Cha mẹ làm thày

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Một trong những mong ước lớn nhất của hầu hết các bậc làm cha mẹ, đó là con cái được thành đạt, trở nên một con người có nhân cách tốt và hữu ích cho xã hội. Để đạt được điều đó, đã có biết bao nhiêu kinh nghiệm và kiến thức được chia sẻ, trình bầy. Đã có biết bao nhiêu người tìm kiếm và học hỏi, và cũng đã có nhiều thành công – lắm thất bại để đạt được điều mong ước này.

Chúng ta cần gì?

Điều đầu tiên cần có trong hành trình chăm sóc và giáo dục con, là tấm lòng – Tấm lòng ở đây không chỉ là sự thương yêu, vì điều đó hầu như là một sự hiển nhiên, là cha mẹ thì ai mà lại không thương con ? – Nhưng nếu đó là một tình thương ích kỷ, hay mù quánh thì chỉ đưa đến những hậu quả không tốt, vì nó không xuất phát từ cái tâm.

Tấm lòng là một sự quan tâm, để ý đến con với sự thương yêu, tôn trọng và hiểu biết. Người ta thường nói, tấm lòng của một người mẹ là bao dung, luôn tha thứ mọi lỗi lầm cho con. Tấm lòng của một người cha là nhân hậu, luôn chấp nhận mọi thiếu sót của con mình. Nhưng nếu chỉ có thế thì không đủ hay thậm chí là không được. Bởi vì, xã hội sẽ không tha thứ những sai lầm của một công dân và cuộc sống sẽ không chấp nhận sự thiếu sót của bất cứ ai. Tất cả mọi người đều phải trả giá, đều phải nhận lãnh hậu quả những sai lầm và thiếu sót của mình.

Vì vậy, cha mẹ phải xây dựng cho mình một tình thương với sự nồng nàn của trái tim cùng sự sáng suốt của lý trí để từ đó hình thành những biện pháp ứng xử phù hợp với tính cách và nhận thức của con cái chứ không phải là theo sự mong muốn của chính mình.

Chúng ta nên làm gì?

Một thái độ mềm mỏng với con là điều rất đúng, nhưng không phải lúc nào cũng thế và không phải tình huống nào cũng tốt, mà có những vấn đề con cái thực sự mong chờ ở cha mẹ một sự quyết đoán, một sự cứng rắn. Chính điều đó khiến cho trẻ an tâm hơn, nhưng những quyết định của chúng ta phải là sự hữu ích thật sự cho con mình.

Chắc chắn một điều, không ai trong cuộc đời mà không bao giờ phạm phải sai lầm, nhất là với trẻ em và thanh thiếu niên. Nhưng cũng chắc chắn một điều là không ai muốn bị đem ra chỉ trích hay phê bình trước mọi người về những sai lầm của mình. Con cái cũng thế, các em sẽ chấp nhận những sai lầm của mình nếu được chỉ ra trong một cuộc trò chuyện riêng tư. Điều quan trọng hơn nữa, chúng ta đừng xem những sai lầm của con em là tội lỗi, cũng đừng gắn nó với bản chất của trẻ, cần phải tách rời sự thiếu sót, những khuyết điểm ra khỏi con người của trẻ. Chúng ta phê bình việc của trẻ làm, chứ không phê bình con người hay bản thân đứa trẻ.

Với tấm lòng nhân hậu và khoan dung, đôi khi chúng ta bỏ qua những sai lầm của trẻ, thậm chí còn đứng ra bảo vệ con để tránh cho con không phải nhận lãnh những hậu quả xấu. Điều này cần phải được xem xét tùy theo tính chất của vụ việc, chúng ta cần hiểu đó là sự vô tình hay cố ý, là sự kém hiểu biết hay là một xếp đặt có tính toán. Chính sự công bằng trong ứng xử với những lỗi lầm của con mới giúp trẻ có được niềm tin và sự tôn trọng vào cha mẹ.

Chúng ta nên phản ứng ra sao?

Có nhiều phụ huynh, thay vì dùng đòn roi thì lại “quất” vào mặt đứa trẻ những lời đay nghiến, chì chiết, mỉa mai mà đôi khi còn nặng nề hơn cả sự đau đớn về thể xác. Trẻ có thể sẽ phải “ tự vệ” bằng việc hình thành một thái độ “vô cảm” để coi như không nghe, không biết gì hết. Lâu dần, thái độ này sẽ trở thành một tính cách của trẻ, khiến cho trẻ trở nên vô cảm ngay với những điều tích cực hoặc trước những nỗi đau của người khác. Đó là một hậu quả có khi còn tệ hại hơn cả chính lỗi lầm mà trẻ gây ra !

