Con chữ mùa lũ ở Trà Vân

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
[h=1]Con chữ mùa lũ ở Trà Vân[/h] (VOV) - Dù còn muôn vàn khó khăn, các thầy cô nơi đây hàng ngày vẫn đem hết tâm sức của mình mang con chữ đến nơi đại ngàn còn thiếu thốn này.
Tại những điểm trường nơi núi rừng Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), mùa mưa bão này, không ít thầy cô giáo đã và đang đối diện với sự thiếu ăn, thiếu mặc và những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Vượt lên những khó khăn đó, các thấy cô vẫn nhẫn nại vượt đường rừng khúc khuỷu, miệt mài với học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ bằng tất cả tâm lực của mình đem con chữ đến nơi đại ngàn còn lắm bộn bề lo toan và thiếu thốn này.

Đường vào nóc Ông Ruộng​
Chặng đường nửa ngày đi trong mưa lũ, vắt rừng
Sau những trận mưa to và sạt lở đất lớn trên địa bàn huyện Nam Trà My, con đường lên xã Trà Vân càng khó khăn hơn. Cuối cùng tôi cũng vào được đến trung tâm xã đúng 12h trưa, khi cái mệt và cái đói đã kéo nhau đến. Từ trường cấp I xã Trà Vân, 2 giáo viên trẻ của điểm trường nóc Ông Ruộng, thôn 3 với hành trang trên vai và cả trên lưng chuẩn bị trở vào nóc. Tôi vội vàng xin đi theo mặc dù thầy giáo Trương Văn Mỹ (1 trong 2 giáo viên ấy) đã không dưới 3 lần ái ngại nhìn tôi và khuyên nên nghỉ lại ở trung tâm xã. Xốc ba lô lên vai để lấy quyết tâm, cuộc hành trình sâu vào trong đại ngàn xã Trà Vân bắt đầu.
Thú thực, tôi cũng là người hay đi rừng, nhưng lần này là một thử thách không nhỏ. Đầu tiên là đi bộ trong mưa trên đoạn đất đỏ lầy lội hơn 10 cây số. Đó là một đoạn của tuyến đường nối các xã Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh với nhau. Nhưng khó khăn nhất là đoạn băng rừng. Những con dốc trơn và lầy lội cứ nối tiếp nhau chạy dần lên đỉnh núi.
Thầy Mỹ vừa đi lại vừa phải nhìn “vị khách không mời” là tôi xem có trụ vững hay đã rớt lại phía sau. Mười đầu ngón chân phải bám một cách rất nỗ lực vào mặt đất, vào những gờ đá sao cho khỏi trượt. Giữa con dốc núi đầy đá lởm chởm, một bên là vực sâu, trượt chân coi như đi tong. Chỗ nào có cây rừng, dây rừng thì vịn vào cây rừng, dây rừng. Chỗ nào có đá tảng thì vịn vào đá tảng.
Cũng như trong các cuộc đi rừng khác, “bạn đồng hành” của chúng tôi luôn là những chú vắt lá. Đi chưa tới 1 cây số đường rừng, dốc núi, thầy Mỹ dừng lại, kéo áo mưa lên xem thì đã gần chục chú vắt vừa hút no máu. Tôi vội kiểm tra lại mình và mừng vì mới chỉ có 2 chú vắt nhỏ như cái tăm bám vào chân. Có lẽ các chú vắt nơi đây chỉ quen với mùi của những người hay qua lại con đường này. Bật cười và nói với 2 thầy cô đi cùng điều vừa nghĩ, tôi nhận lại được sự ngạc nhiên. Sao vắt biết phân biệt được mùi người lạ hay người quen? Câu chuyện từ đó lại càng rôm rả hơn.

