Vào bếp xem các vua triều Nguyễn ăn gì

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
(ĐVO) Nói đến ẩm thực xứ Huế, người ta thường nghĩ đến lối ăn cung đình, một phong cách ẩm thực được hình thành để phục vụ triều đình nhà Nguyễn trong hơn một thế kỷ đóng đô ở đây.

Theo số liệu thống kê gần đây, Việt Nam có khoảng 1.700 món ăn, trong đó riêng vùng đất Thừa Thiên Huế có tới 1.300 món, cho thấy ẩm thực Thừa Thiên Huế nói chung và ẩm thực cung đình nói riêng rất đa dạng và phong phú.

Thành lập năm 1802, đến năm 1808, dưới triều Minh Mạng, bộ phận bếp núc chính thức có tên gọi là Thượng Thiện đội, chuyên lo việc bếp núc, từ mua sắm thức ăn, nấu nướng, chuẩn bị bát đĩa, tăm, thìa cho bữa ăn của vua và cúng giỗ của hoàng gia. Nhân viên đội Thượng Thiện có khoảng 50 người, phải chịu nhiều điều cấm để bảo đảm an toàn trong việc ăn uống và đặt dưới sự giám sát của viện Thái Y. Bên cạnh đội Thượng Thiện, trong cung còn có viện Thượng Trà chuyên trách việc cung cấp đồ uống cho vua và cúng giỗ của hoàng gia.


Một bữa ngự thiện của các vua chúa.

Bữa cơm vua không những chỉ trình bày tỉ mỉ đẹp mắt, màu sắc hài hoà thanh nhã mà phải lo chăm chút từng món ăn cho phù hợp, món này không kiêng kỵ món kia, phải biết kết hợp giữa các loại thực phẩm và gia vị một cách tinh tế của nóng và lạnh, của sự cân bằng âm và dương, nước uống phải tinh sạch, gạo thơm lựa từng hạt để cho bữa Ngự Thiện được hoàn mỹ. Đồ ngự dụng gồm chén, bát, dĩa bằng men lam, những đôi đũa vua dùng được vót bằng tre vừa trổ đủ lá một ngày thay một lần...

Ông hoàng, bà chúa khẩu vị mỗi người mỗi khác…

Theo những bậc cao niên kể lại, các bữa ăn hàng ngày của ông hoàng bà chúa trong cung không khác những bữa ăn của dân thường là bao. Món ăn được ưa thích của mẹ vua Bảo Đại vẫn chỉ là cá bống kho, canh cá óc mó, canh rau dại nấu với tôm... Vua Gia Long cũng được ghi nhận là ăn uống giản dị nhất, không bao giờ uống rượu, bữa ăn chỉ gồm ít thịt, cá, cơm, rau, bánh, trái… khi vua ăn không ai được ngồi cùng, kể cả hoàng hậu.

Vào đầu thế kỷ này, một vị phu nhân trong hoàng tộc đã ghi lại những món bà thường ăn để truyền lại cho con cháu học theo. Tập sách mỏng có tên là Thực phổ bách thiện giới thiệu 100 món ăn theo thể văn vần. Điều khiến ta ngạc nhiên là những món ăn đó không khác mấy so với món ăn dân dã. Thịt thú rừng chỉ chiếm 4%, trong khi đó thịt nói chung chiếm 17%, gia cầm chiếm 9%, tôm cá 28% chiếm tỷ lệ cao nhất. Nếu tìm những món lạ và đắt tiền như vi cá, hải sâm, yến sào... thì chỉ có 5%. Ngược lại những món ăn bình thường như rau dưa chiếm tỷ lệ cao là 28% và các thứ mắm chiếm 14%.

Cách ăn uống giản dị này còn thể hiện qua những sản phẩm mà triều đình quy định cho các địa phương cúng tiến hàng năm theo mùa. Điểm lại các sản vật cung tiến được ghi trong sách xưa, ta thấy hầu hết chỉ là những hoa quả thông thường được trồng ở các địa phương như: dừa ở Vĩnh Long, Định Tường, xoài Phú Yên, bòng bong Quảng Nam, cam đường Thanh Hoá, Hải Dương, vải Hà Nội, mắm rươi Ninh Bình, Nam Định, lê Cao Bằng, Tuyên Quang. Tỉnh phải nộp nhiều thứ nhất là Quảng Bình thì cũng chỉ là dưa hấu, bột hoàng tinh, tương đậu, rượu dâu, thịt cửu khổng khô (ruột một thứ sò lớn ở biển). Đây đều là những đặc sản địa phương, có thể thu hoạch một cách dễ dàng, không phải mất công khó nhọc lên rừng xuống biển tìm kiếm như xưa kia người Việt phải làm để cung tiến cho triều đình Trung Hoa.

