Chợ Quê

2,501
0
0

Haidang02

New Member
Mình đi đâu cũng thích ngó nghiêng vào chợ. Chẳng biết có phải phụ nữ thì ai cũng thế không, mắt sáng lên khi nhìn thấy chợ, nhất là các chợ quê. Mỗi vùng miền, chợ lại mang một sắc thái riêng ...

Chợ quê

Một nhà khoa học nữ, Việt kiều ở Mỹ trong bức thư gửi về cho người bạn gái đã nói lên nỗi mong ước duy nhất của mình khi trở về Việt Nam là để được đi chợ. Cũng dễ hiểu thôi, chị đã ngán ngẩm sự máy móc hoá của các siêu thị trong nền thương mại hiện đại. Người ta cứ việc đi nhặt hàng, đến cửa sẽ có người đưa biên lai tính tiền, hay cứ nhét tấm séc vào máy sẽ có robot đưa hàng, hàng chế biến sẵn không có tiếng trả lời, tất cả diễn ra trong khô khan, lặng im, vô cảm.



Còn khi đi chợ ở Việt Nam, tất nhiên sẽ khác nhiều, Ðến chợ bạn sẽ đắm mình trong cảnh chen chúc, đông đúc và có thêm một chút gì đó lộn xộn, ồn ào, thiếu sạch sẽ nhưng vui và ấm áp. Tay nắm tay, vai chạm vai, mắt nhìn nhau được hỏi han, mời chào như người nhà... được nghe những mùi vị thơm thảo của xứ sở quê hương lan toả khắp không gian. Tai nghe đầy ắp tiếng Việt, thứ tiếng nói cứ trầm bổng như hát. Mắt nhìn no nê trước những sắc màu tươi tắn của cây trái, sản vật, hàng hoá...
Còn mỏi chân vì lòng vòng dạo chợ ư? Có thể nghỉ ngơi với ly nước giải khát trên tay. Hay đói một chút, chiếc ghế bằng gỗ mộc mạc sẽ chờ bạn sẵn đấy với vài món ăn nóng hổi, tuỳ thích như dự một party tốc hành.
Thật khó có thể biết được chính xác ở Việt Nam có bao nhiêu cái chợ, và có bao nhiêu loại chợ búa khác nhau. ở thành phố chợ đông đến tận khuya. ở đồng bằng, chợ miền quê, chợ duyên hải có khi là một buổi mua bán ngắn ngủi vào bình minh hay chiều tối thường gọi là "chợ mai" hay "chợ chiều". Rồi chợ "phiên" miền núi lâu lâu mới họp một lần. Người địa phương chờ được đi chợ như đi lễ hội. ở đó, kiểu thương mại bằng cách trao đổi hàng hoá như từ thời cổ đại vẫn còn sót lại như biểu tượng cho vẻ đẹp "mua bán" nguyên sơ của ngày thơ ấu nhân loại...



Khó có thể nói hết những cảm xúc tươi nguyên khi đi chợ Việt ở các vùng đất khác nhau. Tôi đã từng đi chợ miền biển, những con cá còn quẫy trong nhứng chiếc thùng bằng nan tre đan rất khéo léo. Con tôm, con cua ngọ nguậy, những con sứa óng ánh sắc cầu vồng vừa từ biệt biển khơi phập phồng trong rổ... Chợ miền quê là những trái dừa còn "chỏm tóc"; là rau răm, riềng, sả, tỏi, hành và rau ngũ điếc, nồng cay mùi vị khó quên; là lúa gạo, sắn khoai lam lũ nhọc nhằn... Tôi cũng đã từng đặt chân lên chợ miền núi, trung du, nơi có những túi thổ cẩm, chéo dù, khăn voan rực rỡ, những chiếc sọt mây bóng bẩy tài hoa, những da gấu, nhung nai, da trăn, mật ong, xa nhân, những cây kim hạt muối quí báu từ miền xuôi mang lên, tình nghĩa... Rồi chợ miền Ðông, miền Tây Nam bộ, tấp nập xuồng ghe, chợ trên sông bồng bềnh cánh võng với cây trái, lúa gạo, tôm cá miệt vườn của một vùng kênh rạch phù xa miền Nam đầy sắc thái lạ lùng...

