Biết đánh giá mình

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
Biết đánh giá mình...

Tiến sĩ tâm lý Joanna Kito, người Anh, ngoài công tác giảng dạy, còn là một diễn giả rất nổi tiếng về các chủ đề Sống tích cực, Quý trọng bản thân, Vượt qua giận dữ, Sức khỏe và hạnh phúc...


Tiến sĩ tâm lý Joanna Kito

Trong dịp sang Việt Nam theo lời mời của Trung tâm Làm giàu thế giới nội tâm (TPHCM), bà đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm sống hạnh phúc với thính giả Việt, phần đông là phụ nữ.

Không ai rõ bạn bằng chính bạn

Nếu không nhìn rõ mình, bạn dễ bị lôi kéo theo đánh giá của người khác theo kiểu: “Chị là người thế này, thế kia”. Nhận được lời khen, bạn sẽ vui; còn ngược lại, bạn rất khó chịu khi bị chê bai, phê bình. Tâm trạng bất ổn của bạn chứng tỏ bạn đang bị lệ thuộc vào ý kiến nhận xét người khác. Đánh giá bản thân là biết nhìn rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để thay đổi bằng cách phát huy mặt tích cực hoặc chỉnh sửa những điểm yếu. Khi tự thực hiện điều này một cách tự nguyện, bạn sẽ cảm thấy thoải mái.

Vì sao chúng ta thường “lười” đánh giá hoặc không biết cách đánh giá bản thân? Nhiều người khi được hỏi bạn là người thế nào, thường khó trả lời. Ở thời kỳ tuổi thơ từ 1 đến 5 tuổi, đứa trẻ không hề lý luận, thắc mắc mà hoàn toàn chấp nhận, hấp thu những gì chúng nghe được từ cha mẹ, người lớn và chúng biết được mình là đứa trẻ ngoan, dễ thương, học giỏi hay là đứa trẻ lì lợm, khó ưa, vô tích sự…

Như một thói quen, khi trưởng thành, chúng chờ đợi người khác “phát biểu” để biết mình là ai, là người như thế nào… Không ai biết rõ bạn bằng chính bạn, bạn làm việc này tốt hơn bất cứ ai. Để nâng đỡ bản thân, bạn cần phải tự mình hiểu rõ mình, để gỡ bỏ những nhận xét không đúng, không hay của người nào đó nói về bạn và bạn sẽ cảm thấy thật sự an toàn khi hiểu biết và phát huy các điểm mạnh của mình.

Đừng lạm dụng bản thân

Không ít phụ nữ đang “ôm” nhiều việc trong nhiều vai trò. Họ muốn thăng tiến trong sự nghiệp, muốn dạy dỗ con cái; muốn thấu hiểu, chăm sóc chồng; lại muốn giữ phong độ (làm đẹp, tập thể dục…), gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội... Đôi khi họ không hẳn xuất phát từ nhu cầu cá nhân mà để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng “mình là người… có giá trị”. Đến khi nhận ra mình không đủ khả năng, không làm tốt việc gì và không được mọi người đánh giá cao trong công việc; gia đình nảy sinh mối bất hòa giữa vợ chồng, cha mẹ con cái… họ bắt đầu bực mình, chán đời, hay than phiền… Nếu chạy theo thành tích do người đời ngợi khen, ban tặng, họ dễ lạm dụng bản thân, lúc nào cũng phải nhón gót, với tay theo tiêu chuẩn của người khác.

Nhiều người định dạng mình bằng công việc, khi nghỉ hưu, họ vẫn đi làm, thu nhập không hẳn là lý do chính yếu mà là để vui, để biết rằng mình vẫn đang sống, không phải là người vứt đi, để người thân vẫn còn tôn trọng mình. Nghiện công việc đang là hiện tượng khá phổ biến tại các đô thị lớn. Có thể bạn có nhiều cơ hội để chứng minh “tôi tài giỏi”, thế nhưng đó cũng là lúc bạn đang chểnh mảng đối với bản thân, gia đình. Hệ quả là thành công không đi đôi với hạnh phúc.

Tâm lý giới cũng ảnh hưởng

Phần lớn con người không có lòng tự trọng bản thân và thể hiện điều đó bằng nhiều kiểu khác nhau. Đàn ông thường theo đuổi sự nghiệp, coi trọng công danh, tìm kiếm tiền bạc. Họ dễ cao ngạo với suy nghĩ “ta là đàn ông, là phái mạnh”. Khi thất bại, họ dễ lâm vào tình trạng bất đắc chí, bất mãn… Còn phụ nữ lại thường xem mình “là phái yếu, là công dân hạng hai trong gia đình và xã hội”. Những người phụ nữ ở nhà nội trợ, lại càng thấy mình thấp kém, không thể nào ngang bằng với chồng. Đó là lúc người đàn ông và phụ nữ đang định dạng và đánh giá mình dựa vào các yếu tố bên ngoài: công việc, địa vị, giới tính… Nếu họ biết dựa vào phẩm chất sinh ra đã có, chỉ cần đưa vào sử dụng trong cuộc sống thì họ mới thấy mình đáng yêu biết bao. Những người mẹ, người vợ có lòng khoan dung, có tính hy sinh, lòng yêu thương… thì tại sao không đáng trân trọng mà lại phải dựa vào thu nhập hay địa vị của người đàn ông?

Bài và ảnh: Dã Quỳ

http://nld.com.vn/2011081807472735p0...h-gia-minh.htm
 
Top