Bản nghèo dựng nhà gieo chữ

10,159
29
48

ALnML

Super Moderator
Bản nghèo dựng nhà gieo chữ

(GD&TĐ) - Cứ đến dịp đầu năm học mới, thầy cô và các em phụ huynh học sinh trường tiểu học Chung Chải (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) lại bắt tay vào công cuộc dựng nhà, xây lớp. Gọi là nhà hay lớp cho hợp với ngôn ngữ miền xuôi, còn thực tế chỉ đơn thuần là những chiếc “lán” không hơn với vách tre, mái lá. Ấy vậy mà, việc dựng lều “gieo” chữ và “nuôi” chữ ấy vẫn còn lắm gian nan. Nghị lực người gieo chữ Cách Hà Nội hơn 700km, Chung Chải là một xã vùng biên gặp nhiều khó khăn. 100% đồng bào nơi đây là người dân tộc:Hà Nhì, H Mông và Si Na. Do trình độ nhận thức còn thiếu và yếu, việc cho con đi học là con đường xa xôi, khó nhìn thấy đích đến.
Cứ đến đầu năm học, phụ huynh lại xuống trường dựng nhà nội trú cho con
Tôi đến Chung Chải nhân chuyến từ thiện “HiPT chung tay đưa trẻ đến trường” vào những ngày giữa tháng 8. Trận lũ quét đi qua, để lại những con đường sạt lở đầy rẫy những đụn đất, vũng lầy, đá lởm chởm rải khắp con đường từ Mường Nhé vào Chung Chải. Chưa kể đến những đoạn đường cheo leo, bên vực bên núi. Con đường ấy khiến người ta đôi khi thấy rõ cái cảm giác chông chênh giữa cái ranh giới của sự sống và cái chết thật rõ rệt. Chênh vênh là thế nhưng những gian khó mà con đường ấy giăng mắc lên với đá lởm khởm hay những vũng lầy sĩnh nước cũng không ngăn được những ngọn lửa nhiệt tình vẫn luôn bùng cháy trong những chàng trai, cô gái miền xuôi lên “gieo chữ” trên mảnh đất này. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, hiền lành, dịu dàng không ai nghĩ cô giáo Nguyễn Thi Huê (sinh năm 1992) cùng chị họ đã chinh phục bằng xe máy chặng đường gần 700km từ Ninh Bình để lên “gieo chữ” cho bản nghèo. Vừa mới chân ướt chân ráo ra trường, cô lựa chọn Chung Chải là điểm đến đầu tiên cho sự nghiệp của mình bởi cô cần sự trải nghiệm. Đó là lựa chọn không chỉ của riêng Huê mà còn là của rất nhiều thầy cô nguyện cống hiến tuổi xuân và tinh thần nhiệt huyết của mình để gắn bó với mảnh đất này. Là một xã vùng biên, giao thông đi lại khó khăn, thông tin liên lạc còn hạn chế nên các thầy cô giáo được phân bổ tới từng bản, giảng dạy tại 12 điểm trường trên toàn địa bàn xã. Cứ đầu năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo luôn phải chủ động thông báo kế hoạch năm học mới đến tất cả các bản trong xã thông qua trưởng bản, thông tin đến phụ huynh để chuẩn bị cho con em bước vào năm học mới.
Khu nội trú của trường Tiểu học Chung Chải sau kỳ nghỉ hè.
Thầy Phạm Văn Khiêm - Hiệu trưởng trường Tiểu học Chung Chải tất bật các công tác chuẩn bị cho năm học mới chia sẻ: “Nhà trường đã tập trung giáo viên từ ngày 1/8, phân công đội ngũ giáo viên tỏa đi các điểm bản, tiến hành kiểm tra, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học đồng thời kết hợp với tuyên truyền vận động phụ huynh học sinh cho con em đến lớp”. Do đồng bào nơi đây chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc cho con đến trường nên với những gia đình đông con, chỉ những đứa chưa làm được việc thì mới được cho đi học, còn lại phải ở nhà đi làm giúp bố mẹ và nuôi em. Vì thế ngoài việc giảng dạy, các thầy cô giáo nơi đây đảm trách luôn nhiệm vụ “dân vận” - vận động từng phụ huynh cho con em đến lớp. Nhưng ngặt nỗi thay, “nhập gia phải tùy tục”, phải mất khoảng 06 tháng đến 01 năm các thầy cô mới hiểu được hết văn hóa và dắt được lưng chừng vốn tiếng của người bản địa để làm “công cụ” mang đi tuyên truyền. Đến từng nhà, trước khi vào chủ đề chính là vận động thì ít cũng phải qua “bài kiểm tra” đôi ba lượt rượu “cò li cò la” (có đi có lại) thì phụ huynh mới “ưng cái bụng” mà giao con cho giáo viên. Vận động gian nan nhưng “con đường” dạy và học của thầy và trò nơi đây còn gian nan hơn gấp bội phần. Sà Quế - Pá Lùng (cách điểm trường trung tâm khoảng 30 km) là điểm trường có số lượng giáo viên đông nhất với 13 người, đây cũng là điểm trường sâu nhất, xa nhất và gian khó nhất. Khi đoàn chúng tôi ngỏ ý được đi thăm điểm trường, các thầy cô nhìn nhau ái ngại: “Để đến điểm trường này, trời khô ráo đã là một sự thử thách lòng can trường với con đường chỉ rộng chưa đến 2m. Lên đến điểm bản, nói quẩy trời chỉ cần lác đác vài hạt mưa thì cả đoàn chỉ có nước ở lại đó ít nhất là 3 ngày chờ đường khô thì mới xuống được”.
