Thìn là cô giáo dạy tiểu học. Quả là nếu không có cậu con trai hiếu động, thông minh mà có lúc Thìn đã gọi là trợ giảng của mẹ thì những tình huống dạy học trên lớp Thìn không biết xử lý thế nào. Như hôm trước khi Thìn dạy cho học sinh bài Nàng tiên ốc (Nàng tiên ốc kể câu chuyện về một bà già nghèo chuyên mò cua bắt ốc, một hôm bà bắt được một con ốc lạ, thương tình không bán đem về bỏ trong chum, hóa ra đó là nàng tiên ốc, khi bà đi vắng nàng tiên ốc hóa thành người dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho bà già...).

Sau khi kể câu chuyện bằng thơ cho cả lớp nghe, Thìn mới đặt câu hỏi: “Bà già nghèo bỏ ốc vào trong chum để làm gì?”. Một em học sinh đứng dậy trả lời: “Em thưa cô, bà già bỏ ốc vào trong chum nuôi cho béo rồi ăn thịt ạ”. Cả lớp cười nghiêng ngả. Thìn cũng cười. Để cho cả lớp cười xong Thìn mới nói: “Em trả lời đúng rồi, nhưng trong câu chuyện cổ tích cô vừa kể thì bà già bỏ ốc vào trong chum rồi con ốc hóa thành ai nhỉ?”. “Con thưa cô, nàng tiên ạ”. “Đúng rồi, cả lớp mình giỏi lắm”.

Lớp học của Thìn hay được cấp trên dự giờ. Một lần có cấp trên to lắm của bộ về dự. Cấp trên to lắm muốn làm gương cho cô giáo về cách giảng dạy chủ động. Hôm ấy các em học bài Sự tích cây vú sữa. Cấp trên to lắm mới đặt câu hỏi: “Khi mẹ đi mất rồi các con phải làm gì?”. Cả lớp đồng thanh trả lời: “Chúng con ở với bố ạ (câu trả lời theo sách giáo khoa là các con phải ngoan ngoãn rồi mẹ sẽ quay về)”. Nghe học sinh trả lời xong, cấp trên to lắm buồn rầu kết thúc tiết học. Sau đó họp các giáo viên rút kinh nghiệm. Cấp trên to lắm phê bình các giáo viên dạy dỗ các em học sinh không đến nơi đến chốn, không nắm chắc bài, trả lời lung tung. Thìn buồn lắm. Buồn vì thương lũ học trò mới lên chín tuổi đầu mà bị cấp trên to lắm nhận xét như vậy.

Một lần khác cấp trên to nhất về thăm trường của Thìn. Lớp Thìn lại được chỉ định cho cấp trên to nhất dự giờ. Hôm ấy lớp Thìn học bài sự thân thiện. Cấp trên to nhất lên bục giảng để giải thích cho các em nghe vì sao các em phải thân thiện với môi trường, với con người. Cấp trên to nhất đặt câu hỏi: “Truyền thống của dân tộc ta là ra ngõ gặp ai các con nhỉ?”. Lác đác có em trả lời (chắc vì ngại sự uy nghiêm của cấp trên to nhất): “Gặp gái ạ”. Cấp trên to nhất hỏi lại: “Gặp ai các con nhỉ?”. Cả lớp đồng thanh trả lời rất đều và to: “Gặp gái ạ (câu trả lời đúng là ra ngõ gặp anh hùng)”.

Lần này thì cả ban giám hiệu cũng bị phê bình. Cũng từ lần đó thì không có cấp trên nào về thăm trường của Thìn nữa. Nhưng từ trong thâm tâm mình, Thìn biết học sinh của cô đã trả lời đúng câu hỏi. Các gia đình bây giờ bỏ nhau như cơm bữa. Trẻ con chỉ được sống cùng với một trong hai người. Bố bỏ đi thì sống với mẹ, mẹ bỏ đi thì sống với bố. Trẻ con thì đều ngoan ngoãn thiên thần cả mà bố với mẹ đã bỏ đi rồi có bao giờ quay về đâu.
Còn câu hỏi của quan to nhất thì học sinh cũng trả lời quá đúng. ở nhà thì bố mẹ ông bà luôn có câu cửa miệng: ra ngõ gặp gái là xui lắm. Ra đường thì bác hàng xóm, cô hàng xóm cũng cùng một câu: hôm nay ra đường gặp gái xui quá. Thậm chí còn nghe được cả cô giáo cũng vô tình phàn nàn, xui quá hôm nay đã ngày ba ra ngõ còn gặp gái. Đó là chưa kể dân chơi đề nhan nhản, câu cửa miệng lúc nào chẳng là: Chết là phải, gặp gái khác gì ăn phải thịt trâu toi.

Trẻ con luôn luôn đúng.
______________

Đi câu mực ở biển Sầm Sơn


Mấy năm nay ở bãi biển Sầm Sơn có thêm một thú vui giải trí ngoài những trò đỏ đen, và trò vui một tí giải trí cuộc đời ấy là trò đi câu mực. Hăng ngày trong bữa ăn có mực tươi ngon miệng làm cho nhiều khách tò mò muốn biết câu được con mực là khó hay dễ.

Có người thì bảo khó lắm, nếu mà dễ thì mực tươi chả lên đến hàng đặc sản, đắt đỏ. Lại có người bảo câu mực dễ như đút cơm vào miệng. Mực đi từng đàn bắt đèn, cứ thế cho tay xuống nước mà vớt lên. Thế là khách rất khoái cái trò đi câu mực.

Câu mực phải ngồi lên thuyền thúng, dứt khoát không phải là thuyền nào khác. Thuyền thúng của dân câu mực thì chả có ghế ngồi hay mái chèo. Ngồi xổm, chèo bằng tay. Còn thuyền thúng của khách câu mực thì có thêm mấy cái ghế cho khách ngồi và có mái chèo cho người chèo thuyền thúng đưa khách ra biển. Người chèo thuyền thúng có cách chèo rất đặc biệt, ấy là đít phải ngoáy tít. Có nghĩa là phải vận động cả hai tay và cái đít để ngoáy mái chèo vào nước thì mới đưa được thuyền thúng đi. Thuyền thúng đi đường vòng xoáy.

Ngồi thuyền thúng đi câu mực không đắt, chỉ có 50.000 đồng một giờ đồng hồ. Thuyền được đưa ra xa bờ khoảng vài trăm mét thì neo lại. Một cái đèn pin sáng nhờ nhờ được bật lên thả xuống nước để nhử mực đến. Đi câu không phải dễ. Người nào phải biết chờ đợi thì mới câu được cá. Kẻ xồn xồn thì chả bao giờ câu được con cá nào. Chiếc thuyền thúng mỏng manh dù đã được neo lại thì cũng vẫn nhẹ, lúc nhảy nhênh nhênh trên ngọn sóng, lúc quay vòng tròn. Khách câu mực, kẻ xồn xồn thì bắt đầu nóng đít, người nhẫn nại thì bỗng thấy dại. Biển mênh mông đen kịt chứa đựng biết bao điều bí hiểm.

Thôi thì chẳng biết có tiên cá, có vua thủy tề hay không nhưng chỉ cần một cơn gió thổi mạnh là lập tức con thuyền chao đảo mạnh. Vô phúc thuyền mà lật thì lăn tõm cả xuống biển, phao không có cái nào biết bấu víu vào đâu. Chết ráo cả lũ. Lại còn người bị say sóng, ậm ọe đòi nôn. Một giờ là 60 phút, mới được có 15 phút. Chả tiếc làm gì. Biết thế nào là câu mực rồi.
- Thuyền ơi vào bờ thôi, không câu nữa. Chóng mặt lắm rồi.

- Không vào được đâu các bác các anh các chị các cô các chú ạ, ở đây chúng cháu làm ăn đúng đắn lắm, đúng 60 phút nhà cháu mới được đưa các bác các anh các chị các cô các chú vào bờ.

Thuyền thúng chao mạnh, nước bắn cả vào người. Một khách nữ kêu ré lên rồi ọe ra một đống những là mực xào và cua ghẹ. Tiếc đứt ruột. Bữa ăn chiều tính ra mỗi người hết hơn 200.000 đồng. Cả nhà mình bốn người mà cũng chỉ mong tháng lạnh giời có ngần ấy tiền mua cá khô để đỡ thèm thịt. Tay lái thuyền nghĩ thầm trong bụng.

Nôn xong một chập khách nữ rên lên, vào thôi, chết mất.

Khách nam nói như ra lệnh: “Nhổ neo rồi chèo thuyền vào bờ đi, không câu kẽo gì nữa”.

