Đồng hành cùng con (VOV)

10,224
30
48

ALnML

Super Moderator
[h=1]Đồng hành cùng con[/h] (VOV) - Làm thế nào để con cái cảm nhận được, và coi mình là một người bạn thân thiết là điều không dễ và không phải bậc cha mẹ nào cũng làm được.
Những nghiên cứu tâm lý cho thấy, việc cha mẹ trở thành người bạn đồng hành cùng con cái sẽ tạo ra mối quan hệ thoải mái và hạnh phúc cũng như mang tính chất tương tác tích cực để có thể hỗ trợ con cái khi cần thiết.
TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học - Trường ĐHSP TP.HCM: Cha mẹ hãy nghiêng người xuống nhìn con mình
** Do ít con nên ngày nay nhiều ông bố bà mẹ quá cưng chiều con cái, không thiết lập được các giới hạn, không quản lý được, thậm chí bị phụ thuộc vào con. Điều này có ảnh hưởng tiêu cực ra sao tới sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, thưa tiến sĩ?
Trong giáo dục con cái, cha mẹ cần có sức mạnh để con cái tôn trọng, nể phục mình. Nể phục hay tôn trọng không có nghĩa là nể sợ và khiếp sợ. Khi con cái cảm nhận cha mẹ rất cần mình, con cái thường có khuynh hướng mè nheo hoặc ỷ lại, hay thậm chí là “trừng phạt ngược”, “đe dọa ảo”... Những biểu hiện ấy làm cho nhân cách của trẻ phát triển theo xu hướng tự phát hoặc theo xu hướng tính ích kỷ được đẩy cao và cái tôi trở nên thái quá... Khi những biểu hiện tiêu cực ấy được “nuôi dưỡng”, sự vô cảm và sự thiếu trách nhiệm sẽ trở thành người bạn đồng hành.
** Theo ông, những thiếu sót, sai lầm lớn nào các bậc phụ huynh ngày nay thường mắc phải?
Một số bậc cha mẹ ngày nay đã định hướng sai trong cách giáo dục con, không đầu tư thời gian để hiểu con và dạy con, thiếu hẳn những kiến thức về sự phát triển của con, thiếu hẳn sự quan tâm đến những thay đổi tâm lý của con… Đó là chưa kể đến một số kiểu hành xử rất cảm tính và có phần chủ quan khi cho mình cái quyền làm cha mẹ mà thiếu tôn trọng con hoặc xem con mình như một người lớn.

TS Huỳnh Văn Sơn trong một buổi trò chuyện với các ông bố bà mẹ về cách đồng hành cùng con cái (ảnh: Tuổi Trẻ)​
** “Bức tường lứa tuổi” có phải là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng cha mẹ và con cái không thể nói chuyện, chia sẻ được cùng nhau, thưa ông?
Sự khác nhau về nhận thức - lối sống - quan điểm sống và nhiều thứ khác sẽ làm cho mỗi nhóm người, mỗi độ tuổi nhìn nhận một vấn đề trong cuộc sống khác nhau. Cha mẹ cứ bắt con mình “phải là” mà không chấp nhận con mình “như là” thì sẽ tạo ra khoảng cách. Khi khoảng cách càng lớn sự sẻ chia càng khó khăn và đầy thách thức vì những mâu thuẫn hay những xung đột luôn chực chờ và đẩy căng mọi thứ.
** Vậy đâu là cách giáo dục hiệu quả nhất để cha mẹ và con cái dù “lệch tuổi” nhưng không “lệch pha”?
Để “lệch tuổi” mà không “lệch pha”, trước hết, cha mẹ phải sống thực và sống với những ký ức có chọn lọc. Hãy nghiêm khắc nhớ lại những gì mình đã trải qua để thông cảm và chia sẻ với con cái. Nếu cha mẹ biết nghiêng người xuống để nhìn con mình, biết nhìn con mình trong mối quan hệ với thực tế cuộc sống trong trạng thái thay đổi và lớn lên từng ngày thì sự lệch pha sẽ được giảm tải đáng kể.
** Để đồng hành cùng con cái trong cuộc sống, đòi hỏi những người làm cha mẹ cần có những kỹ năng gì?
Đồng hành cùng con cái là một trong những thách thức lớn đối với các bậc cha mẹ. Để có thể song hành với con, mỗi bậc cha mẹ cần có những kỹ năng: hiểu con, đồng cảm với con, biết lắng nghe con, biết chấp nhận con, động viên con… Rất nhiều kỹ năng nhưng tựu trung lại đó chính là khả năng hiểu con, chấp nhận con, biết chia sẻ và dung hòa trong mối quan hệ.
** Ngày nay, các chuyên gia về tâm lý thường khuyên các bậc phụ huynh hãy “Dạy con bằng kỹ năng thay bằng bản năng”. Xin tiến sĩ hãy nói rõ hơn về thông điệp này?
Dạy con bằng bản năng đó là dạy con bằng cái tình và dạy con bằng tâm tính của một người cha hay người mẹ. Nhưng dạy con bằng kỹ năng có sự tham gia đặc biệt của lý trí, có sự tham gia của nhận thức - sự hiểu biết và cả ý chí. Ví dụ, cha mẹ để con cái chọn một quyết định chưa vừa ý mình để con cái rút ra những bài học quý khi bài học ấy không quá đắt. Đó là dạy con bằng kỹ năng. Điều này thì cha mẹ cần phải học.
Ông Hà Trung Thành, Giảng viên Trường Cán bộ quản lý TP.HCM: Coi con như người bạn
Đa số các bậc cha mẹ thường không thể đối thoại với con em mình bởi cách mở đầu cuộc trò chuyện bằng những câu hỏi mang tính dò xét như: “Đi đâu giờ này mới về? Hôm nay được mấy điểm?”. Điều này vô tình tạo thành áp lực không đáng có cho con cái. Các bậc phụ huynh thường chú trọng vào vai trò của một người thầy chứ chưa đầu tư chu đáo cho vai trò của một người bạn khi ứng xử với con trẻ. Chúng ta nên biết, khâu mở đầu của cuộc đối thoại đóng vai trò rất quan trọng, nó quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình chuyện trò. Muốn con trẻ cởi mở, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là coi con cái như một người bạn. Hãy mở đầu câu chuyện bằng cách nói dí dỏm nhằm tạo không khí thân thiện, lúc đó không cần bạn khảo, tự các bé sẽ khai.

