Giải quyết những vấn đề hành vi của trẻ

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Trong việc giáo dục trẻ, vấn đề hành vi là một yếu tố gây trở ngại rất nhiều trong việc tiến hành các biện pháp giáo dục, nó làm cho người chăm sóc trẻ không giữ được sự bình tĩnh, mất kiên nhẫn và giảm lòng tin vào những tiến bộ rất chậm mà trẻ có thể đạt được.

Vì vậy, ngay khi bắt đầu kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ, phụ huynh (hay giáo viên) cần áp dụng những biện pháp, kỹ thuật để giảm nhẹ những hành vi không phù hợp, và từng bước thay đổi các hành vi đó.

Chúng ta nên biết rằng, khi trẻ có những hành vi không phù hợp hay khó hiểu, chúng ta phải tìm ra lý do vì bất cứ hành vi nào của trẻ cũng có những nguyên nhân của nó. Thông thường, khi trẻ dở trò ( quậy phá, kêu khóc…) đó là cách tốt nhất để gây sự chú ý nơi mọi người vì trẻ đã không được chú ý khi có những hành vi tốt, hợp lý ( không nhận được sự khen thưởng động viên ngay lúc đó).

Chúng ta thường bỏ qua những hành vi ngoan ngoãn, nghe lời của trẻ vì cho đó là chuyện bình thường, nhưng khi trẻ quấy khóc thì chúng ta lại dỗ dành, trao cho một cái bánh, viên kẹo để đánh đổi lấy sự im lặng, và kết quả là trẻ sẽ luôn quấy khóc để được kẹo và sự dỗ dành.

Ngoài ra, trẻ có thể quậy phá vì những hạn chế về ngôn ngữ, trẻ không hiểu những gì người khác nói với mình và cũng không thể nói ra một cách đầy đủ để người khác hiểu rõ những nhu cầu của mình.

Rắc rối từ những mối quan hệ trong gia đình cũng là một nguyên nhân đưa đến những hành vi không phù hợp của trẻ, sự mệt mỏi, đau ốm của bố mẹ, những chuyện cãi cọ hay những buồn phiền khác sẽ có tác động mạnh mẽ lên tâm lý trẻ, làm cho chúng trở nên lo âu, hoảng sợ và sẽ phản ứng bằng việc kêu khóc, quậy phá…

Như vậy, khi muốn giảm thiểu các hành vi quậy phá, khóc lóc của trẻ chúng ta lưu ý đến các nguyên nhân kể trên và có những hoạt động sau:

Phụ huynh nên tạo mối quan hệ yêu thương và tin cậy với trẻ, chúng ta yêu thương chứ không chiều chuộng, và phải làm cho trẻ tin tưởng vào những lời nói và hành vi của bố mẹ. Chúng ta phải biết giữ lời hứa cũng như đừng để trẻ thất vọng.

Trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ rất cần sự kiên trì, mềm dẻo và có những quy định rõ ràng. Vì vậy, phụ huynh không nên tiếp xúc hay chăm sóc, dạy dỗ trẻ vào khi gặp sự buồn phiền bực bội vì rất dễ bộc lộ sự căng thẳng của mình cũng như sẽ có thái độ giận cá chém thớt và lúc đó, trẻ lại trở thành nạn nhân !

Phụ huynh không nên đánh đổi bằng quà bánh hay dỗ dành khi trẻ kêu khóc hay có những hành vi không đúng, mà chỉ nên khen thưởng khi trẻ làm tốt, còn đối với những hành vi không đúng, thì những lời nói ngắn gọn, cương quyết hay sự làm lơ, bỏ qua sẽ giúp trẻ mau chóng ổn định hơn.

Khi chúng ta làm lơ trước các hành vi sai trái, có thể điều đó làm cho trẻ gia tăng sự quấy khóc, nhưng nếu chúng ta không kiên trì “chịu đựng” trong một, hai lần đầu thì trẻ sẽ tiếp tục điều đó, ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh việc làm lơ, thì chúng ta phải tỏ ra quan tâm, khen thưởng và động viên trẻ ngay trong các hành vi đúng, sự chấp hành các yêu cầu của bố mẹ.

Theo CVTL Lê Khanh
 
Top