- Không vào được đâu các bác các anh các chị các cô các chú ạ, ở đây chúng cháu làm ăn đúng đắn lắm, một giờ là 60 phút nhà cháu mới đưa các bác các anh các chị các cô các chú vào bờ được ạ.

Khách nam hét lên rồi nắm lấy cổ áo tay lái thuyền: “Mày muốn gì?”.

- Cháu chẳng muốn gì ạ. Chú bỏ tay ra đi không có thuyền úp là cháu không cứu người được đâu.

Một khách nam khác đành đấu dịu: “Chú mày cần gì?”.
- Dạ nhà cháu cần... Dạ không ạ. Thôi thì đưa cho nhà cháu 150.000 đồng để nhà cháu chèo vào bờ.

- Mày nói gì? Du khách nam nóng tính lại hét lên. Mày định giở trò ăn chặn lưu manh tống tiền hả?

- Dạ không ạ. Ở đây chúng cháu làm ăn đúng đắn lắm ạ, đúng 60 phút chúng cháu mới đưa các bác các anh các chị các cô các chú vào bờ được ạ.

- Thôi anh ơi, anh đưa cho nó tiền đi, em chết mất.

Tiền trao cháo múc. Tay lái thuyền như con rối ngoáy đít, ngoáy mái chèo đưa con thuyền thúng vào bờ.

Lên bờ khách nữ hết say cười rũ ra. Khách nam nóng tính chửi thề, vui đéo gì mà cười. Khách nữ mới kể các anh đã đi du lịch bằng lạc đà ở Ai Cập chưa? Cưỡi lạc đà đi một giờ đồng hồ chỉ mất có 20 đôla. Nhưng xuống lạc đà thì phải mất 100 đôla. Tiếc tiền à? Tự trèo xuống đi, gãy chân chủ lạc đà không phải chịu trách nhiệm đâu nhé.
______________


Hoa gạo rụng

Có một bà già nghèo nhỏ thó sống trong một căn nhà nhỏ bên cạnh một cây gạo già. Cây gạo già nhưng vẫn trổ hoa vào tháng ba. Tháng ba bà già nhỏ thó đứng dưới gốc cây để xem hoa gạo rụng. Hoa gạo ở đầu cành lặng lẽ bứng khỏi cành, rơi cái núm hoa xuống trước, năm cánh hoa xoay tròn trong không khí như cái chong chóng. Cách rụng hoa kiểu chong chóng, cánh hoa không bị giập nát khi tiếp đất. Bà già nhỏ thó nhặt bông hoa đó mang vào nhà. Còn nếu hoa rụng bộp xuống đất đó là khi có gió lay hoặc những cánh hoa úp xuống. Khi đó những cánh hoa đỏ bị bầm giập. Bà già nhỏ thó nhặt hoa gạo lên thương tiếc rồi lại vứt xuống đất.

Bà già nghèo nhỏ thó có một nỗi niềm riêng mà không bao giờ bà nói cho ai biết. Chỉ có những bông hoa gạo nở vào tháng ba mới biết điều đó. Và một bông hoa gạo đã kể cho tôi nghe khi tôi đi qua nhà bà vào tháng ba, tôi đã đứng lặng dưới gốc để chờ một bông hoa gạo rụng.

Xưa bà già nghèo sống trong một gia đình nghèo. Gia đình nghèo sống trong một cộng đồng nghèo. Nghèo là đói. Cái đói triền miên. Nhưng cái đói thanh sạch. Không biết từ bao giờ mà từ cộng đồng đến gia đình và từng cá nhân biết chịu đựng cái đói. Điều này nhìn vào là biết ngay, nhà không cần cửa, vườn không cần rào.

Trong gia đình bà già nghèo có một cái chum rất to. Ở trong đó có những thứ ăn được. Lũ trẻ bụng lúc nào cũng đói meo nhưng không bao giờ bén mảng đến gần cái chum. Chỉ có mẹ là người duy nhất trong nhà được mở chum để lấy gạo nấu ăn, hoặc một loại thức ăn nào đó. Một lần mẹ lấy từ trong chum ra một thứ gọi là mì sợi. Mẹ bắc chảo rồi cho mì sợi vào rang. Mẹ cho thêm ít mỡ và một ít đường. Một món ăn tuyệt vời. Nó ngon hơn tất thảy mọi thứ ngon nhất ở trên đời này. Chỉ đơn giản là bọn trẻ con khi ấy chưa bao giờ được ăn thứ gì ngon hơn.

Mấy ngày sau bố mẹ đi làm chỉ có ba chị em ở nhà. Bà già nghèo nhỏ thó là chị cả, lên mười tuổi, gầy đen như que củi nhưng mầm lớn đang cựa quậy để trỗi dậy. Cái món ăn tuyệt vời của mẹ làm cho ba chị em cứ nhòm ngó vào cái chum. Không thể dừng được nữa, ba chị em quyết định mở chum để lấy một ít mì sợi, đường và mỡ. Chị cả gầy đen bảo với hai thằng em:

- Chúng mày ra ngõ đứng canh mẹ. Mẹ mà bắt gặp chị em mình ăn vụng thế này mẹ sẽ rất đau khổ. Nếu mẹ về chúng mày hô hoa gạo rụng thì tao sẽ giấu chảo mì vào đống rạ.

Hai thằng em ra ngõ canh mẹ. Chị cả gầy đen nổi lửa rang mì. Chảo mì đã bốc mùi thơm lựng, chỉ cần cho ít đường nữa là xong. Bỗng nhiên một tiếng hô ở ngõ dội vào bếp: hoa gạo rụng.
Chị cả gầy đen cuống quýt bắc chảo mì giấu vào đống rạ. Vì sợ quá mà quên dùng lót tay nên hai bàn tay đỏ ửng lên vì bị bỏng chảo nóng. Chị cả gầy đen đau rát ở hai tay nên thu hai tay vào trong áo, áp vào bụng thấy đỡ đau. Chị cả gầy đen chạy ra cổng. Hai thằng em đang cười nhăn nhở. Chúng bảo chúng dọa chị đấy. Chị cả khóc nức lên, giơ hai bàn tay đỏ ửng cho hai thằng em xem.

Nhưng có một cái chị cả không cho hai thằng em nghịch ngợm xem được đó là các mầm lớn trong chị cả đã thui rồi. Cái lúc ba từ “hoa gạo rụng” lọt vào tai chị cả thì một sự sợ hãi tột cùng ập đến. Chị cả rùng mình và cảm nhận được một sự lìa đứt vô hình trong cơ thể. Như cái lúc bông hoa gạo lìa cành chỉ có mình chị cả nhìn thấy, mà có giải thích thế nào hai thằng em cũng không cảm nhận được.

Từ đó chị cả không lớn lên được nữa. Bố mẹ đã mang chị cả đi đến nhiều bệnh viện để khám và chữa. Không có một thuốc nào làm chị cả lớn lên được tí nào.

Hai đứa em lớn lên đi khỏi làng. Chúng thành đạt trên đường đời chúng chọn. Chị cả ở lại căn nhà nhỏ của cha mẹ nghèo. Chị cả thành một bà già nghèo nhỏ thó. Hai đứa em thi thoảng về thăm. Chúng nói chuyện với nhau rằng bây giờ người ta no đủ trong sự dối trá và suy đồi. Chúng bảo với bà già nghèo nhỏ thó rằng chị thật hạnh phúc, tháng ba chị được xem hoa gạo rụng và chị vẫn thích món mì rang đường, chị không phải bon chen.


Truyện ngắn của Y Ban
Nguồn: Tuoitre.com.vn
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
148
0
0

BlueSky

New Member
Ðề: Truyện ngắn

GÁI HƯ​

1. Ừ thì em là gái hư! Em chẳng việc gì phải huyễn hoặc mình bởi những ảo tưởng rằng thì em là một cô gái ngoan. Dưng cơ mà cuộc đời trớ trêu ở chỗ em bảo em hư thì chẳng ai chịu tin. Bạn bè lại cứ tin em là gái ngoan. Thầy cô cũng tin em là gái ngoan. Bố mẹ càng tin em là gái ngoan. Và em cũng chẳng có gì băn khoăn hay áy náy với điều đó. Bởi em đã khẳng định rồi mà: em là gái hư! Ai tin thì tin, chả tin thì thôi, chẳng lẽ em cứ phải đi phân bua với từng người rằng ấy ấy em là gái hư, cấm có ngoan, đừng hiểu lầm em chứ? Em không rảnh rỗi đến mức ấy, và cũng chẳng được ngoan đến mức ấy. Thôi thì hy vọng dần dần mọi người sẽ nhận rõ bản chất vấn đề.

