Vì sao người Nhật thích dùng vải bọc đồ

7,828
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Từ xưa tới nay, người Nhật luôn duy trì thói quen dùng vải gói đồ. Với họ, miếng vải nhỏ với màu sắc hoa văn trang nhã có thể “bao trọn” được cả thế giới.

Nguồn gốc từ văn hóa tắm hơi

Ở Nhật Bản, vải dùng để gói đồ được coi là “một phần hoàng kim” của văn hóa Nhật Bản. Miếng vải gói đồ đầu tiên xuất hiện từ 1.200 năm trước. Hiện nó được trưng bày tại bảo tàng nhà kho Shosoin ở Nara và được xem là quốc bảo có giá trị văn hóa sâu sắc.

Trên thực tế, phong tục dùng vải gói đồ lại có nguồn gốc từ văn hóa tắm hơi. Vải gói đồ trong tiếng Nhật là “Furoshiki”. “Furo” nghĩa là tắm rửa. Tầng lớp quý tộc trong xã hội cổ đại Nhật Bản coi việc tắm rửa là hành động cao sang nhằm “thanh lọc cơ thể và tâm hồn”. Để cơ thể không bị lộ khi vào nhà tắm, người Nhật thường khoác lên mình tấm vải trắng, sau đó trải tấm vải đó lên sàn nhà, đứng lên trên nó và cởi quần áo.



Thói quen dùng vải bọc đồ đã được lưu giữ từ nhiều đời nay tại Nhật Bản.
Tương truyền, tướng quân Ashikaga Yoshimitsu của mạc phủ Ashikaga đã cho sửa chữa, xây dựng một nhà tắm hơi lớn ở Kyoto và mời các lãnh chúa khắp nơi tới tắm táp. Để phân biệt đồ dùng của mình, các lãnh chúa đã đóng con dấu của gia tộc lên trên tấm vải trắng của mình. Việc làm này nhanh chóng được phổ biến trong đời sống của dân thường. Khi đi đến nhà tắm hơi công công, họ đều mang theo những miếng vải có hoa văn, màu sắc khác nhau, và ngồi lên trên vải để thay quần áo, sau khi tắm xong sẽ gói quần áo ướt vào trong miếng vải đó và mang về nhà.

Từ đó, thói quen dùng vải gói đồ dần được nhân rộng trong nếp sống thường nhật. Các mảnh vải cũng vì thế mà được ca tụng là vật dụng tiện lợi nhất trong gói ghém quần áo, hộp, các loại quả, bình vại… Người Nhật Bản thường lưu truyền câu nói: “Một miếng vải nếu biết sắp xếp hợp lý, có thể bao gói tất cả đồ vật bên trong”. Với họ, mỗi khi nhìn thấy vải gói đồ là có cảm giác “gói trọn cả thế giới”.

Ngoài mục đích gói ghém vật dụng thường ngày, vải gói đồ còn có vai trò quan trọng trong văn hóa tặng quà. Theo tập tục của Nhật Bản, tặng quà mà không bọc quà, trực tiếp tặng là thất lễ. Món quà sẽ chứa đựng nhiều ý nghĩa và toát lên tình ý của người tặng nếu được bọc vuông vắn bởi một miếng vải có hoa văn bắt mắt.

Đa dạng chủng loại

Hiện nay, người Nhật thường dùng các loại vải gói đồ hình vuông bằng lụa hoặc bông có chiều rộng 70 - 90 cm. Loại thông thường có giá vài trăm yên Nhật, còn loại cao cấp tinh xảo có thể lên tới hàng nghìn yên. Nếu ham thích tìm hiểu văn hóa độc đáo này, bạn hãy khám phá cửa hàng vải nổi tiếng “Miên Thất” tại Kyoto. Nơi đây có hơn 900 loại vải gói đồ với hình dáng và màu sắc vô cùng đa dạng.

