Chuyện nhặt...!

2
0
0

Vẹo

New Member
Em - người mới lon ton vào diễn đàn. Mạn phép các bác xin 1 ít đất để viết những gì cóp nhặt bên đường, những gì đã xem, đã thấy hoặc đang nghĩ mà chả biết bỏ vào đâu... Cảm ơn các bác!

1. Từ Narita đến Nội Bài:

Một ngày mùa thu, tháng 9, có dịp quay lại nước Nhật. Đây là lần thứ 3 đi Nhật nhưng lại là lần đầu tiên quay lại nước Nhật sau thảm hỏa động đất, sóng thần tháng 3/2011. Người ta nói nước Nhật sau thảm họa thay đổi rất nhiều, kể cả chính phủ, các doanh nghiệp và người dân đều có sự thay đổi. Sự thay đổi thể hiện ngay từ trong suy nghĩ đến thói quen, cách sống của người Nhật - tất nhiên không phải là tất cả.

Thay đổi đầu tiên mà có thể nhận thấy là việc tiết kiệm năng lượng. Trước khi đến Nhật, các thành viên đoàn VN nhận được một thư suggest việc ăn mặc thoải mái, không cần comple, cà vạt vì nước Nhật đang ở trong "Cool Biz Campaign" từ 1/6 đến 30/9. Triết lý của người Nhật trong việc tiết kiệm năng lượng thật triệt để với hành động được mô tả với hiện tượng "vắt chiếc khăn khô". Đã tiết kiệm rồi thì vẫn phải tiết kiệm nữa, không ngừng nghỉ.

Lúc đến Nhật cũng là lúc tranh chấp chủ quyền giữa Nhật và TQ về phần lãnh thổ mà Nhật gọi là Senkaku, TQ gọi là Điếu Ngư đang ở mức căng thẳng. Mặc cho người TQ biểu tình chống Nhật, bày tỏ sự phản đối bằng những hành động có phần thái quá như đập phá tài sản, nhà xưởng của các công ty Nhật tại TQ thì người Nhật thể hiện sự phản kháng một cách trật tự hơn. Chẳng cần phải đợi Thủ tướng kêu gọi hãy giữ phẩm giá người Nhật khi thể hiện lòng yêu nước, người Nhật đã thể hiện một sự ôn hòa, đúng mực như thường thấy. Sự đúng mực và tôn trọng luật pháp, giữ được bản sắc văn hóa truyền thống và phong cách người Nhật không những chỉ thể hiện trong cuộc sống bình thường mà nó còn được thể hiện ngay trong những hoàn cảnh cam go hay khi đối mặt với thảm họa. Gần một tuần ở Nhật, được nghe kể nhiều chuyện thật xảy ra vào cái ngày 11/3 ấy. Chuyện về một Tokyo bình thường trên mặt đất không có quá đông người và phương tiện nhưng khi xảy ra động đất, sóng thần thì tất cả mọi người ở dưới metro chui lên đường để về nhà làm cho đường phố tắc nghẽn, người dân bỏ xe cộ đang đi giữa đường vì đèn giao thông hỏng, tắc đường mà sau đó tài sản vẫn còn nguyên. Chuyện về hàng dài người xếp hàng trong trật tự đi vào siêu thị mua pin đèn và gạo - 2 thứ được mua nhiều nhất sau thảm họa. Hai hàng người xếp hàng dài ấy cứ lầm lũi nhích từng bước, từng bước chờ đến lượt mình và ngay cả khi đến lượt mình pin đèn và gạo có thể hết nhưng cũng k chen lấn, xô đẩy mà tự động đi về. Chuyện về những cái két sắt trôi dạt vào bờ được người dân mang đến nộp hoặc báo chính quyền ra thu giữ. Chuyện....

Những doanh nghiệp, tập đoàn Nhật khi đến thăm đều cho một cảm giác tiện nghi, chuyên nghiệp và chuyên tâm với công việc. Dân văn phòng ở Nhật làm việc muộn, 8-9h tối văn phòng có thể vẫn sáng đèn. Anh bạn người Nhật bảo đấy là bây giờ chúng tao còn làm việc ít hơn trước, mày có thể xem người Hàn Quốc, TQ bây giờ còn lao động căng hơn cả người Nhật. Buối tối, đứng bên cửa sổ trong căn phòng khách sạn ở tầng thứ 37 nhìn ra Vịnh Tokyo lấp lánh ánh đèn. Xa xa là tháp truyền hình Tokyo và tháp Sky tree mới xây dựng, kế bên là tòa tháp đặt trụ sở của hãng mỹ phẩm Shisedo nổi tiếng, cửa sổ các phòng làm việc vẫn sáng, nhân viên vẫn đang chăm chú làm việc. Chợt so sánh với kiểu làm việc của mình ở nhà, 8h30 lững thững đến cơ quan, hơn 11h đã kéo nhau ăn trưa, 2h chiều mới lục tục làm việc và 4h30 đã xách xe về mới thấy chúng ta sử dụng 8h (thực tế chả bao giờ đủ 8) vàng ngọc như thế nào, vì sao lương thấp, vì sao năng suất lao động kém, vì sao giá trị gia tăng trên sản phẩm Việt không cao...