Hư lắm, nên em cũng chẳng có gì dằn vặt khi anh cũng nghĩ em là gái ngoan lúc anh xồng xộc xông vào đời em và quyết tâm lấy bằng được em làm vợ.

Mình đã gặp nhau thế nào nhỉ? À, em nhớ rồi, hôm ấy cả hai đứa có mặt trong một buổi đi ăn uống của các bạn chung của chúng mình. Anh dường như có vẻ khinh khỉnh nhìn em (dù sau này anh có bảo không phải thế đâu, anh chú ý em ngay từ hôm ấy rồi, em cũng ứ tin). Ừ, thì bởi vì anh luôn nghĩ anh đẹp trai, anh tài giỏi. Còn em, cái gì em cũng hư, có mỗi cái khiêm tốn là thỉnh thoảng em... ngoan. Thế nên, em cứ lẳng lặng ngồi gẩy gẩy đôi đũa trên những món ăn la liệt trên bàn. Anh ngồi đối diện em, bàng quan như chẳng thấy. Và vì em hư, nên em bắt đầu... liếc xung quanh. Trong cái khung cảnh xung quanh ấy thì dĩ nhiên là phải có anh điểm xuyết. Nhưng trước khi đưa mắt qua nhân vật phụ điểm xuyết ấy, em còn mải mê chú ý đến một loạt các nhân vật nam chính khác. Ồ, kia là cậu bạn thời đại học thích em, bây giờ cậu đang làm ở một bộ to hẳn hoi. Viên chức nhà nước có khác, trong đạo mạo kinh! Kính trắng, áo sơ mi đóng thùng, quần tây phẳng lì. Cậu dẫn theo cô người yêu mặt mũi non choẹt. Chắc một bé chíp vừa ngơ ngáo vào đời thì bị cậu chàng cuỗm luôn đây. Cơ mà tự dưng em thấy hơi tiêng tiếc. Giá mà cái thời trẻ trung phơi phới, non tơ mơn mởn ấy, em gật đầu quách luôn cậu bạn, thì bây giờ cái vị trí e ấp bên vai cậu hẳn phải là của em. Chẳng phải nghĩ suy, chẳng phải lăn tăn suốt những tháng ngày trước khi em gặp anh (ơ nhưng hình như gặp anh rồi em càng suy nghĩ, càng băn khoăn thì phải). Bé chíp bắt gặp ánh mắt em đang nhìn đắm đuối bạn trai mình thì giật giật cánh tay cậu. Cậu bạn quay sang thấy em lúng túng mất một chút

- - Ấy đấy à? Lâu quá không gặp!

- - Ừ , lâu qúa bọn mình không gặp. Ấy có cô bạn gái xinh quá. Mau chóng cho bọn tớ ăn kẹo nhé.

Em nghe đâu đấy trong tiếng ồn của quán ăn hơi thở phào nhẹ nhõm của bé chíp (chắc nghĩ em không còn gì đáng ngại nữa). Bé chíp lại thẹn thùng e ấp nép sát vào vai cậu bạn. Em chán ngán quay đi. Hư như em đố có mà e ấp được thế. Một cái giật mình thảng qua, hình như cũng đã có thời em như thế...

Mắt em lần này thì dừng lại một cậu bạn khác đang gọi em:

- A - Yên Hà à, thế chừng nào cho bọn tớ ăn kẹo của cậu? Ngày đấy, chắc tớ buồn chết mất.

- K- Không đâu, tớ chờ ấy! Ấy chưa lấy vợ, tớ chưa lấy chồng. Nếu không, bọn mình cứ chờ nhau nhé!

Mắt em đong đưa nhìn cậu bạn. Cậu chàng phá lên cười thích thú. Ô hay, em đã chán ngấy những kiểu à ơi như thế. Nhưng em vẫn hay buột miệng thế đấy. Hư mà, đã bảo rồi!

Em đưa mắt nhìn về chén thức ăn của mình để tiếp tục công việc gẩy gẩy.

Thì...

Bỗng nhiên...

Ánh mắt em chạm ánh mắt anh...

(To be cont...)
Gái hư 2​

Khi ánh mắt mình giao nhau...
Chẳng có điện xẹt (đơn giản thôi, vì em không phải là cô bé có đôi mắt phóng lửa và anh thì chẳng phải x-man).
Chẳng có tim đập mạnh, mắt hoa đi (cũng đơn giản thôi, vì anh và em đều không… đói, chúng mình đang ngồi ngay trước bàn ăn mà).
Nói tóm lại chẳng có ti teo lãng mạn nào cả. Của đáng tội, em cũng chẳng còn ở cái tuổi ô mai, sấu dầm để mà bối rối trước một ánh mắt. Em ơ hờ đưa mắt qua nhân vật phụ có tính chất điểm xuyết là anh. Còn anh thì thủng thẳng nhón một con tôm cho vào miệng mà không biết rằng mắt anh vừa lướt qua một nhân vật nữ chính có vai trò quan trọng trong cuộc đời anh sau này.
Chúng mình có một cái khởi đầu thật chẳng có gì đáng nhớ.
Cuối buổi tụ tập, chẳng biết đứa nào nghĩ ra cái màn teen cực kì: giao lưu, trao đổi số điện thoại. Thế là một cách đường đường chính chính, em có tất cả số điện thoại của các nhân vật nam chính, nam phụ (dĩ nhiên là có cả anh) trong buổi tụ tập ngày hôm đó.
Em phóng xe về nhà, cảm giác thật thoải mái sau khi gặp gỡ bạn bè. Trời Sài Gòn khuya se se lạnh. Cảm xúc em lắng đọng, chẳng rộn ràng theo từng bánh xe lăn như hằng ngày. Về đến nhà, em thấy một chiếc Viva quen thuộc dựng trước sân. Vào trong nhà, em thấy một gương mặt quen thuộc đang ngồi uống trà với mẹ. Gương mặt quen thuộc kín đáo lộ vẻ mừng vui khi em bước vào phòng khách. Mẹ ý tứ rút lên nhà, nhường sân khấu cho em và gương mặt quen thuộc.
- H - Hai đứa ngồi chơi, cô lên phòng có chút việc.
Em dậm chân khe khẽ. Khi mẹ đang ở đấy, em không nên thể hiện cảm xúc ra quá nhiều, thôi thì dồn bớt xuống bước chân vậy. Mẹ đi rồi, gương mặt quen thuộc nhìn em dịu dàng khẽ hỏi:
- - - - Em đi chơi vui không?
- - - - Dạ vui! – Em vờ vịt ngoan ngoãn. Vì thường nếu không thoải mái em sẽ trả lời cộc lốc “Có!”, hoặc nhấm nhẳng “Cũng được!”, nhưng với gương mặt quen thuộc thì làm điều ấy thật khó nên em đành vờ vịt. Thấy tay chân mình thừa thãi. Em bắt đầu lục lọi giỏ xách của mình (hết việc rồi mà) để tìm một cái gì chính em cũng chẳng rõ.
- - - -Mình ra quán ngồi đi.
Em lại cun cút đứng lên, đi theo gương mặt quen thuộc. Trong lòng tự rủa thầm mình “Ðiên à, ở nhà ngay, sao lại đi như thế!!!” Thế nhưng, cái chân em hư, cái đầu em kêu gào tí tẹo rồi cũng vào hùa với cái chân.
Em lên xe ngồi, giữ cho mình một khoảng cách (em cho là) an toàn với tấm lưng quen thuộc. Thế này thì có thắng gấp em cũng ứ đổ ập vào người đâu nhé. Em nghênh nghênh mặt, cho gió lùa tóc em mềm.
Bàn tay quen thuộc vòng ra sau nắm lấy tay em. Em vờ vịt (em vẫn hay vờ vịt thế những khi bối rối) đưa tay lên vuốt tóc. Thấy em lạnh lùng, người ta đành phải tập trung chuyên môn mà lái xe.
Xe Viva dừng ở quán quen thuộc. Quán nhỏ. Yên tĩnh và kín đáo. Em và người ta đi vào, trông có vẻ như là một cặp tình nhân (thiếu mỗi cái ôm eo, nắm tay là em sẽ delete ngay cái cụm từ “trông có vẻ””). Sau khi đã an tọa ở một góc kín đáo trong quán, em gọi trà dâu sữa, người ta gọi một chai bia Heiniken. Hai thức uống thật chẳng có gì ăn nhập để mà sánh đôi trên cùng một cái bàn.
Em khuấy ly trà (lại chẳng có gì làm đây mà). Từng giọt trà sóng sánh ánh hồng, hương dâu ngọt ngào dìu dịu. Người ta uống một hớp bia. Một giọt bia sóng sánh ánh vàng rơi ra bàn. Khói thuốc lá người ta hút phả vào mặt em làm em ho khẽ. Người ta dụi điếu thuốc đi. Tay bỗng trở nên thảnh thơi nên vòng qua vai em. Em hất nhẹ vai. Cánh tay chẳng thèm rơi ra mà dịu dàng bóp nhẹ vai em. Lòng mềm đi. Em bướng bỉnh đâu rồi?
Và lại vẫn rất dịu dàng...
Người ta đặt lên môi em...
...một nụ hôn.
Một nụ hôn khen khét mùi khói thuốc.
Một nụ hôn đăng đắng vị bia.
Một nụ hôn rất nhẹ nhàng.
Và em gọi người ta là người Dịu dàng.
Một người đã sánh bước cùng em và sẽ sánh bước cùng em trong hành trình anh, em và Dịu dàng.
(To be cont.)
 
