ALnML
Super Moderator
Đừng trao thêm cực cho mẹ cha
SGTT.VN - Truyền thống chăm sóc cháu nội ngoại để đỡ đần cho con cái của người già ở Việt Nam là phổ biến. Thế nhưng, liệu con cái có nên lợi dụng điều này để trao thêm nỗi cực nhọc cho cha mẹ?
Vất vả cả đời
hình chỉ mang tính minh hoạ Ảnh: Hải Thanh
Sanh con đầu lòng mới chỉ hơn sáu tháng, chị Thanh – trưởng phòng quản lý dự án của một doanh nghiệp bán lẻ tại TP.HCM không ngần ngại các chuyến công tác xa, vắng nhà dài ngày. Nhiều đồng nghiệp ái ngại bảo con nhỏ, mẹ bận rộn lấy ai chăm sóc bé. Chị Thanh cho biết: “Ngay từ khi mang thai, mẹ chồng đã đề nghị bà sẽ nghỉ hưu sớm để chăm sóc và nuôi dạy cháu”.
Bà mẹ chị Thanh nói với cả hai vợ chồng: “Mẹ không trách các con nếu chỉ vì công việc quá nhiều mà không có thời gian lo cho con nhỏ, nhưng sau này khi các con lên làm ông, làm bà như bố mẹ bây giờ, các con phải làm như bố mẹ – là có trách nhiệm nuôi nấng cháu mình để lớp trẻ có cơ hội phấn đấu cho sự nghiệp”.
Bạn bè chị Thanh khi biết chuyện, đều ao ước có ông bà như thế. Nhưng bản thân chị Thanh lại ái ngại: “Mình để ông bà nuôi nấng và dạy dỗ cháu, là mình đã cam kết sẽ bước tiếp truyền thống này. Bây giờ mình đúng là rất thoải mái, nhưng chính mình cũng không rõ sau này, khi mình lên vai làm bà, liệu mình có chăm cháu như vậy được không?”
Chỉ nuôi con
Ngược lại, bà Thân, giám đốc một tập đoàn kinh doanh thực phẩm có trụ sở tại quận 1, TP.HCM nay đã ngoài 50 tuổi, nói với hai cô con gái đã trưởng thành: “Mẹ đã lo cho các con trọn vẹn tuổi thanh xuân, nên sau này khi về hưu mẹ sẽ không chăm cháu. Các con muốn có người đỡ đần thì phải chịu khó làm việc, kiếm đủ tiền thuê người giúp việc. Mẹ sẽ dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để tham gia vào những công việc mẹ yêu thích”.
Bà Thân bảo, nói trước để sau này khi có gia đình, các con bà sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ khi mẹ không giúp chăm cháu. Chồng bà Thân cũng đồng ý với quan điểm này, và ông bà đã lên kế hoạch mua đất, xây trang trại nghỉ dưỡng tại Đồng Nai để đến ngoài 60 sẽ về đó trồng cây, mở phòng nghiên cứu dinh dưỡng và ẩm thực chay…
Quan điểm của bà Thân cũng tương tự như của mẹ anh Tùng, một nhà báo, đang làm việc tại quận 1. Anh Tùng kể: “Mẹ tôi chỉ bế cháu nội một chút, ẵm bồng, hôn hít khi cháu sạch sẽ, còn lỡ cháu có tè ra thì bà trả cháu về cho bố mẹ thay”. Ban đầu vợ anh Tùng cảm thấy bà nội có vẻ không cưng cháu như bà ngoại, nhưng dần dà qua nhiều câu chuyện trao đổi, cũng hiểu được bà nội theo quan điểm cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi nấng và chăm sóc con, không dựa dẫm hay phó mặc cho ông bà.
Trách nhiệm của ai?
Cũng vì nghe cha mẹ tuyên bố sẽ không chăm cháu, mà ba người con của ông bà Thuỷ – Hạnh ở quận Tân Bình bảo với nhau thà ở vậy cho sướng, nuôi con khổ lắm. Những người này còn cho biết, trên mạng hiện nay đang có rất nhiều người đi làm, trao đổi với nhau ý kiến chọn cách sống độc thân, dành thời giờ cho sự nghiệp, bản thân và sống có ích cho xã hội, không cần phải lập gia đình riêng, không cần có con.
Ông Thuỷ đã mắng ngay: “Nếu cả xã hội ai cũng như các con là cách sống ích kỷ cho bản thân mình. Thử hỏi ngày xưa nếu cha mẹ không chấp nhận chịu cực, không chấp nhận sẽ hy sinh cho con cái thì ngày nay các con lấy đâu ra cơ hội có cuộc sống đủ đầy, được học hành tới nơi tới chốn”. Theo ông Thuỷ, có những người bạn của ông cả đời vất vả nuôi con, đến già lại nuôi cháu và xem đó là trách nhiệm, mà cũng là niềm vui với gia đình, với xã hội. Nhưng cũng có những người theo quan điểm 2/3 cuộc đời cho con, thì 1/3 còn lại phải dành cho bản thân.
Vợ ông Thuỷ cho rằng việc ông bà có nuôi cháu hay không, chẳng quan trọng bằng việc truyền cho con ngọn lửa gia đình hạnh phúc, để con cái duy trì nó qua nhiều thế hệ. Có giữ ngọn lửa đó, thì người trong cuộc mới thấy sự vất vả nuôi cháu, hay nuôi con đều hạnh phúc.
BÍCH THẢO
http://sgtt.vn/Loi-song/147116/Dung-...ho-me-cha.html