Ðề: Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn- đầu tư tài sản của mình hiệu quả
Bốn nguyên nhân khiến lãi suất đạt đỉnh
Câu hỏi đặt ra là liệu diễn biến thị trường tiền tệ hiện nay có đang lặp lại những gì đã diễn ra trong năm 2008, dù đây là năm hậu khủng hoảng?
Đỉnh lãi suất huy động VND năm 2008 là 19,2%. Đó là thời điểm tiền khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Lãi suất VND tăng, vàng và USD hạ nhiệt?
Nhớ lại cuộc đua lãi suất vào tháng 5, 6.2008, lúc đó ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Đông Nam Á (SeABank) là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất sau khi quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản lên 14% của ngân hàng Nhà nước (NHNN) được áp dụng vào ngày 11.6.2008. Với chương trình huy động “tiết kiệm siêu lãi suất mới”, mức lãi suất cao nhất SeAbank đưa ra lên tới 19,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
Tiếp sau SeAbank là hàng loạt các ngân hàng tiếp tục thông báo tăng lãi suất. Cũng trong ngày 11.6, NHTMCP Kỹ thương (Techcombank) thông báo huy động vốn với lãi suất 17,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, NHTMCP Đại dương cũng đưa ra mức tương đương…
Lãi suất cho vay nền kinh tế lúc đó có khoản lên đến 23%/năm, lãi suất vay mượn lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng có thời điểm, có khoản vay lên tới 60%/năm.
Sau khi NHNN có công văn áp dụng trần lãi suất huy động VND 12%/năm cộng với sự can thiệp thông qua các công cụ chính sách thì tình hình mới ổn định dần trở lại, nhưng hậu quả của cuộc đua lãi suất đầu năm 2008 đến hệ thống ngân hàng và nền kinh tế thì khá nặng cộng hưởng thêm vào tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến kinh tế Việt Nam khó khăn trong suốt thời kỳ 2008 – 2009.
Lần này Techcombank và SeAbank lại là hai trong số những ngân hàng đầu tiên công khai lãi suất huy động VND ở mức cao (17 – 18%/năm). Cách đây mấy tuần khi manh nha có cuộc đua lãi suất mới, một số chuyên gia đã cảnh báo về việc lặp lại tình hình đua lãi suất của năm 2008.
Đến ngày 8.12, nhiều thông tin cho biết lãi suất thực mà một số NHTMCP chào mời khách có tiền tỉ gửi ngân hàng lên từ 17 – 19%/năm. Lãi suất mà các NHTM vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng lên đến 25%/năm.
Thông tin về lãi suất huy động tăng mạnh, liên tục trong ngày từ ngân hàng nọ đến ngân hàng kia. Người dân (và một số tổ chức) tranh thủ các nguồn tiền VND (từ vay thấu chi và vay thương mại ngân hàng, bán USD và vàng, rút tiền từ chứng khoán…) để tranh thủ đưa đi gửi ngân hàng lấy lãi suất cao. Giá vàng, USD giảm mạnh mấy ngày nay có nguyên nhân trên.
Nguyên nhân?
Nguyên nhân chính của cuộc đua lãi suất lần này có thể là: thứ nhất, lâu nay các ngân hàng đang luôn bị động về thanh khoản do thực chất phần lớn các khoản tiền gửi VND của khách hàng tại ngân hàng là không kỳ hạn và kỳ hạn rất ngắn. Cộng thêm vào đó là sức ép của các tỷ lệ đảm bảo an toàn cuối năm và vốn giải ngân cho các hợp đồng tín dụng đã ký.
Thứ hai, thị trường liên ngân hàng vẫn chưa có biện pháp bình ổn, lãi suất thị trường này gây sức ép tăng lên thị trường vốn dân cư và tổ chức khác. Một khi lãi suất thị trường liên ngân hàng đã lên đến 25% thì các ngân hàng có tăng lãi suất huy động lên 19% vẫn rẻ hơn.
Chuyên gia tài chính cho rằng, hãy bình tĩnh chấp nhận thực trạng và dùng các công cụ chính sách tiền tệ để can thiệp giảm dần mặt bằng lãi suất xuống. Điều này vừa tôn trọng nguyên tắc thị trường vừa tạo điều kiện cho việc tự do hoá lãi suất ở Việt Nam diễn ra một cách ổn định.
Thứ ba, kỳ vọng lạm phát cao và những tín hiệu từ Chính phủ và NHNN cho thấy dường như các cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận thực tế là lãi suất phải tăng để kiềm chế lạm phát.
Thứ tư, những thông tin đồn đại trên thị trường về việc NHNN sẽ thắt chặt tiền tệ. Bên cạnh đó, có thông tin Trung Quốc (một thị trường có những điểm tương đồng với Việt Nam) đã tuyên bố chính sách thắt chặt tiền tệ khiến dư luận cho rằng, việc Việt Nam tuyên bố chỉ còn là vấn đề thời gian. Vì vậy, các NHTM tranh thủ tăng thêm nguồn vốn của mình phòng khi NHNN thắt chặt tiền tệ…
Phải chữa từ gốc
Nếu chú ý kỳ hạn các loại tiết kiệm lãi suất cao lần này có điểm khác năm 2008. Các kỳ hạn có lãi suất cao là các kỳ hạn ngắn 1,2 tháng. Trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn có lãi suất cao là qua đêm và kỳ hạn 1 tuần. Điều đó cho thấy: (i) các ngân hàng đã rút kinh nghiệm từ việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài năm 2008 bị thiệt hại khi mặt bằng lãi suất giảm mạnh; (ii) ngân hàng cũng đang nghe ngóng tình hình và chờ đợi Chính phủ và NHNN có những biện pháp xử lý hữu hiệu tình hình.
Điều này vừa tôn trọng nguyên tắc thị trường vừa tạo điều kiện cho việc tự do hoá lãi suất ở Việt Nam diễn ra một cách ổn định, không gây sốc. Song song với đó là phải có các biện pháp mạnh để hạn chế các căn bệnh kinh niên của nền kinh tế Việt Nam về chi tiêu và nhập siêu.
Diễn biến lãi suất hiện nay là kết quả của nội tại nền kinh tế trong nhiều năm, đó là do: tỷ lệ đầu tư, tiêu dùng luôn cao hơn tỷ lệ tiết kiệm, nhập siêu, tình trạng đôla hoá nền kinh tế. Vì vậy, có chuyên gia tài chính cho rằng, hãy bình tĩnh chấp nhận thực trạng này và dùng các công cụ chính sách tiền tệ để can thiệp giảm dần mặt bằng lãi suất xuống.
Theo Trí Dũng
SGTT