Đồ rê mí: Đừng ép trái xanh phải chín

5,622
9
38

metyruoi

Active Member
(Nguoiduatin.vn) - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: “Áp lực thi thố có thể ám ảnh con trẻ suốt cả cuộc đời”.

Nhiều trẻ em bị “chín ép” hoặc phát triển sớm như trường hợp ca sĩ Xuân Mai đều chóng lụi tàn.

Những gương mặt ngây thơ trở nên già dặn với cách ăn nói, trả lời khuôn sáo khiến Đồ rê mí đang phải nhận nhiều ý kiến phản đối từ dư luận. Liệu sân khấu này có thực sự đang ươm mầm tài năng nhí như tuyên bố của ban tổ chức? Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội đã lý giải những vấn đề đang khiến Đồ rê mí bị chỉ trích trong cùng PV Người đưa tin.

Đồ rê mí quá dàn dựng quá nặng nề

Ông nghĩ gì về những chương trình dành cho thiếu nhi hiện nay?

Việc người ta khuyến khích các em nhỏ phát huy tài năng từ rất sớm là một việc rất tốt và quan trọng, đáng để chúng ta ghi nhận. Nhưng có hai điều tôi muốn các bậc phụ huynh lưu ý về mặt khoa học. Thứ nhất là những thiên hướng phát triển của các em liệu đã phản ánh đúng sở thích, năng lực thực sự của các em chưa? Hay đây chỉ là một sự áp đặt, tham vọng của người lớn nhưng lại mượn con cái mình để thực hiện.
Gameshow Đồ rê mí đang bị dư luận “ném đá” rất nhiều, phải chăng cũng vì sự áp đặt và tham vọng này?

Sau show hát ru vừa kết thúc, Top 6 của Đồ rê mí sẽ tiếp tục tham gia vào show diễn Nhạc kịch. Show diễn này sẽ được phát sóng vào tối chủ nhật (29/7). Trên một số diễn đàn, nhiều ý kiến đã bày tỏ độ khó của show diễn sắp tới có thể sẽ khiến các thí sinh nhí gặp nhiều áp lực, nhất là khi cuộc đua tranh hiện giờ chỉ còn tập trong vào 6 cái tên cuối cùng là Nhật Tiến, Bảo Trân, Gia Linh, Bích Hằng, Như Ngọc và Băng Giang.

Đồ rê mí là chương trình lớn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, đối với lứa tuổi thiếu nhi, việc dàn dựng công phu nhiều lúc gây nên sự nặng nề. Tôi thấy trong nhiều chương trình, trẻ em phải hát những bài hát quá khó, ăn mặc lòe loẹt, trang điểm cầu kì khiến các em trông già hơn so với tuổi. Theo khoa học, những thứ bị chín ép hoặc phát triển sớm quá đều chóng lụi tàn. Hơn nữa nó bị biến đổi, biến dạng. Trẻ con bây giờ dễ thành gà công nghiệp vì phải chịu tác động của những sự giáo dục cứng nhắc, lý thuyết. Đối với việc phát triển của trẻ, chúng ta cần có sự thăm dò chứ không thể làm một cách ào ào được. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại hoàn toàn ngược lại cho nên cần có những bài học cảnh báo dành cho phụ huynh.

Thích trở thành người nổi tiếng có phải là bệnh mới của trẻ em hiện nay không, thưa ông?

Đó không phải là bệnh của trẻ con mà là của người lớn. Rất nhiều bậc phụ huynh, từ ông bà đến cha mẹ, rất thích con mình được lên truyền hình để nổi tiếng. Nhưng đối với trẻ con, nổi tiếng quá sớm là một áp lực. Trong khi tuổi của chúng rất cần sự tự nhiên, thoải mái, không bị gò bó bởi bất cứ điều gì.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, trẻ nổi tiếng sớm thì sẽ thành công và thuận lợi hơn trên con đường phát triển sự nghiệp? Và tài năng thì nên được phát hiện để sớm tỏa sáng?

