"Giật mình" về mẹ chú lính chì Thiện Nhân

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
GiadinhNet - Nhiều người đã biết, đã xúc động trước hành trình chữa bệnh đầy khó khăn của bé Thiện Nhân và người mẹ nuôi Mai Anh.



Bé Thiện Nhân và mẹ Mai Anh. Ảnh: TG

Tuy nhiên, ngày thường ở nhà, “chú lính chì” này được nuôi, dạy thế nào thì không phải ai cũng biết. Nếu chứng kiến, hẳn sẽ có người “giật mình” nhìn lại gia đình mình…

Sống phải biết sẻ chia



Bé Thiện Nhân (trái) và các anh nuôi.

Tôi đã biết mặt Trần Mai Anh qua các trang báo, nhưng khi gặp tôi vẫn không ngờ chị lại gầy đến thế. Chiều hôm đó chị đưa tôi về nhà, vừa mở cửa thì một “lũ nhóc” đã ùa ra đón chị. Chẳng khó để nhận ra “chú lính chì” Thiện Nhân. Bé nhảy lò cò một chân rồi dang hai tay ôm chầm lấy mẹ Mai Anh. Giây lát, Thiện Nhân ngước lên chào khách rồi tung tăng đùa nghịch cùng các anh trai của mình. Đứa con lớn của Mai Anh là Thiên Minh, hiện đang học lớp 6. Cậu bé thứ 2 là Hải Minh, đang học lớp 1, rất hay bị sốt. Thiện Nhân đang học lớp mẫu giáo lớn. Gia đình Mai Anh còn có thêm cậu bé 10 tuổi, là con của cô em gái chị. 4 đứa trẻ này cùng sống chung một mái nhà, cùng ăn, cùng học và cùng gọi chị Mai Anh bằng mẹ.

Mai Anh tự hào khi Thiện Nhân đã biết tự chăm lo cho mình. Ví dụ trước khi đi ngủ là bé biết tự gấp quần áo, hôm sau, khi ăn sáng xong là em tự mặc quần áo cho mình mà không cần sự giúp đỡ của mẹ hay các anh. Quần này thì mặc với áo kia, Thiện Nhân sắp xếp đâu ra đấy, các anh của chú cũng được mẹ dạy như vậy.

Chị Mai Anh thường bảo các con rằng, sống phải biết phân biệt người tốt, người xấu và phải biết chia sẻ, đừng ích kỷ, chỉ biết đến bản thân. Con chị áp dụng điều mẹ dạy... khá nhanh. Một hôm Mai Anh cho các con sang công viên Tuổi Trẻ chơi, chúng gặp một cậu bé lang thang chừng 13, 14 tuổi. Cậu bé đó nói với bọn trẻ: “Anh rất cần một bộ đánh giày để kiếm sống. Anh không tin có người nào lại khổ mãi. Một ngày nào đó anh khấm khá lên, lúc đó khi các em cần thứ gì mà mẹ không cho thì hãy đến tìm anh!”. Về nhà, Thiên Minh nghi ngờ bảo, sao anh ấy không có nhà, không được bố mẹ nuôi mà lại béo thế? Hải Minh suy đoán, anh ấy béo chắc vì hồi nhỏ ăn nhiều gạo nếp. Rồi Hải Minh thấy trời lạnh mà cậu bé lang thang không có áo ấm nên bàn nhau xin mẹ giúp. Tuy nhiên mấy anh em không biết cậu bé lang thang kia là “người tốt hay người xấu” nên cứ đùn đẩy nhau, không ai dám nói. Biết được câu chuyện, chị Mai Anh nói: “Con ạ, trời mùa đông thế này, không có áo thì người xấu, người tốt đều bị rét run như nhau. Không có chuyện người tốt thì rét ít mà người xấu thì rét nhiều hơn. Vì vậy trong trường hợp này các con không nên phân vân người đó là tốt hay xấu, miễn là giúp được thì nên giúp họ”. Được mẹ mở lối, mấy anh em xin ông ngoại quần áo ấm. Ông đã lục tung đống quần áo tìm ra những thứ phù hợp nhất để bọn trẻ mang cho cậu bé lang thang.