Về hoa văn trang trí trên vải gói đồ, những người già ở xứ sở hoa anh đào thường ưa thích loại vải có hoa văn thời Đường, Trung Quốc với màu sắc đậm đà. Với họ, những hoa văn ấy vừa đẹp đẽ phóng khoáng, lại chứa đựng hàm ý cát tường phồn vinh, phồn thực.

Ngoài ra, những hoa văn mang phong cách Nhật Bản như hoa, chim, gió, trăng hay “tam vật trường thọ” (tức tùng, quy, hạc) cũng rất được yêu thích. Ngay cả những nhân vật hoạt hình như siêu nhân, Pikachu cũng được in lên trên vải gói đồ để dành cho đối tượng khách hàng trẻ tuổi.

Màu sắc của vải gói đồ rất được chú trọng. Để chúc mừng tin vui, người Nhật thường dùng vải màu đỏ, để thể hiện sự kính trọng thì dùng màu tím. Còn khi bày tỏ nỗi đau buồn, sẻ chia mất mát, họ tỏ ra ý nhị khi bọc đồ bằng vải tím.

Thanh tao nghệ thuật gói đồ

Trong phong tục của Nhật Bản, việc dùng vải gói đồ không được tùy tiện, cẩu thả. Một miếng vải vừa có thể gói gọn đồ vật, vừa phải tạo hình dáng sao cho thật bắt mắt. Điều này đòi hỏi người gói phải có sự tỉ mẩn và đôi bàn tay khéo léo. Chỉ riêng cách gói vật hình vuông đã mất quá 10 phút, còn những cách gói khác kết hợp với hình dạng đồ vật bên trong thì phải công phu hết mực.



Để tạo ra vẻ ngoài bắt mắt, chỉn chu cho món đồ, người gói cần phải có đôi tay khéo léo và dồn hết tâm sức vào các công đoạn.
Tại Nhật Bản có một số “bậc thầy” chuyên nghiên cứu và truyền dạy cách thức gói đồ. Họ không chỉ thành thục trong cách tạo dáng cho miếng vải mà còn thao tác thoăn thoắt, khiến nhiều người phải thán phục. Rất nhiều hình tượng phong phú được tạo ra như hoa tươi, chim sải cánh, quạt tròn...

Hiện nay, những lớp học Furoshiki (học gói đồ) mọc lên như nấm. Đa phần các học viên là người nội trợ. Nhưng ngày càng nhiều các cô gái trẻ xem học Furroshiki là một sở thích và một môn nghệ thuật đích thực bởi nó có lợi cho việc rèn luyện cơ thể và bồi dưỡng tâm hồn.

Cuốn “Lịch sử túi áo và vải gói đồ Nhật Bản” chỉ ra rằng, vào thời cải cách Minh Trị khi luồng gió văn hóa phương Tây ùa vào đời sống của người dân Nhật Bản và ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa phương Đông, vải gói đồ được thay thế bằng những chiếc túi da và túi ni lông đến từ xã hội hiện đại ở phương trời xa xôi. Nhưng thực tế cho thấy, người Nhật vẫn lưu giữ và hết mực ưu ái với các mảnh vải gói đồ. Được thành lập từ 10 năm trước, hiệp hội vải gói đồ Nhật Bản hiện đã có hơn 100 tổ chức liên minh. Đây là những tổ chức truyền bá rộng rãi “văn hóa Furoshiki ” tới khắp vùng miền và góp phần thúc đẩy thành lập các lớp học dạy gói đồ bằng vải. Thậm chí hiệp hội này còn tổ chức các cuộc thi nhằm quảng bá ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ môi trường của vải gói đồ.

Nữ chính trị gia Yuriko Koike cho biết, vải gói đồ nếu được sử dụng rộng rãi sẽ mở ra một thời đại có hàm lượng các bon thấp. Một số học giả chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật Bản cho rằng, vải gói đồ đã thể hiện “văn hóa bao gói”, coi trọng nét sự thanh tao, nhã nhặn và lịch sự từ vẻ bề ngoài của người Nhật.

http://baodatviet.vn/Home/doisong/Vi-sao-nguoi-Nhat-thich-dung-vai-boc-do/201110/175249.datviet
 
Top