Giáo dục công dân bằng xe buýt

5,642
9
38

metyruoi

Active Member
Cách đây mấy chục năm, thời bao cấp, tôi có bà bạn là một nhà dân tộc học rất yêu Việt Nam, khẩn khoản đòi tôi cho đi một chuyến xe buýt để nếm mùi dân dã. Tôi đành chiều ý, cho bà đi một "cuốc" ngắn. Điều này khiến tôi mất mặt: xe cũ kỹ phun khói, bẩn thỉu, khách chen nhau, sực mùi hôi. Rồi tiếng xỉ vả nhau, hai thanh niên đấm nhau, can mãi mới được. Một tên ăn cắp móc ví một người khách nhẩy vọt xuống đường.

Tôi thường viết báo đối ngoại ca ngợi tinh thần cộng đồng của dân tộc ta đánh thắng Pháp, Mỹ, lúc này xấu hổ quá không dám nhìn bà bạn cùng đi!

Từ đó, tôi sợ xe buýt đến chết khiếp. Mấy tháng gần đây, dọn nhà ra ngoại vi Hà Nội, tôi buộc phải đi xe buýt. Một sự ngạc nhiên thú vị: vé xe có 3 nghìn, bằng 1/10 đi xe ôm. Xe lớn, lỡ chuyến chỉ đợi 15, 20 phút là có chuyến khác. Trong xe sạch sẽ, không huyên náo, hành khách khá nhiều là học sinh, người trung niên, thường lặng lẽ lên xuống trật tự. Văn minh nhất là khi thấy tôi là người có tuổi lên xe, bao giờ cũng có một người trẻ tuổi đứng dậy nhường chỗ cho tôi. Nếu chưa có ai đứng dậy thì người phụ xe can thiệp ngay. Khi tôi ra gần cửa chuẩn bị xuống, một cô gái ngồi gần cửa đứng ngay dậy, bấm ngọn đèn báo trước để xe dừng. Các phụ nữ đi kèm trẻ em đều được giúp đỡ tương tự. Thái độ người lái xe, phụ xe đúng mực. Tôi chỉ tiếc bà bạn Pháp nay đã mất, không đi cùng với tôi để chứng kiến cảnh tượng mới trên xe buýt.


Cần lấy văn hóa xe buýt để giáo dục công dân. Ảnh: VNN


Một dân tộc có quyền tự hào về những cái hay của mình, nhưng phải biết xấu hổ vì những cái dở. Dân tộc Việt Nam biết tủi nhục vì tám chục năm Pháp đô hộ nên mới làm Cách mạng Tháng Tám. Dân tộc Nhật biết tủi nhục vì thua trận nên mới trở thành cường quốc kinh tế. Tôi đương nghĩ miên man thì một anh bạn nhà báo đến dội cho gáo nước lạnh, cho tôi xem bài viết của anh, đại ý: Một bác nhà quê ra tỉnh đi xe buýt thử xem văn minh Hà Nội ra sao. Trước hết, phải đi bộ 2,5 cây mới có bến, vì ở trọ một xóm lao động. Xe vắng, vé rẻ, ngồi hoài mà chưa hết một cân thóc. Nhưng, sau lưng một số ghế lại viết những câu kinh khủng như: "Mẹ đứa nào ngồi chỗ bố mày đã ngồi!". Một lúc, bỗng nghe phụ xe hét: "Phạm Văn Đồng ra cửa nhé!", "Hoàng Quốc Việt ra cửa nhé!". Thì ra thời buổi văn minh sợ mất thì giờ, người ta quen nói tắt! Bác lại ngạc nhiên thấy một cô ngồi gần, mắt xanh mỏ đỏ chả biết là tây hay ta, miệng tí tởn thổi bong bóng kẹo cao su, thỉnh thoảng nổ đánh "pốp" một cái. Quả thật lạ mắt!

Bác nhà quê xuống một bến đợi đi xe khác xem sao. Bác hỏi một ông có tuổi, cavát chỉnh tề, cũng đợi xe:

- Cụ đi xe nào? Đợi lâu chưa?

- Tôi đi xe X. xuống Giáp Bát, đợi nửa tiếng rồi!

- Sao bảo cứ 15 phút có một chuyến?

- Ấy là người ta bảo thế, cụ ạ! Thiếu gì cái lý người Mèo. Tắc đường này! Tai nạn này! Nhưng bực nhất là các bố "giặc lái" hay tùy tiện. Đôi khi họ đợi nhau đi cùng... cho vui, nhất là buổi trưa, nhiều khi 4 xe cùng số chạy nối đuôi nhau, xe đầu chật ních, mấy xe sau vắng teo. Hình như họ hẹn nhau "so đũa" ở một cửa hàng quen!

Cuối cùng thì chiếc xe buýt được chờ lò dò đến, chậm 37 phút, xe chật "dã man" vì phải chứa một đống người đọng lại. Anh phụ xe tỉnh bơ, quát tháo. Bi kịch đã ập xuống đầu bác nhà quê. Tiền lẻ rơi mất, chỉ còn tờ 100 ngàn đồng. Anh phụ xe sừng sộ đuổi xuống. May ông bạn già mới quen chi tiền và mắng anh phụ xe vô lễ đối với người già. Mấy thanh niên ở quanh chẳng ai can thiệp hoặc nhường ghế cho hai cụ. Một cô gái rất diện giả vờ lim dim ngủ. Dưới đường, một thanh niên đi xe máy vượt ngang mũi xe, bác tài phanh cái kít, chửi "Tiên sư thằng chó đẻ! Lần sau ông chẹt chết tươi. Bất quá đền 50 triệu thôi chứ gì!" Hai cụ bước xuống. Vừa chạm chân mặt đường, xe đã chuyển bánh khiến bác nhà quê mất đà, suýt ngã.

Tại sao cùng xe buýt Hà Nội mà hai cảnh trái ngược nhau đến thế?

Phải chăng vì tôi may hơn anh nhà báo, tôi ít khi đi xe buýt, lại đi vào giờ vắng khách, đi ở trung tâm chứ không ở ngoại vi, gặp lái và phụ xe biết điều chăng?

Không phải là chính khách, tôi không dám bàn về vĩ mô. Tôi thiết nghĩ: có thể lấy trường hợp văn hoá xe buýt làm điển hình, rồi áp dụng cho nhiều trường hợp khác để giáo dục công dân một cách thực tế, thay cho những khẩu hiệu suông hay thi đua hình thức. Mọi biện pháp hãy xuất phát từ nhận thức đúng, giao thông thành phố cần có quyết tâm, tổ chức khoa học. Có thể trả lương cao một chút cho lái và phụ xe, nhưng nếu làm không được sẽ bị thay thế, nghiêm khắc thi hành quy định: nhường chỗ cho người già, trẻ em, thực hiện giờ giấc, trật tự, kỷ luật. Từ nếp văn hoá xe buýt đóng góp cho văn hoá công dân nói chung, sẽ nhân điển hình ra ở những ngành phục vụ công cộng khác. Sao cho bộ mặt thủ đô xứng với câu "chẳng thơm cũng thể hoa nhài" của người Tràng An.

Hữu Ngọc
 
Top