148
0
0

BlueSky

New Member
Ðề: Truyện ngắn

Gái hư 2​

Khi ánh mắt mình giao nhau...
Chẳng có điện xẹt (đơn giản thôi, vì em không phải là cô bé có đôi mắt phóng lửa và anh thì chẳng phải x-man).
Chẳng có tim đập mạnh, mắt hoa đi (cũng đơn giản thôi, vì anh và em đều không… đói, chúng mình đang ngồi ngay trước bàn ăn mà).
Nói tóm lại chẳng có ti teo lãng mạn nào cả. Của đáng tội, em cũng chẳng còn ở cái tuổi ô mai, sấu dầm để mà bối rối trước một ánh mắt. Em ơ hờ đưa mắt qua nhân vật phụ có tính chất điểm xuyết là anh. Còn anh thì thủng thẳng nhón một con tôm cho vào miệng mà không biết rằng mắt anh vừa lướt qua một nhân vật nữ chính có vai trò quan trọng trong cuộc đời anh sau này.
Chúng mình có một cái khởi đầu thật chẳng có gì đáng nhớ.
Cuối buổi tụ tập, chẳng biết đứa nào nghĩ ra cái màn teen cực kì: giao lưu, trao đổi số điện thoại. Thế là một cách đường đường chính chính, em có tất cả số điện thoại của các nhân vật nam chính, nam phụ (dĩ nhiên là có cả anh) trong buổi tụ tập ngày hôm đó.
Em phóng xe về nhà, cảm giác thật thoải mái sau khi gặp gỡ bạn bè. Trời Sài Gòn khuya se se lạnh. Cảm xúc em lắng đọng, chẳng rộn ràng theo từng bánh xe lăn như hằng ngày. Về đến nhà, em thấy một chiếc Viva quen thuộc dựng trước sân. Vào trong nhà, em thấy một gương mặt quen thuộc đang ngồi uống trà với mẹ. Gương mặt quen thuộc kín đáo lộ vẻ mừng vui khi em bước vào phòng khách. Mẹ ý tứ rút lên nhà, nhường sân khấu cho em và gương mặt quen thuộc.
- H - Hai đứa ngồi chơi, cô lên phòng có chút việc.
Em dậm chân khe khẽ. Khi mẹ đang ở đấy, em không nên thể hiện cảm xúc ra quá nhiều, thôi thì dồn bớt xuống bước chân vậy. Mẹ đi rồi, gương mặt quen thuộc nhìn em dịu dàng khẽ hỏi:
- - - - Em đi chơi vui không?
- - - - Dạ vui! – Em vờ vịt ngoan ngoãn. Vì thường nếu không thoải mái em sẽ trả lời cộc lốc “Có!”, hoặc nhấm nhẳng “Cũng được!”, nhưng với gương mặt quen thuộc thì làm điều ấy thật khó nên em đành vờ vịt. Thấy tay chân mình thừa thãi. Em bắt đầu lục lọi giỏ xách của mình (hết việc rồi mà) để tìm một cái gì chính em cũng chẳng rõ.
- - - -Mình ra quán ngồi đi.
Em lại cun cút đứng lên, đi theo gương mặt quen thuộc. Trong lòng tự rủa thầm mình “Ðiên à, ở nhà ngay, sao lại đi như thế!!!” Thế nhưng, cái chân em hư, cái đầu em kêu gào tí tẹo rồi cũng vào hùa với cái chân.
Em lên xe ngồi, giữ cho mình một khoảng cách (em cho là) an toàn với tấm lưng quen thuộc. Thế này thì có thắng gấp em cũng ứ đổ ập vào người đâu nhé. Em nghênh nghênh mặt, cho gió lùa tóc em mềm.
Bàn tay quen thuộc vòng ra sau nắm lấy tay em. Em vờ vịt (em vẫn hay vờ vịt thế những khi bối rối) đưa tay lên vuốt tóc. Thấy em lạnh lùng, người ta đành phải tập trung chuyên môn mà lái xe.
Xe Viva dừng ở quán quen thuộc. Quán nhỏ. Yên tĩnh và kín đáo. Em và người ta đi vào, trông có vẻ như là một cặp tình nhân (thiếu mỗi cái ôm eo, nắm tay là em sẽ delete ngay cái cụm từ “trông có vẻ””). Sau khi đã an tọa ở một góc kín đáo trong quán, em gọi trà dâu sữa, người ta gọi một chai bia Heiniken. Hai thức uống thật chẳng có gì ăn nhập để mà sánh đôi trên cùng một cái bàn.
Em khuấy ly trà (lại chẳng có gì làm đây mà). Từng giọt trà sóng sánh ánh hồng, hương dâu ngọt ngào dìu dịu. Người ta uống một hớp bia. Một giọt bia sóng sánh ánh vàng rơi ra bàn. Khói thuốc lá người ta hút phả vào mặt em làm em ho khẽ. Người ta dụi điếu thuốc đi. Tay bỗng trở nên thảnh thơi nên vòng qua vai em. Em hất nhẹ vai. Cánh tay chẳng thèm rơi ra mà dịu dàng bóp nhẹ vai em. Lòng mềm đi. Em bướng bỉnh đâu rồi?
Và lại vẫn rất dịu dàng...
Người ta đặt lên môi em...
...một nụ hôn.
Một nụ hôn khen khét mùi khói thuốc.
Một nụ hôn đăng đắng vị bia.
Một nụ hôn rất nhẹ nhàng.
Và em gọi người ta là người Dịu dàng.
Một người đã sánh bước cùng em và sẽ sánh bước cùng em trong hành trình anh, em và Dịu dàng.
(To be cont.)
Dịu dàng đưa em về nhà, tay khẽ khàng nắm nhẹ tay em suốt quãng đường. Em nín thinh, chẳng biết nói gì. Trà dâu sữa ngọt lịm, thơm lừng vẫn không làm cái mồm như khướu hàng ngày của em (vốn không cần trà sữa bổ sung) mở ra được. Về đến nhà, Dịu dàng lại rất dịu dàng đặt lên mắt em một nụ hôn.
- Em vào nhà đi. Ðừng suy nghĩ gì cả. Ngủ ngon nhé em!
- Dạ, anh về! – Em ngoan ngoãn đáp (lần này là ngoan thật đấy!).
Em lúp xúp đi vào gặp ngay mẹ đang ngồi xem tivi ở phòng khách. Mẹ nhìn em dò hỏi:
- Con với Dịu dàng là thế nào đấy?
Em ngó lơ, đánh trống lảng là em mệt lắm phải đi ngủ thôi. Em về phòng, buồn chẳng buồn, vui chẳng vui. Bật máy tính online cái vậy!
Pop-up! Một con cún xinh xinh cầm tấm biển xinh xinh hiện ra ngay khi máy tính vừa khởi động xong “Yên Hà, đi học bài mau!”. Ờ hén! Em quên béng mất là hôm nay em xếp lịch mình ngồi học tiếng Anh từ 9pm đến 11pm. Em ngó đồng hồ, 10.30pm mất tiêu rồi, 30 phút sẽ chẳng học hành được gì đâu. Em vào Yahoo Messenger, vài tin nhắn offline vớ vẩn, không có hứng thú chít chát lắm. Lương tâm em cũng hơi hơi cắn rứt vì quên mất chuyện học. Em là em phải nói rõ, hư thì hư nhưng em cũng có mục tiêu rõ ràng của đời mình lắm. Em đang quyết chí đi du học! (Kinh nhờ!!!) Lý do vì sao em muốn đi thì cứ từ từ, hồi sau sẽ rõ. Bây giờ em phải xử lý cái lương tâm không chịu nằm yên cho em chít chát đã. Tóm lại là nên làm một cái gì đấy có dính dáng đến tiếng Anh, mà lại khiến em thú vị nữa.
Ok, nghĩ ra rồi! Em đang cần một số tài liệu tiếng Anh. Hè hè, bây giờ chỉ cần kiếm người để hỏi han tài liệu, nhân tiện tám luôn. Tiện cả đôi đường, học mà chơi, chơi mà học. Thế có tài không! Em rà danh sách trong YM list. Quái quỉ, mấy đứa bạn giỏi giỏi tiếng Anh đâu hết cả rồi. Thôi thì gọi điện vậy. Em bắt đầu tra danh bạ điện thoại trong di động của mình.
Ðột nhiên...
...em nhìn thấy tên anh!
Gương mặt khinh khỉnh của anh lại hiện ra.
Và em nhớ thêm ra rằng hôm ấy nói chuyện em có nghe loáng thoáng đứa bạn nói rằng anh rất giỏi tiếng Anh.
Có người để hỏi tài liệu rồi, là lá la! Em liếc đồng hồ, hơi trễ rồi nhỉ! Mẹ vẫn dặn là không nên gọi điện thoại sau 9.30pm. Nhưng hôm nay em đang trong cái mood hư. Thôi thì xin lỗi mẹ vậy. Với lại cuối tuần mà, có ai đi ngủ sớm đâu. Em tự bào chữa cho mình.
Em e hèm lấy giọng. Ðã nhờ vả thì phải lịch sự, ngọt ngào. Hơn nữa em có một giọng nói cực kỳ dễ nghe nên đành phải phát huy thôi. Nhờ vả lúc đêm đêm thế này là hợp lý lắm vì lòng người thường yếu đuối lúc đêm khuya. Thế nên rất quả quyết, em nhấn nút tên anh!
Anh a lô. Em thỏ thẻ tự giới thiệu bản thân. Anh à há nhớ ra người suýt quen. Em thỏ thẻ nhờ vả. Anh đồng ý cái rụp. Rồi hỏi em có online không anh gửi tài liệu cho luôn. Em mừng húm. Em thích chít chát hơn, để còn một lúc nói chuyện được với vài người chứ lị! Chứ nói điện thoại thế này em chỉ có thể xử lý 1 người thôi, thế thì phí năng lực em quá!
Anh nhiệt tình gửi cho em cả đống tài liệu, em save muốn mệt nghỉ. Sau đó, anh chào em anh đi ngủ. Anh nói chuyện chán phèo, em chẳng buồn giữ. Hơn nữa đứa bạn thân em online rồi, em đang có khối chuyện để kể lể với nàng, thế nên tạm biệt anh lúc này là đúng đắn lắm, em khỏi phải vướng bận.
Vào lúc ấy, khi tạm biệt anh và trong lòng không mảy may vấn vương, em đã không thể ngờ rằng số phận có ngày sẽ đưa đẩy mình gặp lại nhau khi mà anh ở mãi tận Hà Nội thâm trầm còn em thì ở mãi nơi Sài Gòn náo nhiệt và giữa chúng mình thì chẳng có một sợi dây liên hệ nào cả.
Và cũng đêm hôm ấy, em đã không để ý rằng trong giấc mơ em ngủ có gương mặt khinh khỉnh của anh xì xồ tiếng Anh và có Dịu dàng khe khẽ hôn lên mắt em...
(To be cont.)
 
