ALnML
Super Moderator
Chồng lười tại vợ
(GD&TĐ) - Người vợ nào cũng muốn được chồng phụ giúp, đỡ đần việc trong nhà. Tuy nhiên, không ít người thường than thở có chồng vô tích sự, chẳng bao giờ đụng tay đến chuyện nhà. Nguyên nhân chồng lảng việc nhà cũng do từ suy nghĩ tiêu cực của người vợ mà nên.
Ngại chồng làm hư việc
Nếu người vợ cứ nơm nớp lo sợ giao việc cho chồng chẳng biết có nên cơm nên cháo gì không, thì quả thực, anh ta sẽ chẳng làm được việc. Lau nhà thì bẩn, giặt quần áo thì không sạch, lại không biết phơi. Kinh nghiệm thực tế đã được đúc kết cho thấy, những lần đầu làm quen với việc nhà, người chồng thường lóng ngóng, vụng về nhưng dần về sau, có khi anh ấy còn làm khéo hơn cả bạn. Chúng ta vẫn thường nói “Vạn sự khởi đầu nan”, “Mọi thứ đều phải học dần dần”, không ai có thể giỏi ngay được. Anh Phú, chị Nga lấy nhau gần mười năm nay, nhưng hàng xóm láng giềng chẳng mấy khi nhìn thấy anh phụ vợ việc nhà. Cứ mỗi lần định nhờ chồng việc gì, chị Nga lại không an tâm. Nhờ chồng đưa đón con chị lại sợ chồng hay quên, muốn chồng chở đến siêu thị chị lại ngại chồng tay lái yếu… Thế là trong khi chị cứ quần quật cả ngày còn chồng chị ngày ngày cứ thong thả chờ cơm vợ nấu.
Sợ chồng bỏ đi với người khác
Mặc cho người thân khuyên can, chị Trinh một mực không cho chồng mình đụng tay vào việc trong nhà. Tuy trước đây chồng chị là người xốc vác, nhưng sau khi lấy vợ, thấy chị muốn giành làm hết việc nhà anh cũng… cho qua. Với chị Trinh, được phục vụ chồng là hạnh phúc và trách nhiệm của chị, nhất là sau khi đã thành vợ chồng. Chị vẫn nghĩ, lấy chồng mà không kham nổi việc nhà rồi chồng cũng chán.
Bạn vẫn nghĩ, nếu người vợ không quan tâm đến chồng anh ấy sẽ bỏ đi với người phụ nữ khác biết lo toan chuyện nhà giỏi giang hơn bạn. Thực tế, người đàn ông yêu vợ chứ không phải yêu khả năng lau sàn nhà của vợ mình. Đơn giản do ngay từ đầu, người vợ đã có cách nghĩ hoàn toàn sai lạc. Hãy nhớ lại khi hai người mới quen nhau, anh ấy hăng hái thế nào. Thế mà giờ đây, phổng mũi với những lời khen của chồng, bạn ôm đồm hết mọi chuyện trong nhà. Nếu người chồng có đi ngoại tình chắc chắn không phải vì người phụ nữ khác lau nhà giỏi hơn bạn, mà vì hấp dẫn hơn. Vì thế, người vợ cần giao bớt việc nhà cho chồng để có thêm thời gian đến các phòng tập thể dục, làm đẹp. Đừng để nền nhà bao giờ cũng nhẵn bóng còn bản thân người vợ lại ngày càng xuống cấp như xe không phanh.
