metyruoi
Active Member
Câu chuyện về cuộc hành trình phi thường trên quốc lộ 1A của người đàn ông mặc áo tu hành đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, đến tận những vùng quê xa xôi. Không ít người đang dở việc đã bỏ công bỏ buổi, bỏ cuốc bỏ cày chạy ra đường quốc lộ để xem nhà sư vừa đi vừa lạy.
Trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua miền Trung, tôi đã thường xuyên gặp hình ảnh một người tu hành đang kính cẩn thực hiện nghi lễ đặc biệt: Đi một bước, lạy một lần. Một lần tôi đã dừng xe để trò chuyện và được nghe những thông tin chưa từng biết về cuộc hành trình “nhất bộ nhất bái” gây xôn xao dư luận này.
Người bộ hành kỳ lạ
Người bộ hành đặc biệt nhỏ bé, chân trần, khuôn mặt hiền và ánh mắt nghiêm nghị. Ông gần như hoàn toàn tập trung vào việc hành lễ. Lần đầu tiên tôi gặp đoàn người kỳ lạ này trên mặt đường nhựa rát bỏng qua thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) giữa cái nắng chang chang và khói bụi nghìn nghịt. Nắng cháy sạm da, mồ hôi ròng ròng chảy nhưng gương mặt người tu hành thật bình thản và những động tác quỳ lạy khoan thai dường như không vướng bận ngoại cảnh khắc nghiệt.
Lần khác tôi lại gặp đoàn hành lễ trong một buổi chiều muộn mưa táp rát mặt tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Bất chấp mưa xiên và cái lạnh thấu da thấu thịt, đoàn người vẫn trang nghiêm di chuyển với câu niệm "Nam mô A di đà Phật" đầy thành kính.
Ngoài nhà sư đi một bước, lạy một lần, đoàn người đi cùng thường kéo dài đến cả cây số, tiền hô hậu ủng, luôn luôn có những người đi cùng trong đoàn làm công tác dẹp đường, đảm bảo các phương tiện lưu thông và giữ an toàn cho người hành lễ. Mỗi bước chân của người bộ hành đặc biệt này trên các vùng đất khác nhau đều thu hút rất đông người quan tâm và làm nhiều người đi đường hiếu kỳ phải dừng lại.
Theo lời của nhiều người dân, mỗi việc làm trên đường hành lễ đều không phải tầm thường mà có ý nghĩa linh thiêng. Nhiều người đã tự nguyện quét hàng km đường quốc lộ trước khi bước chân nhà sư đi qua để cầu mong hưởng lộc, cuộc sống nhiều may mắn. Đông đảo người thành tâm đã tự túc chuẩn bị cả phương tiện và lương thực để nhập vào đoàn bộ hành đi theo người hành lễ. Người ta gọi đó là những người “trợ duyên” trong hành trình xuyên Việt mang sức mạnh tâm linh huyền bí. Người “trợ duyên” sẽ được độ trì, người đau ốm sẽ có sức khỏe, người mang tội sẽ được ân xá, người u muội kém trí tuệ sẽ dần được khai tâm khai trí.
Câu chuyện về cuộc hành trình phi thường trên quốc lộ 1A của người đàn ông mặc áo tu hành đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, đến tận những vùng quê xa xôi. Không ít người đang dở việc đã bỏ công bỏ buổi, bỏ cuốc bỏ cày chạy ra đường quốc lộ để xem nhà sư vừa đi vừa lạy. Từ cách đó khoảng vài cây số, người ta đã thấy rải rác hình ảnh những phật tử cầm chổi quét đường quốc lộ. Họ quét miệt mài, cẩn thận nhặt từng viên sỏi, từng mẩu thuốc lá để dọn đường. Và đoàn hành lễ đi qua sẽ để lại một vệt đường sạch bóng không một mẩu rác rưởi.
Hành lễ trên Quốc lộ 1A
Lộ trình huyền bí
Người bộ hành đặc biệt trên chính là Đại Đức Thích Tâm Mẫn, tên tục Lê Minh (SN 1977), là người con của quê hương đất Quảng, nơi có dòng sông Thu đã đi vào huyền thoại, nơi nếp nhà nhỏ có cha mẹ già vẫn tần tảo sớm hôm bên cây lúa củ khoai. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ngày 26/6/2004, người thanh niên xã Duy An, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) bỗng phát nguyện xuất gia học đạo và quy y tại chùa Hoằng Pháp khi vừa 27 tuổi.