148
0
0

BlueSky

New Member
Ðề: Truyện ngắn

GÁI HƯ

Tối hôm sau, Dịu dàng nhắn tin “Ði ăn ốc Tino với anh!” Lương tâm em lại một lần nữa có cơ hội rèn luyện trong lửa đạn. Ði hay không đi? Em thấy mình hư và sẽ hư nếu đi. Còn muốn không hư thì chỉ có ở nhà. Em thích ăn ốc. Em thích trò chuyện với Dịu dàng. Và căn bản em biết em sẽ hư vì Dịu dàng sẽ lại hôn em. Mà em thì nghiện những nụ hôn rất nhẹ nhàng ấy mất rồi.
Em bần thần nhớ lại những sự kiện đã dẫn đến cái ngày hôm nay.
***
Dịu dàng học cùng trường em thời Ðại học ở Hà Nội. Cái thời em nông nổi (nói cho ngay đến giờ vẫn thế) khăng khăng đòi khăn gói quả mướp ra Hà Nội học để sống xa bố mẹ. Và cái lí do của em rất chính đáng đó là tập dượt để sau này ra nước ngoài du học. Bố mẹ em thoạt đầu phản đối việc em – cô con gái độc nhất - lại sống xa gia đình. Nhưng đến khi nghe lí do này thì gật gù ra chiều khen em biết suy tính chuyện tương lai lắm. Thế là em ra Hà Nội bắt đầu những tháng ngày đầy niềm vui và nước mắt (đây lại là một thiên truyện lâm ly bi đát khác mà có dịp em sẽ lại tiếp tục kể lể).
Em gặp Dịu dàng trong những tháng ngày lang thang ở Hà Nội ấy. Dịu dàng học trên em vài khoá. Thế nên anh em chỉ có một chút ít thời gian làm quen và chơi với nhau (tạo tiền đề cho những trắc trở sau này). Rồi Dịu dàng ra trường và biệt tích giang hồ từ đó. Mãi đến khi em tốt nghiệp và quay trở lại Sài Gòn thì thật tình cờ hai anh em gặp lại. Dịu dàng khi ấy đã khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp. Anh nhanh chóng trở thành một gương mặt quen thuộc trong những bữa cơm ở gia đình em.
Em vẫn nhớ cái hôm gặp lại, Dịu dàng đã nhắn tin “Anh em mình đi ăn đồ Ấn đi!” Ôi, Dịu dàng vẫn còn nhớ cả sở thích của em cơ đấy (nói cho ngay, em là con người của... quốc tế, đồ ăn nước nào em cũng thích). Em và Dịu dàng đến một quán ăn Ấn ấm cúng. Anh em hàn huyên tâm sự về trường lớp, bạn bè, thầy cô. Ðột nhiên, Dịu dàng hỏi:
- À, thế cái cậu bạn trai thời đại học của em thế nào rồi.
Em ngớ người mất mấy giây. Rồi mũi em đỏ dần lên. Nước mắt oà ra như đê vỡ. Em ngồi lặng thinh. Tô cà rì nị Ấn độ vàng ươm, thơm lừng mùi ớt, sữa tươi và nước dừa nhoà đi trước mắt em (đấy, ngay trong lúc bi thương nhất em vẫn không để khả năng cảm nhận ẩm thực của mình bị mờ nhạt đi). À, đúng rồi, tại cà ri nị cay nên nước mắt em rơi, chứ chẳng phải là em khóc đâu. Gái hư như em làm gì phải khóc bởi những chuyện xưa xửa xừa xưa.
Dịu dàng kéo em xích lại gần. Một cách vô thức đầu em ngả lên vai Dịu dàng. Dịu dàng khẽ khàng lau nước mắt cho em. Và đó là lần đầu tiên em cảm nhận được Dịu dàng dịu dàng quá!
Từ đó, hai anh em càng lúc càng gắn bó. Dịu dàng chiều chuộng em hết mực (bằng chứng là rất hay dẫn em đi ăn uống). Hai anh em cực kì tâm đầu ý hợp, chuyện chuyện trò trò nhí nhố suốt cả ngày. Dịu dàng cũng là chuyên gia tư vấn tâm lý chuyện tình cảm cho em, chỉ bảo cho em các mánh khóe cưa cẩm của bọn con trai và cũng kể lể em nghe không ít về các thiên tình sử của mình.
Mọi chuyện sẽ mãi là như thế, nếu không có ngày hôm ấy...
Cái ngày em hư và từ đó trượt dài trong những nụ hôn dịu dàng...
Hôm ấy là ngày Dịu dàng trở về sau 3 tuần đi nước ngoài công tác.
Máy bay bị trễ. Dịu dàng nhắn tin “Qua nhà chờ anh, anh sẽ về thẳng nhà. Hơi trễ một chút. Anh có quà cho em.” Thoạt đầu, em định không sang nhà Dịu dàng vì không gặp nhau lúc này anh em sẽ gặp nhau lúc khác. Nhưng nghe đến “qùa” thì em không thể không đi (em luôn thích mê ly những món quà). Dịu dàng luôn là thế, rất biết đánh trúng tâm lý ham ăn, ham qùa của em. Em tung tăng qua nhà Dịu dàng, tưởng tượng ra đủ thứ quà mình có thể có. Cảm giác chờ đợi một món quà luôn khiến em rất thích thú và háo hức. Em đứng chờ được một lúc thì Dịu dàng về. Em thoáng thấy ánh mắt Dịu dàng bừng sáng khi nhìn thấy em. Dịu dàng nắm lấy cánh tay em kêu lên:
- Em gầy đi à?
Ơ, bỗng nhiên em lúng túng. Chưa bao giờ Dịu dàng cầm cánh tay em kiểu như thế. Em bối rối. Bây giờ làm thế nào? Rút tay ra có thể sẽ làm cả hai ngượng ngùng vì có thể Dịu dàng chẳng có ý gì cả. Không rút tay ra thì... (hơ) em ngại (lúc đấy đang trong mood ngoan hiếm hoi)! Dịu dàng đẩy khẽ vai em
- Vào nhà đi, anh đói bụng quá!
Em tự dưng thấy chùn chân. Mơ hồ em cảm nhận được điều gì có thể xảy ra nếu em bước vào căn nhà đó lúc này. Lí trí em phản đối kịch liệt, nhưng đôi chân em vẫn líu ríu theo Dịu dàng vào nhà.
Dịu dàng dọn đồ ăn anh mua vội vàng trên đường từ sân bay về:
- Nhất em đấy, xưa nay anh chưa từng phục vụ ai thế này đâu.
Cả hai ăn uống nhanh chóng. Dịu dàng vừa hút thuốc, uống bia vừa trò chuyện với em. Mỗi đứa ngồi một đầu sofa. Dịu dàng kể cho em nghe về chuyến đi công tác của mình (thỉnh thoảng em lại nhủ thầm “Quà đâu? Quà đâu?”). Đôi lúc em bắt gặp ánh mắt Dịu dàng nhìn em là lạ. Âu yếm. Trìu mến.
Và quả thật đến bây giờ em vẫn chăng hiểu bằng cách nào và như thế nào em và Dịu dàng đã ngồi mỗi lúc một xích lại gần hơn.
Và rất nhẹ nhàng…
…Dịu dàng kéo em về phía anh.
Em bối rối muốn thu người lại. Nhưng cái cảm giác thật dịu dàng khi dựa đầu vào anh cái hôm em bật khóc bên tô cà ri nị khiến em không cưỡng lại được mình.
Và vẫn rất nhẹ nhàng…
…Dịu dàng đặt lên môi em một nụ hôn.
Một nụ hôn thơm mùi khói thuốc (cái lý thuyết “hôn người hút thuốc cảm giác như đang vục đầu vào cái gạt tàn thuốc lá” của em đã bị xóa sạch kể từ hôm đó).
Và có lẽ, em và Dịu dàng đã có thể là một đôi hạnh phúc…
Nếu như hôm ấy…
Trong cái cảm giác lâng lâng, bồng bềnh ấy…
Không phải là em đang hôn một người…
…đã có người yêu!
(To be cont.)​
(Trích blog của bạn Hà Lan)​
 
