Người vợ thận trọng trao đứa con còm nhom, ốm yếu vào vòng tay chồng đang quờ quạng. Đôi mắt mờ dại của anh cố chăm chú nhìn xuống cậu con đang khóc ngặt vì khó ở rồi dựng dậy hướng ra phía ánh sáng ngoài cửa sổ vỗ về, yêu nựng... Hình ảnh chăm con của đôi vợ chồng mù ở Nghệ An này khiến bất cứ ai trong phòng bệnh ở khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung Ương, Hà Nội cũng phải xúc động.
'Anh đứng yên ở gốc cây đi. Mẹ đang xuống rồi', Lê Thùy Dương nhẹ nhàng nói với chồng qua điện thoại để anh yên tâm. Không có tiền để ngày nào cũng vào thăm con được, nên dù có nhớ lắm nhưng cách ngày, anh Đậu Ngọc Xuân (27 tuổi) mới dám thuê xe ôm chở vào viện. Cả hai vợ chồng đều không nhìn thấy gì nên mọi việc đều nhờ cả vào bà nội.
Đã gần một tháng nay, vợ chồng anh Xuân, chị Dương ở Diễn Châu, Nghệ An, ở viện cùng cậu con 5 tháng Đậu Ngọc Kiên bị bại não và đa dị tật. Bệnh tật đeo bám bé Kiên khiến cháu chỉ còn nặng 4,3 kg. Ngày đưa con ra bệnh viện ngoài Hà Nội, hai vợ chồng mù ấy tự mò mẫn dắt díu nhau đi. Hai bên gia đình thương con, thương cháu nhưng cũng vì quá nghèo lại cũng ốm đau nên không ai đi ra cùng được.
Bị sốt đã mấy hôm nay, bé Kiên hay quấy và không chịu ăn.
Ngồi nói chuyện với phóng viên, người mẹ trẻ 25 tuổi tranh thủ đút từng thìa sữa cho con theo sự định hướng của mẹ chồng để khỏi chệch ra ngoài. Năm 2000, Dương gặp Xuân ở Trung tâm đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật Nghệ An. Chuyện tình yêu của hai người nảy nở như bao đôi lứa khác, ai cũng mừng nhưng không ai dám vun vén bởi sợ rồi cả hai sẽ khổ. Xuân ra trường trước Dương nên thỉnh thoảng lại tới thăm cô người yêu nhỏ nhắn, xinh xắn.
Không giống với Dương bị mù bẩm sinh, một mắt của Xuân không nhìn thấy gì từ năm lên ba. Tới khi 16 tuổi, mắt còn lại của anh vĩnh viễn không còn thấy ánh sáng. Thiệt thòi như vậy nên gia đình muốn con trai, con gái mình tìm một người mắt sáng yêu thương, để cuộc sống sau này bớt vất vả. Hai bên gia đình đã kịch liệt phản đối và tách hai người khi biết họ yêu nhau. Cả hai chỉ còn cách liên lạc với nhau bằng những lá thư viết bằng chữ nổi. Suốt nhiều năm trời yêu nhau như vậy, cuối cùng "trời không chịu đất thì đất phải chịu trời", năm 2008, hai gia đình đành đồng ý để đôi trẻ đến với nhau. Biết tin con gái sắp lấy chồng, mẹ Dương lặng người. Cô kể: "Mẹ em khóc và nói Sướng khổ phải cố gắng. Mẹ không thể sống mãi để đi theo giúp đỡ con được. Tự tin vào tình cảm của hai đứa nhưng không thấy gì nên em lo sẽ không làm tròn bổn phận làm dâu, làm mẹ".
