Ðề: Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn- đầu tư tài sản của mình hiệu quả
Làm sao tránh “bẫy” làm giá vàng?
26-11-2010 10:16:10 Lập đỉnh 38,2 triệu đồng/lượng vào ngày 9/11, chỉ hơn hai tuần sau, những người ôm vàng mất từ 2 - 3 triệu đồng lượng. Ngày 24/11, Ngân hàng Nhà nước cấp tiếp quota nhập khẩu vàng.
Đọng lại, những người thua thiệt nặng có thêm bài học nhớ đời, nhưng ẩn phía sau đó vẫn là khoảng trống điều hành.
Nên mua vàng dưới dạng dự trữ ngoại hối?
Sau vài ngày hội đồng chính sách tiền tệ Mỹ họp định kỳ tháng 11 với thông điệp "nới lỏng" thêm 600 tỷ USD để khôi phục việc làm, đã dấy lên những nghi ngại đồng USD mất giá và tiên đoán vàng tăng giá. Nhận định này được tiếp sức thêm nhiều yếu tố khác như thị trường các tài sản tài chính, bất động sản trên thế giới chưa thoát khỏi đình trệ, khủng hoảng nợ châu Âu bùng nổ ở Hy Lạp lan sang Irelan và mới hôm kia là chiến sự leo thang giữa hai miền Triều Tiên.
Một học giả nói rằng, “giá vàng phản ánh những gì người ta nghĩ về tương lai nền kinh tế”. Khi tất cả thị trường không đảm bảo an toàn cho tài sản của nhà đầu tư thì vàng luôn là nơi trú ẩn an toàn nhất.
Đối chiếu câu chuyện vàng của thế giới với Việt Nam, thấy rằng, nếu giá vàng Việt Nam và thế giới cùng chung bước nhảy, sẽ chẳng có gì đáng nói bởi đó là cái lý của “nước nổi bèo nổi”. Nhưng ở Việt Nam lại khác. Nhiều khi giá thế giới tụt tự bao giờ nhưng trong nước vẫn chót vót.
Gần như thành thói quen, mỗi khi thị trường vàng sốt nóng, Ngân hàng Nhà nước lại “cấp quota, bán ngoại tệ” cho phép nhập khẩu vàng. Đáng lưu ý, trong khoảng thời gian từ 2008 đến trước tháng 11/2010, Ngân hàng Nhà nước rất ít khi cấp quota nhập khẩu vàng với lý lẽ để giảm nhập siêu, nhưng từ ngày 9/11 đến nay đã hai lần cấp quota. Đợt 1 kéo dài hai tuần kể từ 9/11, và đợt 2 từ cuối ngày 24/11 đến hết 31/12/2010.
Rõ ràng Ngân hàng Nhà nước đã hành động đúng, và bằng chứng là sau cơn sốt “9/11”, chỉ với một động thái cấp quota với thời hạn hai tuần, thị trường vàng hạ nhiệt lập tức, đưa giá vàng trong nước gần hơn với giá thế giới. Có người lo “nhập siêu theo sau quota nhập khẩu vàng”, nhưng ở hoàn cảnh đó khó có thể làm khác, vì không thể nào vừa theo đuổi mục tiêu giảm nhập siêu, vừa muốn bình ổn thị trường vàng.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: tại sao Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp nào khả thi hơn “điệp khúc” nói trên? Có một thực tế không thể không lưu tâm là trước khi hạn cấp quota đợt 1 nói trên hết hiệu lực khoảng 5 ngày, xuất hiện đồn đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ phải cấp tiếp quota. Và điều đó đã xảy ra: cuối ngày 24/11, Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập khẩu vàng, hạn kéo dài tới 31/12.
Đã có không ít kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước rằng, nên duy trì một tỷ lệ vàng nhất định trong quỹ dự trữ quốc gia tương tự một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang làm. Một chuyên gia tài chính nhận xét: “Nếu Ngân hàng Nhà nước mua vàng dưới dạng dự trữ ngoại hối thì mỗi khi thị trường biến động xấu, Ngân hàng Nhà nước không phải thụ động “cấp quota, bán ngoại tệ” như bây giờ”.
Yếu tố tỷ giá
Một nguyên nhân khác khiến cho giá vàng trong nước chênh lệch quá mức với giá thế giới là sự chênh lệch tỷ giá cặp tiền VND/USD.
Đầu tháng 11/2010, khi tỷ giá bất thường, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp can thiệp, nhưng mức độ hành động dường như còn quá thận trọng. Kết quả là tỷ giá tự do của VND/USD chỉ giảm đến mức 20.900 đồng/USD và sau đó vọt lên 21.300 đồng/USD, cao hơn tỷ giá chính thức (19.500 đồng/USD) tới 1.800 điểm!