Cầu treo chênh vênh qua suối​
Dốc thì leo được, cùng lắm chỗ nào khó quá người trước đỡ người sau một chút. Vắt thì bắt bỏ ra là xong. Nguy hiểm nhất là qua những chiếc cầu treo đã xuống cấp trầm trọng. Cuộc hành trình của chúng tôi phải qua 2 cây cầu treo như thế.
Suối mùa này nước dâng cao, dưới lòng sâu là đá nhọn lởm chởm. Cầu treo chỉ làm tạm do đồng bào Ca Dong góp sức từ những vật dụng tận thu của núi rừng và của gia đình mình. Hai thầy cô giáo cũng đã khá quen với cách đi như xiếc này, nhưng vẫn chầm chậm từng bước một, hai tay bám chặt và dây cầu. Tôi cũng đánh liều vì giờ quay về một mình cũng chán, ở lại chỗ này thì tối ngủ đâu, ăn đâu? Vậy là đánh liều từ từ đi qua, mắt không dám nhìn xuống chân, giữa tiếng động viên không ngớt của thầy Mỹ. Cuối cùng cũng qua được với tiếng thở phào nhẹ nhõm.
Đến cuộc sống của thầy cô điểm trường nóc Ông Ruộng
Khoảng 18h, chúng tôi đến với điểm trường nóc Ông Ruộng, thôn 3 xã Trà Vân. Ngôi trường cấp I nơi đây tuy còn sơ sài nhưng so với nhiều điểm trường tôi đã tới trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Nam thì còn may mắn hơn nhiều. Ít nhất là mưa to gió lớn đến đâu cũng không sợ dột, không sợ sập trường đổ lớp, Điểm trường này có 4 thầy, cô nhưng 2 người chưa vượt suối lên được phải ở lại qua đêm ở một nóc cách nơi đây khoảng 2 giờ đi bộ. Vậy là 3 người chúng tôi bắt đầu rửa ráy, dọn dẹp hành trang gọn gàng để chuẩn bị cho bữa ăn tối.
Đêm Trà Vân, mưa như trút nước xuống mái trường. Tôi được ưu tiên cho riêng 1 chiếc giường lớn của phòng dành cho giáo viên. Trong câu chuyện giữa mưa rừng, gió núi tôi được biết, 2 thầy cô giáo trẻ mà tôi vừa đồng hành (thầy Mỹ và cô Ánh) đã cùng đến với nơi này, gặp nhau, yêu nhau, cùng dạy dỗ những em học sinh nơi đây. Họ định sẽ cưới nhau vào một ngày không xa.

Cô Ánh soạn giáo án dưới ngọn đèn dầu​
Trời dần sáng, ngày học mới của 74 học sinh cấp I xã Trà Vân của điểm trường nóc Ông Ruộng bắt đầu. Cả 4 thầy cô đều lên lớp đúng giờ. Tiếng đọc bài của những đứa trẻ người Ca Dong vang lên giữa núi rừng khiến ai lần đầu tiên đến đây đều cảm thấy một niềm vui đến lạ. Dù cuộc sống nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thời tiết mùa này lại rất khó cho việc qua suối, đi rừng nhưng hầu hết các em ở gần trường đều lên lớp. Em nào lớn thì rủ nhau đi. Em nào nhỏ thì ba mẹ dẫn đi. Cả thầy và trò đều miệt mài cho những con chữ được nảy mầm, vươn cây trên vùng đại ngàn này.
Thầy Nguyễn Trãi - một giáo viên đã có hơn 10 năm gắn bó với các em học sinh người Ca Dong ở xã Trà Vân, riêng ở nóc này là 6 năm, chia sẻ: “Giờ chúng tôi coi nơi đây như nhà mình, các em như con cháu mình. Thậm chí có em đói thì chúng tôi cho ăn, thiếu mặc chúng tôi tìm thêm quần áo từ dưới xuôi lên. Nhìn các em vẫn còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn so với bạn bè cùng trang lứa miền xuôi, chúng tôi thương lắm. Chỉ biết làm hết sức mình để giúp các em”.
Một ngày ở nóc Ông Ruộng qua rất nhanh. Mưa lớn lại tiếp tục đổ xuống. Thông báo từ dưới xuôi lên cho biết, đường về đã sạt lở nhiều đoạn không thể đi được, đành ở lại chờ đợi. Ngày thứ 3, lương thực đã cạn, 5 người nhìn nhau. Giờ chỉ còn cách là đi vào trong nóc xin thức ăn và mượn gạo.
Nói thức ăn cho oai chứ thực ra chỉ là mấy trái bí, mấy mụt măng rừng và vài củ sắn bà con mới lấy trên nương về. Đồng bào Ca Dong nơi đây cũng rất cơ cực, cái ăn cũng thiếu trước, hụt sau, lấy đâu để cho chúng tôi nhiều. Vậy là phải ăn uống một cách hết sức “tiết kiệm”. Cô Ánh bảo: “Mùa ni thiếu ăn ở đây là chuyện thường anh ạ! Nhiều lúc phải ăn sắn và măng rừng thay cơm, lâu dần rồi cũng quen đi!”.