Vâng, đi chợ, có khi bạn sẽ được nghe cả tiếng đàn bầu, đàn nhị, được nghe những câu truyện lục bát của cụ Ðồ Chiểu, Nguyễn Du... lẫn các nghệ sĩ dân gian... Rồi những cuộc biểu diễn vội vã như người Di-gan xứ Việt với những bài võ, trò xiếc, tấu hài... Biết đâu ở đấy, một phương thuốc đặc hiệu cổ truyền sẽ giúp bạn khỏi bệnh như các "nhà tiên chi" ấy đã nói...!



Mỗi vùng đất có một cái chợ riêng cho mình và lưu giữ độc quyền một giá trị

Chợ Ðồng Xuân ở Hà Nội và chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Hàn ở Ðà Nẵng, chợ Buôn Mê Thuột ở Tây Nguyên; chợ Sa Pa ở Tây Bắc; chợ Ðầm ở Nha Trang; chợ Ðông Ba ở Huế...cứ như thế "kẻ tám lạng người nửa cân", không đi, không đến, không bao giờ hiểu được.
Một người nước ngoài làm công tác văn hoá nhiều lần đến Việt Nam đã nói rất hay về "chợ Việt": Ðó là thương trường bán lộ thiên kỳ diệu, như sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị của thiên nhiên, con người và xứ sở. Quả thật đi chợ Việt, cũng là lúc con người ta chìm đắm trong một biểu cảm của một sắc thái Việt, một thứ văn hoá sống động chứa chất đầy một tính duy cảm.

(e-cadao.com)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
10,157
29
48

ALnML

Super Moderator
Em cũng thế đến chỗ nào cũng phải vào ngó cái chợ cái. Thấy cái gì lạ là mắt sáng lên....có khi là ở HN đầy.
Ôi em thích không khí chợ quê lắm lắm lắm
 
78
0
0

Bi đi xe đạp

New Member
Hồi em còn nhỏ, cứ mỗi dịp hè là bố mẹ lại cho về quê ở với bà nội. Em vẫn nhớ những ngày chợ phiên, mọi người trong nhà lại bận rộn chuẩn bị cho phiên chợ sớm ngày hôm sau. Và thích nhất là khi bà về, trong quang gánh lại có mấy cái kẹo bột, kẹo vừng, có thức ăn, có tấm áo mới cho cháu. Hic, nhớ bà nội quá !!!!
 
48
0
0

Lyna81

New Member
Quê em có một phiên chợ vào ngày 19/12 âm lịch hàng năm gọi là chợ Tru. Phiên chợ này là phiên duy nhất trong năm giành cho trẻ con và người lớn thì ko đc đi chợ vào phiên này.
Ngày em còn bé, cũng nuôi ống (ống làm bằng tre, chặt bít hai đầu rồi đục một lỗ ở đầu) và đến tối ngày 18 là đem ống ra chẻ, đếm đếm xem được bao nhiêu xiền để mai đi chợ, tối đó sẽ hỏi mẹ là được từng này tiền thì mai mua những thứ gì, thường là mua quần áo, đồ chơi, nói chung là thấy cái gì thích thì mua. Mà nói chung ngày bé, đồ chơi tòan làm bằng giấy, toàn những thứ như tò he, con rắn, con gà mổ thóc làm bằng giấy rồi chong chóng, kẹo cởi trần.
Đúng sáng 19, trẻ con cả xóm hồ hởi kéo nhau đi chợ, mà phiên chợ này là chợ phiên giành cho 6 xã bên kia sông cho nên trẻ con kéo về đông lắm, nườm nượp ý.
Ngày em còn bé, nói chung là nhà ai cũng nghèo, nên tiền đi chợ Tru chủ yếu là để đủ mua quà bánh ăn vặt cho sướng mồm thôi, đồ chơi cũng là loại rẻ tiền, chơi đc một lúc là hỏng vì tòan bằng giấy.
Bây giờ phiên chợ này vẫn còn, nó vẫn giữ đúng bản chất là phiên chợ giành cho trẻ con, nhưng phải đến 20 năm rồi em không còn được đi chợ nữa. Nhớ quá.
 