Biết tin mình mang bầu, vợ chồng Dương hạnh phúc và hy vọng đứa con sẽ là chỗ nhờ cậy sau này. Lúc mới sinh ra, đứa bé nặng hơn 3kg. "Cháu trắng trẻo và bụ bẫm, ai cũng mừng cho vợ chồng em", cô hào hứng nói về cậu con nhỏ, thỉnh thoảng nhìn xuống con rồi khẽ vỗ cho bé ngủ. Đôi mắt người mẹ trẻ bắt đầu đỏ mọng và không ngăn được những giọt nước mắt. Kiên được 5 ngày tuổi mới phát hiện bé bị hở hàm ếch bẩm sinh. Nhìn con bị lấy máu xét nghiệm khóc thét lên đến ngất lịm, lòng cô quặn thắt. Dương quyết định ôm con về vì nghĩ rằng vậy là chẳng còn hy vọng gì nữa rồi. Lúc được ba tháng, mọi người phát hiện bé không hóng chuyện và cũng chẳng nhìn theo những cử chỉ của người khác. "Cháu lại thêm một căn bệnh về mắt. Ông Trời chẳng lấy đi tất cả của ai nhưng với vợ chồng em, như vậy là chẳng còn gì. Chán nản, nhiều lúc cả hai tự hỏi sao bất hạnh này lại rơi vào hai người mù. Bọn em chỉ mong kiếm được đứa con để cậy nhờ sau này, vậy mà... ", Dương bỏ lửng câu nói để lấy khăn lau vội nước mắt.
Cách ngày, anh Xuân lại đi xe ôm vào thăm con.
Phía ngoài cửa, người đàn ông cao ráo, trắng trẻo và thư sinh theo mẹ dò dẫm bước vào. Anh ngồi cạnh vợ, tay sờ soạng đứa con nhỏ âu yếm. "Mỗi lần đến đây mất 30 nghìn đồng nhưng nhớ con nên tôi vẫn liều tới. Bác sĩ bảo cháu có thể "ra đi" bất cứ lúc nào nên tôi muốn ở bên con nhiều hơn, tôi sợ mình vừa về, cháu lại... ", anh Xuân cúi đầu nhìn vô định, hai cánh mũi phập phồng chỉ chực khóc. Trước lúc ra Hà Nội, anh dự định đi bán tăm dạo khoảng hơn một tháng nữa để thêm tiền đưa con đi nhưng bạn bè khuyên nên cho cháu đi khám sớm nên anh đành gói ghém về quê. Buồn bã nhưng hai vợ chồng vẫn xác định tâm lý chấp nhận và luôn động viên nhau.
"Lúc vợ mới mang bầu, chúng tôi đi khám rất cẩn thận và không thấy có điều gì bất thường nên cũng yên tâm. Ai ngờ đâu", người cha trẻ ngậm ngùi. Dù không nhìn thấy con nhưng anh Xuân luôn cố gắng tưởng tượng hình ảnh con trai mình. Anh bảo, mọi người miêu tả và anh cũng bế, ôm, sờ cháu nên cũng hình dung phần nào. Anh chẳng dám đi làm xa vì lúc nào lòng cũng thấp thỏm, lo âu cho đứa con bệnh tật. Hiện tại, bé Kiên phải đợi tới khi một tuổi và tăng được 8 kg mới tiến hành mổ hàm ếch.
Ngồi lặng lẽ một góc nãy giờ là mẹ chồng của Dương, bà Lê Thị Thư (51 tuổi). Người đàn bà xứ Nghệ da ngăm đen hiền lành lại kiệm lời đành nhờ cậy người thân và hàng xóm chăm sóc đứa con gái bị tâm thần, con trai đau ốm ở nhà để ra chăm sóc vợ chồng anh Xuân mấy hôm nay. Cả gia đình năm người của bà chỉ trông chờ vào số tiền công một triệu đồng đi biển của chồng bà. Bản thân bà Thư cũng ốm đau triền miên, đứa con út lại đang đi học.
Tiễn khách ra về, bà đi theo như muốn tìm một chút đồng cảm. Bà muốn trải lòng sự bất lực và đau buồn không bao giờ dám thể hiện trước mặt con. Lúc này, bà mềm yếu và muốn suy sụp. Bà Thư bảo, những lúc nhìn anh Xuân bế bé Kiên, bố con gần nhau mà chẳng nhìn thấy nhau, bà lại cạn nước mắt. Không dám để con biết mình buồn nên dẫu chẳng nuốt được bà cũng dối rằng mình ăn rồi. Nói rồi, bà vội vã chạy xuống dưới mua suất cơm chiều. Bóng người đàn bà ấy nặng nề xách hai chai nước, một to một bé, cùng hộp cơm khuất sau dãy hành lang bệnh viện...