Con đường lầy vào bản Nậm Vì.
Các giáo viên nơi đây ví “Sà Quế - Pá Lùng” như cái ngưỡng của sự gian khó. Nếu thầy cô nào đã vượt qua được giai đoạn gian khó này thì các điểm trường khác có thể được coi là “cánh đồng xanh mớn”. Những ngày đầu lên điểm trường, có người đã khóc vì sợ khi không dám đi xe máy mà phải đi bộ qua con đường nhỏ để vào điểm trường, có người khóc vì nhớ nhà, có người hoang mang vì lạ vì thiếu thốn… Nhưng dần dà, khi đã hiểu và gắn bó, những nỗi sợ hãi được đẩy lùi, thay vào đó là lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp các giáo viên thích nghi với cuộc sống và yêu hơn những con người nơi đây. Cùng ăn, cùng ở, cùng học với các học sinh tại điểm bản đã không còn lạ lẫm đối với mỗi thầy cô đi bản. Một năm đôi ba lần dựng lại lớp học, phòng ở cho chính mình sau mùa mưa bão tại các điểm trường không còn là điều xa lạ với các giáo viên ở bản. Sau một hồi cân nhắc, chúng tôi được các thầy cô giáo đưa đến thăm điểm trường Nậm Vì. Cả thảy 06 chiếc xe máy mà thầy hiệu trưởng đặt cho cái tên “Tổ lái Nậm Vì” xuất phát từ điểm trường trung tâm. Con đường vào Nậm Vì phải băng qua 2 con suối nhỏ và khoảng 10km đường bằng lầy lội, còn lại là đường “treo” vách núi. Tôi ngồi sau chỉ biết bám thật chặt vào xe và không dám rời mắt khỏi con đường. Chúng tôi dừng xe tại một quán tạp hóa duy nhất tại điểm bản rồi đi bộ vào thăm điểm trường Nậm Vì. Tôi ngạc nhiên, không tin vào mắt mình khi thấy dãy phòng học và phòng ở của giáo viên ở điểm trường là một dãy “lán” chỉ còn cọc và mái với khoảng 06 phòng dựng bằng tre, nứa lá. Thầy Trần Văn Cường – người đã gắn bó với điểm trường này gần 02 năm chỉ vào 4 chiếc cọc tre còn lại cắm trơ trọi trên nền đất mà rằng: “Giới thiệu với mọi người đây là chiếc giường của mình”. Ngỡ ngàng và xót xa. Tôi bỗng nhớ đến một câu được coi là triết lý trong một tác phẩm văn học “Sống lâu trong cái khổ nên đã quen khổ rồi”. Thiếu điện, thiếu nước, thiếu cơ sở vật chất để dạy và học … nhưng dường như mọi khó khăn đều trở nên giản đơn khi ta đã hiểu, đã gắn bó. Thế mới thấy ngưỡng mộ nghị lực của những chàng trai, cô gái miền xuôi không ngại ngần kết bạn với hiểm nguy, gian khó để “gieo” chữ cho những bản nơi vùng sâu, vùng xa như thế này. Đó thực sự là một tinh thần đáng nể, đáng quý, đáng trân trọng. Thấu lòng người nuôi chữ Lắng nghe câu chuyện về những thiếu thốn mà nhà trường đang phải đối mặt, với số lượng học sinh năm học 2012-2013 dự kiến lên đến hơn 900 học sinh. Khoảng 3 năm trở lại đây, “nỗi lo ngược” về số học sinh tăng đột biến theo từng năm trở thành nỗi “trăn trở lớn” đối với Ban giám hiệu nhà trường. Do số người dân di cư đến đây ngày một nhiều, kéo theo đó là số lượng học sinh 3 KHÔNG (không có giấy đăng ký, không có học bạ và không sách vở) cũng ngày một tăng khiến nhà trường phải “gồng mình” để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Với các học sinh không có giấy đăng ký tạm trú, không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc học tập nên nhà trường phải huy động các nguồn tài trợ nhằm giúp trang bị được phần nào sách vở, đồ dùng học tập cho các em chuẩn bị bước vào năm học mới.
Dãy phòng học và nhà ở của giáo viên, học sinh tại điểm trường Nậm Vì.