Giờ ra chơi của các em học sinh người Ca Dong
Dù còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, 4 thầy cô ở nóc Ông Ruộng dù ở lâu như thầy Trãi, hay vừa lên hơn 1 năm như thầy Mỹ và cô Ánh đều chung một tấm lòng, một mong ước đưa con chữ để cuộc sống người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Cũng như bao thầy cô khác ở những miền rừng núi Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, họ đã làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn bằng sự hy sinh thầm lặng./.
Nguyễn Thành Giang
 
6,216
0
36

susu1811

Active Member
Ðề: Con chữ mùa lũ ở Trà Vân

Lên kế hoạch cho năm sau đi chị nhé, nếu cần khảo sát hú em với nghe
 
6,216
0
36

susu1811

Active Member
Ðề: Con chữ mùa lũ ở Trà Vân

Heo hút Trà Vân
Nằm ở thung lũng quanh năm quạnh quẽ bóng người và lãng đãng mây mù, xã Trà Vân (Nam Trà My) nép mình bên dãy Trường Sơn, lè tè những nóc nhà, cuộc sống người dân quá tách biệt. Trong vô vàn gian khổ ấy, có câu chuyện “gieo chữ” của các giáo viên trẻ tình nguyện dưới xuôi lên… Heo hút
Mưa nặng hạt trắng xóa trên các nóc nhà vùng cao. Đi rừng vào cuối thu thật khủng khiếp, không phải do đường lầy lội mà là lũ vắt rừng luôn tìm cách bu bám, hút no máu người. Anh bạn đồng nghiệp công tác ở Đài Truyền thanh phát lại truyền hình huyện Nam Trà My, bàn chân tươm máu do sơ ý va vào ngầm đá lúc lội suối. Từng đi lên nhiều rẻo cao, đặt chân đến “cổng trời” Ngọc Linh nhưng phóng viên trẻ này cũng lắc đầu chào thua: “Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi theo đoàn kiểm tra của tỉnh lên công tác, xuất phát từ ranh giới huyện Nam Trà My”.



Trên bản đồ hành chính, xã Trà Vân là dấu chấm mờ, giáp với huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), được ngăn cách bởi dòng sông Bua. Dân tứ xứ vào khai thác vàng, gỗ lậu thường “chọn” hướng đi từ ranh giới phía tỉnh bạn, rồi tiến sâu vào sông Bua. Đồng bào dân tộc thiểu số các nóc ông Ný, ông Ruộng, ông Hùng, ông Thanh (thôn 3), hoặc các nóc ông Cường, ông Dũ, ông Liêm (thôn 1) hiếm khi cắt rừng về thị trấn Tắk Pỏ để mua hàng hóa, thực phẩm. Họ sống co cụm, sản xuất tự cung tự cấp là chính, chủ yếu dựa vào các thửa ruộng bồi ven sông, chăn nuôi và săn bắn…
Cách đây hơn 5 năm, khi con đường đất đỏ từ thị trấn Tắk Pỏ lên trung tâm xã Trà Vân chưa mở, các nóc trên địa bàn như vùng biệt lập sót lại trong rừng, hiếm thấy cán bộ tỉnh, huyện về. Đơn giản chỉ vì tính riêng từ nóc ông Ruộng (thôn 3, xã Trà Vân) đến Tắk Pỏ mất hơn một ngày đêm lội rừng, nếu thời tiết tốt. Ít có người bên ngoài giao lưu, không có điện sinh hoạt, mọi thông tin liên lạc hầu như “ngoài vùng phủ sóng”, cuộc sống của phần lớn đồng bào Xê Đăng dưới đỉnh núi Trà Vân cứ quẩn quanh trong thiếu thốn.



Tôi theo đoàn công tác của tỉnh, lặng lẽ đi dưới tán rừng âm u. Đi hết nóc này đến nóc khác, leo lên các đỉnh núi cao, chân nặng cứ như… đeo chì. Hơn 3 giờ đồng hồ liền cuốc bộ, khát nước, vã mồ hôi, chúng tôi mới chạm đến ngôi trường tiểu học đầu tiên và duy nhất trên cuộc hành trình xuyên rừng. Trường nằm trên thảm cỏ xanh mượt, bốn bề bao bọc bởi dãy rừng già. Cánh học trò nghèo ngơ ngác nhìn người lạ. Bên trong lớp học, chẳng thấy em nào mặc áo quần tươm tất, sạch sẽ. Ở nơi đại ngàn vời xa này, có lẽ chuyện đến được trường học với các em đã là quý lắm rồi.
Chông chênh gieo chữ Bốn thầy, cô giáo của trường Tiểu học Trà Vân (tại nóc ông Ruộng – thôn 3) nhiều năm nay không chỉ dạy con chữ cho học trò nghèo Xê Đăng. Họ còn giống như những người cha, người mẹ của bọn trẻ. Gặp lúc mưa lũ dâng cao, thầy cô phải giữ các em ở lại trường, lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Cô giáo Kim Ánh, quê Trà Dương (Bắc Trà My), lên công tác 2 năm nay. Rời giảng đường, Ánh xung phong tình nguyện lên rừng. “Ngày đầu lên công tác, có lúc cô đơn quá, em thoáng nghĩ phải bỏ dạy giữa chừng thôi, anh ạ! Nhưng bây giờ, cứ thấy tụi nhỏ thật đáng thương mà không nỡ rời xa” – cô giáo Ánh thổ lộ.