Ông phát nguyện "nhất bộ nhất bái" (đi một bước, lạy một lạy), hành lễ từ chùa Hoằng Pháp, thuộc Hoóc Môn (TP Hồ Chí Minh) vào sáng mồng 2 Tết Kỷ Sửu, tức ngày 27/1/2009 với bốn câu kệ: "Sám hối tội lỗi - Cầu nguyện hòa bình - Chí đạt quả Phật - Hóa độ chúng sanh". Hành trình xuyên Việt dài trên 1.800 km dọc theo quốc lộ 1A, mỗi ngày đi được khoảng 2 km, dự kiến sau 4 năm sẽ đến chùa Yên Tử (Quảng Ninh) vào năm 2012.
Đó là một hành trình thiền định hạnh khó hành. Với việc đi một bước, lạy một lạy, gieo năm vóc sát đất, nhà sư đã dành toàn tâm trí thực hiện một cuộc hành trình sám hối tội lỗi và cầu nguyện hòa bình.
Khóc cười chuyện “nhất bộ nhất bái”
Người lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A không ít lần phải thốt lên ngạc nhiên với đoàn người dài dằng dặc phát sáng bằng đủ mọi loại phương tiện, từ đèn pin, điện thoại đến các loại bóng tự chế đeo lủng lẳng trên xe.
Ngoài ra, những người làm công tác dẹp đường giữ an ninh trật tự còn trang bị đầy đủ từ loa phóng thanh đeo trên cổ, gậy phân luồng giao thông dắt hông, lúc cao điểm cũng sẵn sàng tận dụng cả cành cây, ống nhựa để chỉ đạo xe cộ qua lại.
Không ít lần những người “trợ duyên” này đã gây khó chịu cho người đi đường vì lời nói cộc lốc và cách đưa gậy chỉ trỏ. Chưa kể, hành tung bí mật của nhà sư sau mỗi buổi nhất bộ nhất bái cũng làm nhiều người ngạc nhiên. Đến giữa tháng 11/2011, nhà sư Đại đức Thích Tâm Mẫn đã đi qua đất Hà Tĩnh, bắt đầu đặt chân đến xứ Nghệ, đánh dấu 3/4 chặng đường dài 2 năm 10 tháng tính từ ngày khởi hành.
Nhà sư dường như hoàn toàn yên lặng, né tránh tiếp xúc đại chúng, kể cả giới Phật tử thân tín.
Sau khi hết hành lễ trên đường, thị giả đi cùng nhà sư lật đật phóng xe chở nhà sư đi nhanh khỏi tầm mắt tò mò của đại chúng. Thông tin về chỗ nghỉ dưỡng của nhà sư sau mỗi buổi hành lễ được giữ bí mật hoàn toàn và việc tiếp xúc với thầy dường như là không thể.
Đại đức Thích Tâm Mẫn
Hỏi chuyện một trong những Phật tử thân tín nhiều năm có mặt trong đoàn “trợ duyên”, người này cho biết: Trước đây nhà sư hành lễ xong thường nghỉ tùy duyên, tức là có thể nghỉ ngay trên đường và tiếp xúc với tất cả mọi người. Nhưng việc hành lễ vất vả giữa đường quốc lộ bụi ngập trời, mưa nắng, gió rét đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Bước đường nhất bộ nhất bái có ngày đã bị gián đoạn bởi nhà sư bị ốm nặng. Chưa kể, có quá nhiều lời đồn thổi không đúng.
Người này cho biết, Đại đức Thích Tâm Mẫn trước đây không phải làm bác sỹ, ông chưa từng mổ chết người, cũng không tự thiêu hay hiến nội tạng khi đến Yên Tử như lời đồn thổi. Vị này cũng khẳng định không có chuyện nhà sư phát hiện linh hồn người chết trên đường thông qua việc đôi tai ửng đỏ hay lót quạt để cầu siêu thoát. Việc lót quạt hoàn toàn vì lý do vệ sinh, đoạn đường nào quá bụi bẩn, nhiều đá nhám sẽ phải lót quạt, đoạn nào sạch thì không cần. Còn đôi tai thầy nhiều khi đổi sắc ửng đỏ do việc quỳ lạy liên tục trong thời tiết khắc nghiệt.
Tuy nhiên, người “trợ duyên” cởi mở này lại cũng nhất quyết không tiết lộ thêm điều gì về hành trình xuyên Việt và một mực đề nghị giữ bí mật cuộc trao đổi vì nếu có người biết, sẽ bị đuổi khỏi đoàn người. Có lẽ, đối với đông đảo người đang quan tâm, không ít người chưa thể hết tò mò về bức màn huyền bí xung quanh nhất bộ nhất bái. Và cũng chưa hết những tranh cãi, những ý kiến trái chiều về hành trình khác thường này. Nhưng trong cuộc sống đầy màu sắc này thì quả thật “nhất bộ nhất bái” xuyên Việt vẫn là một hành động phi thường, độc nhất vô nhị.
http://chuaphuclam.vn/index.php?/ng...h-mot-buoc-mot-lay-xuyen-viet-phi-thuong.html