Tuy nhiên, cũng có nhiều vua chúa thích ăn uống cầu kỳ, tiêu biểu là vua Đồng Khánh: mỗi ngày "ăn cơm 3 lần... mỗi buổi ăn có 50 món khác nhau do 50 người đầu bếp nấu và mỗi người lo nấu món riêng của mình…”.

Một số món ngự thiện đã được đưa vào ca Huế qua điệu Nam Ai, liệt kê gồm: nem công, thấu thỏ, xôi vò, nham bò, trứng gà lộn, khum lệt, xào lươn, bó sò trâu, chiên cua gạch, hầm câu, cao lầu, kho tàu, thịt quay, dưa gia, kiệu thịt phay, gầm ghì, măng cày, hon hôn, nướng sẻ, um cò, tao sò, mực trộn, gân chân vịt, giò nai, cháo hải sâm, kim châm, da bì, bành mì tây....

Yến tiệc cung đình – đỉnh cao ẩm thực Huế


Nem công, chả phượng

Đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực cung đình Huế phải kể đến những yến tiệc được tổ chức vào những dịp hưng quốc, đại khách, lễ đăng quang, lễ sinh nhật nhà vua (hoặc hoàng thái hậu, hoàng hậu, hoàn tử, công chúa…), thiết đãi tân khoa, tiếp thần sứ nước ngoài…
Theo sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các nhà Nguyễn biên soạn, cỗ bàn được chia làm nhiều loại: cỗ hạng lớn gồm 161 phẩm vị, cỗ ngọc soạn có 30 dĩa, cỗ quý có 50 phẩm vị, cỗ điểm tâm có 12 phẩm vị. Ngoài ra còn có các cỗ chay để cúng chùa hạng nhất có 25 món, hạng hai có 20 món.... Mỗi loại cỗ, yến đều được quy định thứ bậc và định giá.

Khác với vua chúa phương Tây và Trung Hoa thường lấy săn bắn làm thú giải trí vương giả, và sự xuất hiện của thịt thú rừng trên bàn tiệc của các lãnh chúa vương công là chuyện thường xuyên, thì vua chúa Việt Nam ít ăn thịt thú rừng. Thịt dã thú chỉ thấy trong cỗ cúng với số lượng rất hạn chế: hươu, lợn rừng, công, tê tê, vịt nước, đuôi cá sấu... Hàng năm, trước ngày giỗ 12 hôm, các đội lính săn gồm 300 người và 100 con chó săn được bủa đi săn thú rừng, tối thiểu mỗi kỳ phải săn được từ 10-20 con, cũng là một số lượng không lớn.

Các vua triều Nguyễn chuộng “đặc sản”

Theo lời người già trong hoàng tộc kể lại thì có một món ăn lạ là "sâu mây" rất được các vua nhà Nguyễn ưa chuộng. Đây là một loại ấu trùng sống trong thân cây mây mọc trên rừng. Người ta chặt mây, lấy những con sâu đó về, đem thả vào ngọn cây mía trồng trong vườn. Con nhộng đục thân mía để ăn. Chờ đúng ngày nhộng vừa lớn mới chẻ cây mía ra, lấy nhộng làm thức ăn. Ngoài ra còn có một loại thức ăn được vua chúa nhà Nguyễn ưa thích, đó là con đuông, một loại ấu trùng sống trên ngọn cây dừa, vì vậy mang vị ngọt của cùi dừa, muốn lấy con đuông phải chặt cả cây dừa, chỉ những vùng trồng dừa ở miền Nam mới lấy được. Đuông hẳn là một món ăn quý, chẳng thế mà hình ảnh và tên của nó đã được khắc trên Cửu đỉnh trước Thái Miếu của kinh thành Huế với cái tên "hồ da tử".

Nhìn chung, ngoài những món ăn thông thường được đội Thượng thiện tinh chế cầu kỳ, mỗi bữa Ngự thiện thường có thêm vài ba món ăn quý hiếm, trong đó có 8 món đặc biệt được gọi là “bát trân”: nem công, chả phượng, da tây ngưu, bàn tay gấu, gân nai, môi đười ươi, thịt chân voi, yến sào. 8 món này dành riêng cho các bậc vua chúa để bồi bổ thần kinh, tăng cường sinh lực, dẻo dai gân cốt và kéo dài tuổi thọ. Ngày nay một số thú rừng nói trên gần như tuyệt chủng, cần phải được bảo vệ thay vì giết để lấy thịt, chỉ món yến sào và hải sâm còn được phổ biến.