1,904
0
36

291179

Active Member
Ðề: Truyện ngắn

Món mì thịt cừu

Định Lập Mai (Phạm Tú Châu dịch)

Thật ra cô là người rất sợ ăn thịt cừu. Cô không chịu được mùi hôi của thịt cừu, hễ ngửi thấy là chỉ muốn ói. Hồi nhỏ, người nhà lấy thịt cừu băm nhỏ làm nhân bánh cảo rồi nói dối là cảo nhân thịt lợn, nhưng dù đã cách một lần vỏ bằng bột mì, cô vẫn ngửi thấy.

Nhưng Phó Văn lại rất thích ăn. Anh nói, cừu có thớ thịt rất mịn, ăn vào ấm dạ dày, làm cho da cũng đẹp. Phó Văn còn thích ăn mì nấu nước dùng bằng thịt cừu. Một bát tộ to vật mì nước thịt cừu, anh ăn hết veo, cả nước cũng húp hết.

Cô thích nghe Phó Văn trò truyện, lại thích cả dáng vẻ khi anh trò chuyện nữa. Thực ra Phó Văn chỉ là một chàng trai bình thường, nhưng trong mắt cô, anh khác hẳn những chàng trai khác, nhất là khi anh nói đến thịt cừu thì tia sáng ấm áp trong mắt anh chiếu ra khiến cô mê mẩn. Cô cho rằng anh là người đàn ông tràn trề tình yêu đối với cuộc sống.

Con gái khi đã yêu thì thường si tình. Cô cũng vậy. Vì Phó Văn, cô đã nhiều lần mua thịt cừu mang về nhà tập ăn. Lần đầu tiên, cô nôn thốc nôn tháo tới mức nôn cả ra nước mật. Em gái kém cô một tuổi đứng cạnh thấy ghê quá, bực mình đổ tuột cả nồi thịt cừu vào thùng rác, bảo cô, sao chị tự hành hạ mình khổ sở thế? Cô cố lấy lại tinh thần, mấy hôm sau lại mua thịt cừu đem về, cười bảo em gái, cô em ngốc nghếch của chị ơi, em chẳng hiểu gì cả!

Kết quả khổ luyện là cô khiến cho vị giác của mình hoàn toàn mất đi sức phản kháng đối với thịt cừu. Phó Văn đến, cô có thể tự mình vào bếp làm món sườn cừu chiên và nấu mì thịt cừu mời anh. Mỗi khi ngồi trước mặt Phó Văn, ngắm người đàn ông mà cô yêu ăn hết đũa này đến đũa khác món mì và món sườn cừu cô nấu cho anh, cô thấy vô cùng hạnh phúc. Tình yêu ấy ấm áp chẳng khác gì bát mì thịt cừu nóng hổi, bốc hơi nghi ngút.
Cô tưởng có thể nấu mì thịt cừu cho anh suốt đời, nhưng khi mùa đông đã đi qua, Phó Văn đề nghị chia tay. Lý do chia tay là anh không sao chịu nổi mùi cừu hôi không bao giờ tan đi trên người cô. Ngoài món mì thịt cừu ra, thử hỏi em còn làm được những gì nào? Đó là câu Phó Văn cuối cùng quẳng lại cho cô...

Cô ngơ ngẩn cả người trong ánh nắng xuân. Nắng xuân tán phát những tia nắng lung linh như những đoá hoa. Nắng ấm áp như hơi nóng bốc lên từ bát mì thịt cừu, nhưng tình yêu thì không còn đấy nữa.

Khi quen một chàng trai khác thì trái tim cô đã bao bọc trong một lớp kén. Chàng trai này lại rất thích cô, hết mời cô xem phim, ăn cơm, lại mời cô đi hát karaoke. Cô đối với anh không vồn vã cũng chẳng lạnh nhạt, mỗi lần anh nói gì, cô đều mỉm cười gật đầu khen hay. Chỉ đến khi ăn cơm thì cô cố chấp, gọi mỗi một món ăn chính là mì thịt cừu. Chàng trai thấy cô gọi món mì thịt cừu thì cũng theo cô gọi món đó, nhưng cô rõ ràng nhìn thấy khi anh đưa đũa mì đầu tiên vào miệng, lông mày anh nhíu nhẹ một cái, sau đó mới giãn ra như thường. Anh hồ hởi bảo cô, mùi vị món mì này rất ngon.

Nhân sinh nhật của cô, chàng trai đích thân đi chợ mua thức ăn, về đến nhà là xắn tay áo lên, làm cơm mời cô ăn trong căn phòng nhỏ mà anh thuê. Khi cô đến theo đúng hẹn, căn phòng hơn mười mét vuông đó tràn ngập mùi hôi của cừu. Chàng trai đang múa bàn sản đảo sườn cừu chiên. Thấy cô đến, anh hớn hở nói, hôm nay anh làm món sườn cừu, món thịt cừu xiên que nướng và ninh một nồi xương lấy nước cho em nấu mì.

Tựa người vào cửa, cô lẳng lặng nhìn anh, nhớ lại mùa đông năm ấy, cô cũng đã làm những món như thế cho Phó Văn. Hồi ấy chính tình yêu đã nâng đỡ cô. Nghĩ miên man rồi bất giác nước mắt cô chảy dài.

Chàng trai hoảng lên, tưởng khói mỡ làm cô chảy nước mắt, vội vàng tắt bếp ga, mang khăn mặt lau nước mắt cho cô, nhưng càng lau, nước mắt cô càng ứa ra. Cuối cùng cô nói, em không hề thích ăn mì thịt cừu, thật đấy, không thích một chút nào. Chàng trai lập tức ngớ người, một lúc sau mới lắp bắp nói, trời ơi, anh cũng thế..., vì em mà anh khổ luyện... đến hai tháng trời!

