9 điểm khác biệt của người thành đạt

5,624
9
38

metyruoi

Active Member
(Havard Business Review) Thành công không phải chỉ nhờ vào tài năng bẩm sinh. Bạn cũng không cần phải trở thành người khác mới có thể thành công. Vấn đề không phải bạn là ai, mà là bạn làm gì. Tại sao bạn rất thành công trong một số việc, còn những việc khác thì không?

Nếu bạn không chắc tại sao, thì cũng đừng lo, bởi không phải chỉ mình bạn như vậy.

Hóa ra ngay cả những người tài giỏi, lỗi lạc cũng rất bối rối không hiểu tại sao mình lại thành công hay thất bại. Câu trả lời bằng trực giác, rằng bạn được sinh ra với một số tài năng bẩm sinh trong việc này và thiếu khả năng trong những việc khác chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ của câu đố mà thôi. Trên thực tế, hàng thập kỉ nghiên cứu về các thành tựu đã chỉ ra rằng mọi người đạt được thành công không phải chỉ đơn giản bởi họ là ai, mà phần hơn là bởi họ làm gì.

1. Cụ thể hóa mục tiêu.

Khi bạn đặt cho mình một mục tiêu, hãy cố gắng cụ thể hết mức có thể. Mục tiêu “giảm 2kg” sẽ tốt hơn nhiều so với “giảm cân”, bởi nó cho bạn thấy một ý tưởng rõ ràng về thành công. Biết chính xác điều bạn muốn đạt được là gì sẽ giúp bạn giữ động lực cho đến khi đạt được nó. Cũng như vậy, hãy nghĩ về những hành động cụ thể cần thực hiện để đạt được mục tiêu. Chỉ tự hứa rằng bạn sẽ “ăn ít đi” hay “ngủ nhiều hơn” là quá mơ hồ. “Tôi sẽ đi ngủ lúc 10h vào các tối cuối tuần” sẽ giúp bạn loại bỏ mọi ngờ vực có thể về những việc bạn cần phải làm, và liệu bạn có thực sự hoàn thành nó hay chưa.

2. Làm chủ hiện tại để thực hiện mục tiêu.


Với sự bận rộn của chúng ta, và với không biết bao nhiêu mục tiêu mà chúng ta đang phải hướng tới cùng một lúc, cũng không ngạc nhiên khi chúng ta thường bỏ lỡ các cơ hội thực hiện mục tiêu chỉ đơn giản bởi chúng ta không nhận thấy chúng. Có thực là hôm nay bạn không có thời gian tập thể dục? Không có bất cứ lúc nào để gọi lại cho người đó? Để đạt được mục tiêu, bạn phải nhanh chóng nắm bắt những cơ hội này trước khi chúng trượt qua tay bạn.

Để làm chủ hiện tại, thì từ trước đó, hãy quyết định xem khi nào và ở đâu bạn sẽ thực hiện mỗi hành động gì. Một lần nữa, hãy cụ thể hết mức có thể (ví dụ, “Vào thứ 2, thứ 4, và thứ 6, tôi sẽ tập thể dục 30’ trước khi làm việc.”) Các nghiên cứu cho thấy kiểu lập kế hoạch này sẽ giúp não bộ của bạn phát hiện và nắm bắt khi cơ hội đến, làm tăng khả năng thành công của bạn lên gần gấp 3 lần.



3. Biết chính xác bạn còn phải đi bao xa nữa.


Thành công yêu cầu sự thành thật và kiểm soát thường xuyên tiến trình thực hiện (nếu không phải sự kiểm soát bởi người khác, thì sẽ là bởi chính bạn). Nếu bạn không biết bạn đang làm tốt hay không, bạn không thể điều chỉnh hành vi hay chiến lược cho phù hợp được. Hãy kiểm tra tiến trình của mình thường xuyên – hàng tuần, hoặc thậm chí hàng ngày, tùy vào mục tiêu của bạn.