Dù là món dân dã hay cao lương mỹ vị, cái khác cơ bản ở đây chính là cách nấu nướng sạch sẽ, thực phẩm có chọn lọc hơn và đặc biệt là cách trình bày đẹp và tinh xảo. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhận xét rằng người Huế ăn bằng mắt, bằng mũi trước khi ăn bằng miệng. Tỷ dụ như các thứ rau, dưa được tỉa thành những bông hoa, rau muống ăn sống phải chẻ nhỏ như sợi bún, bánh đậu xanh được nặn thành hình trái cây với màu sắc như thật, chả thịt lợn kết hợp với rau củ xếp thành hình công, phượng với tên gọi "nem công, chả phượng". Bởi vậy, tuy chưa hẳn ẩm thực cung đình Huế tiêu biểu cho phong cách ăn uống của dân tộc nhưng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống Việt Nam.

Bình Minh

http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Vao-bep-xem-cac-vua-trieu-Nguyen-an-gi/20118/163182.datviet
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Festival nghề Huế 2011: Tái hiện thành công “Yến tiệc vương giả” thời vua Nguyễn

Festival nghề Huế 2011: Tái hiện thành công “Yến tiệc vương giả” thời vua Nguyễn

(Dân trí) - Sau 65 năm dĩ vãng của triều đại quân chủ vua Nguyễn, một nữ nghệ nhân là hậu duệ của Đội trưởng đội Thượng Thiện cuối cùng triều Nguyễn đã tái hiện lại buổi Yến tiệc cung đình xưa với những sơn hào hải vị quý hiếm mà vua thường dùng đãi thượng khách.

Người nghệ nhân nữ tài hoa và rất đỗi duyên dáng đó là cô Hồ Thị Hoàng Anh, hậu duệ của ông Hồ Văn Tá, Đội trưởng đội Thượng Thiện dưới thời vua Khải Định và vua Bảo Đại. Nhiều cơ duyên và run rủi đã biến ước mơ của cô thành hiện thực khi lần đầu tiên trong kỳ Festival nghề “Bếp Việt trong vườn Huế” năm 2011 (diễn ra từ 30/4-3/5), một buổi Yến tiệc cung đình đã được cô tái hiện lại với các món ăn xưa kia vua dùng đãi thượng khách, sứ thần nước ngoài.


Cô Hồ Thị Hoàng Anh, người cháu hậu duệ của đội trưởng đội Thượng Thiện triều Nguyễn đã tái hiện thành công buổi Yến tiệc vương giả xưa vào tối 1/5

Lấy yếu tố chủ đạo là bát trân (8 món ăn quý: nem công - chả phượng - da tê ngưu - bàn tay gấu - gân nai - môi đười ươi - thịt chân voi - yến sào) trong cung đình Huế xưa, cô Hoàng Anh đã chế biến lại đúng với nguyên bản 6 món ăn nhằm phù hợp với văn hóa và môi trường cuộc sống hôm nay. Gồm: Khối bò, Bào ngư rim - bánh kê, Vi cá - tôm ba oản, Cháo bong bóng cá đường - gân nai, Hải sâm dồn thịt - củ sen nhồi nếp và Yến sào chưng hạt sen.

Tối 1/5, buổi Yến tiệc với các món ăn được liệt vào hàng quý hiếm bậc nhất trên đã được UBND TP Huế tổ chức tại nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế) trong khuôn khổ Festival nghề “Bếp Việt trong vườn Huế” 2011.

Trong không gian yên tĩnh, lưu giữ lại hầu hết những nét vàng son, từng món ăn được các người phục vụ dâng lên bàn cho 26 thượng khách may mắn được mời thưởng thức. Mỗi món ăn tương ứng với một bài nhạc cung đình mà dàn nhã nhạc cung đình Huế biểu diễn.


Các quan phục vụ khách trong Yến tiệc vương giả thời vua Nguyễn

Thức ăn được trang trí đẹp, tao nhã nhưng không kém phần cầu kỳ với nhiều thành phần, gia vị, hương liệu, được bố trí chỉ một lượng vừa phải trong các loại chén, đĩa mạ vàng rất sang trọng. Người ăn dùng đôi đũa tre dài, ăn xong một lần rồi bỏ như phong tục xưa.


