Con cái chúng ta không chỉ cần học giỏi

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Con gái tôi vốn rất ngoan ngoãn, thông minh. Từ lớp 1 đến lớp 12, lúc nào cháu cũng đạt học sinh xuất sắc. Vợ chồng tôi luôn tự hào và càng chăm sóc, bao bọc con kỹ càng hơn.

Khi cháu lên cấp 3, tôi vẫn không cho cháu làm bất cứ việc gì. Cháu chỉ biết mỗi việc học, ăn rồi ngủ. Ngay cả khi cháu thi đỗ vào lớp chuyên Anh, trường Quốc học Huế, tôi cũng không cho đi vì thương con phải tự lập quá sớm. Tôi nghĩ đơn giản, sau này lớn lên, ra đời, con khắc lớn khôn. Khi con đỗ vào Đại học Ngoại thương, tôi vừa mừng lại vừa thương vì con gái bắt buộc phải sống xa gia đình.

Ngày đưa con nhập học, tôi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho con, đích thân đưa con đi. Sắp xếp mọi việc đâu vào đấy, tôi mới trở về quê nhưng trong lòng lúc nào cũng phấp phỏng, lo lắng, không biết con gái sẽ sống như thế nào? Linh cảm, sự lo lắng của người mẹ của tôi không sai chút nào. Con gái tôi giống như một con gà công nghiệp, ngơ ngơ, ngác ngác đến tội nghiệp. Cháu không dễ dàng thích nghi với cuộc sống tự lập. Không thể tự mình làm bất cứ việc gì, kể cả thức dậy đúng giờ. Mặc dù sáng nào từ Quảng Trị, tôi cũng điện thoại đánh thức. Nhưng vốn quen ở nhà, chỉ có người trực tiếp lên gọi, cháu mới tỉnh, còn chuông đồng hồ thì chẳng khác gì đàn gảy tai trâu. Ngay cả hôm đi thi, tôi đã gọi cả trăm cuộc nhưng bất lực. Cuối cùng, tôi phải điện nhờ bác chủ nhà trọ lên đánh thức hộ, cháu mới tỉnh giấc và vội vàng chạy đến trường thi. Tất nhiên là kết quả không như ý muốn. Cháu rất buồn và thất vọng về bản thân. Còn tôi thì lo lắng, bất an. Cuối cùng, tôi quyết định phải quay ra Hà Nội thêm lần nữa.

Nhìn con không chịu lớn, cứ giữ y như nếp sống ở nhà, làm gì cũng chậm chạp, thụ động, không làm chủ được thời gian, tôi giận con thì ít mà thương con thì nhiều. Tôi biết mình mới là người có lỗi. Tôi đã không tập cho con những thói quen, kỹ năng sống cần thiết. Ôm con mà nước mắt cứ chảy tràn: Mẹ xin lỗi con. Cháu cũng khóc nức nở: Mẹ ơi, những điều mẹ nói đều rất đúng nhưng để làm được thì cần phải có thời gian, nhất định con sẽ thay đổi. Mẹ hãy yên tâm về con. Con hứa với mẹ.

Thương con và tự giận mình, dù ở xa con, tôi vẫn nghĩ cách để sửa sai khi còn chưa quá muộn. Qua những lần điện thoại, lắng nghe con kể chuyện, tôi vừa động viên, vừa nghiêm khắc, hướng dẫn cho con những việc cần phải làm, phải học. Bắt đầu từ việc suy nghĩ, làm chủ bản thân, làm chủ thời gian. Trước một sự việc phải biết cách quan sát và nắm bắt nhanh nhạy như thế nào. Ngoài giờ học, tôi khuyến khích cháu tham gia vui chơi, hòa đồng với mọi người, chứ không nên ngồi mãi trước máy tính. Muốn làm việc gì, phải có kế hoạch cụ thể, cái gì nên làm trước, cái gì làm sau, đã vạch ra là phải quyết tâm thực hiện, không dựa dẫm, ỷ lại, thụ động như khi ở với mẹ.

Có lẽ vì thương mẹ và nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi, con tôi hạ quyết tâm. Cháu tập ngủ sớm, dậy sớm và dần dần không đi học muộn nữa. Cháu cũng học cách đi chợ, nấu nướng. Dù còn vụng về, đơn giản nhưng đã khá hơn nhiều so với ở nhà. Ngoài ra, con gái tôi còn tham gia câu lạc bộ “nguồn nhân lực” của trường Đại học Ngoại thương và hoạt động rất tích cực, năng nổ. Sau gần một năm sống tự lập, trải qua bao bỡ ngỡ, thất bại ban đầu, cùng với sự nỗ lực của hai mẹ con, con gái tôi đã hòa nhập, thay đổi, lớn khôn lên rất nhiều. Tôi đã không còn điện thoại đánh thức con vào mỗi sáng. Không lo lắng, bồn chồn, lo âu, khắc khoải, day dứt mỗi khi nghĩ về con. Nghe tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên và giọng nói lúc nào cũng lưu loát, đầy tự tin của con, tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Viết lại những sai lầm của mình trong cách nuôi dạy con, hy vọng các bà mẹ sẽ không giống tôi...

http://ttvn.vn/12152012212952609p1008c1034/con-cai-chung-ta-khong-chi-can-hoc-gioi.htm


 
Top