4. Hãy lạc quan một cách thực tế.

Khi đặt mục tiêu, bằng mọi cách hãy tạo cho mình thật nhiều ý nghĩ tích cực rằng khả năng thành công của bạn cao thế nào. Tin tưởng vào chính mình thực sự rất hữu ích đối với việc tạo ra và duy trì động lực. Nhưng bất kể bạn làm gì, đừng bao giờ đánh giá thấp những khó khăn để đạt được điều đó. Hầu hết các mục tiêu đáng thực hiện sẽ cần có thời gian, kế hoạch, nỗ lực, và sự kiên định. Các nghiên cứu cho thấy ý nghĩ mọi thứ sẽ đến với mình dễ dàng và không cần nỗ lực sẽ khiến bạn không chuẩn bị được cho cuộc hành trình trước mắt, và làm tăng đáng kể nguy cơ thất bại.

5. Tập trung vào việc làm tốt hơn nữa, hơn là làm tốt theo khả năng.


Tin vào khả năng đạt được thành công là quan trọng, song tin vào việc bạn có thể đạt được khả năng ấy cũng quan trọng không kém. Nhiều người trong chúng ta tin rằng trí thông minh, tính cách và năng khiếu thể chất là không thay đổi được, và bất kể có làm gì, chúng ta cũng không thể cải thiện được những yếu tố ấy. Kết quả là, họ chỉ tập trung vào những mục tiêu chứng tỏ bản thân, mà quên mất mục tiêu phát triển và đạt được những kỹ năng mới.

May mắn thay, những nghiên cứu qua hàng thập kỉ đã cho thấy niềm tin về năng lực bất biến là hoàn toàn sai lầm – mọi loại năng lực đều có thể rèn giũa được. Tin vào khả năng thay đổi của mình sẽ giúp bạn có những lựa chọn tốt hơn, và phát triển được hết những tiềm năng của mình. Những người có mục tiêu làm tốt hơn nữa, hơn là làm tốt theo khả năng, sẽ gặp khó khăn hơn trên bước đường của mình, và họ cũng sẽ coi trọng cuộc hành trình tiến tới thành công không kém gì thành công ấy.

6. Can đảm.

Can đảm ở đây là sẵn sàng gắn bó với những mục tiêu dài hạn, và kiên định bất chấp khó khăn. Các nghiên cứu cho thấy những người can đảm thường học nhiều hơn trong cuộc đời của họ, và đạt điểm bình quân đại học cao hơn. Ở Học viện quân sự West Point, Mỹ, những học viên can đảm sẽ nổi bật hơn hẳn ngay trong năm huấn luyện hà khắc đầu tiên. Thực tế, các thí sinh can đảm cũng dễ giành chiến thắng hơn ở vòng loại cuộc thi đánh vần Scripps National Spelling Bee.

Tin tốt là, nếu lúc này bạn chưa thực sự can đảm, bạn vẫn có thể cải thiện nó. Người thiếu can đảm thường tin rằng vấn đề là họ không có năng lực bẩm sinh như những người thành đạt. Nếu chính bạn cũng đang nghĩ như vậy, thì rất tiếc: bạn nhầm rồi. Như tôi đã nói ở phần trên, nỗ lực, kế hoạch, kiên định, và chiến lược tốt là tất cả những gì cần có để thành công. Hiểu được điều này không chỉ giúp bạn nhìn nhận bản thân và mục tiêu của mình một cách chính xác hơn, mà còn tạo nên điều kì diệu đối với sự can đảm của bạn.

7. Tạo cho mình sức mạnh ý chí.


Sức mạnh tự chủ cũng như các múi cơ trên cơ thể bạn, nếu bạn không luyện tập thường xuyên, nó sẽ yếu dần đi theo thời gian. Nhưng khi bạn rèn luyện thường xuyên, bằng cách sử dụng nó một cách hữu hiệu, nó sẽ ngày một lớn mạnh dần lên, và giúp bạn có nhiều khả năng thành công hơn.

