5 hành động an toàn khi gặp cướp

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
Những kỹ năng dưới đây có thể giúp bạn bảo toàn tính mạng khi đối diện với những tên cướp có vũ khí.

Những vụ thảm án do cướp tài sản xảy ra liên tục trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều người lo sợ. Những kỹ năng dưới đây có thể giúp bạn bảo toàn tính mạng khi đối diện với những tên cướp có vũ khí.

Với những tên cướp có vũ khí, bạn nên bình tĩnh bày tỏ thái độ hợp tác để bảo toàn tính mạng.



1. Nhận dạng đối tượng

Theo Trung tá Lê Quốc Dương, Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (Bộ Công an): Thông thường khi tội phạm xông vào uy hiếp đe dọa gia chủ, bạn cần phải bình tĩnh bày tỏ thái độ hợp tác làm theo mọi yêu cầu của bọn cướp bằng cách không nên có những hành động bất thường và giữ cho đôi tay của bạn ở trong tầm mắt của bọn cướp để chúng thấy rằng bạn không có ý định chống đối.

Tuy nhiên, trong khi thực hiện những yêu cầu này, bạn cần nhận dạng và nắm các đặc điểm của tên cướp như: Những vết sẹo, hình xăm trên mặt hay trên cơ thể tên cướp (nếu có); chiều cao; dáng dấp gầy hay béo… Nếu có thể, bạn cũng nên thương thuyết với tên cướp để có cơ hội nhận dạng giọng nói của đối tượng nhằm mục đích sau này cung cấp cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, bạn cũng ngầm theo dõi xem hung khí của tên cướp mang theo là gì? Trên thực tế, có nhiều trường hợp tên cướp chỉ mang theo khẩu súng nhựa hay lựu đạn đồ chơi để làm làm vũ khí uy hiếp gia chủ.

Trong trường hợp nếu bạn nhận thấy tên cướp mang hung khí thật như súng, mìn, lựu đạn, bạn cần tuân thủ các yêu cầu của tên cướp để bảo toàn tính mạng trước.

2. Cân đối lực lượng

Khi bất ngờ bị cướp uy hiếp ở tại gia đình hay ngoài đường, bạn cũng cần ngầm cân đối lực lượng. Nếu cảm thấy lực lượng của mình đủ để có thể chống trả được với cướp, bạn hãy hành động. Còn nếu không thì lời khuyên tốt nhất vẫn là tuân theo yêu cầu của tên cướp để bảo toàn tính mạng.

3. Không giằng co

Về mặt tâm lý tội phạm, khi chuẩn bị đi cướp, bọn cướp có mục đích rõ ràng là cướp tài sản. Chúng chỉ gây nên thảm sát nếu gia chủ giằng co lại tài sản hoặc hô hoán khiến chúng manh động.

Điểm lại các vụ thảm sát tiệm vàng gần đây cũng thấy rõ điều này. Gần nhất là vụ thảm sát tại tiệm vàng Vững Bắc (Hà Nội). Khi tên cướp Nguyễn Hữu Dưỡng khống chế chủ tiệm vàng Vững Bắc là bà Nguyễn Thị Bắc, rồi yêu cầu mở tủ lấy tiền, vàng, bà Bắc chống lại, tên cướp đã dùng súng bắn điện và dao tấn công. Sau đó chủ tiệm vàng lại tiếp tục chạy ra ngoài kêu cứu khiến tên cướp đuổi theo đâm liên tiếp rồi cứa cổ nạn nhân đến chết và kéo vào giấu sau tủ hàng. Mặc dù tên cướp không lấy được tiền, vàng và bị sa lưới chỉ sau 3 ngày gây án nhưng tính mạng của người chủ tiệm vàng đã không giữ được.

Tương tự, vụ cướp tại tiệm cầm đồ của anh Nguyễn Quốc Huy (quận Lê Chân, Hải Phòng) cũng khiến chủ tiệm trọng thương. Theo lời kể của nạn nhân Huy thì khoảng 18h40 ngày 18/2, Huy cùng ba người bạn đang kiểm tiền tại cửa hiệu cầm đồ của gia đình thì bất ngờ một nhóm gần chục người đội mũ lưỡi trai, bịt khẩu trang, mang theo nhiều hung khí xông vào cửa hàng. Một tên trong nhóm dùng súng lục khống chế anh Huy để những tên còn lại lấy toàn bộ số tiền có trong cửa hàng. Theo ước tính của anh Huy, số tiền bị cướp khoảng 200 triệu đồng. Trong lúc tên cầm súng mất cảnh giác, anh Huy vùng dậy định chạy thì bị bắn nhưng may mắn đã tránh được. Tuy nhiên, những tên cướp đã cầm hung khí tiến lại khống chế và chém nạn nhân phải khâu nhiều mũi trên đầu.

4. Không đuổi theo

Ngay sau khi tên cướp bỏ đi, bạn không nên đuổi theo mà phải báo ngay cho cảnh sát hoặc bảo vệ (nếu cửa hàng có bảo vệ), đồng thời đóng tất cả cửa của cửa hàng và không động vào hoặc di chuyển đồ đạc tại hiện trường. Tiếp đó, bạn ghi vào giấy những chi tiết về tên cướp như hình dáng, giọng nói, tầm cao… đồng thời yêu cầu các nhân chứng ở lại đến khi cảnh sát đến.

Nếu bị cướp tấn công tại gia đình, bạn cũng không nên đuổi theo tên cướp mà nên đóng toàn bộ cửa. Sau khi đã cảm thấy tất cả gia đình đã ở trong tầm kiểm soát an toàn hãy nên tri hô hàng xóm trợ giúp, đề phòng trường hợp tên cướp vì lo sợ bị phát hiện sẽ quay lại gây án để bịt đầu mối.

5. Đối phó với trộm

Xét về mặt tâm lý, khi tội phạm lẻn vào nhà người khác mới đầu chỉ có ý định trộm đồ. Nhưng nếu bị gia chủ phát hiện, tri hô thì chúng sẽ trở nên liều lĩnh, manh động. Vì vậy mới có câu “đầu trộm, đuôi cướp”. Đối phó với dạng tội phạm này, bạn cũng cần bình tĩnh khi phát hiện. Cách tốt nhất là bí mật báo tin cho người khác biết. Trong trường hợp nếu bạn cảm thấy mình khó mà đối phó được với tên trộm thì tốt nhất là giả vờ nằm im cho chúng lấy đồ. Đợi khi tên trộm bỏ đi, bạn chắc chắn rằng đã đóng chặt cửa rồi mới nên tri hô hàng xóm trợ giúp.

Theo Gia đình
 
Top