Chúng ta đang nhầm lẫn điều đó. Nổi tiếng quá sớm tức là đã đốt cháy giai đoạn phát triển. Nó có tạo nên những thuận lợi trong tương lai cho trẻ giống như bạn nói không? Trường hợp của bé Xuân Mai là một câu trả lời điển hình. Cô bé đó đã không phát huy được tài năng khi lớn. Sự nổi tiếng quá sớm đã khiến bé trở thành cái bóng của chính mình lúc còn nhỏ. Người ta chỉ nhớ đến một Xuân Mai lúc 3-4 tuổi chứ sau này, cô gái đó như thế nào, hát hò ra sao chẳng gây được ấn tượng gì.

Đừng ép trái xanh phải chín

Theo ông, tài năng đúng nghĩa nên hiểu như thế nào?

Một tài năng đúng nghĩa phải được phát triển theo đúng quy trình tuần tự của nó. Có như thế mới lâu bền được. Tài năng phát tiết được đến đâu thì chúng ta khích lệ đến đó chứ không thể bắt ép được. Đối với Đồ rê mí, tôi thấy tính giải trí của chương trình ngày càng kém đi. Các em tập tành rất mệt, lại thêm áp lực của thi thố cho nên hiệu quả mang lại có khi sẽ đi ngược với những mong muốn. Tổn thương của trẻ nhỏ, người lớn tưởng là đơn giản nhưng sự thực, đó sẽ là những cảm xúc ám ảnh các em cả một đời.

Khi phải chịu những áp lực, trẻ em thường gánh chịu những hệ quả gì?

Trong xã hội hiện đại này, câu cửa miệng của người lớn là sao bây giờ trẻ em sướng thế?. Sự thực chúng không sướng như ta nghĩ đâu. Trẻ em bây giờ thiếu không gian sống, không có một tuổi thơ đúng nghĩa như nhiều thế hệ trước. Chúng bị nhồi nhét từ A đến Z, từ ăn uống, đến học hành, thậm chí cả vui chơi. Tôi từng chứng kiến nhiều đứa trẻ bị bố mẹ bắt học nhiều quá đến nỗi thấy sách vở là sợ hãi, hoảng loạn. Có nhiều đứa, bố mẹ khoán hẳn cho ô sin. Suốt ngày cắm cúi, lầm lũi, học một mình, chơi cũng một mình nên sinh ra bệnh tự kỉ, ngại giao tiếp.

Đồ rê mí là chương trình dành cho thiếu nhi lớn nhất hiện nay những vô tình lại tạo nên mặt trái trong vấn đề định hướng phát triển cho trẻ em. Theo ông, chương trình này cần thay đổi những gì?

Thay đổi là việc của ban tổ chức. Nhưng theo tôi, báo chí và dư luận cần đưa ra những cảnh báo đối với các bậc phụ huynh. Đừng bao giờ áp đặt cho con cái bất cứ điều gì. Hãy để năng khiếu của chúng phát triển tự nhiên. Hãy để chúng sống đúng tuổi, đừng ép chín trái nó hãy còn quá xanh. Riêng chương trình Đồ rê mí, tôi nghĩ những người thực hiện nên để các em nhỏ hát những bài hát phù hợp với lứa tuổi của mình. Thay vì bắt cá em diễn thì hãy để trẻ được biểu lộ cảm xúc chân thật, tự nhiên nhất

Cám ơn ông đã chia sẻ!
 
1,251
0
36

Chíc chíc

Active Member
Ðề: Đồ rê mí: Đừng ép trái xanh phải chín

Đây cũng là suy nghĩ của em về chương trình này mấy năm gần đây. Chẳng biết có phải cái gu âm nhạc của mình nó đơn giản quá hay không mà em thích được nghe những bài hát thiếu quen thuộc, cảm giác nó trong sáng, hồn nhiên, ngây thơ đúng với tuổi "vô lo vô nghĩ" của các con hơn là bắt các con phải gồng mình khoác thêm cái áo "bác học" trong các tiết mục như hiện nay.
 
Top