Trái tim cô phá vỏ kén chui ra. Chàng trai chịu khó ăn mì thịt cừu chiều theo ý cô đáng được cô nương tựa suốt đời. Cô nhìn thấy tình yêu có đôi cánh đang bay tới.

(Theo Lao Động)
 
354
0
0

Mr_Ech

New Member
Ðề: Truyện ngắn

Khúc tình xanh

- Nguyên Hương -
P.s: Truyện này đọc từ ngày xửa ngày xưa, hình như trên báo Hoa học Trò. Hôm nay bất ngờ đọc lại, thấy hay hay. Giới thiệu cùng các bác !

Bốn, năm tên con trai đứng giữa cửa cùng quay lại nhìn tôi chằm chằm. Lúng túng một chút, tôi tiếp tục xách vali bước tới. Người ta nói với ba má tôi đây là một nhà trọ rất khá, tại sao có những tên bất lịch sự đến thế kia? Người ta nói con trai thành phố lịch sự lắm, sao chẳng có tên nào tỏ vẻ muốn xách dùm tôi cái vali nặng trĩu?
Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, một tên chìa tay ra. Tôi rụt tay lại. Biết ai là ai mà đưa đồ của mình cho họ!
Những tên còn lại cười hích hích, hình như cười tên vừa bị từ chối chứ không phải cười tôi. Tôi làm mặt nghiêm trang:
- Xin lỗi, cho hỏi đây có phải...
- Dạ, chính nó, thưa cô - Bàn tay vừa chìa ra ngay lập tức khoanh thành một kiểu chào rất cung kính - Đây là nhà trọ Hoa Sen tốt nhất giữa thành phố chật chội này. Và đúng như tên gọi, ai được là khách trọ nơi đây nghĩa là đã được chứng nhận loại khá trở lên về mặt đạo đức...
Những tràng cười tắc lại trong cổ. Tôi chẳng còn cách nào khác là đứng lại nghe vì cửa ra vào bị chắn ngang.
- Thưa cô, bà chủ có việc bận nên lệnh cho chúng tôi đón cô và hướng dẫn mọi điều cần thiết. Trước hết xin tự giới thiệu, Tôi là Danh, kia là X, Y, Z, H. Chúng tôi là sinh viên trọ tại đây. Do tính tình thật thà dễ thương nên được bà chủ yêu quí như người nhà. Mở ngoặc đơn, tiền trọ không vì vậy mà miễn giảm, đóng ngoặc đơn.
Tiếng cười bật ra khanh khách hỉ hả. Tôi cũng cười.
- Thưa cô, what’s your name? And where are you from?
Xì! Tưởng gì. Tôi nheo mắt nhìn Danh. Ta đây lấy bằng C tiếng Anh từ giữa năm học 12. Và vì quyết tâm lên thành phố học nên ta cũng đã qua vi tính. Tóm lại là ta vũ trang khá đầy đủ trước khi đến đây. Chưa kể những tép tỏi má nhát đầy túi và vali đề phòng bùa ngải!
Tôi nhẩm một câu tiếng Anh khá dài và lắt léo định dọa lại thì bà chủ xuất hiện. X, Y, Z, H lẫn Danh chạy biến.
Bữa cơm tối tôi không gặp lại Danh và hôm sau, hôm sau nữa cũng vậy. Sau này tôi mới biết ngày tôi đến cũng là ngày Danh bán bộ quần áo tươm tất nhất để trả tiền trọ và đi ở bụi.
Thỉnh thoảng, đụng đầu Danh ở cổng trường, tôi hỏi:
- Dạo này ở đâu?
Khi thì Danh trả lời “Ở nhờ thằng bạn”, có khi câu trả lời tưng tửng “Chưa biết, có lẽ tối nay phải ngủ vỉa hè quá”. Cứ thêm mỗi lần gặp, tôi thấy Danh đen hơn, gầy hơn. Nhưng vẻ lém lỉnh thì không thay đổi.
- Sao chẳng bao giờ thấy Danh đội mũ?
- Một bậc cao đạo nào đã nói tóc ướt nhanh khô hơn mũ - Danh trả lời với một vẻ phớt lờ rồi bật cười khẽ nói thật nhanh - Tiền mua mũ đủ sống được vài ngày lây lất, tiểu thư ạ!
Có trời mới biết được Danh lúc nào thật, lúc nào đùa. Nhưng tôi cảm thấy vui khi gặp và nghe Danh trò chuyện. Dẫu quần áo Danh thường nhàu nhò, và đôi khi Danh bật ngáp không kịp che miệng, nhưng vẻ tự tin thẳng thắn đượm khôi hài của Danh khiến tôi có cảm giác cuộc sống dù khó khăn đến mấy người ta vẫn có cách chịu được.
Nhưng tại sao gọi tôi là tiểu thư chứ? Vì tôi được gia đình chu cấp đầy đủ? Hay vì bà chủ trọ canh gác tôi nghiêm ngặt đúng theo thư của ba má tôi gửi gắm hàng tháng. Lần nào Danh ghé, bà chủ cũng chỉ có một câu để trả lời: “Thảo nó bận học”. Rồi sau khi Danh về, bà đập cửa phòng tôi: “Càng ngày bác càng thấy nó sao giống đồ lừa đảo quá”. Ban đầu tôi ghét bà kinh khủng, nhưng sau tôi biết tất cả những tên con trai đến tìm con gái đang trọ ở nhà bà đều là đồ lừa đảo! Có lẽ vì vậy mà các bậc cha mẹ đều muốn gửi con gái cho bà.
Một ngày gần mùa thi, đang đi dọc hành lang, tôi đụng đầu Danh đang ngược lại. Ô, hôm nay Danh lạ hẳn. Quần áo ủi ly phẳng cứng, áo trắng tinh và một cái cà vạt xanh đậm. Thật đàng hoàng nghiêm chỉnh. Tôi lục soát thật nhanh bộ nhớ trong đầu. Không nghe bất cứ thông tin nào hôm nay là trường tổ chức lễ lạc gì cả. Danh đi đâu mà quá chừng lịch sự thế kia?
- Đi học! - Danh cười.
-...
- Chứ Thảo nghĩ Danh đi đâu?
-...
- Danh xin được việc làm ở một nhà hàng ngoại quốc. Đây là đồng phục của nhà hàng. Vừa xong ca, sợ trễ học quá nên không kịp thay quần áo, cứ vậy chạy luôn đến đây. Mà... Thảo thấy Danh đẹp trai không?
Câu cuối cùng Danh nói thật nhanh, vừa nói vừa nháy mắt. Tôi phì cười:
- Đẹp! Danh làm gì ở đó?
- Bồi bàn - Danh tỉnh bơ khoe một tràng - Khi nào Danh sẽ biểu diễn cách pha cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ mời Thảo uống hoặc kiểu Santana, kiểu Braxin. Kính thưa quí khách - Danh đặt tay lên ngực, cúi đầu cung kính - Nhà hàng chúng tôi rất hân hạnh đón tiếp. Nếu ngài là người Ấn Độ, chúng tôi sẵn thau nước thơm để ngài rửa tay sau khi ăn bốc. Mở ngoặc đơn, nếu ngài có nhu cầu cắt móng tay trước khi ăn, nhà hàng chúng tô sẵn sàng phục vụ muễn phí, đóng ngoặc đơn.
Không thể nín cười được, tôi che miệng lại. Khi tôi bỏ tay ra, Danh đã biến sau cửa lớp, để lại những vệt giày trên hành lang.
Có lẽ công việc ở nhà hàng cũng ổn định nên những lần gặp nhau Danh không có vẻ quá vội vàng nữa tuy gầy rộc và lộ vẻ mất ngủ, nhà hàng thường khách khứa đến gần sáng.
Nói dối là đi thăm thầy giáo bị đau phải nằm cấp cứu (lý do này Danh bày tôi, ý là nếu không đi thăm ngay sợ không còn dịp), chúng tôi đi uống nước chanh ở một quán ven đường. Danh kể tôi nghe đủ chuyện trên trời dưới đất, đến lúc ly chỉ còn lại cái xác chanh và vài cục đá vụn, Danh nói nhỏ vào tai tôi:
- Đừng có giành trả tiền nghe. Hôm nay Danh giàu lắm.
- Lương ở đó cao lắm hả?
- Cũng dễ thở. Chỉ cần công việc ở đó kéo dài đến ngày ra trường là Danh sống khỏe.