Bộ đồ ngự dụng mạ vàng cùng tăm tre dài trong Yến tiệc

Được biết, đây là lần đầu tiên một buổi Yến tiệc cung đình thời vua Nguyễn được phục dựng công phu, nhằm khôi phục lại Yến tiệc nguyên bản thời vua Nguyễn, phục vụ du lịch cao cấp.

Cô Hoàng Anh cho biết để có được một buổi Yến tiệc thịnh soạn và công phu như vậy tốn rất nhiều thời gian. Trước đó phải chuẩn bị cũng như rèn luyện các kỹ thuật nấu đến mức tôi luyện. Các khâu phải phối hợp với nhau thật ăn ý và cần có một sự mẫn cảm trong việc cảm nhận hương vị.

Do cung đình triều Nguyễn được trải qua nhiều đời vua nên phong cách ẩm thực mỗi thời mỗi khác. Buổi Yến tiệc mà cô Hoàng Anh nấu lần này được chọn trong giai đoạn từ vua Đồng Khánh trở về sau vì có liên hệ mật thiết đến ông của cô - Đội trưởng đội Thượng Thiện những đời vua Nguyễn cuối cùng.


Khung cảnh sang trọng trong Duyệt Thị Đường nơi diễn ra buổi Yến tiệc

“Khi tôi đứng nấu ăn trên sân nhà hát Duyệt Thị Đường rất gần với Sở Thượng Thiện mà hơn 65 năm trước, ông tôi hàng ngày làm việc ở đó. Tôi rất bồi hồi xúc động và nghĩ rằng chắc có một cơ duyên nào đó tôi mới được tiếp nối để tái hiện lại những món ăn một thời mà ông tôi đã từng chế biến nấu nuớng…

Riêng những nguyên liệu như hải sâm, bào ngư, vi cá, yến sào… được sử dụng để phục vụ yến tiệc thì sau khi triều Nguyễn chấm dứt, hầu như các món ăn này cũng dần bị quên lãng và sau đó chúng ta cứ lầm tưởng đó là những món ăn sang trọng riêng của nguời Hoa. Tuy nhiên tôi xin khẳng định đây là những món ăn quý đã chế biến từ những nguyên liệu là đặc sản từ núi rừng, sông biển Việt Nam và áp dụng kiểu cách nấu nướng của người Việt từ lâu đời đã được ghi lại trong sử sách thời quân chủ. Do đó chúng ta cần nhanh chóng phục hồi để phát huy nghệ thuật ẩm thực đặc sắc của dân tộc chúng ta” - cô Hoàng Anh chia sẻ.

Dưới đây là cận cảnh những món ăn đặc biệt quý hiếm trong yến tiệc vua Nguyễn xưa kia vừa được tái hiện lại:


Món Khối bò


Bào ngư rim - bánh kê


Vi cá - tôm ba oản


Hải sâm dồn thịt - củ sen nhồi nếp


Cháo bong bóng cá đường - gân nai


Yến sào chưng hạt sen.


Trà tước thiệt ướp hương sen hồ Tịnh Tâm.


Cô Hồ Thị Hoàng Anh sinh ra ở làng Phước Yên (TT-Huế) nơi gần như cả làng chuyên nấu thức ăn cho 13 đời vua Nguyễn, nhiều đàn ông được tuyển vào cung vua làm đầu bếp. Cô đã từng giới thiệu thành công về nghệ thuật ẩm thực Huế trong ở nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc, Mỹ. Khi đến Pháp, cô Hoàng Anh được báo Outest France danh tiếng mệnh danh là “Tác giả của bữa tiệc vương giả”.

Nhiều người mê ảnh của Đào Hoa Nữ đều biết đến Hoàng Anh khi cô là người mẫu chính của nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ. Nhiều bộ ảnh cô trong trang phục của các bà nội cung triều Nguyễn, trong nhà vườn Huế, bên đền đài cung điện Huế xưa… đã triển lãm qua những lần Festival ở Huế.

Đại Dương

http://dantri.com.vn/c36/s20-477972/tai-hien-thanh-cong-yen-tiec-vuong-gia-thoi-vua-nguyen.htm
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Người giữ bí quyết làm "nem công chả phụng"

Người giữ bí quyết làm "nem công chả phụng"

Người ta thường ngỡ những món ăn của vua chúa ngày xưa như "nem công chả phụng" chỉ còn trong những câu dân gian lưu truyền chỉ sự xa hoa của vua chúa thời phong kiến ngày xưa.

