Ðề: Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn- đầu tư tài sản của mình hiệu quả
Vì sao ngân hàng “nháo nhào” vơ vốn?
Sáng 15/12, một số ngân hàng tranh thủ lúc văn bản của Ngân hàng Nhà nước chưa… về đến nơi, đã đẩy lãi suất cao tới 15%/năm.
Chỉ sau hơn 12 giờ đồng hồ kể từ cam kết lãi suất huy động 14%/năm với Ngân hàng Nhà nước, sáng 15/12, giữa lúc một số ngân hàng thực hiện đúng đồng thuận, vẫn có ngân hàng đẩy lên 15%/năm để giành vốn của nhau.
Tranh thủ lúc văn bản chưa về
Buổi chiều 14/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước họp với hầu hết tổng giám đốc các ngân hàng thương mại cổ phần ở hai miền. Tại đây, cam kết mốc lãi suất huy động được tranh luận khá gay gắt.
Vietcombank cho rằng, các ngân hàng nên để lãi suất huy động ở mức 13% nhưng ý kiến này bị các ngân hàng thương mại cổ phần khác không đồng tình với lý do không phù hợp với diễn biến thị trường. “Cò kè” thêm bớt, mốc lãi suất huy động được chốt ở mức 14%/năm.
Tuy nhiên, một nguồn tin có trách nhiệm trong ngành ngân hàng cho biết, sáng 15/12, một số ngân hàng tranh thủ lúc văn bản của Ngân hàng Nhà nước chưa… về đến nơi, đã đẩy lãi suất cao tới 15%/năm để hút vốn!
“Không tưởng tượng nổi, chiều muộn hôm qua (14/12) cam kết là thế mà sáng nay (15/12) khi chưa có văn bản chính thống của Ngân hàng Nhà nước, có trường hợp vẫn để lãi suất tới 15%/năm, để lấy tiền của những ngân hàng nào có lãi suất huy động 14%/năm”, nguồn tin trên nói.
Theo vị chuyên gia này, ngay trong chiều 15/12, văn bản của Ngân hàng Nhà nước xung quanh cam kết lãi suất huy động sẽ được gửi tới các ngân hàng thương mại và đơn vị nào không thực hiện nghiêm túc sẽ bị xử lý. Chế tài ở đây khá… “đa dạng”: không cho mở chi nhánh, phòng giao dịch, cách chức hoặc hạn chế một số nghiệp vụ khác.
Nhưng một vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể phát hiện được những trường hợp làm trái cam kết. Trên thực tế, với hệ thống gần 100 tổ chức tín dụng với hàng chục nghìn điểm giao dịch trải khắp 3 miền, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, không hiểu thanh tra Ngân hàng Nhà nước lấy đâu quân số, khả năng nghiệp vụ để phát hiện được gian lận, nhất là trong trường hợp ngân hàng và bên gửi tiền thỏa thuận ngầm với nhau.
Tuy nhiên, có một hiện tượng có vẻ nghiêm túc là ngay trong chiều 15/12, rất nhiều ngân hàng đều đưa lãi suất về 14%/năm. Chẳng hạn, LienVietBank công bố lãi suất huy động tất cả kỳ hạn dưới 14%/năm, kể cả các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức. Cụ thể, 3 tuần và 1 - 2 - 3 - 6 - 12 tháng cao nhất là 14%/năm; 4 và 5 tháng 13,2%/năm, 9 tháng 12,5%/năm…
Điều đáng lưu ý, rất nhiều ngân hàng để lãi suất 1 và 2 tuần đều kịch trần 14%/năm, trong khi lãi suất dài trên 12 tháng chỉ trên 11,5%/năm. Trưởng phòng giao dịch một ngân hàng ở Láng Hạ (Hà Nội) giải thích: “Chúng tôi đang mò đá đáy sông, lãi suất 1-2 tuần nếu không giữ mức kịch trần thì sẽ cụt vốn, chưa thể quan tâm gì đến lãi suất dài hạn trong lúc này”.
Như vậy, thêm một lần nữa,
trong năm nay, đường cong lãi suất đang ngược quy luật “gửi dài lãi suất thấp, gửi ngắn lãi suất cao” thay vì ngược lại.
“Bà mẹ bảo hiểm” tuyệt vời!