Ông Nguyễn Trung Đức, phụ huynh ở Đồng Hỉ, Thái Nguyên: Dành thời gian trò chuyện cùng con
Trẻ cần được lớn lên trong sự dạy dỗ, thương yêu của bố mẹ. Trẻ cần được bố mẹ dạy từ nhỏ, từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bạn hãy dành thời gian quan tâm tới con, giúp con biết cách ứng xử trong từng hoàn cảnh, tình huống nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Sự dạy dỗ của bố mẹ dần dần hình thành tính cách của trẻ. Con bạn lớn lên thành người như thế nào là do bạn dạy dỗ, bảo ban. Việc chủ động trò chuyện cùng con sẽ là “một vốn mười lời chứ không phải bốn lời” như ông bà ta thường nói. Hãy dành thời gian quan tâm tới con nhiều hơn, nếu không, các bậc cha mẹ sẽ phải gánh những hậu quả đáng tiếc.
Cô giáo Bùi Thị Loan, Trường THCS Hoàn Kiếm, Hà Nội: Cần đặt mình vào vị thế của trẻ
Theo tôi, cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con cái. Bởi cha mẹ là người gần gũi con cái nhất. Nếp sống gia đình, cách cư xử của cha mẹ ăn sâu vào tiềm thức con cái, tạo cho chúng thói quen, góp phần hình thành nhân cách chúng. Để cha mẹ và con cái gần gũi nhau, cha mẹ cần dành nhiều thời gian cho con. Bên cạnh đó, cha mẹ phải hiểu được tâm sinh lý của trẻ. Thế hệ trẻ ngày nay suy nghĩ khác thế hệ trẻ thời trước. Cha mẹ cần đặt mình vào vị thế của trẻ để hiểu chúng. Cha mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của mình cho con cái. Nếu cha mẹ áp đặt, bề ngoài chúng vẫn “gọi dạ bảo vâng” nhưng bên trong chúng sẽ sống thu mình vào thế giới riêng, tạo cho mình một vỏ bọc mà cha mẹ khó lòng xâm nhập. Và như thế, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái sẽ ngày càng lớn.
Đỗ Văn Linh, học sinh Trường PTTH Lý Thường Kiệt, Hà Nội: Không thể trò chuyện vì bố mẹ luôn áp đặt
“Cứ nói chuyện với bố mẹ thì em bị ức chế. Bố mẹ suốt ngày bắt em phải làm thế này, phải làm thế kia mà không quan tâm đến suy nghĩ của em. Bạn gái trong lớp gọi điện đến hỏi về bài vở thì bố mẹ tra khảo, rồi còn nghe lén điện thoại xem bọn em nói gì. Bố mẹ còn hay so sánh em với con cái của bạn bè. Ngay cả chuyện ăn mặc của em bố mẹ cũng can thiệp. Em lớn thế này rồi mà mỗi lần đi mua quần áo là bố đèo đi và mua theo ý bố. Xin đi sinh nhật bạn bè thì mẹ em đèo đi rồi đứng đợi ở cổng. Mới được 15-20 phút đã vào gọi về khiến chúng bạn chọc quê, mày là đứa trẻ mẫu giáo à? Từ đó em chẳng dám đi sinh nhật bạn bè nữa. Em đang học lớp 11, bố mẹ đã ấn định em phải thi vào Trường Kinh tế quốc dân, để ra trường dễ xin việc trong khi em thích khối kỹ thuật hơn. Bố mẹ luôn áp đặt nên đã từ lâu giữa em và bố mẹ không thể trò chuyện được”./.
Đức Hạnh - Thu Lan (Báo TNVN)
 
Top