Các thầy cô ở đây bảo, mỗi lần lên vùng cao dạy họ phải lo gùi theo hàng chục ký gạo, mì tôm để dự trữ. Trước đây, phụ huynh học sinh tự giác mang gạo, thực phẩm đến trường. Tuy nhiên, bây giờ “phong trào” ấy không còn. Ngoài giờ dạy, giáo viên phải lặn lội vào rừng kiếm rau xanh và xuống suối bắt cá cải thiện bữa ăn qua ngày. “Nhiều nhà nghèo thiếu gạo ăn, không sắm nổi cho con một bộ đồ mới thì lấy đâu để giúp đỡ giáo viên” – lời cô giáo Ánh. Để các thầy cô có thể đùm bọc nhau lúc khó khăn, Phòng Giáo dục huyện Nam Trà My linh hoạt bố trí điểm trường này 4 thầy, cô giáo (2 nam, 2 nữ). Ngoài thầy Nguyễn Trãi hơn 20 năm giảng dạy, còn lại đều rất trẻ. Đang phụ giúp cô Ánh chuẩn bị bữa ăn trưa, thầy Trương Văn Mỹ (quê Tam Lãnh, Phú Ninh) không biết thật hay đùa mà buột miệng: “Không chừng sang năm tụi em tổ chức đám cưới đấy!”.
Điểm trường Tiểu học Trà Vân có tổng cộng 64 học sinh (kể cả bậc mầm non). Trong đó, lớp 1 chỉ 8 học sinh, lớp 3 có 5 em nên phải dạy ghép. Trường cũng là nhà để giáo viên nghỉ ngơi, sinh hoạt. Mọi thứ thiếu thốn đủ bề. Các cô giáo trẻ tay yếu chân mềm dựa dẫm vào sự giúp đỡ của các thầy trong những việc nặng nhọc như gùi lương thực, thực phẩm, hay lên rừng kiếm rau xanh. Bù lại, các cô đảm đang lo việc bếp núc, giặt giũ áo quần. Họ nương tựa nhau để thực hiện sứ mệnh “gieo” chữ. Ông Nguyễn Trường Sinh – Trưởng phòng Giáo dục huyện Nam Trà My nói: “Chúng tôi đặc biệt ưu tiên bố trí những cặp vợ chồng, nam nữ yêu đương đứng chung điểm trường, một phần giúp các thầy cô an tâm công tác lâu dài. Ở xã Trà Vân, vì thiếu phòng học nên tập trung học sinh về cụm trường xã càng thêm khó khăn”. Những năm gần đây, Nhà nước đầu tư nhiều cho huyện nghèo Nam Trà My, một trong những huyện nghèo nhất nước. Cụ thể, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh hỗ trợ 100 nghìn đồng/tháng, trung ương hỗ trợ 140 nghìn đồng/tháng; ngoài ra còn nhận 70 nghìn đồng/năm đối với khoản văn phòng phẩm và được hỗ trợ gạo, muối hằng tháng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này xem ra không thấm vào đâu so với vùng đặc biệt khó khăn như Trà Vân.



Cũng theo ông Nguyễn Trường Sinh, con đường “gieo chữ” ở các vùng xa xôi của huyện lắm gian nan, nhất là các thầy cô phải làm việc, đi lại trong điều kiện thiên nhiên và thời tiết khắc nghiệt. Nguy cơ tiềm ẩn tai nạn vẫn treo lơ lửng khi họ vượt suối băng rừng dạy học vào mùa mưa bão. “Tám năm qua, xứ sở sâm nổi tiếng này đã có 13 thầy cô giáo vĩnh viễn nằm lại núi rừng do tai nạn, sức khỏe không chống chọi với bệnh tật” - thầy Sinh xót xa nói.
Có đến được các bản làng heo hút nhất ở vùng đất Trà Vân mới cảm nhận được những hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo. Xuống núi vào buổi chiều, khi sấm sét liên tục chớp giật, mưa nặng hạt dần. Ngoảnh nhìn về phía núi xa, mây mù giăng kín cả đỉnh Trà Vân, chợt thấy những bản làng Xê Đăng và những thầy cô giáo cách biệt vô cùng với bên ngoài…
TRẦN HỮU PHÚC
 
6,216
0
36

susu1811

Active Member
Ðề: Con chữ mùa lũ ở Trà Vân

em liên hệ được trợ giúp khảo sát, thông tin báo trước 1 tuần để xếp lịch hi.hi , khi nào cả nhà có động lực thì triển khai nghe chị LG :)
 
Top