Tôi không tin Danh sống khỏe, và hơn nữa, nếu thời gian bươn chải kiếm sống được dành cho việc học thì chắc hay hơn nhiều. Tôi nói nhỏ:
- Hay là Thảo bớt tiêu xài... Danh...
- Không! - Danh xua tay dứt khoát - Đừng bắt Danh nhận tiền của Thảo. Danh là con trai mà.
Có một người bạn trai đầy dũng khí như vậy thì cũng đáng tự hào. Cả khoa ai cũng mến Danh. Bọn con gái thường liếc tôi từ sau lưng, ngay cả Dung hoa khôi cũng vậy.
Bà chủ nhà cũng lườm liếc nhưng với ý nghĩa khác. Một hôm bà nói, có ý bâng quơ:
- Cô thầy dạy ở trường Thảo dạo này đau ốm hơi nhiều.
Tôi đỏ mặt ú ớ. Bà đưa cho tôi hai lá thư má gửi” “Nghe nói con làm bạn với một cậu con trai đáng ngờ. Má lo lắm...”
Má lo lắm. Nhưng tôi hiểu, nếu mà có dịp gặp Danh, má sẽ yên tâm hơn. Bỗng nhiên... nhân lá thư này, tôi muốn làm eo với Danh một chút. Người yêu phải khổ sở vì mình mới vui!
Tôi nói với Danh “má cấm”. Và tôi phịa thêm: “Má đã chọn một đám rất thân ở nhà”. Danh buồn đến thẫn thờ.
Người thẫn thờ tiếp theo là tôi.
Danh tránh mặt, hoặc chỉ là nụ cười thoảng qua nếu không kịp ngoắc người trước cổng trường.
Bạn bè kể vì bất đồng với ý kiến với quản lý nhà hàng nên Danh nghỉ ở đó. Bây giờ Danh tiếp tục bụi, nghĩa là gặp việc gì làm việc đó. Rồi lại nghe nói Danh đang đạp xích lô vòng quanh phố phường và thật tuyệt nếu có vị khách du lịch nào yêu cầu bác tài kiêm nhiệm luôn chức hướng dẫn viên.
Một ngày cuối năm, tôi co ro trong lớp áo len dày, tôi cắm cúi đi nhanh về nhà trọ để tránh những cơn gió lạnh lẽo.
- Mời lên xe! - Chiếc xích lô dừng lại, Danh trong cái áo sơ mi cũ nhìn tôi dưới mớ tóc bù xù trước gió - Xin tiểu thư yên tâm, dịch vụ du lịch của chúng tôi sẽ đưa tiểu thư về đến nhà bình an. Tiểu thư hãy nói với mẫu hậu rằng chỉ là đi xích lô mà thôi. Mở ngoặc đơn, miễn phí, đóng ngoặc đơn.
Vẫn là kiểu nói chuyện quen thuộc nhưng khuôn mặt Danh buồn quá đỗi. Thằng con trai bất chấp mọi khó khăn để đến được giảng đường lúc này sao quá cô đơn, vẻ tổn thương nhòa ánh mắt.
Trò đùa của tôi đã đi quá xa. Tôi òa khóc:
- Sao Thảo khóc?
Chiếc xích lô lọang chọang trên phố. Thân hình tôi lắc lư nhấp nhỏm theo từng cú dằn xóc. Dân chuyên đưa rước khách du lịch cớ sao cứ cho xe rơi xuống ổ gà?
Vẫn là những cơn gió cuối năm nhưng không còn quá lạnh nữa. Từng vòng quay chầm chậm, giọng Danh át tiếng gió:
- Đợi nghe Thảo. Hai năm nữa Danh ra trường... Chắc lúc đó má Thảo không quá lo sợ tiểu thư khổ. Mở ngoặc đơn, má vô cùng ân hận vì hồi đó đã cấm cản tình duyên hai đứa, đóng ngoặc đơn.
Đang khóc tôi cũng phải phì cười.
- Hôm nay trời đẹp quá. - Danh ngâm nga.
- Mình mua cái gì kỷ niệm ngày hôm nay đi Danh. - Tôi buộc miệng và chợt nhớ ra, tôi vội nói thêm - Thảo mới nhận tiền nhà gởi.
Danh lắc đầu. Biết ngay là từ chối mà. Danh ngừng xe nhảy xuống lục túi áo túi quần. Tất cả các túi chỉ có vỏn vẹn hai ngàn đồng.
Tôi ân hận ngồi im không nói gì. Danh ngần ngừ một chút rồi mỉm cười:
- Đủ mua một tờ vé số đó Thảo. Để Danh ép nhựa rồi làm một cái khung treo lên tường. Sẽ là bức tranh đẹp nhất.
Danh là vậy, luôn tìm ra cách giải quyết trong mọi trường hợp. Cách giải quyết ngày hôm nay mới dễ thương làm sao.
Cậu bé bán vé số ngờ ngợ nhìn Danh “Tuần trước chú mua vé số của cháu nè. Trúng mà sao không thưởng gì hết?”. Nhìn khuôn mặt ngạc nhiên của Danh, nó đưa ngón tay trỏ lên trời: “Một triệu đồng, giải ba”.
Danh nhìn tôi. Chúng tôi nhìn nhau. Rồi Danh thầm thì: “Đó không phải là vé số. Đó là bức tranh kỷ niệm”.
Bạn bè bàn tán ồn ào chia làm hai phe. Phe này cho rằng bao lâu nay không trúng số Danh vẫn sống. Vậy thì hãy giữ tờ vé số đã ép nhựa như một kỷ niệm lãng mạn đẹp đẽ. Vả lại một triệu đồng không phải là món tiền quá lớn cho nuối tiếc.
Phe còn lại la lên: “Đồ điên. Hơ nóng cho nhựa bong ra mà đi lãnh tiền về xài. Một triệu đồng với Danh là vài bộ quần áo tươm tất, là vài chục ngày ăn uống đủ dinh dưỡng, là những cuốn sách nghiên cứu quí giá mà sinh viên ít dám mơ vì con số in ở cuối bìa sau, là nghỉ ngơi sau vài ngày trên đường bươn chải kiếm sống, là một chuyến về quê thăm nhà vào dịp Tết này, là...”
Hai phe cãi nhau chí chóe. Thời hạn giá trị của tấm vé số ngắn dần. Bọn con trai chận tôi lại:
- Gật đầu chịu lãnh tiền đi Thảo. Danh nó đợi ý Thảo mà.
Tôi biết. Thật thú vị khi mình có quyền với ai đó. Tôi không lắc đầu cũng chẳng gật đầu, im lặng tận hưởng sự do dự trong Danh và nỗi tức giận ghen tị của bọn con gái.
Dung hoa khôi băng ngang mặt tôi. Trời mùa đông lạnh ngắt, mặt Dung bừng đỏ:
- Thảo thật độc ác!
Tôi không trả lời Dung. Rồi tất cả sẽ hiểu. Đây chỉ là đùa vui thôi mà. Đến ngày cuối, tôi sẽ gật đầu. Món quà đầu tiên mua từ món tiền đó sẽ là một cái mũ thật đẹp cho Danh, và sau đó là một cái áo len thay cho cái áo đang có đã quá sờn. Công ty Xổ số hẳn là ngạc nhiên trước tấm vé số được ép nhựa đóng khung cẩn thận đến vậy. Tôi cười vui một mình.
Nhưng trước khi tôi gật đầu, Danh đã đến với tấm vé số bị cắt làm bốn mảnh:
- Ban đầu Danh nghĩ chắc mình không thèm lãnh tiền nhưng càng về sau... Danh sợ... Cho nên... Thôi, cắt nó ra... có muốn lãnh cũng không được nữa. Vậy cho yên - Danh mỉm cười yếu ớt - Mở ngoặc đơn, giờ đây chúng ta có bốn bức tranh thay vì một, đóng ngoặc đơn.
Bất chấp ánh mắt soi mói nhăn nhó của bà chủ nhà, tôi mặc hai cái áo len rồi đi ra phố. Hàng cột điện như hai hàng lính, ánh đèn tỏa xuống phố xôn xao bóng người đến cuối năm.
Chiếc xích lô vắng khách tựa vào cột điện không xa lắm. Danh đó, quyển sách đang mở rộng trên gối chân, bàn tay gầy đặt ngang trang giấy trắng. Tôi bước đến gần. Không có vẻ gì là vui khi thấy tôi cả. Danh giận tôi sao? Tôi đến gần hơn nữa. Danh đang ngủ. Chẳng biết vì bụi hay ánh đèn vàng mà tóc Danh ngả màu hoe hoe.
 
Top