Cô Tô, nơi tình yêu bắt đầu

1
0
0

vuthanhminh

New Member
beach on small coto 2.jpgbeach on small coto 3.jpgCau My.jpgHong Van Beach.jpg [h=1][/h]
CÔ TÔ, ĐẢO XA
Mất đúng 1 giờ 30 phút, kể từ lúc rời cảng Cái Rồng (thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) và dạo quanh hàng trăm đảo đá vôi trong vịnh Bái Tử Long, chiếc tàu sắt Biển Đông mới ra đến cửa biển, từ đó vượt sóng hướng tới quần đảo Cô Tô.
Gió thổi mạnh, tàu càng lúc càng chòng chành, nhiều đợt sóng bạc đầu ào ạt bổ thẳng vào mũi tàu. Ông Vũ Ngọc Thân, phó chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô, nói như muốn động viên tinh thần chúng tôi, những người miền Nam lần đầu tiên ra vùng biển đảo vịnh Bắc bộ khảo sát tiềm năng du lịch của địa phương: “Tàu đang đi qua cửa Đối, nằm giữa đảo Minh Châu - Quan Lạn và đảo Ba Mùn là khu bảo tồn thiên nhiên thuộc vườn quốc gia Bái Tử Long. Khu vực này do núi non thưa thớt, trống trải, lại tiếp giáp với đại dương nên thường xuyên chịu ảnh hưởng gió nam gây sóng to gió lớn, còn các khu vực khác đều sóng yên gió lặng như mặt hồ”.
Quả thật sóng gió yếu dần, mặt biển chuyển sang sắc xanh ngăn ngắt. Chợt ai đó reo to: “Cô Tô kìa!” khiến mọi người chồm dậy nhìn về dãy núi nhấp nhô ẩn hiện ở phía chân trời. Vậy là chúng tôi sắp sửa đặt chân lên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Thị trấn Cô Tô nhỏ bé nằm ven bờ biển thật vắng vẻ. Con đường tráng nhựa nối liền cầu cảng với trung tâm huyện lỵ ngắn ngủi, chỉ mất mươi phút đi bộ. Cô Tô chưa có khách sạn, dịch vụ du lịch, thậm chí cũng chưa có nhà hàng, điện sinh hoạt (chạy máy phát điện) chấm dứt lúc 11g đêm. Hầu hết khách ra đảo hiện nay đều nghỉ tại nhà khách ủy ban, cơ sở lưu trú duy nhất trên huyện đảo với hơn mười phòng quạt, một bếp ăn tập thể. Song Cô Tô, với tài nguyên từ rừng và biển, hứa hẹn là một điểm du lịch lớn của tương lai nếu được đầu tư đúng mức và đúng cách.

Khi đến bờ biển Hồng Vàn (ảnh 1), một bãi tắm ở phía đông bắc đảo Cô Tô, mọi người đều ồ lên. Làm nghề du lịch nhiều năm nhưng chúng tôi chưa từng thấy bãi biển nào đẹp hơn thế: những bờ cát trắng phau thoai thoải không một bóng người trải dài tít tắp, kề bên rừng nguyên sinh. Sóng nhẹ, nước trong đến độ từ bờ nhìn ra biển khoảng 50m có thể thấy những sắc màu lấp lánh của rạn san hô dưới mặt nước... Theo ông Vũ Ngọc Thân, rừng san hô Bắc Vàn phát triển rộng lớn dọc theo bãi biển với nhiều loài quí hiếm như san hô đỏ, san hô sừng, là nơi cá ngựa, cá cảnh biển quần tụ. Hiện nay khu vực này được địa phương bảo tồn rất nghiêm ngặt nên giống như viên ngọc tinh khiết chưa có tì vết.

Rời biển đảo đầy sức mê hoặc, chúng tôi đi vào rừng Cô Tô với những cánh rừng thông bạt ngàn, với sắc tím hoa sim, hoa mua nở rộ hai bên vách núi, những đàn bướm màu sắc rực rỡ như dẫn đường cho chúng tôi đến hải đăng trên đỉnh núi (ảnh 2). Giữa mênh mông gió lộng trên hải đăng, nhìn ra xa bãi biển Vàn Chảy trải rộng về phía tây, hướng đông là đảo Cô Tô “con” với rừng nguyên sinh che phủ, xa hơn một chút đảo Cá Chép, Thanh Lân, đảo Trần che chắn sóng dữ biển Đông, bảo vệ vùng vịnh Cô Tô luôn yên bình. Núi Hải Đăng cao xấp xỉ 170m so với mặt biển là ngọn núi cao nhất đảo Cô Tô, cũng là địa điểm dự kiến xây dựng trạm điện gió đầu tiên có công suất 2,5MW vào năm 2007 để chuẩn bị cho sự phát triển của ngành thủy sản và du lịch nay mai.