Theo con số thống kê mà chúng tôi được thầy hiệu trưởng chia sẻ, toàn xã hiện nay có 12 điểm trường với 56 phòng học, trong đó có 21 phòng được kiên cố hóa còn lại là phòng học tạm. Ở điểm trường trung tâm hiện nay cũng thiếu 9 phòng học, đó là chưa kể một số phòng học qua vài năm sử dụng đã xuống cấp. Để khắc phục tình trạng này các thầy cô giáo đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân người góp gỗ, người góp công đóng góp ngày công, vật liệu để tu sửa, dựng mới các phòng học và làm nhà ở cho học sinh và giáo viên tại trường trung tâm và các điểm bản. Không chỉ thiếu thốn phòng học, tại điểm trường trung tâm, nhà trường vẫn chưa có đủ điểu kiện để xây dựng khu nội trú kiên cố cho khoảng hơn 300 học sinh nội trú. Vì thế cứ vào năm học mới phụ huynh học sinh lại dựng những căn nhà tạm bằng tranh tre, nứa lá ở các khu đất trống quanh trường để con em có điều kiện theo học. Đó là lý do khi trải qua 2 tháng nghỉ hè thêm vào đó là trận lũ quét tàn ác, khu nội trú cho học sinh sau trường chỉ còn lại trơ trọc cọc tre cùng những phên liếp ngổn ngang trên nền đất trống. Đoàn từ thiện của HiPT đến trường đúng dịp các phụ huynh xuống trường dựng nhà cho con. Khăn gói gạo, rau, cá khô, xe chở tre, luồng anh Giàng A Páo và Giàng A Xủ người H’Mông rủ nhau xuống trường dựng nhà cho con chuẩn bị năm học mới. Lương thực mà hai phụ huynh mang theo được “dự trù” dùng đủ cho cả thời gian dựng nhà, cùng với gói dụng cụ đơn sơ là con dao quắm và con dao dựa. Một căn nhà nhỏ, vách nứa, mái lá có phủ bạt với những góc, đỉnh được cố định bằng dây lạt. Cảm quan trông có vẻ khá chắc chắn trong điều kiện thời tiết tốt, còn nói rủi chỉ cần một cơn lũ quét hay bão rừng có thể đánh quật hoặc thậm chí nuốt sống hơn chục ngôi nhà chỉ trong nháy mắt. Những lúc mưa gió ấy, phòng hội đồng của nhà trường là nơi kiên cố nhất để trú ngụ cho cả thầy và trò.
Sự hỗ trợ, giúp của các cơ quan, tổ chức từ thiện là nguồn động viên lớn đối với nhà trường để vượt qua những khó khăn trước mắt để dạy tốt, học tốt
Song điều kiện cơ sở vật chất trường lớp khó khăn không đẩy lùi được ý chí quyết tâm cho con em đi học của phụ huynh các dân tộc và thầy cô giáo trường tiểu học Chung Chải. Thấy hai anh miệt mài chẻ tre rồi đan, rồi dựng, tôi mon men đến trò chuyện. Trái ngược với tưởng tượng của tôi về tâm lý e dè, sợ sệt, anh Giàng A Páo không ngại ngần chia sẻ những câu chuyện về gia đình. Tay cầm con dao quắm thoăn thoắt lướt trên thân tre, anh tâm sự: “Nhà có 2 cháu nhỏ đang học tại điểm trường trung tâm, một cháu năm nay lên lớp 4 còn cháu bé năm nay mới vào lớp 1. Nhà cách trường 25km đường rừng nên phải tự dựng nhà cho con thôi. Hai tuần một lần, hai chị em lại dắt nhau về gùi gạo xuống trường và cho “dắt lưng” 50 ngàn đồng mỗi tuần. Dù vất vả nhưng không để các con phải nghỉ học đâu, không biết chữ như cha mẹ nó khổ lắm...”. Chỉ trong vòng 03 ngày, với sự nỗ lực của 02 phụ huynh, một ngôi nhà tạm bằng tre, lợp lá phủ bạt dành cho 03 học sinh đã được dựng lên ngay ngắn. Việc phụ huynh dựng nhà cho con vào đầu mỗi năm học hoặc khẩn cấp sau mùa bão được các thầy cô nơi đây gọi bằng một cái tên thật gần gũi - “dựng lều nuôi chữ”. Bởi gọi là nhà nội trú nhưng mọi thứ đều giản đơn hết sức có thể. “Nội thất” bên trong nhà chỉ có duy nhất một chiếc giường tự chế bằng tre và một góc nhỏ có kê một miếng gỗ làm chỗ nấu nướng. Bên hông nhà, củi được thiết kế chỗ để riêng rất gọn gàng để các con tiện nấu nướng. Ngôi nhà tạm được hoàn tất cũng là lúc bóng chiều chênh chếch, hai anh nhanh chóng khăn gói số lương thực còn lại, nồi niêu, bát đũa để kịp về nhà trước khi tối trời sau những ngày lao động vất vả. Có gần, có sống ắt có hiểu. Tôi thấy mừng vì người dân tộc nơi đây đã nhận thức được nhiều hơn về vai trò của việc cho con đi học. Qua những mẩu chuyện mà tôi góp nhặt được từ các anh, qua những điều giản đơn, những niềm vui nhỏ nhặt mà các anh đang cố gắng tạo dựng cho con em mình, tôi nhận ra rằng họ đều có chung một một niềm hy vọng lớn lao, một ước muốn cháy bỏng: “Dựng lều nuôi chữ, cho con mình đỡ khổ”.
Thu Ngân
 
Top