Dạy trẻ bướng bỉnh

492
0
0

sweetlily

New Member


Không có gì tức giận cho bằng khi cha mẹ phải chứng kiến cảnh đứa con cứ ngang bướng muốn làm ngược lại lời dạy dỗ của cha mẹ. Chỉ có việc đội mũ đi học vào buổi trưa, mặc cái áo màu trắng này chứ không phải cái kia… Thế mà nó cứ cố cãi lời cho bằng được hoặc đứng lì mặt ra.


- Tùy theo độ tuổi mà sự chống đối của trẻ mang tính tiêu cực hoặc tích cực. Khi trẻ lên bốn năm tuổi, biểu hiện rõ rệt nhất là sự lì lợm cứng đầu, cãi lời cha mẹ… Đến tuổi lớn hơn, trẻ lại nảy sinh nhiều hình thức phản ứng mạnh mẽ như bỏ nhà đi, đến nhà bạn ở tạm, có khi đi “bụi” suốt mấy ngày để thoát ly khuôn khổ gia đình… Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho biết, thái độ ngang bướng ở trẻ em chỉ là hiện tượng tự nhiên của con người một khi muốn tự rèn luyện ý chí tự lập và thể hiện cá tính, cũng như muốn thoát ra khỏi cuộc sống độc lập. Do vậy, khi cha mẹ gặp phải tình huống cũng đừng quá bực mình mà chỉ cần thực hiện những phương thức khéo léo để uốn nắn trẻ.

* Tuyệt đối không dùng bạo lực!
- Một ông bố nghiêm giọng nói với con trai: “Con vừa khỏi bệnh xong, tan học là về nhà ngay chứ không được tụ tập đá bóng nữa đấy”. Đứa con vừa tròn chín tuổi không trả lời, nó chỉ cúi đầu nhìn xuống đất ra ý không bằng lòng. Có thể vì nó cảm thấy nuối tiếc vì lỡ mất trận bóng chiều nay trong khi mấy đứa bạn cùng lớp vẫn có mặt đông đủ, hoặc nó hơi buồn vì câu nói sẵng giọng của bố nó. Không chịu được vẻ mặt của con, ông bố nổi giận quát lên rồi tát ngay vào mặt nó. Sau lần đó, thằng bé ít nói lại càng lầm lì hơn. Mỗi khi đi học về đến nhà, nó chẳng thèm chào ai, cứ cắm cúi đi thẳng vào phòng và đóng sập cửa lại. Người lớn thường có nhiều biện pháp buộc trẻ phải nhượng bộ ý muốn của mình như dùng đòn roi, bỏ đói, giam cầm… Nhưng cuối cùng, người thất bại lại chính là cha mẹ chứ không phải con cái, bởi đó chỉ là sự đàn áp chứ không phải giáo dục. Chính những hành vi bạo lực kể trên đã hủy hoại sự phát triển cá tính của đứa trẻ.

* Thay vào đó là thái độ bình tĩnh và nét mặt vui vẻ:

- Bà mẹ cố gắng giải thích với cô con gái sáu tuổi khi nó cứ mãi ngồi ỳ ra đó với tô cơm chưa vơi hết một nửa: “Đã trễ lắm rồi. Con phải ăn nhanh để mẹ còn dọn dẹp và nghỉ ngơi nữa chứ. Mẹ còn rất nhiều việc phải làm chứ không thể chờ con mãi thế này đâu”. Chính việc đơn giản hóa của người mẹ trước thái độ cứng đầu của đứa con sẽ giúp nó biết suy nghĩ về sự cực nhọc của mẹ nó, để từ đó nó cảm thấy thương mẹ hơn và không muốn làm trái lời mẹ.

* Đôi khi cần tỏ ra thản nhiên trước thái độ của trẻ:

- Có một đứa trẻ vào độ tuổi lớp mầm lần đầu tiên phải xa cha mẹ của nó vì họ bận đi công tác trong hai ngày. Nó được gửi đến nhà dì ruột. Vào ban đêm, nó la khóc và một mực đòi về nhà với mẹ mà không chịu đi ngủ. Mặc dù người nhà đã ra sức dỗ dành những nó vẫn cứ khóc lóc ầm ĩ. Hết cách, họ bèn ra hiệu với nhau đừng chú ý đến nó và cứ lẳng lặng tắt đèn lên giường ngủ như thường lệ, chỉ chừa mỗi cây đèn ngủ nho nhỏ trong góc phòng. Thế là chỉ không đầy năm phút sau, đứa trẻ nín khóc rồi tự nhiên nó nhẹ nhàng mon men leo lên giường đòi ngủ cạnh dì của nó xem như chưa có điều gì xảy ra. Có những lúc đứa trẻ tỏ ra quá bướng bỉnh, nhưng nếu người lớn biết thản nhiên tự chủ thì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy, thay vì cứ phải giận dữ, bực dọc chỉ làm cho sự việc trở nên phức tạp mà thôi.

(Theo Webgiadinh)
http://thegioimevabe.com/Annoument.asp?ID=686
 
Top