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Phiên chợ quê xưa

Đối với người nông dân, có thể nói phiên chợ quê đã trở thành một địa chỉ giao lưu văn hóa. Chợ thường chỉ họp từ sớm tinh mơ cho đến 9-10 giờ sáng, nhộn nhịp kẻ mua người bán. Phiên chợ họp giữa sân đình, cạnh một cái quán, cái cầu hoặc trên mặt đê, bên gốc cây bàng, cây đa, cây đề cổ thụ… với vài cái mái tre, nứa, lá. Chợ quê có phiên chính, phiên phụ, vài ngày lại có một phiên. Các chợ phiên gần nhau thường được sắp xếp không trùng ngày để bà con thuận tiện giao lưu, buôn bán.

Chuẩn bị những sản vật ở vườn nhà ra chợ bán
Chợ quê mang tính tự cung tự cấp. Dân thôn đem bán mớ tôm, mớ tép, mớ rau vườn nhà, con gà, con vịt mới nuôi, các loại hoa, quả, cũng có khi thêm ít hàng xén. Hàng hóa lúc ít lúc nhiều nhưng hàng quà thì không bao giờ thiếu. Những bánh khúc, bánh giò, bánh cuốn, bún cuộn… vừa túi tiền mọi người, ai cũng thấy dễ mua làm quà, dễ sà xuống ngồi ăn. Mua chịu cũng có.
Chợ phiên chỉ chừng vài trăm người, kể cả kẻ mua, người bán mà sao thấy vui lạ. Đi từ đầu chợ đến cuối chợ toàn là người quen, tạo cho phiên chợ không khí ấm áp, hiền lành. Nhiều người coi đi chợ phiên là đi chơi, đi thưởng thức chợ. Người dân quê dường như ai cũng thích đi chợ. Không mua sắm thì đi ngắm, đi chơi, đi bình phẩm. Đến chợ thì biết đủ mọi chuyện trong họ ngoài làng. Vừa mua bán vừa thông tin cho nhau về cuộc sống riêng tư, cuộc sống đời thường. Phiên chợ quê tuy giản đơn nhưng không như chợ cóc nay đây, mai đó, chợ như hòa với thiên nhiên, không thể thiếu trong đời sống của mỗi người. Chợ còn là điểm sinh hoạt văn hóa, là chốn hẹn hò, không hiếm những đôi trai gái nên vợ, nên chồng cũng bắt đầu từ những phiên chợ. Chợ quê vùng đồng bằng Bắc Bộ có hát xẩm độc đáo và hấp dẫn chẳng khác gì với phiên chợ ở các tỉnh miền núi có biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Chợ quê hàng năm có phiên áp Tết để mọi người có thể đi sắm hàng Tết, từ mớ lạt, ống giang, bó lá dong làm bánh chưng cho đến các loại thịt, cá, quần áo, tranh dân gian… Tất cả đều mang đậm sắc hương, mùi vị của hương đồng gió nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất và để rồi như cất lên lời mời thưởng thức…
Ai cũng có một miền quê sinh ra và do đó ai cũng có hình ảnh phiên chợ quê trong lòng. Ai cũng có tuổi ấu thơ đã từng mong bà, mong mẹ, chị đi chợ về để có quà, dù đó chỉ là gói xôi, gói bánh cuốn, củ khoai, khúc sắn luộc, bắp ngô nướng… mà sao ta mong, ta nhớ, có khi còn hơn cả các món ăn đặc sản đắt tiền. Bây giờ chợ quê đã khác xưa nhiều. Những dãy nhà lợp ngói đỏ au, những khu chợ thênh thang đang dần thay thế cho những mái lá đơn sơ, cọc tre mộc mạc. Nhưng trong tôi, chợ quê vẫn mãi là chợ quê của một thời để nhớ.


