Coi chừng mù vĩnh viễn!

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
(LĐ) Bác sĩ Phí Duy Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM - cho biết, tại các phòng khám của bệnh viện, trong số 1.000 trường hợp đến khám mỗi ngày thì ngày nào các bác sĩ cũng phát hiện và tiếp nhận bệnh nhân bị mù mắt do nhỏ thuốc tự ý mua trên thị trường.

Điều đáng nói, thuốc nhỏ mắt có thành phần corticoid chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ; tuy nhiên, các hiệu thuốc vẫn vô tư bán loại thuốc này mà không cần đơn. Hậu quả là người sử dụng bị teo dây thần kinh thị giác và biến chứng mù vĩnh viễn…


Dùng thuốc nhỏ mắt không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây mù. Ảnh: T.L

Càng nhỏ thuốc càng mù

Anh Trần Nam V - 41 tuổi, trú tại phường Tân phong, quận 7, TPHCM - sau một lần đỏ mắt đã tự ý ra tiệm thuốc tây gần nhà để mua thuốc về nhỏ và nhỏ kéo dài, để rồi kết cục là mắt mờ dần. Anh cho biết, mỗi lần dùng thuốc nhỏ vào mắt rất mát và dễ chịu, nên anh đã nhỏ thường xuyên. Tại BV Mắt, các BS sau khi kiểm tra mắt và bình thuốc mà bệnh nhân sử dụng đã khẳng định, nguyên nhân khiến mắt mờ chính là lạm dụng thuốc nhỏ mắt có thành phần corticoid.

Tương tự trường hợp trên, chị Quách Thu N - 31 tuổi, hiện đang công tác tại một Cty kiểm toán của nước ngoài tại TPHCM - cũng bị mờ mắt vì corticoid. Mới đầu, thấy mắt hay mỏi và đỏ thường xuyên nên chị nghĩ do mắt mỏi vì làm việc trên máy tính thường xuyên. Mới đầu, chị nhỏ nước muối sinh lý nhưng thấy không khỏi, nên ra hiệu thuốc ở gần nhà trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 10 để mua loại thuốc cao cấp hơn về nhỏ. Người bán đã đưa loại thuốc có thành phần corticoid mà không cần đơn của BS. Thuốc nhỏ vào rất dễ chịu, nên chị nghĩ đã đúng thuốc và dùng liên tục. Sau 20 ngày sử dụng, mắt chị bắt đầu mờ dần.

BS Phí Duy Tiến - Phó giám đốc BV Mắt TPHCM - cảnh báo: “Thuốc nhỏ mắt có corticoid nếu sử dụng cảm thấy dễ chịu, nên nhiều người nhầm tưởng là đã dùng đúng thuốc hay và sử dụng liên tục, lâu dài. Đến khi bệnh nhân thấy mắt bị mờ, đi khám mới biết bị tăng áp lực mắt từ lâu, teo dây thần kinh thị giác, dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí bị mù vĩnh viễn. Bệnh nhân bị ngứa ở mắt rất hay tự mua corticoid nhỏ mắt, do thuốc làm các biểu hiện ngứa, cộm, đỏ hết nhanh..., đến khi khám mắt, phát hiện mắt bị glôcôm thì đã rồi”.


Cảnh báo bệnh cườm nước từ thuốc nhỏ mắt

Chỉ cần mắt có vấn đề, người mua có thể ra hiệu thuốc và được giới thiệu hàng chục loại thuốc nhỏ mắt như: Dung dịch, huyền phù, mỡ hoặc cream... có giá từ 2.000 đồng – 100.000 đồng. Thuốc nhỏ mắt có nhiều loại như: Nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn thường dùng gồm kháng sinh chloramphenicol, neomycin, tetracyclin...; nhóm thuốc chống dị ứng: Diphenhydramin, chlorpheniramin, naphazolin...; nhóm thuốc corticoid (chống viêm và dị ứng): Dexamethason, hydrocortison, fluorometholon...; nhóm thuốc sát khuẩn: Naborat, boric acid, glycerin, thiomertal...; nhóm thuốc vitamin: A, C, B1, B2, B6, E...



Kiểm tra thường xuyên để phát hiện, can thiệp kịp thời các bệnh về mắt. Ảnh: V.T

Trong các thuốc nhỏ mắt kể trên, đáng chú ý nhất là 3 loại: Kháng sinh, các corticoid và các thuốc kháng histamin chống dị ứng. Thông thường, các loại thuốc này khi sử dụng phải có chỉ định của BS. Chính sự dễ mua, dùng dễ chịu nên người sử dụng đã lạm dụng loại hóa chất này, khiến mắt bị mờ do glôcôm rất lớn.

Glôcôm - dân gian hay gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước - là bệnh của dây thần kinh thị giác do áp lực trong mắt tăng cao, nếu không phát hiện và chữa trị sớm có thể gây mù. Tại VN, đây là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ hai. Nếu có vấn đề bất thường về mắt như sưng, đỏ, mờ... thì nên đến BS chuyên khoa để khám ngay. Theo BS Tiến, thuốc nhỏ mắt được sử dụng phổ biến là Dexacol và Polydexa. Các loại thuốc này có chứa kháng sinh và chống viêm nên chỉ được sử dụng trong các trường hợp bị nhiễm trùng, nhưng phải được theo dõi chặt chẽ của BS chuyên khoa.

PGS-TS Nguyễn Hữu Đức - giảng viên ĐH Y - Dược TPHCM - cho biết: “Thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid vốn là thuốc điều trị rất hiệu quả. Nhưng việc sử dụng tùy tiện các loại thuốc này trong một thời gian dài, trước hết sẽ gây kháng thuốc, sau đó là đục thủy tinh thể, gây bệnh cườm nước... Nếu mắt bình thường, không việc gì thì không nên dùng thuốc nhỏ mắt (bất cứ loại thuốc nào).

Võ Tuấn
 
Top