Ngày về, chiếc bus limosine của sân bay đón khách từ các khách sạn để lên sân bay Narita. Trong gần 1 tiếng đồng hồ, có thể ngả ghế tranh thủ ngủ hoăc vào mạng internet free trên xe. Bên ngoài, loáng thoáng vút qua bóng những cây bạch dương. Những cây phong, cây ngô đồng lá còn xanh nhưng chắc chỉ hơn 1 tháng nữa là sẽ trút lá vàng lá đỏ cho mùa vàng ở Tokyo. Lúc lên máy bay, khi máy bay bắt đầu lăn, nhìn ra cửa sổ, 3 công nhân kỹ thuật mặc đồng phục của Jal Airlines đang đứng nghiêm chào và giơ tay tạm biệt hành khách. Một cảm giác chuyên nghiệp, ân cần và ấm áp được mang đến từ những người lao động bình thường nhất cho những hành khách sắp rời Tokyo. Em, lại mắc bệnh so sánh giữa ở nhà và "ở bển". Về đến Nội Bài, bước ra khỏi máy bay, chui vào ống, thể nào cũng gặp 1 nhân viên mặt đất mặc áo dài xanh hoặc 1 anh nhân viên kỹ thuật nào đó, tay cầm bộ đàm hoặc có khi là điện thoại cầm tay với một khuôn mặt vô cảm, trân trân nhìn hành khách với chả có nụ cười nào.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng và có thể ai đó sẽ bảo đem Việt Nam so sánh với Nhật là quá lố. Em thì chả muốn so sánh gì cả, chỉ nghĩ có những điều mình hoàn toàn có thể làm tốt hơn ví như một nụ cười hay cái vẫy tay thân thiện của những người lao động bình thường Nhật Bản. Nhưng, để làm được những cái đó môt cách tự nhiên, không gò ép và làm ở mọi lúc, mọi nơi cũng không hề đơn giản. Nó phải được bắt nguồn từ một nền văn hóa lâu đời, có bản sắc, từ sự giáo dục và rèn rũa kỹ lưỡng ở gia đình và nhà trường... Tiếc rằng, những cái nền đó, hình như đang thiếu hoặc đang lệch chuẩn ở xã hội chúng ta. Có thể, đến năm 2020 hay 2030, nước ta sẽ trở thành 1 nước công nghiệp, GDP có thể gấp 4 gấp 5 hiện nay nhưng ai dám chắc, giá trị văn hóa và truyền thống sẽ được gìn giữ, vun đắp như thế nào để có thể duy trì được 1 cái cúi đầu chào đầy trân trọng như người Nhật vẫn làm hôm nay....
 
2
0
0

Mù Cang Chải

New Member
Trả lời: Chuyện nhặt...!

Tôi mơ một năm được vài lần viết "chuyện nhặt" như bác.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
2
0
0

Vẹo

New Member
Trả lời: Chuyện nhặt...!

2. Nói về ước mơ:

Chả hiểu thế nào mà đôi khi nằm nghĩ cứ thấy lứa những người sinh sau 1975 đến khoảng 1979 là lứa tuổi lỡ cỡ, giao thời giữa một thế hệ sinh ra, lớn lên trong thời bao cấp và một thế hệ sinh ra trong bao cấp nhưng lớn lên, vào đời khi đất nước đã mở cửa, hội nhập sâu với thế giới. Điều này có vẻ đúng trong làm ăn kinh tế. Tỷ dụ, thị trường chứng khoán VN mở ra năm 2000, lúc đó, một thế hệ sinh ra từ 1970-1975 đã tốt nghiệp ĐH xong, ra trường được vài năm và bắt đầu bập vào chứng khoán. Những năm đấy, hầu như ai chơi cũng thắng, có nhiều người tầm sinh những năm ấy mà em biết đã thắng chứng khoán, thắng trong làm ăn để bứt hẳn lên. Lộc mãi rồi cũng hết, nhất là khi những người cuối 7x bắt đầu đi làm đc vài năm, có tí tiền và bập vào chứng khoán. Còn nhớ, thị trường chứng khoán sôi sục vào cuối năm 2008, người người chơi chứng khoán, mua con gì cũng thắng. Nhưng, buồn cho những ai không nhảy sóng kịp trước tết nguyên đán 2009 vì sau tết thị trường trượt dài từ mốc khoảng 1000 điểm về đến 500-600. Trong số những người kẹp sóng và thua lỗ ấy, có nhiều người tuổi nửa cuối của 7x.
Còn thế hệ 8x, 9x thì sao? Họ sinh ra hơp thời hơn, ít phải chứng kiến những khó khăn và trực tiếp chịu tác động của chính biến ở phe XHCN những năm 1990 hay cuộc khủng hoảng kinh tài năm 1997-1999. Họ còn được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế nóng những năm 2005-2009 với những hồ hởi của dòng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư công. Ví dụ dễ so sánh là những ai học ĐH những năm từ 1994-1999 sẽ thấy là bữa cơm sinh viên 2000 đồng/suất, có xe đạp mini tàu hay phượng hoàng là oách lắm rồi, nhà có điều kiện mới có con 81,82 hay dream để đi, chuyện cắm đồng hồ, xe đạp lấy vài chục ngàn để tiêu là chuyện thường ngày ở huyện và ra trường có ít cơ hội kinh doanh hay làm trong ngành chứng khoán, tài chính, ngân hàng như thế hệ sau này. Còn những sinh viên 8x, đầu 9x, cưỡi xe máy, đeo di động, máy tính bàn có khi k thèm chấp mà phải xách tay, ipad đeo hông bằng túi Quảng Châu nhái mới oai...