HNM

(st)


Một số hình ảnh chợ quê (Internet)










 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
2,617
0
0

Me Chip Tom Bi

New Member
Em cũng thế chị Haidang ạ. Đi đến đâu cũng thích ngó vào cái chợ. Ý em là về quê ấy. Chứ đến thành phố lớn, em ngó là ngó hẳn vào hàng luôn. Những vùng quê nghèo, chợ có khi chỉ là vài cái lều dựng tạm. Thế mà nhìn vào cứ thấy nao nao.
 
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Em cũng thế chị Haidang ạ. Đi đến đâu cũng thích ngó vào cái chợ. Ý em là về quê ấy. Chứ đến thành phố lớn, em ngó là ngó hẳn vào hàng luôn. Những vùng quê nghèo, chợ có khi chỉ là vài cái lều dựng tạm. Thế mà nhìn vào cứ thấy nao nao.
Đi ngủ thôi mẹ Chíp :love:
 
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Ðề: Chợ Quê

Ai cũng có một miền quê và do đó ai cũng có hình ảnh phiên chợ quê trong lòng. Ai cũng đã từng mong bà, mong mẹ đi chợ về để có quà, dù đó chỉ là gói xôi, gói bánh, củ khoai, khúc sắn, chiếc kẹo gừng... mà sao ta nhớ, có khi còn hơn các món ăn đặc sản đắt tiền.

Bây giờ chợ quê đã khác nhiều. Những dãy nhà lợp ngói đỏ au, đang dần thay thế cho những mái lá đơn sơ, tranh tre mộc mạc. Nhưng trong tôi, chợ quê vẫn mãi là chợ quê một thời để nhớ... Hồi mới đi học xa quê, tôi nhớ đến nao người. Ăn gì cũng thấy thiếu vị cay của ớt, vị thơm của ruốc quê mình.
Theo chân mẹ, tôi đến chợ Nọ thuộc huyện Phú Vang, vùng ngoại ô Huế (Thừa Thiên - Huế) vào dịp đầu xuân. Vào chợ, tôi có cảm giác như đang đứng ở giữa chợ Bến Ngự hay An Cựu. Người bán và người mua đều nói giọng Huế rặt. Hàng hóa ở đây cũng "rất Huế".


Một góc chợ quê...​
Ảnh: Internet

Ở đây, những hũ tôm chua đỏ au những ớt là ớt. Bà bán ruốc với cái chậu đầy vun có ngọn, trên cắm cái muỗng cắt từ mo cau khô. Bà luôn miệng chào mời: "Đảm bảo ruốc cửa Thuận trăm phần trăm". Hàng rau sống không chỉ có khế chua, chuối chát mà còn có vả nữa.

Những chuỗi hạt sen khô treo đung đưa gợi nhớ hồ Tịnh Tâm. Những chiếc nón bài thơ mỏng mảnh làm tôi hơi ái ngại, thời tiết bây giờ đâu có "dịu dàng" như Huế. Chị bán hàng vẫn đon đả: "Nón Huế bền lắm em nợ. Ngó rứa chứ đội được lâu lắm đó”.

Chợ quê mà vẫn có thể tìm thấy dao rựa Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã làng Sình... Đến hàng ăn thì đủ món từ bánh ram ít, nậm, lọc, bánh ướt và những chén chè bắp, chè khoai... đều có cả. Nhiếu nhất vẫn là bún bò Huế. Xem cái váng đỏ nổi lên kia - là ớt để bạn vừa ăn vừa hít hà vì cái vị độc đáo ấy.


