metyruoi
Active Member
Hai bàn chân là phần “tội nghiệp” nhất của cơ thể. Những bệnh lý ở hai bàn chân sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Bởi vậy, cần chăm sao cho hai bàn chân luôn hồng hào, tươi nhuận,...
Hai bàn chân là phần “tội nghiệp” nhất của cơ thể, do nằm ở vị trí thấp nhất, chịu đựng sức nặng của toàn
thân và những vật mang trên người, hứng chịu và tích giữ những chất cặn bã bị lắng đọng bởi trọng lực, chịu nhiều va chạm và tiếp xúc trực tiếp với khí lạnh, ẩm thấp dưới đất… Chính vì vậy hai bàn chân thường bị nhiều dạng tổn thương như đụng dập, chèn ép gây tổn thương khớp, nứt nẻ bàn chân, gót chân, các loại nấm kẽ chân… nhất là ở những người phải lao động chân tay, tiếp xúc với bùn lầy nước đọng!
Khi bị những bệnh lý ở hai bàn chân, dù dưới hình thức nào, không nhiều thì ít cũng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Vì hai bàn chân là nơi có nhiều đường kinh đi ngang qua (6 đường chính kinh, nhiều lạc mạch liên kết với nhau), có chứa nhiều huyệt vị rất quan trọng. Đặc biệt, theo thuyết phản xạ thần kinh thì trên mu chân cũng như lòng bàn chân phản chiếu hầu như toàn bộ các cơ quan tạng phủ trong cơ thể.
Do đó bất cứ một tổn thương nào ở hai bàn chân chắc chắn phải nằm trên vùng phản chiếu của một cơ quan, một đường kinh hay huyệt vị nào đó và những tổn thương này sẽ làm bế tắc các dòng chảy của khí huyết, dòng chảy của các dạng năng lượng sống đến nuôi dưỡng cũng như điều hành chức năng của các cơ quan tạng phủ tương ứng.
Sự bế tắc này sẽ dần dần gây ra nhiều loại bệnh tật cho cơ thể mà giai đoạn đầu thường chúng ta không để ý đến! Chính vì vậy y học cổ truyền rất trân trọng hai bàn chân, nâng niu hai bàn chân bằng nhiều phương pháp chăm sóc và điều trị độc đáo, làm sao cho hai bàn chân luôn luôn hồng hào, tươi nhuận, ấm áp, không có bất cứ một biểu hiện bất thường nào. Nếu có thể giữ được hai bàn chân ở một trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh như thế, có nghĩa chúng ta đang giữ cho sức khỏe toàn thân được sung mãn, ít bệnh tật.
Dưới đây là một số phương pháp đơn giản chúng ta có thể áp dụng để tác động vào hai bàn chân.
Tự xoa bóp hai bàn chân một ngày hai lần, sáng và tối, mỗi lần kéo dài khoảng 15 phút (nếu không có thời gian thì nên làm một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ).
Bắt đầu bằng việc xoa bóp phần mu chân với các thủ thuật xoa, xát, day, ấn, bóp; tiếp đến xoa bóp vùng lòng bàn chân và gót chân với các thủ thuật như vuốt, nắn, day, ấn, điểm, đấm…; tiếp tục tác động đến tất cả các ngón chân như ấn, vuốt, nắn, đẩy, kéo dãn; và cuối cùng là vận động khớp cổ chân và rung chân.
Khi xoa bóp bàn chân, có thể dùng dầu nhờn để xoa bóp đơn thuần hay sử dụng kem xoa bóp bàn chân có chứa các chất có công dụng làm giảm viêm, giảm đau, làm nóng da khi có những biểu hiện đau nhức ở phần mềm hay các khớp của bàn chân…
Lăn hai bàn chân trên một bàn lăn bằng gỗ, tác động của trục lăn trên da lòng bàn chân cũng kích thích những vùng phản xạ và các kinh huyệt ở lòng bàn chân, tốt cho vấn đề phục hồi sức khỏe.
Rung bàn chân bằng máy massage chân cũng có hiệu quả. Đây là một phương pháp đơn giản. Khi máy hoạt động sẽ tạo độ rung, chúng ta đặt hai bàn chân lên vị trí đã định sẵn trên thân máy và hai bàn chân sẽ được kích thích bằng cường độ rung của máy, cũng có một số loại máy vừa xoa bóp bàn chân vừa xoa bóp và nắn cả hai cẳng chân. Khi mua nên chọn loại nào mà khi thử mình có cảm giác dễ chịu nhất.
Ngâm chân. Có rất nhiều dạng ngâm chân, ở đây chỉ trình bày một số cách ngâm chân chúng ta có thể áp dụng tại nhà, ít tốn kém, đơn giản, tiện lợi, ai cũng có thể làm được.
Ngâm chân bằng nước ấm. Đổ nước ấm (khoảng 40 độ C) vào trong một chậu nhỏ, đủ để ngâm hai bàn chân với mực nước ngang cổ chân, trong vòng 15-20 phút.
Ngâm chân bằng nước muối ấm. Hòa vào trong chậu nước ấm hai muỗng canh muối sống (muối hột), cũng có thể dùng một số loại muối đặc biệt (dùng để tắm hoặc ngâm tay chân) được bán ngoài thị trường.
Ngâm chân bằng dược thảo. Khi chọn cách ngâm chân bằng dược thảo, nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để tiến hành cho đúng cách thì mới phát huy tốt nhất tác dụng của việc ngâm chân. Chúng ta nên ngâm chân với các loại dược thảo có tính ấm nóng cho những người có tạng “hàn” và những loại dược thảo có tính mát cho những người có tạng “nhiệt”. Có những bài thuốc ngâm chân thích hợp cho từng thể bệnh, thấp khớp, thoái hóa khớp, tê bì tay chân, cao huyết áp, mất ngủ, suy nhược thần kinh… các bệnh ngoài da của hai bàn chân như tổ đỉa, nấm ăn chân, chàm…
Ngâm chân bằng các loại hoa như hoa hồng, hoa bưởi, hoa cúc, hoa nhài…
Ngâm chân bằng một số loại trà xanh.
Ngâm chân bằng nước suối khoáng, bùn khoáng…
Ngoài những cách ngâm chân đơn giản kể trên còn nhiều cách ngâm chân khác cầu kỳ, phức tạp và tốn kém thường được áp dụng tại những spa.
Tóm lại, phương pháp ngâm chân tuy rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả điều trị và phòng bệnh rất tốt. Trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy (nếu có thời gian ngâm chân vào buổi sáng), chúng ta ngâm hai bàn chân vào chậu nước, trong khi ấy vẫn có thể làm việc với máy vi tính, xem sách báo, ti vi… Sau khi ngâm chân, nên tiến hành tự xoa bóp hai bàn chân thì sẽ phát huy kết quả tốt nhất. Hai bàn chân hồng hào tươi nhuận, ấm áp là biểu hiện cho một sức khỏe dồi dào về cả thể chất lẫn tinh thần, tại sao lại không làm thử một lần?
BS Lê Hùng - SGOL