Lan man quá chả thấy nói từ nào đến ước mơ cả. Ngày bé, thế hệ bao cấp - tự gọi thế, khi được hỏi lớn lên cháu làm gì, chắc sẽ có người bảo ước mơ làm kỹ sư, làm bác sỹ. Nông văn dền hơn và thực tế hơn đối với những đứa trẻ sinh ra ở quê như em thì có khi ước mơ làm công nhân, làm chú bộ đội hoặc vẻ vang hơn thì được làm cô giáo. Có lần, đâu vào năm 2004 gì đó, khi đi tham gia tình nguyện cùng 1 đội sinh viên tại 1 tỉnh miền núi phía Bắc, đêm trong căn nhà sàn ở nhờ đồng bào, các bạn ấy hát 1 bài mà em không nhớ tên (muốn tên thì search google là cũng có) đại loại có câu "Bạn tôi đang mơ, sau này xa quân ngũ, sẽ lên công trường lái máy cày". Hình tượng í giống như lời bài hát "Những chàng trai đang lái máy cày, và bao cô gái đang ngồi máy cấy...". Những ước mơ thật giản dị, gần gũi, thể hiện ước vọng tiến lên sản xuất lớn, cơ giới hóa nông nghiệp, thoát khỏi cảnh theo đít con trâu và tìm ra một nghề để "ly nông" còn có ly hương hay không thì chưa biết...

Thời của những người 8x, 9x, hỏi mơ gì chắc ước mơ cũng khác nhiều. Ước mơ học xong được đi du học, ước làm công ty nước ngoài, ước có xe đẹp nhà sang hay ước làm CEO làm sếp. Hôm rồi, xem thời sự VTV1 lúc 6h sáng, mục Gõ cửa ngày mới (mà vô duyên thật, nhạc hiệu chào cờ tập thể dục từ 5h sáng, đủ thứ chương trình chán chê, đến 7h kém 15 mới Gõ cửa ngày mới được) có phỏng vấn 1 cô bé ở HN vừa đoạt giải nhất cuộc thi Piano quốc tế HN gì đó. Khi phóng viên hỏi sau này em ước mơ làm gì. Cô bé ấy bảo em ước mơ được làm cô giáo dạy đàn... Lâu mới được nghe thấy một ước mơ trong trẻo, gắn với những gì cô bé ấy đang say mê. Tỷ dụ, nếu mình mà là cô bé ấy, khi được hỏi thế, biết đâu mình lại trả lời "Em ước mơ làm ca sỹ nổi tiếng hay làm doanh nhân để có nhà, có xe đẹp như chiếc Audi Spy S8 đang được trưng bày tại triển lãm Viietnam Motor Show 2012 tại Giảng Võ" cũng nên...

Đấy là nói về những ước mơ "khi người ta trẻ". Còn giờ, khi đã xấp xỉ bốn chục, đã làm bố làm mẹ của trẻ con, nếu có ai hỏi được ước mơ thì bạn ước gì? Lòng thật thì chắc có người mà nhà có điều kiện thì mong được làm sếp hoặc tiếp tục làm sếp, mong đổi nhà, đổi xe, mong con học trường quốc tế kiểu như BVIS ở Vincom Village 15 ngàn đô/năm. Còn em, lấy bản chất nông văn dền và AQ thì chỉ ước là không phải ước gì hết. Dưng mà điều đó chả bao giờ có bởi vì khi không phải ước gì hết có nghĩa là đã có đủ mọi thứ (option 1) hoặc chán đến mức - Chả thèm ước (option 2), hi hi!

To: Bác MCC - Vì 1 câu nói ước của bác Mù (gọi tắt của bác Mù Cang Chải) nên em hơi lan man tí... Xin lỗi bác ạ.
 
Top