Thế nên ít ai ngờ ở Huế ngày nay vẫn có người giữ được bí quyết làm những món ăn "trong mơ" ấy. Đó là bà Tôn Nữ Thị Hà (còn có tên là Tôn Nữ Hà), ngụ tại hẻm 28, phố Lê Thánh Tôn, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Một thời thất truyền

Bà Hà kể lại, vốn là con cháu thuộc hoàng tộc, bà được những người cô ruột là những phu nhân quan Thượng thư bộ Lại, Thượng thư bộ Lễ và Đốc phủ trong triều đình truyền dạy cho những kỹ thuật, mẹo nấu ăn cung đình.

Bà Hà kể ngày xưa các vua triều Nguyễn rất chú trọng đến việc ăn uống, trong cung có hẳn một ban gọi là Thượng Thiện Đội (thời vua Minh Mạng) lên tới 50 người chuyên lo việc bếp núc, ăn uống cho Hoàng tộc. Những người này phải tuân thủ một số điều cấm nhằm đảm bảo thức ăn vừa ngon, vừa có tác dụng trị bệnh, bằng cách kết hợp những thảo phẩm trong chế biến.



Sau khi chế độ quân chủ sụp đổ, những đầu bếp trong cung vua lưu lạc khắp nơi, những món ăn cung đình vì thế bị lãng quên theo thời gian. "Thời buổi loạn lạc tiền bạc đâu mà chế biến thức ăn như trong cung. Đầu bếp phải đổi nghề kiếm sống, người về quê làm ruộng, người theo kháng chiến, không còn ai chú tâm đến chuyện gìn giữ những món ăn cung đình nữa", bà Hà nhớ lại.

Riêng bà Hà nhờ có kiến thức y tế nên được mời đến công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế. Tại đây ngoài công việc của một y tá, bà Hà kiêm luôn nhiệm vụ đầu bếp nấu ăn cho bệnh nhân. "Bệnh nhân ăn theo bệnh lý, tức mỗi người ăn một kiểu khác nhau, tôi phải nấu 1200 suất cơm mỗi ngày có khẩu vị khác nhau", bà Hà nói. Chuyện cô y tá có tài nấu nướng, những món ăn có chế độ dinh dưỡng hợp lý góp phần giúp hàng trăm bệnh nhân sớm khỏi bệnh được nhiều người biết đến. Một lần, khi tình cờ một vị Đại sứ ghé thăm Huế và ăn các món ăn do cô nấu, ông bất chợt gợi ý: "Sao chị Hà không mở nhà hàng ẩm thực, tôi sẽ làm thực khách trung thành". "Lúc đầu nghe cũng thấy to tát, khó thực hiện nhưng nghĩ lại thấy ông ấy nói cũng phải, biết đâu mình lại có cơ hội làm sống lại nghệ thuật ẩm thực cung đình bị mai một lâu nay", bà Hà suy nghĩ. Nhờ người thân, bạn bè ủng hộ, nhà hàng của bà được khánh thành từ mùa hè năm 1993 nằm trong một con hẻm trên phố Lê Thánh Tôn.

Kỳ công nấu nướng


"Nem công chả phụng" là đây

Vốn con nhà Hoàng tộc, được đào tạo công việc bếp núc từ nhỏ nên với nghệ nhân Tôn Nữ Hà, những công thức nấu nướng đã trở thành bài học thuộc nằm lòng, từ bữa ăn chính cho đến bữa điểm tâm, ăn dặm.

Bà Hà cho biết, để chế biến món ăn người đầu bếp không chỉ có kiến thức chuyên môn mà phải có khả năng sáng tạo khi chế biến, không phải cứ nhất nhất theo công thức có sẵn bởi "công thức chỉ có tính tương đối, phải tuỳ theo đặc tính từng loại thực phẩm để nêm gia vị cho phù hợp" như lời bà nói. Khác với chế biến món ăn thông thường, khi chế biến món ăn cung đình người đầu bếp phải nêm gia vị nhiều lần nhằm đảm bảo mùi vị vừa miệng, lại giữ được chất tươi nguyên của thực phẩm. "Sau khi nêm gia vị ướp thực phẩm, đầu bếp cần nêm bổ sung lúc thức ăn đang sôi. Khi tắt lửa phải nêm thêm lần nữa và cuối cùng trước khi bày ra dĩa phải nêm lần cuối. Một món ăn cung đình phải nêm gia vị không dưới ba đến bốn lần khi nấu", nghệ nhân Tôn Nữ Hà "bật mí".