Vì sự nghiệp của chồng
Từ khi có vợ quán xuyến việc nhà để chồng rộng đường thăng tiến trong nghề nghiệp, anh Thưởng ngày càng giống ông vua trong nhà còn vợ anh, chị Liễu cứ đầu tắt mặt tối từ lúc chồng chỉ là nhân viên bình thường cho đến khi anh có được tấm bằng Thạc sĩ. Thấy chồng càng học cao, chị càng cho rằng nếu để chồng nhúng tay vào việc nhà còn ra thể thống gì nữa. Đằng nào cũng học cao như người ta chứ có tầm thường như trước kia, nếu có ai biết hẳn con đường công danh của chồng có nguy cơ tổn hại. Có phải bằng cách giải phóng đàn ông thoát khỏi việc nhà, người chồng sẽ có được thành công như người vợ vẫn mong muốn? Thực tế hoàn toàn ngược lại. Chính công việc trong nhà có thể giúp người chồng biết hoạch định công việc của anh ta. Người chồng sẽ biết cách thoát khỏi tình thế khó khăn, không sợ bất cứ khó khăn nào và biết tận dụng mỗi giây rảnh rỗi cho công việc. Đó là chưa kể người chồng còn khỏe mạnh và trở nên nhanh nhẹn hơn.
Vợ làm nhiều chồng càng biết ơn?
Người chồng sẽ đánh giá sự hi sinh của người vợ và sẽ yêu vợ hơn chăng? Trên thực tế, khi hi sinh sắc đẹp và sự nghiệp của mình vì những công việc gia đình, người vợ có khuynh hướng xuống cấp trong mắt chồng mình. Đến một ngày, bạn sẽ cảm thấy hối tiếc vì những cơ hội đã qua và trở nên lạc hậu trước anh ấy. Buồn thay, khoảng cách đó chính là kẽ hở để kẻ thứ ba len vào cuộc sống gia đình bạn. Mỗi lần cơ quan tổ chức họp mặt, đi nghỉ mát, chẳng bao giờ mọi người trong cơ quan thấy anh Thành đưa vợ cùng đi. Thật ra, chị Loan chỉ thích làm nội trợ để chồng được đi đây đi đó thoải mái mà hiếm khi nghĩ đến bản thân. Chồng có giao tiếp, gặp gỡ mọi người là chuyện bình thường, còn phụ nữ nếu không chu toàn việc gia đình, là sai trái. Nghĩ vậy nên chị Loan cứ cần cù, miệt mài làm việc nhà với mong muốn được lòng của chồng, mà nào nghĩ rằng mỗi lần nhìn bộ dạng luộm thuộm của chị, anh Thành cũng chẳng thiết tha cùng vợ đi đâu cả. Mấy cô đồng nghiệp quanh anh, cô nào cũng tươm tất và xinh như mộng. Rồi anh thầm so sánh với vợ nhà rồi đâm ra ngao ngán hơn. Giá như hay biết chuyện chồng mình đang có tình cảm thân mật với một đồng nghiệp mới về cơ quan, hẳn chị Loan sẽ thay đổi suy nghĩ của mình.
Người vợ cần từ bỏ ý nghĩ việc nội trợ chỉ dành cho phụ nữ. Nếu người vợ cũng đang làm việc ngoài xã hội, điều này càng không đúng. Tại cơ quan, bạn cũng có công việc của mình và vì công việc đó, bạn đã được trả lương. Còn ở nhà, tại sao bạn phải làm hết mọi thứ? Vì thế, người vợ có quyền đòi hỏi sự chia sẻ việc nhà từ chồng mình. Trên thực tế, đàn ông có thể làm được tất cả, thậm chí họ còn lấn sân một số lĩnh vực nghề nghiệp vốn lâu nay chỉ dành cho phụ nữ. Thế nhưng họ chẳng dại gì phô trương năng lực bản thân, mà chỉ vận dụng chúng trong những trường hợp cần thiết. Chẳng hạn, nhiều người đàn ông phải thực hiện nghĩa vụ quân sự mấy năm mà ở đó, không ai chăm sóc họ. Họ phải tự nấu ăn, giặt giũ, dọn phòng và nhiều công việc nội trợ khác vẫn được xem là chỉ có phụ nữ mới có thể đảm đương. Nhưng khi trở về nhà, vô tình người vợ đã tạo điều kiện thuận lợi để chồng mình quên tất cả mọi việc đó.
Thuỳ Như
http://www.gdtd.vn/channel/2775/2011...ai-vo-1949441/