Một dẫn chứng khác là Ngân hàng Nhà nước công bố “bán ngoại tệ theo hai danh mục của Bộ Công thương”, tức là chỉ bán cho đối tượng nhập khẩu hàng hóa trong nước chưa sản xuất được và ngược lại. Tuy nhiên, cả tuần nay (tính đến 25/11), Ngân hàng Nhà nước không hề bán một Đô la nào để nhập khẩu một mặt hàng vẫn được coi là ưu tiên số 1 và cũng không giải thích lý do. Vì thế, một số doanh nghiệp cứ tưởng mình là đối tượng trong “danh mục ưu tiên mua ngoại tệ” cứ hối thúc ngân hàng thương mại bán ngoại tệ, trong khi ngân hàng thương mại làm văn bản đề nghị mua lên Ngân hàng Nhà nước nhưng chưa được giải quyết.
Trong điều kiện hiện nay, theo công bố của Tổng cục Thống kê, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2010 tăng 1,86%, thì các mặt hàng nhập khẩu sẽ bị đội giá hơn nữa. Bởi không một doanh nghiệp nào chịu hạch toán theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước nằm bất động cả tháng nay ở mức 19.500 đồng/USD, mà họ tính theo giá ngoại tệ tự do ở chợ Hà Trung, Hà Nội.
Phải tự bảo vệ mình
Trở lại với câu chuyện vàng. Một thực tế chưa được thừa nhận một cách chính thống là gần đây, thị trường vàng bị “làm giá” quá nhiều. Chuyên viên khối đầu tư một ngân hàng nói: “Có những thời điểm giá tăng rất vô lý, nhưng không nhìn thấy nhu cầu ở đâu”!
Theo ông, “mánh” làm giá của giới đầu cơ cũng chỉ thực hiện theo nguyên lý thông thường. Chẳng hạn, các nhà cái nắm giữ vàng có thể đẩy giá lên bằng cách sẵn sàng bỏ tiền mua lại vàng từ những cửa hàng nhan nhản trong phố sau khi các cửa hàng này thấy đã cân đối được lợi nhuận. Khi giá bị đẩy cao thì lực mua xuất hiện và tâm lý bầy đàn ùa đến.
Một nhân viên bảo vệ ở “chợ” vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội) nói: “Thật kỳ cho dân mình, giá cao thì tranh mua, thấp thì tranh bán!”. Tất nhiên, đó là thời điểm để các nhà cái thu vốn và lãi về, nhả rủi ro cho thị trường.
Có vẻ như “mánh” này càng dễ hiện thực hóa bởi một lý do khác từ cơ chế nhập khẩu vàng. Từ trước tới nay, muốn nhập vàng thì phải chờ Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép khá lâu. Không ít trường hợp giá vàng thế giới đi qua một vòng “sốt, giảm” nhưng giấy phép vẫn chưa được cấp. Trong lúc chờ đợi sự chuyển động ì ạch của giấy phép, những nhà cái chắc sẽ không tội gì không vin vào cái lý “cung, cầu bất cập”, thổi giá lên để hiện thực hóa lợi nhuận.
Bởi thế, lời khuyên của chuyên viên ngân hàng nói trên là, người dân cần biết cách tự bảo vệ mình bằng cách nắm vững giá vàng thế giới để quy đổi ra giá vàng trong nước, qua công thức khá đơn giản sau: giá trong nước = (giá thế giới + phí vận chuyển + phí bảo hiểm) x (1 + thuế nhập khẩu) : 0,82945 x tỷ giá USD/VND.
Tham số đi theo công thức trên gồm: phí vận chuyển (tùy thuộc nhập khẩu ở “chợ” New York hay Singapore, nhưng nói chung gần đây đều nhập từ Singapore) tương đương khoảng 0,75 USD/oz, phí bảo hiểm 0,25 USD/oz, thuế nhập khẩu hiện nay là 0% và phí gia công là 40.000 đồng/lượng.
Thêm một lưu ý, theo tính toán của doanh nghiệp, nếu giá trong nước thấp hơn giá thế giới từ 80 - 150 nghìn đồng/lượng là có lãi và doanh nghiệp sẵn sàng nhập khẩu.
Như vậy, những người mua vàng sẽ biết mình nên mua ở mức giá nào là hợp lý. Dĩ nhiên, điều này không bao giờ đúng với những người có máu “đỏ đen” bởi còn phụ thuộc vào kỳ vọng thị trường và “khẩu vị rủi ro” của họ. Nhưng kể cả “khẩu vị” ấy dù cao đến đâu, cũng xin đừng quên đây là cuộc chơi mà nhà cái thường nắm chắc phần thắng!
Theo VnEconomy.
Bài viết này các mẹ không nên bỏ qua! Vì vậy spier007 mới yêu cầu các mẹ vững vàng tâm lý là vậy !