Bún cuốn mắm tôm chua - đặc sản của chợ quê ở Huế.​
Ảnh: Internet

Một người bạn vong niên, một nhà khoa học Việt kiều ở Mỹ trong email gửi về cho tôi đã nói mong ước của mình khi trở về Việt Nam là để được đi chợ quê. Cũng dễ hiểu thôi, anh ngán ngẩm các siêu thị hiện đại.

Người ta đi chọn hàng, đến cửa có người đưa biên lai tính tiền, hay nhét tấm séc vào máy sẽ có robot đưa hàng. Đi chợ mà sự mua và bán đều không có đến một tiếng chào mời, tất cả diễn ra khô khan, vô cảm. Còn đi chợ quê, anh sẽ đắm mình trong cảnh chen chúc, đông đúc và thêm một chút gì đó lộn xộn, ồn ào, thiếu sạch sẽ nhưng lại vui và ấm áp.

Được cảm thấy những mùi vị thơm thảo của quê hương lan tỏa khắp không gian. Tai nghe đầy ắp thứ tiếng nói trầm bổng như hát. Còn nếu mỏi chân vì lòng vòng dạo chợ, dễ thôi. Có thể nghỉ ngơi với ly nước giải khát trên tay. Hay đói một chút, sẽ có nhiều gánh quà sẵn đấy với vài món ăn nóng hổi, tùy thích ...
Phong vị mua bán cũng rất Huế. Họ ngọt ngào mời mọc khiến cho khách khó lòng bỏ đi và mua được hàng rồi, lại được nghe giọng nói Huế... ngọt như mía lùi: “Lần sau nhớ ghé hàng em nghe anh!”.

Thân thương và thật khó quên..

( theo www.travelatvietnam.com)
 
318
0
0

hoa Dím

New Member
Ðề: Chợ Quê

Cảm ơn mẹ Haidang02 thật nhiều! :kiss:
Nhớ chợ quê...
 
331
0
0

Hua Bin

New Member
Ðề: Chợ Quê

hihi, các bác ơi, nhiều khi em thấy khu chợ ở tập thể em ở cũng không khác lắm với chợ quê đâu á. Tuyền là những người ở quê lam lũ họ lên bán hàng "bất hợp pháp" ở sân, lối đi trong khu tập thể. Thỉnh thoảng công an dân phòng đến "lùa" là chạy te tua. Khổ ơi là khổ. Mai em rảnh em chụp ảnh nhé. Chủ đề này hay lắm
 
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Ðề: Chợ Quê

Hương vị chợ quê...

Những ai đã từng đi qua những phiên chợ quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ hẳn không thể quên hình ảnh những người phụ nữ răng đen, với áo nâu sồng, đầu chít khăn mỏ quạ và càng không thể quên được những món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương…

Gọi là chợ quê bởi khi đến đây, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều những món ăn dân dã, quen thuộc bấy lâu. Nào là ốc luộc, riêu cua, bánh xèo… toàn là những món ăn mà nhắm mắt, bạn cũng có thể tưởng tượng ngay ra được. Bàn tay khéo léo của người đầu bếp đang tráng những chiếc bánh xèo, trong trang phục của người phụ nữ Đồng Bằng Bắc Bộ xưa, người đầu bếp đã tạo cho bạn một cảm giác bình yên như ở chốn quê nhà.
Một góc nhỏ dành cho món bún thang - món bún đặc trưng của người Hà Nội. Vẫn là những nguyên liệu quen thuộc như thịt gà, giò, trứng... suốt bao nhiêu năm, món bún này đã đi cùng và gắn với người Tràng An thanh lịch.
Ốc luộc, món ăn được rất nhiều bạn gái ưa thích. Những con ốc béo ngậy, chấm với nước mắm gừng với đầy đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt sẽ cho bạn cảm giác suýt xoa khi thưởng thức.



Bún riêu cua, món ăn được xem là dân dã nhất, gần gũi nhất đối với người Việt Nam. Khi đời sống được nâng cao, món ăn này có ít nhiều thay đổi, được chế biến thêm một số nguyên liệu khác như giò, đậu, thịt bò… cho thêm phần sinh động, nhưng vị riêu cua vẫn là cảm giác không thể quên mỗi khi thưởng thức.




