112 chữ "Ăn" của người Việt

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Từ năm 1995, sau khi từ nước ngoài về Việt Nam, tôi quyết định nghiên cứu một từ. Một từ rất quan trọng, rất đặc biệt - “Ăn”. Có nguyên căn của vấn đề, có nhiều thú vị từ nghiên cứu này.

Tôi quyết định nghiên cứu từ đặc biệt này bởi người Việt chúng ta rất quan trọng chuyện ăn uống. Ăn gì, ăn ở đâu, ăn như thế nào, ăn khi nào, ăn với ai rất quan trọng. Người Việt ăn rất tinh tế. Quán ăn có mặt khắp mọi nơi. Vấn đề ăn uống đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

Tôi có anh bạn, Anthony đến từ nước Anh. Sau khi kết thúc mấy chuyến cùng anh vào lắp cân điện tử đường sắt tự động cho nhà máy xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hoá), Anthony nói, đã biết tập đoàn nào lớn nhất Việt Nam. Trong đầu tôi lúc đó đang nghĩ xem liệu có phải là Petro Việt Nam, EVN, hay là doanh nghiệp nào khác. Đang vẩn vơ suy nghĩ, Anthony nói luôn “COMPHO”. Nghe từ này não tôi phản ứng ngay rằng đó là Comfort . Và nếu vậy thì đây không phải là tên doanh nghiệp mà là tên sản phẩm. Hơn nữa dĩ nhiên không thể là lớn nhất Việt Nam. Chỉ đến khi anh chỉ vào các biển báo đầy rẫy trên đường tôi mới hiểu ý anh là “Cơm Phở” chứ không phải Comfort .


Hình minh họa: món phở cuốn Tôm thịt. Nguồn ảnh: E-cadao

Anthony không biết tiếng Việt. Theo giải thích của anh, hãng COMPHO này có chi nhánh, đại lý hay văn phòng đại diện khắp Hà Nội cũng như trên suốt dọc đường từ Hà Nội vào Thanh Hoá. (Nếu có dịp ở Việt Nam và đi khắp đất nước chúng ta chắc chắn Anthony càng khẳng định thêm tiền đề này). Tôi cười ngất vì phát hiện thú vị và độc đáo này.

Và tôi đã tổng kết được 112 nhóm từ có chữ “ăn”. Những cụm từ như “xe ăn xăng”, “bếp lò ăn nhiều than” còn có có vẻ gần gũi với động từ “ăn” theo nghĩ chính của nó - cho vào cơ thể qua miệng. Còn những nhóm từ mà từ “ăn” trong đó không hề liên quan đến việc “ăn” như “ăn bẩn”, “ăn xổi”, “ăn đểu”, … không liên quan gì đến việc ăn tức là cho thức ăn vào miệng và nhai, nuốt. Các cụm từ như “ăn thua gì”, “ăn 1 bàn thắng”… tôi thấy còn thú vị hơn.

Đành rằng từ “ăn” có rất nhiều nghĩa. Tuy nhiên nghĩa chính nhất vẫn là đưa thứ gì đó vào miệng. Việc tìm ra quá nhiều các nhóm từ có chữ “ăn” mà không liên quan đến việc ăn uống cho tôi cứ tạm suy nghĩ rằng người Việt chúng ta rất coi trọng vấn đề ăn uống. Và việc ăn uống là quan trọng nên từ này đã len lỏi vào khắp mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Người Việt chúng ta rất quan tâm đến ẩm thực. Chính vì vậy mà các món ăn của chúng ta quá phong phú và ngon. Tôi đã đón hàng trăm người bạn nước ngoài và ai cũng khen đồ ăn của chúng ta ngon và tinh tế. Mỗi lần đi công tác nước ngoài dù chỉ một tuần thôi cũng nhất định tìm đến quán ăn với các món Việt. Còn ở trong đất nước mình tôi tha hồ thưởng thức các món ăn khi đến với vùng đất mới.

Viết những dòng này tôi lại nhớ đến các miền quê với văn hoá lúa nước của chúng ta, với cây đa, giếng nước, sân đình. Tôi nhớ đến nhóm từ “ăn đòn” khi bị đánh (hay doạ bị đánh) hồi nhỏ. Đến “ruộng này ăn về xóm tôi” hay được nói ra ở không chỉ quê tôi. Đến “ô tô ăn khách” trong mỗi dịp mua vé khó khăn khi lễ đến, tết về. Đến “Ăn thừa tự”, “ăn của hồi môn” khi người ta chia nhau tiền bạc, đất cát. Đến “Sông Trà Lý ăn ra biển” của vùng quê Thái Bình toàn lúa. Tôi nhớ đến chiếc xe đạp cũ kỹ của cha tôi với câu “Phanh này không ăn ”. Và tôi nhớ đến văn phòng công ty khi nghe các bạn nói “giấy này ăn mực” “hồ dán không ăn giấy”. Còn các doanh nhân chúng ta vẫn hay còn dùng “hôm nay một đô la Mỹ ăn mười tám ngàn bảy trăm đồng”.

Cha tôi dạy “không cẩn thận, miếng ăn là miếng nhục”. Đức Phật dạy “Thức ăn là sản phẩm của đất trời”. Vậy nên, mỗi khi ăn tôi luôn nghĩ, làm sao để gìn giữ được văn hoá dân tộc Việt Nam, để văn hoá ẩm thực không bị biến mất.

Nguyễn Mạnh Hùng
 
Top