Hay như chế biến món chè kê là món ăn lỡ (ăn giữa bữa) khoái khẩu của các vua, hoàng hậu... nếu không có kinh nghiệm nấu, chè rất dễ bị cháy khét, không còn mùi vị. "Trước khi nấu, người ta lót một lớp đậu xanh ở đáy nồi. Khi đậu sôi mới cho kê vào, hạt kê được chín tới nhờ hơi nước bốc lên từ những khe hở do lớp đậu tạo ra", đầu bếp Hà chia sẻ bí quyết nấu nướng.

Theo bà Hà, khi chế biến món ăn cung đình Huế có rất nhiều "mẹo vặt" giúp món ăn ngon hơn. Ví dụ để làm mất mùi tanh khi chế biến thịt ba ba, thịt lươn, trước khi nấu người ta dùng rượu gừng, nước muối để khử qua.



Bà Tôn Nữ Hà cũng là một trong những người được cấp hàng chục bằng chứng nhận đã tốt nghiệp các khóa đào tạo về ẩm thực. Ngoài những bằng được cấp trong nước như "Bằng tu nghiệp dinh dưỡng", bằng pha chế thực phẩm, bằng pha chế rượu Bartender... bà còn được nhiều trường đại học, học viện du lịch ở nước ngoài cấp bằng danh dự như Bằng đầu bếp của trường Đại học du lịch và nấu ăn Tây Ban Nha, Hàn lâm viện Tây Ban Nha...

Sức mạnh của ẩm thực

Theo bà Hà, ẩm thực Huế nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung được người nước ngoài đánh giá rất cao, đặc biệt ẩm thực cung đình Huế nổi tiếng không chỉ ở cách chế biến mà còn ở cách trình bày, trang trí món ăn bắt mắt mà không phải nơi nào cũng làm được. Khách du lịch phương Tây rất thích cách trang trí món ăn cung đình Huế. Các trường Đại học du lịch Tây Ban Nha, Pháp, Iraq... từng mời bà sang dạy cho đầu bếp của họ cách chế biến, trình bày món ăn cung đình Huế.



Trong những chuyến xuất ngoại như vậy người đầu bếp xứ Huế không quên quảng bá với bạn bè về vẻ đẹp quê hương. Bà kể rằng nhiều người lần đầu nghe bà giới thiệu, thấy bà chế biến món ăn Huế đều không khỏi tò mò và muốn đến Huế ngay để được thưởng thức. Có một kỷ niệm liên quan đến món ăn Huế khiến bà nhớ mãi là bữa tiệc hơn 200 khách tổ chức tại một khách sạn ở Tây Ban Nha nơi bà sang giảng dạy. "Hôm đó chủ khách sạn nhờ tôi làm vài món ăn Việt Nam theo yêu cầu của khách. Những món ăn Việt Nam ấn tượng với thực khách đến mức kết thúc bữa tiệc, hàng chục vị khách nán lại đòi gặp bằng được những người nấu ăn chỉ để bắt tay và nhắc đi nhắc lại một câu "Việt Nam"", bà Hà thuật lại.

Hay kỷ niệm 14 năm trước đây cũng là một chuyện đáng nhớ với bà Hà. Cuối năm 1996, trong một bữa ăn chiêu đãi hàng trăm nhân viên của một hãng kinh doanh Pháp, đến lúc tiệc sắp kết thúc, một người Pháp đứng tuổi đại diện cho các nhân viên của hãng đề nghị gặp người nấu món ăn ngay tại buổi liên hoan rồi ông nói trên micro: "Đến khi thưởng thức những món ăn này, tôi mới hiểu rằng trước đây người Pháp đã không hiểu gì về sức mạnh văn hóa Việt Nam".


Theo sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên, chế độ ăn uống của vua ngày 3 lần như sau: Điểm tâm 12 món (6h sáng); Ăn trưa 50 món mặn và 16 món ngọt (11h). Số lượng món ăn chiều cũng giống món ăn trưa.

Các món ăn cung đình lúc đầu là do truyền lại từ đời này sang đời khác, sau thì các sứ thần khi đi sứ về, họ cung tiến vua những món ăn lạ và ngon. Món nào đặc biệt sẽ được liệt vào danh sách rồi truyền tiếp sang đời sau, cứ thế, món ăn cung đình phong phú và đa dạng hơn

http://www.tapchiamthuc.vn/tin/van-...i-giu-bi-quyet-lam-qnem-cong-cha-phungq-.html
 
Top