Còng lưng gánh 1.001 loại phí tự nguyện đầu năm

5,622
9
38

metyruoi

Active Member
Trong số đó có khá nhiều khoản thu vô lý, biến tướng dưới hình thức tự nguyện. Các bậc phụ huynh học sinh biết, những vẫn phải "ngậm bồ hòn, làm ngọt".

Đầu năm học, phí chồng phí...

Tại các trường ở Hà Nội, nếu là học sinh trái tuyến xin học vào trường đều phải nộp một khoản tự nguyện xã hội hóa giáo dục. Mức "tự nguyện" này sẽ phụ thuộc vào danh tiếng của từng trường.

Qua tìm hiểu tại một số trường như Tiểu học Nam Thành Công, Kim Liên, Phương Mai, Trung Tự, Mầm non Kim Liên, Đống Đa..., trước khi HS trái tuyến làm thủ tục nhập học, phụ huynh được Ban tuyển sinh đưa ra một danh sách yêu cầu ký và ghi khoản tiền tự nguyện đóng góp.

Chú Nguyễn Thành Công, có con học mầm non cho biết, ngay khi đến làm thủ tục nhập học cho con, anh phải "tự nguyện" đóng 1,5 triệu đồng (do con chú học trái tuyến): "Đã phải tốn 900USD chạy trường rồi, mà lúc làm thủ tục giấy tờ để nhập học, Ban tuyển sinh thu đồng thời cả khoản "tự nguyện". Nói là tự nguyện, nhưng khoản này được ấn định cụ thể với số tiền 1,5 triệu đồng/học sinh. Tôi cũng thắc mắc, nhưng xung quanh người ta đều nộp thế, mình cũng nộp cho con đỡ bị trù dập”.


Các khoản thu đầu năm của một trường học tại Cầu Giấy, Hà Nội

Lần đầu tiên đi họp cho cô con gái chuẩn bị vào lớp 1, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, cô Nguyễn Ngọc Minh (Ba Đình, Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng khi ngay lập tức đã phải nộp gần 3 triệu đồng với hơn chục loại phí bao gồm phí bán trú, ăn trưa, tiền khăn ướt, sách giáo khoa, đồng phục, trang thiết bị trường học... Nặng gánh nhất trong số những khoản thu là tiền mua máy điều hòa, máy chiếu. Cô cho biết: “Vừa vào cuộc họp, chúng tôi được cô giáo chủ nhiệm phát cho một tờ phiếu lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về việc trang bị máy chiếu, máy điều hòa... Toàn bộ số tiền lắp đặt trang thiết bị cho năm lớp 1 sẽ được chia đều theo đầu học sinh và mỗi em phải đóng 900.000đồng”.

Còn cô Hạnh (huyện Thanh Trì) có con vào học lớp 10, trường THPT Việt Nam - Ba Lan cho biết: "Trong buổi họp phụ huynh đầu năm vào ngày 26/8 vừa qua, tôi phát "hoảng" khi tính các khoản phải đóng lên đến gần hai mươi mục, trong đó, quỹ hoạt động thanh niên 50.000 đồng/học sinh; mua ghế nhựa 50.000 đồng/học sinh/3 năm;... Tổng số tiền phải đóng là 1,4 triệu đồng, không nhỏ so với thu nhập của gia đình tôi". Cũng có khá nhiều phụ huynh bức xúc như chị Hạnh, song vì sợ ảnh hưởng tới quá trình học tập của con nên đành lặng lẽ chấp nhận.

Phớt lờ quy định


Để tránh tình trạng các trường tự đề ra những khoản thu vô lý núp dưới danh nghĩa "tự nguyện", Sở GD-ĐT và Sở Tài chính Hà Nội đang xây dựng danh mục và mức trần các khoản thu khác trong nhà trường.

Và đến 2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó quy định rất cụ thể những việc mà tổ chức này không được phép làm, như: Không được quyên góp của người học hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Không dùng kinh phí hoạt động để chi cho các khoản bảo vệ cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của trường...

Tuy nhiên, việc thu phí tại các trường đang được tiến hành... ngược, thay vì đề xuất, thảo luận từ từng cá nhân phụ huynh thì các khoản thu này lại được đưa ra hoặc “gợi ý” từ phía nhà trường. Nhiều trường vẫn phớt lờ các quy định này, thản nhiên "kê" hàng loạt khoản thu, và phụ huynh vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Những khoản phí không được phép thu đều được các trường khéo léo lách đưa vào danh sách tự nguyện và đùn đẩy trách nhiệm sang Ban đại diện cha mẹ học sinh, ép các phụ huynh khác phải đóng.

Đến bao giờ "Mỗi ngày đi học là một ngày vui"?

Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC của Bộ GD-ĐT về việc quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở quy định rõ: “Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh kế hoạch công việc và dự trù kinh phí“, nhưng hầu hết các trường đều phổ biến tức thì và thu tiền... tức khắc!

Liên quan đến vấn đề lạm thu trong trường học gây bức xúc dư luận, ông Trần Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã khẳng định, sẽ yêu cầu phòng GD-ĐT các quận, huyện kiểm tra các nơi đã tổ chức việc thu góp.

“Tôi không hiểu vì sao nhiều trường lại phải vận động phụ huynh đóng góp để đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục. Về cơ bản, ngân sách thành phố đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các trường” - ông Độ nói.

Nguồn : kenh14 - PLXH
 
Top