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ về chị Lê Thùy Dương, đang điều trị tại phòng 7 tầng 4 khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi TW Hà Nội. Điện thoại: 0989858646.
'Anh đứng yên ở gốc cây đi. Mẹ đang xuống rồi', Lê Thùy Dương nhẹ nhàng nói với chồng qua điện thoại để anh yên tâm. Không có tiền để ngày nào cũng vào thăm con được, nên dù có nhớ lắm nhưng cách ngày, anh Đậu Ngọc Xuân (27 tuổi) mới dám thuê xe ôm chở vào viện. Cả hai vợ chồng đều không nhìn thấy gì nên mọi việc đều nhờ cả vào bà nội.
Đã gần một tháng nay, vợ chồng anh Xuân, chị Dương ở Diễn Châu, Nghệ An, ở viện cùng cậu con 5 tháng Đậu Ngọc Kiên bị bại não và đa dị tật. Bệnh tật đeo bám bé Kiên khiến cháu chỉ còn nặng 4,3 kg. Ngày đưa con ra bệnh viện ngoài Hà Nội, hai vợ chồng mù ấy tự mò mẫn dắt díu nhau đi. Hai bên gia đình thương con, thương cháu nhưng cũng vì quá nghèo lại cũng ốm đau nên không ai đi ra cùng được.
Ngồi nói chuyện với phóng viên, người mẹ trẻ 25 tuổi tranh thủ đút từng thìa sữa cho con theo sự định hướng của mẹ chồng để khỏi chệch ra ngoài. Năm 2000, Dương gặp Xuân ở Trung tâm đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật Nghệ An. Chuyện tình yêu của hai người nảy nở như bao đôi lứa khác, ai cũng mừng nhưng không ai dám vun vén bởi sợ rồi cả hai sẽ khổ. Xuân ra trường trước Dương nên thỉnh thoảng lại tới thăm cô người yêu nhỏ nhắn, xinh xắn.
Không giống với Dương bị mù bẩm sinh, một mắt của Xuân không nhìn thấy gì từ năm lên ba. Tới khi 16 tuổi, mắt còn lại của anh vĩnh viễn không còn thấy ánh sáng. Thiệt thòi như vậy nên gia đình muốn con trai, con gái mình tìm một người mắt sáng yêu thương, để cuộc sống sau này bớt vất vả. Hai bên gia đình đã kịch liệt phản đối và tách hai người khi biết họ yêu nhau. Cả hai chỉ còn cách liên lạc với nhau bằng những lá thư viết bằng chữ nổi. Suốt nhiều năm trời yêu nhau như vậy, cuối cùng "trời không chịu đất thì đất phải chịu trời", năm 2008, hai gia đình đành đồng ý để đôi trẻ đến với nhau. Biết tin con gái sắp lấy chồng, mẹ Dương lặng người. Cô kể: "Mẹ em khóc và nói Sướng khổ phải cố gắng. Mẹ không thể sống mãi để đi theo giúp đỡ con được. Tự tin vào tình cảm của hai đứa nhưng không thấy gì nên em lo sẽ không làm tròn bổn phận làm dâu, làm mẹ".