Vụ việc giám đốc chi nhánh Techcombank Phú Mỹ Hưng bị đề nghị kỷ luật trong khi hội sở chưa giải quyết xong “sự kiện 17%” ồn ào trước đó, rồi đặt câu chuyện này trong bối cảnh các ngân hàng thương mại luôn muốn đẩy lãi suất huy động cao và đối chiếu với khẳng định “thanh khoản 12 ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội rất tốt” của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, thấy nổi lên một số lưu ý.
Thứ nhất, có ý kiến cho rằng, Techcombank đang “thắng 2 - 0”. Bàn thắng thứ nhất là chỉ trong thời gian rất ngắn, ngân hàng này thu được một khối lượng vốn rất lớn từ thị trường mà chính xác hơn là từ các ngân hàng bạn. Bàn thắng thứ hai là lời “nhận lỗi” khá nhẹ nhàng của vị Tổng giám đốc ngân hàng này trước Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng bạn.
Thứ hai, cứ theo những gì mà Tổng giám đốc Techcombank nói cũng như Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thì không ai hiểu được vì sao “thanh khoản tốt mà lãi suất huy động vẫn cao”.
Cán bộ chi nhánh một ngân hàng thương mại ở Hà Nội giải thích, đúng là thanh khoản các ngân hàng đang dần đi vào ổn định nhưng sự ổn định này không đồng đều cho mọi ngân hàng và không hoàn toàn nhờ vào sự ổn định của thị trường liên ngân hàng. Ông này nói: “Thị trường liên ngân hàng đang góp phần lớn giúp các ngân hàng thương mại ổn định thanh khoản nhưng một lý do khác là các ngân hàng nhờ “cái món kia”.
“Cái món kia” ở đây chính là sự thỏa thuận ngầm theo “cơ chế hai giá”.
Liên quan đến vấn đề này, tổng giám đốc một ngân hàng nói: “
Lý do chính là lãi suất cho vay thả nổi, ngân hàng vẫn có lãi thì họ không dại gì không đẩy lãi suất huy động cao để giành vốn trên thị trường, nếu họ cân đối được lời lãi giữa biên độ huy động - cho vay. Thà đẩy lãi suất huy động cao một chút, chấp nhận ít lãi còn hơn không có vốn cho vay với lãi suất cao”.
Thứ ba, lâu nay, Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định thanh khoản hệ thống rất tốt, nhưng có một nghịch lý là chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước công bố phân loại ngân hàng để người gửi tiền có cơ sở phân biệt mức độ rủi ro từng ngân hàng, trong khi ngược lại, vẫn có hẳn một trung tâm thông tin tín dụng về các doanh nghiệp vay tiền.
Một lãnh đạo của trung tâm này cho biết, mỗi ngày, cơ quan ông nhận được hàng nghìn vấn tin từ phía các ngân hàng thương mại hỏi về tình hình tài chính, nợ nần… của doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia, để họ ra quyết định cho vay một cách chính xác. Thế nhưng, phía gửi tiền không bao giờ được biết đến “sức khỏe” ngân hàng mình gửi tiền như thế nào.
Trong một lần phỏng vấn Thống đốc Nguyễn Văn Giàu (tháng 4/2010), ông nói: “Ngân hàng Nhà nước sẽ minh bạch trong đánh giá, xếp hạng từng ngân hàng theo tiêu chí chuẩn mực và sẽ công bố. Những ngân hàng năm ngoái xếp loại D nhưng năm nay được lên A thì cũng phải giải thích lý do. Đây là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi ngân hàng và đồng thời, đó cũng là cách đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền”. Vậy nhưng, từ đó đến nay, điều này vẫn chưa thành hiện thực.
Mặt khác, các ngân hàng thương mại kinh doanh trong điều kiện có một “bà mẹ bảo hiểm tuyệt vời” là Ngân hàng Nhà nước, bất cứ đơn vị nào thiếu hụt thanh khoản đều được hỗ trợ kịp thời từ gián tiếp đến… “bơm thẳng”.
Thực tế này làm cho người dân có một niềm tin “vô bờ bến” vào bất kỳ ngân hàng nào, khiến họ sẵn sàng quên đi một nguyên lý đơn giản “lợi nhuận càng cao, rủi ro càng cao”. Những ngày này, rất nhiều người nhìn lại thị trường và nói với nhau rằng, “cơ chế hai giá” đang trỗi dậy sau 25 năm dày công xóa bỏ. Có phải, lỗi một phần từ sự thiếu minh bạch, bình đẳng như trên?
Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy