Cà phê Nhân Đạo - điểm đến của những tấm lòng nhân ái ???

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator



Cà phê Nhân Đạo - điểm đến của những tấm lòng nhân ái​
15:22:00 30/05/2011​
Quán cà phê Nhân Đạo mở ra không phải để kinh doanh kiếm tiền, người làm ở quán là những em nhỏ bị khiếm khuyết về trí tuệ và điều quan trọng nữa, quán cà phê là một lớp học kỹ năng sống của các em nhỏ bị thiệt thòi trong cuộc sống. Khách hàng của quán chủ yếu là khách quen, họ đến đây để chia sẻ với các em...​
Đi đến cuối phố Vũ Trọng Phụng, hỏi thăm quán cà phê Nhân Đạo, may mắn làm sao, người đàn ông ngồi quán nước ven đường lại rành rẽ, chỉ cho chúng tôi ngay. Hóa ra phải đi qua chợ Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) một đoạn nữa mới đến. Quán cà phê Nhân Đạo nằm ngay cuối đường, góc ngã tư đường bàn cờ. Chúng tôi dựng xe bước vào. Giờ này quán vắng, chẳng có ai. Đã nghe nói về quán cà phê kỳ lạ này. Đến đây, khách hàng sẽ được thưởng thức những cốc cà phê, nước hoa quả do các em nhỏ ở Trung tâm Sao Mai tự pha chế và phục vụ khách.
Quán cà phê đặc biệt
Gọi là đặc biệt vì quán mở ra không phải để kinh doanh kiếm tiền, và người làm ở quán là những em nhỏ bị khiếm khuyết về trí tuệ, và một điều quan trọng nữa, quán cà phê là một lớp học kỹ năng sống của các em nhỏ bị thiệt thòi trong cuộc sống. Quán chỉ mở cửa trong giờ hành chính, từ 7h30' sáng đến 4h30' chiều.
Khi chúng tôi đến thì quán đang vắng khách. Chi đang ngồi rửa cốc chén, máy xay sinh tố… Chúng tôi gọi cốc nước cam, chị phụ trách quán gọi Chi lại mang nước cam cho khách. Xong việc, Chi lại tiếp tục công việc dọn dẹp của mình.
Chi là cô bé đã 15 tuổi, cao, gầy. Nhà em ở Kim Liên, sáng bố mẹ đưa đến, chiều bố mẹ em lại đến chở về. Chi học ở đây đã được 2 năm. Quan sát em rửa chén, tôi thấy em làm việc khá thành thạo và chắc chắn. Em rửa chén đĩa bằng xà phòng, rồi tráng qua 2 lần nước sạch mới úp lên giá. Chi không nói chuyện nhiều, chỉ hỏi câu nào em mới trả lời câu ấy. Tuy nhiên, quan sát Chi làm việc, khó có thể nghĩ em là người khiếm khuyết.
Cô Nguyễn Thị Duyên, người quản lý quán cũng là người trực tiếp hướng dẫn Chi làm việc, cho chúng tôi biết: Công việc dạy các em cũng khá vất vả, đơn giản vì dạy một đứa trẻ bình thường còn khó, huống chi các em bị khiếm khuyết về trí tuệ. Cứ học trước quên sau, nhưng học mãi, như là phản xạ có điều kiện, các em cũng biết làm.
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các em đã làm được nhiều việc hữu ích.
Nhân câu chuyện, cô cũng nói một chút về "chuyên môn" của mình, về quá trình dạy các em ở đây. Vì bị khiếm khuyết về thần kinh, nên cơ yếu, tay chân của các em cũng rất yếu. Trước hết làm sao cho cơ tay chân của các em khỏe lên. Ban đầu có em tay yếu đến nỗi không cầm được cái cốc, cứ cầm lên lại rơi vỡ, sau đó mới dạy cho các em cầm cho khéo, làm sao cho khỏi rơi. Khi tay đã có thể cầm được cái cốc, thì các cô dạy các em cách bưng bê, cách rửa chén…
Cô giáo cho biết, để dạy dỗ được các em, khi đến làm việc ở Trung tâm Sao Mai này, các cô phải trải qua những lớp tập huấn do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy, phải hiểu biết về bệnh tật của các em thì mới có phương pháp dạy hiệu quả. Nghe chuyện của cô, lại thấy bé Chi làm việc thành thục, tôi hiểu sức lực bỏ ra của các cô như thế nào. Còn bố mẹ của các em thì vui lắm. Từ chỗ ngại ngùng cho con đi học, thấy con có thể làm được những việc đơn giản, bố mẹ của các em rất vui, vì về nhà các em cũng có thể tự vệ sinh bản thân và giúp đỡ bố mẹ được những công việc đơn giản.
Nối vòng tay nhân ái
Say sưa ngồi nghe cô giáo kể chuyện, quán đã đông khách từ lúc nào. Chi cùng một em nữa đang bê nước cho khách. Cô Duyên cho biết, khách hàng ở đây chủ yếu là khách quen, họ làm việc ở các cơ quan lân cận, điện lực cũng có, bên xây dựng, rồi ngân hàng… đều biết quán có các em nhỏ khuyết tật làm việc, họ đến đây để chia sẻ với các em. Qua thái độ, tôi đoán họ là khách quen. Có người, vừa ngồi xuống, bỏ cái mũ bảo hiểm bên cạnh, gọi: "Chi ơi, cho chú cốc chanh leo". Thế là bé Chi lại nhanh nhẹn đi bê nước cho khách.
"Tất cả số tiền thu được sẽ để giúp các em học tập và sinh hoạt. Hằng ngày thấy các em tiến bộ là chúng em mừng" - cô giáo Duyên nói. Ngoài dạy các em công việc ở quán cà phê, trung tâm còn dạy các em trồng rau và chăm sóc rau, quả.
Những luống rau nhỏ được trồng trong hộp xốp, mùa này có nhiều nước mưa, đã lún phún xanh. Chắc các em nhỏ cũng sẽ cảm nhận được những mầm cây đang đâm chồi, tươi tốt, những thành quả ban đầu của các em. Mong sao các em ngày càng tiến bộ, hòa nhập với cộng đồng.
Đến lúc này tôi đã hiểu, tại sao người đàn ông mà chúng tôi hỏi thăm đường biết được quán cà phê Nhân Đạo này. Chắc anh cũng đã từng là khách hàng của quán, nếu như quán Nhân Đạo bình thường như bao quán cà phê khác, thì làm sao anh có thể nhớ khi chúng tôi hỏi thăm. Chắc anh cũng có sự quan tâm, lưu ý nào đó…
Còn rất nhiều người như anh, những khách hàng quen thuộc của quán, đã hằng ngày đến đây, uống nước, thư giãn và chia sẻ một phần thiếu may mắn của các em… Và cả cô giáo, chắc cô chưa có gia đình, nhưng cô đã gắn bó một phần thời gian dạy dỗ các em cho các em bớt thiệt thòi trong cuộc sống… Xã hội cần lắm những con người như thế…


Khánh Linh​
 
Top