Sau hơn nửa giờ vượt biển bằng canô, chúng tôi đặt chân lên đảo Cô Tô “con” (ảnh 3) với những rạn san hô ven bờ và những cụm rừng đá đẹp lạ kỳ. Phía sau dãy núi đá chồm ra bờ biển, một vụng biển hình vòng cung ôm trọn bãi cát rộng trắng tinh. Men theo bờ biển, vượt qua những ghềnh đá lô nhô, chúng tôi lần lượt đi qua những bãi biển cực kỳ hoang dã, không hề có một dấu chân trên cát; cho đến bãi thứ bảy thì đành bỏ cuộc vì không còn sức đi tiếp và phải trở về thị trấn Cô Tô trước khi đêm xuống trên mặt biển. Ai nấy đều tiếc: phải chi được qua đêm trên đảo, với bữa tối là các món hải sản bên đống lửa, dưới bầu trời đầy sao và giữa tiếng sóng biển rì rào...
Có rất nhiều ý kiến đóng góp cho huyện đảo sau chuyến đi khảo sát nhằm qui hoạch và phát triển du lịch tại Cô Tô, như tăng cường quảng bá, lập trang web, đào tạo nhân sự làm du lịch...; xây dựng thị trấn Cô Tô thành một trung tâm du lịch, chú trọng khai thác các loại hình lặn biển ngắm san hô, lướt ván trên sóng biển, chèo xuồng kayak, du thám trong rừng (trekking)...
Riêng tôi chỉ mong sao những bãi biển tuyệt vời Hồng Vàn, Vàn Chảy, đảo Cô Tô “con”, những cánh rừng nguyên sinh, những khu vực bảo tồn san hô được giữ nguyên vẹn như hiện nay chỉ để tham quan, tắm biển; đừng băm vằm, xẻ thịt chúng như cách làm đã diễn ra tại Phú Quốc, Mũi Né, Vân Đồn...
Hãy trân trọng và gìn giữ Cô Tô như một viên ngọc tinh khiết.

Cô Tô là tên riêng của một hòn đảo cũng là tên chung của huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) gồm trên 40 đảo lớn nhỏ thuộc hệ thống quần đảo Cô Tô - Thanh Lân. Ngoài thị trấn Cô Tô, huyện đảo còn có hai xã Thanh Lân và Đồng Tiến. Nằm cách TP Hạ Long chừng 150km, Cô Tô có chiều dài biên giới biển (với Trung Quốc) hơn 200km, nối với vùng biển huyện đảo Bạch Long Vĩ của TP Hải Phòng trở thành hải phận vịnh Bắc bộ.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Đảo Chàng Sơn (Núi Chàng) tên Cô Tô xưa ở trong biển cả, phía đông huyện từ đảo Vân Đồn ra biển thuận gió thì đi bốn trống canh có thể đến. Có các đảo Đông Chàng, Tây Chàng, Bồ Cát bao bọc. Đảo Chàng tục gọi là đảo Hùng, thuyền đi phải hai ngày mới khắp. Bốn mặt đảo đều là vụng biển lớn, thuyền biển qua lại hay đậu ở đấy. Đảo Tây Chàng có hai hòn, phía hữu là núi Tây Chàng, phía tả là đảo Thanh Lam. Ở giữa hai đảo có con sông gọi là sông Thông Đồng. Năm Thiệu Trị thứ 3 có hai đội binh tuần hải khai xuất. Đảo này rộng rãi, ruộng đất màu mỡ lại có nhiều cá mối”.
 

Đính kèm

2
0
0

Dzdr

New Member
Trả lời: Cô Tô, nơi tình yêu bắt đầu

Bạn này giới thiệu 1 bài viết về vùng hải đảo nơi mình đã sống và làm việc tròn 5 năm. Giờ chắc đã đổi thay nhiều lắm!

Mong có lần được quay lại chốn xưa...:x:x:x
 
Top