Bánh cuốn là món ăn khá nhẹ nhàng, món bánh này được tráng từ bột gạo xay cùng với mỡ, hành và mộc nhĩ. Ngày nay, cách làm món bánh cũng đơn giản hơn nhiều, nhất là khâu làm bột bánh. Thưởng thức bánh cuốn nóng với nước chấm nóng, rau mùi thơm, quả là thú vị.





Chợ quê còn hấp dẫn bạn bởi một loạt các món ăn khác như: Bánh đa, bánh đúc, bánh tôm, bún ốc, bún cá…Nhiều món ăn quê mà có lẽ phải có thời gian, bạn mới có thể thưởng thức và cảm nhận hết.

Bánh đúc



Trong một góc nhỏ với tên gọi “chợ quê”, chúng ta có dịp bắt gặp đâu đó hồn của quê hương, mà có lẽ do công việc, cuộc sống nhiều khi đã bị lãng quên...

(ST)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
431
0
0

letuanninh

New Member
Ðề: Chợ Quê

Hương vị chợ quê...

Những ai đã từng đi qua những phiên chợ quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ hẳn không thể quên hình ảnh những người phụ nữ răng đen, với áo nâu sồng, đầu chít khăn mỏ quạ và càng không thể quên được những món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương…

Gọi là chợ quê bởi khi đến đây, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều những món ăn dân dã, quen thuộc bấy lâu. Nào là ốc luộc, riêu cua, bánh xèo… toàn là những món ăn mà nhắm mắt, bạn cũng có thể tưởng tượng ngay ra được. Bàn tay khéo léo của người đầu bếp đang tráng những chiếc bánh xèo, trong trang phục của người phụ nữ Đồng Bằng Bắc Bộ xưa, người đầu bếp đã tạo cho bạn một cảm giác bình yên như ở chốn quê nhà.
Một góc nhỏ dành cho món bún thang - món bún đặc trưng của người Hà Nội. Vẫn là những nguyên liệu quen thuộc như thịt gà, giò, trứng... suốt bao nhiêu năm, món bún này đã đi cùng và gắn với người Tràng An thanh lịch.
Ốc luộc, món ăn được rất nhiều bạn gái ưa thích. Những con ốc béo ngậy, chấm với nước mắm gừng với đầy đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt sẽ cho bạn cảm giác suýt xoa khi thưởng thức.



Bún riêu cua, món ăn được xem là dân dã nhất, gần gũi nhất đối với người Việt Nam. Khi đời sống được nâng cao, món ăn này có ít nhiều thay đổi, được chế biến thêm một số nguyên liệu khác như giò, đậu, thịt bò… cho thêm phần sinh động, nhưng vị riêu cua vẫn là cảm giác không thể quên mỗi khi thưởng thức.




Bánh cuốn là món ăn khá nhẹ nhàng, món bánh này được tráng từ bột gạo xay cùng với mỡ, hành và mộc nhĩ. Ngày nay, cách làm món bánh cũng đơn giản hơn nhiều, nhất là khâu làm bột bánh. Thưởng thức bánh cuốn nóng với nước chấm nóng, rau mùi thơm, quả là thú vị.





Chợ quê còn hấp dẫn bạn bởi một loạt các món ăn khác như: Bánh đa, bánh đúc, bánh tôm, bún ốc, bún cá…Nhiều món ăn quê mà có lẽ phải có thời gian, bạn mới có thể thưởng thức và cảm nhận hết.

Bánh đúc



Trong một góc nhỏ với tên gọi “chợ quê”, chúng ta có dịp bắt gặp đâu đó hồn của quê hương, mà có lẽ do công việc, cuộc sống nhiều khi đã bị lãng quên...

(ST)
nhìn ma thấy thèm và nhớ gia giết ...!bây giờ muốn ăn..? ở đâu........?:drooling::love:
 
Top