Biết tin mình mang bầu, vợ chồng Dương hạnh phúc và hy vọng đứa con sẽ là chỗ nhờ cậy sau này. Lúc mới sinh ra, đứa bé nặng hơn 3kg. "Cháu trắng trẻo và bụ bẫm, ai cũng mừng cho vợ chồng em", cô hào hứng nói về cậu con nhỏ, thỉnh thoảng nhìn xuống con rồi khẽ vỗ cho bé ngủ. Đôi mắt người mẹ trẻ bắt đầu đỏ mọng và không ngăn được những giọt nước mắt. Kiên được 5 ngày tuổi mới phát hiện bé bị hở hàm ếch bẩm sinh. Nhìn con bị lấy máu xét nghiệm khóc thét lên đến ngất lịm, lòng cô quặn thắt. Dương quyết định ôm con về vì nghĩ rằng vậy là chẳng còn hy vọng gì nữa rồi. Lúc được ba tháng, mọi người phát hiện bé không hóng chuyện và cũng chẳng nhìn theo những cử chỉ của người khác. "Cháu lại thêm một căn bệnh về mắt. Ông Trời chẳng lấy đi tất cả của ai nhưng với vợ chồng em, như vậy là chẳng còn gì. Chán nản, nhiều lúc cả hai tự hỏi sao bất hạnh này lại rơi vào hai người mù. Bọn em chỉ mong kiếm được đứa con để cậy nhờ sau này, vậy mà... ", Dương bỏ lửng câu nói để lấy khăn lau vội nước mắt.
Phía ngoài cửa, người đàn ông cao ráo, trắng trẻo và thư sinh theo mẹ dò dẫm bước vào. Anh ngồi cạnh vợ, tay sờ soạng đứa con nhỏ âu yếm. "Mỗi lần đến đây mất 30 nghìn đồng nhưng nhớ con nên tôi vẫn liều tới. Bác sĩ bảo cháu có thể "ra đi" bất cứ lúc nào nên tôi muốn ở bên con nhiều hơn, tôi sợ mình vừa về, cháu lại... ", anh Xuân cúi đầu nhìn vô định, hai cánh mũi phập phồng chỉ chực khóc. Trước lúc ra Hà Nội, anh dự định đi bán tăm dạo khoảng hơn một tháng nữa để thêm tiền đưa con đi nhưng bạn bè khuyên nên cho cháu đi khám sớm nên anh đành gói ghém về quê. Buồn bã nhưng hai vợ chồng vẫn xác định tâm lý chấp nhận và luôn động viên nhau.
"Lúc vợ mới mang bầu, chúng tôi đi khám rất cẩn thận và không thấy có điều gì bất thường nên cũng yên tâm. Ai ngờ đâu", người cha trẻ ngậm ngùi. Dù không nhìn thấy con nhưng anh Xuân luôn cố gắng tưởng tượng hình ảnh con trai mình. Anh bảo, mọi người miêu tả và anh cũng bế, ôm, sờ cháu nên cũng hình dung phần nào. Anh chẳng dám đi làm xa vì lúc nào lòng cũng thấp thỏm, lo âu cho đứa con bệnh tật. Hiện tại, bé Kiên phải đợi tới khi một tuổi và tăng được 8 kg mới tiến hành mổ hàm ếch.
Ngồi lặng lẽ một góc nãy giờ là mẹ chồng của Dương, bà Lê Thị Thư (51 tuổi). Người đàn bà xứ Nghệ da ngăm đen hiền lành lại kiệm lời đành nhờ cậy người thân và hàng xóm chăm sóc đứa con gái bị tâm thần, con trai đau ốm ở nhà để ra chăm sóc vợ chồng anh Xuân mấy hôm nay. Cả gia đình năm người của bà chỉ trông chờ vào số tiền công một triệu đồng đi biển của chồng bà. Bản thân bà Thư cũng ốm đau triền miên, đứa con út lại đang đi học.
Tiễn khách ra về, bà đi theo như muốn tìm một chút đồng cảm. Bà muốn trải lòng sự bất lực và đau buồn không bao giờ dám thể hiện trước mặt con. Lúc này, bà mềm yếu và muốn suy sụp. Bà Thư bảo, những lúc nhìn anh Xuân bế bé Kiên, bố con gần nhau mà chẳng nhìn thấy nhau, bà lại cạn nước mắt. Không dám để con biết mình buồn nên dẫu chẳng nuốt được bà cũng dối rằng mình ăn rồi. Nói rồi, bà vội vã chạy xuống dưới mua suất cơm chiều. Bóng người đàn bà ấy nặng nề xách hai chai nước, một to một bé, cùng hộp cơm khuất sau dãy hành lang bệnh viện...
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ về chị Lê Thùy Dương, đang điều trị tại phòng 7 tầng 4 khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi TW Hà Nội. Điện thoại: 0989858646.