Bé 5 tuổi sống nhờ ỗng nhựa dẫn từ não

94
0
0

Kinan

New Member
Mã số 178:
Bé trai 5 tuổi sống nhờ ống nhựa dẫn từ não
(Dân trí) - Nhìn khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú của bé Trần Văn Quang 5 tuổi ai cũng suýt xoa khen ngợi. Thế nhưng, cuộc đời em phải sống nhờ hệ thống ống dẫn nằm ẩn dưới lớp da non nớt và cả ngoài cơ thể yếu ớt...
Lặn lội tìm đến nơi bé Quang sinh sống, đó là một vùng quê heo hút, bao quanh là những cánh đồng thẳng cánh cò bay, cùng hòa quyện bên dòng sông mát lạnh. Phải hỏi đến người thứ 6, tôi mới tìm được ngôi nhà mà gia đình bé đang sống.

Trông thấy một cụ già đang cặm cụi bên luống rau lang, tôi hỏi thăm: “Thưa chú, đây có phải là nhà của bé Trần Văn Quang không ạ”, ông trả lời rất chất phác: “Nó là cháu nội của chú”. Sau khi ông biết tôi là nhà báo, ông Trần Lưu Phước (SN 1937, ông nội bé Quang) vội bỏ dao cắt rau lang, phủi bùn và vuốt ống quần xuống, nét mặt mừng rỡ như được lộc trời, ông hy vọng điều kỳ diệu gì đấy sẽ đến với cháu nội đáng thương.


Nhấp ly trà nguội, ông Phước bày tỏ: “Trước khi sinh đứa bé này, cả gia đình ai cũng hy vọng và đó là niềm vui vô bờ bến. Thế nhưng, cháu Quang không được may mắn. Dù đã đi phẫu thuật khắp nơi, nhưng đều bất lực. Giờ cháu phải sống với hệ thống ống dẫn. Nhìn cháu nội như vậy, tôi thật đau lòng quá”.

Sinh ra, bé Quang phải sống trong lồng kính và bị bệnh tật đầy đọa. Khi thoát khỏi lồng kính, gia đình tức tốc đưa cháu vào Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM vào ngày 9/9/2006 (3 tháng sau khi sinh), với chẩn đoán của bác sĩ là đầu nước (não bọng nước) và tắt nghẽn đường tiểu - đại tiện. Đến năm 2009, gia đình cóp nhặt từng đồng tiết kiệm, rồi tiếp tục đưa bé Trần Văn Quang vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) và ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chữa trị. Nhưng hy vọng đã bị dập tắt.

Hiện nay, trên đầu bé Trần Văn Quang sống nhờ ống nhựa nối từ não xuống bụng và từ đường tiểu - đại tiện, phải nối ống tiểu vào trong túi ni-lông để tiểu. Còn đại tiện, bé Quang không thể kiểm soát hay phát hiện mỗi khi đi đại tiện, phải dùng tã giấy đặc biệt đặt ở hậu môn, khi về nhà gia đình lấy ra và thay tã mới. Tất cả các nhu cầu về tiểu và đại tiện đều xảy ra rất bất thường. Bên cạnh đó, đôi chân bé Quang cũng bị tật bẩm sinh, em di chuyển bằng gót chân và lòng bàn chân không thể chạm đất.


Tuy mang những căn bệnh quái ác như vậy, nhưng phong thái và khuôn mặt bé Quang rất thông minh và lanh lẹn. Chị Bùi Thị Kim Tuyến (SN 1977) - giáo viên mầm non đang dạy bé Quang, cho biết: “Tuy mắc chứng bệnh kỳ lạ đấy, nhưng cháu học rất năng nổ và thông minh. Nếu bé Quang không mắc bệnh như vậy, thì phụ huynh nào cũng mong muốn có đứa con như bé Quang”.

Đau xót khi thấy con trai bị bệnh tật, chị Đào Thị Thuyền (mẹ bé Quang) phải vào TPHCM bán vé số. Ông Phước tâm sự: “Ở đây sống chủ yếu nhờ cây lúa (khoảng 6 sào ruộng), nếu ông trời thương và tiết kiệm, thì mỗi năm gia đình dành dụm khoảng 2 triệu đồng. Thấy cuộc sống thôn quê không đủ chi phí trả nợ vì chữa bệnh cho cháu Quang và thuốc thang hiện tại, mẹ cháu phải tha hương ở xứ người, mỗi năm tiết kiệm cũng được vài triệu đồng”.

Đã 5 tuổi, bé Quang cũng hiểu nỗi vất vả của mẹ, nước mắt em thầm rơi mỗi khi nhớ đến mẹ. “Nhiều lúc, em khóc òa lên vì nhớ mẹ. Và rồi cháu lại nín khi gia đình chấn an là mẹ đi làm để kiếm tiền chữa bệnh cho con mà. Tết mẹ sẽ về với con”, anh Trần Lưu Thạch (SN 1975, cha bé Quang) kể lại.

Hiện anh Trần Lưu Thạch làm nghề quét sơn nước, khi khách hàng gọi thì làm, còn không thì phụ cha xuống đồng. Anh Thạch bày tỏ: “Tôi đi nhập ngũ năm 1994 đến 1996 thì về, sau đó cưới vợ và có bé Quang. Ra quân, không nghề ngỗng gì, cứ có ai thuê làm gì thì làm cái đó, nên thu nhập rất bấp bênh. Chỉ mong có công việc ổn định để có chi phí tiếp tục chữa bệnh cho con”.

Hàng ngày, ông nội đèo bé Quang trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến trường (cách khoảng 3km), chỉ mong bé Quang được vui đùa, học ê a như bao trẻ em cùng trang lứa khác. Cuộc đời em Trần Văn Quang chỉ cầu mong điều kỳ diệu xảy ra, để mỗi bước đường đời tiếp theo, em không phải mang ống nhựa và túi ni-lông.

Ông Lê Quang Trang - Trưởng xóm Tân An cho biết: “Tôi rất xót xa với hoàn cảnh của cháu Trần Văn Quang. Địa phương rất mong những tấm lòng nhân ái giúp cháu vượt qua căn bệnh quái ác này, để tương lai cháu hòa nhập với cộng đồng được thuận lợi hơn”.

Chia tay gia đình, ông nội bé Quang hy vọng: “Trước lúc tôi chia lìa cõi đời này, tôi hy vọng cháu Quang không phải sống nhờ ống nhựa và túi ni-lông nữa”.
 
Top