CEO phải biết cách cư xử với bồi bàn

140
0
0

Hanoi&m

New Member
Ký ức về thời còn là chân chạy bàn ở một nhà hàng Pháp vẫn in hằn trong tâm trí vị giám đốc điều hành Office Depot, công ty cung cấp sản phẩm và dịch vụ văn phòng hàng đầu thế giới. Với Steve Odland, sự cố đổ ly nước hoa quả vào người một thực khách từ 30 năm trước cứ như mới diễn ra ngày hôm qua vậy.

Tối hôm ấy, chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà Steve Odland đánh đổ cả ly nước ép trái cây vào chiếc áo choàng trắng muốt và vô cùng đắt tiền của một nữ khách hàng VIP cực kỳ giàu có. "Tôi tần ngần nhìn chiếc áo choàng của khách và nghĩ rằng mình sẽ bị đuổi việc ngay lập tức", Odland nhớ lại sự cố ngày nào.

30 năm đã trôi qua, Odland vẫn day dứt mãi về sai phạm ấy. Và ông cũng không thể nào quên được cách cư xử bặt thiệp của nữ khách. Bà thoáng giật mình khi ly nước tràn xuống, nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và nhẹ nhàng an ủi, giúp chàng trai Odland thấy vững dạ hơn. "Mọi chuyện ổn cả. Đấy không phải là lỗi của anh".

Được bầu chọn vào top 500 CEO của tạp chí Fortune như ngày hôm nay, Odland không thể nào quên bài học đầu đời từ nữ khách sang trọng ấy. Odland đúc rút kinh nghiệm: Có rất nhiều điều để nói về một con người thông qua cách người ấy cư xử với nhân viên hầu bàn.

CEO phải thuộc "Nguyên tắc bồi bàn"

Nói đúng hơn, đây là quy tắc bất thành văn mà đa phần các giám đốc điều hành trên con đường đi tới thành công đều thuộc lòng. Thường thì mỗi CEO có quan điểm sống và làm việc khác nhau, nhưng khi được hỏi, đa phần họ đều đồng tình với cái gọi là "Nguyên tắc bồi bàn" ấy.

Giới doanh nhân thường truyền tai nhau câu nói: "Chuyện người ta ứng xử thế nào với các CEO chẳng nói lên điều gì cả. Nhưng cách các CEO cư xử với người hầu bàn lại gợi mở ra bao điều ly kỳ".

Giới doanh nhân cũng rỉ tai nhau nên trông chừng những người thường trịch thượng rút ra tấm card và nói mấy câu với bồi bàn, đại loại như: "Tôi có thể mua cả cái khách sạn này và ngay lập tức đuổi việc anh", hay "Tôi biết chủ cái khách sạn này và sẽ yêu cầu ông ta sa thải anh". Cách cư xử với bồi bàn kiểu đó sẽ lột tả bản chất của một CEO, hơn là giúp người xung quanh thấy được vị doanh nhân đó giàu sang và quyền thế nhường nào.

Điều hành hãng xe hơi Đức BMW ở khu vực Bắc Mỹ, Tom Purves, là một người gốc Scotland, quốc tịch Anh và Bắc Ireland, định cư ở New York và lấy vợ người Nauy. Thân thế khá đặc biệt khiến Tom có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau. Và Tom cho rằng "Nguyên tắc bồi bàn" đúng ở khắp mọi nơi trên thế giới này.

Thực ra, vị CEO đầu tiên nghiên cứu sâu và viết về "Nguyên tắc bồi bàn" chính là Bill Swanson của Raytheon, tập đoàn thương mại, xây lắp và sản xuất máy bay danh tiếng thế giới. Bill đã viết một cuốn sách nhỏ mang tên "Những nguyên tắc quản lý bất thành văn của Swanson". Nội dung chính chỉ là 33 quan niệm, cách nhìn về vai trò lãnh đạo, nhưng cuốn sách được in tới 250.000 bản.

Theo Swanson, trong số 33 nguyên tắc kể trên, có một điều mà bất cứ người lãnh đạo nào cũng cần ghi nhớ, đó là: "Anh chưa phải là người tốt khi anh bặt thiệp với tất cả mọi người, nhưng cư xử thô lỗ với hầu bàn".

Swanson nhận thức tầm quan trọng của nguyên tắc này từ những năm 70 của thế kỷ trước, sau khi dùng bữa với một đối tác ở nhà hàng sang trọng. Đối tác của Swanson hôm đó đã cư xử rất tệ với bồi bàn khi nhận ra rằng nhà hàng đã không phục vụ rượu vang dành riêng cho ông ta như thường lệ.

"Nguyên tắc bồi bàn" cũng được áp dụng để soi xét cách cư xử với những nữ hầu phòng trong khách sạn, nhân viên đưa thư, người rung chuông cửa hay nhân viên bảo vệ. Ron Shaich, đồng sáng lập viên của Au Bon Pain, hiện là CEO của hãng thực phẩm Panera Bread, từng phỏng vấn ứng cử viên cho một vị trí quan trọng của công ty. Nữ ứng cử viên này tỏ ra rất ngọt ngào với Shaich, nhưng ngay lập tức cư xử thô lỗ với một người dọn bàn. Không mất công suy nghĩ, Shaich đã gạch tên cô gái này khỏi danh sách trúng tuyển.

Shaich cho biết, bất cứ khi nào định cất nhắc lựa chọn ai đó trong công ty vào vị trí quản lý ở Panera Bread, ông luôn hỏi trợ lý của mình, Laura Parisi xem những người ấy cư xử với cô ra sao. Một vài ứng cử viên thường tỏ ra huênh hoang, ngạo mạn và thô lỗ khi đề nghị Laura chuyển máy tới "sếp" Shaich của cô.

Thời còn làm hầu bàn ở nhà hàng Pháp 30 năm về trước, Steve Odland đã gặp nhiều tuýp người khác nhau. "Nhiều người đối xử với tôi rất tốt, nhưng cũng có người thật tệ. Trên thế gian này có không ít người xấu. 30 năm trước, tôi chưa có tiền và cũng chưa khoác trên mình chức danh CEO, nhưng ngay từ hồi ấy tôi đã có đủ sự thông minh và bản lĩnh như ngày hôm nay", Odland bóng bẩy nói.

Theo DNSGCT
 
Top