Chăm sóc trẻ trong mùa lạnh

2,501
0
0

Haidang02

New Member
Những ngày vừa qua, thời tiết thất thường, trời chuyển lạnh đã làm cho bệnh hô hấp tăng cao, đặc biệt là trẻ nhỏ. Phải làm thế nào để giữ ấm cho trẻ trong mùa lạnh, đặc biệt là những ngày Tết đang gần kề?

Theo thống kê của bệnh viện Nhi trung ương những ngày gần đây thì tỷ lệ trẻ nhập viện bị mắc bệnh hô hấp tăng mạnh, chiếm trên 60% tổng số bệnh nhân.

Còn ở bệnh viện Nhi đồng 2 những ngày vừa qua do thời tiết chuyển mùa nên số trẻ đến thăm khám do gặp những vấn đề về hô hấp cũng tăng cao.

Thạc sĩ bác sĩ Trần Quỳnh Hương - Trưởng khoa Dịch vụ hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết: "Hiện nay, thời tiết diễn tiến thất thường, trời se lạnh, độ ẩm giảm, khí áp thấp… làm suy yếu hàng rào bảo vệ của cơ thể, siêu vi trùng có điều kiện thuận lợi để xâm nhập gây bệnh. Trong mùa lễ hội Giáng sinh, Năm mới, nhịp sống bình thường bị xáo trộn, ăn uống không điều độ, ra ngoài nhiều hơn, tiếp xúc rộng hơn… cũng là yếu tố làm bệnh hô hấp dễ phát triển, lây lan, nhất là cho trẻ nhỏ".


Thời tiết chuyển mùa, trẻ rất dễ bị mắc bệnh hô hấp. Ảnh: Internet

Do đó, việc giữ ấm cho trẻ trong những ngày thời tiết chuyển mùa là điều mà các bậc phụ huynh cần quan tâm. Nhưng cũng có nhiều phụ huynh chưa có nhiều kinh nghiêm chăm sóc trẻ nhỏ, dẫn đến việc giữ ấm cho trẻ không đúng cách hoặc không biết trẻ đang bị nhiễm lạnh.
Bác sĩ Trần Quỳnh Hương cho biết một số dấu hiệu để các bậc phụ huynh nhận biết trẻ bị lạnh: "Trẻ còn quá nhỏ chưa biết nói hoặc cũng có thể do ham chơi, trẻ vẫn tiếp tục chơi đùa ngoài trời dù đã cảm thấy lạnh. Cha mẹ có thể nhận biết dễ dàng điều này khi tiếp xúc vào da trẻ, nhất là ở vùng bàn tay bàn chân. Ngoài ra có thể quan sát màu sắc da, nhất là môi miệng, đầu móng chân tay xem có bị tái, mét hơn bình thường không. Lúc này, trẻ cần được đưa vào phòng kín gió, thay quần áo khô, ủ ấm, uống nước và ăn thức ăn ấm".

Những bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ như cảm cúm, viêm mũi, viêm mũi xoang, viêm họng, viêm VA, viêm Amidan; ngoài ra có thể viêm thanh quản, viêm tai giữa. Nếu nhiễm sâu hơn sẽ gây viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Thời gian này cũng là lúc bệnh hen suyễn dễ tái phát. Vì vậy, bác sĩ Trần Quỳnh Hương cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh chớ xem thường bệnh hô hấp ở trẻ khi thời tiết chuyển mùa.

Bác sĩ Trần Quỳnh Hương cũng đưa ra một số lời khuyên cho các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ trong mùa lạnh:

- Chú ý cho trẻ ăn đủ số lượng, chất lượng, thường xuyên uống đủ nước. Nếu trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, thì khi cho bé ăn nên cho trẻ ăn đồ ăn lỏng, mềm hoặc cắt nhỏ miếng, chia nhỏ bữa ăn nhiều lần tránh ói.

- Giữ ấm đầy đủ thích hợp cho trẻ bằng quần áo, khăn quàng, khẩu trang, mang găng tay, vớ chân nếu cần. Tắm rửa nhanh bằng nước ấm, lau khô người ngay và sấy tóc cho khô hẳn sau tắm. Thay ngay áo quần, lau khô mồ hôi sau các hoạt động vui chơi. Đảm bảo tã của trẻ nhỏ luôn khô ráo.

- Tránh những nơi có luồng gió lùa, lúc ngủ cũng như thức.

- Vệ sinh răng miệng. Nhỏ mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý, nhất là khi cho trẻ ra vùng khô lạnh và sau khi tiếp xúc với người bệnh, đám đông.

- Đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời, nhất là khi có những dấu hiệu bệnh chuyển nặng hơn như bỏ ăn, bỏ bú, thở nhanh, co lõm, ho nhiều, rên rỉ, khò khè, khàn - tắt tiếng, sốt cao, co giật…Không tự ý mua thuốc hay sử dụng theo toa cũ, vì mỗi bệnh cần những loại thuốc khác nhau, nếu sử dụng không thích hợp có thể làm bệnh nặng thêm, kể cả với một số thuốc ho, xịt mũi.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc nguồn lây bệnh. Trường học cần cách ly các trẻ đang bệnh, tránh lây lan.

- Chích ngừa cho trẻ đầy đủ.

Nguồn www.sucsongmoi.net/Cham-soc-tre-trong-mua-lanh/5510675.epi
 
Top