Còn bộ đồ nghề đánh giày thì Mai Anh nói, các con đều có tiền mừng tuổi, có thể tự quyết định cho “anh lang thang” vay hay cho luôn. Nếu cho vay thì anh ấy sẽ trả lại và sau đó có thể giúp đỡ được người khác, còn cho luôn thì con không thể có cơ hội để giúp ai nữa. Nói rồi Mai Anh chở Thiên Minh đi mua bộ đánh giày, sau đó để bọn trẻ hẹn nhau ở công viên, chị chỉ đứng từ xa quan sát, không can thiệp. Khi “giao dịch” đã xong xuôi chị mới gọi đứa trẻ đánh giày ra một chỗ khác, nói với cậu bé: “Cô cho con chơi với các em, nhưng chỉ yêu cầu một việc là con đừng bao giờ dạy các em làm những điều xấu”. Đứa bé đã hứa nên thi thoảng chị vẫn đưa các con ra công viên chơi và trò chuyện cùng cậu bé đánh giày.

Học để làm người tử tế


Bé Thiện Nhân sau ca mổ
Chị Mai Anh tâm sự, đối với trẻ con, sự sẻ chia cũng như lòng tốt đều có thể dạy và học được. Hồi Thiện Nhân mới về nhà chị, có rất nhiều điều chưa phù hợp với gia đình. Bọn trẻ nhà chị từ bé đã được rèn rũa, ví dụ có một đĩa đồ ăn, khi chỉ còn miếng cuối cùng thì bao giờ Minh bé cũng hỏi “mẹ ơi, mẹ có ăn nữa không?”. Chị sẽ bảo: “Mẹ không ăn nữa đâu, mẹ chán rồi”. Khi thấy mẹ nói “chán rồi” thì Minh bé mới ăn, còn mẹ nói “nhường con” thì Minh sẽ không ăn. Với Thiện Nhân thì khác, lúc đầu cậu có thể ăn hết phần mình và ăn luôn cả phần người khác. Hoặc có đồ chơi là bé giữ cho riêng mình. Nhưng bây giờ em đã khác, Thiện Nhân rất biết chia sẻ. Kể cả quà sinh nhật cũng vậy, Mai Anh không bắt các con phải chia, nhưng bọn trẻ vẫn chia đều cho nhau.

Chị Mai Anh kể, mỗi lần Thiện Nhân phải nhập viện là chị cho một đứa con vào chăm em. Khi chứng kiến em nằm viện, mổ xẻ thì chúng sẽ biết thương em hơn. Tết năm ngoái, Mai Anh không ở nhà cùng gia đình được vì phải đưa Thiện Nhân sang Italia phẫu thuật, dịp đó chị cho Thiên Minh “tháp tùng” em và mẹ ra nước ngoài. Minh lớn đã thức đêm cùng em, ngủ cùng em trên giường bệnh, giúp em đi vệ sinh. Các bác sĩ, y tá ở nước ngoài đã rất cảm động khi một đứa trẻ ngày đêm trông em, làm những công việc mà người lớn đôi khi còn ngại. Họ lại càng ngạc nhiên khi biết Thiện Nhân không phải là em ruột của Minh lớn.

Bé Thiện Nhân rất hiếu động.

“Bọn trẻ con nhà tôi, khi một đứa ốm thì mấy đứa còn lại đều xúm vào chăm sóc nhau. Đứa chườm trán, đứa lấy khăn ấm đắp, đứa lấy thuốc, thậm chí còn biết dọn dẹp khi anh hay em bị nôn. Tôi khuyến khích các cháu làm như vậy để sau này lớn lên chúng không ngại bẩn, ngại khó, để trong tâm hồn chúng lúc nào cũng tràn ngập tình yêu thương, sự sẻ chia – những đức tính không thể thiếu để làm người tử tế trong đời”.

Chị Mai Anh bảo, Thiện Nhân được như ngày hôm nay nhờ vào những tấm lòng tốt ở đời. Theo chị, trong cuộc sống, dù mạnh mẽ đến đâu thì ai cũng cần chỗ dựa. Đơn giản như ngày hôm qua thôi, chị đi làm về muộn thì đã thấy bố, mẹ mình tắm cho bọn trẻ, cho chúng ăn cơm. Đó là một chỗ dựa. Mai Anh còn nói một cách đầy chiêm nghiệm rằng, nhiều người bảo chị là chỗ dựa cho những đứa bé kia, nhưng ở một mặt nào đó, chúng cũng là chỗ dựa của chị. Tất cả mọi người trong cuộc đời này đều phải nương tựa vào nhau. Ai cũng có một chút gì đó của bản thân mình trong người khác.

Trước khi đến gặp Mai Anh, tôi đã rất xót xa cho Thiện Nhân, thấy số phận bé thật bất hạnh. Thế nhưng khi rời khỏi nhà Mai Anh, tôi thấy em cũng thật may mắn vì đã gặp được mẹ Mai Anh, được sống trong một gia đình giàu có về tình thương.


http://giadinh.net.vn/20120112033251396p0c1000/giat-minh-ve-me-chu-linh-chi-thien-nhan.htm
 
Top