Một trong những điều mà nhiều người cho rằng không quan trọng, chính là lời hứa với con. Chúng ta thường cố gắng giữ lời hứa với nhau, với những người bạn đồng nghiệp và với những đối tác làm ăn, giao dịch mà quên rằng, trẻ em cũng là một “đối tác” quan trọng không kém. Chúng ta cho rằng, trẻ con nhỏ nên vô tâm, không lưu ý những gì mà cha mẹ đã hứa với mình. Vì thế, chúng ta có thể giữ và cũng có thể không cần giữ những gì đã hứa với con và xem điều đó là điều không có gì mà ầm ỹ ! Nhưng thực ra, đó lại là điều vô cùng quan trọng, với người lớn nếu chúng ta thất hứa, thì có thể nhận được sự cảm thông vì những hoàn cảnh khách quan. Nhưng với con trẻ, thì khi chúng ta thất hứa, trẻ sẽ mất niềm tin nơi cha mẹ, và qua đó cũng có thể mất luôn niềm tin vào người khác. Hơn thế nữa, trẻ cũng sẽ trở nên một người xem thường lời hứa, không con xem những giá trị sống là quan trọng. Đó chẳng phải là một hậu quả nghiêm trọng mà chúng ta đã gây ra cho con hay sao ?

Ngược lại, chúng ta lại không nên nặng nề khó chịu vì một lời nói dối của trẻ ! Vì thực ra, động lực của một lời nói dối nơi trẻ em thường khác rất nhiều so với một lời nói dối nơi người lớn. Trẻ nói dối có khi chỉ là muốn chúng ta quan tâm hoặc có khi do sự sợ hãi. Với trẻ nhỏ, điều đó cho thấy trẻ chưa phân biệt được cái gì là thật, cái gì là giả. Trẻ hình dung những sự kiện trong đầu và tin rằng đó là sự thật. Vì vậy, tùy theo tính chất từng vấn đề mà chúng ta nên có những phản ứng khác nhau trước một lời nói không đúng sự thật của trẻ.

Chúng ta cần cư xử với trẻ như thế nào?

Trong việc cư xử với trẻ, thì những hành vi nhất quán trước sau như một là điều hết sức cần thiết. Với người lớn và với những người xung quanh, đôi khi người ta chấp nhận sự thay đổi trong cách ứng xử, vì nó phụ thuộc vào hoàn cảnh và tâm lý của mỗi người. Thế nhưng với trẻ thì không thế, chúng sống trong một thế giới đầy cảm xúc và vì thế một sự thay đổi “sáng nắng – chiều mưa” là điều mà trẻ không hiểu nổi. Điều đó cũng giống như lời hứa, khi ta đã có một thái độ không hài lòng về ai, về việc gì hay đã có một vài hoạt động thường xuyên, thì không nên thay đổi một cách đột ngột hoặc có những cách cư xử khác nhau. Điều này sẽ làm cho trẻ bối rối và không còn tin vào chúng ta nữa.

Chúng ta cũng đừng bao giờ cho rằng mình là những người hoàn hảo, không bao giờ sai lầm trong suy nghĩ hay hành động, dù điều đó chỉ là để gia tăng giá trị trước mặt con. Nhưng thực ra, sẽ chỉ làm cho con thất vọng nặng nề hơn khi phát hiện ra đó không phải là sự thật.
Cuối cùng, nếu chúng ta có sai lầm trong cách cư xử với con, thì cũng đừng nên ngần ngại trong việc xin lỗi. Điều đó không làm mất giá trị của cha mẹ đâu, mà chính điều đó sẽ làm cho con cái trở nên gần gũi với chúng ta hơn.

Phụ huynh chính là một người thày tốt nhất của con, nhưng để làm được điều đó trước hết chúng ta hãy trở thành một “học trò” để học hỏi và tìm kiếm những kỹ năng, kinh nghiệm của những người khác. Nhưng, điều quan trọng nhất là phải biết vận dụng được những điều đó trong cuộc sống rất “cá biệt” của gia đình mình .




CvTl. Lê Khanh
 
Top