“Bình an vô sự!”

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Đỗ Hồng Ngọc

Bùi Giáng có lần viết “ Còn hai con mắt khóc người một con…” rồi Trịnh Công Sơn nối theo: Còn hai con mắt một con khóc người! Con mắt còn lại…?

Ừ, con mắt còn lại thì sao nhỉ?
“ Con mắt còn lại… nhìn một thành hai.
Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ…
Con mắt còn lại ………….
Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp…
………….
Con mắt còn lại là con mắt ai?
Con mắt còn lại nhìn tôi… thở dài! “ (TCS).

Phải rồi, cái con mắt còn lại đáng ghét đó quả là con mắt gây phiền hà cho ta! Nó bị bệnh diplobie, nhìn một thành hai! Nhưng người bị diplobie thì nhìn một thành hai giống hệt nhau còn đầu này, Trời ạ, nó “nhìn em yêu thương nhìn em… thú dữ!”. Có đời nào vậy không! Cũng là em đó thôi mà lúc thì nồng nàn, tha thiết lúc thì quỷ sứ, yêu ma? Chưa hết, con mắt còn lại đó còn “ nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp…”, nghĩa là “lên voi xuống chó”, đầy hận thù , đầy hằn học.
Con mắt còn lại đó như của ai khác- “con mắt còn lại là con mắt ai?”- nó quan sát ta, nó nhìn ngắm ta và rồi bỗng nó … thở dài. Thấy mà ghét!


Thở dài. Bởi nó thấy ta tội nghiệp! Thấy ta đáng đời! Chi mà khổ vậy?
Con mắt còn lại đó chính là con mắt của “Thức”: của biện biệt, so sánh, đếm đo. Một khi “Thức” biến thành “Trí” thì mọi chuyện đã khác!


“Con mắt còn lại / nhìn đời là không /
Nhìn em hư vô/ nhìn em bóng nắng!”

“Là không”, chứ không phải bằng không! Là Không, đó là cái không của có, cái có của không. Chân không mà diệu hữu.

Cũng có thể nói “Còn hai con mắt khóc người một con” kia là con mắt của Bi! Còn “Con mắt còn lại nhìn đời là không” này là con mắt của Trí (Tuệ). Bi mà không có Trí thì cứ khóc hoài, dỗ không nín. Trí mà không có Bi cũng chẳng đến đâu!

Mắt là để nhìn, để thấy! Và, “thấy” như thế nào là một chuyện hệ trọng. Thấy thế nào sẽ dẫn tới nghĩ suy, nói năng, hành động thế đó! Thấy sai sẽ suy nghĩ, hành động sai. Một vấn đề có thể được nhìn dưới nhiều “nhỡn quan”, nhiều góc độ khác nhau. Khư khư bám chặt lấy quan điểm của mình, khư khư cho rằng mình đúng người sai dễ thựơng cẳng tay hạ cẳng chân!

ThấyBiết liên quan chặt chẽ với nhau nhưng không phải là một!

Thấy vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vậy! Thấy có thể dẫn tới biết, nhưng Biết không ở cái thấy. Bởi thấy do mắt còn biết thì do… não! Vậy mới có chín người mười ý. Biết rộng dễ thấy rộng – nhìn xa trông rộng- biết ít dễ thấy hẹp, thiên kiến, thiển cận! Ếch ngồi đáy giếng!

Hai vợ chồng đang xem xiếc trong rạp. Cô diễn viên trẻ đẹp rất hấp dẫn đang treo toòng teng trên chiếc đu bay! Người vợ bỗng kêu lên: Bên dưới không có gì hết! Anh chồng gật đầu đồng ý. Nhưng sau một lúc nhìn kỹ lại, anh nói: Không phải đâu em! Bên dưới có lớp vải màu da người đó chứ! “Tôi muốn nói không có gì hết là không có lưới bảo hiểm dưới cái đu bay, còn ông, ông đang nói cái gì vậy hử?”! Thì ra, yêu nhau là cùng nhìn về một hướng mà thấy… khác nhau! Người vợ thì… từ bi, ông chồng thì… từ ái!

Nhãn cầu to một chút đã sinh tật cận thị, trông gà hóa cuốc Giác mạc cong một chút đã sinh loạn thị, nhìn cái gì cũng méo mó. Rồi loạn sắc, quáng gà… đủ thứ! Rồi cườm nước, cườm khô, bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, hoa đốm hư không, cứ tưởng tại không gian ai ngờ tại mắt mình lão hóa! Khi mất dao thì cái mắt thấy người nào cũng giống kẻ ăn cắp dao.

Mắt giúp ta thấy mà không giúp ta biết. Cái biết nằm ở đằng sau. Nằm ở vỏ não, ở thùy chẩm. Tâm thức mặc sức vẽ vời, mặc sức diễn dịch, phê phán, nhận xét, để rồi chí chóe, sứt càng mẻ gọng.
Chuyển hóa cái tâm không dễ. Nhưng có thể làm được. Một cụ già hơn trăm tuổi được một nhà báo phòng vấn hỏi bí quyết trường thọ, hạnh phúc. Có gì đâu, cụ cười, sáng nào tôi cũng hỏi mình hôm nay nên ở thiên đàng hay ở địa ngục vậy thôi. Lưỡng lự một chút rồi tôi chọn thiên đàng.


Ta vẫn thường nghe trẻ con hát những bài đồng dao như: “Thiên đàng địa ngục hai bên…” đó thôi.

Như một cái công tắc, chỉ cần bật qua bật lại.

Từ cái tâm sinh sự, lăng xăng, căng thẳng, mệt mỏi đến cái tâm vô sinh, vô sự… thảnh thơi vui thú có khó lắm không?

Khó, nhưng có thể.

Vô sự thì bình an.

“Bình an vô sự!“.
Năm Mới!
 
Top