Để tạo cho mình sức mạnh ý chí, hãy chấp nhận thử thách, làm những việc mà bạn thực sự không muốn làm. Từ bỏ những đồ ăn nhiều chất béo, đứng lên ngồi xuống 100 lần/ ngày, đứng thẳng người lên mỗi khi bạn gù người xuống, cố gắng học một kĩ năng mới. Bạn tự thấy mình sắp bị khuất phục, muốn từ bỏ, hay chỉ đơn giản là không quan tâm? Đừng như vây. Hãy bắt đầu với một hoạt động, và lập kế hoạch ứng phó với khó khăn khi nó xảy đến (Ví dụ như, “Nếu tôi thấy thèm ăn vặt, tôi sẽ ăn một miếng hoa qủa tươi hay 3 miếng hoa quả sấy”) Giai đoạn ban đầu sẽ rất khó khăn, nhưng rồi mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, và đó là tất cả những gì bạn phải làm. Khi sức khỏe của bạn đã khá lên, hãy thực hiện những việc thử thách hơn như là bắt đầu tập thể dục.

8. Đừng liều lĩnh.
Bất kể sức mạnh ý chí của bạn đã mạnh mẽ đến thế nào, điều quan trọng là phải luôn luôn nhớ rằng nó cũng chỉ có giới hạn, và nếu bạn quá lạm dụng nó, sẽ đến lúc bạn thấy không còn sức lực. Đừng cố thực hiện 2 thử thách cùng một lúc, nếu bạn không thể chịu đựng được (như vừa cai thuốc lá vừa ăn kiêng). Và đừng đưa mình vào tình huống nguy hiểm – nhiều người quá tự tin vào khả năng kháng cự cám dỗ của mình, và kết quả là họ tự đặt mình vào những tình huống có quá nhiều cám dỗ vây quanh. Người thành đạt là người biết làm thế nào để không tự làm khó mình trong việc thực hiện mục tiêu.

9. Tập trung vào việc bạn sẽ làm gì, chứ không phải bạn sẽ không làm gì.


Bạn có muốn giảm cân, cai thuốc lá, hay từ bỏ tính khí nóng nảy của mình thành công? Vậy thì hãy lên kế hoạch thay thế những thói quen xấu bằng các thói quen tốt, hơn là chỉ tập trung vào bản thân những thói quen xấu. Nghiên cứu về việc đàn áp suy nghĩ (ví dụ, “Đừng nghĩ đến ăn vặt nữa!”) cho thấy cố gắng lảng tránh một ý nghĩ sẽ càng khiến bạn không quên được nó. Điều này cũng đúng với một hành vi – càng cố gắng từ bỏ một thói quen xấu, thói quen ấy sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn thay vì bị phá bỏ.

Nếu bạn muốn thay đổi, hãy tự hỏi: Tôi sẽ làm gì thay cho việc đó? Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng kiểm soát tính khí của mình và ngừng việc bất chợt nổi cơn tam bành, bạn phải lên kế hoạch kiểu như: “Nếu tôi bắt đầu cảm thấy bực bội, tôi sẽ hít 3 hơi thật sâu để bình tĩnh trở lại.” Bằng cách hít thở sâu thay vì thể hiện sự giận dữ, thói quen xấu của bạn sẽ đỡ dần theo thời gian rồi hoàn toàn biến mất.

Điều tôi hi vọng là, sau khi đọc xong 9 điểm khác biệt của những người thành đạt, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về những gì bạn đã làm được từ trước tới nay. Và quan trọng hơn, tôi hi vọng bạn có thể nhận ra những sai lầm mình đã vấp phải, và biến những bài học đó thành lợi thế của mình từ nay về sau. Nên nhớ rằng, bạn không cần phải trở thành một người khác mới có thể thành công hơn. Vấn đề không phải do bạn là ai, mà là bạn làm gì.

Đôi nét về tác giả: Tiến sĩ Heidi Grant Halvorson là một nhà tâm lý học về động lực, và là tác giả của cuốn sách: Succeed: How We Can Reach Our Goals (tạm dịch: “Thành công: Chúng ta có thể đạt được mục tiêu như thế nào”) (Nhà xuất bản Hudson Street Press phát hành năm 2011). Bà cũng là chuyên gia về động lực và lãnh đạo cho các tạp chí Fast Company và Psychology Today.

http://doanhnhancuoituan.vn/index.php/hoc-tu-harvard/326-9-im-khac-bit-ca-ngi-thanh-t-.html
 
Top