ALnML
Super Moderator
Dạy kỹ năng sống: Tránh biến trẻ thành người thủ đoạn
Trẻ chăm chú nghe câu đố trong một tình huống cần sử dụng kỹ năng. (Ảnh: Thiên Linh/ Vietnam+)
Xã hội càng phát triển đòi hỏi con người phải năng động và hoàn thiện bản thân với những kỹ năng nhất định. Do đó, nhiều gia đình đã gửi gắm con em mình vào các lớp học kỹ năng sống. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần tỉnh táo để tránh những nơi dạy kỹ năng chộp giật có thể biến con mình thành người thủ đoạn.
Khám phá bản thân nhờ được học kỹ năng
Mặc dù các lớp dạy kỹ năng cho trẻ mỗi khóa chỉ có khoảng mười buổi, thế nhưng khi được hỏi, đa số phụ huynh và các em đã khẳng định trẻ được học kỹ năng đều có chuyển biến tích cực.
Nhờ được học kỹ năng mà nhiều em đã khám phá ra những năng lực tiềm ẩn trong bản thân mình. Năng lực đó không chỉ thuộc về trí tuệ, năng khiếu, bản lĩnh mà còn có cả năng lực yêu thương… Như trường hợp của em Dương Thu Ninh, trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi, Hà Nội là một ví dụ.
Ninh cho biết, trước kia em nhút nhát, không dám nói chuyện khi có nhiều người nhưng sau khóa học về kỹ năng sống em đã tự tin đứng thuyết trình trước đám đông.
Cùng với sự tự tin, sau khóa học nhiều em đã biết chia sẻ yêu thương, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn cũng như tự giác giúp đỡ cha mẹ những việc trong khả năng của mình.
Sau chuyến đi thăm trại trẻ mồ côi trong chương trình học kỹ năng cuộc sống, em Nguyễn Vũ Linh, lớp 6 trường Trung học cơ sở Thành Công, Hà Nội đã đặt kế hoạch dành dụm tiền ăn sáng của mình để giúp cho các bạn ở trại trẻ mồ côi. Không chỉ vậy, Linh còn cảm nhận được niềm hạnh phúc được có cả cha lẫn mẹ của mình.
“Em sẽ chăm ngoan, học giỏi và không đòi hỏi ba mẹ thứ này thứ kia nữa,” Linh nói.
Hay em Kỳ Anh, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Kim Liên, Hà Nội cho biết, trước khi học kỹ năng em mới chỉ biết việc rửa bát vì đó là việc mẹ giao nhưng sau khi được học lớp kỹ năng em biết giúp mẹ thêm những việc nhỏ khác trong gia đình như nấu cơm, lau nhà, giặt quần áo… Hơn thế, Kỳ Anh làm những việc đó hoàn toàn trên ý thức tự nguyện bởi em đã ý thức được trách nhiệm của mình, điều mà trước kia em cho là vô lý.
Không chỉ các em mà ngay cả những bậc phụ huynh cũng thừa nhận con mình có sự chuyển biến tích cực sau khi được học về kỹ năng sống.
Chị Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Kim Liên, Hà Nội có con trai vừa tham gia lớp học kỹ năng “Thành công đột phá” của Trung tâm tư vấn, đào tạo Felix đã tỏ ra hài lòng với sự tiến bộ của con.
Chị cho biết, Huy, con trai chị nắm bắt khá nhanh những kỹ năng do thầy cô truyền dạy. Tám buổi học ở trung tâm đã tạo đà cho Huy bật lên hoàn thiện bản thân mình. Em trở thành người dẫn chương trình hóm hỉnh và là thành viên nhiệt tình trong nhóm nhảy của trung tâm.
“Sau khi được học kỹ năng sống Huy sống tự giác, tự tin và cởi mở hơn nhiều,” chị Hằng nhận xét về con trai mình.
Đứng từ góc độ đào tạo, bà Nguyễn Thị Giang, Giám đốc Trung tâm tư vấn, đào tạo Felix cho biết, ở lớp học kỹ năng, trẻ được học khai phá sức mạnh bản thân, học phát triển tư duy cảm xúc, phương pháp học tập đỉnh cao và tự lập, rèn luyện bản lĩnh, ý chí, kỹ năng sống sót trong những tình huống khó khăn cũng như ý thức bảo vệ cộng đồng… Nhờ vậy, các em được hoàn thiện bản thân mình hơn.
Học kỹ năng cũng cần tỉnh táo
Theo ông Đặng Trần Tính, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, những lớp dạy kỹ năng sống thu được kết quả tích cực như giúp trẻ tự tin, dám chịu trách nhiệm, sống vị tha và yêu thương những người xung quanh… là bởi ở đó họ đã lồng ghép dạy giá trị sống vào trong dạy kỹ năng sống.
Ông đã ví, dạy giá trị sống cho trẻ là dạy cái gốc, và dạy kỹ năng sống là dạy cái ngọn. Bởi vậy, các bậc phụ huynh nên kết hợp cho con học giá trị sống và kỹ năng sống để con họ được hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, ông Tính cũng đưa ra lời cảnh báo tới các bậc phụ huynh rằng, nếu chỉ chăm chăm cho con đi học kỹ năng một cách chộp giật mà quên dạy con về giá trị sống thì có thể sẽ biễn chúng thành những kẻ thủ đoạn.
Bởi vậy ông đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ khi chọn trung tâm dạy kỹ năng sống cho con mình cần phải tỉnh táo tìm những trung tâm dạy kỹ năng trên cơ sở dạy giá trị sống.
Theo ông Tính, các phụ huynh có thể nhận thấy những nơi như vậy ngay từ dấu hiệu đầu tiên là giáo viên có cách nói dịu dàng, sâu sắc và đi vào lòng người.
“Nếu cha mẹ đưa con mình đến nơi dạy kỹ năng một cách xô bồ, chộp giật, lý thuyết thì họ chỉ đào tạo được những ông cụ non và kẻ thủ đoạn,” ông Tính nói./.
Thiên Linh (Vietnam+)
http://www.vietnamplus.vn/Home/Day-k...7/97262.vnplus